Tuổi thơ, tuổi thơ, ai mà chả có một quãng thời gian để
nhớ để chiêm nghiệm lại khi trưởng thành để thấy bản thân thật khờ khạo. Đó là
quãng thời gian thanh xuân, trong sáng nhất nơi ta được thoả sức vẫy vùng, cho
rằng mình là trung tâm của thế giới nhỏ bé xung quanh. Nếu bạn đang có một ngày
mệt mỏi vì những bộn bề của cuộc sống, sự xoay vần của thế sự và muốn tìm một
góc yên bình cho bản thân để được hồi tưởng, thắp lại chút gì đó ký ức tuổi
thơ, xin hãy đọc và cảm nhận cuốn sách này. Nhân sinh hữu biệt – mỗi người đều
có những ký ức tuổi thơ khác nhau, tuổi thơ của Duy Khán cũng vậy, nó mang mùi
nghèo, mùi đói nhưng đọc những trang sách cũ ấy ta vẫn thấm đượm một thứ tình cảm
về quê hương, con người, cảnh vật; độc giả như được đắm mình trong sắc nắng, thả
mình trong cơn gió, và trải qua những năm tháng khốc liệt nơi miền quê tác giả.
Không được sinh ra
trong những năm tháng hào hùng của dân tộc, tôi đến với thế giới này khi đất nước
đang trên đà hội nhập và đổi mới. Vì vậy hình ảnh tuổi thơ tác giả gắn với vùng
quê trước những năm 45 thật xa lạ - tưởng chừng như chỉ xuất hiện ở một thế giới
khác. Tuy nhiên điều đó không ngăn được sự khát khao tìm hiểu cũng như đồng cảm
của tôi về thế giới mà nhà văn đã hồi tưởng. Có lẽ sự thấu hiểu ấy xuất phát từ
cách nhà văn tả núi, tả sông, tả con người, con vật, đồ vật, … Tất cả tạo nên
cái nét làng quê bình lặng không lẫn vào đâu được.
Vài nét về tác giả Duy
Khán và bối cảnh của Tuổi thơ im lặng
Duy Khán (6/8/1934 –
29/1/1993), sinh ra và có một khoảng thời gian trưởng thành tại huyện Quế Võ, tỉnh
Bắc Ninh. Ông theo cách mạng từ năm 15 tuổi – hoạt động một cách năng nổ trong
kháng chiến với vai trò là một nhà văn, nhà thơ, nhà báo, phóng viên chiến trường.
Tuổi thơ im lặng là tác phẩm làm nên sự thay đổi trong cuộc đời cầm bút của tác
giả. Không khó nhận ra, bối cảnh làng quê trong Tuổi thơ im lặng là nơi tác giả
sinh hoạt trước khi gia nhập quân đội vào năm 15 tuổi. Cuốn hồi ký được viết từ
năm 1977 và xuất bản vào năm 1986 thế mới thấy, những miền ký ức về tuổi thơ của
văn nhân đã được ấp ủ và chau chuốt đến thế nào.
Theo lời tựa, cuốn
sách là món quà dành tặng cho 3 người con của tác giả, vì thế những gì được viết
trong cuốn sách là những gì chân thực nhất, những cảnh vật, con người đã bồi đắp
một người cha, một chiến sĩ cách mạng như lúc ấy. Cuốn sách được viết bằng tất
cả tình yêu thương, sự trân trọng luyến tiếc với quá khứ. Trong tâm trí tôi cuốn
sách ấy luôn luôn hiện lên với hình dạng ố vàng, nhuốm màu thời gian.
Tuổi thơ trong tập
sách này tính từ bao giờ? Bố tính theo lối tính của bố: từ khi biết nhận thức
cho đến tuổi mười lăm. Tuổi mười lăm đúng bằng tuổi Khánh
Viết về bối cảnh làng
quê trước năm 45, có thể diễn tả tuổi thơ
im lặng như một thước phim nhựa nhưng được thu một cách toàn cảnh từ trên
cao. Không kể lại những câu chuyện có lớp lang, không đi theo bố cục không
gian, không xuôi theo dòng thời gian; Tuổi
thơ im lặng viết về những ngày Duy Khán nhận thức cho đến tuổi mười lăm,
nhưng không đi theo công thức chung. Không chắc có thể gọi đây là những câu
chuyện hay không, nhưng cuốn sách là tập hợp những gì đẹp nhất, những ấn tượng
mạnh nhất của tác giả về những người, địa danh thậm chí những cảnh sắc, đồ vật,
con vật đã từng tồn tại và là một phần tuổi thơ của nhà văn. Những cảnh vật đôi
khi là một tổng thể lớn lao, hùng vĩ như Thế đất: “Đứng ở chỏm núi cao nhất nhìn xuống: núi hoàn toàn là một con rồng. Gọi
chung là núi Dạm. Làng tôi ở giữa núi nên gọi là Sơn Trung hay Dạm Giữa. Tên “Dạm”
hình như thuộc về tình yêu. Quay mặt về hướng đông thị xã Lãm Dương bám vào các
“chân rồng” bên trái, thoai thoải.” Nhiều khi lại đan xen bằng những thứ nhỏ
bé, tưởng chừng chẳng ai thèm nhớ, chẳng ai thèm quan tâm như trong truyện những
đồ dùng biết nói: nó là cái chày, cái cối, cái chăn dạ. Tất cả chúng được miêu
tả thật kỹ lưỡng, thật chân thực cứ như vẫn tồn tại bên cạnh tác giả, chưa bao
giờ biến mất, chưa bao giờ mục ruỗng.
Hồi ức về những năm
tháng trước cách mạng là những năm tháng đau đớn nhưng không kém phần hào hùng
của dân tộc, vì thế không lạ khi truyện viết về những đói nghèo, thiếu thốn, bệnh
tật, những cảm cảnh mà có lẽ thời nay không ai có thể tưởng được. Nhưng truyện
không đi sâu vào những chi tiết ấy, hoặc nói một cách khác nó khiến người đọc
không tập trung vào những đau thương đã trở nên quen thuộc trong các tác phẩm
trước cách mạng. Ngược lại người đọc bị thu hút, say mê bởi những cảnh sắc làng
quê miền Bắc trước cách mạng. Cái cách mà tác giả miêu tả thật đơn giản, mộc mạc
nhưng chạm đến trái tim của bao thế hệ, Duy Khán có cài tài miêu tả tài tình
khiến cho độc giả không thể thoát ra khỏi những câu chuyện đời tưởng chừng đã
trở nên quen thuộc nhàm chán, những thứ tưởng chừng chẳng có gì để viết để nhớ,
thì lại được ông khơi thông, truyền vào cái hồn khiến nó trở nên độc và lạ, hay
là do chúng ta đã sống trong xã hội xô bồ quá lâu nên cần chút gì đó để nhớ,
hoài niệm về cuộc sống thuở xưa.
Những con người xuất hiện
trong Tuổi thơ im lặng, đến và đi thoáng qua có những người hiện lên xinh đẹp
tinh nguyên như trong ký ức: “anh Bao chị
Bạch trong đám đu ngày hội xuân, cô Phan hiện lên da trắng hồng, hai hàm răng đều
đặn, cô nhuộm bao giờ mà đen nhánh. Khi cô cười cái môi thêm đỏ”: chị Ngoãn
là cô gái "xinh nhất nhì cái làng
Vân này”, có những người thì lẳng lặng đi, lẳng lặng về, đôi khi chỉ lướt
qua cuộc đời tác giả nhưng đã trở thành một phần ki ức không quên: bà Chè người
gầy, dáng đi liêu xiêu, hai bàn chân toẽ ra như chân vịt, bà Sứt, với miếng môi
bị sứt, giọng nói phều phào. Không ai là hoàn toàn xấu, không ai toàn thiện. Họ
hiện lên với những câu chuyện riêng đời mình, đâu đó trong những áng văn tươi đẹp
vẫn xuất hiện những con người chìm nổi, bấu víu vào cuộc sống. Khi đọc chương
truyện Những nấm mộ bên đường ta thấy
xúc động cho những kiếp người tha hương, chịu nhân tình ấm lạnh. Làm sao Duy
Khán có thể quan sát và hồi tưởng về những con người tưởng chừng như bình thường
mà đâu đâu cũng bắt gặp như thế? Người nhà là chủ thể xuất hiện thường trực và
chiếm một phần quan trọng trong những câu chuyện của Duy Khán. Xuyên suốt trong
hành trình ký ức của nhà văn là tình cảm mãnh liệt, mạnh mẽ, thứ tình cảm ấy
không chỉ thực hiện qua lời nói mà còn được miêu tả thông qua dáng hình bóng ảnh,
ai cũng hiện lên trong cái đói cái nghèo nhưng không che dấu nổi tình cảm của
những người thân trong gia đình. Không phải những lời họ đã nói cho nhau mà là
những điều họ đã làm vì nhau:
Những ngón chân của bố
khum khum, lúc nào cũng như bám vào đất để khỏi trơn ngã.
Người ta nói “đấy là
bàn chân vất vả”. Gan bàn chân bao giờ cũng xám xịt và lỗ rỗ, bao giờ cũng khuyết
một miếng, không đầy đặn như gan bàn chân người khác. Mu bàn chân mốc trắng,
bong da từng bãi, lại có nốt lấm tấm. Đêm nào bố cũng ngâm nước nóng hoà muối,
gãi lấy gãi để rồi xỏ vào đôi guốc mộc. Khi ngủ bố rên, rên vì đau mình, nhưng
cũng rên vì nhức chân. Rượu tê thấp không tài nào xoa bóp khỏi. Bố đi chân đất.
Bố đi ngang dọc đông tây đâu đâu con không hiểu. Con chỉ thấy ngày nào bố cũng
ngâm chân xuống nước xuống bùn để câu quăng. Bố tất bật đi từ khi sương còn đẫm
ngọn cây ngọn cỏ. Khi bố về cũng là lúc cây cỏ đẫm sương đêm.
Đôi vai của mẹ thành
chai từ bao giờ con không biết. Trên đôi vai ấy ai để chiếc bánh dày vào. Bánh
dày màu nâu sẫm, có lúc nứt ra. Cái năm mẹ leo lên núi gánh “đá trăm” xuống
thuyền cho người ta chở lên tỉnh, ấy là cái năm vai mẹ nứt to nhất, mất một lần
da, rớm máu, dính cả vào đòn gánh. Con hỏi mẹ, mẹ bảo: “Không đau, nó ê ra rồi”.
Đọc những dòng miêu tả
ấy tôi chỉ cảm thấy rưng rưng, day dứt, ai cũng có những người cha, người mẹ
như thế hi sinh hết mình để bảo bọc cho chúng ta. Tình cảm của Duy Khán cho người
thân thể hiện qua cách miêu tả: bàn chân của bố, đôi vai của mẹ, bàn chân có vết
dao chém của anh Thả. Rồi hình ảnh người bà của tác giả, đó là người bà, bà nói
không nhiều, hiền như chiếc bóng, gánh trên lưng bao cái đói cái nghèo, cái vất
vả. Bà không nói nhiều nhưng mỗi câu nói là một bài học quý giá làm nên tuổi
thơ của tác giả. Có lẽ người bà là ấn tượng sâu đậm trong tuổi thơ nhà văn, bà
nội được nhà văn chau chuốt đến từng cử chỉ, phải có những ký ức tuổi thơ đạm
sâu thế nào mới có thể hồi tưởng lại như thế.
Bà tôi có học hành gì
đâu, một chữ cắn đôi không biết. Bà lặng lẽ; cứ tưởng bà không biết gì. Bà thuộc
như cháo hàng trăm hàng nghìn câu ca. Bà nói những câu sao mà đúng thế. Bà bảo
u tôi: Dạy con từ thuở còn thơ, dạy vợi từ thuở bơ vơ mới về
Người bà, người cha, mẹ,
anh, em những mối quan hệ thân thuộc của làng quê miền Bắc, ai cũng đẹp ai cũng
được Duy Khán trân trọng như một phần máu thịt của đời mình, từng dào dạt chảy,
từng được âu yếm vỗ về qua từng trang sách.
Song hành với con người,
thiên nhiên cảnh vật, con vật, đồ vật cũng hiện lên như một bức tranh nhuốm màu
thời gian nhưng vẫn giữ được chất thơ chất hoạ của nó. Cách mà nhà văn miêu tả
về thế núi, về chim chóc, hoa cỏ, chó, mèo lúc thì mượt mà như dòng chảy con
sông uốn lượn đổi dòng linh hoạt, đôi khi lại như một con thác, mạnh mẽ dữ dội
như cuộn trào khiến người đọc phải bật dậy. Sự song hành giữa hai phong cách
khiến cảnh làng quê lúc thì yên bình vắng lặng đến lạ:
Giời chớm hè. Cây cối
um tùm. Cả làng thơm. Cây hoa lan nở trắng xoá. Hoa đẻ từng chùm mảnh dẻ. Hoa
móng rồng bụ bẫm thơm như mùi mít chín ở góc vườn của ông Tuyên. Ong vàng, ong
vò vẽ, ong mật đánh lộn nhau để hút mật ở hoa.
Có những lúc làng quê ấy
lại hiện lên sôi sục, gấp gáp giữa khói lửa mưa đạn, khiến trời đất như trùng
xuống, ủ dột như cái nhíu mày ngắc ngoải của làng Vân trước số phận của con người:
“Tôi bất ngờ thấy bóng thầy ở cửa rừng, mờ trong mưa im như một pho tượng. Phía
quê, khói ùn ùn. Đại bác nổ ập ình. Tôi tiếp tục đi để kịp ngày tuyển quân. Hôm
ấy, là ngày hai mươi bảy tháng Giêng, năm một nghìn chín trăm năm mươi …”
Đôi nét cảm nhận của bản
thân về Tuổi thơ im lặng. Không màu
mè, xa hoa đó là những cảm nhận đầu tiên khi đọc những dòng viết của Duy Khán,
cuốn hồi ký viết về làng quê và dùng ngôn ngữ đúng chất làng quê đó. Cái làm
nên sự thu hút của tác phẩm là tác giả đã miêu tả làng Vân vẫn vẹn nguyên như vậy.
Sử dụng lối miêu tả khơi gợi với nhiều hình ảnh liên tưởng, nhân hoá, so sánh.
Làng Vân với những góc khuất của nó hiện lên như những con rồng, những thế lực,
những con người biết thiện, ác, xấu đẹp. Cách sử dụng những từ ngữ dân giã đến
dung tục, thậm chí đưa những câu chửi vốn là cửa miệng của dân làng vào câu
truyện, thêm vào đó là những ca dao, tục ngữ, những phương ngữ gần gũi, vốn là
phong cách của làng quê khiến cho cuốn hồi ký mang đậm phong cách văn nói tái
hiện lại cái chân chất của thôn làng.
Con gà nó ở nhà tao nó
là con gà con qué. Nó về nhà mày nó thành con đồng đanh con đỏ mỏ. Nó mổ người
lớn người bé nhà mày! Không biết bà đứng ở đâu bà chửi Nhưng chắc chắn bà đứng
giữa ngã ba ngã bảy, chứ bà chả chịu đứng khuất đâu.
Có lẽ sống trong thời
này, không ít người mới có lần đầu được nghe những câu chửi ngoa ngoắt đến thế
- nhưng lại là đặc trưng của lối sống xóm lài xôm tụ ngày xưa.
Viết về cuộc sống những
năm 45, là những năm tháng khổ cực nhất nhưng cũng là bước ngoặt của dân tộc.
Trong bức tranh làng quê ấy không thiếu những gam màu khác nhau, mặc dù dưới
con mắt của tuổi thơ của cậu bé ấy, mọi thứ hiện lên với sự khắc khoải hoài niệm,
đẹp đẽ. Nhưng điều ấy không thể che dấu sự tàn khốc của cái nghèo, cái đói, những
con người đi qua tuổi thơ của Duy Khán rồi ra đi mãi mãi, chiến tranh, loạn lạc.
Xen giữa những góc tươi sáng ấy, tôi cảm nhận những đớn đau mất mát đã hằn sâu
trong tuổi thơ của tác giả, có thể những vết thương ấy đã qua nhưng vẫn nhức nhối.
Những người thân đã ra đi: Bà nội, mẹ, anh Thả, chú Toàn, chị Cún, … chết vì
chiến tranh vì bệnh tật, cứ nhìn cái cách mà tác giả nói về cái chết, là thấy
được dường như cả ngôi làng cũng như trùng xuống. Còn bao nhiều số phận tha
hương cũng xuất hiện trong lời kể ấy: bà Chè, ông Đống, bà Sứt, … nhưng ít ra họ
vẫn còn được nhắc đến được tồn tại trong lời kể, giống như Benjamin Franklin đã
nói: Nếu bạn không muốn bị lãng quên ngay sau khi chết, hoặc viết thứ gì đó
đáng đọc hoặc làm gì đó đáng được viết; vậy còn bao nhiêu kiếp người bơ vơ như
thế đã trôi vào quên lãng? Bên cạnh những người tôi cho là được ra đi để thanh
thản ta còn đau đớn thay những số phận phải sống mà chịu những tủi nhục của cuộc
đời như chú Ất, cô Phan, họ sống nhưng là sống trong đau khổ trong cái ghẻ lạnh,
coi thường của người đời, Duy Khán viết những điều ấy bằng ánh mắt của một người
từng trải nhưng lại bằng một trái tim trẻ thơ đầy yêu thương.
Tôi thích cách mà nhà
văn điều chỉnh mạch viết của mình, từ cái nhìn bao quát về hình ảnh làng xóm mở
đầu hồi ký với gam màu trung tính, giới thiệu bố cục đặc sắc làng quê, rồi dần
dần, góc nhìn của nhà văn thu hẹp vào những sự vật trong làng: cổng chùa, chỗ
chôn rau, vườn nhà, … từ cảnh tĩnh lại đi đến cảnh động về những loài vật: những
con chim: diều hâu, chim cắt, cò, vạc, nông – đó là một bức tranh sống động với
cả màu sắc, và hương thơm, và đôi khi có cả vị giác. Từ cảnh tĩnh về động vật,
tác giả dùng những gam màu tươi sáng, ấm áp viết về con người làng Vân – về bà,
về cha, mẹ, cái Bảng, hay bất cứ ai với tình cảm da diết nhất. Nhưng không vì
thế mà tác giả bỏ qua những gam màu tối về cái chết về chiến tranh, về sự ra đi
của những con người – tưởng như sẽ sống mãi, nhưng đó là những cuộc chia ly
trong khoảnh khắc. Ấy thế mà trong góc tối ấy vẫn loé lên ánh sáng hi vọng – đó
là hình ảnh cậu bé 15 tuổi lên đường tuyển quân, sau lưng là khói lửa rít gào,
và hình ảnh ngôi làng quen thuộc cùng người cha với ánh mắt đỏ lên – đó là kết
thúc cho một bức tranh tuổi thơ với tổng thể hài hoà của nhiều màu sắc, đưa người
đọc trải nghiệm hết những tư vị trong cùng một tác phẩm.
Tuổi thơ im lặng – viết
về quãng tuổi thơ không hề im lặng như ta vẫn nghĩ: đõ là quãng đời tràn ngập
tiêng nói, tiếng cười, tiếng mưa bom, bão đạn, chim kêu, mèo kêu, chó sủa, … Vậy
tại sao Duy Khán cho rằng tuổi thơ mình im lặng đến vậy? Theo tôi, tuổi thơ ấy
là những tình cảm gắn bó không nói nên lời mà nhà văn không ngừng ấp ủ, trìu mến
mà đói khi không cần nói thành lời. Đó còn là tuổi thơ mà nhà văn được sống
trong tình yêu thương, bao bọc của con người, xóm làng như tuổi thơ của bao người
khác, để đến khi đất nước cất tiếng gọi, nhà văn mới sống trong những năm tháng
“dữ dội” nhất của dân tộc.
Tóm tắt bởi:
Sơn Dương – Bookademy
--------------------------------------------------
Theo dõi fanpage của Bookademy
để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy
(*) Bản quyền bài viết thuộc về
Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy
đủ "Tên tác giả - Bookademy." Các bài viết trích nguồn không đầy đủ
cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
Bất cứ thứ vụn vặt, bình thường nào cũng sẽ trở nên đẹp đẽ khi được nhìn qua lăng kính của nỗi nhớ thương hoài vọng. Thế giới trong Tuổi thơ im lặng chính là thế giới của những điều bé nhỏ đơn sơ, song lại chất chứa kỉ niệm và tâm tư của tác giả. Ngược dòng kí ức, ông tìm về với khu vườn, góc bếp, con đường làng nắng đổ, từng cái ao, cái cây.. đâu đâu cũng có chuyện để kể, đâu đâu cũng đong đầy thương nhớ.
Tình yêu với những tháng ngày tuổi thơ - dù khó nghèo nhưng không thể quên lãng. Duy Khán còn dành hẳn một phần để kể về Những đồ dùng biết nói. Chẳng phải đồ dùng kì diệu, vĩ đại gì cho cam, chỉ là những thứ đã đồng hành cùng cậu bé Khán mười tuổi đi qua quãng đời thơ dại. Từ cái cối đá bị mẻ, đã nhẵn thín, nông choèn vì dùng nhiều, được người mẹ đem giã vỏ sò, vỏ hến thành bột uống cho đỡ đau. Tiếng giã khô khốc. Những mảnh sắc đâm vào chày. Chắc chày cũng đau. Còn lòng cối thì đau lắm ; cái cối tân xay lúa nuôi sống gia đình khi người mẹ làm hàng xáo; những cái chăn cũ bạc phếch, vá chằng vá đụp chống lại cái rét ngọt của miền Bắc, nơi cậu bé Khán thu mình trong hơi ấm thân thuộc của cha và anh. Hai cái chăn đang nói: "Bạn ơi! Nay mai bạn đi đâu thì đi, ra sao thì ra, bạn cũng ở trong lòng tôi những ngày bạn thơ bé." Tình cảm sâu nặng với thiên nhiên, phong tục quê hương không thiếu trong thơ văn Việt Nam, nhưng nặng tình với cả những vật dụng cũ kĩ, nhỏ bé thì có lẽ chỉ Duy Khán mới thể hiện rõ nhất. Bởi chúng là chứng nhân cho cả một trời kỉ niệm trong ông.