“Căn Phòng Khóa” là một cuốn tiểu thuyết lấy cảm hứng từ một câu chuyện có thật từng gây rúng động thế giới về một người đàn ông ở Áo đã từng bắt cóc, giam cầm và hãm hiếp chính con gái ruột của mình trong suốt 24 năm, khiến cô sinh 7 đứa con.
Jack, cậu bé 5 tuổi được sinh ra và lớn lên trong một căn phòng bị khóa kín cùng với mẹ. Jack tuy nhỏ bé, tinh nghịch nhưng rất thông minh và mạnh mẽ. Ở trong căn phòng không lối thoát, nạn nhân của cuộc bắt cóc - mẹ Jack, dù phải đối mặt với bạo hành, cưỡng hiếp… từng ngày, vẫn luôn đấu tranh để bảo vệ sự trong sáng cho con. Và, để đeo đuổi giấc mơ đào thoát.
Chìa khóa của giấc mơ ấy, là một kế hoạch liều lĩnh. Bằng lối kể chuyện thông qua lăng kính của một đứa trẻ khác thường, do chỉ được giáo dục trong môi trường đóng kín là căn phòng, tác giả Emma Donoghue đã đưa người đọc vào một hành trình hấp dẫn, li kì và hồi hộp đến nghẹt thở. Bạn đọc được đưa vào căn phòng của hai mẹ con để thấy thế giới trong đó không chỉ giới hạn trong những thông số mét vuông mà mở ra bất tận bằng ngôn từ của người mẹ, bằng khả năng tưởng tượng của người con.
Nếu hành trình trốn chạy để đưa mẹ ra khỏi địa ngục trần gian của Jack làm độc giả không thể dừng lại vì quá hồi hộp thì quá trình tái hòa nhập với cuộc sống thực tế của hai mẹ con cũng đầy khủng hoảng. Không gian quá rộng lớn bên ngoài so với cuộc sống trong căn phòng khóa khiến Jack nhiều phen hoảng loạn. Nỗi lo lắng của Jack được miêu tả tinh tế bằng ngôn ngữ của trẻ thơ. Người đọc vì thế mà hiểu hơn, cảm phục hơn những tố chất tốt đẹp của cậu bé này. Từ đó, càng thấy vai trò người mẹ to lớn thế nào với sự phát triển của con trẻ. Chỉ cần dành thời gian, chỉ cần kiên nhẫn, người mẹ có thể vượt mọi trở ngại về không gian, địa lý để mang đến cho con cả một bầu trời lẫn sức mạnh để làm nên những điều tưởng chừng bất khả.
Hiện thực đầy ám ảnh của một cô gái người Áo, dưới ngòi bút của Emma Donoghue không quá khốc liệt nhưng vẫn chạm đến trái tim người đọc. Trong cái cách nói về khái niệm thời gian cô gái ấy bị hại, có thể thấy được sự điềm tĩnh lạ lùng: “Đó là vào cuối tháng Giêng. Tôi vừa đi học lại được vài tuần…”. Sở thích bệnh hoạn đã khiến cô nữ sinh trong sáng bất ngờ thành một thứ đồ chơi, thành thú cưng cho một tên biến thái. Tưởng sẽ buông xuôi, tưởng chừng không gượng nổi…Vậy mà, cô gái ấy vẫn kiên trì, vẫn thúc giục bản thân phải nỗ lực hàng ngày. Thế mới biết, nghịch cảnh, có thể đổ ập xuống bất cứ ai, bất cứ lúc nào. Vấn đề là làm thế nào để vượt qua được con sóng dữ ấy, tìm đến bến bờ bình yên.
Chạm đến xúc cảm người đọc, không khó hiểu khi cuốn sách đã được dịch ra hơn 35 ngôn ngữ, được tạp chí The New York Times đánh giá là một trong 6 cuốn tiểu thuyết đáng đọc nhất trong năm 2010 và Washington Post đưa vào Top 10 tiểu thuyết đáng đọc nhất thế giới. 7 năm sau khi Căn Phòng Khóa càn quét các nhà sách quốc tế, tiểu thuyết này đã chính thức có mặt tại Việt Nam. Thiết kế tinh tế, sách in trang trọng bằng giấy cao cấp, không làm mỏi tay người đọc dù dung lượng của nó tròm trèm 500 trang.
Xem thêm
(Từ đây bài đánh giá sẽ có những tiết lộ nhỏ về cốt truyện. Nếu bạn không muốn bị spoil thì đừng đọc tiếp.)
Câu chuyện trong Room được chia thành hai phần: phần đầu diễn ra trong "Room" và phần thứ hai diễn ra ở "Bên Ngoài" sau khi "Ma" và Jack trốn thoát. Cảnh trốn thoát đó, nói nhẹ nhàng thì, hoàn toàn nực cười. Một đứa trẻ thậm chí còn không tin thế giới bên ngoài tồn tại, vậy mà lại có thể làm được những gì Jack đã làm sao? Cứ như thể Donoghue không biết bà ấy muốn quyển sách của mình là gì – một câu chuyện tù túng về cảnh bị giam cầm trong một căn phòng nhỏ và ảnh hưởng của nó đến sự phát triển cảm xúc và trí tuệ của một đứa trẻ năm tuổi, hay một câu chuyện về việc một đứa trẻ sống cả đời trong một căn phòng chật hẹp có thể trưởng thành và trở thành người hùng. Không ai trong chúng ta, kể cả Donoghue, có thể có cả hai thứ cùng một lúc.
Khi chúng ta nhận ra rằng Jack và "Ma" (chúng ta không bao giờ biết tên thật của cô ấy) bị giam giữ, đáng lẽ Room nên mang một bầu không khí rùng rợn, hồi hộp và khiến ta lo lắng xem "Old Nick" sẽ làm gì tiếp theo. Nhưng thay vào đó, nó lại chậm chạp, nhàm chán và gần như hoàn toàn thiếu đi sự kịch tính. Vì Donoghue giới hạn góc nhìn vào Jack (ít nhất là trong nửa đầu cuốn sách), nên những gì ta nhận được thật sự tẻ nhạt và đơn điệu. Đến khi đến được màn "trốn thoát" khó tin kia, tất cả chỉ còn là một sự gượng ép, nông cạn và dàn dựng vụng về.