“Bố mẹ không hỏi các con đi học vui không, chỉ hỏi điểm cao không.

Bố mẹ không hỏi đi làm vui không, mệt không, chỉ hỏi lương cao không, công ty to không.

Kết hôn không hỏi có yêu nhau không, mà hỏi có hợp năm tuổi không, chúc mừng sale-off tuổi xuân thành công.

Ly dị không ai hỏi sao không sống cùng nhau nữa, chỉ hỏi định nhìn mặt mẹ cha xóm giềng thế nào.

Đâu phải đến lúc đi làm bạn mới sợ thứ Hai, bạn sợ thứ Hai từ lúc đi học cơ mà.

Hóa ra chúng ta vẫn là những đứa trẻ đi dưới sân trường, chỉ vì tiếng trống mà chạy đua náo loạn trong sợ hãi. Tiếng trống tuổi 25, tiếng trống tuổi 30, chưa gióng lên mà đã vội vã lao đi rồi.”

Trang Xtd đã mở đầu cuốn sách Tuổi 20 tôi đã sống như một bông hoa dại bằng những lời tâm sự như thế. Cuốn sách là những câu chuyện nhỏ về trải nghiệm sống, về gia đình, bạn bè qua những góc nhìn rất riêng của một cô gái “có hình hài của tuổi hai mươi hai, trái tim của tuổi mười sáu và đôi khi suy nghĩ lạc đến tận tuổi bốn mươi.”

 

Hai mươi tuổi thì nghĩ gì? Tuổi 20, cái tuổi mà chỉ cần nghe nói thôi, người ta đã nghĩ ngay đến tuổi trẻ. Hai mươi là tuổi biết buồn. Biết buồn thì mới biết vui, còn cảm xúc tức là còn sống. Người lớn nghĩ quá nhiều và đôi khi không còn cảm thấy gì nữa. Tuổi 20 đem đến cho con người ta nhiều bài học đáng quý.

Hai mươi – tôi đã sống như một bông hoa dại: tự nhiên, nguyên thủy, cứng đầu.

Định nghĩa về hạnh phúc

Đã bao lần bạn được nghe ai đó nói rằng: “Bạn vĩ đại hơn bạn tưởng”? Chắc hẳn là ít thì cũng một vài lần. Có những người, câu nói ấy đã trở thành một nỗi ám ảnh trong tâm trí họ, thôi thúc họ phải đấu tranh bằng mọi giá để giành được vị trí số một. Trang Xtd cũng từng có một tư tưởng như thế. 14 tuổi, cô thức đêm để viết văn, để cắm đầu vào học, để đem về các giải thưởng lớn nhỏ làm vui lòng cha mẹ, thầy cô,… Nhưng có bao giờ bạn tự hỏi mình làm đơn giản vì mình muốn, mình thực sự cần giải thưởng đó hay trong thâm tâm mình chỉ sợ cảm giác thua kém, cảm giác được kì vọng để rồi mình phá vỡ kì vọng, cảm giác cái mác học sinh giỏi đã là một phần không thể tách rời với mình?

Chúng ta hẹp hòi, chúng ta sợ hãi. Chúng ta bị ám ảnh bởi thành công. Chúng ta muốn một thứ chỉ vì người khác cũng có. Chúng ta chưa từng bình an với chính mình. Chúng ta chưa từng biết trong cuộc đời rộng lớn này, phải đi tìm một định nghĩa hạnh phúc cho chính mình chứ không phải vay mượn từ người khác. Chúng ta không thoải mái với việc mình không xuất sắc. Chúng ta cạnh tranh, chạy đua và trượt dài. Cuối cùng thì, bước qua cái tuổi 20, cô gái ấy nhận ra rằng: Điều làm bạn hạnh phúc mới chính là điều lớn lao nhất, lớn lao hơn sự công nhận của thế giới, lớn hơn những bài báo tung lên trời kiểu 9x startup thu nhập nghìn đô.

 


Tuổi 20 – chúng ta có một di sản mang tên nỗi sợ

Thế hệ chúng ta được thừa kế một di sản to lớn từ ông bà cha mẹ mình, di sản mang tên nỗi sợ hãi. Chúng ta bị cấm đoán đủ thứ chỉ vì nỗi lo sợ của các bậc phụ huynh. Đa phần, con người bị nghiện cảm giác đúng, họ không thích những điều mới mẻ. Để chắc chắn đúng, để không bị mắng bởi làm sai, người ta chỉ còn cách làm những thứ đã được làm đi làm lại cả ngàn đời. Khi bạn có ý định thử một công thức nấu ăn mới thì mẹ lại nói: “Ăn chẳng ra làm sao cả, mẹ biết ngay là hỏng mà, sao con không làm những món bình thường?”. Cũng vì sợ già, sợ ế nên nhiều người áp đặt cho con cái họ suy nghĩ rằng: Vì ba mươi tuổi rồi, mình nên có gia đình thôi. Vì mình không trẻ nữa và còn có gia đình, có lẽ mình nên đợi về hưu rồi làm gì mình thích, đi đâu mình thích cũng được. Cũng như bố mẹ của Trang Xtd, rất nhiều bậc phụ huynh vẫn suy nghĩ rằng: Nếu con làm sai, con thất bại, thì gia đình chẳng phải là nơi con quay về hay sao. Đằng nào con cũng thất bại thôi, vậy thì tại sao không ở nhà nghe lời ngay từ đầu? Bố mẹ đã để sự sợ hãi của mình cướp đi quyền lớn lên của con trẻ mà không biết rằng, sống trọn vẹn không phải là thành công rực rỡ, chỉ cần chúng ta đừng hối hận thôi.

 


Tuổi 20 – có điều gì đó đã mất?

Khi còn học phổ thông, chúng ta mong từng ngày đỗ đại học để tung cánh bay đi. Ngồi trong giảng đường, chúng ta mong từng ngày ra trường để tự kiếm tiền, để lại tung cánh bay tiếp,… Dường như chúng ta luôn thích những thứ không phải là của hiện tại. Tết đến, có lẽ rất nhiều người, cũng có thể là chính tôi và bạn vẫn thường hay than rằng: Tết nay chẳng vui bằng tết xưa! Tại sao vậy? Xưa chỉ mong đến tết để “được ăn”, giờ sợ đến tết vì “phải ăn”. Xưa, tết đến với bao niềm háo hức, mong chờ, giờ tết đến thêm mệt, thêm lo… Lên thành phố đi làm rồi, bạn ít khi về quê hơn vì bận trăm công nghìn việc. Chúng ta dành những ngày cuối tuần để đi hội chợ, gặp gỡ bạn bè dù hứa lên hứa xuống là sẽ về quê mà chẳng về được. Nhưng chẳng vì lẽ đó mà ông bà cha mẹ buông lời trách móc, chỉ nhắc ta cuối tuần trời rét, giữ gìn sức khỏe. Chúng ta lấy cái xưa để so sánh với cái nay. Chúng ta cứ tưởng mình đã bay qua những ngày tháng, những cột mốc nào đó của cuộc đời, sự thực là ta chưa bao giờ có mặt tại trạm dừng chân hiện tại. Có bao giờ bạn nghĩ lại xem tuổi trẻ mình đã bỏ lỡ điều gì chưa? Nhiều lúc muốn có một chiếc vé thông hành để trở về tuổi thơ, trở lại miền kí ức đã bị đánh cắp mất. Nhưng đáng buồn thay, sự thật vẫn là sự thật. Thôi thì hãy cứ sống tốt ở hiện tại. Tết vẫn cứ vui vì nếu bạn vui thì ngày nào chẳng là tết. Cuộc sống là một dòng chảy. Hãy cứ để cho mọi thứ được trôi đi. Tiến về phía trước.

 

 

Tuổi 20 – Yêu là một từ cần rất nhiều tư cách

Tình yêu là thứ người ta nói đến nhiều nhất nhưng hình như cũng là thứ người ta đói khát nhất, chẳng hiểu gì về nó nhất. Nói cụm từ “biết yêu” cũng dễ gây khó hiểu như “biết ăn” , vì ai cũng nghĩ ăn là hoạt động bản năng, có ai là không biết! Chỉ có thích hay không thích ăn thứ gì đó, chứ làm gì có chuyện không biết ăn! Người ta cũng nghĩ như vậy với từ “yêu” – ai chẳng biết yêu, trái tim tự biết làm điều đó. Nhưng thực tình thì chẳng phải vậy. Nếu có điều gì cần phải học cấp thiết và học trong cả cuộc đời thì đó chính là học yêu. Chẳng ai là không cần tình yêu cả.

Tình yêu là thế, cần rất nhiều sức mạnh. Yêu thương không đi liền với yếu đuối. Nói đúng ra thì yêu thương thuộc về kẻ mạnh ấy chứ! Yêu cũng là điều khó khăn. Bạn có vượt qua cái tôi của mình để tha thứ không? Bạn có vượt qua nỗi đau để nói lời cảm ơn với người mình từng yêu hay không? Hay mỗi người bỏ đi là một lần thù hận?

Khi chúng ta nói lời yêu và không biết điều mình nhận lại có phải lời từ chối không, khi cha mẹ dành nhiều năm tháng đời mình để hi sinh vì con dù không biết lớn lên chúng có trân trọng điều đó không, kể cả khi hai người quyết định sẽ chung sống, chính họ cũng không thể dám chắc ngày nào họ sẽ rời bỏ tình yêu hoặc ngày nào tình yêu rời bỏ họ. Yêu luôn là quyết định can đảm.

 

 

Người tử tế hay phũ phàng, yêu là yêu, không yêu là không yêu, chứ không phải kiểu ăn không hết gọi cho oai, yêu không hết tán cho vui! Khi bạn nghĩ lời từ chối của ai đó quá nhẫn tâm, hãy nghĩ rằng ít ra họ đang rất tử tế, không muốn để bạn hy vọng rồi lại thất vọng. Mọi thứ không gì là mãi mãi cả. Chuyện buồn nào rồi cũng sẽ qua, nên đừng buồn quá. Chuyện vui sẽ qua, nên đừng vui quá. Hết lòng với hiện tại là đủ. Tình yêu cũng vậy. Buồn hay vui đều có ý nghĩa riêng của nó. Sau tất cả, chúng ta hãy học theo cách của Trang Xtd, cùng nói lời cảm ơn với những người đã đi qua cuộc đời mình: “Cảm ơn cậu vì đã thích mình!”. Cuộc đời này chật vật lắm mới thấy thích một người, chỉ riêng cảm tình đó thôi, dù chỉ là những câu chuyện viết dở, cũng đáng để cảm ơn rồi.

 

Tuổi 20 – hãy sống là chính mình

Thích một người là như thế nào? Người ta vẫn thường nói: Khi bạn tìm thấy chính mình, bạn sẽ tìm thấy nửa kia. Vậy đấy, “chính mình” không phải một sự thật mặc định mà qua thời gian, ta sẽ chỉnh sửa và thêm định nghĩa mới vào hai chữ “chính mình” ấy. Như vậy, cái thời điểm tìm thấy chính mình có vẻ không hẳn là một cột mốc thời gian xác định. Nếu nó là một cột mốc rõ ràng, nghĩa là những người ta yêu trước cột mốc thời gian đó đều là sai lầm hay sao? Mỗi giai đoạn ta yêu những người khác nhau, sai và đúng là tương đối, nhiều khi nghĩ mình rạch ròi logic quá là tự dùng dao đâm mình thôi.

Tôi cho mình quyền được là người bình thường, không hoàn hảo, quyền được khác biệt và sai lầm. Tôi đang nhớ đến câu nói này: một bông hoa không cạnh tranh với bông hoa khác, nó chỉ đơn giản là bung nở thôi. Có lẽ tôi phải học bài học từ các loài hoa đến cả đời người mất.

 


Lời kết:

Tuổi trẻ là thế, bước qua một thời cắp sách tới trường rồi, ta chợt nhận ra rằng quãng thời gian đó chỉ là ảo ảnh mà thôi. Thất nghiệp, thất tình, thất học – ba cái thất gộp lại tạm gọi là tam thất. Mà tam thất thì có vị gì nhỉ? Nó có vị đắng. Nhưng có khi, chúng ta không “thất” đâu mà cái nghiệp đó chẳng muốn chúng ta làm. Rồi cũng sẽ đến lúc, bạn nhận ra rằng mình chỉ là học sinh lớp vỡ lòng của cuộc đời thôi. Lớn lên là đứng giữa những lựa chọn, là chứng kiến các khái niệm sụp đổ và gây dựng lại, là học cách sống hòa thuận với những câu hỏi trên đường đi tìm lời giải đáp, là tìm ra giới hạn và sự thật về bản thân. Cuộc sống vẫn cứ tiếp tục dù điều gì xảy ra đi chăng nữa. Tuổi trẻ hãy cứ bước đi. Nếu không, làm sao chúng ta biết được là tất cả những gì mình biết không phải bức tranh của toàn bộ thế giới này?

Review chi tiết bởi: Kim Chi - Bookademy

Hình ảnh: Kim Chi

______________

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy

Bạn đam mê viết lách, yêu thích đọc sách và muốn lan tỏa văn hóa đọc tới cộng đồng của YBOX.VN? Đăng ký để trở thành CTV Bookademy tại link: http://bit.ly/bookademy_ctv

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ “Tên tác giả - Bookademy”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

Xem thêm

Nếu bắt đầu với những quyển sách gần đây tôi đọc, hẳn sẽ dễ dàng hơn vì những kiến thức, cảm nhận vẫn còn mới nguyên. Nhưng tôi lại muốn dành cơ hội này cho một cuốn sách đã trải nghiệm từ 4 năm trước. Thường thì khi viết về một tác phẩm đọc đã lâu, tôi phải dành thời gian nghiền ngẫm lại nó để khơi dậy ý tưởng và cảm xúc liên quan. Nhưng với “Tuổi 20 tôi đã sống như một bông hoa dại” của tác giả Trang XTD, điều đó dường như không cần thiết. Bởi trong suốt quá trình trưởng thành của bản thân, những câu từ có sức nặng và tinh thần của người viết vẫn luôn làm kim chỉ nam, là động lực, như một điểm tựa vô hình để tôi cố gắng mỗi ngày. Những cảm xúc mới mẻ khi vỡ ra nhiều điều trong cuốn sách, vẫn đọng lại vẹn nguyên đâu đó một góc trong tâm hồn tôi, đủ làm nguồn cảm hứng để chia sẻ đến các bạn trong bài viết này. Có lẽ chính vì xuất phát từ trái tim, nên những mẩu chuyện nhỏ bé trong cuốn sách, một cách gần gũi và thấu cảm, cũng chạm đến được trái tim người đọc. Chúng ta thấy một cô gái mạnh mẽ và cá tính, đưa ra những quan điểm đi ngược lại với suy nghĩ phần đông mọi người, sẵn sàng bảo vệ cho điều mà bản thân thấy đúng. Không hề ngang bướng, mà dứt khoát, đến độ ban đầu đọc, tôi còn cảm thấy khó chịu vì không hiểu tại sao chị có thể nghĩ được như vậy? Trong khi rõ ràng nó phải như kia cơ mà? Lắm lúc đứa trẻ non nớt, cứng nhắc và nông cạn trong tôi đã định thôi đọc, vì cảm giác như cuốn sách này không hợp gu, nếu như không có những đoạn lắng lại, nhường chỗ cho dòng chảy của những điều bình yên, gần gũi, mà nhẹ nhàng đẩy những giọt nước mắt của ta khỏi khóe mắt. Sự đan xen giữa hai điều đối ngược ấy liên tục dẫn tôi đi qua các cung bậc cảm xúc khác nhau trong suốt quá trình đọc. Tôi nhận ra rằng, trong khi tôi dùng lý trí và cái đầu bảo thủ của mình để đánh giá cuốn sách, để cố làm nó đi theo chiều hướng mình muốn, thì nó vẫn nói với tôi bằng ngôn ngữ của trái tim, của tình cảm chân thành. Tôi, phải mất một thời gian đọc lại nhiều lần một phân đoạn, mới hiểu rằng thực ra, quan điểm của chị hợp lí và sâu sắc biết bao! Tôi từng bước nhỏ biết chấp nhận, biết chậm dòng suy nghĩ lại để xem xét và nhìn nhận những quan niệm đã cũ của mình – những suy nghĩ mà gần như tự động ghim vào tâm trí khi tôi lớn lên, do mọi người xung quanh, do xã hội đã mặc định như vậy. Rũ bỏ thật khó khăn. Nhất là với những tư tưởng. Nhưng nếu không bắt đầu làm điều đó, ngay bây giờ, với cuốn sách này là bài học đầu tiên, thì có lẽ cả quãng thanh xuân của tôi sẽ mãi như một con chim bị nhốt trong chiếc lồng chật hẹp, chẳng bao giờ có được sự tự do và tinh thần mạnh mẽ vươn lên của “một bông hoa dại”. Khi đã nhận thức được như vậy, bỗng nhiên nửa sau của cuốn sách nhẹ hẳn đi. Nhẹ vì tôi đón nhận nó với thái độ của một người đi dạo, thảnh thơi lắng nghe tiếng lòng của một trái tim khác thủ thỉ. Tôi dễ dàng đồng cảm hơn với những mẩu chuyện của tác giả, chịu bỏ thời gian suy ngẫm nguyên nhân tại sao chị Trang XTD lại có quan điểm cá tính như vậy, tại sao chị không chọn số đông. Con bé nọ đã không còn bức bối và bộp chộp phán xét ngay khi vừa đọc vài dòng nữa. Và các bạn biết sao không, tôi đã mở được những cánh cửa bài học cuộc sống độc đáo, lạ thường. Trong đó, tác động đến tôi nhiều nhất có lẽ là câu “Người ta nói kẻ dùng trái tim là yếu đuối, thực ra chỉ kẻ mạnh mới dám dùng thôi”. Quả thật, để sống kiên cường giữa xã hội này, người ta có xu hướng cất trái tim vào một góc bụi bặm, dưới bao nhiêu lớp giáp, chỉ mong cái vẻ ngoài có vẻ mạnh mẽ của mình sẽ bảo vệ nó khỏi những vết xước, tổn thương, khỏi sự dòm ngó, đánh giá bên ngoài. Họ sợ bị gắn mác là yếu đuối. Họ sợ khi dùng đến thứ thiêng liêng mà tạo hóa ban tặng cho con người kia, sẽ cản trở công việc và con đường thăng tiến. Cái thời mới lớn tôi cũng không phải ngoại lệ. Có lẽ bởi giấu kín những mâu thuẫn trong lòng, ở cái tuổi dở dở ương ương ấy, nên tôi thường xuyên căng thẳng, nhiều lúc tưởng chừng như mất kết nối với xung quanh, thậm chí với cả chính bản thân mình… Nhưng với bông hoa dại Trang XTD, việc đè nén những cảm xúc mới là lý do khiến ta yếu đuối dần về bên trong. Chúng ta lo sợ nhiều hơn, những nỗi lo ngoại cảnh, chúng ta hành xử theo lối mòn, chuẩn mực, và chấp nhận cả những điều bản thân không muốn. Cũng chính vì thế, khoảng cách tâm hồn giữa người với người càng bị nới rộng, cho dù “đất chật người đông”, ngay cạnh ta có biết bao nhiêu gương mặt, thì vẫn cảm thấy cô đơn và bất an vậy thôi… Khi tôi bắt đầu học cách can đảm chấp nhận những thiếu sót của mình, cho phép bản thân được sai lầm, và cởi mở hơn với cuộc đời, cũng là lúc tôi biết được điểm mạnh của mình là gì… Bạn thấy đấy, tôi đã từng chán ghét và tự ti về một điều mà bây giờ đã trở thành điểm mạnh của bản thân: khả năng giao tiếp và kết nối với mọi người. Nếu như không nâng niu bản thân, không can đảm bước khỏi những giới hạn, thì làm sao tôi nhận ra khía cạnh đó trong con người mình? Nó không phải là một điều mới học được, mới rèn luyện, mà chỉ là tôi, cho mình cơ hội được sống thật với chính mình trong một xã hội gai góc kia,... Cảm ơn “Tuổi 20 tôi đã sống như một bông hoa dại”, cảm ơn chị Trang XTD vì những trải nghiệm trong cuốn sách bé nhỏ thấm đượm hương vị của thanh xuân. Sở dĩ tôi mê nó, vì nó không giống những cuốn self-help khác, chỉ gợi lên trong ta những mộng tưởng dễ tắt lụi, hay khô khan, giáo điều, hàn lâm về những điều xa xôi. Ở tuổi này, chúng ta cần gì hơn ngoài một trái tim rung lên cùng tần số, kết nối và lắng nghe những khúc mắc, những cảm xúc còn mắc kẹt trong ta? Cần gì hơn ngoài được một ai đó tôn trọng và đồng cảm để ta sẵn sàng cởi bỏ “lớp vỏ tâm hồn”? Đứng trước cuốn sách này, ta không phải lo về điều đó, vì nó cho phép ta đối diện với chính mình, trong cả những góc tiêu cực nhất. Ngẩng cao đầu tự tin bước đi, cùng một tâm hồn rộng mở đón nhận những thử thách của quãng tuổi trẻ phía trước, tác giả, như một người bạn tốt, một người chị hiền, đúc kết những trải nghiệm quý giá trong chặng đường đã đi, biến thành những dòng văn mượt mà, bay bổng, gửi tặng những tâm hồn đang cần được tưới nước và chăm chút. Mà ai trong mỗi chúng ta, cũng xứng đáng nhận được món quà ấy… Quan trọng là, ta có sẵn sàng để mở nó với thái độ tích cực không, có cho nó cơ hội được nhìn thấu chính mình không ? Tôi, hay chính bạn, có thực sự tin rằng bản thân mỗi người là một tiểu vũ trụ, đều đang nuôi trong góc khuất tâm hồn mình những vì sao lấp lánh, những viên ngọc quý giá, chờ đợi được tỏa sáng? Nếu câu trả lời là có, thì cuốn sách này, xin được dành tặng bạn. Hãy cùng tác giả Trang XTD, cùng tôi, cùng tất cả những người trẻ khác, bước vào hành trình thấu cảm và phát triển bản thân theo những gì bạn thực sự mong muốn cho cuộc đời mình. Một cách mạnh mẽ, khát khao và đầy tình thương – như loài hoa dại.
5 điểm

“Bố mẹ không hỏi các con đi học vui không, chỉ hỏi điểm cao không.Bố mẹ không hỏi đi làm vui không, mệt không, chỉ hỏi lương cao không, công ty to không.Kết hôn không hỏi có yêu nhau không, mà hỏi có hợp năm tuổi không, chúc mừng sale-off tuổi xuân thành công.Ly dị không ai hỏi vì sao không sống cùng nhau nữa, chỉ hỏi định nhìn mặt xóm giềng thế nào."Người ta nói kẻ dùng trái tim là yếu đuối, thực ra chỉ kẻ mạnh mới dám dùng thôi” Đấy là lời tựa mặt sau của cuốn sách tôi đang đọc. Cuốn sách này, tác giả đã tự viết cho chính mình, viết cho những cô gái đang sống trong tuổi 20 như thế- ngây thơ, gai góc và tràn đầy nét đẹp thanh xuân. Vậy thì tôi tự hỏi, một cô bé 15 tuổi như tôi đây, đọc để làm gì chứ?Trong kí ức mơ hồ của mình, khi tôi đứng trước giá sách chứa đầy những quyển truyện tranh. Với thói quen không tài nào sửa được, tôi liền liếc ngang liếc dọc, chỉ để tìm quyển truyện “Conan” mà mình hằng mong ước, thế nhưng, đập vào mắt tôi lại là thứ khác. Trước mắt tôi hiện ra một thế giới tràn ngập bông hoa và cỏ dại, nàng thiếu nữ trên bề mặt sách ấy như bị bao phủ bởi tầng tầng lớp lớp rêu xanh, cả mái tóc, cả y phục nàng đang mặc, đều được thiết kế bởi lá cây. “Tuổi 20 tôi đã sống như một bông hoa dại”- lần đầu tiên tôi biết đến tên cuốn sách quý giá này. Căn bản tôi không phải là một người ham mê đọc sách, lần nào cũng thế, lần nào cũng ỉ ôi, òa khóc, năn nỉ người mẹ luôn bị khuất phục bởi tiếng khóc oái oăm của mình mua cho cuốn sách mà mình thích. Nhưng rồi thì sao? Đọc được vài ba trang ngắn ngủi, “em sách” tội nghiệp ấy lại bị tôi quẳng vào một xó nhà, vâng, và….lần nào cũng thế. Chưa bao giờ tôi chịu khó thu mình vào góc phòng, lặng lẽ đọc từng từ, từng chữ, từng câu của một quyển sách nào cả. Là do tôi không thích đọc sách hay tại vì…..những quyển sách ấy chưa thấu hiểu nỗi lòng tôi? “Cuốn sách tốt nhất cho bạn là cuốn sách nói nhiều nhất với bạn vào lúc bạn đọc nó. Tôi không nói tới cuốn sách cho bạn nhiều bài học nhất mà là cuốn sách nuôi dưỡng tâm hồn bạn. Và điều đó phụ thuộc vào tuổi tác, trải nghiệm, nhu cầu về tâm lý và tinh thần.”- Đó là danh ngôn của một tiểu thuyết gia người Canada mà tôi tâm đắc nhất. Ở độ tuổi như tôi đây, tôi vẫn không hề biết, bản thân tôi đang tìm kiếm điều gì nữa. Tìm kiếm sự trưởng thành trong bộ áo đồng phục học sinh màu hồng nhạt? Tìm kiếm sự mông lung và thơ ngây trong những trang vở đầy hình thù tinh nghịch? Tìm kiếm bóng hình thiếu nữ tuổi 15 qua những hồi ức thanh xuân đẹp đẽ? Hay tôi đang tìm kiếm cho mình một thứ có thể thấu hiểu những tâm tư, những suy nghĩ, những hành động đầy dại khờ và bồng bột của tôi? Có lẽ là thế, bởi vì, khi tôi nhìn thấy cuốn sách “Tuổi 20 tôi đã sống như một bông hoa dại” ấy, lồng ngực tôi như dấy lên nỗi niềm khó tả, tôi cầm nó trong tay mà cứ ngỡ như mùa hè năm ấy tôi bắt được con ve sầu vậy. Không phải là duy nhất nhưng lại khiến con người ta chỉ muốn ngắm nhìn mãi thôi!“Tuổi 20” – đơn thuần chỉ là một con số nhưng lại ẩn chứa vô vàn điều khó nói của những cô nàng mới lớn. Không có khoảng thời gian nào khiến người ta khao khát quay trở lại như độ tuổi ấy, độ tuổi chúng ta không thể tìm lại những suy nghĩ ngây ngô thời niên thiếu , là độ tuổi mà mọi niềm đau, nỗi nhớ nhung bị chôn vùi tận sâu thẳm đáy lòng, là độ tuổi mà ta đã có thể cảm nhận được sự mất mát, sự thống khổ, sự tiếc nuối khi đã đánh mất chính bản thân mình trong những năm ấy. Thế nhưng, chỉ một lần thôi, mặc cho sự khổ đau nhiều đến nhường nào, chúng ta vẫn muốn đắm mình vào cái cảm giác “tươi đẹp” ấy lần nữa và chúng ta vẫn muốn thấu hiểu chính bản thân chúng ta nhiều hơn nữa….“Tuổi 20 tôi đã sống như một bông hoa dại” là một cuốn sách mang nhiều điều kì diệu như thế. Mỗi trang truyện, mỗi câu chuyện, mỗi cảm xúc, “Trang XTD”- tác giả của cuốn truyện này đã bộc lộ ra hết được nỗi niềm thầm kín của những con người trẻ tuổi - Các bạn trẻ đang sống trong sợ gò bò, trăn trở, lo âu,mang nhiều suy nghĩ viển vông và thậm chí có những người còn chẳng thể thoát khỏi khuôn phép đầy ngột ngạt của xã hội đen tối này.Trong những năm tháng viết truyện này, tác giả cũng là người đã đánh mất chính mình, đánh mất trái tim hừng hực ý chí ấy bởi vì theo khách quan mà nói, những lời lẽ, những dòng tâm sự trên mạng xã hội của cô đã mang đến nhiều phản ứng trái chiều. Nhưng rồi cuối cùng thì sao? Cô gái năm ấy đã chứng minh được cho mọi người thấy rằng, cho dù có xảy ra chuyện gì chăng nữa, chỉ cần cố gắng ắt sẽ làm được. Và như thế, sự nghiệp văn chương của Trang đã thành công…."Sách tôi viết không tập trung thế giới bên ngoài mà tôi tập trung về thế giới bên trong, quan niệm là cuộc sống bắt đầu từ bên trong. Rút cuộc, chúng ta khám phá thế giới để làm gì, để hiểu hơn về bản thân mình muốn gì mà thôi", tác giả chia sẻ. Có đúng là như thế không? Khi chúng ta khai phá ra điều gì mới ở phía bên ngoài kia, ta thật sự sẽ thấu hiểu nỗi lòng ta ư? Phải chăng khi nhìn thấy một món ăn hấp dẫn, chưa kịp cưỡng lạ.Như thế có phải là hiểu bản thân muốn gì rồi không? Trang Xtd là một người như thế, những lời nói, những dòng chữ cô viết ra đều đã được dựng lên một bức tường bảo vệ đầy kiên cố, đã là lời nói của cô thì sẽ không có nghĩa vụ phải chiều lòng bất cứ ai cả. Tuy sắc sảo, tuy tinh tế nhưng lối viết văn lại rất phóng khoáng và pha lẫn chút hài hước, điều đó đã cuốn hút rất nhiều bạn trẻ tò mò tìm đọc, điển hình là cô bé 15 tuổi như tôi đây.Nhưng không phải vì tác giả cũng chẳng phải vì nét vẽ ngây ngô ở trang bìa cuốn truyện. Thứ thật sự thu hút tôi chính là những lời nói phía sau nó, lời nói như nhìn thấu tâm can mỗi con người:“Bố mẹ không hỏi các con đi học vui không, chỉ hỏi điểm cao không.Bố mẹ không hỏi đi làm vui không, mệt không, chỉ hỏi lương cao không, công ty to không.”Tại sao lại phải như thế? Đúng vậy, ngày đó tôi không nghĩ nhiều đến như vậy, nhưng giờ đây, nhìn lại quãng thời gian thanh xuân ấy, tôi tự hỏi:” Tại sao chúng ta lại phải cứ bắt buộc mình trở thành một phiên bản hoàn hảo nhất?”. Liệu chúng ta của sau này, khi bước chân ra phía bên ngoài xã hội kia, những thành tích, những huân chương, những bằng giấy khen ấy sẽ giúp chúng ta chứ? Chắc chắn là không rồi, thứ chúng ta cần mang theo chính là những kiến thức thực tế, những kĩ năng sống đúng mực và quan trọng thứ ta cần đem theo bên mình là một trái tim nồng hậu và hừng hực cháy bỏng. Khi còn nhỏ, bố mẹ sẽ dạy cho chúng ta cách ăn mặc, cách nói chuyện, cách ứng xử và cách làm người nhưng khi chúng ta lớn lên, xã hội sẽ dạy ta cách sinh tồn. Cuộc đời này, đâu phải cứ đúng lần một là sẽ lại có đúng lần hai, lần ba đâu? Suy nghĩ muốn trở thành phiên bản hoàn toàn hoàn hảo ấy dần dần trở thành chính tư tưởng, chính đạo lí và có khi biến chúng ta thành một con người “sợ sai”, sợ sai lầm, sợ vấp ngã, sợ thua cuộc, sợ tất cả mọi thứ. Khi thất bại, chúng ta không dám đứng lên, chúng ta không dám chấp nhận sự thật và chúng ta không dám thừa nhận rằng bản thân mình đã sai. Điều đấy khiến chúng ta cứ mãi, cứ mãi đi trên con đường trải đầy những mảnh vỡ thủy tinh sắc nhọn và đau đớn nhưng rồi lại chẳng thể nào lùi bước.Trái tim của những cô gái 20 ấy, đúng thật rất ngây thơ và bồng bột như những bông hoa dại vừa mới nở. Như tác giả đã nói: “Không có sự trưởng thành không đau đớn. Sự có mặt của mọi thứ đều có một câu chuyện đằng sau nó. Câu chuyện nào cũng đẹp.” Chúng ta – ai cũng có những lúc chán ghét bản thân mình thực tại, chỉ muốn quay trở về quá khứ. Chúng ta muốn đau đầu trong việc thi cử hơn là chịu đựng những áp lực trong công việc. Chúng ta muốn ăn những bữa cơm đạm bạc cùng gia đình hơn là ngày ngày phải ra những quán vỉa hè ăn tối. Chúng ta muốn nghe thấy những tiếng la mắng của bố mẹ hơn là sống trong một căn phòng trọ ồn ào mỗi tiếng ti vi. Chúng ta là thế, chúng ta trải qua những tháng năm trưởng thành đầy gian lao, nhưng mỗi khi nhìn lại, chúng ta vẫn mỉm cười vì những tháng năm đó, đơn giản vì khi đó chúng ta vẫn là chúng ta, mà không phải một ai khác. Hãy sống cuộc đời của chính mình, không cần phải trở thành phiên bản hoàn hảo nhất, hãy trở thành một người bản thân ta chấp nhận được. Tự nhiên, nguyên thủy và cứng đầu, hai mươi tuổi ấy – Chúng ta sống như những bông hoa dại. Mỗi chương truyện mà Trang viết như là tiếng nói đáy lòng của những người trẻ tuổi: “ Tôi nghĩ gì khi tôi 20”, “Có một di sản mang tên nỗi sợ”, “Mất bao lâu để bạn tha thứ cho chính mình?”,………Cuốn sách như cánh cửa tri thức, giải đáp tất cả những thắc mắc mà chúng ta vẫn thường hay tự hỏi chính mình. Tôi khuyên các bạn nên đọc truyện này, không phải vì nó thấu hiểu những tâm tư, những suy nghĩ của chính bản thân tôi, mà bởi vì, “Tuổi 20 - Tôi đã sống như một bông hoa dại” sẽ làm thức tỉnh con người của chính các bạn.

1 điểm

Tuổi 20 – Tôi đã sống như một bông hoa dại là tập hợp những bài viết từng đăng trên facebook cá nhân của tác giả. Đó là những trải nghiệm giàu cảm xúc về cuộc sống, về chuyện gia đình, về chuyện học hành. Trang Xtd viết dưới góc nhìn từ bên trong để từ đó khơi mở, nhìn ra thế giới, thể hiện khát khao muốn chiến thắng bản thân, chinh phục những cột mốc quan trọng trong đời. Trái tim thiếu nữ tuổi hai mươi mênh mang như một cánh đồng. Trên dải đất màu mỡ ấy, tất cả mọi thứ đã sẵn sàng. Nhưng liệu hạt mầm tri thức nào sẽ được gieo trồng, liệu cây có xanh tươi và phát triển đúng cách mặc cho nền tảng đất đai trù phú, tốt tươi. Tuổi trẻ có thể như bông hoa dại mọc mạnh mẽ nơi thành bê tông cứng ngắc, ngạo nghễ, tự tin với tuổi nhanh xuân đang hừng hực hy vọng cuộn trào.Tiếng nói cá nhân không có nghĩa vụ chiều lòng một đám đông nào đó. Tác giả đã dựg sẵn cho mình một hệ thống quan điểm rõ ràng nhằm củng cố lý tưởng văn chương bản thân đang theo đuổi. Bởi vậy TrangXtd rất dũng cảm xoáy sâu vào những vấn đề nhạy cảm như hệ thống giáo dục hay niềm cảm hứng sáo rỗng, đề cao vật chất đang manh nha hình thành trong suy nghĩ của người Việt trẻ. Những bộ sưu tập giấy khen nên được thay thế bằng nhiều bài giảng trang bị kỹ năng sống Bạn có thể tự tạo cho mình một thói quen, một giấc mơ để khiến bản thân sự muốn phấn đấu. Giấc mơ của tác giả ấy vậy mà dung dị, gần gũi lắm. Cô chỉ mong những câu từ mình viết chạm được tới tâm can người đọc. Nhà văn nổi tiếng nhất, học sinh giỏi nhất… chỉ là những hư danh song hành với tư tưởng hô hào khẩu hiệu đầy ganh đua, hãy nỗ lực lên, chống lại cả thế giới và bạn sẽ được vinh quang. Tư tưởng muốn trở thành giỏi nhất, xuất sắc nhất vô hình trở thành một sự tổn thương mạnh mẽ trong tâm hồn. Khi bạn thất bại, thực tế tát vào má bạn một cú thật đau, lúc ấy bạn cứ mãi trượt dài. Tại sao phải ép bản thân sống dưới một vỏ bọc “xuất sắc”? Thực tế đã chứng minh Việt Nam đang rơi vào tình cảnh thừa thầy, thiếu thợ. Trong tâm thức con người, cổng trường đại học vẫn đang là lối thoát duy nhất để kiếm việc làm. Tấm bằng đại học là quy chuẩn vô hình mà xã hội dán nhãn đặt tên. Quy luật của cuộc sống là vận động. Tác giả vừa thương tiếc tuổi thần tiên vừa muốn phá lên cười nếu đặt nó dưới lăng kính hài hước thì kiểu gì nó cũng hài hước. Thế hệ chúng ta “được” thừa kế một di sản to lớn từ ông bà cha mẹ mình, mang tên nỗi sợ hãi. Chúng ta không nên đem tình yêu ra làm vỏ bọc cho mọi thứ. Sự hy sinh của người phụ nữ mang vỏ bọc yêu thương chồng con, sự nghe lời thụ động và nhiều lúc vô thức của con cái mang vỏ bọc nghĩa tình. Cha mẹ áp đặt ý chí của mình dưới vỏ bọc yêu thương, sự sở hữu bạn đời mang vỏ bọc của tình yêu hôn nhân.Vốn dĩ tình yêu không thể định rõ hình dạng, càng không áp đặt được lên ai nếu bản thân họ không muốn. Vỏ bọc ấy đang chứa đựng những tiềm tàng nguy hiểm như một ác ma. Hóa ra chúng ta vẫn là những đứa trẻ đi dưới sân trường, chỉ vì tiếng trống mà chạy đua náo loạn trong sợ hãi. Tiếng trống tuổi 25, tiếng trống tuổi 30, chưa gióng lên mà ta đã vội vã lao đi rồi. Người ta nói kẻ dùng trái tim là yếu đuối, thực ra chỉ kẻ mạnh mới dám dùng thôi. Tuổi 20 – Tôi sống như một bông hoa dại là tác phẩm Trang Xtd viết cho mình, viết cho những điều sâu kín không phải ai cũng dám nói ra.

Tuổi 20 Tôi Đã Sống Như Một Bông Hoa Dại– cuốn sách khiến tôi phải chú ý ngay bởi cái tên của nó, phải chăng là vì đang trải qua tuổi 20 mà tôi hiểu tại sao tác giả lại ví tuổi 20 là hoa dại chăng? Như những bông hoa dại thì tuổi 20 là tuổi mà ta cảm thấy rối bời, cảm thấy điên cuồng, hành động những điều bồng bột nhất chăng. Càng đọc tôi lại càng nhìn thấy chính mình trong cuốn sách, tôi bắt gặp hình ảnh của mình, bắt gặp những suy nghĩ của mình qua tác giả, và tôi tin rằng không chỉ mình tôi mà rất nhiều bạn trẻ khác cũng sẽ như tôi cũng sẽ giật mình thốt lên rằng “ôi sao giống mình thế!” khi đọc cuốn sách này. Cuốn sách “Tuổi 20 Tôi Đã Sống Như Một Bông Hoa Dại”- Một cuốn nhật kí của cô gái cũng tuổi 20 viết cho mình về những năm tháng đó. Tác phẩm là những câu truyện nhỏ về trải nghiệm sống, về gia đình, bạn bè và những góc nhìn rất riêng của Trang Xtd – Tác giả của cuốn sách. Tác giả viết về hành trình trải qua tuổi 20 của chính mình, là cách nghĩ của một cô gái 20 về bản thân, về tình yêu, về thành công và về gia đình. Mỗi vấn đề chị lại đưa tôi đến với những khía cạnh, những góc nhìn khác nhau. Đó là hành trình trưởng thành của bản thân chị, là chuyện đối phó với những cái nhìn của xã hội như thế nào, là chuyện tình yêu đôi lứa, là những mẫu chuyện nhỏ về tình yêu và gia đình. Tuy chỉ là những mảnh truyện lặt vặt nhưng rất thật, hay là những đam mê, mơ ước thời bé đã dần mờ nhạt trôi đi trong cái xã hội quay cuồng, hối hả này…. Cuốn sách với những câu chuyện trong cuộc sống, để chúng ta cùng nhau thấy được một điều rằng chúng ta đừng nên quá quan trọng về việc người khác nghĩ gì về mình, vì như bạn biết đấy mỗi người đều có một bản thể khác nhau, không ai giống ai cả. Thế nên, mình thì hãy cứ là mình, hãy cứ sống như một bông hoa dại, không đẹp nhưng hạnh phúc, không khoe sắc thắm nhưng kiên cường mạnh mẽ vì được vươn mình ra với gió, với nắng với trời. “Bố mẹ không hỏi con đi học có vui không chỉ hỏi điểm cao không. Bố mẹ không hỏi đi làm có vui không, có mệt không chỉ hỏi lương có cao không, công ty có to không. Kết hôn không hỏi yêu nhau không, chỉ hỏi tuổi có hợp nhau hay không. Li dị không ai hỏi vì sao như vậy mà chỉ hỏi định nhìn mặt họ hàng gia đình như thế nào”. Những lời nói sao mà cay đắng nhưng lại cho tôi cảm giác chân thật đến lạ. “Điều khó nhất không phải là vượt qua sự khó khăn, sự đau khổ mà chính là vượt qua nỗi ám ảnh của sự tốt đẹp, vòng an toàn”. Điều đó hoàn toàn đúng bởi khi đang ở trong sự tốt đẹp rồi ta sẽ sợ, sợ mất đi sự tốt đẹp đó, sợ nếu ta bước ra khỏi vòng an toàn thì sẽ mất tất cả nên thôi ở trong cho chắc. Có ai từng nghĩ như vậy không?…. Có tôi! Tôi đã nghĩ như vậy rất nhiều, tôi sợ kết bạn bởi nếu như vậy lỡ một ngày không ai ở bên tôi nữa thì sao, tôi sợ tham gia phỏng vấn lỡ đâu rớt thì sao,… và còn rất nhiều nữa. Đó là 2 trong số những điều tác giả đã nêu lên khiến tôi trăn trở rất nhiều. Tôi bị cuốn theo câu chuyện, cuốn theo lời kể của tác giả với mạch chuyện nhẹ nhàng nhưng chẳng dịu êm chút nào. Nó khiến ta cứ mãi suy tư về chính cuộc đời mình, về chính tuổi 20 của mình. Nếu tuổi 20 là những bông hoa dại thì trái tim tuổi 20 như một cánh đồng ươm mầm cho những bông hoa đó lớn lên. Người ta nói rằng những kẻ dùng trái tim là những kẻ yếu đuối nhưng thực ra chỉ những kẻ mạnh mới dám dùng trái tim thôi. Hai mươi tuổi, có lẽ bạn sẽ sống, học tập, làm việc, yêu và sẽ được yêu. Nhưng bạn đã bao giờ tự hỏi liệu rằng mình đã sống trọn vẹn tuổi 20 hay chưa? Hãy thử đọc cuốn sách này để ngẫm nha‼ Viết cho tuổi 20 với những khủng hoảng đầu đời…. Lưng chừng tuổi 20 tôi vẫn chưa trưởng thành…. Cuốn sách này là vậy đó, nó viết về những điều vô cùng bình dị và gần gũi, đọc nó cứ như thể tác giả đang viết cho mình vậy. Nó nói ra hết những điều tôi muốn nói, những điều mà ở cái tuổi 18 ấy tôi đã từng suy nghĩ nhưng rồi lại quên đi, những điều mà một cô con gái muốn gửi đến bố mẹ mình…. Đoạn trích sách hay: “Bố mẹ không hỏi con đi học vui không, chỉ hỏi điểm cao không. Bố mẹ không hỏi con đi làm vui không, chỉ hỏi lương cao không. Kết hôn không hỏi yêu nhau không, chỉ hỏi hợp tuổi không. Ly dị không hỏi sao không sống cùng nhau, chỉ hỏi định nhìn mặt cha mẹ xóm giềng thế nào. Đâu phải đến lúc đi làm bạn mới sợ thứ Hai, bạn sợ thứ Hai từ lúc đi học cơ mà. Hóa ra chúng ta vẫn là những đứa trẻ đi dưới sân trường, chỉ vì tiếng trống mà chạy đưa náo loạn trong sợ hãi. Tiếng trống tuổi 25, tiếng trống tuổi 30, chưa gióng lên mà ta đã vội lao đi rồi. Người ta nói kẻ dùng trái tim là yếu đuối, thực ra chỉ kẻ mạnh mới dám dùng thôi” “Chúng ta hẹp hòi, chúng ta sợ hãi. Chúng ta bị ám ảnh bởi thành công. Chúng ta muốn một thứ chỉ vì NGƯỜI – KHÁC – CŨNG – CÓ. Chúng ta chưa từng bình an với chính mình. Chúng ta quá thiếu kiên nhẫn. Chúng ta chưa từng biết trong cuộc đời rộng lớn này, phải đi tìm một định nghĩa cho chính mình chứ không phải vay mượn từ người khác. Chúng ta không thoải mái với việc mình không xuất sắc. Chúng ta cạnh tranh, chạy đua và trượt dài.”

Tớ không hay đọc tản văn của những nhà văn trẻ Việt Nam, có lẽ do không hợp gu cũng có lẽ do quá nhiều những bài sáo rỗng nhưng với cuốn sách này có lẽ khác. Chị cùng phòng tớ được tặng cuốn sách và ngay lập tức đoạn trích in ở bìa sau đã thu hút tớ. Và tớ đọc. Ban đầu tớ không hi vọng nhiều lắm đâu vì tác giả vừa trẻ vừa không tên tuối, sách cũng không đình đám lắm nhưng tớ đã nhầm. Trang XTD, một cô gái sinh năm 94 nhưng lối suy nghĩ lại vô cùng rõ ràng và sâu sắc. Cũng có lẽ do có kha khá tương đồng nên tớ cảm thấy đồng cảm với chị ấy vô cùng. Từ câu chuyện về self- help, đến những con người khác nhau, những giá trị khác nhau. Câu hỏi về hạnh phúc, đến lối sống cá nhân có phần mộng mơ và xa rời mặt đất. Tớ cũng giống thế. Từng lao đầu vào self-help. Học một ngôi trường danh tiếng nhưng thành tích cực kì tệ. Thích viết và đầu óc cũng luôn trên mây. Nên tớ thích những trang văn của chị vì phần nào đang nói ra những khúc mắc và góc khuất trong lòng tớ. Nhưng cũng không phải là toàn bộ cuốn sách. Mối quan hệ gia đình qua cuốn sách nghe có phần hơi bi quan và xa lạ. Đấy có lẽ là điều tớ hơi khó tiếp nhận. Và cả phần câu chuyện về sự hoài niệm và sống ở hiện tại nữa, khi đọc tớ có cảm giác hơi ấm ức. Cuốn này đã được tái bản lần 4 dù không nổi đình đám nhưng lại là một lối viết rất gần gũi và dễ đồng cảm. Chị ấy viết như những lời tâm sự, như những câu chuyện kể. Nên cuốn sách đã dần dần đến gần bạn đọc và không phải cái kiểu vụt sáng rồi biến mất. Phần tớ thích nhất trong cuốn sách là phần chị ấy nói về những nỗ lực và cố gắng thầm lặng. Về người đàn ông làm shusi ngay cả trong giấc mơ hay người phụ nữ dùng mười năm để tìm cách làm nước dùng ngon nhất. Tại vì sao ư? Vì chính tớ đã từng luôn đòi hỏi những thành quả và công nhận ngay lập tức. Đã thực dụng và ngốc nghếch. Đã thiếu kiên nhẫn và mất lòng tin vào chính mình đến tuyệt vọng. Mọi kết quả đều cần nỗ lực. Hay câu chuyện về những cuộc đời và con người độc lập. Chúng ta phải yêu thương đúng cách. Và Thân Trang- cô gái nhỏ này đã nói đúng rất nhiều điều mà những đứa trẻ tuổi 20 nhìn hoài không thấu, cứ mải lạc giữa sương mù. Cô gái trẻ này đang chọn một con đường không dễ đi nhưng sự dũng cảm và sự sâu sắc của chị ấy thật đáng trân trọng. Highly recommend cho các bạn trẻ nhé. Thực sự rất đáng đọc đấy

“Tuổi 20 Tôi đã sống như một bông hoa dại” là một cuốn sách kể về những trải nghiệm của riêng tác giả về gia đình, cuộc sống. Một cuốn sách dành cho những ai đang chênh vênh trong độ tuổi thanh xuân, đang phải chơi vơi giữa cuộc sống của ngưỡng cửa làm người trưởng thành. Dường như đây là một cuốn tạp văn đặc biệt, có đầy đủ những câu chuyện giàu cảm xúc và sâu sắc xen lẫn sự hài hước. Cả cuốn sách là một hành trình suy ngẫm của một người trẻ đang đấu tranh nội tâm trước một cuộc đời nhiều hỗn mang, kể về những ký ức của tuổi thơ nơi đồng quê, đi làm thêm thời sinh viên hay những khủng hoảng trong mâu thuẫn với cha mẹ. Những gì của một cô gái 22 tuổi nói về những năm tháng đôi mươi ấy như đang nói về những năm tháng của những ai đang sống, đang vẫy vùng trong độ tuổi tươi trẻ ấy, vươn mình để thoát khỏi khuôn phép gò bó của xã hội. Lời văn cảm xúc và sắc bén lên án những hiện trạng, tật xấu mà nhiều người trẻ trong xã hội mắc phải. Thật sự đây là cuốn sách được viết bởi người trẻ nhưng tác giả có cái nhìn sâu sắc hơn những bạn đồng trang lứa. Cũng qua những trang sách, câu chữ của tác giả mà người đọc có thể nhận ra được những chuẩn mực xã hội không phải luôn luôn tốt và phù hợp với tất cả mọi người. Cũng chính vì thế văn phong của tác giả cũng thể hiện phần nào quan điểm phóng khoáng, tự do. “Sinh ra là con gái, điều đó thuần túy mang nghĩa giới tính, không liên quan đến việc con gái thì phải thế này hay thế kia. Là một cô gái như thế nào, điều đó là ở bạn. Mỗi tính từ bạn thêm vào cho danh từ cô gái là một lần bạn lớn lên, trả giá, học hỏi, lột xác và có cả đau đớn. Nhưng dù sao cũng hãy chọn lấy, cố gắng có được những tính từ mà bạn muốn, để bạn luôn có thể miêu tả về chính mình, một cách tự nhiên và tự tại”. Đây là đoạn mà có thể một cô gái hay một độc giả có thể sẽ tâm đắc. Đồng thời quan điểm và suy nghĩ của độc giả hiện đại cũng có góc nhìn nhận mở rộng hơn nên việc đón nhận quan điểm, lối văn của tác giả cũng không hề khó. Mỗi cô gái đều là một cá thể riêng có bản sắc riêng, hai từ “nữ quyền” rất quen thuộc với tất cả. Dường như chúng ta đã từng hình dung nó bằng một hình ảnh sang trọng, giàu có, đàn ông làm được gì họ đều có thể làm được. Nhưng thông qua trang sách của Trang Xtd người đọc có thể có cái nhìn mới mẻ hơn về nữ quyền. Chẳng hạn như một cô gái yêu màu hồng thích sự dịu dàng chúng ta thường phê phán quá “bánh bèo” thì qua đây chúng ta sẽ nhìn nhận cô ấy là một người biết cân bằng giữa nhu và cương, dịu dàng trong hình ảnh và mạnh mẽ trong tư duy. Vốn dĩ sinh ra là phái nữ thì ắt hẳn tạo hóa đã đem sứ mệnh gì đó vậy nên chúng ta không cần bác bỏ sự nữ tính và cố gồng mình ở vẻ ngoài mạnh mẽ. Theo mình đây là một cuốn sách dành cho những ai ở tuổi đôi mươi muốn khám phá, thích triết lí sống thú vị của một cô gái trẻ thì có thể đọc. Mình tin rằng bằng giọng kể lôi cuốn chắc sẽ không khiến độc giả đến nỗi thất vọng.

Tuổi 20 tôi đã sống như một bông hoa dại có lẽ là một trong những cuốn sách có nội dung nhẹ nhàng, sâu lắng và phù hợp với độ tuổi của tôi nhất. Tác giả dùng chính những trải nghiệm của bản thân, những quan sát thường nhật hàng ngày của tuổi 20 để đưa ta vào những câu chuyện. Không khó để nhìn thấy chính chúng ta ở trong câu chuyện này. Không “gượng ép”, cũng không giống cuốn “self-help” yêu cầu chúng ta nên làm thế này, phải làm thế kia với những vấn đề của tuổi trẻ, tác giả chỉ đơn giản kể và đưa ra những lời khuyên cho những ai đã và đang chông chênh trên truyến tàu tuổi trẻ. Tuy trải lòng bằng những vấn đề hết sức đời thường và dễ dàng thấy trong cuộc sống của chúng ta, nhưng cách viết lại rất lôi cuốn và thú vị, tôi cho rằng Trang Xtd rất có tài trong cách xây dựng nội dung chuyện và lựa chọn chi tiết. Chúng ta sẽ cảm thấy ấn tượng ngay từ trang bìa của quyển sách. Tác giả như “đánh mạnh” vào nhận thức chúng ta một hồi chuông, giúp chúng ta nhận ra rằng: “Cuộc sống xung quanh ta diễn ra như thế nào và ta có đang vui với cuộc sống ấy không?” bằng một loạt các câu: “Bố mẹ không hỏi các con đi học vui không, chỉ hỏi điểm cao không.” “Bố mẹ không hỏi đi làm vui không, mệt không, chỉ hỏi lương cao không, công ty to không.” “Kết hôn không hỏi có yêu nhau không, mà hỏi có hợp năm tuổi không.” “Đâu phải đến lúc đi làm bạn mới sợ thứ Hai, bạn sợ thứ hai từ lúc đi học cơ mà. Hóa ra chúng ta vẫn là những đứa trẻ đi dưới sân trường, chỉ vì tiếng trống mà chạy đua náo loạn trong sợ hãi. Tiếng trống tuổi 25, tiếng trống tuổi 30, chưa gióng lên mà ta đã sợ hãi lao đi rồi. Người ta nói kẻ dùng trái tim là yếu đuối, thực ra chỉ kẻ mạnh mới dám dùng thôi." Quả đúng như vậy, tuổi trẻ chúng ta đang diễn ra như thế nhưng chúng ta lại chưa một lần ngồi xuống, ngẫm nghĩ về những điều này. Chúng ta coi đó là những lẽ dĩ nhiên của cuộc sống, chúng ta cố gồng gánh lên rằng mình ổn, người trưởng thành là phải thế. Nhưng thực ra, sâu thẳm trong chúng ta, vẫn là những đứa trẻ đang cố học cách trưởng thành. Sau khi đọc những lời dẫn “rất thực, rất đời” ngoài bìa sách, có lẽ khó ai có thể kiềm lòng để tiếp tục đọc sâu vào nội dung. Và quả nhiên, nội dung không hề làm ta thất vọng. Trang Xtd dùng chính những trải nghiệm của cuộc đời của bản thân để kể về tuổi 20 của mình. Và tuổi 20 ấy cũng giống như tuổi 20 của nhiều bạn trẻ khác: Đã từng nghĩ bản thân thật kém cỏi, đã từng không biết rõ đam mê của mình là gì, đã từng bị người lớn chế nhạo những giấc mơ chỉ đơn giản bởi vì giấc mơ ấy không làm ra tiền, đã từng được dạy sống một cách an toàn bởi quan niệm của bố mẹ người Việt đó là sợ những thứ khác biệt, vân vân. Nhưng không chỉ dừng ở kể lể, tác giả sẽ ôm ấp và làm dịu tâm hồn và những tổn thương của chúng ta bằng những lời khích lệ, những lời khuyên rất giản dị và hữu ích. Một số trích dẫn làm tôi thấy tâm đắc: Thế nào là cô gái tuyệt vời? Có rất nhiều tiêu chuẩn để trở thành một cô gái tuyệt vời. Bạn cứ search Google, những bài báo câu like kiểu đấy không thiếu. Nhưng tôi nghi ngờ cái chữ “ tuyệt vời”. Tuyệt vời với ai? Trong bộ phim tài liệu The Cove nói về nạn thảm sát cá heo tại Taiji, Nhật Bản, người ta nói rằng việc bạn đưa cá heo vào khu vui chơi rồi huấn luyện nó là một cách giết nó. Ngoài tự nhiên, mỗi ngày cá heo có thể bơi từ 40 – 50 dặm. Cá heo sợ tiếng ồn. Trong khu vui chơi, nó chỉ bơi loanh quanh trong bề bơi và mỗi khi cá heo biểu diễn trong sự reo hò của hàng ngàn người xung quanh, nó thực sự bị tra tấn bởi tiếng ồn đó. Lâu dần nó sẽ stress và chết. Nhưng dĩ nhiên, với lợi nhuận khổng lồ từ việc kinh doanh giải trí cá heo, họ có thể mua những con cá heo mới. Chẳng ai biết, và biết thì sao, về việc những con kia đã chết thế nào. Khi đi xem cá heo làm trò, bạn gọi nó là con cá heo tuyệt vời. Để trở thành con cá heo tuyệt vời, nó phải bơi loanh quanh trong bể, biết nghe lời, biết làm mọi người vui, đầy tính giải trí, nhưng đó là tuyệt vời với bạn – người xem, chứ không phải tuyệt vời với nó! Tôi nghĩ rằng nếu bạn đi loanh quanh trong nhà, biết nghe lời, biết làm mọi người vui, đầy tính giải trí, bạn cần những tràng pháo tay của những người xung quanh như một sự ghi nhận, thì bạn sẽ là cô gái tuyệt vời với phần lớn xã hội đấy, nhưng có tuyệt vời với chính bản thân mình không? Khép lại cuốn sách, tôi nghĩ chắc hẳn ai cũng sẽ nhận ra được rất nhiều điều. Có lẽ trước giờ, phải chăng chúng ta đang phí hoài tuổi trẻ, phải chăng ta chưa thực sự đối tốt với bản thân ta. Nếu có như vậy, chúng ta vẫn còn nhiều thời gian để sửa chữa lắm. Vì đơn giản, chúng ta vẫn đang độ tuổi 20, và chúng ta luôn có quyển “Sống như một bông hoa dại” - có sức sống mãnh liệt và không bao giờ gục ngã.

Mặc dù đã qua tuổi đọc tản văn, ngôn tình nhưng thực sự cuốn sách của Trang Xtd làm tôi cảm thấy rất dễ chịu. Tôi không biết về Trang trước đó, một chiều chủ nhật, tình cờ lên facebook và thấy bài share của một người bạn hợp tâm trạng. Cũng khá lâu, không đọc các thể loại văn hay tản văn an ủi tinh thần. Lướt lướt qua thì thấy khá giống văn chương ngôn tình, nhưng người share bài viết lại không phải con gái, mà là con trai. Thế nên từ tò mò, tôi đã ngồi đọc một mạch hết bài viết dài không bỏ sót chữ nào. Văn của Trang đúng là lôi cuốn và giỏi giữ chân người. Dù chưa gặp Trang ở ngoài, nhưng cảm giác văn chương của bạn ấy thật, nghiêm túc và mạnh mẽ trong nhịp điệu và lời lẽ dứt khoát. Đọc xong bài viết, tôi mới biết tới cuốn sách. Cũng tìm một lượt xem Trang có blog không nhưng mà không thấy. Rồi tôi ra nhà sách ngay buổi chiều. Khi đang cố nhồi nhét vào đầu một đống kiến thức chuyên ngành mà không thành công thì tản văn của Trang xuất hiện như một cơn gió mát, xoa dịu một cơn đau đầu do căng thẳng và mệt mỏi kéo dài. Văn của Trang không ngây ngô, không treo ngược cành cây, không dắt người ta đu dây điện như biệt tài của các nhà văn viết tản văn khác. Văn của Trang giống như một đoá hoa dại mà chúng ta gặp lại ven đường sau nhiều năm xa quê, chân chất, giản đơn nhưng đẹp hơn những loài phù hoa vinh quý của thành phố. Văn của Trang đặt vào đúng không gian của tuổi trẻ, hoặc không gian tâm hồn của những người đã từng trẻ, văn của Trang như một lời bộc bạch cho những năm tháng mà người ta sống vội, quên suy nghĩ. À, là một suy nghĩ nghiêm túc về xã hội, về định kiến xã hội, về sự nỗ lực tự thân, về những chân giá trị cần phải cân nhắc trong suốt cuộc đời làm người. Khi đọc review về sách của Trang, nhiều người hay khen bạn ấy là dám nói, dám thể hiện chính kiến. Chắc là đúng, khi sách của bạn ấy xuất hiện trên văn đàn cách đây vài năm. Lúc tôi mua thì đã được tái bản lần thứ 8 và đã bán được khoảng 10.000 bản. Tôi thấy Trang không hẳn là một cô gái quá cá tính. Nói cá tính người ta cứ tưởng là hiếm, nhưng tôi thấy con gái bây giờ cá tính lắm, bạn nào cũng cá tính, có bạn bộc phát hết ra ngoài, có bạn chỉ cần nói chuyện một lúc là sẽ thấy. Trang là một cô gái thẳng thắn bộc bạch trong văn chương của bạn ấy, chịu khó đào sâu những luồng ý kiến tác động đến bạn ấy và biết phản biện. Đọc văn của Trang khiến tôi nghĩ rằng, nhiều lúc trong đời, mình đã bế tắc lại chỉ vì mình lười suy nghĩ, mình đã chấp nhận đi theo đám đông chỉ vì lười suy nghĩ. Tôi tự hỏi, tại sao, cũng ở tuổi của Trang lúc đấy, tôi thường mặc định mọi sự sẽ đúng hơn là quyết liệt với những suy nghĩ của mình.

Đây là một cuốn tạp văn đặc biệt? Hiếm có một cuốn tạp văn nào của tác giả trẻ lại có thể sâu sắc và đem lại nhiều cảm xúc đến thế. Vừa hài hước, hóm hỉnh, vừa xúc động lại vừa sâu sắc với hàng trăm điều phải suy ngẫm. Ở tuổi 22, tác giả quá thông minh với vốn từ quá ư phong phú đã viết nên những dòng chữ uyển chuyển thật đẹp. Cái đẹp trong từng dòng chữ của Trang Xtd không phải cái đẹp của sự hoa mĩ cầu kì trau chuốt, đó là cái đẹp thuần chất mà khi em ấy viết ra, tự bản thân chúng đã lấp lánh rồi. Cuốn sách là một hành trình suy ngẫm của một người trẻ đang đấu tranh nội tâm trước một cuộc đời nhiều hỗn mang, em kể về những kí ức của tuổi thơ nơi đồng quê, về việc đi làm thêm của sinh viên hay những khủng hoảng trong mâu thuẫn với cha mẹ. Viết về mình và những câu chuyện của mình nhưng cuốn sách lại không thể hiện cái tôi của tác giả, chỉ là một bản du ca đơn thuần của tuổi trẻ – khó khăn nhưng thật đẹp. Một cuốn sách rất đáng đọc. Một tác giả trẻ rất đáng được nể phục. Khi đọc dở cuốn sách này, tôi đã phải dừng lại hai lần để nhắn tin cho bạn tốt và bảo: đọc ngay đi, hay cực í.

Một cuốn sách thiên về tâm sự nhiều hơn đưa ra lời khuyên, nghiêng về cảm xúc nhiều hơn những phân tích lý tính mạch lạc, cũng giống như chính trong trang văn chị đã viết: “Người ta nói kẻ dùng trái tim là yếu đuối, thực ra chỉ kẻ mạnh mới dám dùng thôi.” Bằng giọng văn nhẹ nhàng có pha chút châm biếm, hài hước nhưng đong đầy tâm tình; giống như gặp một người bạn thân trong một chiều thu Hà Nội, Trang Xtd cùng ta ngồi nói chuyện đời, chuyện người. Cuốn sách tuy giống những cuộc trò chuyện thường ngày nhưng lại mang hơi thở của văn học, không giáo điều hay tô vẽ như rất nhiều cuốn self-help, cứ từng chút từng chút một len vào trong tâm trí người đọc, thổi vào đó một cơn gió mát dịu cùng chút nắng sớm trong lành. Nhiều người nghĩ tản văn chỉ là những tản mạn vu vơ, nhưng bằng cách nhìn cuộc đời và cảm nhận cuộc sống rất riêng, rất độc đáo, Trang Xtd đã đem đến cho người đọc nhiều cảm xúc khác biệt. “Tuổi 20 tôi đã sống như một bông hoa dại” pha lẫn chút gì đó chiêm nghiệm để người đọc bừng tỉnh và suy ngẫm, pha lẫn chút gì đó nhớ thương để nhớ về tuổi thơ đã trôi qua như triền đê lộng gió, và thêm chút lãng đãng để mỉm cười nhâm nhi ly trà ngọt ngào trong tay, để yêu thương hiện tại và nhớ về chút gì của quá khứ đã sớm trôi theo mây trời. Tôi thích cách chị viết về tuổi trẻ nhiều ngây ngô, chưa trải đời nhưng dám sửa sai sau những lần vấp ngã. Tôi yêu cá tính và cách chị nhìn nhận về cuộc sống dù có nhiều điều khó khăn. Chị viết: “Công việc toàn thời gian của chúng ta là làm người, các công việc khác chỉ là bán thời gian”; chị nói: “Người ta bị tầm thường đi khi không còn yêu thứ gì cả”,... Văn phong gần gũi chẳng giáo điều, có chăng những lời khuyên chỉ là những đúc rút của những tháng năm tuổi trẻ đã qua. Chị nói cho tôi hãy biết yêu bản thân, hãy cứ ước mơ đi nhưng đừng mơ vô lý, hãy cứ mặc kệ miệng lưỡi thế gian vì mình chỉ có một cuộc đời để sống, cứ để ý lời nói người đời thì bao giờ mới được sống đời mình. Miệng lưỡi người đời đáng sợ, nên ta mới phải kiên cường, cuộc sống khó khăn, nên mới cần cố gắng; và bởi máy móc đã đủ nhiều rồi, nên cứ sống là mình đi đã, trân trọng cảm xúc người khác, nhưng cũng đừng tàn nhẫn với chính bản thân mình, biết yêu mình thì đời mới đáng yêu được. Bởi lẽ trái tim 20 như một cánh đồng, việc mình cần làm là gieo mầm xanh, rồi mỉm cười nhìn cây vươn cao tán lá.

Bước sang cái tuổi đôi mươi, phải chăng bạn đã cảm thấy cuộc đời mình như một bài kiểm tra không báo trước? Những chông chênh, lo lắng, trăn trở cứ thế cuốn lấy bạn? Những bất định của tuổi trẻ vì chưa có bất cứ sự chỉ dẫn nào sắp đặt trước? Hay thậm chí là sự sợ hãi và hoang mang…Tương lai như một ẩn số khó đoán? Áp lực phải thành công, phải ưu tú mà chính bản thân đặt ra, từ gia đình và xã hội? Có thể những điều đó đang luẩn quẩn trong bạn, tựa như mê cung trá hình. Bạn lo lắng khi thấy mọi người lần lượt thành công, và bắt đầu sốt ruột khi mình dần bị bỏ lại? Đừng lo lắng, hãy để cuốn sách Tuổi 20 Tôi Đã Sống Như Một Bông Hoa Dại mang đến lời tâm tình về những năm tháng đó vỗ về tâm hồn bạn. Tuổi 20 Tôi Đã Sống Như Một Bông Hoa Dại với hơn 200 trang, không quá dài, cũng không quá ngắn đơn giản tái hiện lại những mảnh chuyện nhỏ, viết lên những cảm xúc, trải nghiệm chân thực nhất của tuổi đôi mươi, mang người đọc đến với nhiều trạng thái khác nhau Bắt gặp những bông hoa dại: Tự nhiên, nguyên thủy, cứng đầu Trong những tháng ngày chông chênh của tuổi trẻ, nếu như tình cờ bắt gặp Tuổi 20 Tôi Đã Sống Như Một Bông Hoa Dại, có lẽ bạn sẽ yêu nó ngay từ ánh nhìn đầu tiên. Tại sao tuổi hai mươi lại như bông hoa dại mà không phải thứ gì khác? Phải chăng ở độ này, có gì đó vừa nhen nhóm lên, đẹp đẽ mà điên cuồng, bất chấp mà ngây dại? Càng đọc, chúng ta càng “hoảng hốt” bởi sao mà giống mình đến thế, thấy như có một “tôi” đang đứng trong những trang sách của Trang Xtd. Tuổi 20 Tôi Đã Sống Như Một Bông Hoa Dại không phải một câu chuyện dài với những tình tiết ly kỳ hấp dẫn, cũng không phải một cuốn self-help thúc giục bạn phải thay đổi mỗi ngày để tốt hơn mà đơn giản chỉ là những dòng tản mạn tâm sự của một cô gái tuổi đôi mươi về gia đình và cuộc sống. Có một chút nhẹ nhàng len lỏi vào trái tim bộn bề của những con người đang ngày đêm bon chen với cuộc sống hiện đại. Không ồn ào, không phô trương; Trang Xtd nhỏ nhẹ tâm tình, làm một người bạn kể cho chúng ta nghe biết bao chuyện, lội dòng suy tư từ quá khứ đến hiện tại để rồi, chúng ta vỡ òa trong mỗi mảnh chuyện. Những câu chuyện nhỏ... Một chiếc “Vé trốn về miền kí ức”, chạy quanh qua những năm tháng học trò với những suy nghĩ hết sức “ngày ấy”. Ngày xưa mà thấy cậu nào bàn luận về ngoại hình con gái là ghét ghê lắm. Ngày xưa cô giáo hỏi ai không hiểu thì giơ tay lên, dù không hiểu thật cũng còn lâu mới giơ tay. Ngày xưa nghe bài hát “Xe đạp” của Thùy Chi thấy lãng mạn gần chết… Vậy còn bây giờ thì sao? Một câu chuyện về “khoảng trời bị bỏ lại” khi năm tháng đã nhuộm màu kí ức. Những hoài niệm về Hà Nội thân yêu, về bà ngoại tóc đã bạc hơn, và khu vườn buồn hơn vì không ai chăm nó, về căn nhà nhỏ mang không khí lạnh lẽo mỗi trận gió bấc lùa qua khe cửa, về bức tường ngày nào với những mảng đất bong lả tả, về một bài hát cũ trước thềm năm mới...Đúng vậy, chuyện cũ không bao giờ cũ, tựa cánh hoa kia ép trong vở lâu ngày, màu đã mất, hương cũng chẳng còn, nhưng cảm giác của chúng ta về cái ngày ngắt hoa ép lên chẳng bao giờ rời bỏ chúng ta mà đi được.