Thật khó để đọc hết cuốn sách này mà không cảm thấy mảy may khó chịu nếu bạn là một người Việt Nam. Mặc dù được giới thiệu cuốn sách là một tư liệu lịch sử giá trị, theo tôi, “Tâm lý người An Nam” - khác với cái tên của mình, hầu như chỉ có giá trị khi tìm hiểu về tâm lý cai trị của thực dân. Lí do nào cho những năm tháng ấy, gần một thế kỉ dài, thực dân Pháp có thể vắt kiệt mảnh đất này mà vẫn tự tin rao giảng “khai hóa văn minh”? Paul Giran - ngạo mạn với những kiến thức đầy định kiến về lịch sử, ngôn ngữ, tôn giáo, chính trị, văn hóa của người Việt Nam đã thực hiện khảo cứu này trong tâm thế hợp thức hoá


Đầu tiên, để đọc cuốn sách này, tôi nghĩ bạn nên tìm cho mình một mục tiêu cụ thể. 

Nếu để tìm một tư liệu về cái “Tâm lý An Nam” thực sự thì bạn phải cẩn thận. Cuốn sách này có rất nhiều những định kiến, lập luận tưởng chừng sắc sảo mà thực chất quy chụp của nhãn quan thực dân để nhìn một nền văn hóa khác biệt. Đâu đó, không thể phủ nhận để hợp thức hóa cái nhìn của một kẻ cai trị muốn vừa được lợi lại vẫn có tiếng thơm, Paul Giran đã kì công tìm hiểu, nghiên cứu về văn hóa, nguồn gốc, đặc điểm sinh học của người An Nam, và dù mang nặng sự khinh miệt khi chăm chăm nhìn vào điều kém cỏi, vẫn có những trường đoạn mô tả lại việc thực hành tín ngưỡng, phong tục, tìm về đặc điểm chủng tộc của ta một cách chi tiết, có thể được tham khảo.

Tuy nhiên, cuốn sách này chỉ có giá trị phù hợp nhất để chúng ta tìm hiểu tâm lí của những kẻ cai trị. Hãy đọc cuốn sách này đúng với tinh thần tìm hiểu tâm lí của thực dân Pháp trong cuộc khai thác thuộc địa tại Đông Dương. Thực hành những âm mưu của “mẫu quốc” Pháp, chẳng lẽ những công chức trong chính quyền Đông Dương, những người sống giữa An Nam, trực tiếp chứng kiến cuộc “khai hóa văn minh” thực sự không nhận ra được những điều bẩn thỉu đằng sau đó? 



Sự vô cảm của thực dân với dân tộc thuộc địa bắt nguồn từ tư tưởng khinh thường nền văn hóa An Nam, con người An Nam đã ăn sâu vào tiềm thức của những những Âu theo thuyết dân tộc thượng đẳng:


Xét cho cùng thì người Pháp chúng tôi chỉ làm việc cho các vị thôi. Chúng tôi đâu có chiếm lấy xứ sở này, mà chúng tôi sẽ cải cách nó.Chúng tôi không làm cho dòng giống này tiêu ma, mà dưới sự điều hành của chúng tôi, dòng giống này chắc chắn sẽ tiến triển về cả số lượng và cả về sự giàu sang. Nước An Nam của các vị là một trong những vương quốc bế quan tỏa cảng hiếm hoi, tưởng rằng mình có thể tự biệt lập được, đây là điều không thể xảy ra trong buổi ngày nay; chúng tôi khai mở xứ này, hòa vào với hoạt động của toàn thế giới, vì lợi ích của nó mà thôi


Nếu bạn không phải là một nhà nghiên cứu cần một góc nhìn từ tâm lí thực dân, có lẽ sẽ khá khó để bạn chấp nhận được cuốn sách này vì những lập luận mang đầy định kiến, góc nhìn của một kẻ bề trên đánh giá một nền văn hóa “thấp”. Tuy vậy, tôi nghĩ tìm hiểu về lí do khảo cứu này sẽ giúp bạn có cái nhìn sâu sắc hơn về công cuộc khai thác thuộc địa của thực dân Pháp. Ngay sau khi chiếm được nước ta, người Pháp đã tiến hành tìm hiểu An Nam trên nhiều mặt, để thỏa mãn tâm lí hiếu kì trước một chủng tộc lạ, và quan trọng nhất là để tìm ra phương hướng cai trị thực dân sao cho hiệu quả nhất đối với dân tộc bị đô hộ này. Người An Nam xuất hiện trong tài liệu của các kí giả, của các nhà cầm quyền, các bản báo cáo, tường trình của công chức cai trị Đông Dương, các học giả nghiên cứu, các nhà truyền giáo, không phải là hiện tượng hiếm thấy. Những mô tả, nhận xét này không hoàn toàn chính xác nhưng chính là cái cách những kẻ phương Tây nhìn vào một dân tộc xa lạ và sa vào cảnh đô hộ cũng một phần do sự trì trệ của việc bế quan tỏa cảng với thế giới đem lại. Cách nhìn ấy có thể không còn là cách nhìn của thế giới ngày nay đối với Việt Nam, nhưng nếu có thể, các bạn hãy thử đọc lại nó với tâm thế thoải mái nhất, để mình có cái nhìn đa chiều hơn về tâm lí, lịch sử, chính trị của dân tộc, biết đâu đó, một nét xấu nào đó của An Nam ngày xưa trong con mắt của người ngoại quốc vẫn còn vương vất trong văn hóa Việt Nam hiện nay, cần các bạn trẻ phản biện, cần các bạn thay đổi và chứng minh với thế giới văn hóa, con người Việt độc đáo và bình đẳng với mọi dân tộc khác trên thế giới này.


UNESCO viết trong tuyên bố “Câu hỏi về chủng tộc” nổi tiếng năm 1950: “Dữ kiện sinh học về chủng tộc và ngộ nhận về chủng tộc cần phải được phân biệt rõ ràng... “Chủng tộc” không phải là một hiện tượng sinh học, mà là một ngộ nhận xã hội. Ngộ nhận chủng tộc đã gây ra tác hại kinh khủng cho loài người và xã hội. Trong những năm gần đây, nó đã gây ra sự hủy diệt nặng nề với sinh mạng con người, gây ra những khổ đau không thể tả xiết


Paul Giran phân tích tâm lí dựa trên đặc điểm nhân chủng học, môi trường sống và địa lí, nghe thì tưởng toàn diện nhưng thực chất diễn giải của ông rơi vào những suy diễn quá đà. Nhãn quan thực dân đã khiến nghiên cứu của ông từ “Tâm lí người An Nam” biến thành những đặc điểm “kém cỏi” của dân tộc An Nam và bao biện cho quá trình cai trị thực dân. 



Paul Giran bắt đầu bằng những đặc điểm nhân chủng học (“sọ ngắn”), nguồn gốc chủng tộc (da vàng, Ấn Độ - Mông Cổ), ông nhiều lần nhắc lại việc lai giống giữa Trung Hoa, Mã Lai và An Nam, môi trường tự nhiên hơi nóng và ẩm. Từ những đặc điểm ấy, tác giả nhanh chóng tiến tới một kết luận khái quát, chủ quan, cảm tính và được nhắc lại nhiều lần trong tác phẩm: cảm tính yếu ớt, vô cảm, dửng dưng, không nổi trội về trí tượng tưởng hay sự cao cả của tinh thần.

Người An Nam sống trong môi trường khí hậu nóng, theo ông, điều này kích thích các dây thần kinh đến cùng kiệt, kích hoạt lưu thông máu và đốt cháy động vật

Chính nguồn gốc thể chất kết hợp vớii ảnh hưởng xấu của khí hậu làm tiêu hao nhanh chóng một con người.Theo Paul Giran, tính dửng dung, bình thản, vô cảm, tàn ác lạnh lùng và vô ý thức, thiếu trí tưởng tượng, trí tuệ trung bình là tổng hòa làm nên tâm hồn của chủng người da vàng.

Bằng chứng đầu tiên cho sự dửng dung này, tác giả dẫn ra việc người An Nam lúc bấy giờ không có bất kỳ sự tiến bộ, sự tinh tế nào trong cách ăn uống. Họ chỉ tập trung vào việc thỏa mãn những gì cấp thiết nhất: cơn đói. Ông cũng không đi sâu vào tự hỏi liệu “cơn đói” này xuất phát từ đâu?


Hầu như tất cả mọi thứ đều có thể ăn được: ếch, chuột, dơi, rắn, thịt, rau củ hoặc thực phẩm bị hư hỏng. Trong chợ, người bán có hai loại giá: một cho hàng tươi, cái còn lại, giá thấp hơn, cho những thứ được bày ra những ngày trước đó


Gia vị sử dụng kèm là nước mắm, theo tác giả là “hương vị và mùi của hỗn hợp này rất kinh khủng đối với người  Âu”. Nhãn quan thực dân và tâm thế coi người da trắng là thượng đẳng, lấy mình làm chuẩn mực đã khiến nghiên cứu của Paul Giran đâm màu sắc chủ quan và những định kiến sai lầm.

Sự dửng dung của người An Nam còn được thể hiện ở sự thiếu tiện nghi về nhà ở và trang phục. Nhà thường được dựng bằng tre và lợp tranh, vô cùng đơn sơ, bẩn thỉu khi mà nơi sinh hoạt của gia đình gần với những con lợn hoặc gia cầm được thả rông, hoàn toàn tự do; một cái ao gần đó và cũng là hồ bơi, là nơi trồng cải xoong lẫn hố ủ phân…

Người An Nam sống cũng rất an phận, với sức cam chịu phi thường, họ chịu đựng những trận đòn tàn khốc nhất của số phận. Không gì có thể làm xáo trộn sự bình tĩnh không hề lay chuyển của họ: kể cả có trút lên họ những nhục hình đau đớn.

Từ những phân tích về mặt tính cách của người An Nam xuất phát từ gốc gác và môi trường sống, tác giả đã nhận định rằng, tâm hồn người An Nam rất khắc nghiệt, ở họ:


Vắng mặt gần như hoàn toàn cái cảm giác ngượng ngùng và thiếu lòng vị tha nơi người An Nam: cảnh tượng một người khỏa thân không hề khơi dậy nơi họ bất cứ ý tưởng xấu nào, họ không thể đồng cảm với nỗi đau hay sự thống khổ của người khác”.


Ngôn ngữ - Tiếng Việt bị ví như cái khung kìm hãm trí tuệ, đơn âm tiết, đa âm điệu, sử dụng những từ bất biến, không chủ từ biến tổ, không biến cách hoặc chia thì; nghĩa thì luôn cụ thể, đặc biệt, gần như không bao giờ trừu tượng, tổng quát: 


Sự nghèo nàn của ngôn ngữ biểu thị sự bần cùng của tư tưởng; ít ý, ít lời; và một lần nữa những từ hiếm này chỉ tạo thành những mô ta rất không hoàn hảo về các đối tượng mà chúng áp cho; nghĩa của chúng vẫn còn mơ hồ và thiếu chính xác


Tác giả cho rằng chính những “khuyết điểm” của ngôn ngữ này khiến chúng ta không thể đạt tới tầm tư duy triết học mà  chỉ có thể tổng hợp kinh nghiệm thực tế, tư duy đơn giản.



Không thể khẳng định tất cả những nhận định của Paul Giran về dân tộc An Nam là sai, tuy nhiên, sự phân biệt, coi thường văn hóa An Nam của ông rất nặng. Theo ông, những biểu hiện của văn hóa An Nam, biểu hiện của một nền văn hóa khác mình là đặc trưng của những nền văn minh dã man, sơ khai, kém phát triển. Điều này, hiện nay chúng ta có thể khẳng định là hoàn toàn sai lầm. 

Đây cũng là điều đáng lưu ý với người đọc: trong bối cảnh hôm nay, cách thức và mục đích khảo cứu của P. Giran sẽ trở nên rất lạc lõng vì giới khoa học nhân văn đang và sẽ cho rằng, không bao giờ có sự cao, thấp, hơn, kém mà chỉ có sự đa dạng và khác biệt ở mỗi nền văn hóa, văn minh dân tộc mà thôi. 

Về cơ bản, nếu loại bỏ sự phân biệt chủng tộc, bài ngoại, cổ xúy chủ nghĩa đế quốc và thuyết ưu sinh da trắng, thì cuốn sách của Giran hầu như sẽ không còn lại gì. Những gì bạn có thể tìm hiểu được là dữ kiện lịch sử về một thời đại dã man của thế giới khi mà chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, thực dân, dân tộc thượng đẳng vẫn còn được chấp nhận công khai. Nếu bạn muốn đọc cuốn sách này, hãy đọc nó để tìm hiểu về tâm lí cai trị, đọc để đảm bảo rằng bây giờ và mãi sau này nữa không còn cơ hội cho những tư tưởng này thống trị thế giới.


Review chi tiết bởi Dương Phương Anh – Bookademy 

______________

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link:

https://www.facebook.com/bookademy.vn

Đăng ký để trở thành CTV Bookademy tại link: http://bit.ly/2Hxkazt

 


Xem thêm

Ở chương thứ II, Paul Giran nói về quá trình tiến hóa về chính trị xã hội của người An Nam. Rất nhiều những quan sát và ghi chép khá đúng về văn hóa dân tộc chúng ta. Như là tài giỏi trong nghề đúc đồng nhưng không có thiên hướng buôn bán. Đúng vậy so với tài buôn bán thì người An Nam chúng ta thì “tuổi hồng sánh vai” so với người Trung Hoa nhé. 😊 Ngoài ra ông còn nhắc đến rất nhiều vấn đề trong văn học, tín ngưỡng, chữ viết…vẫn sặc mùi kỳ thị. Ví dụ như ông cho rằng chữ viết Latin là văn minh hơn hẳn so với chữ tượng hình, ngữ pháp An Nam không có chia thì, chia giống như tiếng Latin. Về văn học thì gieo vần đỉnh như Nguyễn Du trong truyện Kiều thì qua cái nhìn của ông cũng bình thường thôi mà “ hoàng đế, quần thần hồ hởi cười như điên”. Về Tôn giáo, không giống như của người Tây Phương có những lời khuyên dạy để cải thiện đức tính con người. Tôn giáo ở An Nam thờ thần linh, những đồ vật có linh tính, thờ ông cọp, thần sông, thần núi…Ông ghi chép khá đúng nhưng tôi không đồng tình với nhận định của ông. Ông cho rằng là nó thứ tôn giáo ngây ngô. Còn rất nhiều ghi chép và nhận định nhưng tôi không thể liệt kê ra hết trong bài viết này.

Khi cuốn sách được xuất bản đã gây tranh cãi và tức giận cho nhiều người Việt tuy nhiên rằng vẫn không phủ nhận được giá trị lịch sử của nó. Nếu đọc với tinh thần cởi mở thì nó cũng giúp chúng ta hiểu hơn về văn hóa tính cách của dân tộc mình. Ngoài ra, tôi không hài lòng lắm với bản dịch này, tôi chưa đọc bản gốc nên cũng không nhận định được, nhưng bản dịch có một vài chỗ hơi khó hiểu. Tôi viết bài này ở thời điểm người dân Việt Nam đang hướng về Đà Nẵng. Thành phố đang chịu ảnh hưởng nặng bởi sự trở lại của Covid 19. Bình thường thì nhiều người Việt Nam có thể sẵn sàng bán sầu riêng ngâm thuốc, bán thực bẩn cho nhau nhưng khi có một sự cố nào đó, họ rất đoàn kết. Nhưng sự đoàn kết, đồng lòng này phải được khởi nguồn và dẫn dắt bởi nhà nước. Còn nếu để tự do như đi đón giao thừa ở phố đi bộ Nguyễn Huệ thì hôm sau phải tăng cường nhân công vệ sinh công cộng mới dọn hết chỗ rác mà họ để lại.

Ông nhìn người An Nam mặc trang phục đơn giản, ông cho rằng đây là sự miệt thị thân thể. Nước người ta chưa tiền bộ nên cơ sở vật chất tiện nghi trong nhà nghèo nàn, ông cũng cho rằng người An Nam vô cảm. Ông nói “ nhà gì không có cửa sổ, không có cả ống thông khói rồi ông già Noel tặng quà vào đêm Giáng sinh bằng đường nào!”. Là tôi khịa cho vui thôi chứ ông chỉ nói nhà không có ống thông khói, khói thoát ra bằng kẻ hở mái tranh.

Ngoài những nhận định đầy tính thiên kiến như trên thì Paul Giran cũng chỉ ra được vài điều đáng lưu tâm mà tôi cảm thấy khá đúng với người An Nam hiện đại. Đó là người An Nam tin vào thuyết định mệnh nên hầu như họ luôn chịu đựng bất công hay đòn roi với một thái độ nhịn nhục. Điều này do ảnh hưởng bởi văn hóa Trung Hoa cũng như là văn hóa Khổng Giáo đã ăn sâu vào thâm căn cố đế mà cho đến bây giờ vẫn còn tàn tích. Vợ chồng lấy nhau, chồng gia trưởng, đánh đập, bạo hành nhưng người phụ nữ không dám phản kháng và không dám ly hôn vì sợ điều tiếng. Đàn ông là trụ cột gia đình nên nảy sinh quan niệm trọng nam khinh nữ. Bởi vì tin vào vận mệnh, thần linh và chịu sự đồng hóa một thời gian lâu dài của Trung Hoa nên người An Nam rất quỵ lụy và sợ quyền uy. Điều này còn thể hiện cả trong văn hóa gia đình và thường nhật. “ Quân xử thần tử thần bất tử bất trung.” “ Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu.” “ Chồng chúa vợ tôi.”’…Đây là một số quan niệm tiêu biểu thời xưa của dân tộc An Nam. Hình ảnh người cha trong gia đình An Nam rất đáng sợ như một vị thầy tế được tôn kính, vị quan tòa gây sợ hãi. Tất cả không phải là một tình thương tự nhiên của những người trong gia đình mà là bổn phận bị áp đặt bởi truyền thống, tôn giáo…Ở con cái không có tình thương yêu dành cho cha mẹ mà chỉ có lòng hiếu thảo mà thôi. Từ nhỏ đến lớn không biết đến nụ hôn của mẹ là gì. Thật vậy, thế hệ ông bà, cha, mẹ chúng ta trước đây hầu như rất hạn chế thể hiện tình cảm giữa các thành viên trong gia đình. Cha, mẹ không bao giờ thể hiện tình cảm trước mặt con cái, thiếu vắng những cái ôm động viên cha mẹ dành cho con cái và ngược lại. Người An Nam còn bị kìm hãm về cá tính, tự do bởi gia đình. Rộng lớn hơn họ cũng không có nhu cầu biểu đạt quan điểm chính trị, tôn giáo hay xã hội mà phó mặc việc đó cho nhà nước. 

Trong chúng ta, ai đã từng tự đặt những câu hỏi như tại sao người Việt Nam chúng ta có vẻ rất bàng quan với thời cuộc, các vấn đề chính trị xã hội và thường không có tư duy phản biện lại những gì họ tiếp nhận. Tính cách của một dân tộc chịu sự tác động của rất nhiều yếu tố về lịch sử văn hóa, chính trị và môi trường sống. Cuốn sách “ Tâm Lý Người An Nam” của Paul Giran sẽ giúp chúng ta giải thích một vài nguyên nhân trong số đó.

Khi người Pháp bắt đầu công cuộc gọi là “ khai hóa” cho dân tộc An Nam họ bắt đầu tìm hiểu nghiên cứu tính cách, văn hóa nhằm dễ bề thiết lập thể chế chính trị phù hợp để cai trị. Paul Giran sau khi tốt nghiệp trường Thuộc địa, ông được bổ nhiệm làm việc ở Đông Dương. Ông nhận thấy rằng áp đặt lên người An Nam những thiết chế chính trị, tôn giáo và luân lý của người Pháp là không hiệu quả. Thế nên ông đã thực hiện cuộc khảo sát dân tộc An Nam để khám phá ra động lực thâm sâu trong những sinh hoạt cá nhân và công cộng. Nếu ai đã tìm hiểu một chút về người Pháp đều biết rằng họ luôn cho rằng họ là một dân tộc thượng đẳng. Trong cuốn sách này tác giả cũng không che giấu điều đó, tuy nhiên vẫn có nhiều nhận định, đánh giá khá đúng với dân tộc chúng ta.

Ông nhận định rằng chủng tộc và môi trường là hai yếu tố chính tác động đến tính cách của người An Nam. Paul Giran cho rằng người An Nam thuộc cộng đồng người “ Ấn Độ- Mông Cổ” và bị lại trộn bởi hai dân tộc Trung Hoa và Mã Lai. Vào thời bấy giờ từ năm 2400 đến 2225 TCN có bốn bộ tộc man di chiếm ngụ vùng biên giới của Đế Chế Trung Hoa. Ở miền Nam là bộ tộc Giao Chỉ, và người An Nam tự nhận là tổ tiên của mình. Ông nhận thấy người Hoa Nam và người Bắc Kỳ có những đặc điểm tính cách tương đồng nhau như vui vẻ, ồn ào hơn so với người Hoa Bắc. Tuy nhiên do khí hậu An Nam nóng hơn vùng Hoa Nam nên người An Nam có những khiếm khuyết về cơ thể cũng như tinh thần. Ông luôn lặp đi lặp lại rất nhiều lần về khí hậu nóng bức ở An Nam đã khiến cho thần kinh của người An Nam bị suy nhược. Có vẻ như người da trắng sống ở xứ ôn đới như ông khó thích nghi được khí hậu nhiệt đới ở An Nam. Nên ông đã liên tục nhấn mạnh khí hậu là nguồn cơn cho tất cả những khác biệt mà ông nhìn thấy ở người An Nam. Lại là khí hậu, ông cho rằng khí hậu nóng bức đã làm cho cho cơ thể mất hết năng lượng nên người An Nam ù lì, lãnh đạm và vô cảm. Ông dùng ẩm thực thần thánh của người An Nam để minh chứng cho sự vô cảm, tàn bạo của người An Nam. Như trứng vịt lộn, vịt dữa, đuông dừa Bến Tre, ếch, rắn, nhái…Thế chắc Foie Gras thì đại diện cho tính nhân văn của người Pháp. Ngoài ra ông còn dùng ví dụ về những hình thức hành hình ngày xưa như lăng trì, phanh thay để minh chứng cho sự tàn bạo của người An Nam. Vậy chứ những hình phạt của Trung Hoa thì sao, cũng tàn bạo không kém so với những bạo chúa thời La Mã, hoặc ai mà không biết đến sự hung tàn của tộc người Viking. 

Một vài cảm nghĩ của tôi về “Tâm lý người An Nam” có lẽ đôi chỗ sẽ thiên về “cảm” hơn là “nghĩ”. Vậy nên tôi mong bạn sẽ trực tiếp tìm đọc.

Thông qua tác phẩm, tôi tin bạn đọc sẽ được dịp “ôn cố tri tân”. Nếu nhìn nhận tích cực, thì chúng ta thật may mắn khi có ai đó dành thời gian, công sức nghiên cứu để tìm ra những ưu điểm và quan trọng hơn là các khuyết điểm để chúng ta kịp thời nhận thức, sửa chữa.

Nếu quan tâm về đặc điểm của dân tộc và muốn có thêm các góc nhìn giá trị (nghe người nước Nam nói về xứ An Nam), thì bạn đọc nên tìm hiểu thêm các tác phẩm căn bản của các học giả trong nước như: “Việt Nam văn hóa sử cương” (Đào Duy Anh), “Việt Nam phong tục” (Phan Kế Bính), “Văn minh Việt Nam” (Nguyễn Văn Huyên), “Hội hè lễ tết của người Việt” (Nguyễn Văn Huyên), Cơ sở văn hóa Việt Nam (Trần Quốc Vượng), Cơ sở văn hóa Việt Nam (Trần Ngọc Thêm).

Mỗi dân tộc đều có lịch sử. Trong đó gồm có cả những trang sử vẻ vang và những chương hồi ảm đạm. Quá khứ luôn có nhiều bài học bổ ích, nhưng hiện tại mới cung cấp các cơ hội để chúng ta có những hành động thay đổi, vươn đến sự hoàn thiện hơn.

Tôi sẽ không bàn luận nhiều vào các mặt tích cực, mặc dù tác giả có đề cập đến. Chẳng hạn như ông nhận thấy dân tộc An Nam có tính bền bỉ và sức chịu đựng phi thường, khả năng thích nghi, bắt chước rất ấn tượng. Điều khiến tôi quan tâm là những khám phá đã từng đúng và đến nay, dường như tôi vẫn thấy đúng, dù chúng là những trở lực ngăn cản sự phát triển, rất đáng bị loại bỏ.

“Người An Nam không kiên định. Họ bắt đầu vô cùng hăng hái một công việc hợp ý họ, họ khởi đầu tốt trong bất kỳ nghề nào; nhưng sau một vài tháng, nhiều nhất là vài năm, họ mệt mỏi, chán ghét, bỏ bê công việc và thường bỏ ngành nghề của mình, dù sau này vẫn phải làm tiếp khi nghèo đói. Người An Nam không có sự kiên trì, họ không thích quy tắc: họ thích hành sự tùy hứng, không nhất quán, không suy nghĩ thấu đáo.” (trang 86).

Đây đúng là những “viên thuốc đắng”, nhưng dù mất lòng, đó vẫn là sự thực. Đặc biệt trong lĩnh vực nghề nghiệp, chúng ta có thể dễ nhận thấy tư tưởng “làm gì cũng được, miễn là kiếm ra tiền” đang dần dần trở nên phổ biến hơn, kéo theo là tình trạng “nhảy việc”, ào ạt rủ nhau khởi nghiệp rồi lại lũ lượt theo nhau chơi chứng khoán, tiền ảo và thậm chí là liều lĩnh “hớt ngọn”: tự trở thành các “chuyên gia” hay các “nhà đầu tư” mà không hề có kinh nghiệm, kiến thức thực sự.

Hiếm người nào chú tâm làm tròn, bồi dưỡng chức nghiệp đến mức tinh thông mà luôn canh cánh tư tưởng rẽ ngang, đi tắt để gia tăng thu nhập. Thậm chí đôi lúc chấp nhận bỏ bê chuyên môn và sự chuyên nghiệp. Tôi nghĩ đặc điểm tâm lý này chính là lý do khiến một bộ phận không nhỏ hiếm khi đạt được những thành tựu sự nghiệp bền vững.

Ở người An Nam, trái lại, biếng nhác là một tình trạng bình thường; năng động, mới là điều bất thường. Ý chí cùn nhụt của họ chỉ có thể thể hiện theo một hướng: thụ động (trang 86)

Điểm tiếp theo Paul Giran đã nhận xét đúng và đáng buồn là hiện tại vẫn đúng với một bộ phận nhất định. Sự thụ động gặm nhấm con người và đưa họ đến với những lựa chọn dễ dàng ở thời điểm trước mắt, nhưng là khởi đầu tất yếu cho hành trình gian khó sau này. Tôi nhận thấy tâm lý chung ở các tập thể vẫn phảng phất bóng dáng của sự chờ đợi, lối chờ đợi theo kiểu “chờ đợi Godot” (vở kịch của Samuel Beckett, có nội dung chính kể về hai người đàn ông chờ đợi một nhân vật không quen, rất có thể là không có thật, tên Godot. Kết thúc vở kịch thì Godot không đến): đợi vì người khác cũng đợi, đợi cho mọi việc tự xảy đến, tự qua đi, đợi có ai đó cứu vớt cuộc đời hay nói rõ cho bản thân biết là cần phải làm gì.

Cờ bạc, như chúng tôi đã nói, là cám dỗ không thể cưỡng lại với người An Nam (trang 92)

Đây là điểm cuối cùng tôi muốn dẫn ra để bạn đọc cùng suy ngẫm. Cờ bạc là tệ nạn xã hội dễ nhận ra, nhưng tôi cho rằng thứ tư duy ẩn đằng sau tệ nạn ấy mới là điều đáng sợ: ham làm giàu nhanh, quen “ăn xổi ở thì”, “được ăn cả, ngã về không”.

Trong xã hội đương đại, tư duy cờ bạc này khiến rất nhiều người lâm vào cảnh thân bại danh liệt, xa rời sự đường hoàng tử tế và lối làm ăn chân chính trong cuộc sống.

Để kết lại bài review này, tôi muốn lưu giữ một nhận định rất sáng suốt mà tôi nghĩ mình cần tiếp thu và học hỏi từ Paul Giran trong các hoạt động nghiên cứu về văn hóa giáo dục: Sự tiến hóa tình cảm có liên kết chặt chẽ với sự tiến hóa trí tuệ. Duy nhất, chỉ trong các phương pháp phân tích, cần thiết cho mọi nghiên cứu tâm lý, chúng ta mới tách ra những yếu tố vốn dĩ luôn kết hợp với nhau trong tự nhiên (trang 82)

Điểm đầu tiên, Paul Giran khẳng định về bản chất của người An Nam vốn dửng dưng và thơ ơ (trang 61) là điều đầu tiên mà chúng ta cần xem xét. Bởi sự dửng dưng và thơ ơ của người An Nam với thực dân Pháp là điều hoàn toàn bình thường. Nếu họ nồng nhiệt chào đón những con người xa lạ đến đánh chiếm đất nước mình với điệu bộ trịch thượng, thì mới bất thường.

Lịch sử của người An Nam gắn liền với công cuộc giữ nước gian truân, phải liên tục vật lộn giữa chiến tranh, đô hộ, mưu toan đồng hóa, tự chủ rồi lại chiến tranh. Nên tâm thế tất yếu của họ sẽ thiên về sự cảnh giác trước những kẻ ngoại tộc. Những đối tượng sẵn sàng mang vũ khí đàn áp, tàu to súng lớn đến để thay đổi cuộc sống tự nhiên của họ dĩ nhiên sẽ không dễ dàng nhận được thiện cảm. Tự thân người An Nam thường cũng không có nhu cầu gần gũi hay chia sẻ cảm nghĩ thực sự của mình với những người xung quanh.

Bên cạnh đó, đặc điểm tính cộng đồng và tính tự trị trong các làng xã rất cao, càng tạo ra thêm khoảng cách phòng thủ với thế giới bên ngoài. Vì vậy, các nhà nghiên cứu không phải lúc nào cũng có thể thâm nhập, tìm hiểu xem bản chất của cộng đồng này thực sự là gì, nếu chưa bỏ ra thời gian, công sức để nhận được sự tín nhiệm. Vậy nên tôi nghĩ kết luận về bản chất của người An Nam của Paul Giran ở đây đang phiến diện, có phần vội vàng.

Điểm thứ hai, trong quá trình khảo sát, nghiên cứu, không phải lúc nào tác giả Paul Giran cũng hiểu thấu đáo, khách quan những điều ông thấy. Một phần nguyên nhân đến từ sự đồng cảm tương đối lớn của ông với nhận xét của các nhà nghiên cứu đi trước (ví dụ như Alfred Fouillé, Gustave Lebon). Điều này giúp ông tự tin vào các phán đoán của mình hơn, thoải mái khi viện dẫn cơ sở cho những lý giải của bản thân hơn. Nhưng cũng chính điểm này, ở đôi chỗ đã khiến ông xa rời thực tế và các ý nghĩa thực sự ẩn sau các sự kiện hơn.

Tiêu biểu cho lối tiếp cận chủ quan, ông nhận xét:
Những câu tục ngữ xuất hiện rất nhiều ở An Nam, chúng ở nơi cửa miệng, được treo trên cửa và tường nhà. (Trang 127)
Một thể loại khác cũng rất phổ biến là ca dao; tuy nhiên, giá trị của loại này rất kém, dạng thức các bài hát luôn khá thô. (Trang 127)

Ở phần chân trang, người biên tập sách đã chú thích thêm rằng có lẽ tác giả Paul Giran đã nhầm lẫn giữa tục ngữ/thành ngữ với các câu đối. Điều này nảy sinh nghi vấn trong tôi là ông có thực sự trò chuyện với người chủ nhà để tìm hiểu những điều ông thấy không? - hay chỉ lững thững đút tay vào túi quần, nhìn ngang ngó dọc một hồi rồi chắp bút viết. Bởi thường thì con mắt của một lữ khách du lịch sẽ khác với con mắt của một nhà nghiên cứu. Mặc dù, tôi thấy ý tưởng treo tục ngữ, thành ngữ thay cho câu đối cũng khá thú vị.

Nhận xét của ông về ca dao cũng theo lối mòn của hệ quy chiếu về “giá trị” (thường được hiểu đơn giản là “sự tiện nghi”- tính chất thực dụng điển hình của nhà tư bản). Ông liên tục so sánh những giá trị văn hóa nội sinh của người An Nam với các giá trị của người Âu. Từ “ăn, mặc, ở” đến các sáng tạo tinh thần đều bị đánh giá là thô sơ, yếu kém. So sánh khập khiễng, mang tính chất phân biệt này đã tạo nên khoảng trống tương đối lớn- bởi có lẽ trong ông, đôi lúc nhà nghiên cứu phải im lặng để nhường lời cho nhà cai trị.

Mặc dù vậy, Paul Giran vẫn có những khám phá đáng chú ý trong đặc điểm tâm lý của dân tộc An Nam.

“Tâm lý người An Nam” ra đời nhằm mục đích phục vụ cho tầng lớp cai trị. Thời điểm (đầu thế kỷ XX, cụ thể là năm 1904) và bối cảnh (nhân danh “khai hóa văn minh”, thực dân Pháp xâm lược Việt Nam) của cuốn sách này gắn với quá trình khai thác thuộc địa của thực dân Pháp. Là một quan chức cai trị thuộc địa Pháp, Paul Giran đã thẳng thắn thừa nhận mục đích của nghiên cứu này:

“Ngày nay, rõ ràng để cai trị tốt một dân tộc, trước tiên phải học hỏi tìm hiểu, phải biết rõ, phải thấu đáo tâm hồn, thần minh của họ” (trang 28).

Với vai trò phụng sự nhà cai trị, cộng thêm tinh thần nương theo lý thuyết khuếch tán văn hóa, phân ra sự cao thấp trong văn hóa và đồng nhất “khai hóa văn minh” và “cai trị tốt”, cuốn sách này thấm đẫm nhận thức đến từ các động cơ chủ quan, vị lợi, mang tính ngộ nhận “bề trên”. Nhưng vẫn không quên chất lãng mạn theo kiểu Pháp với lời đề tặng đầu tập sách của tác giả: “Dành tặng vợ yêu, cộng tác viên tận tâm của anh”. Tuy nhiên, cá nhân tôi nghĩ vẫn có những nội dung giá trị, đáng để chúng ta lưu tâm. Bởi các nhà dân tộc học người Pháp có một ưu điểm là thường dành thời gian điền dã, khảo sát thực địa thay vì lựa chọn lối “nghiên cứu ghế bành” (ngồi một chỗ đọc sách rồi viết các công trình). “Tâm lý người An Nam” có những sự thực mà đến nay vẫn đang thực sự tồn tại trong đặc điểm tâm lý của chúng ta, mà ở phần sau của bài review này, chúng ta sẽ cùng nhau đối diện.

Để nhận được giá trị tích cực từ sách, bạn đọc nên có những kiến thức căn bản về văn hóa - con người Việt Nam. Cá nhân tôi nghĩ đối tượng độc giả phù hợp tối thiểu cũng là các sinh viên thuộc khối ngành học xã hội nhân văn. Thêm vào đó, bạn đọc cũng cần duy trì tư duy phản biện, thay vì thâu nạp thông tin một cách ồ ạt, thiếu chủ kiến.

Cuốn sách khoảng gần 200 trang, được chia làm hai phần chính: “Đặc điểm quốc gia” và “Tiến hóa của dân tộc An Nam”. Bản sách tôi đọc được phát hành bởi thương hiệu Omega Plus, nằm trong “Tủ sách hiểu Việt Nam qua tư liệu Pháp ngữ”.