Có một người bạn của mình mong ước rằng năm mới thì sẽ học được bài học chấp nhận chính bản thân của mình, bài học rằng giúp bạn ấy không phải chạy đi tìm hạnh phúc nữa. Sự thực là trong cuộc sống hiện tại, chúng ta ai cũng nghĩ về khái niệm hạnh phúc, đặc biệt là với những người trẻ chúng ta, có thể đang ngày ngày tới trường, cũng có thể đang làm một công việc nine-to-five, hoặc cũng có thể đang ở một nơi rất xa xôi mà mình không biết bạn là ai. Nếu một khi chúng ta còn mong muốn phải chạy theo một cái gì đó, thì chúng ta còn chưa đạt tới khái niệm hạnh phúc. Muốn an được an mang cho chúng ta những khả năng để đơn giản hóa những mong muốn của chúng ta, qua đó câu chuyện về sự hạnh phúc cũng chẳng phải là một thứ xa xôi, mà lại là những điều gần, rất gần.

Muốn an được an như thế nào?

Nói nhiều hơn về tựa sách, chúng ta là những con người bình thường vậy thì đâu phải là muốn cái gì là được cái đó, cuộc đời không phải là toàn màu hồng. Thực tế thì chính những suy nghĩ ấy đang làm bước cản trên con đường chúng ta muốn. Chúng ta muốn gì không quan trọng, điều đầu tiên là chúng ta phải muốn. Đơn giản vậy thôi, việc ta nhắn tin gì cho người ta yêu không quan trọng, quan trọng là chúng ta có muốn hay không. Vậy nên, khi bản thân chúng ta theo đuổi sự bình an, thì chúng ta phải có sự bình an trước đã. Hay nói cách khác, là hãy đi tìm sự bình an ở chính trong tâm hồn của mình.

Cuốn sách dành cho ai?

Muốn an được an là cuốn sách thiên về giáo dục Phật Tâm, nên sẽ có nhiều khái niệm và định nghĩa được hiểu theo ngôn ngữ của Phật giáo. Là một đọc giả tìm đọc cuốn sách này, chúng ta cần cảm nhận cuốn sách dưới góc nhìn của Phật giáo. Là một cuốn sách phù hợp với những ai đang cần được lắng nghe, chia sẻ. Cuốn sách cũng phù hợp với những ai nghiên cứu về Phật Tâm, và tìm hiểu về bản chất của sự an nhiên. Muốn an được an không phải là một cuốn sách vừa đọc vừa chiêm nghiệm, thực hành, mà là một cuốn sách giúp chúng ta tiến gần hơn với thế giới của bản ngã, nhìn sự việc dưới góc độ bao dung, trân quý, hiểu và thương.

Cuốn sách như thế nào với một người đã đọc?

Muốn an được an với cá nhân mình, đem lại bài học về sự bình tĩnh. Khi đứng trước một sự việc bất ngờ xảy ra trong cuộc sống thì việc đầu tiên là phải hiểu nó. Và nếu để đi sâu vào phân tích vấn đề trên góc độ Phật giáo, Muốn an được an cung cấp những góc nhìn nhân văn và giá trị đời thực. Mình xin được trích một câu dẫn đắt giá này: Nếu tự thân ta không có hạnh phúc, bình an, thì ta không thể hiến tặng hạnh phúc và bình an cho ai được, kể cả những người ta thương, những người ta cùng chung sống trong một gia đình. Có bình an hạnh phúc thì chúng ta sẽ mỉm cười và xinh tươi như một bông hoa, khi đó mọi người xung quanh ta ai cũng được thừa hưởng.

Qủa thực, câu nói ấy đúng, khi ta nhìn một nụ cười của những người mà ta gặp, chỉ cần một chút tinh ý ta có thể thấy được nụ cười đó xuất phát từ sự hạnh phúc hay không, xuất phát từ bên trong tâm hay không.

Tác giả, thiền sư Thích Nhất Hạnh, là một vị thiền sư, tác giả không chỉ nổi tiếng ở Việt Nam mà còn ở các quốc gia phương Tây. Nhưng cuốn sách của thiền sư như là món quà quý của giới Phật Tử trong và ngoài nước, cũng như những bài học đắt giá về giá trị con người thực dưới góc nhìn của Phật giáo.

Nội dung của Muốn an được an chứa đựng rất nhiều những câu chuyện giá trị để thay đổi góc nhìn của mọi người tới bất cứ một điều gì đang xảy ra, thế nên bài review này sẽ tập trung vào 02 mục chính, là cốt lõi của việc thực tập Phật pháp trong cuốn sách.

1.     Cuộc sống không chỉ có khổ đau.

Thừa nhận rằng con người thường buồn phiền vì một nỗi buồn nhiều lần, chứ không bao giờ vui vì một niềm vui nhiều lần cả, nên cuộc sống với mỗi cá nhân thường đem lại những cảm giác khó chịu, khổ đau. Do đó mỗi khi cuộc sống gieo cho chúng ta những màu xám, thì ta phải nhớ rằng có cả những màu sáng đang ở xung quanh, đó là những màu nhiệm của cuộc sống. Nó có mặt ở khắp mọi nơi, có thể đó là bầu trời xanh, là bông hoa tỏa nắng ấm. Do đó, chúng ta không cần phải đi tới tận Trung Hoa để ngắm bầu trời, chúng ta không cần phải đi tới tương lai để ngắm những bông hoa. Cuộc sống làm chúng ta quá bận rộn để không có thời gian nhìn ngắm những người ta thương, không có thời gian để nhìn lại chính mình, không có thời gian để trở về tiếp xúc với bản thân, dần dần ta chạy theo những thứ tưởng như là làm cho mình có cảm giác vui, nhưng khi có đầy đủ thời gian xem lại, ta lại chẳng có gì ngoài những mối quan hệ đổ vỡ, những tâm hồn đầy sứt sẹo. Muốn an được an cho độc giả nhìn nhận về một thế giới tỉnh thức. Chẳng hạn, khi thấy một nụ cười của người bạn nào đó, chúng ta khen họ cười thật đẹp, họ đáp lại là cảm ơn. Nhưng thực chất đó là tự nhiên của họ, nên họ không cần thiết phải cảm ơn, mà người cảm ơn là chính chúng ta vì đã được thấy những cảnh đẹp như vậy. Chúng ta nên cảm ơn những thứ xảy ra trong cuộc sống của mình ở hiện tại, dù đó có là một khắc khổ, thì ta cũng trưởng thành nhiều hơn.

2.     HIỂU và THƯƠNG

Nguồn gốc của sự hiểu?

Có một câu chuyện thế này: Một người đàn ông góa vợ, rất yêu thương người con của mình. Một hôm giặc đến làng, và đốt sạch toàn bộ nhà cửa, và bắt cóc đứa con trai của ông.

Ông về nhà thấy xác cháy của một đứa trẻ khác, và khóc than. Sau đó ông đem hóa tro cốt cái xác ấy và cho vào một túi lụa, đi tới đâu, làm gì ông cũng mang theo.

Đứa con của ông bị bắt cóc một ngày trốn thoát và về căn nhà mới ông đã làm. Nó liên tục gõ cửa nói: "Con đây ba, ba mở cửa cho con”. Nhưng ông nghĩ là bọn trẻ trong làng thấy vậy trêu trọc mình. Ông không ra mở cửa. Nhiều lần như thế, người con trai đành bỏ đi. Sau đó, hai cha con không gặp nhau nữa.

Từ câu chuyện trên có thể thấy, những gì mình biết chưa chắc đã là đúng hoàn toàn. Do đó, bảo vệ kiến thức không phải là cách hiểu biết đúng đắn. Hiểu nghĩa là buông bỏ kiến thức của mình. Việc này cũng giống như con người leo thang, khi ta leo tới bậc thang thứ 5, ta nghĩ đó là bậc thang cao nhất, và không tìm cách leo lên bậc thang thứ 6, ta sẽ mãi ở bậc thang thứ 5 mà thôi. Cách hay nhất ở đây, là ta phải chấp nhận và buông bỏ nấc thang mà ta đang đứng. Theo đạo Bụt, muốn hiểu thì ta phải có khả năng buông bỏ những quan điểm, kiến thức của ta.

Hiểu nghĩa là biết buông bỏ.

- Nguồn gốc của khổ đau:

Khi nhìn vào bầu trời đêm, các bạn có thể thấy rằng một vì sao rất đẹp, chúng ta rất hạnh phúc, nhưng các nhà khoa học lại chứng minh ngôi sao đó đã tắt từ 10 triệu năm rồi. Hoặc khi chúng ta nhìn thấy một hoàng hôn rất đẹp, rất phấn khích. Nhưng những gì chúng ta thấy đó, chỉ là mặt trời của 8 phút trước. Kỳ thực, thì chúng ta không bao giờ thấy được mặt trời trong giây phút hiện tại, vì phải mất 8 phút thì tia sáng mặt trời mới đi tới chúng ta

Một ví dụ khác, khi chúng ta đang đi bộ ngoài trời và thấy một con rắn, chúng ta hét lên. Nhưng khi soi đèn pin vào thì thấy rằng đó chỉ là một sợi dây. Chúng ta chợt bình tĩnh trở lại. Tất thảy những nhận định trên được gọi là tri giác sai lầm, nó xảy ra rất thường xuyên trong cuộc sống hiện tại của chúng ta, nó là nguồn gốc của những khổ đau. Bởi vì ta chưa hiểu đủ.

Trong cuộc sống hàng ngày chúng ta chưa hiểu đủ, nên chúng ta đổ lỗi cho những gì đã xảy ra với cuộc sống của mình, đó là một dạng khổ đau.

Để hiểu được cái gì đó, thì chúng ta phải là một phần của cái đó trước. Từ đó, chúng ta chỉ có thương thôi, chứ không còn những giận dữ, khổ nhọc. Bởi vì, hiểu và thương là một, chứ không phải là hai khái niệm khác nhau.

Có một ví dụ: Một người anh trai thức dậy buổi sáng đã nghĩ đánh thức em gái dậy để cùng đi học, nhưng mà em gái nói: "Anh im đi, để yên em ngủ" và đạp cho anh một cái. Người anh trai có thể giận dữ nghĩ rằng: "Mình đã nhắc nó nhỏ nhẹ, vậy là nó lại đá mình." Nhưng đứa anh nghĩ, tối qua em mình ho nhiều có lẽ hôm nay nó bị ốm, từ đó hiểu ra câu chuyện, đứa anh trai thương nhiều hơn.

Mỗi câu chuyện đều mang những ý nghĩa tỉnh thức, nếu trong một sự hiểu lầm có ai đó lặng lại một chút để làm dịu đi vấn đề thì ngày hôm nay đã không phải có hậu quả như thế. Muốn an được an cho đi sự tỉnh thức về hiểu và thương, có hiểu thì mới có thương. Mọi việc tới với chúng ta đều có nguyên nhân của nó, và nếu chịu tìm hiểu nó thì con người chỉ có thương mà thôi. Qua đó, con người có thể tránh được nhiều rắc rối.

Hiểu Thương luôn đi kèm cùng nhau. Vậy nên để được người khác thương thì mình phải trở nên dễ thương. Và cách duy nhất để thương được người khác thì ta phải

hiểu được người ta. Trước hết ta cần tĩnh (ĐỊNH) để tập trung.

Nếu một học sinh muốn làm bài tập tốt phải ngừng nhai kẹo, ngừng nghe nhạc. Nếu chúng ta muốn hiểu ai đó, ta phải ngưng lại tất cả những thứ làm ta sao nhãng. Thực tập ĐỊNH cũng như vậy, giúp ta tập trung tâm ý vào một vấn đề nào đó. Ta nhìn sâu vào một vấn đề, không nghĩ về quá khứ, không nghĩ về tương lai, khi đó ta có khả năng hiểu được tình trạng bản chất của nó. Ta có thể thấy được những khổ đau, và ta chỉ muốn hiểu tại sao sự việc lại xảy ra như thế.

Càng hiểu ta lại càng thương hơn.

Ví dụ khi ta trồng cây mà nó không lên, ta không thể trách cây được, có thể là vì nó thiếu phân bón hoặc thiếu nước, hoặc bớt ánh nắng mặt trời. Ta không bao giờ phàn nàn với cái cây. Nên với con người cũng vậy, không nên đổ lỗi, trách móc, chỉ tìm hiểu thôi. Nếu ta hiểu được vấn đề, thương được người ấy thì tình cảnh sẽ đổi thay.

Lời Kết.

Muốn An Được An, là cuốn sách chứa đựng nhiều ý niệm, giúp độc giả tỉnh thức và buông bỏ nhiều tri giác sai lầm vốn thường thấy trong cuộc sống hàng ngày, buông bỏ rồi, chúng ta sẽ có nhiều thời gian tập trung vào giây phút hiện tại, thay vì muốn sự việc phải như ý mình, thì chúng ta hiểu được và được thương. Tỉnh thức, với độc giả và đặc biệt với Phật tử là những điều kiện tiên quyết trong một xã hội đưa đẩy con người, nếu không có tỉnh thức để bình an nội tâm, thì con người dễ bị lay động bởi ngọn gió xoáy của thế giới. Muốn an được an cho thấy mọi sự việc xung quanh cuộc sống đều có ý nghĩa, buồn đau cũng mang ý nghĩa của buồn đau, mà hạnh phúc cũng vậy, điều quan trọng là con người phải có tỉnh thức, hiểu và thương yêu.

Tác giả: G - Br 

______________

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy

Đăng ký để trở thành CTV Bookademy tại link: http://bit.ly/bookademy_ctv

Xem thêm

“Càng quan sát, chúng ta càng hiểu. Càng hiểu biết, chúng ta càng dễ có lòng trắc ẩn và tình thương. Hiểu biết là cội nguồn của tình yêu. Hiểu biết chính là tình yêu”. Cuốn sách này vô cùng truyền cảm hứng và sâu sắc. Thích Nhất Hạnh viết một cách đơn giản và đẹp đẽ, giới thiệu cho chúng ta những lời dạy của Phật giáo và cách sử dụng những lời dạy và hướng dẫn này trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Anh ấy giáo dục chúng ta cách sống hòa bình hơn và làm việc vì hòa bình để làm cho xã hội của chúng ta đáng sống hơn; một xã hội mà con người ý thức được mình và muôn loài. Tác giả giới thiệu những lời dạy này một cách phổ quát và khuyến khích chúng ta đưa ra những quyết định có ý thức trong cuộc sống hàng ngày. Đây không phải là một cuốn sách tôn giáo, mà là một cuốn sách về cách tìm kiếm hòa bình, trở thành hòa bình và hành động vì hòa bình bằng cách sống trong hiện tại, hít thở và nhận thức về bản thân và mọi người. Nếu trong cuộc sống hàng ngày chúng ta có thể mỉm cười, nếu chúng ta có thể bình yên và hạnh phúc, thì không chỉ chúng ta mà tất cả mọi người đều được lợi ích từ đó. Đây là cuốn sách nói về hòa bình cơ bản nhất.

Tôi giữ sách của Thích Nhật Hạnh trong hộp sách của mình nhưng tôi không đọc nữa. Tôi thường nghĩ về tác giả, kể từ khi thầy bị đột quỵ. Mặc dù vậy, thầy đã làm được, nhưng tôi không thể biết thầy giờ thế nào. Theo những gì tôi biết thì tác giả vẫn còn sống, là một người đã ở tuổi xế chiều nhưng rất khôn ngoan. Có những ngày khi đi dạo trong rừng, tôi cố gắng hít vào rồi lại thở ra trong sự an tĩnh, nhưng đã nhiều năm trôi qua nên bây giờ tôi nghĩ nhiều hơn về những gì mọi người đang trải qua trên thế giới và những thay đổi đang diễn ra trên hành tinh này, và tôi quá buồn khi nghĩ đến hòa bình. Hôm qua, khi tôi đi qua khu rừng, những chiếc lá rơi. Lần đầu tiên tôi có thể nhớ được rằng tôi thực sự nghe thấy tiếng chúng rơi. Chúng rơi như mưa giấy trên nền rừng. Có lẽ Mẹ Trái Đất cũng đã nghe thấy. Tôi chỉ biết rằng, những ngày này cô ấy khóc quá nhiều và có lẽ không còn nghe thấy gì nữa. Có lẽ cũng như tôi, cô ấy chỉ đang nghe thấy nỗi đau của chính mình. Và tôi chỉ ước rằng mình có thể hít vào bình yên và thở ra bình yên một lần nữa.