Nhìn thẳng vào vực thẳm của chế độ nô lệ, cuốn tiểu thuyết xuất sắc này đã biến lịch sử thành một câu chuyện dữ dội và rúng động. Seth, nữ nhân vật chính, sinh ra là nô lệ, bỏ trốn tới Ohio, nhưng mười tám năm sau chị vẫn chưa được tự do. Chị vẫn còn quá nhiều ký ức về Mái Ấm, về cái nơi tươi đẹp đã từng xảy ra biết bao chuyện kinh hoàng. Và ngôi nhà mới của chị bị ám bởi một hồn ma, hồn ma của chính đứa con chị đã giết, đứa trẻ đã chết mà chưa kịp có tên, trên mộ bia chỉ đề Yêu Dấu.
Yêu Dấu không dễ đọc. Không đơn giản. Dĩ nhiên nó không hề dễ chịu. Đó là kiểu câu chuyện sẽ bóp nghẹt rồi làm tan nát trái tim ta rất lâu trước khi đưa ra bất cứ dấu hiệu nào xoa dịu. Nhưng rồi, sau tất cả những ác nghiệt của số phận và của lòng người, sau đòn roi, sau hàm sắt, sau những xác người lủng lẳng trên cây không đầu không chân, những bạo lực cực đoan, những chuyến tàu chở nô lệ nơi người da đen ngày ngày chết đi rồi bị vứt xác xuống biển, Yêu Dấu vẫn là câu chuyện đẹp đẽ về sự kiên cường của tinh thần con người, về tình yêu và hy vọng, về khát vọng - khát vọng sống và tự do - mãnh liệt, bạo liệt vô cùng.
Xem thêm
Toni Morrison có lẽ được biết đến nhiều nhất với cuốn tiểu thuyết bán chạy nhất của bà mang tên Yêu Dấu. Cuốn sách đã giành giải thưởng Pulitzer năm 1988, được chuyển thể thành phim năm 1998 với diễn viên chính là Oprah Winfrey. Câu chuyện kể về Sethe, một nô lệ trốn thoát đến Ohio vào những năm 1870. Dù được tự do, cô vẫn luôn thấy mình bị ám ảnh bởi những tổn thương trong quá khứ và những bóng ma của thời kỳ nô lệ kinh hoàng. "Yêu Dấu được viết bằng một thứ văn xuôi không cực đoan, vừa giàu có, duyên dáng, kỳ lạ, thô ráp, trữ tình, tội lỗi, vừa thông tục và đi thẳng vào nhiều vấn đề”, Margaret Atwood đã viết trong một bài phê bình năm 1987 cho tờ New York Times như thế.