Mắt biếc - một câu chuyện lãng mạn , một chuyện tình yêu đẹp nhưng lại mang một kết thúc buồn , tác phẩm được chắp bút bởi nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã chạm đến , làm say lòng tâm hồn , một trái tim yêu của biết bao nhiêu đọc giả , đã và đang hay đã từng dành tình cảm của mình để yêu đơn phương , tự đa tình một người nào đó . Cuốn truyện mang đến cho người đọc nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau , hầu hết đều đượm buồn .
Một vài nét về tác giả Nguyễn Nhật Ánh .
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh sinh ra tại Quảng Nam , là một nhà văn được biết đến với nhiều đề tài văn học , nổi bật lên là chủ đề về thanh thiếu niên. Nhiều tác phẩm của ông được chuyển thể thành phim lấy lòng đọc giả một cách mạnh mẽ tiêu biểu là Mắt Biếc .
Mắt Biếc phải chăng là một bản tình ca buồn da diết ?
Mắt Biếc là một tác phẩm viết về mối tình đơn phương của Ngạn “Ngày ấy em quên tôi mất rồi , để trái tim tôi còn dang dở” dành cho Hà Lan - bạn nhỏ có thể được gọi là thanh mai trúc mã của Ngạn từ hồi còn bé cho đến khi là một người đàn ông trung niên mãi không đổi thay . Họ bên nhau từ khi còn nhỏ trong ngôi làng Đo Đo là một vùng quê ở Quảng Nam . Và cứ thế thời gian trôi đi , Hà Lan trở thành một cô thiếu nữ xinh đẹp với đôi mắt biếc long lanh , đôi mắt như chứa đựng cả bầu trời mùa thu , tô điểm lên khuôn mặt khả ái làm trái tim bao chàng trai thổn thức , đặc biệt là chính đôi mắt ấy đã làm trái tim Ngạn đau khổ về sau này .
Nếu như chỉ đọc những trang đầu của truyện thì người đọc sẽ bị lầm tưởng rằng cốt truyện sẽ diễn ra một cách yên bình , vì tác phẩm mở đầu với những hình ảnh nhẹ nhàng , tươi sáng nhưng cuộc đời này không hề đơn giản như vậy , khi ta quá gắn bó với một ai đó thì tức khắc ta sẽ sinh ra tình cảm với đối phương và Ngạn thì không phải là ngoại lệ .
Dòng thời gian thấm thoát thoi đưa đã tách hai bạn nhỏ này ngày một xa nhau . Hà Lan thì lên thành phố học , còn Ngạn thì ở lại quê - ngôi làng Đo Đo của mình , Ngạn yêu ngôi làng Đo Đo của mình như cách mà anh yêu Hà Lan một cách da diết “bởi em từng yêu nơi đó , bởi em từng ở nơi đó nên tôi về thấy cả bầu trời” . Đây cũng chính là cột mốc thời gian bắt đầu bão tố vì xa mặt thì cách lòng . Ngạn thì vẫn vương vấn về vùng quê của mình , yêu tiếng đàn giản dị nơi có hai đứa lúc nhỏ , còn Hà Lan - cô bé mắt biếc ngày nào đã rơi vào những cám dỗ ở nơi thành phố “nơi đây đẹp huyền ảo lung linh , gấp trăm lần quê mình” . Chính là tại nơi thành thị này , Hà Lan bỏ lại phía sau tiếng đàn của Ngạn , Hà Lan thay đổi rất nhiều , cô không còn là cô bạn nhỏ của Ngạn nữa . Hà Lan yêu những thứ phồn hoa , sầm uất . Cô yêu chiếc guita điện và yêu tiếng pô xe 67 của Dũng - một thanh niên sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo khó , sành điệu , giỏi võ nhưng lại thích sự tự do và yêu chiều bản thân , Dũng mang theo hình thái lịch lãm , mới mẻ như một làn gió mới thổi qua Hà Lan , Dũng như đại diện cho thành thị và Dũng cũng chính là người làm cho Ngạn đau khổ nhất đứng sau Hà Lan , vì mỗi khi Dũng làm Hà Lan buồn thì cô ý lại tìm đến Ngạn , và trong thâm tâm của Hà Lan thì Ngạn lúc bấy giờ đã trở thành điểm tựa , là nơi mà cô trút hết mọi tâm sự khi buồn chính vì điều này đã làm cho Ngạn ngày một đau khổ , không thể dứt ra . “Anh gửi tình yêu cho mùa hè nhưng mùa hè không giữ nổi . Anh trao tấm lòng , trái tim cho Hà Lan nhưng cô nào nhận” . “Ngày ấy em quên tôi mất rồi , để trái tim tôi còn dang dở” .
Đỉnh điểm của sự đau khổ trong Ngạn là khi Hà Lan mang thai đứa con của Dũng , nhưng lại bị hắn ruồng bỏ , Hà Lan ở lại nơi thành thị đành phải gửi con về quê cho nhà ngoại săn sóc , nuôi dưỡng và đặt tên con là Trà Long . Chúng ta cũng không nên vội trách , ghét đi Hà Lan khi thấy cô chạy theo những thứ nơi thành thị xa hoa mà bỏ lại người yêu thương , trân trọng mình bằng cả tình cảm chân thành của họ , Hà Lan cũng trân trọng Ngạn , yêu quý Ngạn chỉ tiếc là cô không yêu anh . Cô nhận thức rất rõ tình cảm , sự yêu quý chân thành , tình yêu sâu đậm mà Ngạn dành cho mình là một cô gái giàu lòng tự tôn và rất sâu sắc . Cô thấy rất biết ơn vì điều đó nhưng cuối cùng thì vẫn chỉ là cảm xúc áy náy khi cô không đáp lại được thứ tình cảm ấy . Hà Lan hiểu rõ rằng cô không thể bắt ép mình yêu Ngạn được bởi vì đó là một tình yêu ràng buộc , không xuất phát từ trái tim , không có tình yêu từ đối phương , không chân thành thế nên nó không xứng đáng với tình yêu của Ngạn . Đúng ! cô gái này đáng trách thì có đáng trách thật , nhưng ta thương nhiều hơn là ghét , cô hiểu rõ bản nhân và cuộc đời , cô đã phải nhận bài học rất nặng , và hậu quả để lại cho đời mình đó là sự tủi nhục và đau khổ khi phải chửa không chồng .
Yêu đơn phương là chết ở trong lòng , trong tim từng chút , “ tôi gửi tình yêu cho mùa hè , nhưng mùa hè không giữ nổi . Mùa hè chỉ biết ra hoa , phượng đỏ sân trường và tiếng ve nỉ non trong lá . Mùa hè ngây ngô , giống như tôi vậy . Nó chẳng làm được những điều mà tôi ký thác . Nó để Hà Lan đốt tôi , đốt rụi . Trái tim tôi cháy thành tro rơi vãi trên đường về . Ôi thật đẹp mà cũng thật buồn …”. Điều đáng ngần ngại nhất trong tình yêu đó là khi ta yêu đơn phương khi đó mình yêu ai , mình không biết người đó biết hay không . Yêu đơn phương chính là đau thương , chính là những vụn vỡ trong tim khi không được đáp hồi . Không chỉ riêng Ngạn , ai mà chẳng có khoảng thời gian yêu đơn phương một ai đó , không nói tình cảm của mình ra , không bày tỏ cảm xúc ấy cho đối phương biết nhưng cứ hy vọng rằng mình sẽ được yêu , được thương , mình sẽ được hạnh phúc . Tôi cũng chính là người rơi vào chiếc lưới của tình yêu đơn phương , đó phải chăng là cảm xúc tự ti không dám bày tỏ , thổ lộ cứ nghĩ rằng mình không xứng đáng với đối phương . Cứ mãi chìm đắm trong suy nghĩ lẩn quẩn đó thì ta vô tình làm chính bản thân ta đau khi đối phương không hề biết tình cảm của mình . “Uống nhầm một ánh mắt , cơn say theo cả đời . Thương thầm một nụ cười cả cuộc đời phiêu lãng” . Rất đau phải không nhỉ !
Cho dù sau này có như thế nào thì Ngạn cũng chỉ mãi là Ngạn , dù bị Hà Lan từ chối vẫn một mực dành hết tình yêu thương của mình để săn sóc , chăm lo tận tình cho Trà Long - con của Hà Lan và thiếu gia Dũng . Trà Long có một khuôn mặt đầy nhân hậu cùng với đôi mắt biếc trong vắt giống y hệt mẹ của mình , nhưng khác với mẹ , trái tim của Trà Long luôn hướng về quê nhà của mình , cô yêu quê , yêu ngôi làng Đo Đo , yêu những thứ giản dị giống hệt Ngạn . Đọc Mắt Biếc có lẽ người tôi thương chính là Trà Long - một cô gái quá ư dễ thương , thanh tao và mạnh mẽ . Trà Long biết , hiểu thấu mọi chuyện , hiểu rõ về chuyện của Ngạn và Hà Lan , Trà Long biết ngần ấy bao năm thì Ngạn vẫn ngóng trông Hà Lan , Trà Long biết vốn dĩ thứ tình cảm yêu thương , săn sóc mình của Ngạn dành cho cũng bởi vì Ngạn muốn Hà Lan được yên lòng . Tội cho cô gái nhỏ bé , người mình thương lại chẳng thương mình , hiểu thấu mọi việc nhưng cứ tự làm bản thân đau . Khi chúng ta yêu một người , ta yêu luôn cả những điều thuộc về người ấy , những điều mang hình bóng của người ấy , và những kỷ niệm đẹp xuất hiện trong ký ức của ta .
Chính bao cảm xúc được thấm đọng , đông tụ lại từ Mắt Biếc là nguồn cảm hứng chắt chiu nên từng dòng suy nghĩ trong tôi :
“Nếu thanh xuân là chuyến tàu đẹp nhất
Xin làm ơn đừng lỡ vé cuối cùng
Trân trọng người xem ta là tất cả
Biết mai này , ai đợi trạm dừng chân” .
Truyện ngắn Mắt Biếc của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh là một tác phẩm vô cùng đáng đọc , đáng trân trọng và sẽ trường tồn mãi theo thời gian . Cuốn sách chan chứa một mối tình đơn phương , sâu hơn thế chính là thứ tình cảm nồng nàn rực cháy bên trong trái tim của Ngạn , như muôn vàn đóa hoa phượng thắm đỏ rực trong mùa hè năm ấy vậy . Tác phẩm đậm chất thơ , lãng mạn vô cùng … lắng đọng được nhiều cung bậc cảm xúc . “Làm sao sống mà không yêu , không nhớ không thương một kẻ nào” - Xuân Diệu .
*Lời kết và lời chúc dành cho bạn :
Tình yêu không phải là những ước hẹn xa xôi . Đó chỉ đơn giản là cùng cầm tay nhau tay trong tay suốt quãng đời còn lại , sóng gió không buông , đau khổ không rời . Mong bạn sẽ gặp được người như vậy , một người vì bạn mà hết lòng , hết dạ . Người mà bạn thích , người đó cũng thích bạn .
Chờ đợi một tình yêu thực sự giống như chờ xe bus. Có thể sớm, có thể muộn nhưng chắc chắn sẽ đến. Quan trọng là bạn phải kiên nhẫn để đi đúng tuyến, nếu không sẽ bị lạc đường.Hi vọng những ngày tháng trên đường đời tuổi trẻ của bạn , bạn sẽ can đảm nói ra được tình cảm của mình , dù kết quả có ra sao , dù nó không như bạn hi vọng thì vẫn phải tươi cười lên nhé ! Hạnh phúc là do bạn nắm giữ , phải sống một cuộc đời tràn ngập niềm vui , tiếng cười .
Tóm tắt bởi: Hà Kiều Anh
Hình ảnh : Minh Khanh
------------------------------------------------------------
Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy
(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ "Tên tác giả - Bookademy." Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
Hình tượng Hà Lan trong Mắt Biếc mang đến một bài học sâu sắc về sự đánh đổi giữa khát vọng đổi đời và những giá trị giản dị, quen thuộc từ thuở ban đầu. Hà Lan khát khao rời bỏ ngôi làng Đo Đo yên bình để đến với chốn phồn hoa, nơi cô tin rằng có thể mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn. Nhưng hành trình này, thay vì dẫn đến hạnh phúc, lại đẩy cô vào những bi kịch khó lường.
Hà Lan, với ước mơ bay cao, là hiện thân của những con người không ngừng tìm kiếm điều lớn lao hơn, nhưng đôi khi lại vô tình bỏ qua những điều giản dị nhưng quý giá xung quanh. Làng Đo Đo, nơi có Ngạn – người luôn yêu thương và sẵn sàng hy sinh vì cô, tượng trưng cho sự bình yên và tình yêu chân thành mà Hà Lan không nhận ra giá trị cho đến khi quá muộn. Sự lựa chọn rời bỏ Đo Đo của Hà Lan không chỉ là sự từ bỏ một vùng đất, mà còn là sự rời xa những giá trị cốt lõi đã nuôi dưỡng cô từ thuở nhỏ.
Cuộc sống thành phố không mang đến cho Hà Lan sự tỏa sáng hay hạnh phúc như cô mơ ước. Thay vào đó, cô bị cuốn vào mối quan hệ với Dũng – một người đàn ông hấp dẫn nhưng thiếu trách nhiệm. Đó là sự phản chiếu rõ nét của những mộng tưởng không bền vững và giá trị tạm bợ mà cô theo đuổi. Khi Dũng rời bỏ, để lại cô với nỗi đau tinh thần và gánh nặng làm mẹ đơn thân, Hà Lan nhận ra sự khác biệt giữa những hào nhoáng bề ngoài và những giá trị thực sự tạo nên hạnh phúc.
Qua câu chuyện của Hà Lan, Nguyễn Nhật Ánh đã truyền tải một thông điệp mạnh mẽ: không phải mọi giấc mơ đều đáng đánh đổi, và đôi khi, những giá trị giản dị như tình cảm chân thành, sự yên bình của quê hương, hay tình bạn trong sáng lại là điều quan trọng nhất. Chính sự vội vã rời xa những điều ấy đã khiến Hà Lan phải trả giá bằng những tổn thương sâu sắc. Câu chuyện của Hà Lan nhắc nhở người đọc rằng hạnh phúc không luôn nằm ở nơi xa, mà đôi khi lại hiện diện ngay trong cuộc sống thường nhật, ở những điều gần gũi nhưng dễ bị lãng quên.