Một trong những nguyên
nhân khiến người giàu ngày càng giàu, người nghèo ngày càng nghèo, còn giới
trung lưu thì thường mắc nợ… chính là vì chủ đề tiền bạc thường được dạy ở nhà chứ
không phải ở trường. Hầu hết chúng ta học cách xử lý tiền bạc từ cha mẹ mình và
thường thì người nghèo không dạy con về tiền bạc mà chỉ nói đơn giản là: “Hãy
đến trường và học cho chăm chỉ.” Và rồi đứa trẻ có thể tốt nghiệp với một số
điểm xuất sắc nhưng với một đầu óc nghèo nàn về cách quản lí tiền bạc, vì
trường học không dạy về chuyện tiền nong mà chỉ tập trung vào việc giáo dục
sách vở mà không nói gì về kỹ năng tài chính.
Nhà xuất bản trẻ
Robert
Kiyosaki được biết đến với tư cách là một doanh nhân, nhà đầu tư, nhà đào tạo
đồng thời là một tác giả. Kiyosaki nổi tiếng bởi cuốn sách Rich Dad, Poor Dad (Cha Giàu, Cha Nghèo).
Ông đã viết 18 cuốn sách, bán tổng cộng 26 triệu bản. Ba trong số các cuốn sách
của ông là Rich Dad Poor Dad, Rich Dad’s
CASHFLOW Quadrant và Rich Dad’s Guide
to Investing đã từng được xếp vào top 10 cuốn sách bán chạy nhất cùng một
thời điểm trên The Wall Street Journal, USA Today và New York Times.
Cuốn
sách Dạy con làm giàu – Tập 1 là cuốn
đầu tiên trong loạt sách Cha giàu, cha
nghèo của Nhà xuất bản trẻ. Cuốn sách là một câu chuyện, chủ yếu nói về sự
giáo dục mà Kiyosaki đã nhận được tại Hawaii.
Người cha nghèo trong câu chuyện là cha thật của
Kiyosaki, có bằng PhD, tốt nghiệp từ Stanford, Chicago và đại học Northwestern. Với tất cả sự
uyên thâm đó, ông trở thành người đứng đầu ngành giáo dục bang Hawaii. Theo
cuốn sách, ông được mọi người rất tôn trọng cho tới khi, giai đoạn cuối sự
nghiệp, ông quyết định chống lại thống đốc bang Hawaii. Điều đó trực tiếp
khiến người cha nghèo mất
việc, và không bao giờ còn khả năng tìm lại được công việc có vị trí như vậy
nữa. Bởi vì ông ta chưa bao giờ được học về cách tự do về tài chính, ông ta
chìm trong nợ nần chồng chất.
Đối
lập với nhân vật đó là người cha
giàu, bố của Mike, người bạn thân nhất của Kiyosaki. Người cha giàu bỏ học từ lớp 8, nhưng
lại trở thành một triệu phú. Ông ta dạy Kiyosako và Mike rất nhiều bài học về
tài chính, và luôn nói rằng các cậu phải học để tiền làm việc cho chính các cậu
chứ đừng tiêu hết tiền kiếm được cho cuộc sống hàng ngày, giống như những nhân
công của người cha giàu, cũng như người
cha nghèo, và hầu hết mọi người trên thế giới.
Cuốn
sách đã nêu bật vị trí khác nhau của đồng tiền, sự nghiệp và cuộc đời hai người
đàn ông, và họ đã làm thế nào để thay đổi các quyết định trong cuộc đời của
Kiyosaki.
Cuốn
sách gồm có 9 chương nói về 6 bài học quan trọng về tiền bạc.
Bài học số 1: Người giàu
không làm việc vì tiền
Người
nghèo và tầng lớp trung lưu làm việc vì tiền bạc. Người giàu buộc tiền bạc làm
việc vì mình.
Bài học bắt đầu với thỏa thuận của người cha giàu: “Ta sẽ
trả cho các con 10 xu một giờ.” 10 xu ư, ngay cả vào những năm 1956, 10 xu vẫn
là quá thấp, trong khi đó hai cậu bé phải làm việc 3 giờ vào mỗi thứ Bảy. Suốt
ba tuần, Kiyosaki đã phải làm việc vất vả. Cuối cùng cậu đã đến gặp cha của
Mike và phàn nàn về công việc của mình. Cậu nghĩ rằng người cha giàu không giữ
lời hứa, cha đã không dạy cho cậu bất cứ thứ gì ngoài việc bóc lột sức lao động
của mình. Nhưng bạn có biết kết quả của cuộc thỏa thuận này là gì không? Cậu
không những không được tăng lương mà còn phải làm việc cật lực hơn mà không
được trả bất cứ một đồng tiền nào. Nhưng cũng chính vì làm việc không lương mà
cậu đã hiểu ra bài học mà cha của Mike muốn dạy cho cậu. Nếu như cậu đi làm với
mục đích là 10 xu thì cậu sẽ bắt đầu trở nên tham lam và mong muốn có nhiều
tiền hơn thế, cậu sẽ tiếp tục cái vòng luẩn quẩn gọi là Rat Race, cái khuôn mẫu
của việc thức dậy, đi làm, trả hóa đơn, thức dậy, đi làm, trả hóa đơn... Không
được trả lương cho công việc ở cửa hàng, hai cậu bé đã bị buộc phải suy nghĩ để
tìm ra cơ hội để kiếm tiền mới. Khi bắt đầu kinh doanh, mở cửa hàng truyện
tranh, hai cậu đã tự quản lí vấn đề tài chính của mình, không còn phụ thuộc vào
một ông chủ nào khác nữa. Họ đã học được cách buộc tiền bạc phải làm việc cho
mình.
Bài học số 2: Tại sao phải
dạy con về tài chính
Vấn đề
không phải bạn kiếm được bao nhiêu tiền mà là bạn giữ được bao nhiêu tiền.
Trong bài học này tác giả đưa ra 2 khái niệm: tài sản và
tiêu sản.
Người giàu kiếm được tài sản còn người nghèo và trung lưu
chỉ kiếm được tiêu sản.
Ví dụ cho tiêu sản là: giấy nợ, công trái tiêu thụ, thẻ
tín dụng… Ví dụ cho tài sản: cổ phần, ngân phiếu, giấy ghi nợ, bất động sản,
bản quyền sở hữu trí tuệ… Nghe có vẻ đơn giản nhưng không phải ai cũng có thể
phân biệt hai khái niệm này và đó là lí do khiến họ không thể giàu lên được.
Người nghèo coi ngôi nhà là một tài sản còn người giàu coi nó là tiêu sản bởi
nó làm cho tiền ra khỏi túi nhiều hơn. Vì thế điều quan trọng nhất đó là phân
biệt được hai khái niệm tiêu sản và tài sản. Nếu ngay từ khi còn nhỏ, chúng ta
đã được dạy về việc quản lí tài chính chúng ta sẽ có thể giảm tối thiểu việc rơi vào cảnh bị
đồng tiền kiểm soát cuộc sống của mình.
Bài học số 3: Hãy nghĩ đến
việc kinh doanh của mình
Người
giàu tập trung vào cột tài sản trong lúc những người khác thường chỉ tập trung
vào báo cáo thu nhập.
Theo tác giả hãy nghĩ đến việc kinh doanh của mình có nghĩa là hãy xây dựng và giữ cho cột tài sản của mình thật vững chắc. Đối với người giàu, những tài sản thực sự bao gồm một số loại khác nhau:
- Những việc kinh doanh không cần sự có mặt của chúng ta
- Cổ phần
- Ngân phiếu
- Công trái chung
- Bất động sản phát sinh thu nhập
- Giấy nợ (Giấy cho vay, cầm cố)
- Tiền bản quyền sở hữu chất xám như âm nhạc, kịch bản, bằng sáng chế….
- Và bất cứ thứ gì có giá trị, tạo ra thu nhập hay có khả năng tăng giá và có sẵn trên thị trường.
Một
điều quan trọng cần nhớ là: người giàu mua những thứ xa xỉ sau cùng trong lúc
người nghèo và người trung lưu mua chúng trước hết.
Bài học số 4: Liên đoàn –
bí mật lớn nhất của người giàu
Người
cha giàu chỉ chơi trò chơi một cách khôn khéo hơn, và ông làm điều đó thông qua
các liên đoàn - bí mật lớn nhất của người giàu.
Những nhà tư bản thực sự tìm đến sự bảo vệ của liên đoàn.
Một liên đoàn bảo vệ người giàu. Nhưng có một điều mà những người chưa thiết
lập liên đoàn không thể biết được, đó là một liên đoàn không thực sự là một cái
gì đó. Một liên đoàn chỉ đơn thuần là một cặp giấy tờ với tài liệu hợp pháp nằm
trong vài văn phòng luật sư và được đăng kí với cơ quan nhà nước nhưng nó mang
lại những lợi ích cực kì lớn.
Bài học số 5: Người giàu
tạo ra tiền
Thông thường trong cuộc sống thực không phải thông minh
mà chính sự táo bạo sẽ giúp bạn vượt lên.
Theo tác giả, trong mỗi chúng ta đều ẩn chứa những tiềm
năng lớn, những tài năng bẩm sinh nhưng thứ kìm nén chúng ta chính là sự thiếu
tự tin. Hầu hết khi nói đến tiền bạc mọi người đều muốn được an toàn và họ
không muốn hiểu về trí thông minh tài chính.
- Tóm lại, trí thông minh tài chính được tạo ra nhờ 4 kỹ
năng sau:
- Sự hiều biết tài chính. Khả
năng đọc hiểu được các con số.
- Những chiến lược đầu tư.
Ngành khoa học tiền kiếm tiền.
- . Thị trường. Cung và cầu.
Alexander Graham Bell đã cung cấp cho thị trường những cái mà nó đòi hỏi. Bill
Gates cũng vậy.
- Luật pháp. Sự hiểu biết về những điều lệ, phép tắc về kế toán, liên đoàn, chính quyền, quốc gia. Tôi khuyên các bạn hãy luôn chơi đúng luật.
Trong bài học này, tác giả đã đưa ra ví dụ về
bản thân mình để độc giả hiểu một cách cụ thể và rõ ràng về trí thông minh tài
chính.
Bài học số 6: Hãy làm việc
để học. Đừng làm việc vì tiền.
Công
việc ổn định là tất cả đối với người cha học thức cao của tôi. Còn đối với
người cha giàu, học hỏi là tất cả.
Tác giả đã kể chuyện về một nữ phóng viên tài năng nhưng
cô không thể trở thành tác giả của những cuốn sách bán chạy nhất. Lời khuyên mà
tác giả dành cho cô ấy đó là hãy học cách bán sách. Cô gái giận giữ bỏ đi vì cô
không thể chấp nhận được việc một người có bằng cử nhân Văn chương Anh phải
tham dự một lớp học để bán những tác phẩm mà bản thân cô, và thậm chí nhiều
người đánh giá rất cao.
Điểm mấu chốt ở đây là có một tài năng vĩ đại thôi là
chưa đủ. Như đã trình bày ở bài học trước, trí thông minh tài chính là sự phối
hợp của kế toán, đầu tư, thị trường và pháp luật nhưng khi nhắc đến tiền bạc,
kỹ năng duy nhất mà mọi người nghĩ đến là làm việc chăm chỉ. Xét lại trường hợp
của cô phóng viên, nếu cô ấy cần mẫn học thêm kỹ năng buôn bán và tiếp thị, thu
nhập của cô ấy sẽ tăng vọt ngay.
Trên đây là 6 bài học quan trọng của kỹ năng quản lí tài
chính. Nói chính xác hơn, nó chính là luật lệ mà bạn cần nắm vững để bắt đầu
trò chơi tài chính của mình. Trong ba chương còn lại của cuốn sách, tác giả sẽ
giúp bạn biết chính xác những khó khăn khi áp dụng 6 bài học này vào việc quản
lí tài chính cá nhân của bạn và đưa ra cho bạn những giải pháp từ kinh nghiệm
của tác giả.
Chương 7: Vượt chướng ngại
vật
Chương 8: Sự khởi đầu
Chương 9: Vẫn còn muốn
nhiều hơn? Đây là một số việc phải làm.
Tuy nhiên, cuốn sách đã vấp phải một số chỉ
trích rằng không có lời khuyên nào cụ thể. Khi đọc hết cuốn sách nhiều người có
lòng khao khát mãnh liệt và bắt đầu "thoát ra khỏi Rat Race" nhưng cuối
cùng họ lại thấy bản thân chẳng thu được ý tưởng nào để thực hiện điều đó. Một
vài lời khuyên trong cuốn sách dành cho người nghèo thì lại thậm chí nguy hiểm
với các nhà đầu tư khác. Ví dụ Kiyosaki tập trung "đầu tư tốt" hơn là
đa dạng hóa. Mặc dù vậy, dưới góc nhìn đa chiều, cuốn sách vẫn là một cuốn sách
hay, đáng có trong tủ sách của mỗi người.
Kết
Có thể sau khi đọc xong cuốn sách này, trong suy nghĩ của
độc giả sẽ hình thành hai luồng ý kiến. Một là cuốn sách này thật tuyệt, chắc
chắn trong tương lai tôi sẽ trở thành người giàu có nhờ những kiến thức bổ ích
này. Hai là: Tôi không muốn trở thành người giàu có nữa. Và mình nghĩ mình là
người thứ hai. Ngay trong lời nói đầu, nhà xuất bản đã nhận định rằng do khác
biệt về văn hóa, tập quán, chỉnh thể, có một số phần nào đó của cuốn sách sẽ
khiến bạn thấy lạ lẫm, thậm chí chưa đồng tình. Và mình cũng có những bất đồng
quan điểm với những ý tưởng mà tác giả nêu ra trong cuốn sách này.
Tuy nhiên điều này không đồng nghĩa với việc cuốn sách
không có một chút giá trị nào đối với mình cả. Cuốn sách này là cuốn sách mà ai
cũng cần phải đọc nếu không muốn gặp phải những rắc rối về tiền bạc. Chẳng phải
vấn đề tiền bạc là vấn đề hàng đầu mà chúng ta quan tâm hay sao. Bài học lớn
nhất mà mình học được từ cuốn sách này đó chính là: Mặc dù trong tương lai có lẽ tôi sẽ không trở thành người “giàu sụ”,
tôi vẫn cần phải học cách để quản lí tài chính cá nhân, nếu tôi không học tôi
sẽ bị đồng tiền kiểm soát cuộc sống của mình.
Còn việc bạn và mình học như thế nào và áp dụng những
điều gì trong cuốn sách này, đó là lựa chọn của mỗi người.
Review chi tiết bởi: Thuy Duong - Bookademy
------------
Theo
dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn
Đăng ký
để trở thành CTV Bookademy tại link: http://bit.ly/2Hxkazt
Những người đạt được sự tự do tài chính là những người có khả năng kiềm chế và tự kỉ luật bản thân, là những người sẽ đi ngược lại với số đông và không sợ thất bại. Nếu muốn trở nên giàu có, hãy luôn nghĩ đến việc kinh doanh. Rắc rối tài chính thường bắt nguồn từ việc làm việc chăm chỉ để làm giàu cho người khác. Do đó, người giàu và thành công luôn lựa chọn kinh doanh cho chính mình bằng cách thành lập công ty. So với những người làm công ăn lương, chủ sở hữu công ty có thể chi tiêu trước và nộp thuế sau. Điều này sẽ giúp họ tránh được thuế thu nhập cá nhân cao và tận dụng những ưu thế về thuế. Và để làm được điều đó thì cần phải có kiến thức tài chính vững vàng.