Peter Pan sống ở Neverland, hòn đảo xinh đẹp, sống động nhưng cũng đầy bí ẩn dưới sương mù của trí nhớ và mộng mơ. Ở Neverland, lũ trẻ đi lạc chung sống với những cô cậu tiên bé xíu, với thổ dân da đỏ, dã thú, tiên cá và cả hải tặc. Ở đó thời gian dường như đứng im, chỉ có những cuộc rượt bắt cứ xoay vòng, xoay vòng.
Một lần đi chơi xa, Peter gặp cô bé Wendy mê mẩn những chuyện thần tiên. Xiêu lòng trước những lời rủ rê của Peter, Wendy đã cùng cậu bay đến hòn đảo kì diệu, hăm hở như mọi đứa trẻ trên đời lần đầu được tận mắt thấy phép mầu xảy ra. Để rồi, hai bạn nhỏ cùng nhau bước vào một cuộc phiêu lưu đầy biến cố…
Ra đời cách nay đã hơn một trăm năm, câu chuyện về cậu bé Peter Pan quả cảm, biết bay và không bao giờ chịu lớn đã chinh phục mọi độc giả trẻ thơ và độc giả đã đi qua tuổi thơ. Một câu chuyện lấp lánh phép mầu song lại chẳng phải cổ tích, dành cho trẻ em, cho cả những người lớn biết rằng mình đã lớn, ngoái trông lại tuổi thơ với nụ cười tiếc nhớ, bâng khuâng.
Vài nét về tác giả:
J. M. Barrie (1860 – 1937) là nhà soạn kịch và tiểu thuyết gia nổi tiếng người Scotland được biết đến nhiều nhất với vai trò cha đẻ của nhân vật Peter Pan. Cậu bé tinh nghịch này lần đầu xuất hiện trong tiểu thuyết Chú chim trắng bé con xuất bản năm 1902 và sau đó là trong tác phẩm nổi tiếng nhất của ông, vở kịch Peter Pan, hay Cậu bé chẳng bao giờ lớn, được công diễn lần đầu vào năm 1904 rồi về sau được viết lại thành tiểu thuyết vào năm 1911. Để viết nên Peter Pan, Barrie đã lấy cảm hứng từ những người bạn nhỏ trong một gia đình mà ông quen biết. Năm 1912, ông đã bí mật cho dựng tượng Peter Pan trong Vườn Kensington để làm món quà bất ngờ cho trẻ em ở London.
Xem thêm
Trong tác phẩm của J.M. Barrie, chúng ta có một cậu chàng Peter Pan tinh nghịch, tự do và đôi khi quá hồn nhiên. Chúng ta cũng có không ít khoảnh khắc cảm nhận được sự cô đơn của cậu bé không bao giờ lớn này. Thế nhưng, nếu mang cả tất cả những câu chuyện về Peter Pan cho thiếu nhi thì e rằng, sự méo mó trong tâm thức của Peter sẽ tạo nên không ít đứa trẻ có tâm lý méo mó theo nhân vật chính của chúng ta. Những cuộc “gặp gỡ” với thuyền trưởng Hook, có có một cánh tay bằng móc sắt, luôn có diễn biến vừa kì cục lại vừa đẫm máu. Trong khi đó, chuyện xảy ra với những đứa bé “lỡ” lớn lên cũng là bí ẩn “nguy hiểm” không ai biết câu trả lời. Trong khi đọc, tôi cứ nghĩ mẩn rằng, không biết có độc giả nào lỡ trở thành tội phạm với nguồn cảm hứng từ Peter Pan hay không!?
Bỏ qua những pha chém giết trong Peter Pan thì đây là câu chuyện đầy rẫy sự cô đơn. Chúng cô đơn tới mức, sự xuất hiện của Wendy được chúng chào đón như một lẽ tất nhiên phải thế. Một người mẹ bằng tuổi chúng mang đến sự trải nghiệm chúng chưa bao giờ có, và sự giả vờ tin như đó là sự thật. Thế nên cho dù liên tục choáng với những tình huống gây “cảm giác mạnh” thì đến cuối cùng, thứ còn lại trong tôi là nỗi buồn, là sự thương xót cho những đứa trẻ ấy. Đến cuối cùng, vòng lặp của Peter với những đứa trẻ khác lại bắt đầu. Và tôi thì vẫn nghĩ về sự cô đơn của cậu bé không bao giờ chịu lớn này.
Nói một cách công bằng thì ngoài những ấn tượng sâu sắc đặc biệt ở trên thì thực ra, trong quá trình đọc truyện tôi đều bị hút về phía sự sinh động, giàu màu sắc và sự ngây ngô (tôi đoán là giả vờ) của bọn trẻ. Tôi thích thú mọi thứ ở Neverland. Không gian “ngôi nhà” của chúng, chiếc giường của chúng hay những ống khói nấm, những cái cây cho mỗi đứa đi vào. J.M. Barrie đã mang đến cho độc giả một thế giới sống động và rực rỡ.
Peter Pan là một trong những tác phẩm văn học trẻ em nổi tiếng nhất mọi thời đại và đã được chuyển thể thành nhiều phim, vở kịch và các tác phẩm khác. Người ta cũng có một hội chứng y khoa được gọi là “Hội chứng Peter Pan” để chỉ những người cư xử như trẻ con trong mọi việc. Bạn hãy đọc và có những cảm nhận của riêng mình nhé!