Tôi từng
nghe bài hát “Chậm lại một chút” của Da LAB. Đoạn điệp khúc của nó thực sự khiến
chúng trầm tư:
Trong cuộc
sống hối hả lo toan, bộn bề công việc, con người nhanh nhanh lao vào dòng người,
đổ xô vào thế sự hỗn loạn. Có thể là vì mục đích mưu sinh, cũng có thể lợi dụng
bận rộn mà xua tan đi trống vắng trong tim. Dù lí do của sự tấp nập hằng ngày
là gì, mỗi chúng ta đều có khát khao vô cùng nhân bản – được chậm lại một chút.
Giống như một hành trình dài, dù chân muốn tăng ga, muốn rệu rã trong chiều tà
thì vẫn muốn dừng lại bên cỏ dại ven đường. Ngủ một chút, lặng yên một chút. Và
cuộc đời, lãng phí gì đâu một chút thảnh thơi ấy nhỉ? Có thể bạn chưa biết, nghỉ
ngơi cũng là một loại nghệ thuật mà chúng ta cần học. Người thông minh luôn biết
cách cân bằng giữa việc nghỉ ngơi và làm việc để cuộc sống đạt hiệu suất cao nhất.
Có thể bạn sẽ tìm được những cuốn kĩ năng sống về vấn đề này. Tuy nhiên, cuốn
sách Chậm lại một chút của tác giả Claudia Hammond sẽ đem lại cho bạn
nhiều điều thú vị hơn một cuốn kĩ năng sống. Không chỉ học cách nghỉ ngơi, mà
đó còn là cả một nghệ thuật sống, phong cách sống.
Claudia
Hammond ngoài vai trò là một tác giả, cô còn là phát thanh viên và giảng viên
tâm lí, người dẫn chương trình. Cô từng nhận được Giải thưởng Sách khoa học được
yêu thích nhất của Hiệp hội Tâm lý học Anh. Mở đầu cuốn sách, cô đã đưa ra “Lời
kêu gọi nghỉ ngơi” với những vấn đề dẫn nhập vô cùng thiết thực.
Trong tư tưởng của chúng ta luôn tồn tại một mâu thuẫn rất lớn
xoay quanh việc nghỉ ngơi. Chúng ta khao khát được nghỉ ngơi, nhưng sau đó sẽ lại
cảm thấy lo lắng bồn chồn vì cho rằng bản thân đang trở nên lười biếng. Liệu có
phải chúng ta đang không sống hết mình hay không?
Liệu có
phải như vậy không? Đọc hết cuốn sách và tự cho mình đáp án nhé.
Nghỉ
ngơi bằng cách nào?
Đây là một
cuốn sách về “nghệ thuật nghỉ ngơi trong cuộc sống hiện đại” thì tất nhiên tác
giả sẽ đưa ra cho người đọc những phương pháp nghỉ ngơi. Thực ra những cách để
nghỉ ngơi không quá khó kiếm tìm như hái sao trên trời. Bạn có thể dễ dàng đọc
nó trong một cuốn sách, đơn giản hơn là những quotes trên facebook, vài bài viết
trên các trang báo. Tuy nhiên, 10 phương cách nghỉ ngơi cùng một công thức nghỉ
ngơi hoàn hảo “tiêu tốn” 382 trang giấy thì chắc chắn bạn sẽ hiểu cuốn sách có
nhiều hơn những gì bạn thấy trên mạng. Tôi tin là trên thế giới này có rất nhiều
thứ chúng ta biết, nhưng chưa hiểu. Đối với việc nghỉ ngơi cũng vậy. Chính vì
thế, Chậm lại một chút sẽ đem đến cho chúng ta nội hàm và chiều sâu bên
trong của mỗi cách nghỉ ngơi.
10 điều
có thể giúp bạn nghỉ ngơi được nhắc đến trong cuốn sách: Chánh niệm, Xem tivi,
Mơ màng, Một bồn tắm nóng tuyệt vời, Đi bộ, Thực sự không làm gì cả, Nghe nhạc,
Ở một mình, Dành thời gian với thiên nhiên và Đọc.
Tôi tin
là bạn sẽ thấy những thứ quen thuộc như tivi hay nghe nhạc cùng những thứ khá lạ
tai như chánh niệm hay không làm gì cả. Không phải bâng quơ mà tác giả cho 10
điều này lại thành một tập hợp. Những thứ quen thuộc rồi sẽ có những mặt khiến
bạn ngạc nhiên và những thứ khiến bạn lạ lẫm cũng chỉ sẽ gần ngay trước mắt mà
thôi.
Điều khiến
tôi suy tư sâu xa hơn về cuốn sách không phải vì những cách thức mà Claudia
Hammond đưa ra khiến chúng ta thư giãn mà còn là một nghệ thuật sống vô cùng đẹp
đẽ và an tịch. Nó làm thay đổi trong chiều sâu tư duy của mỗi người, và đó mới
chính là điều quan trọng.
Nếu bạn nói rằng bạn bận rộn, điều đó có nghĩa bạn là một người
đáng ngưỡng mộ. Một người được săn đón. Như cách mà nhà nghiên cứu về sử dụng
thời gian Jonathan Gershuny miêu tả, thì sự bận rộn đã trở thành “một tấm huy
chương danh dự”. Nếu ở thế kỷ mười chín, thú tiêu khiển là thước đo về địa vị
xã hội, thì ở thế kỷ hai mươi mốt, địa vị xã hội của một người được khẳng định
bởi công việc của người đó. Sự bận rộn sẽ phản ánh tầm quan trọng của mỗi người,
nhưng cũng khiến chúng ta mệt nhoài.
Nghe tưởng không thật mà thật không tưởng!
Tại sao
lại là “Chánh niệm”?
Tôi
không chắc có phải tác giả cố ý sắp xếp Chánh niệm ở vị trí đầu tiên hay không,
nhưng theo suy nghĩ của tôi thì điều đó hoàn toàn hợp lí. Theo những gì tôi biết
thì từ này xuất hiện trong Phật giáo và cũng là một cách để tu tập, nhất là
trong hành thiền. Định nghĩa của chánh niệm được hiểu là biết mình, biết mình
đang làm gì, đang nghĩ gì, quán sát thân tâm trong thực tại. Tác giả cũng lấy một
ví dụ về việc ăn nho khô để mở đầu cho chương này. Khi ăn nho mà cảm nhận được
bề mặt không bằng phẳng của quả, thấu được vị ngọt, vị chua trong từng hơi thở
thì chính là chánh niệm.
Bạn có
biết vì sao bản thân mệt mỏi? Một trong những lí do đó là bạn đã để tâm trí xáo
trộn quá nhiều, suy nghĩ nhảy nhót liên tục như một chiếc tivi không ngừng chuyển
kênh. Khi tâm hỗn loạn thì chắc chắn không thể có được an nhiên. Chánh niệm sẽ
giúp bạn giải quyết điều đó.
Như chúng ta đều đã biết, khi tâm trí bị bỏ mặc, chúng thường
có xu hướng lang thang. Đôi khi chúng ta sẽ tìm thấy niềm vui trong việc để cho
suy nghĩ được thả trôi, nhưng có lúc, những suy nghĩ mông lung đó có thể gây ra
rất nhiều vấn đề: chúng khiến chúng ta nghi ngờ bản thân mình, bới móc quá khứ
hoặc lo lắng về tương lai. Đó là lúc chánh niệm phát huy tác dụng tốt nhất: giữ
tâm trí của chúng ta ở hiện tại. Càng luyện tập chánh niệm nhiều, việc điều khiển
tâm trí càng trở nên dễ dàng hơn, ngay cả trong những lúc chúng ta cảm thấy
căng thẳng hay xúc động nhất.
Điều rất
đáng khen của cuốn sách là bên cạnh việc đưa ra những lợi ích của nghỉ ngơi
cũng như những phương pháp nghỉ ngơi, tác giả đã thêm vào một tầng trầm tích của
phân tích, đặt vấn đề và những lí lẽ, dẫn chứng. Đó là điều khiến tôi cảm thấy
cuốn hút ở cuốn sách và sự thông thái của người viết. Không hoàn toàn ca tụng
chánh niệm như một phương thuốc thần kỳ, cô đứng ở lập trường trung gian mà đưa
ra những nhận định, phân tích khách quan nhất. Chánh niệm có thể được cho là sống
cho bản thân mà không quan tâm người khác, một số bất tiện nhưng nhìn trên
phương diện nghỉ ngơi thì nó thực sự tốt cho tâm trí. Sự nghỉ ngơi không nằm
trong việc bạn ngừng hoạt động. Nó xuất phát từ ngay bên trong con người bạn.
Tâm có dừng thì thế sự mới yên.
Cá nhân tôi thấy chánh niệm thực sự có thể áp dụng được, bởi vì nó không hề tiêu tốn thời gian – một vấn đề các bạn hay đặt ra với việc nghỉ ngơi. Chúng ta có thể quan sát thân tâm ngay cả lúc làm việc, sinh hoạt. Như vậy sẽ làm việc với một tâm thế thư thái và bình tĩnh nhất có thể.
Xem tivi
và những thứ ai cũng làm để nghỉ ngơi.
Tôi tập
hợp những điều quen thuộc lại với nhau, bao gồm có xem tivi, tắm nước nóng, đi
bộ, nghe nhạc, dành thời gian với thiên nhiên. Những điều còn lại không hẳn là
lạ lẫm, nhưng sẽ không được ưu tiên như 5 điều kể trên.
Thứ nhất,
về việc xem tivi để nghỉ ngơi, tác giả đưa ra rất nhiều lập luận và phản biện để
cho người đọc cái nhìn toàn diện nhất. Nói về lợi ích, phải công nhận tivi là
cách thức nghỉ ngơi phổ biến.
Tivi giúp chúng ta được trốn khỏi bản thân trong giây lát.
Trong lúc xem tivi, chúng ta được tạm thời quên đi một ngày tồi tệ vừa qua, và
không còn phải lo lắng về ngày mai nữa. Dù chỉ trong phút chốc thôi, nhưng việc
xem tivi có thể đánh lạc hướng chúng ta đủ để tạm bỏ qua những suy nghĩ tiêu cực
ra khỏi tâm trí.
Thậm
chí, tivi còn có thể giúp thoát ly cảm xúc khỏi những điều tiêu cực. Nhờ đó mà
có thể giảm các chứng trầm cảm, lo âu. Chúng ta được hoàn toàn thoát xác mà bước
vào thế giới của những nhân vật. Nó cũng được coi là “khoảng thời gian trống rỗng”
khi con người vừa có thể xem tivi, vừa có thể song hành làm những việc khác.
Tuy nhiên, tác giả cũng đặt ra vấn đề “Việc xem tivi có làm chúng ta bất hạnh,
không lành mạnh và xa lánh xã hội hay không?”. Bởi vì bất cứ thứ gì cũng có hai
mặt của nó.
Tương tự
với việc nghe nhạc hay dành thời gian cho thiên nhiên, nó đều khiến chúng ta trầm
mê vào một điều gì đó khác, nhẹ nhàng hơn, mà quên đi thực tại và ưu phiền. Một
điểm đặc biệt nữa, cuốn sách đem đến cho người đọc rất nhiều tri thức bổ ích,
có thể do bản thân tác giả là giảng viên đại học với vốn kiến văn phong
phú.
Cụm từ “hiệu ứng Mozart” đã được đưa ra vào năm 1991 nhưng được
biết đến nhiều hơn sau một nghiên cứu được công bố hai năm sau đó. Rõ ràng
Mozart là một thiên tài, do đó nếu chúng ta nghe thứ âm nhạc tuyệt vời của
Mozart thì sẽ được truyền một chút trí tuệ của ông là suy nghĩ nghe có vẻ hợp
lý và cũng khá hấp dẫn.
Và vô
vàn những kiến thức mới lạ khác.
Về việc đi bộ hay tắm nước nóng đều liên quan đến cơ thể, hay nói cách khác là thư giãn cho cơ bắp. Tác giả đưa ra những chủ đề rất thú vị như “Nghỉ ngơi sau khi kiệt sức?”. Thực sự đến lúc kiệt sức thì chứng tỏ bạn đã bỏ qua tiếng nói của cơ thể quá lâu rồi. Ngoài ra, việc tắm nước nóng không cần phải quá cầu kì. Sau một ngày làm việc mệt mỏi, một bồn nước tắm nóng, vài giai điệu yêu thích đã là đủ cho một tối thảnh thơi.
Mơ màng
cũng là một cách nghỉ ngơi?
Những
cách thức nghỉ ngơi còn lại nghe tưởng chừng khá xa lạ: mơ màng, thực sự không
làm gì cả, ở một mình và đọc. Việc mơ màng nghe có vẻ khá ngớ ngẩn nhưng đó lại
là cách thư giãn của rất nhiều người, thậm chí chính bản thân họ cũng không biết,
trong đó có tôi. Có phải khi ngồi trong lớp học, bạn thường thả tâm hồn treo
ngược cành cây cho đỡ buồn ngủ? Cho tới khi đọc cuốn sách, tôi mới phát hiện ra
rằng việc mơ màng cũng có những nghiên cứu khoa học vô cùng thú vị.
Thay vì dùng từ “mơ màng”, các nhà khoa học thường sử dụng
thuật ngữ “tâm trí lang thang”. Đi lang thang (và tự vấn) là trạng thái tự
nhiên, chứ không phải là trạng thái nghỉ ngơi của não. Lúc nào nó cũng sẽ tìm
kiếm, tò mò vô tận, tìm đến hết ý nghĩ
này, lại theo đuổi một ý tưởng thú vị khác. Nghe thì có vẻ mệt mỏi đúng không? Thực
ra bạn sẽ chỉ mệt mỏi khi không ngừng theo đuổi nó, làm theo và cố gắng áp đặt
các trật tự cho nó. Còn nếu không, bạn cứ thả để nó đi lang thang – như một đứa
trẻ mới biết đi hoặc một con chó con chạy quanh vườn, khi đó bạn sẽ cảm thấy
thư giãn như đang ngồi trên một chiếc ghế bành giữa vườn vậy.
Cũng như
tất cả các phần khác, tác giả sẽ đưa những tranh luận về vấn đề này như “Khi
tâm trí lang thang vào nơi tăm tối” hay việc lang thang khiến con người mất tập
trung.
Nghe
tiêu đề “Thực sự không làm gì cả” có vẻ kì quặc nhưng khá đúng đắn. Tôi từng
nghe câu nói đại loại là: khi bạn không biết mình nên làm gì thì tốt nhất đừng
làm gì cả. Cũng đúng thôi, nằm yên bất động cũng chính là cách nghỉ ngơi thuần
túy nhất. Chúng ta đừng cố ép bản thân phải làm gì đó vì nỗi sợ lãng phí thời
gian, bởi nếu cố quá sẽ chỉ khiến mọi thứ rối tung cả lên.
Về khía
cạnh của việc đọc, thì chắc chắn đây là thánh địa của những con mọt sách. Nhưng
kể cả với những người chẳng có nổi 10 cuốn sách trên kệ thì việc đọc vẫn mang lại
hiệu quả không ngờ. Tôi từng biết nhiều người phản đối việc đọc là nghỉ ngơi,
là thư giãn vì khi đọc não bộ cần hoạt động để xử lí thông tin. Chưa kể với việc
đọc nghiêm túc một tác phẩm chẳng hạn, nó còn đòi hỏi với việc phân tích và lí
giải. Đó là sự nghiêm túc với việc đọc. Tuy nhiên, nếu chúng ta nghĩ đọc để nghỉ
ngơi thì không cần quá khắt khe như vậy. Đơn giản chỉ để chữ chạy qua mắt mà
thôi, và thực sự việc đọc vài trang sách có thể khiến bạn dễ ngủ hơn. Như tôi
đã nói ở phần mở đầu, nhiều người lao đầu vào công việc để cảm thấy bớt trống vắng
và cô đơn. Giờ đây, họ có thể tìm đến sách, vừa có thể nghỉ ngơi lại không còn
cô đơn nữa. Như một người đọc mà tác giả viện dẫn trong cuốn sách:
Tôi không cô đơn. Tôi đã có cả thế giới ngay tại đây với tôi.
Có rất nhiều cách đọc khác nhau, nhưng quan trọng gì đâu khi bản thân chúng ta đã là người thầy chỉ dẫn tới phương pháp đọc phù hợp nhất. Bạn không cần phải đọc để nghiên cứu như một vị giáo sư uyên bác khi bạn đơn giản là một cô gái bình thường muốn được nghỉ ngơi. Không ai có quyền trách bạn về điều này hết!
Lời kết.
Đây thực
sự là một cuốn sách rất đáng để đọc. Nội dung hấp dẫn và bổ ích đi cùng với một
văn phong nhẹ nhàng, logic đầy trí tuệ. Không chỉ học được một nghệ thuật mang
tên nghỉ ngơi, bạn còn có cơ hội mở mang đầu óc của mình, nâng cao tư duy đa
chiều và tìm được cho mình những góc an yên nhất trong cuộc sống thường nhật.
Chậm lại,
không có nghĩa là bạn bị bỏ rơi hay tụt lại với cuộc đời, mà chính là biết lùi
để có thể tiến được xa hơn. Hy vọng qua cuốn sách, bạn có thể tìm được đáp án
cho những vấn đề của mình.
Chậm lại một chút, để thấu hiểu bản thân thật nhiều chút…
Review chi tiết bởi: Mai Trang – Bookademy
Bạn có biết rằng khoảng thời gian rảnh rỗi cũng là lúc chúng ta học được rất nhiều điều hay. Giống như giá trị của nốt lặng trong bản hòa ca, nó không hề chia cắt bài hát mà khiến bài hát đó trên nên cảm xúc hơn. "Nốt lặng" ấy không vang thành lời, nó cho con người, cho tuổi trẻ chút thời gian quý báu để “sống chậm”. Dù là một giây, một phút thôi nhưng nó nạp cho ta năng lượng sống cả cuộc đời. “Lặng” để quán xét lại bản thân, cái nào tốt thì phát huy, cái nào chưa tốt thì cố gắng phấn đấu hơn. “Lặng” để tạm rời xa những "vai diễn" của một người chồng, người vợ, người cha, người mẹ, một ông giám đốc, một chị nhân viên – để sống thật với vai diễn của chính mình.
Cuộc sống buộc con người phải đi theo guồng quay "không chờ đợi", ai làm khác là tụt hậu. Phải chăng đó là nguyên nhân gây nên mặt trái xã hội khi lượng người bị trầm cảm, u uất, rối loạn tâm lý ngày càng nhiều hay với lớp trẻ tình trạng “sống vội", “sống như tồn tại" diễn ra như một định hướng chung?