Những ngày thơ ấu là câu chuyện chắp vá về tuổi thơ đầy đau thương của chính tác giả. Hồng - một cậu bé sinh ra trong gia đình giàu có nhưng lại không mấy hạnh phúc. Ngay từ khi còn nhỏ, cậu đã thấu hiểu được sự thờ ơ, vô trách nhiệm của người cha nghiện ngập, và những nỗi đau đớn, tủi nhục của người mẹ khi luôn bị cả gia tộc giày xéo, đày đọa đến mức phải bỏ cả con cái đi tha hương cầu thực. Với ngôn từ giản dị và trong sáng, Những ngày thơ ấu không chỉ đem đến cho độc giả câu chuyện bình dị, gần gũi với đời thường mà nó còn lột tả được một bối cảnh xã hội phong kiến, cổ hủ của Việt Nam thời xưa.
Về tác giả
Nhà văn Nguyên Hồng tên thật là Nguyễn Nguyên Hồng, ông sinh ngày 5 tháng 11 năm 1918 trong một gia đình công giáo ở thành phố Nam Định. Sinh trưởng trong một gia đình nghèo, cha lại mất sớm, từ nhỏ ông đã phải theo mẹ ra Hải Phòng, kiếm sống trong các xóm lao động như xóm Cấm, xóm Chùa Đông Khê. Có lẽ bởi vậy nên trong sự nghiệp văn chương của mình, ngay từ những tác phẩm đầu tay, Nguyễn Hồng đã hướng ngòi bút về những người cùng khổ gần gũi mà ông yêu thương tha thiết. Truyện ngắn của ông chứa đựng tinh thần nhân văn sâu sắc.
Về cuốn sách
Những ngày thơ ấu là cuốn tự truyện đong đầy nước mắt, kể lại chính tuổi thơ cay đắng của tác giả. Với khoảng trên 2 vạn chữ, chia thành 9 chương: Tiếng kèn, Chúa thương xót chúng con, Truỵ lạc, Trong lòng mẹ, Đêm noel, Trong đêm Đông, Đồng xu cái, Sa ngã, Một bước ngắn. Mỗi câu chuyện được sắp xếp theo trình tự thời gian và sự thăng cấp khó khăn trong cuộc đời tác giả. Nhưng ẩn sau những câu chuyện đau buồn ấy là những lời văn miêu tả chân thật và sống động về cảnh vật và xã hội cũ của nước ta thời bấy giờ. Từng trang hồi ký đã ghi lại cảnh sa sút, tan nát của một gia đình thị dân ở thành phố Nam Định trong khoảng những năm hai mươi, ba mươi của thế kỉ XX. Những nỗi đau buồn của một thiếu phụ trong một cuộc hôn nhân miễn cưỡng, một người chồng, một người cha nghiện ngập, những tủi cực, cô đơn và con đường sa ngã của một em bé mồ côi đáng thương.
Đằng sau vỏ bọc của một gia đình quyền quý
Bố của bé Hồng là một cai ngục. Khi Hồng sinh ra, biết bao người nhà của phạm nhân mang vàng bạc, lụa là, gạo thơm, gà béo, trứng mới, cá biển tươi để mừng. Bà vú hả hê vì có số tốt được hầu hạ một cửa quyền quý. Sau này, mỗi lần bà nội nhắc lại chuyện ấy lại có nhiều sự cảm động lắm. Mẹ Hồng là một phụ nữ xinh đẹp, chỉ bằng một nửa tuổi của bố em. Năm Hồng lên bảy, lên tám đã hiểu biết rõ rệt và thấm thía sự trái ngược cay đắng trong tình duyên của bố mẹ:
Lúc bấy giờ, trong đầu óc mẹ tôi quằn quại những hình ảnh gì, những ý nghĩ gì, thầy tôi đoán biết sao được. Vẻ mặt xinh tươi kia, giọng cười nói nhẹ nhàng kia, sự thùy mị kính cẩn kia, sao có thể là của một người đàn bà mà tâm tư hằng giá buốt vì những phiền muộn, những đau đớn cay chua nhất, tối tăm nhất? Hay thầy tôi cũng như mẹ tôi cả hai đều thản nhiên và lặng lẽ để che giấu cả một lòng đau đớn?
Hồng ra đời là kết quả của cuộc hôn nhân miễn cưỡng không tình yêu, dưới sự sắp đặt đầy toan tính. Chú lớn lên trong không khí giả dối, lạnh lẽo của một gia đình không hạnh phúc. Người bố phẫn chí sống lặng lẽ u uất với bàn đèn thuốc phiện và trở nên truỵ lạc. Người mẹ trẻ trung có trái tim khao khát tình yêu, song đành chôn vùi những năm tháng tươi đẹp nhất của cuộc đời bên người chồng nghiện ngập. Gia đình ngày càng sa sút rồi cuối cùng sụp đổ. Bố mất, đứa trẻ đáng thương phải chứng kiến cảnh mẹ mình cùng túng: Hoa tai và nhẫn vàng, mẹ tôi tháo bán đi lúc nào không rõ. Cái thúng thanh con trước kia hễ tan chợ là đầy xu hào, nay chỉ còn loáng thoáng mấy đồng hào con và tiền trinh nên phải bỏ con cái đi tha hương cầu thực. Chú bé mồ côi cha nay lại xa mẹ, sống bơ vơ giữa sự ghẻ lạnh cay nghiệt của họ hàng và trở nên đói rách, lêu lổng, phải gánh chịu nỗi đau đớn tủi nhục, bị hắt hủi phũ phàng. Chắc hẳn ta sẽ không thể quên những lần chú bé bị thầy giáo phạt quỳ vô lí vì những lỗi lầm không do cậu gây ra, bắt cậu quỳ ở góc lớp hết ngày này sang ngày khác, đến nỗi đau đầu gối hết chịu nổi; hay đêm Noel bị đuổi khỏi cửa nhà thờ, lủi thủi trong gió mưa lạnh lẽo với bộ quần áo chúc bâu mỏng và chiếc áo chùng thâm đã toạc vai; rồi những đêm đông mưa gió lạnh buốt, nằm trên cái phản trong xó nhà tăm tối của cô bà cô giàu có mà độc ác, lắm lần ghẻ lạnh, bêu rếu, khinh miệt bé Hồng đến nghiệt ngã nhưng cậu vẫn không nói lại một câu, bởi đơn giản cậu biết rõ:
Cô tôi chỉ có ý gieo rắc vào đầu óc tôi những hoài nghi để tôi khinh miệt và ruồng rẫy mẹ tôi, một người đàn bà đã bị cái tội là góa chồng, nợ nần cùng túng quá, phải bỏ con cái đi tha hương cầu thực. Nhưng đời nào tình thương yêu và lòng kính mến mẹ tôi lại bị những rắp tâm tanh bẩn xâm phạm đến, cũng có khi bế tắc trong chính những câu hỏi không có lời hồi đáp: Mẹ ơi! Con khổ quá mẹ ơi! Sao mẹ đi lâu thế? Mãi không về. Người ta đánh con vì con dám cướp lại đồ chơi của con mà con người ta giành lấy. Người ta chửi con, chửi cả mẹ nữa. Mẹ xa con, mẹ có biết không?.
Con đường sa ngã
Mang theo trái tim chắp đầy mảnh vá, cậu như biến thành một con người khác, bắt đầu la cà khắp các cổng chợ, vườn hoa, bến tàu để đánh đáo, một trò chơi ăn tiền thời bấy giờ mà bọn đầu đường xó chợ hay chơi để kiếm từng hào một sống cho thỏa. Hồng đã biết trêu tức bà nội khi bị chửi mắng, biết cách trả đòn khi bị cô cạnh khóe người mẹ bỏ xứ ra đi. Cậu đã chung đụng với tụi trẻ lêu lổng, ăn cánh với các đứa gian ngoan, bóc lột những đứa khờ khạo. Trong tâm trí cậu lúc ấy chỉ là những đồng trinh la liệt trên mặt đất, những quân bài dở dằn xuống vất lên và những tiếng tiền reo sang sảng trong chiếc bát sắt và đĩa sắt. Cậu vẫn còn nhỏ quá, cậu cần phải có một gia đình để nương tựa, vỗ về, thế nhưng dường như tất cả mọi thứ đều quay lưng với cậu. Đã thế cậu còn bị đánh đập, hành hạ tàn nhẫn trong oan khuất bởi người thầy giáo kiêu ngạo và ích kỷ. Chính những điều đó đã nhóm lên trong lòng cậu những phẫn uất, căm hờn. Một hôm, Hồng đến trường sớm hơn thường lệ, nằm trên bãi cỏ, dưới một bụi râm bụt và một gốc bàng, hai tay khoanh sau gáy, mắt lim dim, cậu bỗng nhớ lại những ngày tháng vui vẻ trước đây khi đi học mà nước mắt lăn dài hai gò má:
Hai khóe mắt tôi bỗng mọng lệ. Tôi hơi nghiêng mặt đi để nó cùng rớt xuống gò má. Thứ nước mằn mặn ấy rỉ ngay vào miệng tôi. Sự chua chát của những ý nghĩ phiền muộn, phẫn uất càng nồng nàn. Và, mắt tôi mờ dần sau một màng ướt át dày đặc. Những cái thở nóng ran dồn dập đưa mãi lên đến cổ họng tôi. Từ một đứa trẻ thông minh, lanh lợi, tâm hồn trong sáng và nhạy cảm, Hồng đã dần sa ngã và lạc lõng giữa dòng đời đầy cám dỗ.
Tình yêu thương vô bờ bến của cậu bé Hồng đối với mẹ
Tuy thế, trong chuỗi ngày dài cơ cực của những ngày thơ ấy, tia sáng ấm áp của cuộc đời đầy chông gai và thử thách cũng tới và sưởi ấm cho trái tim nhỏ bé đã nguội lạnh, dù chỉ là một chút. Tình mẫu tử là liều thuốc hữu hiệu nhất để chữa lành những tổn thương sâu thẳm. Một đứa trẻ có thể sa ngã, có thể trụy lạc, nhưng ở trong lòng mẹ nó vẫn mãi là một báu vật quý giá. Xuất phát từ lòng biết ơn dành cho người đã sinh ra và nuôi nấng mình và nhiều lần chứng kiến những lần mẹ khổ cực vì cha, trong lòng Nguyên Hồng đã hình thành lòng kính mến rất lớn dành cho mẹ mình. Ông luôn xem mẹ là chỗ dựa tinh thần mà cố gắng sống ở nhà nội, nỗi nhớ nhung trong lòng ngày càng lớn để rồi khi gặp lại, ông chỉ biết nhào vào lòng mẹ mà âu yếm thật nhiều:
Tôi ngồi trên đệm xe, đùi áp đùi mẹ tôi, đầu ngả vào cánh tay mẹ tôi, tôi thấy những cảm giác ấm áp đã bao lâu mất đi bỗng lại mơn man khắp da thịt. Hơi quần áo mẹ tôi và những hơi thở ở khuôn miệng xinh xắn nhai trầu phả ra lúc đó thơm tho lạ thường. Phải bé lại và lăn vào lòng một người mẹ, áp mặt vào bầu sữa nóng của người miệng, để bàn tay người mẹ vuốt ve từ trên trán xuống cằm, và gãi rôm ở sống lưng cho, mới thấy người mẹ có một êm dịu vô cùng.
Nằm gọn trong vòng tay mẹ, những uất ức tủi nhục bấy lâu nay như tan biến hết. Hồng cũng có những kỉ niệm êm ái như giây phút ngả mình trên bãi cỏ sân trường dưới bóng cây, thả hồn theo đám mây trắng bồng bềnh, nghe tiếng ve râm ran trên cành phượng vĩ; những khi mơ màng, để mặc cho trí tưởng tượng tuổi thơ đưa vào những cuộc phiêu lưu đầy hấp dẫn. Những giấc mơ đằm thắm và say sưa đã rung động và mơn man cõi lòng ấy càng chỉ làm thấm thía tình cảnh trơ trọi đáng thương của đứa bé côi cút cùng khổ.
Tác phẩm kết thúc bằng cách mở ra nhiều suy nghĩ khác nhau cho độc giả, Nguyên Hồng chọn chạy thoát khỏi thế giới hiện thực của mình như là muốn tránh xa những đau khổ, đắng cay dập vùi lên đứa trẻ tội nghiệp. Hay đó cũng là một phương trời mới, một nơi có ước mơ và hy vọng tốt đẹp sẽ đến với ông, ở đó sẽ có gia đình hạnh phúc khi mọi người cùng yêu thương nhau, lớp học vui vẻ khi giáo viên thấu hiểu cho học trò và bạn bè cùng chơi đùa với nhau: Trống trường lần thứ hai bỗng nổi dậy. Một loạt tiếng rào rào ran lên rồi lịm dần. Một cảm giác lạnh dọi bỗng chạy suốt sống lưng tôi. Như có một bàn tay bằng thép mỏng vuốt từ đầu xuống gáy tôi rồi móc vào xương quai xanh tôi để kéo tôi vào hàng học trò xếp dài ở sân: cái bàn tay của thầy giáo tôi đã giúi tôi vào cái góc tường hình phạt và không bao giờ nhấc cho tôi lên nữa. Tôi vùng đứng dậy, mê man, chạy như biến ra đường…
Từ tình cảnh và tâm sự của đứa trẻ bị đày đọa, tác phẩm cũng làm toát lên bộ mặt lạnh lùng tàn ác của xã hội đồng tiền đầy bất công. Giá trị hiện thực, giá trị nhân đạo trong tư tưởng và bút pháp nghệ thuật của tác phẩm đã khiến tác phẩm tồn tại bền vững qua thử thách của thời gian. Sức sống mạnh mẽ, giọng điệu thống thiết, đằm thắm, tình cảm tươi mới, trẻ trung, lúc nào cũng biểu hiện ở cường độ cao, mãnh liệt, cảnh sắc rực rỡ, âm thanh náo động. Xuyên suốt câu chuyện, qua 9 mẩu hồi ức được đặt tên nhấn mạnh các khía cạnh của chủ đề tác phẩm, nhà văn đã rọi chiếu ánh sáng vào những sự kiện, chi tiết, ý nghĩ, cảm xúc con người từ cái nhìn nghệ thuật của cái tôi tác giả là một cậu bé, giúp người đọc thâm nhập sâu vào những ngõ ngách, những biểu hiện tế vi của tâm lý, tình cảm con người. Bằng ngôn ngữ biểu cảm, tự nhiên và chân thật, tác giả đã ghi lại những ấn tượng mạnh mẽ, cảm xúc, cảm nghĩ phức hợp của một cậu bé lặng lẽ quan sát, xét đoán về những người thân trong gia đình mình (bà nội, bố, mẹ, người cô); về những người hàng xóm, láng giềng, những bạn bè thân quen; về thầy bạn trong trường lớp. Một thế giới thu nhỏ được nhìn nhận, bình giá qua đôi mắt mở to với những ấn tượng mỗi ngày một nhiều lên, sâu thêm rồi làm tổ trong lòng cậu bé ấy – một sinh linh nhỏ bé nhưng cả nghĩ, có phần già trước tuổi. Tác giả đã xây dựng nên một nhân vật với tính cách vừa trẻ con đúng với lứa tuổi của mình, vừa như một người trưởng thành, cũng biết chịu đựng, biết tìm cách tự lo cho bản thân mình mặc dù không đường hoàng cho lắm, song cũng hợp lý vì ngay từ những ngày thơ ấu, chú bé Hồng đã phải trải qua chuỗi ngày tủi hờn, phút giây căm phẫn trước sự tàn nhẫn, ghẻ lạnh của chính những người trong gia đình, thật quá sức chịu đựng của một đứa bé. Tuy nhiên, Hồng đã rất kiên cường, không hề khuất phục trước số phận, chú bé đã có những suy nghĩ hết sức tích cực về những hủ tục hạ nhục người phụ nữ và chính mẹ của mình phải gánh chịu, để từ đó, cậu bé biết thông cảm với người mẹ bao lâu nay luôn nhẫn nhịn. Đọc những ngày thơ ấu ta thấy không phải ai trong đời cũng có một tuổi thơ như Nguyên Hồng. Có thể nói, đây là một tuổi thơ không phổ biến.
Nói theo Lép Tônxtôi, ở mọi gia đình, hạnh phúc thường giống nhau còn bất hạnh lại rất khác nhau. Thế nhưng ai cũng muốn biết đến một tuổi thơ như thế, không chỉ để cảm thông, để chia sẻ, mà còn là để hiểu những căn nguyên, những bối cảnh nào đã đưa con người vào những tình huống sống bi đát và bế tắc như thế? Cuối cùng, điều có ý nghĩa quan trọng hơn, thậm chí là bao trùm, và có gì gợi một nghịch lý - đặt ra từ Những ngày thơ ấu, đó là chính người có một tuổi thơ cay đắng như thế lại sẽ là người thuộc trong số ít cây bút tràn đầy một tình thương tha thiết đối với mọi lớp người dưới đáy xã hội. Có phải do đã trải thấm mọi xót xa, cay cực của tuổi thơ mà Nguyên Hồng bỗng trở nên người nhân hậu nhất, hay khóc nhất trong số các nhà văn Việt Nam viết về những người khốn khổ? Trái đắng của cuộc đời, đó là nỗi niềm sâu sắc nhất mà nhà văn đã phải nếm trải khi còn thơ bé. Từ một đứa trẻ mồ côi, phải chịu nhiều nỗi bất hạnh, Nguyên Hồng đã trở thành một nhà văn lớn với một tinh thần, ý chí kiên cường. Có lẽ chính những ký ức tuổi thơ đầy đau thương ấy đã hình thành trong công một lòng thương người, để những tác phẩm mà ông viết ra đều mang tình thương yêu đến với đồng loại.
Thạch Lam từng đánh giá: Đây là tập hồi ký về tuổi thơ ghi lại những rung động cực điểm của một linh hồn trẻ dại. Còn thông qua góc nhìn của Như Phong thì Một nghệ sĩ đã thực hiện hết mình, đã mang được vào sự nghiệp sáng tác hết tất cả những cái đáng giá nhất mà mình muốn nói với người đời, là một người sung sướng nhất. Nguyên Hồng là nhà văn đã có cái hạnh phúc tuyệt vời ấy. Những ngày thơ ấu không chỉ là câu chuyện đủ gần gũi cho độc giả đắm mình giữa những trang viết giản dị và trong sáng, mà đây còn là câu chuyện bồi đắp lòng nhân hậu và tính kiên nghị cho lứa tuổi thiếu niên. Chất đời rất riêng trong ngòi bút của Nguyên Hồng kết hợp với những chi tiết nghệ thuật đắt giá đã lay động trái tim người đọc, trở thành tác phẩm viết về tuổi thơ, về gia đình rất tiêu biểu trong nền văn học Việt Nam.
Lời kết
Ta không thể chọn nơi ta sinh ra, cũng bởi vậy nên không phải đứa trẻ nào cũng được lớn lên trong một gia đình đủ đầy, hạnh phúc, có một tuổi thơ êm đềm. Có ai hay ngoài kia còn bao mảnh đời cơ cực, không may mắn như chúng ta. Có lẽ trong những đêm đông lạnh giá, khi ta đang cuộn mình trong chiếc chăn bông dày dặn, ấm áp thì cũng có những con người đang ngày đêm mưu sinh, những đứa trẻ không nơi về chốn ở. Khi ta đang mệt mỏi, ca thán với đống bài tập về nhà, vẫn còn những trẻ em chưa từng lật mở trang sách, tiếp cận với con chữ. Nhiều lúc ta phàn nàn với mẹ về chuyện gia đình, đâu đó trên thế gian có những người đang mơ ước được cất tiếng gọi mẹ. Hạnh phúc tựa bong bóng xà phòng, rất đẹp nhưng cũng rất dễ tan. Bởi vậy, hãy trân trọng từng khoảnh khắc trong cuộc sống, trân trọng từng giây phút được ở cạnh những người mình yêu thương, trân trọng khoảng thời gian yên bình, thanh thản trước cuộc đời vội vã, trân trọng quá khứ, trân trọng tương lai, trân trọng chúng ta của hiện tại…
Review chi tiết bởi: Hương Trà - Bookademy
Hình ảnh: Trúc Phương - Bookademy
--------------------------------------------------
Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy
Bạn đam mê viết lách, yêu thích đọc sách và muốn lan tỏa văn hóa đọc tới cộng đồng của YBOX.VN? Đăng ký để trở thành CTV Bookademy tại link: http://bit.ly/bookademy_ctv
(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ "Tên tác giả - Bookademy." Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
“Những ngày thơ ấu” là cuốn tự truyện đong đầy nước mắt, kể lại chính tuổi thơ cay đắng của tác giả. Với khoảng trên 2 vạn chữ, chia thành 9 chương: Tiếng kèn, Chúa thương xót chúng con, Truỵ lạc, Trong lòng mẹ, Đêm noel, Trong đêm Đông, Đồng xu cái, Sa ngã, Một bước ngắn. Mỗi câu chuyện được sắp xếp theo trình tự thời gian và sự thăng cấp khó khăn trong cuộc đời tác giả. Nhưng ẩn sau những câu chuyện đau buồn ấy là những lời văn miêu tả chân thật và sống động về cảnh vật và xã hội cũ của nước ta thời bấy giờ. Từng trang hồi ký đã ghi lại cảnh sa sút, tan nát của một gia đình thị dân ở thành phố Nam Định trong khoảng những năm hai mươi, ba mươi của thế kỉ XX. Những nỗi đau buồn của một thiếu phụ trong một cuộc hôn nhân miễn cưỡng, một người chồng, một người cha nghiện ngập, những tủi cực, cô đơn và con đường sa ngã của một em bé mồ côi đáng thương.
“Những ngày thơ ấu” là câu chuyện chắp vá về tuổi thơ đầy đau thương của chính tác giả. Hồng - một cậu bé sinh ra trong gia đình giàu có nhưng lại không mấy hạnh phúc. Ngay từ khi còn nhỏ, cậu đã thấu hiểu được sự thờ ơ, vô trách nhiệm của người cha nghiện ngập, và những nỗi đau đớn, tủi nhục của người mẹ khi luôn bị cả gia tộc giày xéo, đày đọa đến mức phải bỏ cả con cái đi tha hương cầu thực. Với ngôn từ giản dị và trong sáng, “Những ngày thơ ấu” không chỉ đem đến cho độc giả câu chuyện bình dị, gần gũi với đời thường mà nó còn lột tả được một bối cảnh xã hội phong kiến, cổ hủ của Việt Nam thời xưa.