"Nồng nàn lên với Cốc rượu trên tay Xanh xanh lên với Trời cao ngàn ngày Dài nhanh lên với Tóc xõa ngang mày Lớn nhanh lên với Bé bỏng chiều nay" Mở đầu là kỳ nghỉ hè tại một ngôi làng thơ mộng ven sông với nhân vật là những đứa trẻ mới lớn có vô vàn trò chơi đơn sơ hấp dẫn ghi dấu mãi trong lòng. Mối tình đầu trong veo của cô bé Rùa và chàng sinh viên quê học ở thành phố có giống tình đầu của bạn thời đi học? Và cái cách họ thương nhau giấu giếm, không dám làm nhau buồn, khát khao hạnh phúc đến nghẹt thở có phải là câu chuyện chính? Bạn sẽ được tác giả dẫn đi liền một mạch trong một thứ cảm xúc rưng rưng của tình yêu thương. Bạn sẽ thấy may mắn vì đang đuợc sống trong cuộc sống này, thấy yêu thế những tấm tình người… tất cả đều đẹp hồn hậu một cách giản dị. Với cuốn sách này, một lần nữa người đọc lại được Nguyễn Nhật Ánh tặng món quà quý giá: lòng tin vào điều tốt có thật trên đời.
Xem thêm

“Văn chương không phải là một cách đem đến cho người đọc sự thoát li hay sự quên, văn chương là một thứ khí giới thanh cao, đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác, vừa làm cho lòng người được thêm trong sạch và phong phú hơn”.

Bàn về văn chương, Thạch Lam đã viết như thế. Những người không yêu văn có thể cho rằng văn chương là thứ thuốc phiện tinh thần độc hại, hoặc tô hồng cuộc sống quá mức, hoặc mô tả quá bi thương về cuộc sống. Họ cho rằng thế giới văn học tràn ngập những điều giả tưởng, họ không thấy sợi dây liên kết thần kỳ giữa văn chương và cuộc sống.

Thế nhưng, “Cuộc đời là nơi xuất phát cũng là nơi đi tới của văn học”. Văn học tố cáo những gì xấu xa, bất công, bại hoại luân lý; nhưng văn học cũng là chốn bình yên, ca ngợi những điều bình dị của cuộc sống. Ấm áp, nhẹ nhàng, dịu êm là những gì tôi thấy qua những trang sách của Nguyễn Nhật Ánh. 

Cuốn sách “Ngồi khóc trên cây” của ông có lẽ mang nhiều nét trầm buồn, những tình tiết éo le, ngang trái nhưng trước hết thế giới trong đó vẫn là một thế giới với những điều trong sáng, ngập tràn yêu thương. Tác phẩm xoay quanh mối tình hồn nhiên, trong trẻo giữa chàng sinh viên trẻ Đông và một cô bé 14 tuổi được mọi người gọi bằng cái tên "Rùa". Câu chuyện diễn ra tại làng Đo Đo. Đúng vậy đấy vẫn là làng Đo Đo quen thuộc cũng xuất hiện trong “Quán Gò đi lên”. Mở đầu tác phẩm là không gian ngập tràn ánh nắng: 

“Chiều rớt nắng trên ngọn sầu đông.

Nắng rơi xuống, rất dày, nhưng bị các nhánh lá cản lại trên cao.

Vô số nắng nằm trên ngọn cây.

Ở những khoảng trống, nắng tiếp tục rơi.

Tôi ngồi duỗi chân trên cỏ, nghe nắng ấm xuyên qua lớp vải.

Trước mặt tôi, trong dòng sông Kiếp Bạc, nắng đang đùa giỡn với cát.”

Trong không gian bình yên như vậy, Đông ngồi nhớ về những chuyện đã qua lúc anh còn bé, về chú Thảo và về Bà. Tiếng gọi của Thục - cậu bé con chú Thảo đã cắt ngang dòng suy nghĩ của anh, anh chở đứa em đi lượm nắp keng (trẻ con ở Đo Đo đặt ra sáu mùa trong năm - mùa giấy kính, mùa nắp keng, mùa cọng dừa, mùa bao thuốc lá, mùa thả diều, mùa chong chóng). Khi ấy anh đã lần đầu gặp Rùa - cô gái tranh lượm nắp keng với Thục để giành về cho bé Loan. Sau đó anh lại bắt gặp cô lén nhìn mình đọc sách trong nhà.  Cái tên "Rùa" vốn do lũ trẻ trong làng đặt nhằm trêu chọc việc cô không biết đi xe đạp. Thoạt đầu tình cảm của Đông với Rùa là sự cảm thông, thương hại một cô bé “lớn tồng ngồng mà vẫn phải cắp sách đi học với tụi con nít”, cô bé thương bà “đi chơi cũng nhớ hái lá về nấu canh chua cho bà”. Anh thấy bất bình cho cô bé đáng thương bị bạn bè xa lánh. Tuy nhiên càng về sau, sự ngây thơ, hồn nhiên và nhân hậu của Rùa đã khiến Đông xao xuyến, giữa hai người bắt đầu một tình yêu đẹp. Giữa lúc tình cảm trở nên sâu đậm, Đông điếng người khi phát hiện hai người có quan hệ anh em. Một cú sốc lớn khác đến với Đông khi anh biết tin mình mắc bệnh hiểm nghèo. Và khi mọi chuyện tưởng như được hóa giải - bà của Rùa cho biết hai người không hề có quan hệ huyết thống, Đông nhận ra mình chỉ mắc chứng thiếu dinh dưỡng thì biến cố khác lại ập đến - Rùa bị dòng nước cuốn trôi khi cứu những đứa trẻ trong làng. Khi hoàn toàn suy sụp và tuyệt vọng, anh dẫn Thục và Loan vào khu rừng đong đầy kỷ niệm của anh với Rùa, và bất ngờ thay, anh lại thấy khuôn mặt của người anh yêu.

Có lẽ sẽ là hơi muộn khi một chàng trai 26 tuổi đọc tập truyện được viết cho những bạn trẻ độ tuổi mới lớn. Nhưng có sao đâu nhỉ, văn chương và câu tứ là của tất cả mọi người, chúng ta sẽ có những cảm nhận cũng như góc nhìn khác nhau về tác phẩm. Ở cái độ tuổi chấp chới chạm tới lằn ranh giới trưởng thành và tuổi trẻ này tôi mới đọc một tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh, điều tôi nhận thấy rằng từ ngữ của ông thật trong sáng và mộc mạc, bình dị nhưng cũng rất đẹp mà không kém phần sâu lắng.

“Chiều rớt nắng trên ngọn sầu đông, nắng rơi xuống, rất dày, nhưng bị các nhánh lá cản lại trên cao. Vô số nắng nằm trên ngọn cây. Ở những khoảng trống nắng tiếp tục rơi. Tôi ngồi duỗi chân trên cỏ, nghe nắng xuyên qua lớp vải. Trước mặt tôi, trong dòng sông Kiếp Bạc, nắng đang đùa giỡn với cát”

Đây là đoạn mở đầu tác phẩm, một buổi chiều được miêu tả với ánh nắng chói chang của vùng đất Quảng Nam, không nhắc nhiều tới con người, chỉ có một “tôi” xuất hiện trong khung cảnh, lồng ghép vào đó là không gian đã tràn ngập cảm nhận của nhân vật này với những ánh nắng đang xuyên qua lớp vải, những ánh nắng đang đùa giỡn bên bờ sông như có linh hồn, có cảm nhận. Đây là cách mở đầu quen thuộc của các tác phẩm tiểu thuyết, chúng ta biết mình sắp được nghe một câu chuyện của ngôi kể thứ nhất.

Với những người có tuổi thơ gắn liền với thành phố ngập tràn cửa hiệu sáng rực đèn như tôi khi đọc tác phẩm nó dường như có một lực hút mạnh mẽ khiến những khi cầm quyển sách trong tay thì đó là cuộc du ngoạn về với tuổi thơ đã cách xa tôi hơn 10 năm . Tôi tự hỏi tuổi thơ của Nguyễn Nhật Ánh chắc hẳn phải rất thú vị, ông có thể lấy ra ở đó những mùa giấy kính, mùa nắp keng, mùa cọng dừa, mùa bao thuốc lá,… cách mà ông tạo sự phấn khích cho độc giả bằng bức màn thác nước để bước vào sau đó là một thế giới mới, tuổi thơ của chúng ta đã bao lần ước muốn có một cõi của riêng mình và để bước vào không gian đó sẽ phải có một mật mã kiểu “vừng ơi mở cửa ra” trong truyện cổ tích Aladin và 40 tên cướp thường nghe mẹ kể vào mỗi buổi tối trước khi đi ngủ. Sau khi đọc xong “Ngồi khóc trên cây” tôi ước mình một lần được dùng tay vén bức màn nước đó để bước vào nơi có con Khập Khiễng đang đợi nghe câu chuyện của cuộc đời mình.

Nhưng câu chuyện không chỉ được vẽ nên bởi màu sắc và trò chơi của những kỉ niệm tuổi thơ vì nếu như vậy thì “Ngồi khóc trên cây” nên được đưa vào những tủ sách dành cho lứa tuổi thiếu nhi, tác phẩm còn được xoay vần xung quanh câu chuyện tình cảm của nhân vật Đông – một chàng trai đang ở độ tuổi 18, với con Rùa – một cô bé 14 tuổi với hoàn cảnh hết sức đăc biệt mà sau này chính sự đặc biệt trong xuất thân của con Rùa làm nên những chi tiết thắt nút và gỡ nút cho tác phẩm.

Không ít người nhận xét rằng Ngồi khóc trên cây có diễn biến khá giống như một bộ phim Hàn với bệnh tật với tai nạn và chia ly tử biệt, nhưng rồi tất cả những điều đó qua đi một cách “kì diệu” đến mức khó tin, có phần dễ dàng. Bản thân tôi thì không thấy vậy, cuộc sống vốn muôn hình muôn vẻ và không có một cái khuôn mẫu nhất định cho bất kì điều gì, điều bất hạnh có thể tới nhưng sẽ được “hóa giải” bằng một may mắn mà chẳng ai ngờ tới hoặc nó đơn giản chỉ là số mệnh đang trêu đùa với con người mà thôi. Nguyễn Nhật Ánh cho những độc giả trẻ tuổi của ông những hy vọng, những kết thúc có hậu cho những điều tưởng chừng như đi vào ngõ cụt, ông nuôi dưỡng tâm hồn của người đọc bằng niềm vui sướng tột cùng và không quên đem đến cho họ những nỗi đau chạm tới tầng đáy của cảm xúc.

Cái kết mở dệt nên bức màn đóng lại một tác phẩm hay, bản thân tôi thấy thật là không phù hợp khi để cho một tác phẩm như Ngồi khóc trên cây có một kết thúc đóng kiểu “ Hạnh phúc mãi mãi về sau”. Lối kết thúc mở này giúp khơi gợi trí tưởng tượng của người đọc cũng là để cho mọi người tự thấy được tâm hồn của mình sau mỗi biến cố trong câu chuyện. Với tôi thì kết thúc tác phẩm này tôi luôn mong muốn những con người trẻ tuổi với niềm tin mãnh liệt, sự thủy chung và đầy lòng tốt này sẽ tìm được HẠNH PHÚC của họ. Còn các bạn thì sao, Ngồi khóc trên cây theo các bạn nên kết thúc như thế nào?

Có lẽ tuổi thơ của những đứa nhóc tầm tuổi tôi không ai không đọc truyện của Bác Nguyễn Nhật Anh, cái phong vị nhẹ nhàng tinh khôi thấm đẫm trong từng trang truyện như khúc ru ngọt ngào ru tôi qua hết tuổi thơ ấy. Chính vì yêu truyện yêu ngôn từ của bác mà từ lúc nào không hay cái cách tôi cảm nhận cuộc sống, nhìn nhận mọi thứ xung quanh và thói quen ghi chép lại cảm xúc của mình đều có bóng dáng riêng đặc biệt của Nguyễn Nhật Ánh. Tôi đã yêu biết bao nhiêu cái cách bác nhìn mọi vật với ánh mắt thật trừu mến thật dịu dàng như ánh nắng rót mật vàng ngoài hiên, tiếng gió xào xạc trong từng bụi cây ngọt cỏ, tiếng con chào mào lảnh lot đâu đây. Bác đã dậy tôi cách bình yên ngắm nhìn cuộc sống này, vì chỉ những điều nhỏ nhoi thế thôi cũng đủ làm tôi thấy mình sao hạnh phúc.

Trở lại với diễn đàn văn học với “Ngồi khóc trên cây”, lại một lần nữa bác không làm người đọc thất vọng, tôi có thể ngồi hàng giờ để đọc truyện của bác, để nhấn nhá cái vị rất riêng của bác và thấy mình lại quay trở về làm con nhóc nhỏ ngày nào. Tôi đã khóc, khóc một cách rấm rứt tức tưởi khi nhân vật mà tôi yêu quý chết đi, và cũng chính tôi đã khóc trong nụ cười khi biết bác đã viết một cái kết có hậu, đề dù có bao lâu đi chăng nữa, bác đều không muốn làm tổn thương người khác, ngay cả đứa con tinh thần của mình. Tôi cảm ơn bác bằng cả tấm lòng mình vì đã dành một cái kết đẹp vẹn nguyên như thế cho tôi, cho đám nhóc yêu truyện của bác ngày nào.

Có lẽ đây là một trong những truyện dài có nhiều yếu tố bất ngờ nhất trong các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Từ ẩn khuất về cái chết của ba con Rùa hay bệnh của Đông cho đến bí mật từ ngày xưa giữa ông bà Đông và Rùa. Mỗi tình tiết đều là những hiểu lầm tai hại gây ra những biến cố to lớn về sau cho con Rùa và cả tinh thần của Đông nữa. Sai lầm từ đời trước dẫn đến hậu quả khôn lường cho đời sau. Bản thân họ không làm gì sai nhưng phải chịu uất ức, đau khổ suốt một quãng thời gian dài đằng đẵng và còn chịu những cuộc chia ly không biết có còn cơ may gặp lại… Nó vốn dĩ đã khoét sâu vào những vết thương tâm hồn không thể nào bù đắp được trong trái tim mỗi người. Tưởng chừng khi tất cả những sự thật được tiết lộ thì đã đến đoạn kết hạnh phúc của câu truyện nhưng cuối cùng thì không phải. 

Bất ngờ tiếp nối những bất ngờ tạo nên mạch truyện lôi cuốn người xem. Thành thật mà nói, sau khi độc giả đọc hết cuốn sách có lẽ sẽ có nhiều suy ngẫm khác nhau về đoạn kết. Có bồi hồi, tiếc nuối cho đoạn thời gian cách xa, cũng có vui mừng toại nguyện cho kết thúc bất ngờ ấy. Cùng trải qua những giông bão ấy với Đông, một chàng trai vừa mới lớn nhưng phải chịu đựng những nỗi đau tinh thần nặng nề áp lực như thế bạn đọc mới thấm thía được sự đau khổ ngay khi đã tiến sát đến bờ vực của hạnh phúc.. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã rất thành công khi tạo nên một câu chuyện có cả vui, cả buồn, và những cảm giác hồi hộp, tiếc nuối chỉ trong một quyển sách vỏn vẹn 341 trang giấy. 

Một điều đáng để nói đến trong tiểu thuyết đó là những bức tranh minh họa của họa sĩ Đỗ Hoàng Tường. Nhờ đó mà độc giả có thể cảm nhận rõ ràng hơn đến từng chi tiết của khung cảnh trong truyện. Những khu rừng, con suối, mái nhà và có cả Đông và Rùa nữa. Tuy chỉ là những hình ảnh đen trắng không màu và đơn giản nhưng chính những yếu tố ấy đem lại sự giản dị cho câu chuyện lấy khung cảnh làng quê, rừng núi làm chủ đạo. Những điều này phần nào làm cho truyện trở nên chân thật hơn, khắc họa rõ nét những bối cảnh, tình tiết khó có thể truyền đạt hết thông qua lời nói. Ngoài ra, số lượng hình minh họa cũng rất nhiều so với các truyện trước đây của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh nên có thể nói đây là một trong những điểm cộng lớn của cuốn tiểu thuyết này.

Ắt hẳn nhiều người sẽ ao ước được sống ở làng Đo Đo sau khi khép lại quyển sách này. Một vùng quê tuy vẫn còn khó khăn nhưng nó lưu giữ được một những nét văn hóa, câu chuyện lịch sử và quan cảnh thiên nhiên núi rừng hoang sơ mà kì diệu. Một thung lũng nên thơ đằng sau những ngọn đồi, miền đất hứa bí mật của Rùa và Đông và những con vật trốn tránh khỏi phường thợ săn. Đi xuyên qua màn nước chảy xuống từ từ, vượt qua con thác ấy sẽ đặt chân đến thung lũng mộng mơ với những loại cây thân thấp, loài hoa bướm dại và khe suối len lỏi giữa những kẽ đá chảy róc rách. 

Hơn nữa, hình tượng Rùa được xây dựng là một người yêu thương động vật, cũng giống như ba nó. Vì lẽ đó, dù không có nhiều bạn bè trong làng, nó vẫn có một danh sách những đứa bạn khác như: con Cổ Dài, thằng Đuôi Dài, con Đít Đỏ,…Thực chất đó là những con vật gần đó được nhà văn nhân hóa để chơi với con Rùa và còn có cả một lô bạn của nó ở trong rừng nữa. Cái cách nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đặt tên cho từng con thú vật như thể chúng là những con người thật sự, những người bạn thật sự của con Rùa. Và nó thể hiện rất sinh động thế giới xung quanh cũng như truyền đạt những tư tưởng về thiên nhiên và môi trường, đặc biệt là cho những thế hệ độc giả trẻ tuổi ngày nay.


Theo dấu chân Đông về quê và trải nghiệm những trò chơi tuổi thơ của trẻ con nơi đây để mà nhớ lại những ký ức ngày xưa ẩn giấu đâu đó trong tim mỗi người. Tụi trẻ nơi đây có 6 mùa, mỗi mùa là những đồ vật hay trò chơi mà tụi nó hay dùng, gồm có: giấy kính, nắp keng, cọng dừa, bao thuốc lá, thả diều, và chong chóng. Mỗi mùa tụi nó sẽ thu thập các đồ vật đó, đứa nào có nhiều nhất sẽ giàu nhất làng. Tụi nó có thể dùng nó như một loại tiền tệ để đổi bi ve, dây thun hay nhờ bạn bè chép bài giùm. Đó là những trò chơi tuổi thơ mà ngày xưa Đông cũng từng theo đuổi. Giọng văn của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh khi nhắc về quê hương luôn có một cảm giác bình dị mà gần gũi, gợi cho mỗi người về một mái nhà thân thương của riêng mình.

Điều này còn được thể hiện qua câu chuyện của ông ngoại con Rùa kể cho nó nghe về làng Đo Đo qua truyện “Asterix và lưỡi hái vàng”. Ông ngoại nó đã dành trọn tình yêu quê hương xứ sở về ngôi làng Đo Đo nơi đây để kể về bác Bụng Bự, bác Ria Vàng, hay bác Bông Gòn chống lại bọn cướp… Nhờ thế mà cảm nhận được những tình cảm dạt dào và chấp niệm về mảnh đất nơi ông cháu nó chôn rau cắt rốn và lớn lên.

Từ những lần kể chuyện ấy mà Đông và Rùa thân thuộc hơn, dần dần nảy sinh những tình cảm khác. Đông lúc này đã là chàng sinh viên 18 tuổi, trưởng thành và hiểu chuyện. Còn con Rùa mới chỉ 14, nghỉ học từ lớp Năm và vẫn hồn nhiên vui chơi. Thứ cảm xúc thanh thuần ấy khiến Đông bồi hồi, ngơ ngẩn trong khi Rùa không hay biết gì. Có lẽ, đối với mỗi người, mối tình đầu đời luôn là tình cảm khó quên nhất. Cũng bởi vì thế, sau này Đông vẫn không thể nào thôi nhung nhớ về Rùa sau những biến cố to lớn mà anh trải qua trong cuộc đời chỉ trong chừng ấy năm ngắn ngủi.