Gatsby đã chết rồi. Ông đã chết vì nhát súng của George Wilson - một người đàn ông khốn khổ và căm hờn, một con rối bị giật dây bởi xã hội vô luân và xa hoa. Ông đã chết vì “đống đổ nát bừa bãi” của những kẻ thờ ơ để lại. Gatsby đã chết vì vỡ mộng. Những gì còn lại từ giấc mộng huy hoàng thuở trước là sự quên lãng - “một cõi mới, vật chất mà không thật, nơi những bóng ma tội nghiệp, sống bằng những giấc mơ chứ không phải khí trời, chập chờn bất chợt khắp xung quanh”. Nhưng câu chuyện thảm thương về Gatsby không thể chết đi được, bởi Fitzgerald đã ghì bút viết giữ nó, đau đớn và kiên quyết, để khẳng định rằng giấc mơ Mỹ đã chết, để gào lên với con người mộng tưởng trong ta về một thực tại khắc nghiệt bủa vây biết bao tâm hồn lãng mạn ngây thơ. Bởi khi viết “Đại gia Gatsby”, F. Scott Fitzgerald biết ông đang kể chuyện về tâm hồn vĩnh cửu của loài người. Mà tôi tin rằng, sự thấu rõ lòng người nhất chỉ có nghệ thuật, có văn chương mang lại.
Được xuất bản đầu tiên vào tháng 4 năm 1925, tác phẩm là tiếng kêu đau nhói trước sự biến thiên của thời đại, khi dòng nhạc Jazz hân hoan len lẫn vào những cuộc tiệc tùng hoang phí và những phép so vàng bạc danh vọng. Đó là “những năm hai mươi ồn ào”, kinh tế Mỹ phất lên nhanh chóng từ cuộc chiến thứ nhất đẫm máu, song sự suy thoái đạo đức xã hội đương thời chỉ khiến các thành viên từ “thế hệ mất mát” càng thêm kiệt sức trong nỗ lực hòa nhập. Fitzgerald cũng là một thành viên từ “thế hệ mất mát”, bước ra từ chiến tranh đau thương, ông tin tưởng vào xã hội thịnh vượng đón chờ, nhưng tình yêu vô vọng với nàng Zelda mỹ miều xa hoa đã giáng vào giấc mơ trong ông một sự thật phũ phàng: giấc mơ Mỹ là một ảo ảnh. Những định kiến về ranh giới không thể nào xóa bỏ. Từ nỗi đau thời đại, ông xót xa cho bi kịch loài người - bi kịch của những kẻ giàu mộng tưởng, bi kịch của sự lãng quên. Đó là lời ca tụng xót xa quý ông Gatsby thanh lịch, là lời ngụ ý châm biếm tầng lớp quý tộc thượng lưu – khi nàng thơ Daisy là hiện thân sự yếm thế và trống rỗng, lấy nguyên mẫu từ Zelda xinh đẹp. Song kể bao nhiêu cho hết những tư tưởng Fitzgerald muốn bày tỏ, viết về “Đại gia Gatsby”, tôi chỉ mong mình chạm được bút vào tâm tư sâu kín để tìm chút đồng điệu với nhà văn.
Nhà văn Mỹ Fitzgerald đã viết về sự giả dối của giấc mơ Mỹ - thuật ngữ được định hình đầu tiên trong bản tuyên ngôn độc lập của Hoa Kì vào ngày 4 tháng 7 năm 1776: “Chúng tôi khẳng định những chân lý này là hiển nhiên, mọi người sinh ra đều bình đẳng, họ được Tạo hoá ban cho một số quyền tất yếu bất khả xâm phạm, trong đó có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.” Ý tưởng về miền đất của tự do và bình đẳng dần méo mó đi theo thời gian, những ước mơ cá nhân và khát vọng được sống là chính mình dần bị thay thế bởi cuộc sống giàu có, hưởng lạc, sung túc như trên màn ảnh. Sự méo mó này đạt đến đỉnh cao vào những năm 1920, được chính nhà văn gọi tên là “Thời đại nhạc Jazz”. Giai điệu ngẫu hứng, tự do và thong thả của thứ âm nhạc tuyệt vời này chạy lẫn vào trong những cuộc truy tìm vật chất và hoan lạc của tầng lớp quý tộc thượng lưu. Những mặt nạ giả tạo và phớt lờ mọi trách nhiệm:
“Họ là những kẻ vô tâm (…) họ đập nát mọi thứ, cả vô tri lẫn hữu tri, rồi rút lui vào tiền bạc hoặc niềm vô tâm mênh mông của họ, hoặc bất kỳ những gì vẫn ràng buộc họ lại với nhau để mặc người khác phải dọn dẹp đống đổ nát bừa bãi mà họ đã gây ra”.
Điều họ để lại là cái chết của Gatsby, dưới cái nhìn của người kể xưng “tôi”, là cái chết của một người vĩ dại, một người đi lên từ tay không, nhưng không sao xóa mờ đi nguồn gốc nghèo hèn của mình, cũng không sao xóa mờ đi giấc mơ mãnh liệt về nàng Daisy, thật ra chỉ là một nàng thơ rỗng tuếch bao bọc trong những vật chất óng ánh giả tạo: “cái tươi mát của quần là áo lụa, và của cả Daisy đang ánh lên như bạc ròng, yên trí và kiêu hãnh chót vót trên những đấu tranh sinh tồn nóng bỏng của người nghèo”.
Nhưng điều mãnh liệt nhất không thể quên được, ấy là hình ảnh một cậu thanh niên đang dong buồm lái thuyền băng trên đầu những con sóng, ưỡn ngực và mắt nhìn xa xăm chìm đắm trong một viễn cảnh rực rỡ, không ai lay thức và chạm vào được cái tương lai càng ngày càng thấy rõ trong tâm trí của cậu. Đó là James Gatz, một đứa trẻ nghèo sớm “nảy nòi từ những xác tín lý tưởng về chính bản thân mình”: cậu “là con trai của Đức Chúa Cha” và vì thế đã tạo ra hình tượng Gatsby vĩ đại để về sau mang danh Jay Gatsby vào đời. Con người hào hoa giàu có với quá khứ u tối mịt mờ thực chất lái thuyền chạy ngược dòng tìm về tình yêu trong quá khứ, về mộng tưởng, không thể nào hòa hợp với thực tại, chỉ có cô đơn, nhung nhớ và khao khát. Gatsby quả quyết: “Tôi sẽ làm mọi thứ trở lại như xưa.” Nhưng ông đã không hiểu, không ai có thể lặp lại quá khứ. Con người kiên quyết kia đã đặt niềm tin vào sai chỗ: không thể là một Daisy với chất giọng ngân nga “đầy những tiền”, không thể là ảo tưởng tình yêu đã mất. Liệu ta có phải là Gatsby, cả sự sống đứng tựa lên gờ tường mỏng của sự mù quáng? Liệu ta có theo đuổi những điều phù phiếm nhưng quá đau đớn để từ bỏ, ta có bị buộc chặt với quá khứ và không đủ sức quên đi, để rồi đón lấy cái chết vì sực tỉnh trước thực tại? Không, Gatsby không là hình tượng anh hùng, Gatsby chỉ là người đàn ông si tình đáng thương, chỉ là kẻ sống cậy vào quá khứ, chỉ là nạn nhân ngây ngô của một xã hội thờ ơ thẳng thừng đạp tung các giá trị.
Giấc mơ thật đẹp, thật vàng, chảy sóng sánh như những lọn tóc ánh kim, dễ níu chân loài người trốn tránh và lãng quên thực tại đen xám. Giấc mộng của Gatsby và âm hưởng say mê giai điệu jazz kể cho tôi nghe về tâm hồn phức tạp của loài người, mặc dù “suy cho cùng, đời sẽ sướng mắt hơn nhiều nếu ta chỉ nhìn nó qua một ô cửa sổ duy nhất”. Nhưng thực chất, con người phức tạp của Gatsby cũng nhìn đời bằng ô cửa sổ duy nhất, có khác nào Daisy và Tom lấy lẽ sống là cuộc chơi rong cùng vật chất, Gatsby lấy lí tưởng là tình yêu phù phiếm và mê hoặc, chỉ khác chỗ to nhỏ của ô cửa, nhưng sau cùng cũng chỉ phiến diện một cách bi thương mà thôi. Ngay cả người kể chuyện xưng “tôi”, Nick, hiện thân cho lý trí tỉnh táo của Fitzgerald, đứng bên ngoài nhìn nhận khách quan nhưng cũng bối rối và lạc lõng. Trong bối cảnh tác phẩm đặt ra, Nick chính là một thành viên của thế hệ mất mát, anh trở về từ chiến tranh và gia nhập vào xã hội phồn hoa New York. Vòng xoáy vật chất của thời đại mới chỉ để lại cảm giác hoang mang trong Nick và những kẻ mãi kiếm tìm lẽ sống: “Tôi đã ba mươi. Trước mặt tôi là cả một thập kỉ mới trải dài như con đường bất trắc đầy đe dọa.” Không ai muốn lạc lối như Nick, không ai muốn vỡ mộng như Gatsby hay dấn thân vào vũng lầy đạo đức trong những cuộc ăn chơi vô tận, lẽ sống vẫn luôn là mối trăn trở không những của thế hệ mất mát mà còn của con người muôn đời.
Nếu thật sự “vũ trụ nằm trong vỏ hạt dẻ” (Stephen Hawking), loài người thật nhỏ bé, bất lực và tội nghiệp. Jay Gatsby chính là hình tượng điển hình cho nhân loại, mơ mộng để rồi vỡ mộng, không tránh khỏi sự chới với bơi chìm trong lãng quên. Cũng như Sisyphus mải miết đẩy đá đến đỉnh đồi rồi bất lực cay đắng nhìn đá lăn xuống, loài người trông nhìn ước mơ và thành quả tan biến đi thành phù du. Nhưng điều đó có ngăn cản nàng Pandora truy tìm bí ẩn trong chiếc hộp cấm, có níu giữ được Icarus khỏi nỗ lực chắp cánh bay cao đến gần mặt trời, có phủ nhận hết đi vẻ đẹp huy hoàng của Gatsby mộng tưởng luôn khao khát kiếm tìm và chinh phục? Không bao giờ, bởi đó là cội rễ của linh hồn người. Sau tất cả, Fitzgerald đặt niềm tin vào sự tồn tại của Gatsby, mâu thuẫn nhưng thuyết phục, và cũng như Gatsby, nhà văn đặt niềm tin vào lý tưởng, vào “ánh sáng xanh bên kia vịnh”:
“Gatsby đã tin vào đốm sáng xanh ấy, vào cái tương lai mê đắm đến cực điểm đang rời xa trước mắt chúng ta năm này qua năm khác. Ừ thì nó đã tuột khỏi tay chúng ta, nhưng có làm sao đâu – ngày mai chúng ta sẽ lại chạy nhanh hơn, vươn tay ra xa hơn… Rồi một sáng đẹp trời…
Chúng ta cứ thế dấn bước, những con thuyền rẽ sóng ngược dòng, không ngừng trôi về quá khứ.”
Tác giả: Minh Uyên - Bookademy
-----------------------------
Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy
Bạn đam mê viết lách, yêu thích đọc sách và muốn lan tỏa văn hóa đọc tới cộng đồng của YBOX.VN? Đăng ký để trở thành CTV Bookademy tại link: http://bit.ly/bookademy_ctv
(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ "Tên tác giả - Bookademy." Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
Khi tôi đọc “Đại Gia Gatsby” lần đầu tiên khi còn là một thiếu niên, tôi có kiến thức hạn chế về cuộc sống nói chung và gần như không biết gì về New York hay Hoa Kỳ. Khi đọc xong cuốn sách, tôi có ấn tượng rằng nó xoay quanh việc mọi người cãi nhau sau một vụ tai nạn xe hơi. Thời gian đã thay đổi như thế nào. Bây giờ, khi đọc lại, tôi thấy mình đồng cảm sâu sắc với các nhân vật và nhận ra những chủ đề phổ quát được tác giả khám phá. Fitzgerald trình bày một tiền đề bi quan về hành vi của con người và những gì người ta có thể mong đợi từ cuộc sống: những người ích kỷ hoặc ích kỷ sẽ luôn sống tốt hơn những người, khi theo đuổi những giấc mơ hợp lệ hoặc vô lý, kiên trì đấu tranh chống lại thực tế vì khát vọng của họ.
Xuyên suốt câu chuyện, chúng ta chứng kiến những giấc mơ của Gatsby, khao khát tìm lại tình yêu đã mất từ thời trai trẻ; Myrtle, khao khát trở thành một bà chủ tư sản đáng kính; và Wilson, nuôi dưỡng tham vọng trở thành một chủ doanh nghiệp thành công. Đáng buồn thay, những giấc mơ này lại trở thành công cụ hủy diệt chính chúng. Trong khi đó, Tom vô cảm và Daisy nông cạn và hèn nhát tiếp tục phát triển ở thành phố lớn, không hề bối rối trước trách nhiệm to lớn mà họ phải gánh chịu đối với những sự kiện bi thảm đang diễn ra. Sau khi học được bài học của mình, người kể chuyện, Nick, từ bỏ ước mơ trở thành một người kiếm tiền giỏi ở Bờ Đông và quyết định quay trở lại cội nguồn Trung Tây của mình.
Trong khi một số người có thể giải thích cuốn tiểu thuyết nêu bật sự tương phản giữa các tầng lớp xã hội, trong đó Tom và Daisy đại diện cho những người giàu có và những nạn nhân ngoài ý muốn của họ thuộc tầng lớp thấp hơn, tôi tin rằng bản chất của câu chuyện vượt qua những khác biệt đó. Theo kinh nghiệm của tôi, những cá nhân như Tom và Daisy có thể được tìm thấy ở mọi tầng lớp xã hội, bất kể thu nhập hay địa vị.
Niềm vui khi đọc cuốn sách này càng được nâng cao nhờ tài năng vượt trội của Fitzgerald trong việc truyền tải chiều sâu cho các nhân vật của ông và nâng cao câu chuyện thông qua các chi tiết tinh tế—một cử chỉ, một lời nói, một tiếng động đơn giản hoặc một nhận xét thông minh của người kể chuyện. “Đại Gia Gatsby” dễ dàng đưa chúng ta đến "những năm hai mươi rực rỡ" ở Thành phố New York, một thời điểm và địa điểm tràn ngập sự lạc quan và sự thịnh vượng bất ngờ đối với nhiều người. Tuy nhiên, góc nhìn của tác giả lại kém lạc quan hơn. Ngài nhận ra sự yếu đuối và đau khổ của con người ngay cả giữa những khung cảnh xa hoa nhất.Tuy nhiên, đây là một cuốn tiểu thuyết đặc biệt - một trong mười hoặc hai mươi cuốn sách thiết yếu mà mọi người nên đọc trước khi khẳng định mình hiểu bất cứ điều gì về bản chất con người. Tôi hết lòng giới thiệu nó.