Phía Tây Không Có Gì Lạ Thế chiến thứ nhất nổ ra, những chàng trai đang ngồi trên ghế nhà trường bị chuyển thẳng ra mặt trận. Tại đây sự khốc liệt của chiến tranh đã khiến họ tê dại khi bom đạn không chỉ tước đi những phần cơ thể mà còn cả tâm hồn. Thế nên chưa kịp trưởng thành họ đã trở nên già nua, bởi gần với cái chết hơn là sự sống. Họ cũng chẳng còn tin tưởng ai, chẳng thiết tha điều gì, kể cả ngày trở về. Cho nên khi tất cả đồng đội cùng trang lứa đã ngã xuống, cái chết đối với những chàng trai ấy là sự giải thoát. Họ nằm xuống nhẹ nhàng thanh than đến độ tưởng như chẳng hề may may lay động đến thứ gì xung quanh, dù chỉ là một ngọn cỏ. Mặt trận hoàn toàn yên tĩnh, bản báo cáo chiến trường chỉ ghi vẻn vẹn một câu: “Ở phía Tây, không có gì lạ.” Phải, chẳng có gì lạ, chỉ có một người vừa rời khỏi cuộc đời khi độ tuổi mới chớm đôi mươi.
Xem thêm

Paul Baumer cần bạn nhìn mọi thứ từ quan điểm của anh ấy.

Paul là một người lính Đức, được bố trí ở Mặt trận phía Tây trong Thế chiến thứ nhất. Paul đi chơi với bạn bè và cố gắng giải tỏa mọi chuyện, nhưng Paul không thể thoát khỏi căng thẳng của trận chiến. Anh ấy về nhà nghỉ phép và mọi thứ đều nhuốm màu chiến tranh. Bất kể anh ấy làm gì hay ở với ai, tâm trí của Paul luôn hướng về phía tiền tuyến. Thế giới quan của Paul đã thay đổi đáng kể.

Ở mặt trận, Paul bị tiêu diệt bởi cái chết. Paul nhìn thấy nhóm nhỏ những người sống sót của mình đang dần tàn lụi. Cái chết của bạn bè, cái chết của kẻ thù, cái chết của lối sống trước đây. Paul phải đối mặt với xung đột cố hữu của một người lính khi anh ta đối mặt với một người Pháp đang hấp hối mà anh ta đã giết trong một lỗ đạn pháo. Đối với Paul, đó không còn là việc ném lựu đạn hay bắn kẻ thù của bạn từ xa. Nó trở nên cá nhân một cách kỳ lạ và không thể tránh khỏi.

Paul là người lính toàn cầu. Tiếng nói của anh ấy nói thay cho tất cả những người lính, cho toàn nhân loại. Paul muốn bạn nhìn mọi thứ từ quan điểm của anh ấy, hãy bước vào vị trí của anh ấy; để các quốc gia, quân đội, binh lính, con người có thể tránh được chiến tranh trong tương lai.

Đây là một người bạn đọc với Ashley *Hufflepuff Kitten*.

“Chao ôi! Chiến tranh là cõi không nhà, không cửa, lang thang khốn khổ và phiêu bạt vĩ đại, là cõi không đàn ông, không đàn bà, là thế giới bạt sầu vô cảm và tuyệt tự khủng khiếp nhất của dòng giống con người!”

Câu nói của nhà văn Bảo Ninh trong “Nỗi buồn chiến tranh” lại bỗng dưng vang vọng trong đầu mình một lần nữa khi mình đọc bản cáo trạng chân thực của Erich Maria Remarque về cuộc đời của người lính vào Thế chiến thứ I. Nói không ngoa, bản thân mình vốn là một người rất đam mê với dòng văn học chiến tranh, hay nói đúng hơn là những tác phẩm khắc họa rõ nét chân dung người lính vào những thời kì trước, trong và sau khi tham gia vào cuộc chiến. Ở Việt Nam, nếu Chu Lai, Bảo Ninh, Nguyễn Thi, Nguyễn Minh Châu,… là những cây bút văn xuôi lột tả chân thực nét bi hùng, bi tráng của những anh bộ đội cụ Hồ, thì ở Đức, Erich Maria Remarque là cái tên mà mình vẫn thường hay ca ngợi và tâm đắc trước tài lột tả trần trụi những sự thật rùng rợn, những góc khuất của chiến tranh từ những góc nhìn bình dị, sâu sắc của nhà văn về những thân phận con người nhỏ bé.

Được mệnh danh là “thiên sứ ghi chép về chiến tranh”, Erich Maria Remarque đã có cho mình hàng loạt những tác phẩm đồ sộ thể hiện quan điểm của chính bản thân ông sau cả hai lần trải qua thế chiến. Là một chàng sinh viên sư phạm với tâm hồn lãng mạn, tha thiết hiến dâng hồn mình cho văn chương, song, con đường trở thành nhà văn chuyên nghiệp của ông lại hết sức gian nan. Mười tám tuổi, lứa tuổi mộng mơ, chân chất, chưa hiểu lẽ đời và chưa thẩm thấu được hết tinh hoa văn học, ông đã bị gọi nhập ngũ và bất đắc dĩ tham gia vào thế chiến thứ nhất vào năm 1914. Ở doanh trại, ngoài tiền tuyến; cái hồn nhiên, trong sáng của cậu thanh niên mười tám đã bị thế thay bởi những gai góc, hung tợn của khói súng và bom đạn. Ông đã bị thương khi tham gia chiến đấu và được đưa về hậu phương, mãi đến sau này, chiến tranh đã qua đi nhưng những nỗi đau và sự mất mát đã đeo bám ông dai dẳng đến hết cuộc đời.

Khi tác giả trở lại trường học, ông đã không thể hoàn thành giấc mộng nhà giáo bởi những ảnh hưởng từ chiến tranh đã khiến ông cảm thấy mình không còn phù hợp với nghề nghiệp cao quý này nữa. Cả cuộc đời còn lại, Erich Maria Remarque đã phải lang thang rày đây mai đó, làm những công việc tay chân và tiếp tục theo đuổi sự nghiệp viết lách, nhưng cũng không mấy lạc quan. Mãi cho đến năm 1929, khi cuốn tiểu thuyết “Phía tây không có gì lạ” ra đời, tên tuổi của ông mới được nhiều người biết đến và còn mãi lưu danh cho đến hiện tại.

Là một bản ghi chép cô đọng từ những trải nghiệm thực tế của mình trong Thế chiến I, Erich Maria Remarque đã khiến mình rơi nước mắt khi tất cả những sự kiện trong cuốn tiểu thuyết này được thuật lại theo một lối tự sự quá mức chân thực về những gì xảy ra trong cuộc chiến khủng khiếp mà ông và những người bạn đồng trang lứa lúc bấy giờ phải trải qua, đến khi ngồi gõ những dòng này, mình vẫn còn bồi hồi, xúc động.

Câu chuyện được thuật lại theo ngôi kể thứ nhất bởi Paul Bäumer – một cậu sinh viên 19 tuổi, vừa từ giã giảng đường để tham gia vào cuộc chiến. Cùng tiểu đội với cậu là bốn người bạn cùng lớp, cũng vừa vặn 19 tuổi và ba người đồng đội khác, những người dân lao động nghèo, cũng ở độ tuổi vừa chớm đôi mươi. Theo như lời của Paul, những cậu trai tầm độ 18, 19 tuổi, lứa tuổi được các nhà giáo “ưu ái” gọi là tuổi trẻ sắt gang, bởi ngoài tính gan dạ và lì lợm ra, bọn họ chả có bất cứ thành tựu gì đáng để tự hào. Những người lính lớn tuổi ít ra còn được gắn bó chặt chẽ với quá khứ, có vợ con, nhà cửa, đất đai,… trong khi bọn họ chả có gì sất. “Chỉ có cha mẹ và ít ra vài thằng còn có bạn gái” – Paul kể. Nhưng thử nghĩ mà xem, tuổi hai mươi cứng đầu và đầy ngỗ nghịch, mấy ai tin tưởng và nghe lời cha mẹ răm rắp đâu, họa chăng bọn họ vô tình trở thành những người có sức ảnh hưởng ít nhất đối với những đứa con trai “luôn thích chứng tỏ mình”; và phần trăm để các cậu chàng để cho các cô gái mặc sức “thao túng” thì còn khan hiếm hơn nữa. Những gã trai trẻ chưa có gì trong tay và chưa có lý tưởng cho tương lai đã phải “cồng kềnh hành trang cuộc đời (lúc này đây vẫn chả có gì)” bước vào trận chiến. Tại đây, họ đã trải qua những tình huống vừa dở khóc dở cười, vừa đủ khiến họ “sống dở chết dở”.

Chúng ta thường hay được nghe hoặc chứng kiến hình ảnh người lính oai phong, hùng dũng trên chiến trường như thế nào mỗi khi tiếp cận những tác phẩm văn học cách mạng, nói về đời lính. Thế nhưng, những người lính ấy chỉ thật sự đẹp đẽ, bi tráng khi bản thân họ có lý tưởng, có niềm tin và thứ họ muốn bảo vệ trong cuộc chiến. Đối với các tác phẩm văn học Việt Nam mình đã được đọc, được nghe, được học qua; cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc hào hùng đã hình thành nên trong mỗi người lính trẻ một ý chí chiến đấu kiên cường, dũng mãnh; khiến họ sục sôi một niềm tin mãnh liệt phải bảo vệ đất nước, bảo vệ gia đình, bảo vệ đồng bào dân tộc yêu quý. Thế nhưng, ở tác phẩm Phía Tây không có gì lạ, những cậu trai trẻ “sắt gang” chưa kịp nếm trải cuộc đời đã phải bị ép trở thành gai góc. Với họ, chiến tranh là vô dụng, chiến tranh là phi nghĩa, khi họ hàng ngày phải luyện tập đi luyện tập lại những phương thức chiến đấu chỉ để đánh nhau và bỏ mạng trước những trận bom oanh tạc chiến trường. Ở doanh trại, những cậu trẻ vừa nhập ngũ phải “hạ mình cúi đầu” trước những “đàn anh”, những tên “chỉ huy” và bị hành hạ, thúc ép đủ điều mỗi khi bọn chúng không vừa mắt. Erich Maria Remarque đã dũng cảm vạch trần bộ mặt thật của những cơ quan quân đội trong thời kì diễn ra cuộc Chiến tranh thế giới với mục đích tranh giành thuộc địa giữa các phe phái ở Châu Âu, đến mức có một khoảng thời gian tác phẩm Phía Tây không có gì lạ đã bị tiêu hủy đồng loạt ở Đức và bản thân ông cũng bị lưu đày. Song, không thể phủ nhận chính những ghi chép của ông về chiến tranh thế giới như đánh một cú tát trời giáng xuống bộ mặt của những nhà cầm quyền hách dịch, chỉ lo biết đến lợi ích của bản thân mà chà đạp sự sống của những người vô tội, đến mức vô pháp cứu rỗi.

Quay trở lại với nội dung tác phẩm, mình không muốn nói quá nhiều kẻo thành spoil, nhưng mà cảm xúc của mình khi lướt đến từng chương luôn luôn chuyển biến theo hướng tiêu cực, không biết do mình mít ướt, hay những sự khủng khiếp và man rợ của chiến tranh qua lời văn của tác giả đã khiến bản thân mình bị ám ảnh. Như đã nói, độ tuổi hai mươi là độ tuổi đẹp nhất của cuộc đời, đủ trưởng thành để đưa ra quyết định nhưng cũng đủ non nớt để tiếp nhận những phong ba bão táp. Ở cái giai đoạn đáng lẽ Paul và những người bạn cùng lớp được cắp sách đến trường, trải nghiệm cuộc sống hoặc chăng là “nếm mùi đời” với những cô bạn gái thì giờ đây những “mùi” mà họ “nếm” được chỉ là mùi khói pháo, mùi thuốc súng, mùi máu tanh và mùi tử thi đang đến hồi thối rữa. Bản thân họ thậm chí còn chẳng thiết tha gì được trở lại với cuộc sống hằng ngày, khi chiến tranh đang dần bào mòn thể xác và tâm trí họ, trong đầu thản nhiên chấp nhận cái chết. “Này, nếu hòa bình lập lại, được trở về nhà, cậu sẽ làm gì?” – một cậu trai hỏi khi cả bọn cùng ngồi tạm trú trong một căn hầm tránh đạn. Trái với những mơ mộng màu hồng mà mình dự đoán, tất cả bọn họ đều trốn tránh cái hy vọng xa vời là được trở về với gia đình, người thân; bọn họ chỉ thản nhiên thốt lên “Đằng nào cuối cùng cậu cũng sẽ chết, thế thì còn phải tính trước làm gì?”

Trong suốt phần giữa và phần cuối của tác phẩm, tác giả tập trung miêu tả những trận đánh trên chiến trường thuộc về phía Tây. Tại đây, những cuộc ném bom và đấu súng diễn ra liên miên, đến mức chỉ cần ló mặt ra khỏi chỗ ẩn nấp một giây trước thôi, giây sau anh lính đã trở thành một cái xác nát bét. Bọn họ lao vào chém giết nhau như những con thiêu thân lao đầu vào lửa, bọn họ trở nên điên dại trước những suy nghĩ muốn thoát khỏi trận chiến, thậm chí, bọn họ còn tự hiến dâng thân xác cho thần chết trước khi những sự khủng khiếp này làm họ phát điên. Chiến tranh là vậy, súng đạn không có mắt, và lòng người cũng không có dịp được quyền phát huy. Mới trước đó thôi, người bạn cùng anh chơi bài Skat ở những đồn trú giờ đây bị lựu đạn băm vằm thân xác; mới trước đó thôi, những cô gái cùng anh “một đêm mặn nồng”, tỉnh giấc lại phải trở về với lốt “kẻ thù không đội trời chung”. Từ góc nhìn của Paul, hay nói đúng hơn là của chính tác giả Erich Maria Remarque, con người (dù ở chiến tuyến nào) vẫn là vô tội và đáng được trân quý, nhưng chiến tranh thì không, nó sẵn sàng làm biến dạng mọi suy nghĩ của họ và khiến họ lao vào chém giết nhau như một cái máy, chẳng hề mảy may thương xót bất cứ điều gì. Tuổi hai mươi tươi đẹp của những cậu trai trẻ, thật đáng tiếc, đã phải kết thúc trong sự u ẩn và tối tăm nhất theo cái cách mà thời cuộc đưa đẩy, thương xót làm sao!

Trước cuộc chiến, họ là những chàng trai trẻ đầy mơ mộng; trong cuộc chiến, họ là những tên sát nhân điên cuồng chém giết không phân thù, bạn; vậy sau cuộc chiến, họ là ai, những gã trai non nớt với những ngỗ nghịch điên rồ đã trở thành gì? Thật khó để tưởng tượng! Một số trong họ vùi thây nơi đất khách quê người, chết trong tình trạng không lành lặn về thân xác; số khác trở nên tàn tật ở bất kì bộ phận nào trên cơ thể mà đạn dược có thể xuyên qua; vậy số còn lại, liệu có được yên bình trở về quê cũ và hào hứng khi hòa bình lặp lại? Con số đó quả thật ít đến mức chỉ có thể đếm được trên đầu ngón tay! Người thanh niên trẻ ngày nào tay cầm bút, mặc comple, đầu vùi vào những trang sách vở đã không thể dung hòa được với hiện tại khi anh ta trở về quê cũ. Chính những hung hãn và tàn khốc nơi chiến trường đã “tạc” anh ta thành một hình thù kì quái và kệch cỡm; bản thân người lính lúc này đã tự cay đắng xót thương cho số phận của bản thân khi bước vào lại khoảng không quá khứ. Những kí ức êm đềm về một thời thanh xuân tươi đẹp và những kỉ niệm ngọt ngào bên người thân yêu, đối với anh ta, giờ đây đã trở nên quá đỗi xa xỉ. Anh ta không thể nào hòa nhập vào cộng đồng, không thể thấu hiểu những trò đùa nhạt nhẽo, rỗng tuếch về cuộc chiến mà trước đây anh ta vốn thường kệch cỡm về những điều ấy; anh ta không thể tự tin thưởng thức những bữa ăn ngon, cũng như không đủ can đảm ngắm nhìn và chiêm ngưỡng sự “sạch sẽ”, “cao sang” của những cô gái mà vốn dĩ anh ta đã từng mong ước. Giờ đây, với người lính, anh ta cảm nhận rõ rệt cái “tôi” của mình đã bất hòa với cuộc sống thực tại, anh ta khao khát đến mãnh liệt một lối thoát để có thể thoát li khỏi sự đẹp đẽ phù phiếm đang ngày ngày hành hạ và cào xé tâm trí anh mỗi ngày. Thế là, như một vòng luẩn quẩn không hồi kết, người lính ấy lại ra chiến trường, lại lao vào chém giết, và lại một lần nữa tự hủy hoại chính bản thân mình.

Sau Paul và tiểu đội của anh, các nhà cầm quyền và các vị “nhà giáo” vẫn tiếp tục gieo rắc vào đầu những đứa trẻ về ý nghĩa sai lệch của cuộc chiến. Thế là, từng lớp từng lớp lính trẻ cứ thế mọc lên như nấm trong những doanh trại quân đội, hết đội này đến đội khác, lao thân mình ra như một cái máy mà chẳng mảy may ý thức được sự hi sinh của mình là vô nghĩa đến mức độ nào. Bọn họ non mềm và thiếu kĩ năng đến mức bị đối xử như những hình nhân thế mạng, những hình hài chưa kịp trưởng thành đã phải chết non dưới sự tàn độc vô hình của thần chết trong cuộc chiến. Thế nhưng, tất cả sự hi sinh lớn lao ấy lại được ghi nhận bằng cách “quăng vào một đống xác” và nhường chỗ cho những toán quân tiếp theo, chua chát thật nhỉ?

Tóm lại, Phía Tây không có gì lạ là một tác phẩm cực kì xuất sắc của dòng văn học chiến tranh, theo bản thân mình nhận định. Những cuộc chiến đấu oanh liệt và quả cảm để bảo vệ “lí tưởng” mơ hồ đã khiến cho biết bao nhiêu lớp trai trẻ đã phải bỏ mình một cách vô nghĩa. Tại đây, Paul đã gặp được những người bạn, những người đồng đội vào sinh ra tử và lần lượt chứng kiến những cảnh ngộ tàn khốc xảy ra với họ, thậm chí là chính bản thân mình, khiến anh dần dần trở nên mất đi tri giác. Bằng lối kể chuyện lôi cuốn cùng giọng văn bình dị, Erich Maria Remarque đã bày tỏ sự xót thương vô vàn của mình bằng cách khắc họa nên một bức tranh về những góc khuất và những mảnh đời bất hạnh trong cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất. Nhà văn người Đức đã tái hiện lại những thước phim chân thực về những cuộc chiến khốc liệt trên chiến trường và sự tê liệt về cả tinh thần lẫn thể xác của những người lính trẻ bị buộc phải ra mặt trận chiến đấu. Tác phẩm như một hồi chuông cảnh tỉnh cho tất cả các dân tộc trên thế giới trước sự vô nghĩa và những tác hại nặng nề của chiến tranh, khiến cho cả một thế hệ con người bị hủy hoại hết sức nghiêm trọng. Giờ đây, chiến tranh đã dừng, hòa bình lặp lại, song, những người lính khi xưa đã trở nên “hỏng bét”, họ bị bỏ rơi như những đứa trẻ bơ vơ và tâm hồn họ thì trở nên u uất, hời hợt như những ông già. Những cậu trai trẻ thư sinh ngày nào đã trở nên thô lỗ, u sầu, cộc cằn và bất hòa với thực tại. Chiến tranh đã tước đi cơ thể họ, tâm hồn họ, khiến họ chưa kịp trưởng thành đã phải trở nên già nua và chấp nhận cái chết như một lẽ thường tình, đến mức xem nó như một sự giải thoát.

“Cho nên, khi tất cả đồng đội cùng trang lứa đã ngã xuống, cái chết của những chàng trai ấy chính là sự giải thoát. Họ nằm xuống nhẹ nhàng, thanh thản đến độ tưởng như chẳng hề mảy may lay động đến thứ gì xung quanh, dù chỉ là một ngọn cỏ. Mặt trận hoàn toàn yên tĩnh, bản báo cáo chiến trường chỉ vỏn vẹn một câu: “Ở phía Tây, không có gì lạ.”

Phải, chẳng có gì lạ, chỉ có một người vừa rời khỏi cuộc đời, khi độ tuổi vừa mới chớm đôi mươi.”

Hết.

1 điểm

Khi cái thuổng được gọi là công cụ cố thủ và công cụ cố thủ là vũ khí tối thượng

Tôi đọc cuốn sách này lần đầu tiên ở trường và tôi không chắc mình nhớ được bao nhiêu từ cuốn sách đó và bao nhiêu từ việc xem phim. Lấy khía cạnh dân sự từ thời sinh viên và mặt trận Tổ quốc tạo ấn tượng khác với trọng tâm quân sự của các nhà thơ chiến tranh Anh.

Đọc lại, tôi nhận ra rằng người kể chuyện luôn khiêm tốn, giống như ngày xưa giáo viên viết phấn lên bảng nhưng vô thức lấy tay áo quệt nửa chữ, cũng vậy, sự không tồn tại ảo của người kể chuyện ở ngôi thứ nhất, chỉ được nêu tên một cách gián tiếp và từng phần trong suốt quá trình của một cuốn tiểu thuyết rất ngắn, có lẽ là sự chuẩn bị cho điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, trong khi người kể chuyện chỉ tồn tại trong mối quan hệ với những người khác: người lính, đứa con trai, thương binh, đồng đội, và là một bóng ma ám ảnh cuộc sống của chính anh ta mà không có tương lai phía trước, vì anh ta đã tình nguyện trước khi tham gia kỳ thi ở trường (cũng như cả lớp theo sự thúc giục bởi một trong những giáo viên của họ), tuy nhiên thế giới vật chất có thể thấy khắp nơi, chấy, bùn, thức ăn, ngay cả những thứ cơ bản nhất không có gia vị đều hiện diện ngay lập tức và đầy đủ, đậu nguội, bánh kếp khoai tây, xì gà giả.

Người ta có thể nói toàn bộ cuốn sách được cấu tạo xung quanh chủ đề giáo dục. Trường học chính thức và không chính thức, giáo viên chính thức và không chính thức - người kể chuyện là một cậu học sinh kiếm tiền mua sách của mình thông qua việc huấn luyện các nam sinh khác - và với tư cách là người kể chuyện, anh ta đang làm gì ngoài việc huấn luyện người đọc - ẩn nấp, để mắt đến thức ăn thừa, một vết thương có thể đưa bạn về nhà, nhưng đôi khi quá xa nhà, quan trọng nhất là anh ta dạy chúng tôi rằng học sinh học những bài học mà chúng được dạy, có lẽ không phải là chủ đề chính thức của bài học, mà chắc chắn là bài học không chính thức do phong cách giảng dạy mang lại. Bạo lực sinh ra bạo lực. Chúng ta có thể xem câu chuyện của một cựu chiến binh Công giáo khác “Wanderer komst du nach Spa…” như một câu trả lời cho câu chuyện này.

Nếu bạn muốn giải quyết hậu quả của chiến tranh và bạo lực của người lớn, hãy nhìn vào gốc rễ - nơi mà sự việc được thực hiện.