Phải Trái Đúng Sai là quyển sách best-seller tại Mỹ của giáo sư Michael Sandel, đại học Harvard.
Sách bàn về vấn đề đạo đức dưới cái nhìn triết học. Tác giả đưa ra các vụ việc gây tranh cãi về vấn đề đạo đức để mổ xẻ dưới nhiều góc độ, theo quan điểm của các học thuyết triết học khác nhau, mỗi chương trình bày sâu về một học thuyết. Nhờ vậy, tư tưởng của Aristotle, Jeremy Bentham, Immanuel Kant, John Stuart Mill, Robert Nozick, và John Rawl được trình bày với sự rõ ràng và gần gũi, mà theo New York Times là "hiếm khi được giải thích dễ hiểu đến như vậy".
"Michael Sandel – có lẽ là giáo sư đại học nổi tiếng nhất ở Mỹ - đã mang lại “sự minh bạch về đạo đức cho sự lựa chọn mà chúng ta phải đối mặt, với tư cách là công dân trong xã hội dân chủ". Ông đã chỉ ra rằng sự chia rẽ chính trị không phải giữa cánh tả với cánh hữu mà giữa những người nhận ra không có gì quý hơn quyền cá nhân và lựa chọn cá nhân với những người tin vào một nền chính trị phục vụ lợi ích số đông."
Xem thêm
Hôm nay tình cờ đọc được bài viết về phỏng vấn tác giả về công bằng trên Bookhunterclub khiến mình nhớ lại cuốn sách hay nhất đọc được trong năm 2019. Cuốn sách này tình cờ rơi vào tay mình qua một buổi trao đổi sách. Lúc ấy chọn nó chỉ vì tình cờ, mình không có ý muốn lấy thêm sách phi hư cấu nữa (vì nhà có đủ rồi), nhưng vì mang sách đi đổi mà chưa chọn được cuốn nào mang về, mà nó là cuốn còn sót lại chẳng ai lấy. Lúc ấy mình chỉ nghĩ, một cuốn sách ai đó mang đi trao đổi thì có lẽ cũng bình thường thôi. Bây giờ mình cũng chẳng nhớ bạn ấy là ai, nhưng nếu bạn ấy thực sự biết giá trị của cuốn sách mà vẫn sẵn lòng đem cho đi để chia sẻ thì mình thật ngưỡng mộ bạn ấy lắm. Là mình mình không làm được như thế, trừ khi mình tình cờ có 2 cuốn. Lúc cầm cuốn sách trên tay, mình chẳng hề có chút ý tưởng về Michael Sandel là ai và mình đang dấn thân vào cái thứ gì. (Sau mới biết bác là học giả nổi tiếng và cuốn sách cũng nổi tiếng). Nếu biết trước liệu sức ảnh hưởng của nó có bớt đi? Mình sẽ chẳng bao giờ biết. Thường bạn sẽ chẳng bao giờ biết trước điều gì sẽ bước vào và thay đổi mình mãi mãi. Sau này nhìn lại bạn mới nhận ra. Mình đã không biết đây không phải là cuốn sách phi hư cấu bình thường, không phải kiểu sách đọc để lấy thông tin rồi cất lại lên giá sách. Đây là kiểu sách đọc xong, độc giả sẽ không còn là mình lúc trước khi đọc (ít ra là những độc giả như mình, không biết trước về cuốn sách) và sẽ không ngừng nghĩ về những gì đã đọc, lâu lâu lại lấy ra đọc lại (như mình hôm nay). Nhìn tên có thể đoán cuốn sách nói về “Công lý”. Cuốn sách đặt ra câu hỏi “Thế nào là công bằng?”. Hẳn là khi nghe câu hỏi, mọi người đều có thể dễ dàng đưa ra câu trả lời cho mình. Gần đây cuộc bầu cử ở Mỹ đang thu hút dư luận ghê lắm. Mọi người đều tập trung chú ý vào 2 ứng cử viên mạnh nhất: Tổng thống đương nhiệm Donald Trump, đại điện Đảng Cộng Hòa và ứng viên được cho là đối thủ Joe Biden, đại diện Đảng Dân Chủ. Cá nhân mình không thực sự quan tâm tới nước Mỹ nói riêng, mà quan tâm tới điều mà quốc gia đó (và cả các quốc gia khác) đang theo đuổi hơn, đó là “công bằng xã hội” và “tự do cá nhân”. Mọi quốc gia đều mong muốn dung hòa cả hai, nhưng điều đó chẳng dễ dàng gì. Khi mình đưa ra câu trả lời, mình đã nghĩ “Thế nào là công bằng?”nó luôn đúng. Nhưng rồi có thật vậy không? Cuốn sách này đã thách thức quan điểm của mình, bắt mình phải nghĩ sâu hơn, nhìn vấn đề một cách phức tạp hơn. Nguyên tắc trước đây tưởng là đúng thực ra có thể không còn đúng vào tình huống khác và ngược lại. Giờ thì mình không còn chắc chắn nữa. Đôi khi nghĩ quẩn: “Có khi không đọc sách tốt hơn, ít ra mình có thể chắc chắn về một điều gì đó”. Càng đọc thì càng chắc chắn duy nhất một điều “Chẳng có gì là chắc chắn 100% cả”. (Trừ cái tiên đề. Dù sao phải có thứ gì để mọi thứ khác gán vào chứ?).