"Nồng nàn lên với Cốc rượu trên tay Xanh xanh lên với Trời cao ngàn ngày Dài nhanh lên với Tóc xõa ngang mày Lớn nhanh lên với Bé bỏng chiều nay" Mở đầu là kỳ nghỉ hè tại một ngôi làng thơ mộng ven sông với nhân vật là những đứa trẻ mới lớn có vô vàn trò chơi đơn sơ hấp dẫn ghi dấu mãi trong lòng. Mối tình đầu trong veo của cô bé Rùa và chàng sinh viên quê học ở thành phố có giống tình đầu của bạn thời đi học? Và cái cách họ thương nhau giấu giếm, không dám làm nhau buồn, khát khao hạnh phúc đến nghẹt thở có phải là câu chuyện chính? Bạn sẽ được tác giả dẫn đi liền một mạch trong một thứ cảm xúc rưng rưng của tình yêu thương. Bạn sẽ thấy may mắn vì đang đuợc sống trong cuộc sống này, thấy yêu thế những tấm tình người… tất cả đều đẹp hồn hậu một cách giản dị. Với cuốn sách này, một lần nữa người đọc lại được Nguyễn Nhật Ánh tặng món quà quý giá: lòng tin vào điều tốt có thật trên đời.
Xem thêm

Có lẽ sẽ là hơi muộn khi một chàng trai 26 tuổi đọc tập truyện được viết cho những bạn trẻ độ tuổi mới lớn. Nhưng có sao đâu nhỉ, văn chương và câu tứ là của tất cả mọi người, chúng ta sẽ có những cảm nhận cũng như góc nhìn khác nhau về tác phẩm. Ở cái độ tuổi chấp chới chạm tới lằn ranh giới trưởng thành và tuổi trẻ này tôi mới đọc một tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh, điều tôi nhận thấy rằng từ ngữ của ông thật trong sáng và mộc mạc, bình dị nhưng cũng rất đẹp mà không kém phần sâu lắng.

“Chiều rớt nắng trên ngọn sầu đông, nắng rơi xuống, rất dày, nhưng bị các nhánh lá cản lại trên cao. Vô số nắng nằm trên ngọn cây. Ở những khoảng trống nắng tiếp tục rơi. Tôi ngồi duỗi chân trên cỏ, nghe nắng xuyên qua lớp vải. Trước mặt tôi, trong dòng sông Kiếp Bạc, nắng đang đùa giỡn với cát”

Đây là đoạn mở đầu tác phẩm, một buổi chiều được miêu tả với ánh nắng chói chang của vùng đất Quảng Nam, không nhắc nhiều tới con người, chỉ có một “tôi” xuất hiện trong khung cảnh, lồng ghép vào đó là không gian đã tràn ngập cảm nhận của nhân vật này với những ánh nắng đang xuyên qua lớp vải, những ánh nắng đang đùa giỡn bên bờ sông như có linh hồn, có cảm nhận. Đây là cách mở đầu quen thuộc của các tác phẩm tiểu thuyết, chúng ta biết mình sắp được nghe một câu chuyện của ngôi kể thứ nhất.

Với những người có tuổi thơ gắn liền với thành phố ngập tràn cửa hiệu sáng rực đèn như tôi khi đọc tác phẩm nó dường như có một lực hút mạnh mẽ khiến những khi cầm quyển sách trong tay thì đó là cuộc du ngoạn về với tuổi thơ đã cách xa tôi hơn 10 năm . Tôi tự hỏi tuổi thơ của Nguyễn Nhật Ánh chắc hẳn phải rất thú vị, ông có thể lấy ra ở đó những mùa giấy kính, mùa nắp keng, mùa cọng dừa, mùa bao thuốc lá,… cách mà ông tạo sự phấn khích cho độc giả bằng bức màn thác nước để bước vào sau đó là một thế giới mới, tuổi thơ của chúng ta đã bao lần ước muốn có một cõi của riêng mình và để bước vào không gian đó sẽ phải có một mật mã kiểu “vừng ơi mở cửa ra” trong truyện cổ tích Aladin và 40 tên cướp thường nghe mẹ kể vào mỗi buổi tối trước khi đi ngủ. Sau khi đọc xong “Ngồi khóc trên cây” tôi ước mình một lần được dùng tay vén bức màn nước đó để bước vào nơi có con Khập Khiễng đang đợi nghe câu chuyện của cuộc đời mình.

Nhưng câu chuyện không chỉ được vẽ nên bởi màu sắc và trò chơi của những kỉ niệm tuổi thơ vì nếu như vậy thì “Ngồi khóc trên cây” nên được đưa vào những tủ sách dành cho lứa tuổi thiếu nhi, tác phẩm còn được xoay vần xung quanh câu chuyện tình cảm của nhân vật Đông – một chàng trai đang ở độ tuổi 18, với con Rùa – một cô bé 14 tuổi với hoàn cảnh hết sức đăc biệt mà sau này chính sự đặc biệt trong xuất thân của con Rùa làm nên những chi tiết thắt nút và gỡ nút cho tác phẩm.

Không ít người nhận xét rằng Ngồi khóc trên cây có diễn biến khá giống như một bộ phim Hàn với bệnh tật với tai nạn và chia ly tử biệt, nhưng rồi tất cả những điều đó qua đi một cách “kì diệu” đến mức khó tin, có phần dễ dàng. Bản thân tôi thì không thấy vậy, cuộc sống vốn muôn hình muôn vẻ và không có một cái khuôn mẫu nhất định cho bất kì điều gì, điều bất hạnh có thể tới nhưng sẽ được “hóa giải” bằng một may mắn mà chẳng ai ngờ tới hoặc nó đơn giản chỉ là số mệnh đang trêu đùa với con người mà thôi. Nguyễn Nhật Ánh cho những độc giả trẻ tuổi của ông những hy vọng, những kết thúc có hậu cho những điều tưởng chừng như đi vào ngõ cụt, ông nuôi dưỡng tâm hồn của người đọc bằng niềm vui sướng tột cùng và không quên đem đến cho họ những nỗi đau chạm tới tầng đáy của cảm xúc.

Cái kết mở dệt nên bức màn đóng lại một tác phẩm hay, bản thân tôi thấy thật là không phù hợp khi để cho một tác phẩm như Ngồi khóc trên cây có một kết thúc đóng kiểu “ Hạnh phúc mãi mãi về sau”. Lối kết thúc mở này giúp khơi gợi trí tưởng tượng của người đọc cũng là để cho mọi người tự thấy được tâm hồn của mình sau mỗi biến cố trong câu chuyện. Với tôi thì kết thúc tác phẩm này tôi luôn mong muốn những con người trẻ tuổi với niềm tin mãnh liệt, sự thủy chung và đầy lòng tốt này sẽ tìm được HẠNH PHÚC của họ. Còn các bạn thì sao, Ngồi khóc trên cây theo các bạn nên kết thúc như thế nào?

Truyện cũng đưa ta trở về với những kí ức tuổi thơ, những tên mùa đều gắn liền với trò chơi mùa đó. Cho ta thấy sự ngây thơ của Rùa khi được nghe câu chuyện “Asterix và lưỡi hái vàng” và sự dũng cảm của nó khi dám đối đầu với thợ săn trong làng, cứu một đứa bé để rồi bị nước cuốn đi. 

Khi đọc câu chuyện "Ngồi khóc trên cây" này mình hết lần này đến lần khác bị bất ngờ, từ một tình yêu trong sáng cùng những kỉ niệm của hai nhân vật, đến những lúc chia xa, cũng “dramma” lấy đi nước mắt của mình. Một tình yêu đẹp thì luôn phải có thử thách mới biết được bản thân yêu người đó thế nào. Cứ nghĩ là những câu chuyện ngôn tình một trong hai nhân vật chính bị bệnh gì đó rồi chết đi, nhưng khi nhân vậy “tôi” phát hiện anh không bị bệnh, tôi đã nghĩ truyện sẽ có một cái kết đẹp, nhưng bác Ánh lại cho mình một cú nữa. 

Tuy nhiên mình thấy kết chưa được trọn vẹn khi dừng lại ở đó. Rùa vẫn chưa gặp lại Đông, mà Đông vẫn chưa kể hết những chuyện kia cho Rùa biết vì sao anh lại đi biệt 5 năm mới trở lại. Nhưng kết thế nào thì đó là ý của tác giả. 

Đọc truyện này mình khá thích nhân vật nữ phụ là Bích Lan, cô cũng có một cái kết thật đẹp, cùng chuyện tình. Ngoài ra cũng vì có một câu nói khiến mình rất thích, cũng là câu nói của những người đang yêu thầm. 

“Sự thực là Lan thích anh... ừm ừm..., đến giờ vẫn còn vô cùng thích. Nhưng bên cạnh sự thực đó còn có một sự thực khác. Là Lan yêu anh xong rồi. Người Lan yêu bây giờ không phải là anh nữa. Lan biết anh không buồn. Vì thực ra anh đâu có yêu Lan. Một phút cũng không.”

Đông trong một lần về quê và nảy sinh tình cảm với một cô bé được gọi là Rùa. Tình bạn cả hai dần phát triển và Đông có cảm giác như đã yêu Rùa, trong một tai nạn, Đông đã không kìm được và đặt một nụ hôn đầu tiên lên môi Rùa. Nhưng rồi, Đông cũng phải về Sài Gòn và anh được một tin đau lòng là mình và Rùa có quan hệ họ hàng. Quá đau buồn, anh đã ở lại thành phố trong 3 năm để cố gắng vơi nỗi buồn đồng thời một bi kịch khác đến là anh được tin là mình bị ung thư máu. Đông quyết định trở về làng Đo Đo đối diện với quá khứ và anh biết được anh và Rùa không có quan hệ họ hàng. Mối tình xưa được sống lại nhưng rồi anh cũng phải về thành phố để tiếp tục điều trị bệnh. Khi quay lại, anh biết mình không bị ung thư máu mà chỉ là thiếu máu dinh dưỡng. Một niềm tin tươi đẹp về tương lai, Đông tức tốc về quê thì anh lại nghe được tin là Rùa đã qua đời, cô đã bị nước lũ cuốn khi cố gắng giúp lũ trẻ đi học. Quá đau buồn, Đông cùng hai đứa em họ vào rừng như để anh sống lần cuối với những kỉ niệm xưa. Tại thung lũng bí mật, anh đã nghe tiếng hát của Rùa và phát hiện ra Rùa vẫn còn sống.


Có thể thấy, tác phẩm đưa người từ sự kiện này tới sự kiện khác, hết bi kịch nọ tới bi kịch kia rồi lại hóa ra không có gì cứ nhứ muốn đùa giỡn cảm xúc của độc giả. Ngoài ra, một trong những đặc trưng trong truyện Nguyễn Nhật Ánh đó là những dòng tả cảnh rất đẹp, với những dòng chữ đó, làng Đo Đo với khu rừng, nơi chứa những kỉ niệm đẹp của Đông với Rùa, hiện ra tươi đẹp như một xứ trong mơ. Nhưng điều đặc biệt khi tôi thấy ở tác phẩm này khác các tác phẩm tôi đã đọc trước đó chính là đi sâu vào tâm lý nhân vật. Đôi lúc, nhà văn đã đi sâu lí giải những cảm xúc bằng cách so sánh rất hài hước khiến tui phải bật cười như một sự giải tỏa căng thẳng khi ngập trong bi kịch.

Vì tác phẩm lần này sao màn dạo đầu ngọt thì lại tới bi kịch ngổn ngang làm tôi lo sợ đây sẽ lại một kết thúc buồn bã như Mắt biếc, Còn chút gì để nhớ, Hoa hồng xứ khác, Những cô em gái,… Tôi mất niềm tin đến mức khi đã biết kết thúc là có hậu, tôi vẫn lo lắng đó chỉ là nỗi nhớ nhung của Đông quá lớn đã khiến anh nhìn thấy Rùa, bằng chứng là việc Thục không thể nghe tiếng hát của Rùa dù anh thừa nhận tại Thục thính hơn tai anh. Nhưng đó cũng chỉ là sự buồn bã khi các nỗi buồn lần lượt lướt qua trang giấy, tôi lại chợt nghĩ chỉ mình Đông nghe được tiếng hát vì anh đang ở thung lũng bí mật nơi chứa đựng kỉ niệm của anh với Rùa. Một sợi dây liên kết của hai đã hình thành như mối tình duyên của hai người, cái kết dở dang của câu chuyện vừa kịp làm sống lại hi vọng. Sau cơn mưa, trời lại sáng.

Ngồi Khóc Trên Cây được mở đầu bằng khung cảnh làng Đo Đo đang vắt mình sang Thu, với dòng sông Kiếp Bạc cuồn cuộn, khi nhân vật Đông vừa trở về quê sau kì học dài. Chốn làng quê ấy đặc biệt bởi cách tụi nhỏ gọi bốn mùa bằng mấy thứ đồ chơi chúng nó chuộng quanh năm, và Rùa xuất hiện lần đầu trong cuộc cãi vã lúc giành đồ chơi với mấy đứa nhỏ trong xóm.

Thoạt đầu, Rùa làm cho người đọc nhớ tới một cô gái có phần gai góc khi đã có lần dọa đánh Thục lúc bị chòng ghẹo. Nhưng qua hành trình dạo chơi nơi làng Đo Đo cùng cô bé, độc giả lại nhìn Rùa qua vẻ đẹp nội tâm đã kinh qua nhiều vết xước khi em mất cha từ sớm, mắc căn bệnh khó chữa làm em đi học trễ, đã thế lại chẳng có ai bầu bạn.

Rùa rất thích đọc quyển sách được người ông cho, nhưng em lại chẳng biết ngoại ngữ, nên khi biết Đông thích đọc sách em ngưỡng mộ lắm. Qua năm lần bảy lượt trộm nhìn Đông đọc sách và chợt bắt trúng ánh nhìn của anh, Rùa và Đông bỗng trở thành đôi bạn dính với nhau như hình với bóng. Dù thời gian bên nhau chẳng dài, nhưng người đọc sẽ khó quên tiếng cười ngây thơ của hai đứa nhỏ trong quãng thời gian này, như lúc Rùa dẫn Đông đi thăm thú khu rừng “mầu nhiệm” của em, như mấy lúc Đông chăm chú kể cho Rùa nghe câu chuyện của ông để lại mà em vẫn hoài mong đợi.

Ngồi Khóc Trên Cây là câu chuyện kể về mối tình đầu ngây ngô, trong trẻo của hai nhân vật Rùa và cậu sinh viên Đông. Với khung cảnh làng quê nghèo Đo Đo đầy ắp dư vị quê hương, ta cũng sẽ một phần tìm lại được ký ức tuổi thơ với những trò chơi của tuổi nhỏ, đồng thời là những cung bậc cảm xúc về những câu chuyện đời, chuyện người đáng suy ngẫm. 

Xoay quanh hai nhân vật Đông và Rùa. Đông là cậu sinh viên 18 tuổi từ Sài Gòn về thăm quê với những ký ức đẹp đẽ ở vùng quê này. Còn Rùa là một cô bé 14 tuổi nhưng mới chỉ học đến lớp 5 vì ba mất sớm và mẹ thì bỏ đi xa. Cái tên Rùa được mấy đứa trẻ trong làng đặt cho nhằm trêu chọc vì Rùa lớn rồi mà không biết đi xe đạp.

Đông và Rùa quen nhau khi Rùa năm lần bảy lượt đứng nép ngoài cửa nhìn lén Đông đọc sách, hai người dần quen nhau và rồi trở thành bạn của nhau. Qua nhiều lần nói chuyện, Đông hiểu được hoàn cảnh và yêu mến sự ngây ngô của Rùa. Đồng thời Rùa cũng tin tưởng Đông hơn, còn dẫn Đông đến thăm những con vật được Rùa cứu trong khu rừng và khám phá con đường phía sau thác nước mà không ai biết tới. Và cũng chính trong khu rừng này hai người đã nảy sinh thêm nhiều tình cảm với nhau hơn.