Nhìn thẳng vào vực thẳm của chế độ nô lệ, cuốn tiểu thuyết xuất sắc này đã biến lịch sử thành một câu chuyện dữ dội và rúng động. Seth, nữ nhân vật chính, sinh ra là nô lệ, bỏ trốn tới Ohio, nhưng mười tám năm sau chị vẫn chưa được tự do. Chị vẫn còn quá nhiều ký ức về Mái Ấm, về cái nơi tươi đẹp đã từng xảy ra biết bao chuyện kinh hoàng. Và ngôi nhà mới của chị bị ám bởi một hồn ma, hồn ma của chính đứa con chị đã giết, đứa trẻ đã chết mà chưa kịp có tên, trên mộ bia chỉ đề Yêu Dấu.
Yêu Dấu không dễ đọc. Không đơn giản. Dĩ nhiên nó không hề dễ chịu. Đó là kiểu câu chuyện sẽ bóp nghẹt rồi làm tan nát trái tim ta rất lâu trước khi đưa ra bất cứ dấu hiệu nào xoa dịu. Nhưng rồi, sau tất cả những ác nghiệt của số phận và của lòng người, sau đòn roi, sau hàm sắt, sau những xác người lủng lẳng trên cây không đầu không chân, những bạo lực cực đoan, những chuyến tàu chở nô lệ nơi người da đen ngày ngày chết đi rồi bị vứt xác xuống biển, Yêu Dấu vẫn là câu chuyện đẹp đẽ về sự kiên cường của tinh thần con người, về tình yêu và hy vọng, về khát vọng - khát vọng sống và tự do - mãnh liệt, bạo liệt vô cùng.
Xem thêm
Khi bắt đầu đọc, tôi nghĩ Toni Morrision là một nhà văn nam và là người da trắng, đọc xong tác phẩm mới biết bà là người da đen. Phát hiện này khiến tôi kinh ngạc, một người phụ nữ da đen lại có thể viết nên một tác phẩm lớn thế này, lại có thể đoạt giải Nobel văn học!? Nhưng đồng hành cùng sự cảm thán này, là bức chân dung về chính tôi với những định kiến luôn tồn tại bên trong tôi, phải chăng tôi sẽ khó mà tin rằng phụ nữ hoặc người da đen sẽ làm nên những điều lớn lao? Ấy thế mà tôi vẫn tự hào rằng mình luôn sống theo lẽ công bình từ tận ý nghĩ.
Tôi không thích người da đen, không phải vấn đề phân biệt chủng tộc, mà do cái nhìn mang tính thẩm mỹ, họ không đẹp khi nhìn hoặc thấy trong bộ phim nào đó. Từ việc không thích sẽ tạo cho ta tâm lý ghét bỏ, chê cười, khinh khi và sau cùng là đánh giá thấp về toàn bộ con người họ. Nếu biết tác giả là người da đen, viết về câu chuyện của người da đen thì chắc tôi sẽ không đọc, vì tôi lười đọc về đề tài này, nó thường khổ đau và tăm tối, mà tôi thì thích niềm vui và sự rực rỡ. Nhắc nhiều đến từ “da đen” để soi cho rõ con người tôi, sau mỗi tác phẩm có giá trị, là bản chất cái tôi của mình bị phơi ra ánh sáng với những góc cạnh xấu xí của nó, chúng phải được gọt dũa mọi lúc mọi nơi, phải luôn tự nhắc nhở mình, rằng đừng để cái hình thể bên ngoài che mất cái giá trị ẩn dấu bên trong.
Khi chúng ta đọc sách, ta ít bị cái đẹp xấu của bên ngoài tác động, cái mà chúng ta nhìn thấy là câu chuyện về những thân phận con người, nhìn thấy niềm vui lẫn nỗi đau của họ, để sau đó hiểu rằng chúng ta phải sống thế nào cho xứng đáng. Tác phẩm Yêu Dấu khó đọc và khó hiểu, nhưng nên đọc và cần hiểu. Và cũng vì “khó đọc” nên bài viết của tôi cũng khó thành một thể liền lạc, nó sẽ gồm nhiều mảng suy nghĩ và cảm xúc rời rạc.
Sethe là nữ nô lệ chạy trốn từ Mái Ấm – trang trại từng một thời là nơi mà họ được đối xữ gần như con người, nhưng mọi thứ đã khác khi người chủ cũ chết đi. Với người chủ mới, ông ta nhìn họ như những con thú mà ông ta sẽ nuôi dưỡng, khiến “chúng” làm việc, rồi gây giống để trang trại ngày càng phát triển. Trong mắt ông ta thì Sethe chỉ như “con thú cái” có thể sinh ra đám “thú con”, khi có “thú con” thì ông có thể nuôi “chúng” hoặc bán đi, ông ghi chú kỹ lưỡng vào sổ tay những đặc điểm giống thú và giống người của cô cùng tất cả những nô lệ còn lại của ông. Đa số con cái của chủ da trắng lớn lên nhờ vào dòng sữa của các phụ nữ da đen, nhưng trong mắt họ, sữa đó cũng chẳng khác chi của bò hay dê, mà bò hoặc dê thì khi cần tiền vẫn có thể bán đi.
Nói thật! tôi không làm sao nói hết cái nỗi đau của mình khi đọc tác phẩm này. Nô lệ là “chúng ta”, những tên chủ nô cũng là “chúng ta”, chúng ta – con người là tất cả những thứ đó, là kẻ bị đày đọa, là sự ương hèn, là thân phận không được thừa nhận, là tham lam, là độc ác, là mất nhân tính, là tình yêu, là dũng cảm, là nhà tù và giá treo cổ, là bà mẹ yêu con đến nỗi muốn giết hết chúng để chúng không bị xem như những con thú, là những đứa trẻ bị tách rời khỏi mẹ sau khi sinh ra và chẳng biết cha là ai.
Yêu Dấu – con ma, linh hồn của đứa trẻ đã chết khi vừa mới biết bò. Những suy nghĩ của Yêu Dấu trong phần cuối tác phẩm khiến tôi bối rối khó hiểu. Nhưng ở cái tuổi vừa mới biết bò thì nó thấy gì và hiểu gì? khuôn mặt mẹ nó là của nó, là khuôn mặt nó; nó cười và mẹ nó là tiếng cười mà nó nghe; cái chết chỉ là khi nó không còn nhìn thấy khuôn mặt “của nó” (mẹ nó) nữa; ranh giới giữa sống và chết như một làn nước mỏng phân làm 2 vùng cách biệt, vài lần nó thấy khuôn mặt “của nó” thấp thoáng gần làn nước nhưng rồi lại biến mất (có lẽ đó là khi Sethe tưởng chừng như sắp chết).
Yêu Dấu không biết gì nhiều nhưng nó yêu mẹ của nó , và biết mẹ của nó yêu nó, nó còn chưa hiểu sự tách biệt giữa thực thể nó và mẹ nó, nó vẫn đồng nhất nó và mẹ là một. Yêu Dấu là tình yêu thuần khiết nhất trên thế gian và khi tình yêu vừa mới đặt chân đến thế gian. Lại một lần nữa trong cực ít lần mà tôi cảm nhận được thứ tình yêu có thể vượt qua ranh giới về thời gian và sự sống – chết. Trong thứ tình yêu bất tử và lớn lao này không hề có lý trí, không phán xét, không định kiến, chỉ có nỗi khát khao được hòa làm một.
Yêu Dấu là con ma, nhưng cũng là tình yêu và nỗi đau của Sethe. Yêu Dấu không biến mất khi tình yêu và nỗi đau không biến mất. Yêu Dấu không làm hại ai dù nó phá phách xung quanh chị, theo cách nào đó thì nó đang bảo vệ chị khỏi những thứ kinh tởm ngoài kia – cái thế giới lạnh lùng, phản trắc và tị hiềm của con người.
Baby Suggs – bà thánh, một nô lệ được tự do nhờ vào đứa con trai biết thương mẹ. Bà tin vào sự tốt đẹp của thế gian, bà mang niềm tin đó đến cho mọi người, bà giúp những nô lệ hiểu cách làm một con người là thế nào, nhưng sau sự kính trọng mà họ dành cho bà thì họ đã làm bà thất vọng bằng tính nhỏ nhen của họ.
Bởi sự nhỏ nhen và ganh tị, họ gián tiếp trả cho bà cái chết của đứa cháu vừa biết bò, đó phải chăng là cái kết quả đáng mong đợi sau những gì bà đã cho họ? Niềm tin của bà tan rã sau sự kiện ấy, khi ta hy vọng càng nhiều vào con người thì ta thất vọng càng lớn về họ. Bất cứ thứ gì tốt đẹp trên thế gian, là bà thánh, hay tình yêu, tự do, bình đẳng…nếu không được tôn trọng và bảo vệ thì chắc chắn sẽ biến mất và lụi tàn. Người ta luôn có cơ hội để nhận lấy sự tốt đẹp, nhưng bản thân họ phải xứng đáng với nó.
Garner – ông chủ tốt bụng, ông đã xây dựng một “mái ấm” thật sự, ông dạy những nô lệ có tư duy nô lệ được trở thành người đàn ông thực thụ, ông giúp họ hiểu cái cảm giác được tôn trọng và tin tưởng như một con người. Nhưng họ vẫn còn ngây thơ quá đỗi, khi không hiểu rằng điều họ đã nhận được là quý giá thế nào. Buồn cười ở chỗ không chỉ họ, mà tất cả chúng ta đều thế, cho đến khi mất đi hoàn toàn thì mới chịu hiểu.
Giờ chúng ta tạm đặt lòng tốt của ông qua một bên, để tự hỏi một điều rất quan trọng mà tác giả muốn truyền đạt “liệu việc chúng ta là một con người thì do chúng ta tự khẳng định hay là sự ban phát từ người khác?”, nếu là chúng ta tự khẳng định thì chúng ta phải biết đấu tranh cho nó và bảo vệ nó, còn nếu xem là sự ban phát thì hạnh phúc hoặc khổ đau sẽ mãi mãi phụ thuộc vào kẻ khác. Bởi tự do là sự ban phát của ông chủ tốt bụng Garner nên khi ông mất đi, Mái Ấm không còn là mái ấm mà trở thành địa ngục. Mái Ấm là nơi chất chứa nhiều hạnh phúc nhất cũng như nhiều đau đớn nhất đối với những con người nô lệ từng ở đó.
Trong tác phẩm có một hình ảnh khiến tôi xúc động, đó là vết sẹo hình “cây” sau lưng Sethe, một cây đang nở hoa, là biểu tượng của nỗi đau, sức mạnh và sự sống. Không có gì chân thật hơn và rõ ràng hơn cho cái tinh thần được dập thành một hình hài in trên da người, dù bản dập ấy đến từ sự tàn ác, mà thường thì chỉ có sự tàn ác mới lưu lại dấu vết của chính nó, nhưng bản thân cái dấu vết ấy lại là sự minh chứng hùng hồn nhất về cái đối lập với nó, minh chứng cho sự sống.