“Bố
mẹ không hỏi các con đi học vui không, chỉ hỏi điểm cao không.
Bố
mẹ không hỏi đi làm vui không, mệt không, chỉ hỏi lương cao không, công ty to
không.
Kết
hôn không hỏi có yêu nhau không, mà hỏi có hợp năm tuổi không, chúc mừng
sale-off tuổi xuân thành công.
Ly
dị không ai hỏi sao không sống cùng nhau nữa, chỉ hỏi định nhìn mặt mẹ cha xóm giềng
thế nào.
Đâu
phải đến lúc đi làm bạn mới sợ thứ Hai, bạn sợ thứ Hai từ lúc đi học cơ mà.
Hóa
ra chúng ta vẫn là những đứa trẻ đi dưới sân trường, chỉ vì tiếng trống mà chạy
đua náo loạn trong sợ hãi. Tiếng trống tuổi 25, tiếng trống tuổi 30, chưa gióng
lên mà đã vội vã lao đi rồi.”
Trang
Xtd đã mở đầu cuốn sách Tuổi 20 tôi đã sống
như một bông hoa dại bằng những lời tâm sự như thế. Cuốn sách là những câu
chuyện nhỏ về trải nghiệm sống, về gia đình, bạn bè qua những góc nhìn rất
riêng của một cô gái “có hình hài của tuổi
hai mươi hai, trái tim của tuổi mười sáu và đôi khi suy nghĩ lạc đến tận tuổi bốn
mươi.”
Hai mươi tuổi thì nghĩ
gì? Tuổi 20, cái tuổi mà chỉ cần nghe nói thôi, người ta đã nghĩ ngay đến tuổi
trẻ. Hai mươi là tuổi biết buồn. Biết buồn thì mới biết vui, còn cảm xúc tức là
còn sống. Người lớn nghĩ quá nhiều và đôi khi không còn cảm thấy gì nữa. Tuổi
20 đem đến cho con người ta nhiều bài học đáng quý.
Hai mươi – tôi đã sống như một bông
hoa dại: tự nhiên, nguyên thủy, cứng đầu.
Định
nghĩa về hạnh phúc
Đã bao lần bạn được
nghe ai đó nói rằng: “Bạn vĩ đại hơn bạn tưởng”? Chắc hẳn là ít thì cũng một
vài lần. Có những người, câu nói ấy đã trở thành một nỗi ám ảnh trong tâm trí họ,
thôi thúc họ phải đấu tranh bằng mọi giá để giành được vị trí số một. Trang Xtd
cũng từng có một tư tưởng như thế. 14 tuổi, cô thức đêm để viết văn, để cắm đầu
vào học, để đem về các giải thưởng lớn nhỏ làm vui lòng cha mẹ, thầy cô,… Nhưng
có bao giờ bạn tự hỏi mình làm đơn giản vì mình muốn, mình thực sự cần giải thưởng
đó hay trong thâm tâm mình chỉ sợ cảm giác thua kém, cảm giác được kì vọng để rồi
mình phá vỡ kì vọng, cảm giác cái mác học sinh giỏi đã là một phần không thể
tách rời với mình?
Chúng ta hẹp hòi, chúng
ta sợ hãi. Chúng ta bị ám ảnh bởi thành công. Chúng ta muốn một thứ chỉ vì người
khác cũng có. Chúng ta chưa từng bình an với chính mình. Chúng ta chưa từng biết
trong cuộc đời rộng lớn này, phải đi tìm một định nghĩa hạnh phúc cho chính
mình chứ không phải vay mượn từ người khác. Chúng ta không thoải mái với việc
mình không xuất sắc. Chúng ta cạnh tranh, chạy đua và trượt dài. Cuối cùng thì,
bước qua cái tuổi 20, cô gái ấy nhận ra rằng: Điều làm bạn hạnh phúc mới chính
là điều lớn lao nhất, lớn lao hơn sự công nhận của thế giới, lớn hơn những bài
báo tung lên trời kiểu 9x startup thu nhập nghìn đô.
Tuổi
20 – chúng ta có một di sản mang tên nỗi sợ
Thế hệ chúng ta được thừa
kế một di sản to lớn từ ông bà cha mẹ mình, di sản mang tên nỗi sợ hãi. Chúng
ta bị cấm đoán đủ thứ chỉ vì nỗi lo sợ của các bậc phụ huynh. Đa phần, con người
bị nghiện cảm giác đúng, họ không thích những điều mới mẻ. Để chắc chắn đúng, để
không bị mắng bởi làm sai, người ta chỉ còn cách làm những thứ đã được làm đi
làm lại cả ngàn đời. Khi bạn có ý định thử một công thức nấu ăn mới thì mẹ lại
nói: “Ăn chẳng ra làm sao cả, mẹ biết ngay là hỏng mà, sao con không làm những
món bình thường?”. Cũng vì sợ già, sợ ế nên nhiều người áp đặt cho con cái họ
suy nghĩ rằng: Vì ba mươi tuổi rồi, mình nên có gia đình thôi. Vì mình không trẻ
nữa và còn có gia đình, có lẽ mình nên đợi về hưu rồi làm gì mình thích, đi đâu
mình thích cũng được. Cũng như bố mẹ của Trang Xtd, rất nhiều bậc phụ huynh vẫn
suy nghĩ rằng: Nếu con làm sai, con thất bại, thì gia đình chẳng phải là nơi
con quay về hay sao. Đằng nào con cũng thất bại thôi, vậy thì tại sao không ở
nhà nghe lời ngay từ đầu? Bố mẹ đã để sự sợ hãi của mình cướp đi quyền lớn lên
của con trẻ mà không biết rằng, sống trọn vẹn không phải là thành công rực rỡ,
chỉ cần chúng ta đừng hối hận thôi.
Tuổi
20 – có điều gì đó đã mất?
Khi còn học phổ thông,
chúng ta mong từng ngày đỗ đại học để tung cánh bay đi. Ngồi trong giảng đường,
chúng ta mong từng ngày ra trường để tự kiếm tiền, để lại tung cánh bay tiếp,…
Dường như chúng ta luôn thích những thứ không phải là của hiện tại. Tết đến, có
lẽ rất nhiều người, cũng có thể là chính tôi và bạn vẫn thường hay than rằng: Tết
nay chẳng vui bằng tết xưa! Tại sao vậy? Xưa chỉ mong đến tết để “được ăn”, giờ
sợ đến tết vì “phải ăn”. Xưa, tết đến với bao niềm háo hức, mong chờ, giờ tết đến
thêm mệt, thêm lo… Lên thành phố đi làm rồi, bạn ít khi về quê hơn vì bận trăm
công nghìn việc. Chúng ta dành những ngày cuối tuần để đi hội chợ, gặp gỡ bạn
bè dù hứa lên hứa xuống là sẽ về quê mà chẳng về được. Nhưng chẳng vì lẽ đó mà
ông bà cha mẹ buông lời trách móc, chỉ nhắc ta cuối tuần trời rét, giữ gìn sức
khỏe. Chúng ta lấy cái xưa để so sánh với cái nay. Chúng ta cứ tưởng mình đã
bay qua những ngày tháng, những cột mốc nào đó của cuộc đời, sự thực là ta chưa
bao giờ có mặt tại trạm dừng chân hiện tại. Có bao giờ bạn nghĩ lại xem tuổi trẻ
mình đã bỏ lỡ điều gì chưa? Nhiều lúc muốn có một chiếc vé thông hành để trở về
tuổi thơ, trở lại miền kí ức đã bị đánh cắp mất. Nhưng đáng buồn thay, sự thật
vẫn là sự thật. Thôi thì hãy cứ sống tốt ở hiện tại. Tết vẫn cứ vui vì nếu bạn
vui thì ngày nào chẳng là tết. Cuộc sống là một dòng chảy. Hãy cứ để cho mọi thứ
được trôi đi. Tiến về phía trước.
Tuổi
20 – Yêu là một từ cần rất nhiều tư cách
Tình yêu là thứ người
ta nói đến nhiều nhất nhưng hình như cũng là thứ người ta đói khát nhất, chẳng
hiểu gì về nó nhất. Nói cụm từ “biết yêu” cũng dễ gây khó hiểu như “biết ăn” ,
vì ai cũng nghĩ ăn là hoạt động bản năng, có ai là không biết! Chỉ có thích hay
không thích ăn thứ gì đó, chứ làm gì có chuyện không biết ăn! Người ta cũng
nghĩ như vậy với từ “yêu” – ai chẳng biết yêu, trái tim tự biết làm điều đó. Nhưng
thực tình thì chẳng phải vậy. Nếu có điều gì cần phải học cấp thiết và học trong
cả cuộc đời thì đó chính là học yêu. Chẳng ai là không cần tình yêu cả.
Tình yêu là thế, cần rất
nhiều sức mạnh. Yêu thương không đi liền với yếu đuối. Nói đúng ra thì yêu
thương thuộc về kẻ mạnh ấy chứ! Yêu cũng là điều khó khăn. Bạn có vượt qua cái
tôi của mình để tha thứ không? Bạn có vượt qua nỗi đau để nói lời cảm ơn với
người mình từng yêu hay không? Hay mỗi người bỏ đi là một lần thù hận?
Khi chúng ta nói lời yêu và không
biết điều mình nhận lại có phải lời từ chối không, khi cha mẹ dành nhiều năm
tháng đời mình để hi sinh vì con dù không biết lớn lên chúng có trân trọng điều
đó không, kể cả khi hai người quyết định sẽ chung sống, chính họ cũng không thể
dám chắc ngày nào họ sẽ rời bỏ tình yêu hoặc ngày nào tình yêu rời bỏ họ. Yêu
luôn là quyết định can đảm.
Người tử tế hay phũ
phàng, yêu là yêu, không yêu là không yêu, chứ không phải kiểu ăn không hết gọi
cho oai, yêu không hết tán cho vui! Khi bạn nghĩ lời từ chối của ai đó quá nhẫn
tâm, hãy nghĩ rằng ít ra họ đang rất tử tế, không muốn để bạn hy vọng rồi lại
thất vọng. Mọi thứ không gì là mãi mãi cả. Chuyện buồn nào rồi cũng sẽ qua, nên
đừng buồn quá. Chuyện vui sẽ qua, nên đừng vui quá. Hết lòng với hiện tại là đủ.
Tình yêu cũng vậy. Buồn hay vui đều có ý nghĩa riêng của nó. Sau tất cả, chúng
ta hãy học theo cách của Trang Xtd, cùng nói lời cảm ơn với những người đã đi
qua cuộc đời mình: “Cảm ơn cậu vì đã thích mình!”. Cuộc đời này chật vật lắm mới
thấy thích một người, chỉ riêng cảm tình đó thôi, dù chỉ là những câu chuyện viết
dở, cũng đáng để cảm ơn rồi.
Tuổi
20 – hãy sống là chính mình
Thích một người là như
thế nào? Người ta vẫn thường nói: Khi bạn tìm thấy chính mình, bạn sẽ tìm thấy
nửa kia. Vậy đấy, “chính mình” không phải một sự thật mặc định mà qua thời
gian, ta sẽ chỉnh sửa và thêm định nghĩa mới vào hai chữ “chính mình” ấy. Như vậy,
cái thời điểm tìm thấy chính mình có vẻ không hẳn là một cột mốc thời gian xác
định. Nếu nó là một cột mốc rõ ràng, nghĩa là những người ta yêu trước cột mốc
thời gian đó đều là sai lầm hay sao? Mỗi giai đoạn ta yêu những người khác
nhau, sai và đúng là tương đối, nhiều khi nghĩ mình rạch ròi logic quá là tự
dùng dao đâm mình thôi.
Tôi cho mình quyền được là người
bình thường, không hoàn hảo, quyền được khác biệt và sai lầm. Tôi đang nhớ đến
câu nói này: một bông hoa không cạnh tranh với bông hoa khác, nó chỉ đơn giản
là bung nở thôi. Có lẽ tôi phải học bài học từ các loài hoa đến cả đời người mất.
Lời
kết:
Tuổi trẻ là thế, bước
qua một thời cắp sách tới trường rồi, ta chợt nhận ra rằng quãng thời gian đó
chỉ là ảo ảnh mà thôi. Thất nghiệp, thất tình, thất học – ba cái thất gộp lại tạm
gọi là tam thất. Mà tam thất thì có vị gì nhỉ? Nó có vị đắng. Nhưng có khi,
chúng ta không “thất” đâu mà cái nghiệp đó chẳng muốn chúng ta làm. Rồi cũng sẽ
đến lúc, bạn nhận ra rằng mình chỉ là học sinh lớp vỡ lòng của cuộc đời thôi. Lớn
lên là đứng giữa những lựa chọn, là chứng kiến các khái niệm sụp đổ và gây dựng
lại, là học cách sống hòa thuận với những câu hỏi trên đường đi tìm lời giải
đáp, là tìm ra giới hạn và sự thật về bản thân. Cuộc sống vẫn cứ tiếp tục dù điều
gì xảy ra đi chăng nữa. Tuổi trẻ hãy cứ bước đi. Nếu không, làm sao chúng ta biết
được là tất cả những gì mình biết không phải bức tranh của toàn bộ thế giới
này?
Review chi tiết bởi: Kim Chi -
Hình ảnh: Kim Chi
______________
Theo dõi fanpage của
Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy
Bạn đam mê viết lách, yêu thích đọc sách và muốn
lan tỏa văn hóa đọc tới cộng đồng của YBOX.VN? Đăng ký để trở thành CTV Bookademy tại link: http://bit.ly/bookademy_ctv
(*)
Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại,
vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ “Tên tác giả - Bookademy”. Các bài viết trích
nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.