Nếu có một người đàn ông, yêu nàng bất chấp luân thường, gia môn, bộ tộc, tín ngưỡng, nếu có một người đàn ông, sẵn sàng băng qua núi cao biển sâu, lửa thiêu sông giá miễn là nàng cần tới, nếu có một người đàn ông bất kể nàng gặp rắc rối đến đâu cũng giải quyết chóng vánh, chẳng nề nguy hiểm tử sinh thì nàng hạnh phúc biết nhường nào. Ở cùng người ấy, nàng không phải băn khoăn điều gì, do dự hay sợ hãi điều chi. Nàng sẽ chỉ có tự do, yêu thương tha thiết, nao nức và yên lòng. Nhưng, sẽ có ý nghĩa gì nếu mọi lời thề ước chỉ đơn giản là thề ước? Năm ấy giữa tứ hải bát hoang nàng và hắn cùng hẹn ước một đời, thế rồi liệu cho đến khi đào nở họ có lại được cùng nhau dưới  hoàng hôn rực rỡ?...

Từng thề ước – Đồng Hoa. Có bao giờ bạn đọc một cuốn truyện mà đau buốt cả tim gan? Có bao giờ bạn đọc một cuốn truyện mà từng câu từng chữ của nó như nghàn mũi kim xuyên thẳng vào bạn? … Từng thề ước – một câu chuyện về tình yêu, tình người, về quyền lực và địa vị! Tôi thiết nghĩ trong linh hồn của mỗi người đều có những khát khao thầm kín cho nên khi đọc câu chuyện này mỗi sẽ chúng ta đều có những cảm nhận rất riêng đồng thời cũng sẽ bị lôi cuốn bởi những tình tiết khác nhau trong mạch truyện nhưng tôi lại dám chắc một điều rằng phần lớn trong chúng ta sẽ phải rơi nước mắt bởi câu chuyện tình yêu đẹp đẽ mà đau thương của cặp đôi chính: A Hành và Xi Vưu! 

Cây chết mây còn còn quấn quýt, cây còn mây chết chẳng rời nhau!

Tôi vẫn luôn tự đặt tay lên trái tim mà hỏi rằng, ái tình rốt cuộc là cái quái gì mà khiến cho người ta cam tâm trầm luân? Rốt cuộc là cái quái gì mà khiến cho người ta dù thịt nát xương tan vẫn mỉm cười mãn nguyện? Và rằng có phải chăng người rời đi luôn không biết họ đã để lại trong tim người ở lại một mảnh tình thương?


Hai trăm năm trước, dã thú đang trốn chạy sự truy đuổi của Hoả Thần Chúc Dung - một đại tướng hiếu chiến của Thần Nông, con dã thú này vốn chẳng hiểu gì về tình yêu lại có thể lặng im ẩn mình trong khe núi để ngắm nhìn thấy thiếu nữ áo xanh tựa như ánh nắng ban mai, rồi nó còn mặc kệ an nguy bản thân chạy theo hướng ngược lại đánh lạc hướng bọn quân lính để bảo vệ thiếu nữ xinh đẹp ấy. Trước đây, mỗi lúc xuân về nó đều cảm thấy thật cô đơn và nó nghĩ có lẽ nó không giống các con thú hoang khác, nó căm ghét mùa xuân, ban đầu nó thắc mắc, nghi hoặc lủi thủi chạy tới chạy lui, tra xét khắp nơi nhưng cuối cùng càng thấy hồ đồ, nó chẳng hiểu sao con cáo nâu bủn xỉn gian manh lại đem con gà liều mạng trộm được trong thôn dâng cho một ả cáo khác, vừa kêu vừa nhảu đầy nịnh nọt đẩy con gà tới trước mặt nài nỉ ả ăn cho, càng không hiểu sao lão hổ trắng vốn độc vô độc vãng lại dám quyết đấu cùng một con hổ lớn để bảo vệ một con hổ cái mặc cho thân mình đẩy thương tích, nó thấy thật điên rồ và nó khinh thường điều đó! Nhưng vào khoảnh khắc thấy nàng nó đã bắt đầu cảm nhận được tồn tại đặc biệt của mùa xuân, nó cảm nhận được chuyển động kiều diễm của mọi sự vật tồn tại trên thế giới bởi chắc rằng nó đã tìm thấy mùa xuân của riêng mình và nó yêu mùa xuân ấy, nhưng cũng vào khoảnh khắc ấy nó biết mình chẳng thể có thêm một mùa xuân nào nữa …

Hai trăm năm sau, dưới ánh hoàng hôn lung linh, con đường ngập trong cát bụi bỗng như có ngàn vạn gốc đào theo sau nở rộ có một tiểu cô nương áo xanh như đang nũng nịu túm lấy ống tay áo của nam tử áo màu đỏ chói có vẻ mặt hờ hững để hỏi đường tới Bác Phụ. Con dã thú năm ấy đã sớm nhận ra tiểu cô nương mà hai trăm năm nay nó chỉ được gặp trong giấc mơ còn nàng thì không, nàng lại càng không biết rằng đôi tay mình đang nắm lấy hoạ sát thân… và cũng kể từ khoảnh khắc ấy số phận đã quyết định buộc họ lại với nhau, kết thành một đoạn nghiệt duyên dưới thời loạn thế.

Dưới gốc cây đào khi ấy, Xi Vưu ngỏ lời thề ước với nàng, hắn buông bỏ dã tâm, buông bỏ cả khát vọng và tín ngưỡng để được ở bên nàng trọn đời. Nàng và hắn cùng nhau trải qua bao nhiêu sóng gió, rất nhiều lần tưởng như chẳng thể vãn hồi cuối cùng vẫn có thể về bên nhau, nàng trao cho hắn thứ quý giá nhất của người phụ nữ, tình yêu của nàng đã chậm rãi hoà tan lớp băng cuối cùng trong tim hắn, hắn cho phép nàng mở cánh cổng cuối cùng của đời hắn cho phép nàng chạm vào nơi yếu mềm nhất của mình. Con dã thú vô pháp vô thiên, ngông ngông cuồng cuồng, tự cao tự đại cuối cùng cũng có người hàng phục được nó!

Thế nhưng vận mệnh quả thực luôn biết cách làm cho con người ta đau đớn! Hắn vốn dĩ cho rằng tình yêu của hai người có thể vượt qua mọi thứ, rằng tình yêu của họ lớn như vậy đẹp đẽ như vậy trên đời này không có bất kì điều gì có thể ngăn cản nó, đập vỡ nó... Ấy vậy mà, cho đến cuối cùng hoá ra tình yêu đó cũng đã bị vùi dập, tất cả, tất cả những gì đẹp nhất, tất cả, tất cả những gì hạnh phúc nhất đều đã tan nhoà trong khói bụi hỗn loạn thời viễn cổ.


Lời hẹn ước năm xưa, hắn vốn không quên, nàng cũng chưa từng quên ...

Cho đến tận khi tan thành khói bụi hắn vẫn chưa từng được nghe con gái mình gọi một tiếng “cha”, hắn muốn nhìn con gái mình lớn lên rồi dựng vợ gả chồng, hắn muốn cùng A Hành của hắn mỗi ngày đều ngao du sơn thuỷ vô lo vô nghĩ, hắn muốn đêm đêm đều được trầm luân không rời cùng nàng muốn cảm nhận hơi thở và da thịt ấm áp của nàng nhưng hắn lại lựa thất hứa với nàng bởi hắn biết nếu nàng không còn thì mùa xuân của hắn sẽ không bao giờ lại đến nữa cho nên hắn khẩn khoản cầu xin nàng hãy tiếp tục sống, sống vì hắn và vì con của bọn họ, hãy thay hắn làm những điều mà hắn chưa hoàn thành,… nhưng hắn không biết hắn làm như vậy A Hành của hắn đau lòng biết bao, hắn chỉ nghĩ nếu nàng đi mùa xuân của hắn sẽ không bao giờ đến vậy còn nàng, nàng thì khác sao? Từng muốn cùng hắn đi ngao du thiên hạ, nhưng khi chỉ còn một mình trơ trọi thì nàng mới hiểu hắn chính là thiên hạ của nàng, cảnh đẹp nhất trên đời này là nụ cười của hắn. Từng muốn cùng hắn thưởng thức âm thanh tuyệt diệu trên đời nhưng khi hắn rời đi rồi mới hiểu hoá ra âm thanh mỹ diệu nhất trên đời này chính là tiếng hắn dịu dàng gọi “A Hành”. Trái tim của hắn ở trong lồng ngực nàng, rõ ràng gần trong gang tấc nhưng không sao chạm tới. Mỗi mùa đến đào sẽ lại nở, nhưng hình bóng của người đàn ông ngang tàn, cao ngạo luôn kiên nhẫn đợi nàng dưới gốc đào năm ấy - hình bóng mà nàng yêu nhất trên đời này sẽ chẳng bao giờ lại xuất hiện nữa...

-------------------------------------

Nàng chẳng còn biết mình đang ở đâu, thậm chí không biết mình rốt cuộc đã ra sao nữa, chỉ thấy mừng rỡ vô hạn, như thể quay lại lần đầu gặp gỡ dưới cội hoa đào, lại đến tết Khiêu Hoa rồi đó ư? Cuối cùng nàng có thể ở bên hắn mãi mãi rồi ư?

Thấy Xi Vưu mỉm cười, dang rộng hai tay, nàng cũng nhoẻn cười chạy thẳng về phía hắn. Nàng chẳng nhớ nổi rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì nữa, chỉ cảm thấy mệt mỏi vô chừng, như thể vừa bôn ba thiên sơn vạn thuỷ, thân thể đau như giần, tim cũng đau buốt, những muốn ngả vào lòng Xi Vưu ngủ vùi.

Nàng mỉm cười với tay về phía Xi Vưu toan nắm lấy tay hắn, giữ chặt lấy niềm hạnh phúc này.

Nhưng nàng kinh hoàng nhận ra mặt đất dưới chân Xi Vưu đang khô nứt, làm da hắn cũng phổng rộp lên, cả cánh tay cháy xém như xương khô.

‘A Hành, không sao đâu, lại đây này!’ Xi Vưu vươn tay ra, mỉm cười tiến về phía nàng.

A Hành hốt hoảng lùi lại, là nàng! Lại chính là nàng! Rốt cuộc nàng đã biến thành thứ gì thế này?

Nàng kinh hãi sờ lên người mình, phát hiện trên đều chẳng có lấy một sợi tóc, da dẻ cũng cháy xém nứt nẻ, khắp người không còn tấc thịt nào lành lặn, nàng đã biến thành con quái vật xấu xí ghê tởm nhất thế gian này!

A Hành ôm lấy đầu, co rúm lùi lại, đoạn khóc lóc oà lên thảm thiết, nhưng nước mắt của nàng chưa kịp tràn ra khỏi khoé mắt đã bay hơi. Giờ đây, ngay cả khóc nàng cũng không thể nữa rồi!

‘A Hành nàng còn nhớ ta không? Ta Từng nói với nàng nếu nàng thành ma, ta cũng sẽ cùng nàng trầm luân trong ma đạo kia mà?’

Xi Vưu ra sức lại gần nàng, nhưng nàng một mực khóc tránh né.

Xi Vưu thế thiết gọi:‘A Hành, đừng tránh ta, ta không sợ nàng đâu.’

Nhưng ta sợ, sợ quái vật xấu xí ghê tởm như ta sẽ thiêu đốt chàng thành tro bụi. A Hành vừa quyến luyện vô hạn nhìn Xi Vưu, vừa bi ai vô hạn lùi lại.

Nhìn bộ dạng đau khổ của A Hành, Xi Vưu cũng tan lòng nát dạ.

Yêu thương nhau sâu đậm là thế vậy mà ngay cả đến gần cũng không thể, trên đời còn chuyện gì tàn khốc hơn thế nữa chăng?

…”

Tác giả: Trà Thu Bookademy

-------------------------------------------

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link:https://www.facebook.com/bookademy.vn

Đăng ký để trở thành CTV Bookademy tại link: http://bit.ly/2Hxkazt

Xem thêm

Truyện Đồng Hoa thực sự đã thay đổi khá nhiều, nổi bật là trong bút pháp và cách xây dựng nhân vật.

Về nhân vật, nói ngắn gọn thì là các bạn nam nữ chính của cô đã xuất sắc vượt qua thời kì mà mỗi lần đọc là một lần mình chán hoặc ghét, chuyển sang thời kì dù mình không ưa nhưng không đến nỗi ghét, thậm chí nhiều lúc còn rất có cảm tình.

Nhân vật mình cảm tình nhất trong truyện này có lẽ là Thiếu Hạo. Thiếu Hạo chứ không phải là Cao Tân Thiếu Hạo. Cái cảm giác lúc đầu mình dành cho anh ta đã từng làm mình có suy nghĩ rằng con người này có lẽ sẽ được lòng mình giống Thương Dịch Chi (nhân vật trong truyện "A Mạch tòng quân"), nghĩa là một vị đế vương hết lòng theo đuổi mộng tưởng, vì mưu đồ bá nghiệp, vì hùng tâm tráng chí, vì những gì mình cam tâm tình nguyện giành lấy. 

Rốt cuộc Thiếu Hạo áo trắng phấp phới cưỡi trên lưng Huyền điểu ngày đó lại biến thành một Tuấn Đế lạnh lùng nghiêm cẩn, khắc kỷ đến vô tình. Chà, nói thật ra thì anh ta không sai, mình cũng chẳng thấy anh ta sai chỗ nào, nhưng không hiểu sao lại không thấm được bi kịch của con người này, không thích được những bước đi hòng nhắm tới mục tiêu đoạt đế vị của anh ta, cũng không hề ưa cái cách anh ta nhìn nhận Tây Lăng Hành – Hiên Viên Bạt, cô vợ hờ tưởng có lúc đã thành tri kỷ. 

Trong tuyến nhân vật đông đúc đan cài trong mạch truyện thì Thiếu Hạo là kẻ thụt lùi nhiều nhất, đỉnh điểm của sự thụt lùi là khi anh ta “ngộ đạo” giản đơn trước câu nói “muốn làm chủ thiên hạ thì phải rộng lòng với thiên hạ” của A Hành.

Nói đến khen thì cái đáng khen nhất là việc Tây Lăng Hành và Xi Vưu, mỗi người đều gầy dựng được một bản sắc riêng nào đấy của mình. Quả là nàng A Hành đã sống một đời trọn vẹn thật, mỗi bước đi của nàng cũng đều không sai, và đối với một cô gái mới mấy trăm năm trước hãy còn ngây ngây thơ thơ, thường xuyên trốn nhà mà hào sảng đi vác tù và hàng tổng, thì ứng biến với hàng loạt biến cố xảy ra trong đời vậy cũng là tốt lắm rồi. 

Tình lang của nàng – Xi Vưu – ngược lại là một kẻ khó ưa. Ngoại trừ việc tính cách anh chàng điên khùng này nồng nhiệt bất cần theo đúng cái lối mình xưa nay vẫn ưng bụng, thì cứ mỗi khi mình vừa chớm nghĩ: “Ai chà, cậu chàng cũng dễ thương ấy chứ?” sẽ liền lập tức cảm thấy cứ như bị dội một gáo nước lạnh. Sao nhỉ? Xi Vưu hoang dã quá, tính tình quá thuần “thú”, dẫn tới hành động cũng thuần “thú”, nên mình không sao chấp nhận được cái cách mà hắn ta yêu Tây Lăng Hành.

Đến đây lại phải bẻ nhánh dẫn ra một ít suy nghĩ bên lề về chuyện tình tay ba trong truyện. Nếu như mình cảm thấy cả A Hành lẫn chiến thần Xi Vưu đều có nét rất “được”, thì khi bọn họ ở cạnh nhau lại biến tất cả cái “được” thành “không được”. 

Rõ ràng là nàng con gái nhà Hiên Viên nọ không hợp với Xi Vưu xíu nào, nhưng cả hai lại bị tác giả bảo: “Chúng mày yêu nhau đi!” Đến cuối cùng cái làm mình nản nhất trong truyện lại chính là tình yêu vượt khỏi “luân thường đạo lí” giữa cặp đôi này. 

Ví như những đoạn độc thoại nội tâm dài dặc miêu tả tình yêu của họ chẳng làm mình đây có thêm tí cảm tình nào, hoặc ví như cái chết của vị thần bất bại Xi Vưu là vì hắn móc tim mình ra thay thế cho tim người yêu qua cung Bàn Cổ. Đây đáng lẽ phải là câu chuyện tình cảm động vô cùng mới phải, nhưng cái đọng lại trong mình chỉ là… chán nản. 

Hay là ngay từ đầu mình đã vô tình có định kiến với cái kiểu “yêu một người trước hôn thú rồi bỏ trốn theo tình nhân”. Chợt nghĩ ra rằng tình tay ba trong "Từng thề ước" sao mà giống tình yêu thứ ba quá thể, chỉ đảo từ tam giác hai nữ một nam thành hai nam một nữ. 

Thế mà mình còn thích tình yêu của Lâm Khải Chính với Trâu Vũ hơn nhiều Xi Vưu – A Hành. Thậm chí mình có cảm tình với lối hành xử của bạn Giang Tâm Dao “mặt mũi hiền lành, lòng dạ hiểm độc” hơn nhiều Thiếu Hạo. Ít ra bạn ấy còn thực hiện hành vi níu giữ người thương, còn chàng Tuấn Đế chỉ dám lặng lẽ nhìn nàng từ xa và dằn vặt hàng ngày bởi “bờ rào” ngăn cách không thể nào vượt qua.

Về bút pháp, không biết bộ "Trường tương tư" sau đây của Đồng Hoa sẽ được viết như thế nào, nhưng trong "Từng thề ước", người đọc chẳng còn thấy cái nhu tình len lỏi qua dòng nước, miên man thấm dần vào tâm can người đọc nữa, thay vào đó là cái chất nồng đượm như lửa, toát ra từ chính căn cốt của truyện. Dầu cũng nên tán thưởng cách tân nghệ thuật mới này, nhưng mình cảm giác vẫn thích cái lạnh tựa nước ở văn Đồng Hoa hơn.

Bản thân mình không thích bối cảnh câu chuyện này, vì nó viết về cái thời con người nhập nhằng trong mối quan hệ với cả thần linh lẫn yêu ma. Thế giới của "Từng thề ước" vẫn là thế giới của thần, song quá “người”, và vì “người” nên không còn được mình mong thích. Giả sử bóc đi bối cảnh thần tiên của câu chuyện, thì đây chỉ là cuộc chiến tranh giành giang sơn như bao đời ở Trung Hoa, không có chất “thần”, thậm chí cuộc chiến đó còn không thu hút mình bằng những cuộc chiến khác. Chắc hẳn Đồng Hoa muốn mượn chuyện thần để nói về chuyện người, đáng tiếc cái mình đi tìm trong truyện thần tiên là một thế giới “không giống người”. Trong quan niệm của mình, đã nói về thần thì phải cho ra thần, nghĩa là dù biết tất cả đều được xây dựng trên cốt người đi nữa mà không toát lên được cốt thần thì cũng vô dụng.

Cái tiếp theo mình không thích nữa là những cuộc chiến trong truyện. Như đã nói, cảm nhận của mình dành cho cuộc đấu tranh giành thiên hạ giữa ba nước (trong truyện chủ yếu là giữa Thần Nông và Hiên Viên) rất thường. Cụ thể hơn thì nó giống những màn độc diễn đọ linh lực của các vị thần tướng hơn. 

Đặc biệt có một điểm trong truyện mà mình ghét, ấy là chàng Xi Vưu lỡ được tác giả ưu ái quá, dành cho bao mỹ từ ca ngợi độ độc đoán thâm trầm, hung tàn hiểm ác, sức mạnh đứng đầu đại hoang blah blah blah, ấy vậy mà tất cả cái đó chỉ hiện lên qua lời tác giả. Chả thấy chàng ta thực sự cầm quân giỏi, đánh trận hay thế nào, quá lắm thì thấy được tình cảm chàng dành cho tình nương mênh mông diệu vợi tới mức độ nào.

Cái thứ ba mà mình xin được phép chê nốt ấy là không gian truyện không rộng như mình hy vọng. Ba nước, ba đại thần tộc, cùng lắm thì vẽ trong đầu được hết dải Trung Hoa đại lục. Không thấy được cảm giác mênh mông hùng tráng, có những chỗ mình còn không thấy chất vương giả toát ra nữa là.

Truyện có nhiều cái chết, hầu như những nhân vật quan trọng đều chết sạch. Nếu không kể cái chết khiến mình ngứa gan của Xi Vưu thì những cái chết còn lại đều có nguyên do của nó và đều hợp tình hợp lí. Vì thế nên mình chả buồn bực gì cả, kể chỉ hơi buồn buồn vì thậm chí xem tới trận Phản Tuyền lần 2 còn giật mình tự hỏi trận Phản Tuyền lần 1 diễn ra cái lúc quái nào thế, trong khi trận ấy cũng chính là trận Thanh Dương bỏ mạng.

Đọc hết Từng thề ước mới nhận ra là, mình từng thắt lòng nhất với Đông Cung, đơn giản vì các nhân vật chết oan uổng quá, chết mà không đáng phải chết, thành ra mới cảm thấy day dứt thay cho đời họ.

Vẫn phải nói rằng truyện được dịch và trình bày rất chỉn chu, đẹp đẽ, bỏ tiền mua kể cũng không cắn rứt đâu nhưng đáng tiếc là nó không hợp với mình, hay phải nói rằng văn Đồng Hoa không hợp với mình.

Tranh thủ quote vài dòng mình cho là “nhãn tự” của toàn bộ bi kịch trong truyện:

A Hành buồn bã, “Cứ nói tuổi thọ của thần tộc lâu dài nhưng chín ca ca của thiếp nay chỉ còn có bảy. Chúng ta luôn ỷ tuổi thọ dài lâu, chẳng để tâm tới việc gì cả, lại cho rằng dù thế nào cũng còn rất nhiều thời gian, mà đâu biết thực ra rất nhiều thứ chỉ vụt qua trong chớp mắt, sinh mệnh đằng đẵng càng khiến cho nỗi đau dài ra vô tận mà thôi.”

Từng thề ước là một trong những tác phẩm làm nên tên tuổi Nhiên tình thiên hậu Đồng Hoa, nội dung cuốn sách xoay quanh chuyện tình buồn của hai nhân vật chính là Xi Vưu và Hiên Viên Bạt cùng những cuộc tranh chấp thiên hạ đẫm máu của ba vị đế vương tham vọng ngút trời.

Tác phẩm đem đến cho bạn đọc nhiều nước mắt tiếc nuối khi mà tình yêu không thể chiến thắng quyền lực, lời hứa mãi mãi chỉ ở trong hồi ức vì nó không thể nào thực hiện được. 

Vài nét về nữ văn sĩ Đồng Hoa 

Đồng Hoa là cây bút được yêu thích nhất cộng đồng ngôn tình Trung Quốc, cô sinh vào tháng 10 năm 1980 và tốt nghiệp Đại học tại Bắc Kinh. Công việc hiện tại của nữ văn sĩ thuộc chuyên ngành Tài chính và bản thân cô cũng đang học Thạc sĩ Kinh tế tại Philadelphia.

Trái với suy nghĩ của nhiều người rằng một nhà văn cần nhiều năm rèn giũa để có thể cầm bút và bắt buộc phải tôi luyện từ trẻ, phải đến năm 26 tuổi thì Đồng Hoa mới bắt đầu sáng tác, cô còn có một bút danh khác là Trương Tiểu Tam.

Đã có rất nhiều tác phẩm nổi tiếng của Đồng Hoa được xuất bản như "Thời niên thiếu không thể quay lại ấy", "Bộ bộ kinh tâm", "Bí mật bị thời gian vùi lấp", "Đại mạc dao", "Vân Trung Ca".

Khi được hỏi về cô, một độc giả đã nhận xét rằng:

“Văn của Đồng Hoa được xưng là ‘hành văn bình thản nhập bút trục tầng xâm nhập trạc nhân đau lòng’, không phải loại hoa lệ sáo rỗng, mà trong cái ‘mĩ’ có chút chân chất bình dị, từng bước quen thuộc, thấm vào hồn người.” 

Đồng Hoa được bình chọn là Nhiên tình thiên hậu của ngôn tình Trung Quốc vì ngòi bút của cô vô cùng bình dị nhưng lại nhẹ nhàng đi sâu vào trái tim bạn đọc và tạo một ấn tượng khó phai mờ.

Nhờ vậy mà cô được biết đến nhiều hơn bởi bạn đọc trong và ngoài nước với các tác phẩm gửi gắm nhiều ý nghĩa trong cuộc sống.

Từng thề ước là mối tình đẹp nhưng đầy sóng gió và bi thương

Từng thề ước còn có tên gọi khác là "Sơn Hải kinh" hệ liệt được xuất bản vào tháng 5 năm 2011, bộ truyện gồm hai quyển và 38 chương.

Lấy bối cảnh thần thoại về một thế giới huyễn hoặc và ma mị, "Từng thề ước" cho bạn đọc cảm nhận được những khúc tráng ca về cuộc đối đầu đơn độc mà kịch liệt giữa con người và vận mệnh. 

Cuốn sách mô tả lại thời thượng cổ, thiên hạ chia làm ba đại thần tộc là Thần Nông, Cao Tân và Hiên Viên. Khi ấy, có người chọn cho mình lối sống nhàn hạ, ngao du sơn thủy khắp nơi và ngược lại cũng có những kẻ ôm mộng đế vương, khao khát thống nhất toàn thiên hạ.

Xi Vưu, đại cao thủ Thần Nông cùng Tây Lăng Hành, vương cơ của Hiên Viên đế quốc, hai người vốn chẳng có quan hệ gì với nhau nhưng trong một lần gặp gỡ ở núi Bác Phụ mà vô tình quen biết.

“Công tử, xin hỏi muốn tới Bác Phụ quốc phải đi đường nào?”

Lần tái ngộ sau đó là Xi Vưu nhìn thấy nàng vui vẻ nô đùa dưới hồ trong khe núi giữa một vùng trời hoa nở rộ, từ đó mà hắn biết rằng mình đã rung động trước vẻ đẹp ấm áp tựa gió xuân ấy.

Vì vậy mà Xi Vưu đã theo đuổi nàng nhiệt tình, nồng cháy nên trái tim của Tây Lăng Hành dần rung động, vận mệnh đã cho cả hai cơ hội gặp lại nhau để rồi họ tạo nên một mối tình khắc cốt ghi tâm.

“Mặc gió đồng thổi tung mái tóc, nàng đưa mắt nhìn khắp bốn bể, chợt trông thấy hắn, nàng liền nhoẻn miệng cười, thời khắc ấy, hoàng hôn lung linh, ráng chiều sóng sánh, con đường ngập trong cát bụi bỗng như có ngàn vạn gốc đào theo nhau nở rộ, muôn sắc rạng ngời, hoa bay phấp phới.”

Dưới gốc hoa đào Cửu Lê, Xi Vưu đã thề với Tây Lăng Hành rằng quyết định buông bỏ tất cả và ở bên nàng đến suốt đời, hình ảnh nam nhân áo đỏ và nữ tử áo xanh gặp nhau vào tháng tư hằng năm là bức tranh đẹp nhất trong "Từng thề ước".

“Tháng Tư hằng năm, khi hoa đào nở đầy trên sườn núi là tết Khiêu Hoa của Cửu Lê tộc, mọi người đều tụ tập dưới gốc đào hát tình ca, tìm người thương. Từ sang năm trở đi, cứ đến tháng Tư, ta sẽ chờ cô dưới cội hoa đào ở Cửu Lê, không gặp không về.

Nếu hằng năm ngươi đều mặc áo ta may, thì năm nào ta cũng sẽ đến gặp ngươi.”

Nhưng không ngờ rằng thế sự biến đổi khôn lường, thiên hạ loạn lạc, Tây Lăng Hành vốn là vương cơ Hiên Viên nên phải kết hôn cùng Thiếu Hạo, vương tử của Cao Tân để đảm bảo an toàn cho người nhà và đất nước.

Xi Vưu không hiểu nội tình và cho là nàng phản bội mình, vô cùng căm giận. Khi ấy thù nhà nợ nước chưa trả, ân oán giữa các quốc gia đan cài giăng mắc, cuối cùng giữa họ xảy ra nhiều hiểu lầm.

Vì muốn giải thích về cuộc hôn nhân giữa nàng và Thiếu Hạo, Tây Lăng Hành đã nhờ Liệt Dương là con thú mà họ nuôi bấy lâu đem chiếc áo tự may đưa lại cho Xi Vưu với hi vọng tấm lòng của mình được thấu hiểu.

Tết Khiêu Hoa vào tháng tư ở Cửu Lê năm ấy, nàng đã đợi rất lâu dưới cội hoa đào với mong muốn được gặp nhau, vậy mà Xi Vưu đã không hiểu và thất hẹn lần ấy.

“Đã không giữ lời, sao còn thề hẹn?”

Tây Lăng Hành bất chấp tất cả để đến gặp Xi Vưu và trao trọn tình yêu của mình, tưởng rằng sẽ có được một kết quả tốt đẹp hơn nhưng sau này nhiều hiểu lầm cùng những mâu thuẫn quốc gia làm nàng tuyệt vọng mà nhảy xuống núi Ngu Uyên tự vẫn.

Khi nghe tin nàng vẫn còn sống, hắn nguyện bỏ hết tất cả để chạy đến cứu nàng dẫu trong mình đang mang trọng thương. Vậy mà lúc gặp lại, cõi lòng Xi Vưu đau như dao cắt khi Tây Lăng Hành đã quên hết toàn bộ về mình.

“Từ khi gặp gỡ tới nay, ngươi hết theo lại đuổi, luôn miệng thề thốt chỉ cần trong mắt ta có ngươi, ngươi cam lòng máu nhuộm thấm áo, chỉ cần trong lòng ta có ngươi, ngươi cam lòng tươi máu đẫm đồng hoang. Trong mắt ta có ngươi, trong lòng ta có ngươi rồi đó, nhưng trong mắt ngươi, trong lòng ngươi đã bao giờ có ta chưa? Ta nói ngươi hay, kể từ bây giờ, hai ta đoạn tuyệt ân tình. Ta sẽ quên hết tất cả mọi chuyện về ngươi. Nếu trong mắt ta còn bóng hình ngươi, ta sẽ móc mắt mình ra, nếu trong tim ta con nghĩ tới ngươi, ta sẽ tự bóp nát trái tim mình.”

Mặc kệ nàng đối xử lạnh nhạt, Xi Vưu quyết định sẽ không bao giờ từ bỏ. Họ lại trở về hang núi năm đó khi đang mải mê ngắm nhìn thiếu nữ áo xanh nô đùa trong nước rồi hắn lại tâm sự với nàng và kể những câu chuyện quá khứ đầy bi thương của mình. 

“Ta sinh ra trong núi hoang, lớn lên giữa bầy dã thú, gia thế, học vấn và phong thái đếu không bì được với Thiếu Hạo, cũng chẳng có thể giống như y, cho cô địa vị cao quý nhất, để cô trở thành vương hậu một nước, khiến cả thiên hạ phải kính trọng cô. Đi theo ta, nhất định cô sẽ bị người đời sỉ vả, nhưng nếu cô vẫn không muốn nhớ lại mọi chuyện về ta, ta sẽ trao cho cô thứ duy nhất mà ta có. Chính là trái tim ta!”

Cứ thế mà Tây Lăng Hành đã động lòng và nhớ lại mọi chuyện, tình yêu của họ lại về như cũ nhưng hạnh phúc chẳng được bao lâu khi Xi Vưu hi sinh để cứu nàng sau cuộc chiến tranh giành thiên hạ Trung Nguyên của Hoàng Đế.

Kết quả là hắn đã để mình chết vì mong nàng với con gái được sống vì đó là những gì mà Xi Vưu một đời trân quý và cố gắng bảo vệ đến cùng.

“Ta sẽ vĩnh viễn ở bên cạnh nàng, ta đợi nàng tới tìm ta, chính miệng nói với ta, con gái chúng ta sống rất hạnh phúc. Nàng nhất định phải bảo nó ngẩng lên trời gọi mấy tiếng ‘cha’ cho ta nghe, ta chưa từng được nghe nó gọi cha… Chẳng biết tiếng ‘cha’ của nó sẽ như thế nào nhỉ, chắc chắn sẽ là âm thanh êm ái ngọt ngào nhất trên đời…”

Sau này nàng mới hiểu sự tình và đau thương chồng chất mà ôm mãi trong lòng hình bóng ấy, nhớ nhung khôn nguôi về người đàn ông yêu mình sâu đậm.

“Từng muốn cùng chàng hân thưởng mọi âm thanh mỹ diệu nhất trên đời, nhưng khi chàng đi rồi, ta mới hiểu rằng, âm thanh mỹ diệu nhất trên đời là tiếng chàng dịu dàng gọi: “A Hành”. Vậy mà bây giờ, dù ta khóc lóc thảm thương tới chừng nào, vẫn không thể nghe chàng dịu dàng gọi ta một tiếng “A Hành” nữa.

Từng muốn cùng chàng ngao du thiên hạ, nhưng khi chỉ còn lại một mình ta trơ trọi giữa đời, ta mới hiểu ra, chàng chính là thiên hạ của ta, cảnh sắc đẹp nhất trên đời này là nụ cười của chàng. Tiếc rằng giờ đây, dù ta khàn giọng gọi chàng, cũng chẳng cách nào thấy lại nụ cười của chàng nữa…”

Mối tình ấy cứ đọng mãi trong lòng độc giả là những đau thương chồng chất và nuối tiếc cho kết quả của họ, yêu nhưng chẳng thể bên nhau trọn đời, bên cạnh đó cũng có rất nhiều giọt nước mắt cho Thiếu Hạo.

Chàng cũng có một tình yêu dành cho Tây Lăng Hành nhưng người con gái ấy tuy là vương tử phi nhưng không thể nào trở thành thê tử thật sự và dưới ánh trăng năm ấy, Thiếu Hạo run rẩy hứa rằng muốn nàng trở thành người vợ duy nhất. 

Kết cục bi thương là người sống kẻ chết nhưng nàng đã từng hạnh phúc vì hắn đã mỉm cười lấy tim tặng nàng, đem máu mình làm rừng đào ngàn dặm. Còn Thiếu Hạo ngồi trên đế vị bảo hộ cho non sông của Cao Tân đế quốc, có tất cả nhưng lại cô độc một mình.

"Từng thề ước" còn là nỗi đau khi tình thân vô nghĩa trước vinh hoa quyền thế

Tình bạn giữa Thanh Dương và Thiếu Hạo cũng là những trang đẹp nhất trong "Từng thề ước".

Ngay từ lần đầu tiên gặp gỡ, họ không phải Hiên Viên Thanh Dương cũng chẳng là Cao Tân Thiếu Hạo, đơn thuần chỉ có hai thiếu niên với trái tim đầy nhiệt huyết, tình cờ tương ngộ giữa chốn hồng trần gió sương. Rượu ngon phải có bạn hiền, họ cạn chén cùng nhau rồi cứ thế mà thân thiết.

Trong lòng cả hai đều biết rõ rằng khát vọng tranh bá thiên hạ, thống nhất Trung Nguyên sẽ đẩy tình bạn ấy phải đối mặt nhau trên sa trường đẫm máu, thậm chí dốc sức dồn đối phương đến cái chết.

Từng thề ước còn có một tình bạn đẹp nhưng lại bị rào cản bởi trách nhiệm với gia đình và quốc gia dân tộc

Ngày ấy, người ta còn công nhận sức mạnh và tài năng của họ nên có câu:

“Thiên hạ song hùng, bắc Thanh Dương, nam Thiếu Hạo.”

Nhưng đáng buồn thay Thanh Dương không đợi được đến ngày hai người phân thắng bại trên chiến trường, chàng bị chính cha mình bức tử vì nguy cơ soán ngôi sau này nên Hoàng Đế chỉ biết mưu cầu lợi ích là ngai vàng của bản thân mà đến cả máu mủ của mình cũng ra tay được.

Khi Thiếu Hạo ôm lấy thi thể người bạn đã lạnh đi trong lòng thì mới bàng hoàng nhận ra rằng bá đồ thiên hạ hay tham vọng đế vị chẳng còn quan trọng nữa, từ khi Thanh Dương ra đi mãi mãi dù cho mình có nài nỉ và trút hết tinh lực siêu phàm thì cũng không thể quay về như trước đây.

Số phận của Đế vương là một đời cô độc, con đường đi đến ngai vàng chính là tuyệt lộ, ngồi trên vị trí vạn người đầy lạnh lẽo, họ chẳng có được gì trước vòng xoáy cuồng loạn của vận mệnh.

Hoàng Đế bất chấp mọi thứ để lên ngôi, không tiếc xương máu những đứa con của mình để rồi khi đứng trên đỉnh Thần Nông ấy, quay đầu lại thì chẳng còn ai gọi ông là cha nữa.

Vì thống nhất toàn Trung Nguyên mà Hoàng Đế đã đánh mất gia đình của mình, từ vợ cho đến con cái, ngồi trên đỉnh cao đầy lẻ loi và trơ trọi.

"Từng thề ước" và những lời hứa không thành

"Từng thề ước" còn là lời thề của Xi Vưu và huynh đệ cùng nhau bảo vệ mảnh đất Thần Nông, có câu hứa của Du Võng thiện lương trước nhân dân.

Cuối cùng thì máu chảy thành sông, tiếng cười cuồng ngạo của Phong Bá, Si Mỵ và Võng Lượng vụt tắt khi mà Du Võng chết, Thần Nông tiêu vong và Xi Vưu chẳng còn. Lời thề hẹn hôm nào đã bị vùi lấp giữa máu tươi và nước mắt.

"Từng thề ước" có lời thề của Chúc Dung với Thần Nông tộc, dù đê tiện bỉ ổi hay tàn bạo hung ác cũng nguyện hi sinh chứ quyết không khom lưng chống gối trước kẻ thù.

Lời hẹn của Nặc Nại và Vân Tang rằng ngựa xe áo đỏ rước nàng về dinh, tưởng rằng có thể vứt bỏ được thân phận thì sẽ nắm tay nàng ngắm nước non ngàn dặm. Vậy mà lần nữa lỡ lời khi ngay trước cổng thành, Vân Tang đợi mãi nhưng chẳng thấy người đâu.

"Từng thề ước" có lời thề của Thanh Dương và Xương Ý rằng quyết tâm bảo vệ gia đình của họ, vậy mà rốt cuộc tiểu muội Hiên Viên Bạt vô tư ấy phải nai nịt giáo gươm, thống lĩnh ba quân, xung phong ra trận.

Câu hứa của Xương Ý với binh sĩ là nguyện đứng trước đầu sóng ngọn gió mà hi sinh oanh liệt và  thề với thê tử Xương Phó rằng sống làm chim liền cánh, chết làm cây liền cành, nguyện vùi thân xác cùng nhau.

Lời thề của Di Bành với mẹ, vì thù hận che mắt từ lúc nào biến thành quỷ dữ nên giết hại anh em lẫn đồng đội của mình để rồi cuối cùng cũng bỏ mạng dưới tay tiểu muội mà mình đã cứu năm nào.

"Từng thề ước" có lời hứa của những người bạn Luy Tổ, Viêm Đế và Vương Mẫu, lời thề mãi mãi bên nhau sẽ tiêu dao tự tại để rồi đến một ngày cũng phải rời xa khi tiếng tiêu chưa kịp dứt và lời ca đứt đoạn, điệu múa vẫn bâng khuâng.

Bao nhiêu lời ước hẹn và thề mong đã bị khói lửa thời cuộc chôn vùi.

Vĩ thanh và một kết thúc buồn 

"Từng thề ước" không chỉ có đóa hoa đào tình yêu của A Hành và Xi Vưu mà còn có những khúc ca bi tráng của lớp lớp con người xô nhau ra trận, giành giật và bảo vệ từng tấc đất quê hương.

Tác phẩm có tiếng đàn chếnh choáng men say của thiếu niên áo trắng, có khúc tiêu dịu dàng dưới ánh tà dương của ba người bạn xưa, có tiếng hát mời gọi bạn tình ngày Tết Khiêu Hoa dưới tán hoa đào.

"Từng thề ước" có ngôi nhà giản dị bình yên giữa trận chiến tàn khốc, có người anh hùng mạnh mẽ như giao long, có nữ chiến binh như phượng hoàng màu bạc, có chiến thần khát máu, có nam tử kiêu hùng.

Cuốn sách chứa hình ảnh vận mệnh trớ trêu, lằn ranh giữa quốc gia dân tộc đã hủy hoại ước mơ, tình yêu và hạnh phúc của con người một cách tàn nhẫn.

"Từng thề ước" không chỉ khiến độc giả rơi nước mắt bởi một đoạn chuyện tình nam nữ mà còn bật khóc bởi khói lửa chiến tranh đã hủy hoại tình cảm gia đình, đẩy những con người vô tội vào cảnh nước mất nhà tan.

Đọng lại trong trái tim độc giả là mùi khói lửa chiến tranh giành thiên hạ với nỗi cô đơn của kẻ chiến thắng cùng những đau khổ khi mất đi những người quan trọng nhất. "Từng thề ước" là những lời hứa mãi không thành vì vòng xoáy tàn nhẫn của số phận đối với con người.

"Suốt mấy trăm năm nay, sao nàng chỉ chìm đắm mải mê với thế giới bên ngoài mà chẳng hề quan tâm đến Đại ca bên cạnh? Liệu có phải tình thân là điều hiển nhiên đối với nàng, nên chưa từng nghĩ đến lúc mất đi? Vì sao mãi tới lúc mất đi rồi, nàng mới nhận ra mình rất quyến luyến Đại ca cơ chứ?".

1. Thứ tình cảm nào là đáng khóc nhất?

Trong tiểu thuyết này có đủ các loại tình: tình yêu, tình gia đình, tình bạn bè chiến hữu, tình yêu nước, yêu muôn dân bách tính, tình tri âm, v.v.

Dù là loại tình cảm nào thì mình cũng đã khóc. Có đoạn bi thương mấy thứ tình lẫn lộn vào nhau, khóc liền tù tì mấy trang truyện dài, vừa đọc vừa giàn giụa nước mắt.

Mọi thứ được xây dựng rất chậm rãi, đến nỗi người ta không nhận ra là nó chậm rãi. Toàn từ những điều rất nhỏ, tác giả cũng không cố ý ra vẻ điều nhỏ đó là điều đáng để tâm, đọc cứ trôi tuột. Đến mấy trăm trang sau, những điều như thế ào ào ạt ạt dâng lên, nghẹn ứ. Rất giống với cuộc sống thực. Ngày ngày trôi qua khi bình lặng khi vội vã hoảng hốt. Đến khi nhớ lại thì nhớ rất nhiều, nhớ hết, hóa ra tưởng quên mà chẳng quên chút nào.

Mình không động lòng mấy trước tình cảm nam nữ. Khóc nhiều nhất là vì tình anh em Thanh Dương, Xương Ý, A Hành, v.v. Ngang với nó là khóc cho sự cô đơn của Thiếu Hạo. Nhưng đó là một mảng khác, sẽ dành riêng một mục để nói về nhân vật này.

Câu quote ở trên là dành cho Thanh Dương, anh cả của mấy anh em vương tử vương cơ nước Hiên Viên. Trong mấy ông anh, mình thích nhất là Xương Ý. Nhưng cũng chính vì thế nên tìm lại trích dẫn về Xương Ý thì sẽ rất đau lòng. Trong truyện này hầu hết các nhân vật đều chết cả, người nào sống thì vô cùng đáng thương, bởi cô đơn lẻ bóng, đằng đẵng mấy trăm mấy ngàn năm một mình mòn mỏi.

Truyện xây dựng trên bối cảnh chiến tranh, các quốc gia xâu xé lẫn nhau. Chiến tranh là thứ thảm khốc nhất trên cuộc đời này, nhất là khi bằng hữu chạm trán, tình nhân đối chọi, v.v. Bối cảnh hào hùng sẽ đi cùng bi tráng, có những điều thống khổ sóng đôi với ân tình nhân nghĩa.

Mình rất thích Xương Ý, tứ ca của A Hành, em trai của Thanh Dương, là người chồng của một nữ tộc trưởng ngang tàng. Xương Ý không thích tranh đấu, chỉ thích văn thơ họa nhạc. Từ nhỏ đến lớn đều thần tượng đại ca Thanh Dương, lúc nào cũng muốn dựa dẫm vào đại ca. Đối với tiểu muội A Hành thì nuông chiều, hết mực thương yêu, không có chút nghiêm khắc nào. Nàng làm việc sai lầm đến đâu, đặt trái tim ở trên đầu bao lần, thì từ nhỏ đến lớn Xương Ý đều giữ nụ cười không trách cứ: "Ai bảo muội muội làm muội muội của ta kia chứ?"

Mấy anh em nhà Hiên Viên, không một ai là ham mê quyền lực. Thanh Dương trong mắt Thiếu Hạo là "gã thiếu niên đeo kiếm gãy, miệng ngậm cọng cỏ, có nụ cười rạng rỡ như ánh Mặt trời khiến người ta phải thầm ghen tị."

Nhưng bởi vì xuất thân từ vương thất, kế thừa khát vọng thống nhất Trung Nguyên của Hoàng Đế phụ vương họ, nên lần lượt từng người từng người một đều phải từ bỏ những ngây thơ hào sảng để dấn bước lên con đường tăm tối không có điểm dừng.

Sự bảo vệ của Thanh Dương dành cho các em ấm nồng sau vẻ khắc nghiệt lạnh lùng, sự bảo vệ Xương Ý dành cho A Hành lại rõ rệt không chút nghi hoài, có điểm còn cố chấp. Tiểu muội của họ sau này phải thay các ca ca gánh gồng việc nước, phận là nữ nhi vẫn xuất chinh làm chủ soái, chỉ huy thiên binh vạn mã đánh trận cuối cùng. Người thân nàng cả đời đã ra sức bảo vệ nàng, cố gắng giữ cho nàng được tự do, giữ lại những gì sáng trong nhất cho nàng, thế mà vẫn đành bất lực, ở trên trời cao phải đau lòng nhìn A Hành bị cuốn vào vòng xoáy bạo lực, trở thành một người như họ.

Thanh Dương chết đi mà vẫn bảo vệ cho mẹ và các em nhờ thanh thế của mình. Xương Ý cả đời chỉ muốn tránh xa chiến trường thì vẫn tan thành tro bụi dưới trận pháp kẻ thù, thậm chí hy sinh vì không bỏ quân sĩ của mình bỏ trốn, dù rằng chẳng ai trách hắn rời đi.

Trong truyện thực ra có rất nhiều người giống Thanh Dương và Xương Ý, không tham vọng gì quyền lực, nhưng vẫn phải chiến đấu vì quê hương, hoặc bị cuốn vào chiến tranh mà chết thảm. Ví như Viêm Đế đời thứ 7 chỉ ham mê kỳ hoa dị thảo, như Du Võng hiền lương nhân nghĩa, như Tuấn Đế nho nhã phong lưu, v.v.

Người chết đi rồi, kẻ ở lại mới là đau khổ nhất. May mắn nhất là Xương Phó, vợ của Xương Ý, có thể trả thù cho chồng rồi tự sát, rơi xuống cùng một huyệt mộ với người thương. Ngoài ra tất cả các nhân vật khác đều trở nên tuyệt vọng. Chu Du theo hầu Thanh Dương, suốt đời chỉ biết chờ đợi, mình có thương tâm hay không thậm chí còn không biết. Chuyên Húc là đứa nhỏ đột ngột mất cả cha cả mẹ, gương mặt non nớt phải ra vẻ kiên cường, chưa kịp chơi đùa gì cho thỏa đã phải theo ông nội học về tranh đấu. Rất nhiều rất nhiều trường hợp khác.

Càng nghĩ suy nhiều thì càng đau buồn, càng sầu khổ

Đến đây, mình nghĩ, cả tiểu thuyết này không ai đau khổ bằng Thiếu Hạo. Kể cả nam chính Xi Vưu hay nữ chính A Hành có dằn vặt quay cuồng thế nào cũng không thể bằng nhân vật này - nhân vật vẫn còn sống sót đến tận cuối truyện.

2. "Từ lâu y đã quen với cảm giác từ từ bị bóng đêm nhấn chìm thế này rồi, bởi từ nhỏ đến lớn, mỗi ngày của y đều là như vậy. Hết lần này đến lần khác, y đã quen bình thản nhìn từng kẻ thân bằng quyến thuộc vứt bỏ mình chẳng hề do dự, đến nỗi y cảm thấy như vậy mới là bình thường".

Thiếu Hạo không có sở thích nào đặc biệt. Điều hắn thích làm nhất là cưỡi trên Huyền Điểu, từ trên cao nhìn xuống những ngọn đèn trong từng căn nhà của Cao Tân quốc - nếu là lễ hội thả hoa đăng thì có thể nhìn thấy cả một dòng sông biến thành ngân hà, đầy ăm ắp các "vì sao" mang điều ước. Mơ ước duy nhất của Thiếu Hạo là bảo vệ những ngọn đèn đó sáng mãi, người dân của hắn mãi mãi sống trong an bình.

Để hiện thực giấc mơ, Thiếu Hạo lần lượt từ bỏ mọi điều quý giá bên cạnh hắn.

Gia đình máu mủ vốn không yêu thương hắn. Tuấn Đế, phụ vương hắn là một công tử hào hoa, thấy con trai chỉ giống mình vẻ bề ngoài mà không có chút tương đồng nào về sở thích, tính tình thì cũng trở nên lạnh nhạt dần; lại thêm những vương phi ngăn cách nên Thiếu Hạo lớn lên đã không có mẹ lại còn thiếu tình cảm của cha. 

Sau này, Thiếu Hạo hạ độc Tuấn Đế để có thể ép ông thoái vị, đến những giờ khắc cuối phụ vương vẫn vô cùng căm hận hắn. Nhưng cùng lúc đó, "... điều duy nhất mà ông đinh ninh mãi chẳng quên không phải là vương vị, cũng không phải hận thù, mà là tất cả những gì tốt đẹp ông từng có trong đời. Hẳn Tuấn Đế đã quên hết những mâu thuẫn giữa cha con, chỉ còn nhớ cái ngày ông bồng Thiếu Hạo, hai cha con vừa cười đùa vừa ngắm hoa đào".

"Tiếng khóc không ra tiếng của Thiếu Hạo sau ấy cũng không cứu vớt được gì nữa"

Câu trích dẫn bôi đậm phía trên trên kia được viết khi cả nhóm người đang mắc nạn ở tử địa Nguyên, Thiếu Hạo đã chỉ còn ngồi chờ chết. Sau này hồi tưởng, nội tâm khi đó của hắn vô cùng bình thản, bởi vì hắn đã quen chìm sâu trong màn đêm, bị tất cả mọi người bỏ lại. Nhưng đột nhiên, Thiếu Hạo nghe thấy tiếng người quay trở về cõng hắn ra khỏi bóng đêm sâu thẳm đang hút lấy cơ thể và ý thức, đó chính là A Hành. Khoảnh khắc cô quay lại, trái tim của Thiếu Hạo bỗng nhiên được thắp lên một tia sáng. Không chỉ là tia sáng của sự sống, mà lớn hơn thế rất nhiều lần. Và hắn đã không thể nào bình tâm như trước.

A Hành, dù chỉ là bị ép buộc theo lẽ này hoặc lẽ khác mà ở bên hắn, nhưng đúng như Thiếu Hạo nhận thức, những kỷ niệm vui vẻ, chân thành hắn có bên nàng không có gì là giả dối. Tuy thế, năm lần bảy lượt hắn đẩy nàng ra xa mình đều chỉ vì hắn đặt mục đích của quốc gia lên cao hơn tất thảy. Thanh Dương chết đi, A Hành mất đại ca, hắn có lẽ còn mất mát nhiều hơn nàng. Bởi Thanh Dương là tri âm tri kỷ duy nhất hắn có trên đời, làm bạn với hắn thật lòng nhất, tử tế nhất. Thanh Dương không còn nữa, hắn không còn chiến hữu, không còn bạn bè, không còn anh em, không còn những trận tranh đấu phân tài cao thấp, không còn những cuộc rượu say và những tràng cười, không còn gì cả. 

Thiếu Hạo hứa với A Hành hắn sẽ thay thế Thanh Dương trở thành đại ca của nàng. Nhưng rốt cuộc hắn đã không làm được. Khi Xương Ý gặp nguy hắn không đưa quân cứu trợ, chẳng những không thể thay Thanh Dương bảo vệ các em, mà còn góp phần đẩy Xương Ý vào chỗ chết. Khi lừa A Hành điều chế thuốc độc, hắn cũng gián tiếp khiến nàng trở thành kẻ mất nhân nghĩa, không chỉ lừa gạt Tuấn Đế - người coi nàng như tri âm, mà còn khiến đại ca của nàng trăn trở, cuối cùng cũng vì chất độc đó mà bỏ mạng trên trận địa.

Khi A Hành thật sự bỏ đi, không còn chút quyến luyến nào với hắn, Thiếu Hạo cay đắng nhận ra mọi ngọn đèn nơi sông nước Cao Tân vẫn tỏa sáng trong thái bình êm ả nhưng ngọn đèn của hắn thì đã hoàn toàn tắt lịm. Đây không phải là điều hắn không thể dự đoán trước. Nhưng có lẽ, đây mới là lúc hắn thật sự tuyệt vọng và mất hết mọi điều. Thiếu Hạo chính là người tiêu biểu cho câu nói: "Anh hùng là người có thể yêu cả thế giới nhưng không thể yêu nổi một con người". 

Cả đời hắn không yêu một ai, hẳn cũng vì thế nên trước A Hành hắn không thể gọi tên tình cảm của mình. Hắn đã từng bộc lộ với một A Hành vừa tái sinh còn chưa hồi phục thần trí rằng 'Ta muốn làm lại. Ta muốn coi nàng làm vợ". Nhưng A Hành sớm gặp lại Xi Vưu, sớm nhớ lại mọi ký ức sâu đậm với người cô yêu thương thật sự. Thiếu Hạo dường như đã lập tức lùi lại, chấp nhận buông tay khỏi nàng rất nhanh, giữ đúng giao hẹn với nàng. Tư tình trong hắn vừa được nhen lên đã lập tức lụi tàn, không bao giờ có thể tỏa sáng thêm một lần nữa.

Trận chiến cuối cùng, Thiếu Hạo giúp đỡ A Hành chiến đấu với quân đội Thần Nông quốc. Hắn đã đích thân đến trợ lực, giúp đỡ nàng, hứa với nàng sẽ chiếu cố tới Cửu Dao - con của nàng với Xi Vưu, mà dưới mắt mọi người cô bé vẫn là tiểu vương cơ trân quí của Cao Tân, tức con gái của Thiếu Hạo với A Hành. Thiếu Hạo đã làm hết sức, nhưng hắn không thể bù đắp điều gì, không còn tư cách để bù đắp. Hắn sống cô độc. Từng có cha mẹ, từng có tri kỷ, từng có bằng hữu, từng có một nguồn sáng. Nhưng lần lượt đều bỏ hắn rời đi, hoặc do chính hắn tự dứt bỏ, lực bất tòng tâm. Hắn sẽ không tử trận, nhưng cũng không có được cả thiên hạ; hắn sẽ không đau khổ vì tình yêu, nhưng cũng sẽ không biết được cái ấm áp của những điều nguyện lành giản dị.

___________

Tình yêu đích thực trong "Từng thề ước" là khi có thể dùng trái tim mình để thay thế cho trái tim người, dĩ tâm hoán tâm.

Nhưng có lẽ, không chỉ riêng tình yêu, mà tình cảm chân thành nào trên đời này cũng cần vậy.


“Từng Thề Ước” để lại cho người đọc quá nhiều hoài niệm về “lời thề” năm ấy. Đã có bao nhiêu lời thề được thốt ra. Nhưng có được bao nhiêu lời thề thành hiện thực? Xi Vưu cùng A Hành từng thề ước hàng năm sẽ cùng nhau đứng dưới gốc đào ở Cửu Lê. Cùng nàng và con gái ngao du thiên hạ, tháng tháng năm năm, bên nhau trọn đời. Là lời thề dù nàng có nhập ma, hắn cũng thành ma theo nàng. Thế nhưng ngăn cách giữa họ là mối thù giết Du Võng, là mối hận giết đại ca – Hiên Viên Thanh Dương, là sinh mệnh của muôn dân Hiên Viên và Thần Nông. Và hơn cả là âm mưu thôn tính Trung Nguyên của Tuấn Đế và Hoàng Đế. Nếu không phải vì tham vọng của chính cha ruột nàng, thì đã chẳng đẩy Thanh Dương đến cái chết, nếu Thiếu Hạo giữ vững lời thề, thì hẳn Tứ ca Xương Ý của nàng đã chẳng phải bỏ mạng. Tôi vừa thương vừa phục A Hành. Từ một cô gái vô tư lự, thích chu du đây đó, để rồi cõng trên vai trách nhiệm của Thanh Dương và cả Xương Ý. Khi Thanh Dương mất, nàng không dám khóc vì sợ mẹ mình đau lòng, khi Xương Ý qua đời, nàng không dám khóc vì sợ Xương Phó và mẹ mình buồn, đến cả khi Xương Phó qua đời, nàng cũng không gục gã mà tiếp tục chăm sóc mẹ. Đến khi mất mẹ, mọi thứ dường như tuôn trào cùng với nước mắt. A Hành là thế, đau đớn đến đâu, khổ sở thế nào thì nàng vẫn bất chấp để đấu tranh cho gia đình mình, cho cuộc sống của mình. Nhưng đến cuối cùng, nàng lại chứng kiến từng người từng người ra đi, Tuấn Đế khi ra đi nắm chặt tay nàng, dù đã cố gắng níu kéo thì Di Bành cũng đã ra đi. Rồi tiếp đến Vân Tang và Nặc Nại.

“Từng thề ước” mang quá nhiều hoài niệm, chứa đựng quá nhiều nuối tiếc cho cả kẻ đi lẫn người ở lại. Viêm Đế, Vương Mẫu và Luy Tổ sẽ không thể nào quay về buồi chiều chan chứa ánh mặt trời ấy nữa, cùng như điệu múa ấy cả đời sẽ không sao kết thúc cho được. Tuấn Đế khi trẻ hào hoa phong nhã, mê đắm tình thơ vậy mà khi chết cũng chỉ có thể lúng búng một góc khu vườn, nửa hận nửa thương đứa con trai Thiếu Hạo, không biết tha thứ thế nào, oán hận ra sao. Nặc Nại và Vân Tang, kẻ đi người ở, kẻ buông người giữ, cứ giằng co nhau suốt mấy mươi năm, đến cuối cùng mới mở rộng lòng đón nhận tất cả, gạt bỏ đi hiểu nhầm bao năm, nhưng đáng tiếc phải dùng cái chết để đánh đổi. Xương Phó Xương Ý, đôi uyên ương quấn quýt bao người ngưỡng mộ cũng không thể nào ngăn nổi bánh xe số phận. Hoàng Đề, Luy Tổ và Đổng Ngư thị, chẳng phải cũng tồn tại tình yêu đấy sao, vậy mà kết thúc thảm khốc biết mấy, đau thương nhường nào. Luy Tổ và Đổng Ngư thị dốc cạn lòng mình, đem hết sức lực để yêu thương và phò tá Hoàng Đế, nhưng vương vị vốn cô độc lạnh lẽo, không đủ chỗ cho tình nồng ý say. Cuối cùng đời cha mẹ đã vốn không hạnh phúc, kéo theo đám con thơ vì quyền thế mà ám hại, mà ghét bỏ, hận thù nhau, để rồi cuối cùng Di Bành chỉ nhìn vào dấu chân yêu quái trên vai mình và tay A Hành mà thốt lên đầy thương tâm rằng, con yêu quái ngăn trở giữa hai anh em họ lần này to quá, lớn quá, không sao vượt nổi. Chi bằng chết đi, thanh thản biết mấy. Tất cả chỉ xảy ra trong chớp mắt, nhưng đau đớn cả một đời người. Thế mới biết, thần linh thì có hạnh phúc gì, tuổi đời dài hơn, chẳng phải càng khiến nỗi đau chồng chất nỗi đau, mệt mỏi càng thêm mệt mỏi hay sao… Để rồi cứ oán trách, tất cả có ý nghĩa gì, khi mọi lời thề ước, chỉ đơn thuần là thề ước. Câu chuyện đau thương cứ như hờ hững thuật lại tất cả, qua ánh mắt người này kẻ kia. Tưởng chừng như bản thân đã vượt quá sức chịu đựng, nước mắt đã rơi quá nhiều, mà không sao ngừng cho nổi, từng đợt sóng lòng sóng tình cứ vồ vập vỗ vào trái tim, vào những cảm xúc đã vốn chẳng yên lành. Giọng dịch dịu dàng êm ái, cố gắng truyền tải hết những gì có thể, gói trọn tất cả những ý tứ riêng tư của tác giả để mang đến cho độc giả một ấn phẩm hoàn hảo nhất, trọn vẹn nhất. Đến cuối, cứ văng vẳng đâu đây tiếng nói của cô gái áo xanh như gọi mời, như níu giữ… “Công tử, xin hỏi muốn tới Bác Phụ quốc phải đi đường nào?” Và một mùa hoa đào Cửu Lê nữa lại trôi qua, chỉ mong nghe thêm được những tiếng tim đập thình thịch thình thịch thình thịch trong lồng ngực, để biết chàng mãi mãi vẫn còn ở bên ta, không xa rời, không chia cách. “A Hành đứng dậy ngoảnh đầu lại, trông thấy Xi Vưu đang đứng bên lề con đường mòn ngẩng đầu nhìn mình, ánh mắt hiền hoà mà kiên định, tựa hồ nàng có nấn ná lại đó bao lâu, hắn cũng sẵn lòng chờ đợi. Dường như hắn là điểm sáng duy nhất giữa một vùng dào dạt những bi thương biêng biếc.”

Chắc phải một thời gian rồi mới lại đọc được một tác phẩm khiến tôi chảy nước mắt như thế này. Đọc “Bộ Bộ Kinh Tâm” xong, tôi ngưỡng mộ tình yêu giữa Dận Chân và Nhược Hy biết chừng nào. Nhưng khi gấp lại cuốn sách này, chợt nhận ra rằng không chỉ có tình yêu của Dận Chân – Nhược Hy là đẹp đẽ, mà còn có cả tình cảm của Xi Vưu đối với A Hành, Xương Ý cùng Xương Phó, hay Nặc Nại với Vân Tang, thậm chí là tình cảm của Chu Du đối với Thanh Dương. Câu chuyện bắt đầu bằng hình ảnh một con dã thú ngắm một thiếu nữ đang tung tăng dưới nước. “Đó là một buổi hoàng hôn, cả bầu trời phủ đầy mây ráng, chàng đứng giữa đồng hoang…” Đến khi lần đầu hai người chính thức gặp mặt nhau nơi gần Bác Phụ quốc. “Lần đầu” gặp gỡ, nàng cõng chàng trên vai. Chẳng hiểu rõ là do Xi Vưu quá xảo trá vô lại, hay do A Hành quá ngốc để rồi bị lừa phải cõng lên vai “một tảng đá”. Hay phải chăng dù biết bị lừa, nàng vẫn chấp nhận cõng trên vàng “tảng đá” ấy? Năm năm tháng tháng trôi qua, vật đổi sao dời. Nào đâu trải qua cuộc bể dâu, nàng lại cõng lên vai mình “tảng đá” ấy, nhưng chàng đã chẳng còn tim nữa rồi, chàng đã đánh đổi trái tim ấy cho nàng để tiếp tục sống. Nhưng chàng có hiểu rằng, người ở lại còn đau đớn hơn. Tôi cứ ngỡ rằng, câu chuyện sẽ dừng lại giữa những hiểu nhầm, ân oán giữa hai nhân vật chính bởi do họ không chung một dòng máu, họ không cùng một tộc. Nhưng được thế thì tốt quá, tôi đã không phải nấc lên vài lần vì cái chết của những nhân vật khác. Nếu tập một là cuộc gặp gỡ đẹp đẽ của Xi Vưu và A Hành, Vân Tang và Nặc Nại, tình bạn đẹp đẽ của Hiên Viên Thanh Dương và Cao Tân Thiếu Hạo, những mẫu thuẫn vặt vẵn giữa các cặp đôi, thì đến tập hai, những điều tưởng chừng đẹp đẽ ấy khó mà mất đi, lại vụt mất chỉ trong nháy mắt, chỉ còn lại nước mắt, xương máu. Xương máu người thân đặt dưới chân, làm sao có thể bước qua? Tình yêu giữa Xi Vưu và A Hành đẹp là thế, nhưng làm sao có thể gạt bỏ mối thù giữa Hiên Viên tộc và Thần Nông tộc. Vân Tang yêu Nặc Nại đến thế, nhưng làm sao có thể vượt qua trở ngại giữa Cao Tân và Thần Nông? Cứ ngỡ rằng tình bạn giữa Hiên Viên Thanh Dương và Cao Tân Thanh Dương là vĩnh cửu, chí ít sẽ kéo dài đến khi hai tộc đối đầu nhau, nhưng chẳng gì là vĩnh cửu cả. Đến cuối cùng thì chỉ là kẻ đi người ở lại mà thôi. Nếu đời không có khổ đau, có lẽ sẽ chẳng phải rơi nước mắt, nhưng phàm là người ai cũng có thất tình lục dục, thất tình lục dục đều là khổ đau, mà nỗi khổ đau nhất trong những khổ đau chính là yêu không được, hận cũng không đành. Xi Vưu – Tây Lăng Hành, chưa có năm nào vẻn vẹn giành cho nhau. Ở trận chiến cuối cùng, yêu nhau đến mấy thì họ cũng là kẻ địch của nhau. Kẻ gánh trên vai lời thề với Viêm Đế, lời hứa với anh em kết nghĩa của mình. Người gánh trên vai tính mạng của nhân dân Hiên Viên tộc, tâm nguyện của mẹ mình. Để cuối cùng, Xi Vưu chết trên vai A Hành, kẻ đi người ở lại. Hắn chẳng bao giờ có thể nghe Tiểu Yêu gọi tiếng “cha”, chẳng thể cùng nàng ngắm hoa đào ở Cửu Lê, chẳng thể chu du đây đó cùng nàng. Nhưng ai bảo Xi Vưu không giữ vững lời thề của mình chứ? Xi Vưu đã chẳng giương Bàn Cổ cung lên, nối vào tim mình để cứu sống A Hành đấy sao? Chẳng phải trái tim hắn luôn ở bên A Hành hay sao, hắn đã hoá thân mình thành rừng đào để thực hiện lời hứa của mình đấy thôi. Nhưng cũng chẳng lấp được nỗi cô đơn, dằn vặt của người con gái ở lại. Vô vàn ngàn dài đêm thâu, chỉ có hồi tưởng về chàng hết lần này sang lần khác mới có thể giúp ta kiên cường mà sống tiếp, những ký ức càng rõ rệt thì ký ức càng hằn sâu vào xương tuỷ, đau đớn càng dày xéo con tim, hoá ra bấy nhiêu lần ôm ấp triền miên, cuối cùng lại chỉ có thể sống chết đôi đàng ngóng vọng về nhau. Thời gian có quay ngược trở lại, thì A Hành không biết mình có dám níu tay chàng lại hay không, cũng không biết sẽ hỏi “Công tử, xin hỏi muốn tới Bác Phụ quốc phải đi đường nào?” nữa hay không. Liệu năm ấy, nàng không giữ chân hắn, thì bi kịch có xảy ra hay không? Và nàng sẽ là một vương phi của Cao Tân, còn hắn sẽ là tướng quân của Thần Nông. Cây chết mây còn còn quấn quýt, cây còn mây chết chẳng rời nhau. Thanh Dương đã thề sẽ bảo vệ em gái, em trai và mẹ mình đấy thôi. Nhưng cuối cùng cũng chẳng thể hoàn thành được. Ở tập một, Thanh Dương trong mắt tôi là một kẻ lạnh lùng, lợi dụng em gái mình kết thông gia với Cao Tân để thực hiện ước vọng của mình. Đến tập hai, khi A Hành sống lại, dù không vui mừng ra mặt như Xương Ý hay mẹ mình, nhưng tôi có thể cảm nhận được hơi ấm từ trái tim chàng, vẻ luống cuống khi em gái đòi ăn dâu lạnh. Trên vai chàng trọng trách nặng nề. Cứ ngỡ rằng chàng sẽ như Thiếu Hạo, có thể vì ngôi vị, giang sơn mà hại chết cha mình, người đã ruồng rẫy mẹ con họ, vậy mà đến cuối cùng chàng chính là người đánh đổi tính mạng để cứu cha mình. Tôi đã khóc khi Thanh Dương chết, khi lần cuối cùng vò đầu em gái mình, lần cuối mong ngóng Thiếu Hạo đưa ra lời thề. Đến tận lúc này, A Hành mới vỡ lẽ rằng gia đình quan trọng biết nhường nào, Thanh Dương quan tâm mình biết bao, A Hành sẽ chẳng bao giờ biết được, để nàng ăn được dâu lạnh, Thanh Dương đã phải bỏ ra bao nhiêu sức lực để thay đổi thiên nhiên. Cứ tưởng rằng một thanh gỗ sẽ chẳng bao giờ có hơi ấm, chẳng cảm nhận được tình cảm, vì thế Thanh Dương đã chẳng để lại lời thề hẹn nào cho Chu Du. Chỉ một câu nói bâng quơ “Đợi ta về” đã làm Chu Du ngóng chờ suốt bấy nhiêu năm, cứ tưởng rằng Đại điện hạ của mình sẽ làm đúng lời nói. Giống như lần trên ngọn núi Ngu Uyên, rồi Đại điện hạ cũng sẽ quay về mà thôi… Nhắc đến Hiên Viên Thanh Dương sao có thể bỏ qua Cao Tân Thiếu Hạo được chứ. Hai kẻ nổi danh khắp đại hoang lúc bấy giờ. Tình bạn hơn hai nghìn năm của họ hắn phải khiến người đời nửa ngưỡng vọng, nửa sợ hãi. Vì bây giờ ta có thể là huynh đệ, nhưng sẽ có một ngày trên chiến trường kẻ sống người chết. Trong mắt tôi, Thiếu Hạo từng là chàng trai tuyệt vời nhất. Ngay cả Thanh Dương cũng chẳng bì được. “Chẳng phải ở đại hoàng này, mọi thiếu niên khỏe mạnh tràn đầy nhiệt huyết đều muốn một ngày được như Xi Vưu, hết thảy thiếu nữ mơ mộng chỉ mong gả cho Thiếu Hạo, và tất cả các bậc cha mẹ đều muốn có con trai hiếu thuận hiểu đạo lí như Thanh Dương hay sao?” Vậy mà đến cuối cùng, kẻ khiến tôi thất vọng nhất cũng chính là Thiếu Hạo. Lời hứa của Thiếu Hạo cùng hợp tác với A Hành còn đang dang dở, lời thề cuối cùng với Thanh Dương “Từ nay trở đi, ta cũng chính là Thanh Dương, ta sẽ coi Luy Tổ như mẹ mình, coi Xương Ý và A Hành như muội muội đệ đệ của ta vậy!” cũng chẳng thực hiện được. Nếu ngày ấy Thiếu Hạo xuất quân, thì Xương Ý đã chẳng phải chết. Nếu không phải vì những toan tính của mình, thì A Hành sẽ không phải bị đẩy đến bước đường cùng. Dẫu thời gian có trôi qua bao nhiêu đi nữa, thì trong mắt hắn Thanh Dương sẽ mãi là Thanh Dương mà thôi. Chàng trai cùng hắn ngao du đây đó, vào sinh ra tử, cùng nhau thử từng vò rượu, từng vì hắn mà máu đẫm bạch bào,… Thanh Dương chưa từng thay đổi. Có chăng thì chỉ hắn đổi thay mà thôi. Từ nay trở đi, trên dải đất lạnh lẽo đầy gió tuyết miền cực Bắc, sẽ chẳng còn ai đốt lửa gọi y vào uống rượu nữa. Từ nay trở đi, đối mặt với thiên quân vạn mã, sẽ chẳng còn ai lặn lội suốt đêm chạy tới, vì y mà máu đẫm bạch bào nữa. Từ nay trở đi, lúc hân hoan mừng rỡ, sẽ chẳng còn ai nói cười chung vui cùng y nữa. Từ nay trở đi, khi buồn khổ cô đơn, sẽ chẳng còn ai uống rượu giải sầu cùng y nữa. Từ nay trở đi, thiên hạ rộng lớn thế này sẽ chẳng còn ai khiến y mỗi khi nhớ đến lại thấy họng nồng vì rượu, lòng ấm tình người, dù vương toạ lãnh lẽo tới đâu, kẻ địch đông đúc nhường nào, đếu có người sánh vai cùng y đối diện… Từ nay trở đi, thế gian này vĩnh viễn chẳng còn Thanh Dương. Từ lúc cự tuyệt A Hành giúp đỡ Xương Ý, Thiếu Hạo trong lòng tôi ngày ấy đã chẳng còn nữa… Chỉ còn lại tên gọi “Tuấn Đế” với vẻ mặt lạnh lùng mà thôi. Sẽ chẳng còn ai nhớ đến chàng Thiếu Hạo chuyên rèn binh khí, chẳng ai biết được rằng Thiếu Hạo ngày ấy lãng mạn biết nhường nào. Giờ đây chỉ còn câu nói lưu truyền thiên hạ song hùng, Bắc Thanh Dương, Nam Thiếu Hạo… Lời hứa của Xương Ý trước toàn bộ binh tướng của mình, nguyện sống chết cùng họ, sẽ không quay lưng bỏ lại. Xương Ý và Xương Phó nguyện thề sống chết cùng nhau, vậy mà kẻ đi trước người đi sau. Lời thề của Xương Ý và Thanh Dương quyết bảo vệ em gái và mẹ mình, nhưng dù đã cố gắng bao nhiêu đi nữa, thì người em gái của vẫn phải khoác lên bộ áo giáp. Lời ước hẹn giữa ba người Viêm Đế, Vương Mẫu và Tây Lăng Luy nay đâu rồi? Chia tay trong buổi hoàng hôn ấy, người đi theo ước vọng của mình, người quyết tâm đi cùng chàng trai mình thương. Vương Mẫu cứ chấp niệm giữ lại giáng vẻ khi ấy để đợi có ngày gặp lại Viêm Đế và Tây Lăng Luy. Nhưng đâu biết rằng, cách nhau cả ngàn năm vẫn không có lần cuối cùng. Cứ tưởng rằng nơi ấy hoa đào đua nhau nở, mùa xuân quanh năm. Thế mà khi nghe tin Viêm Đế chết, Vương Mẫu già đi chỉ trong một khắc mà như cả nghìn năm. Lần đầu tiên tuyết đổ, và từ ấy cũng chẳng hoa đào. Đến cuối cùng thì khúc nhạc chiều hôm ấy đến mấy nghìn năm sau mới thổi xong, điệu múa dang dở mãi đến tận bây giờ mới kết thục, lời xin lỗi muộn màng cuối cùng cũng được thốt ra. Lời hẹn thề giữa Nặc Nại và Vân Tang. Nặc Nại luôn cho rằng chính mình đang bảo vệ Vân Tang, nhưng ngờ đầu nàng luôn bên cạnh bảo vệ mình. Tôi cứ nghĩ hẳn cặp đôi này sẽ được một cái kết viên mãn, nhưng đâu ngờ chàng chết nơi chiến trường, nàng tự thiêu trong biển lửa. Lời thề của Vũ Sư cùng Xi Vưu và các anh em của mình, để đến cuối cùng, chàng quên cả thân phận của mình, chàng là “Nặc Nại của Cao Tân, hay Vũ Sư Xích Tùng Tử hoản loạn Thần Nông?” Từng lời thề, lời hứa hẹn được thốt ra. Nhưng có bao nhiêu lời hứa hẹn ấy được thực hiện đến cùng? Đã không giữ lời, sao còn thề hẹn? Tất cả có nghĩa lý gì khi mọi lời thề ước, chỉ đơn thuần là thề ước. Gấp lại cuốn sách, có lẽ tôi chẳng trách ai cả, có trách thì trách số phận, thân phận và dòng máu của họ mà thôi…