Thế giới rất kỳ diệu, rộng lớn và bao la, thế giới rất hệ thống, nghiêm ngặt và quy tắc. Đáng tiếc chúng ta tuy tồn tại trong thế giới này, nhưng đa số chỉ có thể cảm nhận 1 phần nhỏ trong đó.
Những người giỏi đều có hệ thống tư duy của riêng mình, rất hoàn chỉnh chặt chẽ, phải qua vô số lần phản bác rồi kiến tạo. Nhưng người nghĩ suông cũng lại rất nhiều, ít có tính ứng dụng, trừ một số người đối với hiện thực đã đạt cảnh giới bất chấp.
Đối diện với những điều chưa biết không cần sợ hãi, cần học cách tôn trọng sự tồn tại của chúng, cho bản thân 1 cơ hội thử tìm hiểu, phân tích, tư duy và khám phá.
Loài người là vô số cá thể khác biệt, giao tiếp với nhau bằng ngôn ngữ, văn tự, cử chỉ, nhưng những thứ này đều có hạn chế, con người không thể vượt qua hoàn toàn sự khác biệt về cảm nhận, không thể hoàn toàn đồng cảm với nhau, không thể hoàn toàn biểu đạt các bối rối, khúc mắc, áp lực, hoang mang nên sinh ra tâm bệnh. Có thể đứng ở góc độ của người khác nhìn nhận thế giới là vô cùng đáng quý.
Nếu có 1 ngày anh nghĩ rằng tôi điên, có thể chính anh mới là kẻ điên đấy.
Hầu hết chúng ta - những con người sống trong thời đại xã hội vô cùng phát triển thường tự sống và rập khuôn bản thân trong hàng tỷ quy tắc, hàng triệu luật lệ, hàng vạn quy luật… rắc rối và nhàm chán. Trong khi đó lại có những kẻ điên khùng, nổi loạn, chống đối…lại là những người tạo nên sự khác biệt và đổi thay. Ngay lúc này nếu bạn đang bứt rứt, khó chịu và muốn điên lên đến nơi thì chào mừng bạn đến với thế giới của những kẻ điên - Thiên tài bên trái, kẻ điên bên phải của tác giả Cao Minh.
Giới thiệu tác giả:
Cao Minh (sinh năm 1974 tại Bắc Kinh). Trước đó, Cao Minh có cuốn Thiên tài bên trái, kẻ điên bên phải (đã xuất bản ở Việt Nam), ghi chép quan sát của những người mắc bệnh tâm thần. Năm 2016, tác phẩm nằm trong bảng xếp hạng sách giấy bán chạy của Amazon.
Cao Minh được biết đến là một tác giả hết mình trên từng tác phẩm, tâm huyết thật nhiều trong nghề nghiệp và đặc biệt là có một trí tuệ “khác người”…
Cao Minh luôn tự xưng mình là người quan sát xã hội khách quan, nghe có chút tự cao nhưng những tác phẩm của ông đã cho chúng ta thấy rằng điều đó hoàn toàn xác đáng. Các tác phẩm của ông, dù thuần tâm lý như “Sổ tay nhà thôi miên”, dù hack não đến choáng ngợp như “Thiên tài bên trái kẻ điên bên phải”, hay rùng rợn kì ảo như “Thiên hồn”, cũng đều có chung một điểm: thể hiện cái tâm của người viết sách, chỉn chu từng chi tiết,mài giũa từng câu từ, và luôn bộc lộ những suy nghĩ, chiêm nghiệm của chính tác giả về cuộc đời và con người.
Tóm tắt tác phẩm:
Thiên tài bên trái, kẻ điên bên phải là cuốn sách dành cho những người điên rồ, những kẻ gây rối, những người chống đối, những mảnh ghép hình tròn trong những ô vuông không vừa vặn… những người nhìn mọi thứ khác biệt, không quan tâm đến quy tắc. Bạn có thể đồng ý, có thể phản đối, có thể vinh danh hay lăng mạ họ, nhưng điều duy nhất bạn không thể làm là phủ nhận sự tồn tại của họ. Đó là những người luôn tạo ra sự thay đổi trong khi hầu hết con người chỉ sống rập khuôn như một cái máy. Đa số đều nghĩ họ thật điên rồ nhưng nếu nhìn ở góc khác, ta lại thấy họ thiên tài. Bởi chỉ những người đủ điên nghĩ rằng họ có thể thay đổi thế giới mới là những người làm được điều đó. Nhiều người sẽ nói là nghe người bệnh nói để làm gì, họ không phải bị điên sao? Bị điên mới vào viện tâm thần.
Nhưng mà khi đọc quyển sách Thiên Tài Bên Trái Kẻ Điên Bên Phải, mình lại thấy họ không có điên. Có chăng chỉ là cách nghĩ của họ chỉ là khác tư duy của đại chúng mà thôi. Họ là thiểu số, khác với đa số nên họ người điên.
Để khám phá những góc nhìn mới lạ, tác giả đã lựa chọn phương pháp tiếp xúc với những bệnh nhân tâm thần. Tác giả thường dẫn dắt bệnh nhân trao đổi, chia sẻ về cách nghĩ, tư duy của họ. Đó là lý do mà cũng Thiên Tài Bên Trái Kẻ Điên Bên Phải ra đời.
Cuốn sách là tập hợp các bài phỏng vấn giữa tác giả và những bệnh nhân tâm thần. Bằng cách đặt những câu hỏi hết sức khéo léo và thông minh, tác giả cố gắng thâm nhập vào thế giới quan của những bệnh nhân tâm thần, qua đó thể nghiệm thế giới quan của họ.
Cảm nhận cá nhân:
Tác giả Cao minh đã cho ta thấy rõ thế giới quan của bệnh nhân tâm thần bằng cách trực tiếp tiếp xúc với họ, đặt mình vào, suy nghĩ và viết ra…
“Khi bạn bước trên một con đường khác biệt với mọi người, nếu thành công, bạn là thiên tài; nếu thất bại, bạn là kẻ điên”.
Thiên tài hay kẻ điên thật ra họ đều là những con người có ý tưởng mới lạ, cái nhìn sâu sắc, tâm tư sâu xa, đặc biệt am hiểu kiến thức độc đáo về một lĩnh vực cụ thể. Thứ duy nhất khác biệt chính là một bên đã chứng minh được cho xã hội thấy và thừa nhận về thế giới quan của họ, còn bên kia vẫn là câu trả lời bỏ ngỏ u buồn…. Thiên tài hay kẻ điên, bên trái hay bên phải, đó chỉ là một lằn ranh mỏng manh mà mỗi người cần tự cảm nhận bằng chính tư duy, tình cảm của mình?
Trong quá trình tiếp xúc, tác giả đã nhận ra một điều rất thú vị rằng rất nhiều bệnh nhân tâm thần có đủ khả năng nhanh chóng tìm ra một cách để giải thích. Không cần biết đó là Quỷ, Hồ, Tiên, Quái hay Vật lý, Sinh học, tất cả họ đều rất kiên định xác nhận.
Khi đọc quyển sách này, bạn sẽ biết được đủ kiểu bệnh nhân tâm thần mang trong mình các vấn đề khác nhau. Có cái hài hước, thú vị, có cái thì làm tác giả và chính người đọc phải sững sờ đến đáng sợ. Nhiều bệnh nhân có hệ thống logic hoàn thiện đến mức tác giả phải tự hỏi mình:
Liệu người không đúng có phải là chính tác giả, những người được xem là bình thường?
Liệu họ có đúng là bệnh nhân tâm thần không? Ở vài cuộc phỏng vấn với bệnh nhân tâm thần, tác giả đặt câu hỏi để dẫn dắt câu chuyện. Nhưng cuối cùng, hóa ra người bị dẫn dắt là tác giả, kẻ đi săn bỗng chốc hóa thành con mồi.
Đọc quyển sách thiên tài bên trái. Kẻ điên bên phải mình hay tự hỏi: vậy giữa là gì?
Phải chăng ở giữa là những con người bình thường, sống cuộc đời rập khuôn như một cái máy. Khi thấy những kẻ mang ý tưởng mới lạ, nếu nhìn bên phải họ như bị tâm thần, nhưng nếu nhìn sang bên trái thì họ là một thiên tài. Dù là tâm thần hay thiên tài thì ta không thể phủ nhận rằng, họ là những người đầy bản lĩnh khi dám đập tan xiềng xích của quy tắc, đạp đổ mọi rào cản với ước mơ thay đổi thế giới.
Lật mở những trang sách, đầu tiên người đọc bị cuốn hút bởi cách nhà văn chọn đề tài. Cao Minh vốn không phải là một bác sĩ tâm lý, một nhà khoa học, hay nhà nghiên cứu thần kinh học… mà chỉ là một con người say mê đi tìm hiểu những con đường mới, muốn phá bỏ giới hạn bản thân.
“Thế giới rất kỳ diệu, rộng lớn và bao la; thế giới rất hệ thống, nghiêm ngặt và quy tắc. Đáng tiếc chúng ta tuy tồn tại trong thế giới nhưng đa số chỉ có thể cảm nhận được một phần nhỏ trong nó. Bạn hiểu tôi nói gì không? Hiểu biết của chúng ta hạn hẹp và phiến diện một cách phổ quát”.
Chính suy nghĩ này đã khơi lên ngọn lửa “cổ vũ tinh thần”, mở ra một ý tưởng táo bạo hơn bao giờ hết: tiếp xúc với các bệnh nhân tâm thần để biết và chiêm nghiệm nhiều hơn về thế giới quan của con người. Đó chính là mấu chốt, là cơ sở làm nên “Thiên tài bên trái, kẻ điên bên phải” độc nhất vô nhị, khiến độc giả cũng phải xoắn não mà gạt bỏ tư duy tạm thời. Tất cả cùng tiến vào “vùng đất” của những kẻ điên
Cuốn sách không phải là những câu từ sáo rỗng hay những lời khích bác mà nó ghi lại những cuộc đối thoại giữa chính tác giả Cao Minh và đa dạng nhân vật khác nhau. Dẫn dắt câu chuyện của mình bằng những câu hỏi hóc búa và đầy khéo léo, tác giả Cao Minh đã mang đến cho chúng ta một góc nhìn mới về thế giới quan của những thiên tài, những kẻ mất trí điên loạn với những kiến thức sinh học, lịch sử, văn hóa,vật lý lượng tử…mở ra cho con người một cánh cửa mới vào thế giới nội tâm.
“Vậy mới chứng minh đây là vấn đề bản chất con người, vốn dĩ đã ở trong tim rồi, đời đời tương truyền, vĩnh viễn như vậy! Đưa hai đứa bé sơ sinh một bình sữa, anh nghĩ chúng sẽ nhường nhau? Vớ vẩn! Loài người là động vật đấu tranh, đấu tranh với tự nhiên, đấu tranh với sinh vật, sau đó đấu tranh với chính con người, anh có thể cho tôi biết liệu ngày nào trên thế giới không có chiến tranh? Chỉ có trong Nghìn lẻ một đêm thôi đúng không? Trừ phi là lúc trước khi con người xuất hiện! Tôi ấu trĩ? Anh thật buồn cười! Tôi tin vào ác ma, vậy thì sao chứ? Tự nguyện sa ngã có làm sao? Sự tồn tại của tôi chính là để chứng minh sự tồn tại của ánh sáng, tôi không tồn tại sẽ không có so sánh, không có ánh sáng. Sự cao thượng của con người cũng vĩnh viễn không được kích thích ra ngoài, sẽ chỉ có tự ti, bẩn thỉu, hạ lưu! Có người tình nguyện lựa chọn Chúa, có người tình nguyện lựa chọn ác ma! Nếu trên thế giới này chỉ có ác ma, vậy sẽ không có ác ma nữa, cũng cùng một đạo lý như vậy, nếu trên thế giới này chỉ có Chúa thì cũng sẽ không có Chúa nữa. Ý nghĩa tồn tại của tôi chính là như vậy!”
“Các người đều là Chúa được rồi, tôi cam tâm tình nguyện làm ác ma, dù tất cả các người đều chọn ánh sáng, để chứng thực ánh sáng của các người, tôi sẽ là Quỷ Satan cuối cùng. Đây! Chính là sự tồn tại của tôi!”
-Satan cuối cùng-
Cái đuôi của linh hồn - Đây là câu chuyện kể về việc gặp gỡ của tác giả với một bệnh nhân nhỏ tuổi. Cô bé phải vào viện vì cô bé đi kể với khắp mọi người rằng con người có linh hồn và linh hồn có đuôi. Cô bé giải thích mọi sinh vật đều được linh hồn lấp đầy, nếu không có linh hồn thì tất cả chỉ là cái vỏ rỗng. Sở dĩ nhiều người nhìn thấy ma quỷ vì đó là do linh hồn trong người họ bị lộ đuôi, điều này thu hút các linh hồn khác. Nhiều người đã tin, nhưng nhiều người thì không, trong số những người không tin có mẹ và thầy giáo của cô bé, họ bắt cô bé đi kiểm tra, cô bé cố gắng thuyết phục bác sĩ linh hồn là có thật và kết quả là họ cho cô bé vào viện thần kinh.
Sau cuộc nói chuyện với tác giả, hơn 2 tháng sau cô bé được ra viện, tác giả chỉ nói với cô bé, nếu thực sự muốn ra viện chỉ cần làm giống như các linh hồn, quấn đuôi lại và chui vào trong vỏ rỗng để làm người. ” Muốn người ta không coi mình là bệnh nhân tâm thần, nhất định phải giấu kỹ một vài suy nghĩ, không được tùy tiện nói cho người khác biết, như vậy mình sẽ an toàn.”
Rốt cuộc điên là như thế nào, trong thế giới này ai mới là kẻ điên thực sự, không lẽ nói với mọi người về một điều mọi người chưa biết, chưa kiểm chứng được thì bị gọi là điên hay sao? Chúng ta làm sao có thể dùng cái đã biết để giải thích được cái chưa biết, sai lầm không thuộc về con người, sai lầm thuộc về thời đại. Mọi thứ trên đời đều chỉ là tương đối, cuộc sống là vô thường. Rất nhiều thiên tài trước kia đã từng bị người đời coi là kẻ điên, khi những gì họ đưa ra trái với nhận thức của thời đại, có người thậm chí còn bị kết án tử hình. Cô bé trong câu chuyện thực sự có điên hay không?
Có một câu nói này mình rất tâm đắc ” Nhìn cuộc đời chỉ cần dùng một con mắt, con mắt còn lại dùng để soi lại chính mình”. Chúng ta hãy bớt phán xét người khác, hãy tôn trọng sự khác biệt, đừng quy chụp những người khác là điên rồ, là có bệnh, biết đâu kẻ điên là chính chúng ta mà chúng ta không nhận ra.
Cũng có thể là những con người bình thường sống cuộc đời rập khuôn như một cái máy, như những kẻ vô tri. Khi thấy những kẻ mang ý tưởng kì quái hay có tư duy không bình thường nếu nhìn bên phải họ là người tâm thần. Nhưng nếu thay đổi góc nhìn hướng mặt sang phía bên trái của họ thì họ lại là những thiên tài -những người được tôn sùng những, người được xem là thần thánh. Dù là bệnh nhân tâm thần hay Thiên Tài đi chăng nữa thì chúng ta cũng không thể phủ nhận rằng họ đều là những kẻ đầy bản lĩnh khi dám phá vỡ bao quy tắc rắc rối, hàng vạn khuôn khổ cứng nhắc, đứng lên và đạp đổ mọi rào cản để với tới mơ ước thay đổi thế giới xung quanh mình.
Đọc cuốn sách “Thiên tài bên trái, kẻ điên bên phải” bạn sẽ có cái nhìn khác với thế giới của những con người này. Nó không chỉ bất bình thường đơn giản, mà nó bất thường đến lạ lùng nhưng lại khoa học đến mức khó hiểu. Đơn giản vì thế giới này không thuộc về họ, họ có lẽ nằm trong một thế giới rất khác với chúng ta.
Tôi thì nghĩ rằng họ là những còn người cô đơn. Dù là thiên tài hay là kẻ điên thật sự, thì đọc những dòng tâm sự của họ cũng đủ cho thấy họ quá cô đơn trong chính thế giới hiện tại và trong cả thế giới quan của họ. Không ai hiểu được, bởi những kiến thức mà họ cung cấp không ai đạt được trình độ như thế để hiểu. Có lẽ chúng ta chỉ nên đọc cuốn sách này dưới góc độ của một người thường với cái nhìn đa chiều:
- Thế giới này còn quá nhiều ẩn số và những gì bạn biết chỉ là một phần rất nhỏ trong tỉ phần còn lại;
- Đừng vội phê phán chê bai, hay ruồng bỏ ai. Hãy quan sát họ trước;
- Nếu muốn làm thiên tài, hãy chấp nhận thế giới của bạn sẽ chống lại bạn, thậm chí ruồng bỏ bạn. Hãy hiểu cô đơn là chuyện rất bình thường;
- Đồng cảm với những người bất thường bởi vì họ không có lỗi, họ chỉ đang ở nhầm thế giới mà thôi;
- Đừng cố gắng nuốt trôi những con chữ trong cuốn sách này khi bạn không nạp thêm kiến thức. Nó sẽ chỉ dẫn bạn đi từ mơ hồ này đến khó hiểu khác mà thôi.
Cuốn sách này sẽ không còn khó hiểu hay khó tiếp nhận nếu bạn đọc nó bằng cái đầu tỉnh táo, nhẹ nhàng. Ý tôi là như trong tư thế thiền định vậy, để đầu óc được giải phóng thì sẽ thấy nó nhẹ nhàng thôi.
Lời kết:
Cuốn sách Thiên tài bên trái kẻ điên bên phải phù hợp với những bạn trẻ thích chiêm nghiệm về thế giới thích tìm hiểu về thế giới nội tâm sâu sắc bên trong con người mang tư duy cởi mở mở sáng tạo luôn đón nhận cái mới không ngại vượt ra rào cản của bản thân và cuộc sống xung quanh.
Hãy một lần đọc tác phẩm để thấy rằng tư duy của mỗi người là khác nhau, song không phải ai cũng dám phá vỡ những quy tắc, những bó buộc của xã hội. Hãy 1 lần thử vượt qua những rào cản ấy để đến với những thứ mới mẻ hơn mà người khác không thể với tới, dù sao quy tắc sinh ra cũng là để phá vỡ mà thôi…
Tóm tắt bởi: Lô Thanh Trúc - Bookademy
Hình ảnh: Đình Thành
--------------------------------------------------
Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy
(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ "Tên tác giả - Bookademy." Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
"Nhất định không được quá để tâm đến những lời bệnh nhân nói, đừng suy nghĩ quá sâu về thế giới quan họ nói với anh, nếu không anh sớm muộn cũng sẽ phát điên"
Tôi đã đọc cuốn sách này rất chậm, và mất nhiều thời gian mới có thể đọc hết nó. Tôi đã tiếp nhận một lượng thông tin khá lớn về tâm lý học, vật lý lượng tử, lịch sử, thiên văn, sinh học, các học thuyết vũ trụ, vật lý,.... - những lĩnh vực tôi thực sự không am hiểu cho lắm, thậm chí có lúc tôi hoàn toàn không hiểu cuộc hội thoại của nhân vật "Tôi" với các bệnh nhân tâm thần. Đôi khi tôi bị ảnh hưởng sâu sắc, thế giới quan của tôi cũng chao đảo khi đọc những quan điểm, kiến thức và tư duy của các bệnh nhân tâm thần này.
"Kiến thức của một số bệnh nhân quá uyên bác, logic quá hoàn mỹ, lòng tin quá kiên định, khiến tôi thậm chí thường xuyên nghĩ thật ra tôi mới là bệnh nhân tâm thần, không có kiến thức uyên bác, không có logic hoàn mỹ, lòng tin cũng chẳng kiên định".
Lời này như nói lên đúng những gì tôi cảm nhận trong quá trình đọc cuốn sách này.