Triết học có mối liên kết chặt chẽ với đời sống con người hơn chúng ta tưởng. Đó là bởi triết học xuất phát từ chiêm nghiệm về các vấn đề của cuộc sống, từ niềm vui, từ đau khổ, từ lo lắng,... và rồi được các triết gia, cũng là những người đã đi qua những khó khăn ấy một cách mãnh liệt nhất, ghi chép lại những chân lý để vượt qua hay đơn giản chấp nhận chúng. Triết học giống như một nguồn an ủi vĩ đại vì ta không chỉ biết được cũng có những người trải qua những điều giống ta mà còn được lắng nghe những lời thông thái để làm dịu những cảm xúc tiêu cực. Bởi vậy, trong khó khăn, bạn có thể tìm đến những triết lý này hay tìm đến Sự an ủi của triết học viết bởi Alain de Botton - một cuốn sách đặc biệt gồm tư tưởng của các triết gia vĩ đại về những nỗi niềm trong cuộc sống. Cuốn sách chắc chắn sẽ đưa triết học trở lại với mục đích giản dị và quan trọng nhất của nó: giúp chúng ta sống cuộc đời của mình
Niềm an ủi cho khó khăn
1. Ít có nhà triết học nào từng đánh giá cao cảm giác khốn khổ. Một cuộc đời khôn ngoan thường gắn liền với nỗ lực giảm bớt sự đau khổ: cảm giác lo lắng, thất vọng, giận dữ, căm ghét bản thân và trái tim tan nát.
2. Chúng ta không nên hoảng sợ trước vẻ bề ngoài
Trong con mắt của những người nhìn thấy ta lần đầu tiên… thường thì ta không là gì khác ngoài một đặc điểm nổi bật duy nhất đập vào mặt họ và quyết định toàn bộ ấn tượng của họ về ta. Do đó, người đàn ông lịch thiệp nhất và biết điều nhất, nếu có một bộ ria mép rậm rạp… có thể bị coi là điểm phụ của bộ ria mép rậm rạp, không hơn, nghĩa là kiểu người trong quân đội, dễ tức giận và đôi khi bạo lực - và người ta sẽ đối xử với anh ta theo cách đó.
3. Không phải lúc nào Nietzsche cũng nghĩ tốt về khó khăn như vậy. Quan điểm ban đầu của ông chịu ảnh hưởng của nhà triết học mà ông phát hiện ra ở tuổi 21 khi đang là sinh viên trường đại học Leipzig. Mùa thu năm 1865, trong một hiệu sách cũ ở Blumengasse, Leipzig, ông tình cờ cầm lên cuốn Thế giới: Ý dục và biểu hiện, tác giả của nó đã qua đời trước đó năm năm trong một căn hộ ở Frankfurt, cách đó 300 cây số về phía Tây:
Tôi cầm [cuốn sách của Schopenhauer] trên tay như là một cái gì đó hoàn toàn xa lạ và mở các trang sách. Tôi không biết có con quỷ nào đó thì thầm vào tai tôi: “Hãy mang cuốn sách này về". [...] Về nhà, tôi chui vào một góc sofa với kho báu mới của mình và bắt đầu để tác phẩm sôi nổi, ảm đạm thiên tài đó chiếm lĩnh mình. Mỗi dòng đều như những tiếng kêu chứa đựng trong nó sự từ bỏ, phủ nhận và buông xuôi.
Nhà triết học lớn tuổi đã làm thay đổi cuộc đời của nhà triết học trẻ tuổi. Theo Schopenhauer, tinh túy của minh triết triết học là phát biểu của Aristotle trong Đạo đức học Nicomachus:
Người khôn ngoan nỗ lực được tự do thoát khỏi nỗi đau, chứ không phải có được niềm vui.
Ưu tiên đối với mọi người tìm kiếm niềm vui là phải nhận ra sự bất khả của sự mãn nguyện để tránh những rắc rối và lo lắng thường gặp trong quá trình tìm kiếm sự mãn nguyện:
[Chúng ta nên] hướng mục tiêu của mình không phải vào những điều dễ chịu và vui vẻ trong cuộc sống, mà vào việc tránh càng xa càng tốt vô vàn điều xấu của nó... Những người hạnh phúc nhất là những người đi hết cuộc đời mà không gặp phải bất kỳ nỗi đau quá lớn nào, về thể chất cũng như về tinh thần.
Sau đó, khi viết thư cho người mẹ góa chồng và cô em gái 19 tuổi của mình ở Naumburg, thay vì kể về việc ăn uống và học hành như bình thường, Nietzsche tóm tắt triết lý mới của mình về sự từ bỏ và buông xuôi:
Chúng ta biết rằng cuộc sống toàn là khổ đau và ta càng cố hưởng thụ cuộc sống thì càng làm nô lệ cho nó, do đó, ta [nên] vứt bỏ những điều tốt trong cuộc sống và tập tiết chế.
4. Theo Nietzsche, đó là một số yếu tố mà con người, một cách tự nhiên, cần để có được một cuộc sống viên mãn. Ông bổ sung thêm một chi tiết quan trọng là ta không thể có được chúng nếu đôi khi không cảm thấy cực kỳ khốn khổ:
Sẽ ra sao nếu như niềm vui và nỗi buồn gắn bó với nhau chặt chẽ đến mức bất kỳ ai muốn có một trong hai thứ càng nhiều thì cũng phải có thứ kia càng nhiều, bạn được lựa chọn: hoặc càng ít nỗi buồn càng tốt, tóm lại là không đau khổ, hoặc càng nhiều nỗi buồn càng tốt, như là cái giá phải trả cho thật nhiều niềm vui và lạc thú tinh tế mà ta chưa từng được nếm trải? Nếu bạn chọn phương án đầu tiên và muốn thu nhỏ và hạ thấp mức độ đau khổ của con người thì bạn sẽ phải thu nhỏ và hạ thấp năng lực hưởng thụ niềm vui của họ.
Những công trình mãn nguyện nhất của con người dường như không tách rời sự đau khổ ở mức độ nào đó, nguồn gốc của những niềm vui lớn nhất của chúng ta nằm gần nguồn gốc của nỗi buồn một cách nguy hiểm:
Hãy xem cuộc đời của những con người, những dân tộc vĩ đại nhất và thành công nhất và hãy tự hỏi mình liệu một cái cây muốn phát triển cao lớn có thể lớn lên mà không gặp thời tiết xấu và bão tố hay không, liệu rủi ro và sự kháng cự bên ngoài, sự thù ghét, tị hiềm, ngoan cố, bất tín, khắc nghiệt, tham lam và bạo lực không là một phần của hoàn cảnh thuận lợi mà nếu không có chúng thì hiếm khi sinh ra bất kỳ sự phát triển vĩ đại nào, kể cả của nhân cách.
5. Tại sao? Bởi vì không ai có thể sáng tạo ra một tác phẩm nghệ thuật vĩ đại mà không có trải nghiệm, hoặc ngay lập tức vươn tới vị trí cao, cũng không ai là người tình tuyệt vời ngay từ lần đầu tiên; và trong khoảng lặng giữa thất bại ban đầu và thành công về sau, ở khoảng trống giữa con người mà chúng ta muốn trở thành với con người hiện tại của chúng ta, phải có nỗi đau, sự lo lắng, lòng ghen tị và sự nhục nhã. Chúng ta phải chịu đựng đau khổ bởi vì chúng ta không thể tự nhiên làm chủ được những nguyên liệu cho sự viên mãn.
Nietzsche đang cố thay đổi niềm tin rằng sự mãn nguyện phải đến một cách dễ dàng, hoặc không hề xuất hiện, một niềm tin có hại bởi nó khiến chúng ta sớm đầu hàng trước những thử thách mà lẽ ra ta có thể vượt qua nếu đã chuẩn bị trước cho sự tàn bạo mà gần như mọi thứ có giá trị trong cuộc đời này đều đòi hỏi.
6. Nietzsche đưa ra một hình ảnh ẩn dụ khác về núi. Cách căn phòng của ông ở Sils-Maria vài bước chân là con đường mòn dẫn xuống thung lũng Fex, một trong những mảnh đất màu mỡ nhất của Engadine. Những sườn dốc thoai thoải được tận dụng để canh tác. Vào mùa hè, từng đàn bò nhẩn nha gặm những đám cỏ xanh màu mỡ đến mức chúng gần như là sáng bóng lên, những chiếc chuông trên cổ lũ bò kêu leng keng khi chúng di chuyển từ bãi cỏ này qua bãi cỏ khác. Những dòng suối nhỏ thong dong chảy qua cánh đồng với âm thanh róc rách như nước rót vào cốc thủy tinh. Bên cạnh nhiều trang trại nhỏ, sạch bóng (mỗi trang trại đều treo cờ quốc gia và cờ của tỉnh) là những mảnh vườn trồng rau, trên lớp đất mùn mọc lên nào súp lơ, củ cải đường, cà rốt và xà lách, tất cả đều xanh tươi mơn mởn khiến người ta chỉ muốn quỳ xuống và gặm mấy miếng giống như lũ thỏ.
Vùng này có những cây xà lách ngon đến vậy bởi vì thung lũng Fex đóng băng vào mùa đông, khi lớp băng bề mặt tan đi để lại cho đất rất nhiều khoáng chất. Đi xa hơn nữa, cách những nông trại ngay ngắn vài giờ đi bộ không nghỉ là một dòng sông băng khổng lồ và đáng sợ. Trông nó giống như một tấm vải trải bàn với các nếp gấp chờ được kéo phẳng nhưng những nếp gấp đó lớn bằng cả ngôi nhà và là những tảng băng sắc như dao cạo, đôi khi chúng phát ra tiếng gầm đau đớn khi tự sắp xếp lại dưới ánh nắng mặt trời mùa
Khi đứng trên mép của dòng sông băng xù xì này, thật khó mà tưởng tượng được làm thế nào mà khối băng này lại có ảnh hưởng đến sự phát triển của các loài rau và những đám cỏ ở dưới thung lũng chỉ cách đó vài cây số, khó mà tưởng tượng được rằng một thứ có vẻ đối nghịch với cánh đồng xanh như là dòng sông băng lại có thể chịu trách nhiệm cho sự màu mỡ của cánh đồng.
Nietzsche, người thường xuyên đi dạo trên thung lũng Fex với cây bút chì và cuốn sổ bìa da trong tay (“Chỉ có những ý nghĩ xuất hiện khi đang đi dạo mới có giá trị”), liên tưởng đến sự phụ thuộc của những yếu tố tích cực trong cuộc sống con người vào các yếu tố tiêu cực, sự phụ thuộc của sự mãn nguyện vào khó khăn:
Khi chúng ta nhìn vào những chỗ trũng với những cái rãnh sâu hoắm mà dòng sông băng đã chảy qua, ta nghĩ thật khó mà tưởng tượng rằng đến một lúc nào đó, những thung lũng đầy cỏ xanh và cây cối, được tưới tắm bởi những dòng suối sẽ trải rộng trên cùng chỗ đó. Lịch sử loài người cũng vậy: những lực lượng tàn bạo nhất mở ra một con đường, và nó thường là sự hủy diệt; tuy nhiên, điều mà họ làm lại cần thiết để cho những thế hệ sau, hiền lành hơn, có thể xây nhà trên đó. Những nguồn năng lượng đáng sợ - bị gọi là ma quỷ - là những kiến trúc sư vĩ đại và là người mở đường của nhân loại.
6. Nhưng, điều đáng buồn là những khó khăn đáng sợ là chưa đủ. Mọi cuộc đời đều khó khăn; điều làm cho một số trở nên viên mãn là cách mà người ta ứng xử với nỗi đau. Mọi nỗi đau đều là dấu hiệu lờ mờ cho thấy có điều gì đó không ổn, nó có thể mang lại kết quả tốt hoặc xấu tùy thuộc vào sự khôn ngoan và mạnh mẽ của trí óc người phải gánh chịu nỗi đau. Sự lo lắng có thể dẫn đến hoảng loạn hoặc phân tích chính xác về những cái không ổn. Cảm giác bị đối xử bất công có thể dẫn đến việc giết người hoặc một tác phẩm đột phá về lý thuyết kinh tế. Nỗi ghen tị có thể dẫn đến sự cay đắng hoặc quyết định cạnh tranh với đối thủ và tạo ra một kiệt tác.
Như Montaigne yêu quý của Nietzsche từng giải thích trong chương cuối của Tiểu luận, nghệ thuật sống nằm ở chỗ tìm ra công dụng cho những nghịch cảnh của ta:
Chúng ta phải học cách chịu đựng những gì không tránh được. Cuộc đời của chúng ta, giống như sự hài hòa của thế giới, được tạo nên từ những nghịch âm cũng như từ những âm sắc khác nhau, ngọt ngào và chói tai, thăng và giáng, nhẹ nhàng và ầm ĩ. Nếu người nhạc sĩ chỉ thích vài âm thanh thì anh ta sẽ hát được gì? Anh ta phải biết cách sử dụng mọi âm thanh và hòa trộn chúng lại với nhau. Chúng ta cũng cần làm như thế với cái tốt và cái xấu mà đối với cuộc đời ta, chúng cùng là một nguyên liệu.
300 năm sau đó, Nietzsche trở lại với tư tưởng đó:
Nếu chúng ta là những cánh đồng màu mỡ thì dưới lớp đất sâu, chúng ta sẽ không để điều đáng sợ nào trở nên vô dụng và tìm thấy phân bón cho cánh đồng ta trong mọi sự kiện, mọi thứ và mọi người.
Vậy phải làm thế nào để trở thành cánh đồng màu mỡ?
Hình ảnh: Diệp Anh
--------------------------------------------------
Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy
Bạn đam mê viết lách, yêu thích đọc sách và muốn lan tỏa văn hóa đọc tới cộng đồng của YBOX.VN? Đăng ký để trở thành CTV Bookademy tại link: http://bit.ly/bookademy_ctv
(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ “Tên tác giả – Bookademy”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
"Giúp chúng ta sống cuộc sống của chính mình" là mục đích của triết học, lời giới thiệu trên bìa cuốn sách, được cho là về sự tự lập. Tôi mơ hồ nhớ rằng Plato đã nói rằng mục đích của triết học là dạy chúng ta cách chết, nhưng hãy giả sử rằng tự lập đang nói về mục đích của triết học trong bối cảnh của cuốn sách này. Tác giả, cả về nội dung và phong cách viết đều nhằm mục đích làm cho các tác phẩm của các bậc thầy có thể tiếp cận được với chúng ta. Nội dung từ những gì anh ấy chọn để chia sẻ cho đến tác phẩm cũng như bao bì. Các trạng thái của con người được đề cập khá phổ biến và cũng là điều khiến chúng ta thao thức hàng đêm - không nổi tiếng, không có đủ tiền, thất vọng, thiếu thốn (điều đó có lẽ không phổ biến), thất tình và khó khăn. Trong mỗi bối cảnh, tác giả không chỉ rút ra từ các triết lý của Socrates, Epicurus, Seneca, Montaigne, Schopenhauer và Nietzsche mà còn từ chính cuộc sống của họ. Anh ấy cũng lấy một phần từ cuộc đời của mình để tạo cho nó một hơi hướng đương đại và sự dí dỏm để làm cho nó trở nên dễ hiểu. Điều không phù hợp đối với tôi là phần lời khuyên. Rõ ràng là tôi không mong đợi cuốn sách đột nhiên trả lời những câu hỏi hóc búa cho tôi, nhưng mức độ thông tin cung cấp thấp hơn đáng kể so với những gì tôi mong đợi. Nó giáp ranh với sự tự giác (tự cứu bản thân) - đó là một điều nghịch lý! Tôi nghĩ đó cũng là một điều tôi nhận ra đối với với tư cách là một độc giả - triết lý về điều này không phù hợp với tôi. Tôi rút ra từ câu chuyện "Câu chuyện về triết học" của Will Durant có yếu tố thiết thực hơn nhiều. Phải nói rằng, đây là một bài đọc nhẹ nhàng, hợp lý có thể mang lại cho người đọc một chút an ủi nếu hoàn cảnh (tình huống) phù hợp. Một chuyến bay bị trì hoãn là một ví dụ.