Sách bàn về việc sử dụng tiếng Việt. Những lỗi cơ bản và mức độ sai khi viết câu: sai kiến thức, sai ngữ pháp, sai chính tả. Từ những ví dụ cụ thể trên báo, đài, các tác phẩm văn học, kho tàng ca dao tục ngữ, thành ngữ Việt Nam, tác giả hướng bạn đọc đến cách tiếp cận vấn đề, nhận ra những lỗi câu, đánh giá mức độ sai và tìm cách chỉnh sửa cho phù hợp. Bước đầu chính là sửa câu sai thành câu đúng. Cao hơn nữa là từ câu đúng chỉnh làm sao để được một câu hay. Những cái sai và cái hay được bàn đến rất phổ biến trong báo chí và đời sống, nhưng ít ai nhận ra vì đôi khi có những có những lỗi cố hữu trong cách sử dụng từ ngữ mà hiện nay hầu như không ai nhận ra nữa, đó là do hiện tượng “để lâu câu sai hóa đúng”. “Người khôn ăn nói nửa chừng/ Để cho kẻ dại nửa mừng nửa lo”, dạng câu nửa chừng được nhắc đến trong câu trên gọi là câu mơ hồ, câu mơ hồ cũng được xem là một vũ khí lợi hại trong ngoại giao. Cùng rất nhiều vấn đề thú vị và bổ ích khác nữa.
Xem thêm
Quan điểm của tôi về ngôn ngữ nói chung và Tiếng Việt nói riêng là một thứ vô cùng linh hoạt cả về mặt ngữ pháp, ngữ nghĩa, ngữ âm, và từ vựng. Sự linh hoạt này taọ nên những mặt tích cực như sự phát triển, sáng tạo của ngôn ngữ, mở rộng khả năng thể hiện ý nghĩ của người nói, người viết; nhưng cũng chính sự linh hoạt này đã tạo ra những hiện tượng như suy thoái ngôn ngữ, hay nói trích theo một phần tựa đề của tuyển tập sách của nhà xuất bản Trẻ là mất đi “Sự giàu đẹp” của Tiếng Việt. “Từ câu hay đến câu sai” là một tác phẩm trình bày những lỗi có thể thường gặp hoặc ít gặp trong Tiếng Việt, nhưng điều quan trọng là những lỗi này người dùng ngôn ngữ Việt đã và đang dùng sai một cách vô thức, vì kỹ năng ngôn ngữ đa phần được sử dụng như một tập của thói quen được hình thành qua một quá trình dài. Điều tôi thấy đáng quý hơn từ quyển sách của Giáo Sư Nguyễn Đức Dân là cách mà ông phân tích, giải thích và chỉnh sữa những lỗi sai một cách logic chứ không phải kiểu liệt kê lỗi và đề câu chỉnh sửa bên dưới một cách khô khan. Tuy không phải là một sinh viên ngôn ngữ hay nhà ngôn ngữ học, tôi thiết nghĩ với tư cách là một người Việt Nam, tôi nên đọc quyển sách về Tiếng Việt như thế này, và tôi cũng có nghĩa vụ sử dụng Tiếng Việt một cách đúng đắn. Tuy rằng tuy quy tắc của ngôn ngữ là do người dặt ra, nó đã và đang được sử dụng chung bởi nhiều người, chúng ta không thể tự tiện chỉnh sửa mọi quy tắc chung theo ý mình. Tôi tin rằng mục đích quan trọng nhất của ngôn ngữ là để kết nối con người, nếu việc sử dụng sai Tiếng Việt trở nên phổ biến và tự do, điều này sẽ tạo nên những rào cản, những cộng đồng riêng rẻ, có thể dẫn đến tâm lý phân biệt đối xử và xa hơn. Tuy sự sáng tạo trong ngôn ngữ mà một quá trình tự nhiên, có những tác hại lớn từ việc phá vỡ những quy tắc chuẩn cơ bản mà chúng ta khó có thể vãn hồi nếu đã đi sai đường. Hãy đọc ít nhất một lần nhé! Thân mến.