1. Hoàn cảnh lịch sử
Thời đại Lê - Nguyễn là khái niệm kép dùng để chỉ giai đoạn lịch sử dài hơn 500 năm từ năm 1427 khi nghĩa quân Lam Sơn triển khai thành công chiến dịch Chi Lăng - Xương Giang, đánh tan quân Minh, nước Đại Việt được khôi phục, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế, đến giai đoạn Nam Bắc phân tranh (1528-1802), giai đoạn nhà Nguyễn Gia Long (1802-1945), kết thúc bằng sự kiện vua Bảo Đại thoái vị. Các tác phẩm lớn ra đời trong thời kỳ này vẫn có những nét đặc trưng tiêu biểu của văn học trung đại Việt Nam, nhưng đồng thời vẫn có sự khác biệt nhất định so với giai đoạn văn học Lý - Trần trước đó.
Trong thời đại Lý - Trần, Phật giáo phát triển cực kì mạnh mẽ. Các nhà sư được tham gia vào bộ máy nhà nước, có tầm ảnh hưởng nhất định đến những quyết sách trọng đại của quốc gia, ví như Thiền sư Đỗ Pháp Thuận với bài thơ Đáp quốc vương quốc tộ chi vấn:
Đây là lời đáp của thiền sư khi được vua hỏi về cách trị quốc. Có thể thấy, ý kiến của các nhà sư rất được bậc vua chúa tôn trọng. Sự phát triển của đạo Phật thời kỳ này đã cho ra đời rất nhiều tác phẩm chịu ảnh hưởng Thiền - Phật có giá trị cao về mặt nghệ thuật và tư tưởng. Tuy nhiên, đến thời Lê - Nguyễn, đạo Phật mất đi vị thế trước đó của nó trong xã hội, thay vào đó là Nho giáo. Vì Nho giáo đề cao trật tự xã hội và lòng trung thành với vua nên nó trở thành một công cụ hữu ích để trị quốc và củng cố quyền lực của vua chúa phong kiến thời bấy giờ. Với những chính sách hỗ trợ, hậu thuẫn của triều đình, Nho giáo trở thành tôn giáo độc tôn, chiếm vị trí cao nhất trong xã hội Việt Nam. Các nhà sư bị loại khỏi chính trường và thay vào đó là các nhà Nho. Phật giáo bị đả kích trên nhiều phương diện. Các nhà Nho là những người đả kích Phật giáo nặng nề và gay gắt nhất. Là một tôn giáo thế tục, đề cao lối sống nhập thế, trọng quy củ và luôn hướng tới việc cống hiến cho đất nước, các nhà Nho rất quan tâm đến những vấn đề của hiện thực xã hội. Sự quan tâm đó được thể hiện trong nhiều tác phẩm mang đậm màu sắc phê phán xã hội như các bài thơ của Hồ Xuân Hương, Tú Xương... Trong hoàn cảnh đó, Nguyễn Dữ - với tư cách là một danh sĩ theo Nho học - đã viết tác phẩm Truyền kỳ mạn lục để phản ánh hiện thực xã hội thời bấy giờ, đề cao lối sống trung trinh hiếu nghĩa mang đậm màu sắc Khổng gia cũng như phê phán kịch liệt những kẻ sống đồi bại, trụy lạc.
2. Tác giả
Nguyễn Dữ là người xã Đỗ Tùng, huyện Trường Tân nay là xã Phạm Kha, huyện Thanh Miện, Hải Dương. Ông là con trai cả Tiến sĩ Nguyễn Tường Phiêu. Chưa rõ Nguyễn Dữ sinh và mất năm nào. Tương truyền ông là học trò của Tuyết Giang Phu Tử Nguyễn Bỉnh Khiêm và bạn học của Phùng Khắc Khoan, tức là vào khoảng thế kỷ 16. Lúc nhỏ Nguyễn Dữ chăm học, đọc rộng, nhớ nhiều, từng ôm ấp lý tưởng học hành đỗ đạt làm rạng rỡ gia môn. Sau khi đậu Hương tiến (tức Cử nhân), ông làm quan dưới thời nhà Mạc, rồi về với nhà Lê làm Tri huyện Thanh Tuyền (nay là Bình Xuyên, Vĩnh Phúc); nhưng mới được một năm, vì bất mãn với thời cuộc, lấy cớ nuôi mẹ, xin về ở núi rừng Thanh Hóa. Từ đó ông chuyên chú với đời sống ở núi rừng, không một lần đặt chân trở lại chốn thị thành. Trong những năm tháng sống ẩn dật đó, Nguyễn Dữ đã viết Truyền kỳ mạn lục. Có thể thấy, con người của tác giả rất gần với hình ảnh một nhà nho bất đắc chí. Ông học theo Khổng gia, từng ôm mộng công danh nhưng sau lại lui về ở ẩn cho đến tận lúc nhắm mắt xuôi tay.
3. Tác phẩm
Nguyễn Dữ không có phúc sống vào thời những vị vua anh minh thương dân như con. Lúc ông còn làm quan, ngày ngày chứng kiến cảnh hoàng đế ăn chơi sa đọa, bỏ bê triều chính, quan lại thì chuyên nịnh hót vua và đâm chọc nhau, nhân dân đói khổ lầm than. Thời của ông, nhiều tập đoàn phong kiến được lập ra nhằm cát cứ các phương, tranh giành ngôi báu. Nhân dân phải sống trong cảnh chiến loạn, lầm than. Bấy giờ là lúc chế độ phong kiến ở Việt Nam rơi vào thời kỳ suy đồi, mục ruỗng. Bên cạnh yếu tố chiến sự chính trị quốc gia, Nguyễn Dữ nhận thấy nhân dân thời kì này rất tin vào những chuyện ma quỷ huyền hoặc, tin vào thần linh, tin vào chuyện hồn xác. Chính vì vậy, ông mượn những câu chuyện có yếu tố kỳ ảo trong dân gian để kể thành những câu chuyện để răn dạy hậu thế của mình. Ông viết 20 chuyện như vậy, làm thành một tập hoàn chỉnh gọi là Truyền kỳ mạn lục. Ra đời giữa lúc mệnh nước ngả nghiêng, triều cương rối loạn, Truyền kỳ mạn lục mang chứa nhiều tâm sự của một Nho sĩ dù đã ẩn cư nhưng vẫn đau đáu với nỗi niềm quốc gia, dân tộc.
Truyền kỳ mạn lục đề cập đến rất nhiều vấn đề xã hội nhức nhối thời bấy giờ như: những người mượn danh thần Phật để lừa gạt, quấy nhiễu chúng sanh; những kẻ chuyên quyến rũ nho sinh làm chuyện sai quấy và những chàng nho sinh nhẹ dạ, sa ngã; người học trò ăn ở bất nhân bất nghĩa với chính thầy giáo của mình;... Bên cạnh những câu chuyện phê phán xã hội, tác phẩm cũng ca ngợi những tấm gương đạo đức: người thiếu phụ giữ vẹn tròn tiết hạnh; những vị quan yêu dân như con, công bằng, liêm chính; vị anh hùng dân tộc đã đổ máu để gìn giữ non sông;... Sau mỗi câu chuyện là phần “Lời bình” của chính tác giả. Nguyễn Dữ vừa kể, vừa nêu quan điểm của chính mình về chính câu chuyện vừa kể đó. Lời bình ấy có khen, có chê tùy theo sự việc, tùy theo nhân vật. Phần lời bình viện dẫn rất nhiều điển cố điển tích để làm sáng tỏ thêm vấn đề, bộc lộ rõ ràng hơn quan điểm của tác giả cũng như tăng phần nào tính uy tín, xác đáng của những lời bình ấy. Đây cũng là phần thể hiện quan điểm Nho giáo rõ nét nhất trong toàn bộ tác phẩm.
4. Một số vấn đề xã hội được đề cập trong tác phẩm
Một trong những đề tài được tập trung khai thác trong tác phẩm là đề tài về cuộc đời những người phụ nữ trung trinh hiếu nghĩa, sống đúng theo đạo lý mà Nho gia đã đặt ra cho phái nữ. Những truyện thuộc đề tài trên bao gồm: Truyện người nghĩa phụ ở Khoái Châu; Truyện nàng Túy Tiêu; Truyện người con gái Nam Xương và Truyện Lệ Nương. Đây đều là những chuyện có nhân vật nữ chính sống đạo đức, chung thủy với chồng, vẹn tròn nữ tắc. Dù họ có gặp bao nhiêu khó khăn, dù có bị chính người chồng của mình phụ bạc, đối xử tệ hại hay thậm chí bị bán đi (người chồng lấy vợ mình đặt cược để đánh bạc, thua nên phải đem vợ cho người ngoài trong Truyện người thiếu phụ ở Khoái Châu) thì những người phụ nữ ấy vẫn giữ vẹn nguyên tiết hạnh của mình. Trên hết, họ đều là những người biết sống vì chồng, thờ chồng hết mực. Lời lẽ và cách cư xử của họ với chồng mình luôn thể hiện rằng họ là kẻ bề dưới, luôn biết ơn vì được chồng yêu thương. Đây cũng là lối ứng xử phù hợp với quan điểm của Nho gia về “tam tòng” của phụ nữ (tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử: ở nhà nghe lời cha, lấy chồng nghe lời chồng, chồng chết nghe con trai). Tuy nhiên, Nguyễn Dữ không những không xem lối cư xử theo luân thường đó là một điều bất công, là điều chèn ép và chà đạp thân phân người phụ nữ. Ông xem đó đều là những điều họ nên làm và phải làm. Họ chỉ có những lựa chọn theo đúng chuẩn mực Nho giáo, không được sống vì cá nhân mình, không được sinh lòng bỏ bê chồng dù người chồng của mình có tệ bạc cỡ nào, dù họ có bị đẩy đến cái chết thì cái chết ấy cũng là điều nên làm. Ở thời hiện đại, những tư tưởng như vậy càng ngày càng ít đi. Phụ nữ được giải phóng ra khỏi nhiều gông xiềng định kiến còn tồn đọng lại từ những thế hệ xưa cũ. Tuy vậy, tại thời điểm Truyền kỳ mạn lục ra đời, tư tưởng Nho giáo chiếm vị thế cao nhất trong hệ tư tưởng của người Việt nên quan điểm của Nguyễn Dữ được xem là chuẩn mực. Dù vẫn bị ràng buộc bởi những quan điểm nặng nề của Nho gia về thân phận phụ nữ, Nguyễn Dữ không vì thế mà xem nhẹ nỗi khổ đau của những người đàn bà trinh liệt nhưng gặp cảnh khó khăn hay lấy phải người chồng tệ bạc. Điều này thể hiện trong phần “lời bình” của ông cuối mỗi truyện.
Có người vợ như thế mà để cho phải hàm oan một cách ai oán, Trọng Quỳ thật là tuồng chó lợn. Muốn tề được nhà, phải trước tự sửa mình lấy chính, khiến cho không thẹn với vợ con, ấy là không thẹn với trời đất. (Truyện người thiếu phụ ở Khoái Châu)
Qua lời bình trên, ta còn thấy rất rõ quan điểm của sách Luận ngữ (một trong những cuốn “sách giáo khoa” của Nho giáo) về đạo dạy người làm việc lớn: cách vật - trí tri - chính tâm - thành ý - tu thân - tề gia - trị quốc - bình thiên hạ. Ở đây, Nguyễn Dữ trước hết bảo Trọng Quỳ phải biết “tu thân” (sửa đối tâm tính, hành vi cho tốt) và “tề gia” (làm cho gia cang yên ấm, thuận hòa). Không chỉ nói về những tấm gương cho phái nữ, Nguyễn Dữ còn răn dạy người đàn ông về những đức tính mà họ phải có. Nho giáo vốn bao gồm một hệ thống triết lý nhằm giữ cho mọi thứ đi theo đúng quỹ đạo của nó, giữ vững trật tự cho xã hội. Con người Nho gia bị xoay quanh bởi vô số quy tắc về hành vi và tâm tưởng. Không chỉ người phụ nữ bị gông cùm của những nhà hủ nho trói buộc mà đàn ông cũng ít nhiều phải chịu đựng những sự ràng buộc tương tự. Ta nói một chút về câu chuyện Nàng Lệ Nương để thấy rõ hơn điểm này. Lệ Nương và Phật Sinh là đôi thanh mai trúc mã, được gia đình cho đính ước với nhau để một ngày nên vợ nên chồng. Họ yêu thương nhau vô cùng. Một ngày đất nước lâm vào chiến loạn, Lệ Nương cùng nhiều người phụ nữ khác bị giặc bắt. Nàng và hai người bạn nữa đã tự tử để bảo toàn trinh tiết ngay trước khi Phật Sinh đến cứu. Cái chết của Lệ Nương làm Phật Sinh đau khổ vô cùng. Chàng dành cả cuộc đời còn lại để theo chân vua giết giặc lập công, không lập gia đình hay sinh con đẻ cái. Trước những hành động của Phật Sinh, Nguyễn Dữ cho rằng:
Như chàng họ Lý kia, vì mối ân tình, giữ bền ước cũ, lưu ly hoạn nạn, vẫn chẳng quên lời, tình thật đáng thương, mà lẽ phải thì chưa được ổn. Bởi sao? Cảm tình mà đi tìm thì nên, liều chết mà đi tìm thì không nên, huống nữa lại thôi không lấy vợ, để đứt dòng giống của tiên nhân phỏng có nên không? Cho nên người quân tử phải biết tòng quyền chứ không nên chấp nhất. Giữ điều nhỏ để mất điều lớn, chẳng là gã Lý sinh này ư?
Ông trách Lý Phật Sinh vì giữ lời hứa hẹn với Lệ Nương mà không chịu sinh con đẻ cái, để cho tuyệt tự. Nho gia có quan điểm “Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại”, nghĩa là trong ba thứ tội bất hiếu, tội không có con trai nối dõi là tội lỗi lớn nhất. Quan điểm trên không chỉ là cơ sở để tình trạng trọng nam khinh nữ phát sinh và phát triển, nó còn đè nặng lên vai những cặp vợ chồng phong kiến. Dù họ có thật lòng yêu thương nhau, đối xử tốt với nhau và tu chí làm ăn thật chỉ thì nếu họ không có con trai, họ vẫn được xem là một gia đình khiếm khuyết, không tuân theo chuẩn mực, phải chịu nhiều sự gièm pha từ họ hàng và xóm làng. Dù phụ nữ vẫn phải chịu rất nhiều chỉ trích vô lý vì “không sinh được con trai” nhưng xét trên lý thuyết về các quan điểm của Nho gia, tội lỗi “bất hiếu” này sẽ bị quy cho người đàn ông, bởi lẽ họ chính là người chịu trách nhiệm chính cho việc tạo ra hậu duệ nhằm duy trì, kéo dài “dòng giống tiên nhân”.
Bên cạnh việc chê trách những người đàn ông không sống theo đúng với các chuẩn mực của Nho gia, Nguyễn Dữ cũng ca ngợi những bậc quân tử đạo đức, những vị anh hùng đã hi sinh cho độc lập dân tộc. Truyện chức Phán sự ở đền Tản Viên cũng là một thiên truyện ca ngợi những người như vậy. Xưa có viên tướng Tàu tới xâm lược nước ta rồi tử trận tại Lạng Giang. Hồn phách hắn chiếm cứ đền thờ thổ địa, mạo danh thần linh, thường bắt dân cúng nạp rất nhiều nếu không sẽ hiện lên quấy nhiễu. Tử Văn là nho sinh, đi ngang biết chuyện rồi quyết định đốt trụi cái đền tà thần đó. Chàng bị hồn tướng giặc hiện lên hăm dọa, không những không sợ mà còn quyết giúp vị thần chân chính ở đó đòi lại đền thờ. Câu chuyện ca ngợi tâm tính khảng khái, cương trực, thấy nguy không lùi của chàng nho sinh Tử Văn. Chàng không chỉ có ý thức cứu dân trừ họa, biết giúp đỡ người ngay mà còn dũng cảm trả lời chất vấn ở điện Diêm Vương để đòi lại công bằng cho chính mình và cho vị thần bị hồn tướng giặc hãm hại kia.
Truyền kỳ mạn lục có thể được xem như một minh chứng rất rõ ràng về ảnh hưởng của Nho giáo ở Việt Nam trên phương diện văn học. Tác phẩm ca ngợi những con người sống theo chuẩn mực đạo đức, giữ vững đạo lý cương thường. Mặc dù cho đến ngày hôm nay, một số điều mà Nguyễn Dữ muốn răn dạy đã không còn phù hợp, nhưng ta không vì thế mà phủ nhận toàn bộ giá trị của tác phẩm Truyền kỳ mạn lục cũng nhưng toàn bộ những tác phẩm chịu ảnh hưởng Nho giáo sâu đậm trong kho tàng văn chương của nước ta. Nhiều tấm gương đạo đức trong Truyền kỳ mạn lục vẫn nên được người thời nay tôn trọng và học hỏi.
Tác giả: Hoàng Anh
Designer: Trúc Phương
-------------------------------------------------
Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy
Bạn đam mê viết lách, yêu thích đọc sách và muốn lan tỏa văn hóa đọc tới cộng đồng của YBOX.VN? Đăng ký để trở thành CTV Bookademy tại link: http://bit.ly/bookademy_ctv