Mỗi người đều có một độ tuổi trưởng thành khác nhau. Nhưng hầu như những người có tuổi thơ không được trọn vẹn, dường như đã chôn sâu nỗi đau trong lòng mãi mãi. Họ cũng như gượng ép mình phải lớn sớm, tâm trí lại như đứa trẻ thơ đi lạc. Lắng nghe họ, thông cảm cho họ là điều mà xã hội nên làm.

Những người trẻ trong cuốn sách này đều trên dưới hai mươi tuổi, cá biệt có người mười lăm, và có người hai mươi tư tuổi. Tương ứng với khái niệm late adolescence ( thiếu niên muộn) trong tiếng Anh, đây là quãng đời tôi gọi là “hậu tuổi thơ”, thời kì mà người ta đã để lại tuổi thơ đằng sau, nhưng chưa hoàn toàn bước vào thế giới của người lớn, theo nghĩa đã đi làm, lập gia đình, độc lập về tài chính. 

Mở lòng với tôi, một người xa lạ, và qua đó, đối diện với chính mình, là một quá trình khó khăn. Chúng tôi đã cần nhiều thời gian để khởi động; với cá nhân tôi, đó là một phép thử lòng kiên nhẫn. Tôi cũng ý thức được rằng mình sẽ không thể nắm bắt trọn vẹn một con người, một lịch sử cá nhân. Tôi và những người trẻ, chúng tôi ngồi bên nhau, từ mùa xuân năm trước tới mùa hè năm sau. Mỗi lần như vậy, có thể hàng tiếng đồng hồ trôi qua với những chuyện nhỏ nhặt của cuộc sống hằng ngày, rồi dần dần, họ chìm sâu hơn vào trạng thái suy tư, hồi tưởng, triết lý về cuộc đời. Họ bổ sung, soi sáng những gì mình đã hay đang trải qua. Ngồi đó và quan sát họ, tôi hay có cảm giác mình được mời bước vào một khu vườn kín mà từ trước đến nay chưa có ai bước vào. Nó vẫn đang biến động, và có lẽ chính chủ nhân cũng không bao giờ có thể khám phá hết mọi ngóc ngách của nó. Tôi thấy biết ơn khi được mời vào những khu vườn đó. Chúng khiến tôi khi mỉm cười, lúc thương xót, khi thấy ấm áp, lúc thấy băng giá. Trong nhiều khoảnh khắc, tôi cảm thấy thiêng liêng. Tôi cảm nhận được gánh nặng của việc được làm người trên vai họ. Đây là thời điểm họ bước vào đường đời. Hành trình làm người độc lập của họ mới bắt đầu.


Khi không được yêu thương thì người ta cũng không quen với việc yêu thương người khác.

Tôi lo lắng. Hôm trước bạn trai tôi kể về người yêu cũ, về việc anh ấy đã phát điên vì cô ta như thế nào. Lúc đó tôi không tỏ thái độ gì, nhưng sau đó thì tôi khóc. Chưa bao giờ anh ấy nói anh ấy phát điên lên vì tôi. Như thế có phải là tôi clingy không nhỉ? Những người không đầy đủ tình cảm thì thường sau này sẽ clingy, vâng, đeo bám, van xin được quan tâm và yêu thương vì họ sợ bị bỏ rơi. Khi không được yêu thương thì người ta cũng không quen với việc yêu thương người khác. Thỉnh thoảng thằng em tôi tới thăm tôi, tôi rất thương nó vì biết nó thiếu thốn tình cảm, nhưng tôi không thể hiện được tình cảm với nó. Có lần tôi coi bói toán. Tôi rất sợ ba cái bói toán. Tôi né coi nó, và cũng không thực sự tin, nhưng có những cái nó làm mình suy nghĩ là lo lắng. Lần đó tôi coi và người ta bảo là tôi sẽ cô đơn, và tôi khá sợ điều này.

Tôi nghĩ là ai cũng sợ cô đơn.

(Hồng Linh, 18 tuổi, nữ sinh ngành Marketing)


Chúng tôi đang đi với sự bất an vô bờ bến

Bạn có nghĩ là mọi cái cô đơn chẳng qua đến từ việc mình bị mất kết nối với gia đình không? Khi sinh ra, mình có sẵn kết nối với ba mẹ, ông bà. Sau này thì mình tự tạo ra những kết nối với bạn bè. Nếu có cãi nhau với bạn thì mình cũng không phải quá buồn chán, bởi mình biết đó là mối kết nối mình có thể tạo nên, có thể dựng lại lần nữa. Nhưng khi cái kết nối với ba mẹ, với gia đình bị mất đi thì mình không thể xây dựng lại được nữa. Mình cảm thấy lạc lối.

Trong một buổi thử tâm lý, người ta đưa ra nhiều màu sắc và tụi trẻ phải gán cho chúng ý nghĩa. Bống nói màu đỏ liên quan đến máu, màu xám là sợ hãi, trong khi những đứa khác thì nói nó là màu của bức tường. Bác tham vấn nói điều mà tôi cũng đã biết. Thiếu gắn kết với cha mẹ, đứa trẻ sẽ dần có cảm giác không an toàn. Chúng sợ hãi, thấy bất an và khó xây dựng quan hệ với người khác.

Khi tôi học lớp Sáu thì ba về. Tối đầu tiên, tôi được phép ngủ với ba. Trằn trọc cả đêm, tôi tự nhủ, đây là ba mình, nhưng thấy trống rỗng bên trong. Tôi lén nhìn và thấy một người đàn ông xa lạ, một người không liên quan gì tới cái từ ba rất thân thương. Là một đứa con gái bắt đầu lớn, tôi không ôm ấp, thân thiết với ba được nữa. Ba yêu quý tôi, tôi biết, nhưng tình yêu đó không chạm được vào tôi, tôi không cảm động được. Ông không ở cùng chúng tôi, và dần dần hình ảnh người ba thân thiết mà tôi xây dựng trong đầu trong bao năm cứ nhạt nhòa đi. Tôi còn nhớ đợt bà tôi mất, tôi sang chăm ba và thấy ông ngồi khóc ở trên gác. Tôi nhìn ông ở đó, muốn chia sẻ, an ủi, nhưng chẳng biết làm gì. Đó là một người đàn ông xa lạ mà tôi không thể ôm ấp được, nhất là khi tôi chẳng bao giờ được ai ôm ấp cả.

Đêm hôm đó, tôi nói chuyện với Đan. Nó nói rằng tôi bị bế tắc, bị rối trong những sợi dây chằng chịt, còn nó thì bị kẹt trong sự luẩn quẩn, không có gì cản nó lại nhưng nó cứ đi vòng tròn. Đan là vậy, nó luôn chính xác trong ngôn từ. Tôi lắng nghe nó, vừa cảm thấy chúng tôi đang cùng nhau trôi trong một không gian, cái quận này, cái thành phố này, cái đất nước này, vừa như đang ở những nơi vô cùng tách biệt. Tôi thấy Đan vô cùng lẻ loi, và tôi cũng vậy. Tôi và nó vô tình gặp nhau, rồi lại tách ra đi trên con đường riêng của mình. Nhìn thấy nhau, thật gần, thật sát, nhưng chỉ có thể ú ớ qua vách kính, không chạm được vào cái mù mờ vô định của tương lai. Cái hành trình này quả là đáng sợ, chúng tôi đang đi với sự bất an vô bờ bến, không chỉ vì cái vô định của phía trước mà còn vì sự lẻ loi, trống vắng vô tận. Bao giờ thì tôi được nghỉ ngơi, để không còn tương lai hay quá khứ, không còn cô đơn, chỉ còn yêu thương và hạnh phúc trong hiện tại.

(Hà An, nữ, 20 tuổi, bỏ đại học)


Những đứa trẻ bị bỏ rơi

Điều gì nói lên chất lượng của mối quan hệ cha mẹ và con cái, điều gì là đặc tính của một gia đình khỏe mạnh, một môi trường nuôi dưỡng trẻ lành mạnh? Theo nhà tâm lý học người Mỹ, Ronald P. Rohner, đó là sự ấm áp (warmth). Và sự ấm áp này, ông nhấn mạnh, phải nằm ở cảm nhận của đứa trẻ, chứ không phải chỉ ở đánh giá hay niềm tin của cha mẹ.

Rohner đặt các gia đình trên một dải tần. Ở cực bên này, cực của sự ấm áp, đứa trẻ nhận được sự yêu thương, chăm sóc, an ủi, quan tâm, hỗ trợ, nuôi dưỡng thể chất và tinh thần từ cha mẹ hoặc người chăm sóc chính của chúng. Cực bên kia được đánh dấu bởi sự thiếu vắng những cảm xúc và hành vi nêu trên. Ở cực đó, Rohner nhận thấy cha mẹ và người chăm sóc trẻ có thể rơi vào ba trường hợp: lạnh lùng và cục cằn(họ không có sự gần gũi về cơ thể với trẻ nhỏ, như ôm ấp, vuốt ve, họ không khen ngợi, động viên, khích lệ và nói những lời dễ chịu); dữ dằn và độc địa (họ đập, tát, quật, họ chế giễu, lăng nhục, chửi mắng, dùng ngôn từ gây tổn thương); thờ ơ và bỏ mặc (họ vắng bóng trong cuộc sống của trẻ, về mặt vật lý cũng như tinh thần, không quan tâm tới thế giới của đứa trẻ, không phản ứng trước các nhu cầu tình cảm của nó).

Bị đeo đuổi thường trực bởi cảm giác chông chênh, bất an và thiếu thốn, đứa trẻ có thể phản ứng theo hai hướng. Nó có thể trở thành một người thiếu khả năng đứng độc lập, luôn đeo bám, cảnh giác, lo lắng, thường xuyên cần được cam kết là sẽ không bỏ rơi mà vẫn không tin tưởng họ. Người ở dạng này tạo áp lực lớn cho những người thân xung quanh, khiến họ cảm thấy ngạt thở.

Hoặc đứa trẻ chôn vùi mong muốn được gần gũi và yêu thương, dựng lên một hàng rào phòng thủ để bảo vệ mình trước nỗi đau đến từ thất vọng do các nhu cầu tình cảm không được đáp ứng, và trở thành người thiếu cởi mở trong cảm xúc. Lớn lên, bản thân chúng có nguy cơ trở thành những bạn đời và cha mẹ lạnh lẽo, khó gần người khác và khó để người khác lại gần.

Trẻ em có xu hướng tiếp quản cái nhìn của người thân về bản thân, nó không có hệ quy chiếu nào khác, do đó những đứa trẻ bị bỏ rơi sẽ cho rằng chúng vô giá trị, người chăm sóc cư xử như vậy với chúng bởi chúng không xứng đáng để được yêu thương, thậm chí không xứng đáng để được tồn tại, và mọi thứ tồi tệ xảy ra là do lỗi của chúng. 

Theo một nghiên cứu của Đại học California, nỗi đau của việc bị chối bỏ có những biểu hiện vật lý rất rõ ràng. Khi người ta có cảm nhận mình bị bỏ rơi, khước từ, một số vùng nhất định của não bộ. cụ thể là vành cung vỏ não trước trán và một phần của thùy trán, cũng được kích hoạt, giống như ở những người đang chịu đau đớn vật lý. Chấn thương tinh thần lâu dài ở tuổi thơ có thể tác động khiến cấu trúc và chức năng của não bộ thay đổi, và dẫn tới rủi ro cao cho chảy máu não ở tuổi già. Trẻ nhỏ thiếu sự ấm áp từ người chăm sóc khi lớn lên cũng thường có hồi hải mã nhỏ hơn. Vùng não bộ này quan trọng cho trí nhớ, sự điều hòa cảm xúc, điều chế stress, những yếu tố quan trọng cho việc thích ứng tâm lý và xã hội. Thêm nữa, trải nghiệm tuổi thơ cằn cỗi của chúng thường dẫn tới một thế giới quan tiêu cực, trong đó đầy những mối nguy và những điều có thể gây tổn thương. Chúng nhìn thấy mối đe dọa, sự tấn công, nguy cơ bị hắt hủi, ở những tình huống mà người khác không nhìn thấy. Điều này khiến khi lớn lên chúng khó có những quan hệ khỏe mạnh, cân bằng, hài hòa, cởi mở với bạn đời và con cái – sự lạnh lùng, bỏ mặc hay độc địa có nguy cơ được truyền tới thế hệ tiếp theo. Kể cả khi sau này chúng có địa vị, ảnh hưởng trong xã hội, thành công trong nghề nghiệp. nếu như không được chữa lành, một lúc nào đó khủng hoảng và trầm cảm có thể bùng nổ, khi một sự kiện trong cuộc đời khiến vết thương trong lòng lại vỡ ra, đau đớn

Cho dù cuộc sống khó khăn, họ chưa bao giờ từ bỏ…

“Và tôi lại tự nhủ, bây giờ mình cần học, cần một công việc, cần chăm sóc bản thân, không để nó trôi tuột đi. Tôi muốn bạn hiểu là tôi đã rất, rất cố gắng để không buông trôi. Tôi muốn mọi người biết rằng có những đứa trẻ vẫn đang chống chọi từng ngày để lớn lên thành người tử tế.”

Tác giả: Thảo Phương - Bookademy

Hình ảnh: Thái Ngân

------------

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy

Bạn đam mê viết lách, yêu thích đọc sách và muốn lan toả văn hoá đọc tới cộng đồng của YBOX.VN? Đăng ký để trở thành CTV Bookademy tại link:

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ Tên tác giả - Bookademy”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

Xem thêm

Từ nhỏ, chúng ta luôn được dạy rằng cuộc đời có một lộ trình rõ ràng: Học hành chăm chỉ, có một công việc tốt, lập gia đình, sinh con… Và nếu đi theo con đường ấy, ta sẽ có một cuộc sống hạnh phúc. Nhưng rồi, có những người đạt được tất cả những điều đó mà vẫn cảm thấy trống rỗng. Họ bắt đầu tự hỏi: Mình đang sống vì điều gì? Mình thực sự là ai?

"Tìm Mình Trong Thế Giới Hậu Tuổi Thơ" là một cuốn sách dành cho những ai vẫn đang loay hoay tìm kiếm ý nghĩa của cuộc sống. Tác giả không hứa hẹn sẽ mang đến câu trả lời, bởi thực tế là không có câu trả lời nào chung cho tất cả. Mỗi người có một hành trình riêng, một ý nghĩa riêng, và điều quan trọng nhất là ta dám sống thật với chính mình.

Trưởng thành không có nghĩa là phải có tất cả mọi thứ trong tầm kiểm soát. Đôi khi, việc không biết mình muốn gì cũng là một phần của cuộc hành trình. Quan trọng là ta không ngừng khám phá, không ngừng học hỏi, và không ngừng lắng nghe chính mình.

Cuốn sách cũng nói về những áp lực vô hình mà xã hội đặt lên vai mỗi người. Ai cũng muốn có một cuộc sống tốt đẹp, nhưng liệu "tốt đẹp" đó có thực sự đến từ mong muốn của ta, hay chỉ là điều mà người khác mong đợi?

Có những người dành cả đời để làm điều mà họ không thích, chỉ vì sợ phải đối diện với sự thay đổi. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu ta dám bước ra khỏi vùng an toàn? Nếu ta dám sống theo cách mà ta muốn, thay vì chạy theo những tiêu chuẩn mà người khác áp đặt?

Đọc cuốn sách này, ta nhận ra rằng cuộc đời không có sẵn một con đường đúng đắn nào cả. Mỗi người đều phải tự tạo ra con đường cho riêng mình. Không có gì sai khi cảm thấy lạc lối, bởi chính trong những khoảnh khắc ấy, ta mới có cơ hội thực sự hiểu bản thân.

Hành trình tìm kiếm chính mình không bao giờ kết thúc. Nhưng chỉ cần ta còn tiếp tục đi, còn tiếp tục đặt câu hỏi, ta sẽ luôn tiến gần hơn đến con người thật sự của mình.

Trưởng thành không chỉ là một quá trình tìm kiếm bản thân, mà còn là hành trình học cách đối diện với những sai lầm của chính mình. Trong cuộc sống, không ai là hoàn hảo. Ai cũng từng phạm sai lầm, từng làm tổn thương người khác, từng đánh mất cơ hội vì nỗi sợ hãi hoặc sự thiếu quyết đoán. Nhưng thay vì học cách tha thứ, nhiều người lại tự dằn vặt, tự trách móc bản thân trong một thời gian dài.

"Tìm Mình Trong Thế Giới Hậu Tuổi Thơ" đưa ra một góc nhìn đầy nhân văn: Sai lầm là điều không thể tránh khỏi, nhưng cách ta đối diện với nó mới quyết định chúng ta là ai. Nếu cứ mãi sống trong sự hối hận, ta sẽ không thể tiến về phía trước. Tha thứ cho chính mình không có nghĩa là phủ nhận lỗi lầm, mà là chấp nhận rằng mình cũng chỉ là con người, và ai cũng có những lúc yếu đuối.

Tác giả Hoàng Giang Đặng nhấn mạnh rằng, trưởng thành không có nghĩa là trở nên cứng rắn, mà là học cách bao dung hơn – với cả bản thân và người khác. Đôi khi, chính ta là người đang tự tạo ra rào cản lớn nhất trong cuộc đời mình.

Đọc cuốn sách này, ta sẽ nhận ra rằng không có ai hoàn hảo cả. Quan trọng không phải là ta đã phạm bao nhiêu sai lầm, mà là ta có học được gì từ chúng hay không. Hãy học cách buông bỏ quá khứ, tha thứ cho chính mình, và tiếp tục bước đi với một trái tim nhẹ nhàng hơn.

Khi còn nhỏ, chúng ta luôn tin rằng mình có thể trở thành bất kỳ ai: một nhà thám hiểm, một nghệ sĩ, một nhà khoa học… Nhưng rồi, càng lớn lên, những giấc mơ ấy dần bị thay thế bởi những toan tính thực tế. Xã hội dạy ta rằng, thành công là phải có một công việc ổn định, một mức lương tốt, và một cuộc sống an toàn. Dần dần, ta học cách từ bỏ đam mê của mình mà không hay biết.

"Tìm Mình Trong Thế Giới Hậu Tuổi Thơ" của Hoàng Giang Đặng là một cuốn sách đầy cảm hứng, giúp ta nhìn lại những giấc mơ đã lãng quên và tự hỏi: Liệu ta có thực sự hạnh phúc khi từ bỏ những gì từng khiến mình say mê?

Tác giả không chỉ đơn thuần nói về ước mơ, mà còn chỉ ra cách mà xã hội vô hình chung áp đặt lên mỗi người chúng ta. Chúng ta bị cuốn vào vòng xoáy của sự so sánh, bị ám ảnh bởi thành công theo định nghĩa của người khác, để rồi quên mất rằng, giấc mơ không phải là một thứ xa xỉ, mà là điều khiến cuộc sống ta có ý nghĩa.

Trưởng thành không đồng nghĩa với việc từ bỏ. Có những người đã dành cả tuổi thanh xuân để làm điều họ không thích, chỉ để rồi nhận ra rằng họ không thể sống mà không có đam mê. Nếu còn có thể, tại sao không thử một lần sống hết mình với điều mình thực sự yêu thích?

Cuốn sách này là lời nhắc nhở rằng, không có giấc mơ nào là quá muộn để theo đuổi. Trưởng thành có thể là một hành trình đầy thử thách, nhưng điều đó không có nghĩa ta phải đánh đổi đam mê của mình. Thay vì để cuộc sống cuốn đi, hãy dũng cảm bước trên con đường mà trái tim ta mách bảo.

Có những nỗi đau không tên, được giấu sau nụ cười rạng rỡ và ánh mắt tưởng như vô tư của người trẻ. Có những vết thương không chảy máu, nhưng âm ỉ, kéo dài suốt nhiều năm tháng tuổi trẻ. “Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ” của Đặng Hoàng Giang là một cuốn sách lặng lẽ nhưng lay động, khắc họa chân thực những câu chuyện của những người trẻ đang cố gắng đi tìm bản thân giữa đổ vỡ, áp lực và những tổn thương sâu kín từ quá khứ.


Khi đọc cuốn sách này lần đầu tiên, có lẽ bạn sẽ nhận ra “Hóa ra mình không phải là người duy nhất mang những vết thương sâu như thế”. Nhưng điều khiến cuốn sách trở nên đặc biệt, chính là việc có rất nhiều bạn trẻ trong đó đã từng trải qua điều tương tự hoặc thậm chí là còn khắc nghiệt hơn. Và bằng cách nào đó, họ vẫn đang sống tiếp, vẫn đang từng bước bước ra khỏi bóng tối.


Cuốn sách là tập hợp những câu chuyện thật, ám ảnh và chân thành của những người bạn trẻ, và cả những bậc làm cha làm mẹ trong chính gia đình họ. Họ không phải là hình mẫu “người trẻ thành công” thường thấy trong sách vở hay truyền thông – mà là những người đang chịu đựng căn bệnh trầm cảm, có ngừi từng phá thai, có người nghiện thuốc, có người bị bạo hành, bị cưỡng bức hoặc mang trong mình nỗi ám ảnh khi gia đình tan vỡ. Có những người sống trong vẻ ngoài lấp lánh, rạng rỡ, nhưng ẩn sâu bên trong lại là một trái tim đầy vết nứt – vỡ nát, đen tối và chai sạn. Điều khiến người đọc đau lòng nhất có lẽ là hình ảnh những đứa trẻ bị “đổi vai” – không được chăm sóc, mà ngược lại, trở thành người an ủi, gánh vác tinh thần cho cha mẹ. Tuổi thơ của họ không có sự hồn nhiên, vô lo, mà sớm bị đè nặng bởi trách nhiệm và sự cô đơn. Họ trưởng thành quá sớm – không phải vì muốn, mà vì hoàn cảnh buộc phải như vậy. Và cũng chính vì sự lớn lên vội vã đó mà những tổn thương bên trong họ cứ kéo dài, âm ỉ không dứt. Một dạng tổn thương khác được đề cập đến trong sách là tình yêu bị đặt sai chỗ – nơi những người trẻ bị bao bọc quá mức, sống trong kỳ vọng, kiểm soát, và sự áp đặt vô hình từ tình thương của cha mẹ. Tình yêu nếu không được đặt đúng chỗ có thể trở thành xiềng xích, bóp nghẹt sự phát triển của tâm hồn. Những bi kịch ấy không được tác giả phơi bày để phán xét, mà để lắng nghe – một cách trọn vẹn, không thành kiến. Và rõ ràng, những trải nghiệm ấy - không phải là điều mà bất kỳ đứa trẻ nào đáng phải chịu đựng.


Vì vậy, nếu bạn từng cảm thấy mình cô đơn trên hành trình chữa lành, nếu từng chới với giữa những vết thương lòng trong quá khứ thì cuốn sách này có thể là nơi để bạn chậm lại một chút, để nghĩ lại, và yêu thương nhiều hơn – cả với chính mình, và với những người xung quanh.

5 điểm

Người lớn thường bảo: “Tuổi trẻ là khoảng thời gian đẹp nhất”. Nhưng có thật là vậy không? Nếu tuổi trẻ tươi đẹp như thế, tại sao nhiều người trẻ lại cảm thấy cô đơn, bế tắc, thậm chí không còn muốn sống? "Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ" là một lời đáp lại cho những câu hỏi đó, bằng những câu chuyện chân thực, không màu mè.

Đặng Hoàng Giang cho ta thấy một mặt khác của tuổi trẻ – nơi không chỉ có những giấc mơ, mà còn có những nỗi sợ hãi, những tổn thương và những hoang mang không lối thoát. Những nhân vật trong cuốn sách không hoàn hảo, không mạnh mẽ theo cách mà xã hội mong đợi. Họ yếu đuối, họ gục ngã, họ loay hoay tìm kiếm một chỗ đứng cho mình trong thế giới rộng lớn này. Và điều khiến tôi xúc động nhất là tác giả không cố tô vẽ một bức tranh tươi sáng để an ủi người đọc. Ông để họ được là chính mình, với tất cả những tổn thương và mâu thuẫn.

Sau khi đọc xong cuốn sách, tôi nhận ra rằng không phải ai cũng có một tuổi trẻ rực rỡ. Nhưng điều đó không có nghĩa là ta sai, hay ta vô dụng. Ta chỉ đơn giản là đang trên hành trình tìm kiếm bản thân – và điều đó hoàn toàn ổn.