"Cái gọi là lẽ phải, cũng chỉ được quyết định bởi số đông thôi." "Những người được sinh ra trong cơ thể trần truồng tại sao lại quá quan trọng chiếc áo khoác lông?" Thế nào là "xấu"? Thế nào là "tốt "? Những định kiến, những kỳ vọng, những mong chờ đặt nặng trên vai có giúp ta vững vàng trải nghiệm hiện tại và tương lai hay không? Cuốn sách này dành cho những ai muốn thay đổi bản thân. Cuốn sách này giúp bạn hiểu về cơ chế, khởi nguồn của vũ trụ. Cuốn sách này chỉ ra phương pháp triệt tiêu đau khổ và giận dữ chỉ trong khoảnh khắc.
Xem thêm

Trước đây mình thường thiếu tập trung, lo lắng mỗi ngày vì bị choáng ngợp bởi bộ não tiêu cực của chính bản thân mình. Đây có lẽ không phải điều đáng ngạc nhiên khi chúng ta đang sống trong một cộng đồng ngày càng ít tự chủ hơn với tâm trí ít yên bình hơn. Chúng ta phải đối phó với quá nhiều mong muốn từ người khác - những điều thao túng tâm lý chúng ta.

Mình đã không đáp ứng được bất cứ nghĩa vụ, kỳ vọng và bổn phận nào giống như bao người trong xã hội. Và đôi khi rào cản lớn nhất để mình có một cuộc đời tốt đẹp hơn chính là những kỳ vọng xa tầm với do chính mình tạo ra.

Và cuốn “Trò chuyện với Ác quỷ” đã giúp mình có được sự yên tâm khi kiểm soát được những mong muốn của chính mình, những điều thao túng tâm lý mình, hiểu được suy nghĩ của bản thân cũng như có tư duy phù hợp.

Sách đã giúp mình áp dụng những thói quen mới, giải phóng tâm trí mình khỏi những kỳ vọng không thực tế và những suy nghĩ bi quan một cách rất đơn giản. Khi thoát khỏi được những suy nghĩ nặng nề, tâm trí mình cũng trở nên sáng tạo hơn.

Cuối cùng thì mình đã hiểu nguyên nhân chính của sự lộn xộn về tinh thần chính là khi ta không từ bỏ được kỳ vọng của mọi người và của chính mình. Mình cũng đã hiểu cách não của mình hoạt động về mặt tâm lý để biết tư duy có kiểm soát, suy nghĩ rõ ràng, không lo lắng và căng thẳng.Biết tư duy đem lại rất nhiều lợi ích. Nó giúp mình biết mình thật sự cần gì để ra quyết định tốt hơn.

Đọc xong “Trò chuyện với Ác quỷ”, mình hiểu được rằng sự an yên trong tâm hồn mà mình hằng mong đợi đã luôn ở trong mình và luôn chờ được mình khám phá, chỉ cần mình nhận ra, kiên nhẫn thực hành những bài học mà Ác quỷ dạy là mình đã cải thiện được bản thân khá nhiều rồi.

Có một câu tục ngữ là “vô ngã mộng trung”.

Đó là hiện tượng “tôi” biến mất khi ta đang tập trung một trăm phần trăm vào điều gì đó trước mắt.

Từ những tuyển thủ Marathon đang trong cuộc thi, những chuyên gia làm vườn tập trung vào cây Bonsai, cho đến những bà nội trợ đang gấp quần áo đã giặt là xong. Chúng ta có thể nhìn thấy hình ảnh của những người “vô ngã mộng trung” ở bất cứ nơi đâu.

Những năm gần đây, các nhà tâm lý học đã đặt tên cho hiện tượng này là “trạng thái dòng chảy”.

Trích: Trò chuyện với ác quỷ


Xã hội hiện đại dường như đánh giá cao việc một người có khả năng làm nhiều việc cùng một lúc. Thế nhưng sự thật là việc thực hiện đồng thời nhiều tác vụ không những không mang lại hiệu quả, mà còn khiến cho khả năng tập trung của bạn bị suy giảm.

“Một nghiên cứu của Gloria Mark, Đại học California, Irvine cho thấy mỗi khi chúng ta nhảy từ việc này sang việc khác, trung bình ta phải mất 25 phút để quay lại công việc trước đó.” Việc thực hiện nhiều nhiệm vụ cùng một lúc do đó là một việc gây lãng phí khoảng thời gian quý giá mà đáng ra bạn có thể tận dụng để tập trung hoàn thành từng phần công việc. Vì vậy, thay vì đa nhiệm, chúng ta hãy thay nâng cao hiệu suất làm việc bằng cách luyện tập thói quen “tập trung vào một việc, tại một thời điểm”.

TRÒ CHUYỆN VỚI ÁC QUỶ không chỉ là cuốn sách viết về các triết lý nhân sinh mà nó còn đem đến rất nhiều bài học nhỏ trong thực tiễn cuộc sống. Một phần vì mình là người thích đơn giản hóa mọi thứ nên những bài học mình rút ra được từ sách đều rất gần gũi. Điều mình thích nhất ở cuốn sách là nó giúp cho mình có được cái nhìn đa chiều hơn về cuộc sống.

Trong tất cả những cuốn sách mình đọc từ đầu năm đến giờ đây là cuốn sách mà mình tâm đắc nhất. Bạn nào hứng thú với mấy cuốn sách cần thời gian để chiêm nghiệm và học cách sống chậm hơn thì có thể cân nhắc mua cuốn này nha.

"Tất cả những gì mà chúng ta sở hữu, cho đến trước khi chúng ta có chúng trong tay, thì chúng ta vẫn chưa hề sở hữu chúng.

Bởi vì 'sống' có nghĩa là gây phiền phức cho một ai đó.

Không có ai 'tốt', mà cũng không có ai 'xấu'."

___Sách "Trò chuyện với ác quỷ"___

Cuốn sách này mình thấy cũng tương đối thú vị, kiểu sách tâm lý - kỹ năng và có khai thác các vấn đề dưới góc nhìn mới - ác quỷ.

Tác giả có cuốn cùng thể loại là "Trò chuyện với thượng đế", nếu như cuốn đó nhẹ nhàng, nghiêm túc thì cảm giác khi nói với ác quỷ, hắn cho chúng ta những góc nhìn thô nhưng lại rất thật.

Các bạn cứ tưởng tượng mình đang rất thích một thứ, nhưng bị dội một gáo nước lạnh, đồng thời bị bóc mẽ từng chút một về cái đó để chúng ta có cái nhìn khách quan hơn ấy :v ví dụ thế thôi chứ mình thấy các viết của tác giả về mọi vấn đề trong đó rất đáng để đọc và chiêm nghiệm.

"Cái gọi là lẽ phải cũng chỉ được quyết định bởi số đông thôi."

Nói thật chứ trong này nhiều đoạn đọc qua thấy bình thường nhưng đọc kỹ, ngẫm kĩ lại thấy nó đúng.

Nếu các bạn thích đọc dòng sách này thì có thể thử.

"Chỉ là tôi muốn nói trước với các bạn, rằng bờ bên kia của con thuyền mà cậy ấy bước lên không phải địa ngục mà là thiên đàng." 

Đây là câu đầu tiên, trang đầu tiên của cuốn "Trò chuyện với ác quỷ" mà cho đến khi đọc xong cuốn sách này mình mới đọc. Đúng là một sơ xuất nhỏ khi đọc sách nên mình cứ nghĩ sách sẽ đẫm máu lắm cơ. Ban đầu mình quyết định mua cuốn sách này bởi vì cái tên của nó, vì mình rất thích đọc về thể loại ma quỷ, kinh dị. Tủ sách của mình hầu như toàn các cuốn trinh thám kinh dị.

Nhưng cuốn "Trò chuyện với ác quỷ" này là cuốn sách mình cảm thấy lạ lùng nhất từ trước đến nay, toàn bộ các trang sách đúng là những cuộc hội thoại qua lại rất khó hiểu, khó đọc. Giống như mình có nhiều nhân cách và các nhân cách đang trỗi dậy và nói chuyện với nhau vậy đó. Chắc vì lần đầu tiên mình tiếp xúc với cách viết kiểu này. Rồi dần đọc cũng quen, và nó giống như một chiếc gương phản chiếu mọi mặt tối, hại của những điều hiển nhiên mình gặp trong cuộc sống:

"Liệu những điều ngươi học ở trường có thật sự chính xác? Những giáo dục của cha mẹ có phải vì suy nghĩ cho con cái không? Những quy tắc của xã hội tồn tại là vì ai? Vì người dân? Hay vì những kẻ cầm quyền?"

Việc ác quỷ đặt ra hàng loạt những câu hỏi như vậy, nếu không có đủ cơ sở để trả lời thì bạn sẽ chuyển sang trạng thái nghi ngờ những lẽ phải mà trước nay mình vẫn được biết đến.  Nói chung đây là một cuốn sách rất kì lạ, nó khiến não bộ mình hoạt động rất nhiều, giống như bạn xem một bộ phim có nhiều plot twist. Nhưng khi đọc xong thì cũng cảm thấy nhẹ nhõm sau một hồi vận động trí não, giúp mình hiểu và thay đổi bản thân, hiểu về cơ chế, khởi nguồn của vũ trụ, hay những phương pháp triệt tiêu đau khổ và giận dữ chỉ trong khoảnh khắc.

Nếu bạn là một người thích những cuốn sách hack não, có lối viết khác hẳn so với những cuốn sách khác và đọc xong rút ra được nhiều điều hay ho thì mình xin được recommend cuốn sách "Trò chuyện với ác quỷ" này.

Sau khi đọc cuốn sách này tôi gần như không thể đọc một cuốn sách nào khác vì những dư âm mà cuốn sách đem lại.

Chắc hẳn trong số chúng ta không ít lần từng rơi vào trạng thái phân vân một sự việc là đúng hay sai, là một trạng thái hết mực mâu thuẫn bởi nếu đã đúng thì không thể có sự phân vân. Thế nhưng bản chất của đúng sai lại chính là không có đúng sai.

Dân gian có câu “Khẩu xà tâm phật” ý chỉ một người chỉ ác ý ở lời nói nhưng lại hướng thiện ở trong tâm. Vậy phải chăng vạn vật vẫn luôn có một lớp vỏ bọc, và cốt lõi vấn đề là thứ hay dễ bị che chắn.

“Trò chuyện với ác quỷ” là một cuốn sách đào rất sâu vào ý nghĩa bản chất bên trong một vấn đề, và nhấn mạnh đến triết lý mọi thứ đều có nguồn gốc. 

“Trước ngôn từ, cuộc đời đơn giản chỉ có sự “tồn tại”. Cái cây sẽ chỉ là một vật thể vô định hình, không bản sắc trước khi nó được đặt tên là “cái cây”. Nói một cách rõ ràng hơn, khi ta gọi “cái cây” hay thậm chí gọi “vật thể vô định hình” trong bất cứ hoàn cảnh nào thì đều không còn chỉ chính cái cây đang tồn tại khách quan kia nữa. Bởi, cũng giống như “cái chết” chỉ được thật sự biết tới khi người ta hoàn thành xong “sự sống”, “cái cây” của một thực tại trước ngôn từ cũng đã chết đi ngay khi nó đi vào ngôn từ; trừ khi ở trong một diễn biến xa xôi nào đó, con người có thể trải nghiệm được sự chết và những cung bậc của nó ngay trong sự sống.” (Vũ Kiều Chinh) 

Tương tự “Cái thiện” và “Cái ác” cũng là sự tồn tại song song có ác thì mới có thiện. Bởi, nếu như không có cái ác, ý nghĩa về sự tồn tại của cái thiện cũng sẽ không còn tồn tại.

Mình cho rằng đây là cuốn sách không khó đọc nhưng cũng không dễ bởi nó có thể định nghĩa lại những khái niệm mà trước đây chúng ta đang trung thành tôn thờ. Một cuốn sách vừa nên đọc vừa đáng đọc.

Trong cuộc sống hiện tại, càng lớn, tôi càng luôn cảm thấy mình không thể hòa nhập được với thế giới. Dĩ nhiên, tôi vẫn luôn cố gắng để mình không quá khác biệt, nhưng trong sâu thẳm, tôi luôn thấy mình là một người khác - một người mà chỉ thân xác ở nơi này, còn tâm hồn luôn lơ lửng ở một chân trời khác.

Tôi luôn không thực sự hiểu được sự vận hành của sự sống. Ví dụ như tại sao quả đất nhất định là hình tròn? Tại sao những người cạo đầu, xăm hình thì là hình ảnh của bặm trợn? Tại sao một người khi lớn lên nhất định phải lập gia đình, sinh con, và tạo dựng sự nghiệp? Nếu tôi làm chệch đi quỹ đạo, làm trái đi những thứ mà mọi người đã quen thì phải chăng tôi sẽ bị gạt ra bên ngoài rìa xã hội?

Vì những suy nghĩ như vậy, tôi luôn thấy linh hồn mình bị vụn vỡ, đời sống khắc nghiệt bào mòn sức lực và nghị lực sống của mình. Tôi thường có cảm giác điều quanh mình không thực sự thuộc về mình, giống như Etaf Rum đã viết trong cuốn sách của mình rằng “Rất khó để thấy mình thuộc về một nơi nào đó, thật sự thuộc về ấy, nếu mình không cảm thấy thuộc về chính mình trước tiên”. Tôi thấy đó là mình, là một người không cảm thấy mình chẳng thuộc bất kỳ nơi nào.

Và tôi bắt gặp “Trò chuyện với ác quỷ” như một nhân duyên kỳ lạ nào đó. Là một cuốn sách không gọi là chữa lành mà nó “vụn vỡ” cùng tôi. Tôi tìm thấy những sự đánh mất, sự lạc lõng của mình ở đây, là phần linh hồn tường như đã bị đánh mất bởi phần người. Chúng ta luôn học cách để chế ngự phần con và phần người, nhưng chính tôi, một kẻ mà không khiêm tốn lắm nhận là “Gã trai mơ mộng và điên cuồng” tôi thấy mình muốn được cho phần con đôi lúc được sống dậy. Bởi dẫu sao tôi vẫn là một kẻ điên cuồng trong suy nghĩ và nhận thức. Mà sự điên cuồng lại chẳng khi nào là khuôn phép và đúng đắn.

Cuốn sách này không dễ đọc và dễ chấp nhận với nhiều người, tôi nghĩ vậy, nó không đem đến một sự vuốt ve nào, không mang lại những lời cổ vũ, lời khuyên về cố gắng và khí chất. Nó là một sự phũ phàng và gai góc đâm thẳng vào tâm trí người đọc “Rằng lẽ phải cũng chỉ là được quyết định bởi số đông” hay

Ác quỷ: Ngươi nghĩ một thế giới cần thiết phải có bao nhiêu cuộc chiến?

Khi một số lượng “anh hùng” tồn tại thì cũng cần một số lượng “cái ác” tương đương như thế.

“Cái ác” không có nghĩa làm cho thế giới tồi tệ đi.

Để có “anh hùng” thì thế giới ngày nay cần phải đang trong cảnh hỗn loạn.

Ác quỷ không đem đến niềm tin và giấc mơ, Ác Quỷ mang đến SỰ THẬT về các góc khuất mà con người thường cố tình trốn tránh, đó là ngoài Rồng phượng, trong chúng ta vẫn còn có cả rắn rết, chế ngự nó chứ không thể chối bỏ mới là việc chúng ta nên làm. Và anh hùng mà chúng ta luôn muốn được làm, đôi lúc lại chính là khát vọng muốn thế giới này hỗn loạn.

Tôi nghĩ rằng, sự vụn vỡ của mình luôn bắt tôi đi tìm một điều gì đó khác. Và tôi thích sự khác lạ ở cuốn sách này, nó khiến tôi cảm thấy mình được là mình, là một kẻ điên vẫn còn giữ được sự “điên cuồng”.

Bởi có lẽ nếu đánh mất sự mộng mơ và điên cuồng này, thì tôi có lẽ cũng đã chẳng còn là tôi nữa.

“Trò chuyện với Ác quỷ” là một cuốn sách tâm lý đầy động lực về những thay đổi nhỏ trong tư duy tạo nên sự khác biệt to lớn trong nhận thức. Với phong cách viết thú vị, sách đã đem lại những hiểu biết sâu sắc về các phương pháp để mỗi chúng ta trở thành phiên bản tốt nhất, về cách chăm sóc sức khỏe tinh thần cho mỗi người và các yếu tố quan trọng khác để chúng ta có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Mitsuro - một thanh niên chán ngấy với những nguyên tắc thành công mang tính đạo đức, những lời giáo điều tầm thường, đã nỗ lực tận dụng tối đa mọi khoảnh khắc được trò chuyện với Ác quỷ.

Một vài lời khuyên của Ác quỷ như “hãy đặt nghi vấn với lẽ phải”, “nếu vứt bỏ kỳ vọng thì sự giận dữ sẽ tan biến”, “chỉ có những người tích lũy cả thành công và thất bại mới là người từng trải”, v.v. đều đã giúp mình sống một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Đây cũng là điều mình luôn khao khát. Trong cuộc sống hối hả ngày nay, tất cả chúng ta đều tìm kiếm quá nhiều, nghĩ quá nhiều, muốn quá nhiều mà quên mất niềm vui được tồn tại. “Trò chuyện với Ác quỷ” đã mang tới cho mình sự tự tin để từ bỏ nỗi sợ hãi về những gì người khác định kiến và những lo lắng trong sâu thẳm rằng mình không “đủ tốt”.

Sau khi đọc sách, mình đã ngừng tìm kiếm hạnh phúc vì mình đã nhận ra nó ở đâu, ngừng định nghĩa cuộc đời mình vì mình đã biết cách sống nó với sự tự do, sự cởi mở thật sự. Và cuộc đời của mình cũng sẽ tốt đẹp hơn vì mình đã tìm ra con người thật của chính mình.


Theo thuyết này, vũ trụ trong quá khứ có kích thước rất nhỏ, nóng và chứa lượng vật chất dày đặc. Đến khoảng 14 tỷ 700 triệu năm về trước, một vụ nổ xảy ra hình thành nên không gian, năng lượng và vật chất để tạo ra vũ trụ như hiện nay. Vũ trụ trước khi vụ nổ Big Bang xảy ra là “một điểm duy nhất”, tất cả mọi vật chất, mọi năng lượng có trong vũ trụ ở hiện tại đã được nén lại dưới dạng “một thể” ấy.

Chúng ta được tạo nên từ những vật chất trong vũ trụ này nên ta cũng hòa lẫn trong một điểm duy nhất ấy. Và bởi vì tất cả mọi thứ trong vũ trụ đều là “một điểm” vậy nên sẽ không thể tồn tại bất kỳ hành vi hay chủ thể tác động nào từ phía bên ngoài. Để quan sát thì cần phải có người quan sát và thứ được quan sát, để lắng nghe thì cần có người lắng nghe và thứ được lắng nghe. 

Nhưng cũng chính từ khoảnh khắc phân ra làm hai này nó đã biến thành ba. Khoảnh khắc “người quan sát” và “thứ bị quan sát” hình thành, nếu nhìn từ góc độ toàn bộ vũ trụ thì nó đang sở hữu hành vi “quan sát”, khoảnh khắc “người trải nghiệm” và “thứ được trải nghiệm” hình thành còn có một hành vi khác mang tên “trải nghiệm”. Ba điểm này cùng một lúc phát sinh và vũ trụ khởi nguồn cũng từ chính “ba yếu tố” đó.

Đến đây bạn có đoán được nguyện vọng lớn nhất của vũ trụ là gì không nè?

Câu trả lời chính là những “trải nghiệm”. Ba yếu tố cấu thành vũ trụ chính là “tôi” “thế giới” và “trải nghiệm”, ngoài ra không còn tồn tại thứ gì khác. Trong cuốn “Trò chuyện với ác quỷ”, ngài quỷ dữ cũng đã nhận ra rằng vốn dĩ vũ trụ chỉ có một nay lại phân chia thành ba và bật mí cho bạn cách để có một hiểu biết trọn vẹn, rằng nếu bạn muốn biết một điều gì đó chỉ cần thám hiểm hai cực của nó, chắc chắn câu trả lời nằm đâu đó ở trải nghiệm “bên đây” hoặc “bên kia”. Tương tự để sống một cuộc đời không nuối tiếc, cần thiết mỗi người phải trải qua những thái cực đối lập trong cuộc sống để tìm ra chân giá trị cho mình.

Cuốn sách này cũng gợi mở rất nhiều cách để bạn vượt qua những khúc mắc trong cuộc sống với những lí luận rất sâu sắc từ góc nhìn phản diện, bạn hãy tìm đọc để có thêm hành trang cho mình trên bước đường trưởng thành nha!

Thiện và Ác như 2 mặt của một đồng xu. Thiện - Ác luôn song hành và là những mặt đối lập. Chúng ta không thể ước mong 1 thế giới chỉ toàn điều thiện, bởi nếu cái ác biến mất, cái thiện cũng sẽ biến mất theo.

Với mình, cuốn sách này mang theo những triết lý nhân sinh rất khác biệt. Nó đánh thẳng vào những mặt tối của con người, đôi khi chính chúng ta cũng không nhận ra. Mọi vật chất xung quanh ta đều đơn giản là thế giới trong trí não chúng ta xây dựng nên - lý giải bằng việc mỗi người nhìn nhận sự vật sự việc theo một góc nhìn, quan điểm hoàn toàn khác.

Ác quỷ không phải là xấu xa, cũng chẳng phải là tốt lành. Ác quỷ chỉ đang nhìn ngắm thế giới bằng nhân sinh quan của Ác quỷ mà thôi. Những lời Ác quỷ nói có thể đúng cũng có thể sai tùy cách tiếp nhận của mỗi người. Cuộc trò chuyện giữa Mitsuro và Ác quỷ là cuộc đối thoại mang tính triết học. Bất kỳ sự việc gì xảy ra trong cuộc sống thường ngày đều được dẫn dắt khéo léo về những vấn đề cao siêu.

Đọc cuốn này thực sự khá “hack não” bởi trong lúc đọc mình còn cảm thấy hơi quay cuồng, lú lú và thi thoảng còn bật ra tiếng “chả hiểu kiểu gì??”. Thế mà vẫn cứ lao đầu vào đọc say đọc sưa, quyết không để sách làm cho rối não.

Nhìn chung cuốn sách này khá lạ, và bạn nào tò mò muốn đọc thì cũng rất ổn. Vì nếu đọc xong mà lĩnh hội được thì bạn không cần phải tham gia các lớp học thiền nữa luôn.

Và cũng giống 2 mặt của 1 đồng xu, có cuốn Trò chuyện với Ác quỷ thì cũng có cuốn “Trò chuyện với Thượng đế” luôn đó ạ.