Giữa rừng già Nam Mỹ, một chú chó được xua đi săn đuổi một thổ dân da đỏ. Trên đường lần theo dấu kẻ trốn chạy, chú chó dần nhận ra mùi của những thứ mình đã đánh mất: mùi củi khô, mùi bột mì, mùi mật ong,… và rồi mùi người anh em của mình. Chú chó nhớ lại tất cả những gì những Con người của Đất từng dạy cho nó: cách tôn trọng thiên nhiên, biết ơn mẹ đất, sống hòa hợp với vạn vật và đặc biệt cái tên của nó, Afmau - theo tiếng thổ dân nghĩa là Trung thành.
Với tài năng kể chuyện vô song, Luis Sepúlveda biết cách tôn vinh những tình cảm cổ xưa, cao quý một cách sống động, để lại những ấn tượng khó quên về thế giới của người Mapuche, về mối gắn kết của họ với thiên nhiên vĩ đại.
Xem thêm
Mẩu chuyện nhỏ về người bạn đặc biệt của con người. Biết đến tác giả Luis Sepulveda qua “Chuyện con mèo dạy hải âu bay”, rồi “Chuyện con ốc sên muốn biết tại sao nó chậm chạp”, “Chuyện con mèo và con chuột bạn thân của nó”, mình đã rất thích văn phong kể chuyện gần gũi thiên nhiên, am hiểu động vật của tác giả nên đã không ngần ngại mà mua luôn quyển này. “Chuyện con chó tên là Trung Thành” kể về một chú chó nhỏ bị lạc, rồi được một bộ lạc da đỏ – mà chú chó gọi là những Con người của đất – nhận nuôi, đặt tên là Afmau, có nghĩa là trung thành, chung thủy. Rồi trong một trận càn quét của Wingka, bọn người ngoại lai, làng xóm bị phá nát, chú chó bị bắt đi. Bị xiềng xích, bị đánh đập, bị ép buộc làm trò mua vui, bị dùng làm công cụ hỗ trợ đi săn, nhưng lúc nào chú cũng canh cánh nhớ về cậu bé người da đỏ đã cưu mang và lớn lên cùng mình, nhớ về những tháng ngày tự do giữa lòng bộ lạc.
Rồi một ngày chú chó bị bắt đánh hơi bắt một tên da đỏ về. Đó chính là chú bé mà chú mong nhớ bao lâu nay, mùi hương gợi nên ký ức mà cậu luôn nhớ. Cậu đã làm trái lời của đám người ngoại lai đó mà đi theo tiếng gọi nơi con tim mình, tiếng gọi của lòng trung thành, của đất mẹ, của thiên nhiên.
Nội dung truyện không phải quá đặc sắc hay ly kỳ hấp dẫn, mà truyện lôi cuốn bởi cách kể dung dị, mộc mạc. Đọc mà mình cảm nhận được cái mênh mông, cái lớn lao kỳ vĩ giữa lòng thiên nhiên, lòng biết ơn mà con người phải dành cho đất mẹ, cho thiên nhiên.
Đặc biệt có những đoạn rất đáng suy ngẫm, như “Kiếm được một con chuột núi chẳng phải điều khó khăn gì đối với tôi (chú chó), nhưng trước khi ăn tôi cũng rên ư ử để xin lỗi vì phải dùng thân thể bạn để thỏa cơn đói của mình. Tôi ăn vừa đủ sức mình, phần còn lại của con chuột núi có thể là bữa tiệc thịnh soạn cho đại bàng con, và biết đâu đấy, khi nó trở thành đại bàng mẹ và đang bay lượn trên bầu trời thì ổ trứng của nó sẽ lại thành mồi ngon cho một con chuột núi khác”.
Hay “Họ đã muốn đặt cho tôi mấy cái tên kì cục như là Đội trưởng , hay là Boby, nhưng tôi chẳng bao giờ nghe lời khi bị gọi bằng những cái tên ấy và họ đành gọi tôi là Chó. Tôi chỉ có một cái tên duy nhất, là Afmau, bởi đó là cái tên mà những Con người của Đất đã gọi tôi”