“Nếu bạn đang đọc tác phẩm này và bạn còn trẻ, xin hãy nhớ đối xử với những người bạn gặp thật dịu dàng, không phải vì sự cảm kích của anh/ cô đối với bạn, mà là để sau này, khi bất chợt nhìn lại, bạn sẽ thấy trong tuổi thanh xuân của mình có ít điều phải ân hận hơn.”
Ánh mắt của mỗi một người thiếu niên, đen trắng rõ ràng, giống như một bức màn.
Dũng cảm, xúc động, yếu đuối, tò mò, khát vọng, lúng túng, thương tâm, thất vọng, suy nghĩ tìm tòi…
Tất cả những màu sắc rực rỡ nhất của tuổi thanh xuân đều dược biểu diễn trên bức màn trắng đen rất rõ ràng đó.
Khi nó diễn xuất một cách đầy màu sắc, thì chúng ta hồ đồ không biết, cho dù nó gần ngay trong mắt ta.
Chính bởi vì là nó quá gần, gần ngay trong mắt chúng ta, vì vậy, chúng ta không thể nhìn thấy được.
Chỉ cho đến khi nó đã dần dần rời bỏ chúng ta, chúng ta mới có thể dần dần nhìn rõ. Nhìn rõ nhân quả được mất đằng sau mỗi câu chuyện có thể là rực rỡ màu sắc, cũng có thể không rực rỡ màu sắc, nhưng, tất cả đã là một bộ film nhựa bị kẹt hình, cho dù chúng ta mỉm cười, hay rơi nước mắt, đều chỉ có thể mãi mãi đứng lại ở đầu bên này của thời gian, lặng lẽ quan sát sự tan và hợp, được và mất trên màn hình ở đầu thời gian bên kia. Đấy chính là tuổi thanh xuân, chỉ đến khi nó đã rời bỏ ta, ta mới có thể nhìn thấy rõ nó.
Xem thêm
Một chút nắng, một chút mưa, một chút bồi hồi của thời thanh xuân ngây dại, tất cả đều là những ký ức khó phai và đẹp đẽ nhất trong tâm trí của mỗi người. “Thời niên thiếu không thể quay lại ấy” – cuốn sách sẽ là chiếc máy bay đưa bạn về với cơn mưa rào niên thiếu, để sống lại một lần nữa những kỷ niệm chúng ta đã đi qua, để thấy chúng ta đã lớn lên và rời đi sân ga năm ấy như thế nào.
“Thời niên thiếu không thể quay lại ấy” là câu chuyện về tuổi thanh xuân của cô gái mang tên La Kỳ Kỳ – một cô bé dũng cảm, giỏi giang và tự tin nhưng ẩn sâu bên trong vẫn là một tâm hồn nhạy cảm và có phần yếu ớt. Cô lầm lì, ít nói, che giấu tâm hồn đã tổn thương vì những kỉ niệm không vui trong suốt những tháng ngày tiểu học đầy đen tối. Nhưng rồi, cô gặp họ. Một Trương Tuấn giúp cô tìm lại chính mình, một Tiểu Ba làm sáng bừng góc trời thanh xuân niên thiếu. Cô trở thành một học sinh chăm chỉ, cố gắng thật nhiều, giành được giải nhì cuộc thi Toán học toàn thành phố và sau này đã trở thành trạng nguyên của trường Nhất Trung – thực hiện được ước mơ của bản thân và không phụ lòng những người cô yêu mến.
Tuy vậy, cuộc sống không chỉ có những niềm vui mà còn rất nhiều những điều tiếc nuối. Chúng ta nể phục một người con gái mạnh mẽ, tự tin, dám yêu dám hận như La Kỳ Kỳ, nhưng cũng nuối tiếc mối tình thanh xuân đẹp đẽ giữa cô và Trương Tuấn, chưa kịp nảy nở đã vội lụi tàn vì những tranh cãi trẻ con, những hiểu lầm chỉ vì không thể nói ra mà ngày càng sâu sắc. Dù không thành, đó vẫn là mối tình trong sáng và đơn thuần khiến người ta rung động. Không phải họ không yêu nhau đủ nhiều, chỉ là những bồng bột của tuổi trẻ đã níu họ lại mà thôi.
Không chỉ vậy, chúng ta lại một lần nuối tiếc vì sự đổ vỡ trong mối quan hệ của Hứa Tiểu Ba và La Kỳ Kỳ. Họ có dành tình cảm cho nhau không? Chắc chắn là có và thứ tình cảm ấy còn to lớn hơn rất nhiều so với hai chữ “tình yêu”. Tiểu Ba cho Kỳ Kỳ thứ tình cảm gia đình mà cô chưa từng được cảm nhận, bảo vệ, bao dung, che chở cho cô gái mạnh mẽ nhưng tâm hồn đầy những tổn thương. Còn Kỳ Kỳ chính là điểm sáng duy nhất trong cuộc đời của anh, là thứ ánh sáng trong trẻo và dịu dàng nhất khiến anh nỗ lực sống tiếp trong cuộc đời đầy rẫy những đớn đau này. Nhưng rồi, họ vẫn phải chia tay. Chia tay vì đã dành cho nhau quá nhiều tình cảm, chia tay vì sợ sẽ làm tổn thương đến người mình yêu thương nhất. Sau này, Kỳ Kỳ sang Mỹ du học. Ngày cô về nước, mọi thứ đã thay đổi rồi. Cô gặp lại Trương Tuấn, gặp lại Tiểu Ba, nhưng những câu chuyện dang dở có còn viết tiếp được hay không, tất cả đều phụ thuộc vào sự lựa chọn của mỗi người.