Tướng về hưu, nhan đề dẫu đơn giản nhưng đằng sau nó là cả một bi
kịch cuộc đời. Khi chiến tranh qua đi, đời sống xã hội bắt đầu vận động theo hướng khẳng định cá nhân, những tác động
xã hội bên ngoài chính là nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp đến từng cá thể của cộng
đồng con người.
Con người trong truyện ngắn sau 1975 luôn mang nỗi cô đơn về tinh thần. Với tư cách là một thực thể sống, chỉ họ nhận biết sự cô đơn và chỉ cảm nhận được điều đó khi ở giữa cộng đồng mà thôi. Nghĩa là, nơi đâu có cô đơn, ở đó luôn có mối quan hệ bị tách rời khỏi cộng đồng và sự còn lại một mình. Những mối quan hệ bị đánh mất trong truyện ngắn Việt Nam sau 1975 thường xuất phát từ sự khác biệt mà hệ quả của nó là nỗi cô đơn mang sắc thái lạc loài. Đến sau 1986 tính toàn diện về con người đã được bộc lộ. Lúc này, con người cá nhân được khám phá sâu hơn vào bản thể với những trạng thái cô đơn, xa lạ.
Và sự cô đơn cũng được phân loại, đó là con người tự cô đơn và con người bị cô đơn. Riêng đối với hình tượng ông Thuấn trong Tướng về hưu, thì đây là một trường hợp thuộc khía cạnh bị cô đơn. Con người lúc này rơi vào trạng thái cô đơn mang tính bị động, họ bị đẩy vào một môi trường xa lạ, lạc lõng, không có khả năng thiết lập mối quan hệ với các cá nhân khác, bị ruồng bỏ, lạc loài giữa cộng đồng.
Bi kịch này xảy ra vào thời điểm khi kinh tế thị trường, văn minh công nghiệp mở ra, lối sống thực dụng như một cơn gió lốc tràn vào từng ngóc ngách của cuộc sống. Con người lúc này sẽ trở nên bơ vơ, lạc loài vì bị đẩy vào một thế giới mà họ không thể thích ứng được với nó. Chẳng hạn như ở nhân vật ông Thuấn, tình cảnh buộc ông trở về với một xã hội lạ lẫm bên ngoài môi trường quân đội đã khiến ông phải thốt lên: “Sao tôi cứ mãi lạc loài”. Đó là sự trăn trở, day dứt trong tâm hồn ông Thuấn – vị tướng về hưu trong kiệt tác cùng tên của Nguyễn Huy Thiệp.
Ông Thuấn từng là một người lính, một vị chỉ huy mẫu mực,
một tấm gương sáng trong mắt mọi người: “Ở trong gia đình, cha tôi bao giờ cũng là
hình ảnh của niềm vinh dự, tự hào. Cả ở trong họ, trong làng, tên tuổi của cha
tôi cũng được mọi người ngưỡng vọng” – qua lời kể lại của Thuần,
người con trai duy nhất của ông. Từ rèn luyện trong quân đội, mà ông có một lối
sống trong sạch, ngay thẳng, không vụ lợi. Thế nhưng khi giã từ con đường binh
nghiệp để trở về cuộc sống đời thường, ông phải đối mặt với bao nhiêu bộn bề,
ngang trái.
Vị tướng về hưu và không thể hòa hợp được với cái lạnh lùng, cái lạ lùng của lối sống thực dụng. Cuộc sống hiện tại không còn chỗ cho ông, ông dần trở thành người thừa, người xa lạ với chính những người thân trong gia đình mình. Một khối cô đơn khổng lồ đè nặng lên tâm hồn vị tướng của một thời lửa đạn. Khoảng thời gian đầu mới về hưu, ông không biết cuộc sống tiếp theo của mình phải như thế nào. Bởi lẽ, khi còn trong quân đội đã quen việc phải luôn lao động, mọi chuyện luôn nằm trong kế hoạch và khuôn phép chuẩn mực thì khi trở về cuộc sống bình thường, ông đã không biết mình sẽ phải làm gì. Ông Thuấn dần trở lên lạc lõng hơn giữa gia đình của mình khi con trai, con dâu, hai đứa cháu và những người làm đều có công việc riêng. Những công việc ông không hiểu và họ cũng không muốn ông tham gia vào.
Từ một con người bận rộn công việc, thì sự nhàn rỗi lúc này
đã khiến ông trở nên bứt bối. Bên cạnh những sự việc diễn ra trước mắt thì lối
tư tưởng của ông cũng không thể tiếp nhận nổi với lối tư duy của những người mà
ông gọi là “một nhà”. Ông cảm thấy buồn lòng, khó chịu khi vợ mình bị tách biệt
với gia đình chỉ vì “Tại mẹ lẫn” –
qua sự nhìn nhận của đứa con dâu. Ông khóc khi chứng kiến các rau thai nhi
trong nồi cám: “Khốn nạn, tao không cần sự giàu có này”. Ông luống cuống
khổ sở trong một đám cưới ngoại ô lố lăng và dung tục. Ông ngán ngẩm trước việc
đứa con dâu ngoại tình. Càng chán ghét hơn với cái sự nhu nhược của thằng con
trai. Ông nhận ra một sự thật cay đắng rằng “Đàn
ông thằng nào có tâm thì nhục… tâm càng lớn càng nhục”.
Sự cô đơn,
lạc lõng của ông Thuần xuất phát từ sự mâu thuẫn của lý tưởng cao đẹp một thời
và sự thật trần trụi của một thời đại mới. Một người như ông, từng được đặt
trong “bầu không khí vô trùng” của
thời trước chắc chắn không đủ sức đề kháng để đối chọi với sự thật của thời
này. Ông Thuấn từ người lính trong chiến tranh khi trở về với đời sống dường
như bước vào một cuộc sống khác với hai bàn tay trắng. Giữa một cái thế giới
mới rối rắm, xấu xí, méo mó về nhân hình nhân tính đã khiến ông trở nên hoang
mang, choáng ngợp. Càng ở lâu ông càng không thể thấm thía nổi cái lối sống
toàn điều đen tối đang cuồn cuộn sóng ngầm ấy. Ông quyết định trở lại chiến
trường. Và ông hi sinh. Cuối cùng, ông Thuấn cũng có thể thoát ra khỏi cái thế
giới lạ lẫm và đi đến nơi thuộc về mình, làm những điều phù hợp với lí tưởng sống
của bản thân và kết thúc cuộc đời mình bằng sự trong sạch cuối cùng.
Lời kết:
Tướng về hưu là một cuốn truyện ngắn kể về xã hội trong thời bình của đất
nước ta mà bạn nên thử đọc. Từ bi kịch của một vị tướng đã về hưu khi phải đối
diện với sự biến đổi đầy khắc nghiệt của cái xã hội bên ngoài quân đội sẽ mở ra
một thế giới đa diện mà chúng ta có lẽ chưa từng biết đến. Một thế giới mà lòng
người đôi khi còn đáng sợ hơn cả bom đạn, thuốc súng.
Review
chi tiết bởi: Ngọc Diệp - Bookademy
Hình
ảnh: Ngọc Diệp
--------------------------------------------------
Theo
dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link:
Bookademy
(*)
Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại,
vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ "Tên tác giả - Bookademy." Các bài
viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
Dù không được biên tập kỹ lưỡng nhưng chất thơ của văn học Việt Nam không hề bị mất đi trong tuyển tập truyện ngắn này. Lời văn thẳng thắn và đôi khi có sự chân thực đến mức tàn bạo trong cách khắc họa sự khắc nghiệt của cuộc sống. Thật thú vị và đáng đọc nếu bạn thích đắm mình vào lối viết mộc mạc của cuộc sống nông thôn mộc mạc, độc đáo vì di sản văn hóa phong phú của Việt Nam.