Đó là những kỷ niệm thời đi học của Chương, lúc mới bước chân vào Sài Gòn và làm quen với cuộc sống đô thị. Là những mối quan hệ bạn bè tưởng chừng hời hợt thoảng qua nhưng gắn bó suốt cuộc đời. Cuộc sống đầy biến động đã xô dạt mỗi người mỗi nơi, nhưng trải qua hàng mấy chục năm, những kỷ niệm ấy vẫn luôn níu kéo Chương về với một thời để nhớ.
Xem thêm
Cái hay trong những câu truyện của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh luôn là sự giản dị và chân thật. Đó là cuộc sống rất đỗi bình thường của Chương, Lan Anh, tình cảm chân thành của Quỳnh hay tính cách dữ dội của Trâm và Kim Dung. Những tình tiết trong câu truyện vô cùng thường nhật, dễ thấy nhưng khi Nguyễn Nhật Ánh đưa vào truyện lại trở nên thi vị và đầy suy ngẫm. “Còn chút gì để nhớ” gợi cho người đọc về những ký ức thời sinh viên với những đứa bạn lầy lội như Bảo, Kim Dung, về quãng thời gian chật vật, thiếu thốn trong chiến tranh và cả những hậu quả đau lòng của nó không chỉ về vật chất mà còn cả tinh thần. Đoạn kết của truyện chứa đầy những sự bất ngờ và đem lại nhiều cảm xúc cho người đọc. Suy cho cùng, kỉ niệm luôn đáng để trân trọng nhưng đầy nỗi day dứt, tiếc nuối. Chắc hẳn nhiều người đọc sẽ rơi nước mắt khi đọc những trang cuối đầy cảm xúc day dứt và ám ảnh của câu truyện. Đây hứa hẹn là cuốn sách để lại ấn tượng sâu đậm nhất trong tất cả các truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Ngôn từ bình dị, không hoa mỹ, tình tiết và mạch truyện chậm rãi, có lúc cao trào đem lại những xúc cảm khó quên và trên hết là cốt truyện rất quen thuộc, dễ dàng bắt gặp trong cuộc sống vì thế nên có thể chạm đến trái tim của mỗi người đọc.