Tập truyện ngắn "Đôi mắt" gồm 15 tác phẩm tiêu biểu trong giai đoạn sáng tác từ 1941 - 1950 của Nam Cao, bao gồm: Đôi mắt (1948), Chí Phèo (1941), Giang sáng (1942), Đời thừa (1943), Tư cách mõ (1943), Một bữa no (1943), Trẻ con không được ăn thịt chó (1942), Mò sâm banh (1945), Dì Hảo (1941), Xem bói (1943), Nhật ký ở rừng (1948), Ma đưa (1941), Con mèo (1942), Đợi chờ(1948), Trần Cừ (1950).
Chỉ với 15 năm cầm bút, Nam Cao đã để lại một văn nghiệp đồ sộ với 2 tiểu thuyết, 50 truyện ngắn, bút ký…, trong đó có những nhân vật như lão Hạc, Bá Kiến, Thị Nở, Chí Phèo, Hộ, Độ, Hoàng … là những hình tượng không thể phai mờ trong tâm trí người đọc nhiều thế hệ.
Ông đã được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học, Nghệ thuật (đợt 1, 1996) cho các tác phẩm: Nhật ký ở rừng, Đôi mắt (truyện ngắn), Sống mòn (tiểu thuyết), Truyện ngắn chọn lọc (xuất bản năm 1964), Chí Phèo (truyện ngắn), Nửa đêm (truyện ngắn).
Xem thêm
Nam Cao không chỉ là một nhà văn hiện thực xuất sắc, mà còn là một người tiên phong trong việc thay đổi tư duy nghệ thuật. "Đôi Mắt" thể hiện rất rõ quan điểm của ông về vai trò của văn chương trong xã hội mới.
Tác phẩm phản ánh sự chuyển biến từ văn học lãng mạn, tiểu tư sản sang văn học hiện thực cách mạng. Nhân vật Hoàng đại diện cho lối viết cũ kỹ, xa rời thực tế, chỉ biết than vãn và trốn tránh trách nhiệm với đất nước. Trong khi đó, Độ là hình mẫu của một nhà văn cách mạng, sẵn sàng rời bỏ cuộc sống an toàn để đi theo nhân dân, chiến đấu vì lý tưởng lớn.
Qua đối thoại giữa Hoàng và Độ, Nam Cao gửi gắm thông điệp: Nhà văn không thể đứng ngoài cuộc cách mạng. Văn học không chỉ để phản ánh hiện thực mà còn phải góp phần thay đổi hiện thực, hướng con người đến những giá trị chân chính.