Những ngày thơ ấu là câu chuyện chắp vá về tuổi thơ đầy đau thương của chính tác giả. Hồng - một cậu bé sinh ra trong gia đình giàu có nhưng lại không mấy hạnh phúc. Ngay từ khi còn nhỏ, cậu đã thấu hiểu được sự thờ ơ, vô trách nhiệm của người cha nghiện ngập, và những nỗi đau đớn, tủi nhục của người mẹ khi luôn bị cả gia tộc giày xéo, đày đọa đến mức phải bỏ cả con cái đi tha hương cầu thực. Với ngôn từ giản dị và trong sáng, Những ngày thơ ấu không chỉ đem đến cho độc giả câu chuyện bình dị, gần gũi với đời thường mà nó còn lột tả được một bối cảnh xã hội phong kiến, cổ hủ của Việt Nam thời xưa.

Về tác giả

Nhà văn Nguyên Hồng tên thật là Nguyễn Nguyên Hồng, ông sinh ngày 5 tháng 11 năm 1918 trong một gia đình công giáo ở thành phố Nam Định. Sinh trưởng trong một gia đình nghèo, cha lại mất sớm, từ nhỏ ông đã phải theo mẹ ra Hải Phòng, kiếm sống trong các xóm lao động như xóm Cấm, xóm Chùa Đông Khê. Có lẽ bởi vậy nên trong sự nghiệp văn chương của mình, ngay từ những tác phẩm đầu tay, Nguyễn Hồng đã hướng ngòi bút về những người cùng khổ gần gũi mà ông yêu thương tha thiết. Truyện ngắn của ông chứa đựng tinh thần nhân văn sâu sắc.

Về cuốn sách

Những ngày thơ ấu là cuốn tự truyện đong đầy nước mắt, kể lại chính tuổi thơ cay đắng của tác giả. Với khoảng trên 2 vạn chữ, chia thành 9 chương: Tiếng kèn, Chúa thương xót chúng con, Truỵ lạc, Trong lòng mẹ, Đêm noel, Trong đêm Đông, Đồng xu cái, Sa ngã, Một bước ngắn. Mỗi câu chuyện được sắp xếp theo trình tự thời gian và sự thăng cấp khó khăn trong cuộc đời tác giả. Nhưng ẩn sau những câu chuyện đau buồn ấy là những lời văn miêu tả chân thật và sống động về cảnh vật và xã hội cũ của nước ta thời bấy giờ. Từng trang hồi ký đã ghi lại cảnh sa sút, tan nát của một gia đình thị dân ở thành phố Nam Định trong khoảng những năm hai mươi, ba mươi của thế kỉ XX. Những nỗi đau buồn của một thiếu phụ trong một cuộc hôn nhân miễn cưỡng, một người chồng, một người cha nghiện ngập, những tủi cực, cô đơn và con đường sa ngã của một em bé mồ côi đáng thương. 

Đằng sau vỏ bọc của một gia đình quyền quý

Bố của bé Hồng là một cai ngục. Khi Hồng sinh ra, biết bao người nhà của phạm nhân mang vàng bạc, lụa là, gạo thơm, gà béo, trứng mới, cá biển tươi để mừng. Bà vú hả hê vì có số tốt được hầu hạ một cửa quyền quý. Sau này, mỗi lần bà nội nhắc lại chuyện ấy lại có nhiều sự cảm động lắm. Mẹ Hồng là một phụ nữ xinh đẹp, chỉ bằng một nửa tuổi của bố em. Năm Hồng lên bảy, lên tám đã hiểu biết rõ rệt và thấm thía sự trái ngược cay đắng trong tình duyên của bố mẹ: 

Lúc bấy giờ, trong đầu óc mẹ tôi quằn quại những hình ảnh gì, những ý nghĩ gì, thầy tôi đoán biết sao được. Vẻ mặt xinh tươi kia, giọng cười nói nhẹ nhàng kia, sự thùy mị kính cẩn kia, sao có thể là của một người đàn bà mà tâm tư hằng giá buốt vì những phiền muộn, những đau đớn cay chua nhất, tối tăm nhất? Hay thầy tôi cũng như mẹ tôi cả hai đều thản nhiên và lặng lẽ để che giấu cả một lòng đau đớn?

Hồng ra đời là kết quả của cuộc hôn nhân miễn cưỡng không tình yêu, dưới sự sắp đặt đầy toan tính. Chú lớn lên trong không khí giả dối, lạnh lẽo của một gia đình không hạnh phúc. Người bố phẫn chí sống lặng lẽ u uất với bàn đèn thuốc phiện và trở nên truỵ lạc. Người mẹ trẻ trung có trái tim khao khát tình yêu, song đành chôn vùi những năm tháng tươi đẹp nhất của cuộc đời bên người chồng nghiện ngập. Gia đình ngày càng sa sút rồi cuối cùng sụp đổ. Bố mất, đứa trẻ đáng thương phải chứng kiến cảnh mẹ mình cùng túng: Hoa tai và nhẫn vàng, mẹ tôi tháo bán đi lúc nào không rõ. Cái thúng thanh con trước kia hễ tan chợ là đầy xu hào, nay chỉ còn loáng thoáng mấy đồng hào con và tiền trinh nên phải bỏ con cái đi tha hương cầu thực. Chú bé mồ côi cha nay lại xa mẹ, sống bơ vơ giữa sự ghẻ lạnh cay nghiệt của họ hàng và trở nên đói rách, lêu lổng, phải gánh chịu nỗi đau đớn tủi nhục, bị hắt hủi phũ phàng. Chắc hẳn ta sẽ không thể quên những lần chú bé bị thầy giáo phạt quỳ vô lí vì những lỗi lầm không do cậu gây ra, bắt cậu quỳ ở góc lớp hết ngày này sang ngày khác, đến nỗi đau đầu gối hết chịu nổi; hay đêm Noel bị đuổi khỏi cửa nhà thờ, lủi thủi trong gió mưa lạnh lẽo với bộ quần áo chúc bâu mỏng và chiếc áo chùng thâm đã toạc vai; rồi những đêm đông mưa gió lạnh buốt, nằm trên cái phản trong xó nhà tăm tối của cô bà cô giàu có mà độc ác, lắm lần ghẻ lạnh, bêu rếu, khinh miệt bé Hồng đến nghiệt ngã nhưng cậu vẫn không nói lại một câu, bởi đơn giản cậu biết rõ: 

Cô tôi chỉ có ý gieo rắc vào đầu óc tôi những hoài nghi để tôi khinh miệt và ruồng rẫy mẹ tôi, một người đàn bà đã bị cái tội là góa chồng, nợ nần cùng túng quá, phải bỏ con cái đi tha hương cầu thực. Nhưng đời nào tình thương yêu và lòng kính mến mẹ tôi lại bị những rắp tâm tanh bẩn xâm phạm đến, cũng có khi bế tắc trong chính những câu hỏi không có lời hồi đáp: Mẹ ơi! Con khổ quá mẹ ơi! Sao mẹ đi lâu thế? Mãi không về. Người ta đánh con vì con dám cướp lại đồ chơi của con mà con người ta giành lấy. Người ta chửi con, chửi cả mẹ nữa. Mẹ xa con, mẹ có biết không?. 

Con đường sa ngã 

Mang theo trái tim chắp đầy mảnh vá, cậu như biến thành một con người khác, bắt đầu la cà khắp các cổng chợ, vườn hoa, bến tàu để đánh đáo, một trò chơi ăn tiền thời bấy giờ mà bọn đầu đường xó chợ hay chơi để kiếm từng hào một sống cho thỏa. Hồng đã biết trêu tức bà nội khi bị chửi mắng, biết cách trả đòn khi bị cô cạnh khóe người mẹ bỏ xứ ra đi. Cậu đã chung đụng với tụi trẻ lêu lổng, ăn cánh với các đứa gian ngoan, bóc lột những đứa khờ khạo. Trong tâm trí cậu lúc ấy chỉ là những đồng trinh la liệt trên mặt đất, những quân bài dở dằn xuống vất lên và những tiếng tiền reo sang sảng trong chiếc bát sắt và đĩa sắt. Cậu vẫn còn nhỏ quá, cậu cần phải có một gia đình để nương tựa, vỗ về, thế nhưng dường như tất cả mọi thứ đều quay lưng với cậu. Đã thế cậu còn bị đánh đập, hành hạ tàn nhẫn trong oan khuất bởi người thầy giáo kiêu ngạo và ích kỷ. Chính những điều đó đã nhóm lên trong lòng cậu những phẫn uất, căm hờn. Một hôm, Hồng đến trường sớm hơn thường lệ, nằm trên bãi cỏ, dưới một bụi râm bụt và một gốc bàng, hai tay khoanh sau gáy, mắt lim dim, cậu bỗng nhớ lại những ngày tháng vui vẻ trước đây khi đi học mà nước mắt lăn dài hai gò má:

Hai khóe mắt tôi bỗng mọng lệ. Tôi hơi nghiêng mặt đi để nó cùng rớt xuống gò má. Thứ nước mằn mặn ấy rỉ ngay vào miệng tôi. Sự chua chát của những ý nghĩ phiền muộn, phẫn uất càng nồng nàn. Và, mắt tôi mờ dần sau một màng ướt át dày đặc. Những cái thở nóng ran dồn dập đưa mãi lên đến cổ họng tôi. Từ một đứa trẻ thông minh, lanh lợi, tâm hồn trong sáng và nhạy cảm, Hồng đã dần sa ngã và lạc lõng giữa dòng đời đầy cám dỗ


Tình yêu thương vô bờ bến của cậu bé Hồng đối với mẹ

Tuy thế, trong chuỗi ngày dài cơ cực của những ngày thơ ấy, tia sáng ấm áp của cuộc đời đầy chông gai và thử thách cũng tới và sưởi ấm cho trái tim nhỏ bé đã nguội lạnh, dù chỉ là một chút. Tình mẫu tử là liều thuốc hữu hiệu nhất để chữa lành những tổn thương sâu thẳm. Một đứa trẻ có thể sa ngã, có thể trụy lạc, nhưng ở trong lòng mẹ nó vẫn mãi là một báu vật quý giá. Xuất phát từ lòng biết ơn dành cho người đã sinh ra và nuôi nấng mình và nhiều lần chứng kiến những lần mẹ khổ cực vì cha, trong lòng Nguyên Hồng đã hình thành lòng kính mến rất lớn dành cho mẹ mình. Ông luôn xem mẹ là chỗ dựa tinh thần mà cố gắng sống ở nhà nội, nỗi nhớ nhung trong lòng ngày càng lớn để rồi khi gặp lại, ông chỉ biết nhào vào lòng mẹ mà âu yếm thật nhiều: 

Tôi ngồi trên đệm xe, đùi áp đùi mẹ tôi, đầu ngả vào cánh tay mẹ tôi, tôi thấy những cảm giác ấm áp đã bao lâu mất đi bỗng lại mơn man khắp da thịt. Hơi quần áo mẹ tôi và những hơi thở ở khuôn miệng xinh xắn nhai trầu phả ra lúc đó thơm tho lạ thường. Phải bé lại và lăn vào lòng một người mẹ, áp mặt vào bầu sữa nóng của người miệng, để bàn tay người mẹ vuốt ve từ trên trán xuống cằm, và gãi rôm ở sống lưng cho, mới thấy người mẹ có một êm dịu vô cùng.

Nằm gọn trong vòng tay mẹ, những uất ức tủi nhục bấy lâu nay như tan biến hết. Hồng cũng có những kỉ niệm êm ái như giây phút ngả mình trên bãi cỏ sân trường dưới bóng cây, thả hồn theo đám mây trắng bồng bềnh, nghe tiếng ve râm ran trên cành phượng vĩ; những khi mơ màng, để mặc cho trí tưởng tượng tuổi thơ đưa vào những cuộc phiêu lưu đầy hấp dẫn. Những giấc mơ đằm thắm và say sưa đã rung động và mơn man cõi lòng ấy càng chỉ làm thấm thía tình cảnh trơ trọi đáng thương của đứa bé côi cút cùng khổ


Tác phẩm kết thúc bằng cách mở ra nhiều suy nghĩ khác nhau cho độc giả, Nguyên Hồng chọn chạy thoát khỏi thế giới hiện thực của mình như là muốn tránh xa những đau khổ, đắng cay dập vùi lên đứa trẻ tội nghiệp. Hay đó cũng là một phương trời mới, một nơi có ước mơ và hy vọng tốt đẹp sẽ đến với ông, ở đó sẽ có gia đình hạnh phúc khi mọi người cùng yêu thương nhau, lớp học vui vẻ khi giáo viên thấu hiểu cho học trò và bạn bè cùng chơi đùa với nhau: Trống trường lần thứ hai bỗng nổi dậy. Một loạt tiếng rào rào ran lên rồi lịm dần. Một cảm giác lạnh dọi bỗng chạy suốt sống lưng tôi. Như có một bàn tay bằng thép mỏng vuốt từ đầu xuống gáy tôi rồi móc vào xương quai xanh tôi để kéo tôi vào hàng học trò xếp dài ở sân: cái bàn tay của thầy giáo tôi đã giúi tôi vào cái góc tường hình phạt và không bao giờ nhấc cho tôi lên nữa. Tôi vùng đứng dậy, mê man, chạy như biến ra đường…

Từ tình cảnh và tâm sự của đứa trẻ bị đày đọa, tác phẩm cũng làm toát lên bộ mặt lạnh lùng tàn ác của xã hội đồng tiền đầy bất công. Giá trị hiện thực, giá trị nhân đạo trong tư tưởng và bút pháp nghệ thuật của tác phẩm đã khiến tác phẩm tồn tại bền vững qua thử thách của thời gian. Sức sống mạnh mẽ, giọng điệu thống thiết, đằm thắm, tình cảm tươi mới, trẻ trung, lúc nào cũng biểu hiện ở cường độ cao, mãnh liệt, cảnh sắc rực rỡ, âm thanh náo động. Xuyên suốt câu chuyện, qua 9 mẩu hồi ức được đặt tên nhấn mạnh các khía cạnh của chủ đề tác phẩm, nhà văn đã rọi chiếu ánh sáng vào những sự kiện, chi tiết, ý nghĩ, cảm xúc con người từ cái nhìn nghệ thuật của cái tôi tác giả là một cậu bé, giúp người đọc thâm nhập sâu vào những ngõ ngách, những biểu hiện tế vi của tâm lý, tình cảm con người. Bằng ngôn ngữ biểu cảm, tự nhiên và chân thật, tác giả đã ghi lại những ấn tượng mạnh mẽ, cảm xúc, cảm nghĩ phức hợp của một cậu bé lặng lẽ quan sát, xét đoán về những người thân trong gia đình mình (bà nội, bố, mẹ, người cô); về những người hàng xóm, láng giềng, những bạn bè thân quen; về thầy bạn trong trường lớp. Một thế giới thu nhỏ được nhìn nhận, bình giá qua đôi mắt mở to với những ấn tượng mỗi ngày một nhiều lên, sâu thêm rồi làm tổ trong lòng cậu bé ấy – một sinh linh nhỏ bé nhưng cả nghĩ, có phần già trước tuổi. Tác giả đã xây dựng nên một nhân vật với tính cách vừa trẻ con đúng với lứa tuổi của mình, vừa như một người trưởng thành, cũng biết chịu đựng, biết tìm cách tự lo cho bản thân mình mặc dù không đường hoàng cho lắm, song cũng hợp lý vì ngay từ những ngày thơ ấu, chú bé Hồng đã phải trải qua chuỗi ngày tủi hờn, phút giây căm phẫn trước sự tàn nhẫn, ghẻ lạnh của chính những người trong gia đình, thật quá sức chịu đựng của một đứa bé. Tuy nhiên, Hồng đã rất kiên cường, không hề khuất phục trước số phận, chú bé đã có những suy nghĩ hết sức tích cực về những hủ tục hạ nhục người phụ nữ và chính mẹ của mình phải gánh chịu, để từ đó, cậu bé biết thông cảm với người mẹ bao lâu nay luôn nhẫn nhịn. Đọc những ngày thơ ấu ta thấy không phải ai trong đời cũng có một tuổi thơ như Nguyên Hồng. Có thể nói, đây là một tuổi thơ không phổ biến. 

Nói theo Lép Tônxtôi, ở mọi gia đình, hạnh phúc thường giống nhau còn bất hạnh lại rất khác nhau. Thế nhưng ai cũng muốn biết đến một tuổi thơ như thế, không chỉ để cảm thông, để chia sẻ, mà còn là để hiểu những căn nguyên, những bối cảnh nào đã đưa con người vào những tình huống sống bi đát và bế tắc như thế? Cuối cùng, điều có ý nghĩa quan trọng hơn, thậm chí là bao trùm, và có gì gợi một nghịch lý - đặt ra từ Những ngày thơ ấu, đó là chính người có một tuổi thơ cay đắng như thế lại sẽ là người thuộc trong số ít cây bút tràn đầy một tình thương tha thiết đối với mọi lớp người dưới đáy xã hội. Có phải do đã trải thấm mọi xót xa, cay cực của tuổi thơ mà Nguyên Hồng bỗng trở nên người nhân hậu nhất, hay khóc nhất trong số các nhà văn Việt Nam viết về những người khốn khổ? Trái đắng của cuộc đời, đó là nỗi niềm sâu sắc nhất mà nhà văn đã phải nếm trải khi còn thơ bé. Từ một đứa trẻ mồ côi, phải chịu nhiều nỗi bất hạnh, Nguyên Hồng đã trở thành một nhà văn lớn với một tinh thần, ý chí kiên cường. Có lẽ chính những ký ức tuổi thơ đầy đau thương ấy đã hình thành trong công một lòng thương người, để những tác phẩm mà ông viết ra đều mang tình thương yêu đến với đồng loại. 

Thạch Lam từng đánh giá: Đây là tập hồi ký về tuổi thơ ghi lại những rung động cực điểm của một linh hồn trẻ dại. Còn thông qua góc nhìn của Như Phong thì Một nghệ sĩ đã thực hiện hết mình, đã mang được vào sự nghiệp sáng tác hết tất cả những cái đáng giá nhất mà mình muốn nói với người đời, là một người sung sướng nhất. Nguyên Hồng là nhà văn đã có cái hạnh phúc tuyệt vời ấy. Những ngày thơ ấu không chỉ là câu chuyện đủ gần gũi cho độc giả đắm mình giữa những trang viết giản dị và trong sáng, mà đây còn là câu chuyện bồi đắp lòng nhân hậu và tính kiên nghị cho lứa tuổi thiếu niên. Chất đời rất riêng trong ngòi bút của Nguyên Hồng kết hợp với những chi tiết nghệ thuật đắt giá đã lay động trái tim người đọc, trở thành tác phẩm viết về tuổi thơ, về gia đình rất tiêu biểu trong nền văn học Việt Nam.

Lời kết

Ta không thể chọn nơi ta sinh ra, cũng bởi vậy nên không phải đứa trẻ nào cũng được lớn lên trong một gia đình đủ đầy, hạnh phúc, có một tuổi thơ êm đềm. Có ai hay ngoài kia còn bao mảnh đời cơ cực, không may mắn như chúng ta. Có lẽ trong những đêm đông lạnh giá, khi ta đang cuộn mình trong chiếc chăn bông dày dặn, ấm áp thì cũng có những con người đang ngày đêm mưu sinh, những đứa trẻ không nơi về chốn ở. Khi ta đang mệt mỏi, ca thán với đống bài tập về nhà, vẫn còn những trẻ em chưa từng lật mở trang sách, tiếp cận với con chữ. Nhiều lúc ta phàn nàn với mẹ về chuyện gia đình, đâu đó trên thế gian có những người đang mơ ước được cất tiếng gọi mẹ. Hạnh phúc tựa bong bóng xà phòng, rất đẹp nhưng cũng rất dễ tan. Bởi vậy, hãy trân trọng từng khoảnh khắc trong cuộc sống, trân trọng từng giây phút được ở cạnh những người mình yêu thương, trân trọng khoảng thời gian yên bình, thanh thản trước cuộc đời vội vã, trân trọng quá khứ, trân trọng tương lai, trân trọng chúng ta của hiện tại…

Review chi tiết bởi: Hương Trà - Bookademy

Hình ảnh: Trúc Phương - Bookademy


--------------------------------------------------                                                                     

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy


Bạn đam mê viết lách, yêu thích đọc sách và muốn lan tỏa văn hóa đọc tới cộng đồng của YBOX.VN? Đăng ký để trở thành CTV Bookademy tại link: http://bit.ly/bookademy_ctv


(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ "Tên tác giả - Bookademy." Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.





Xem thêm

Chú bé Hồng ra đời là kết quả của cuộc hôn nhân miễn cưỡng không tình yêu; chú lớn lên trong không khí giả dối, lạnh lẽo của một gia đình không hạnh phúc. Người bố phẫn chí sống lặng lẽ u uất với bàn đèn thuốc phiện và trở thành truỵ lạc. Người mẹ trẻ trung có trái tim khao khát yêu đương song đành chôn tuổi thanh xuân bên người chồng nghiện ngập. Gia đình ngày càng sa sút rồi cuối cùng sụp đổ hẳn. Bố chết, người mẹ vì ”cùng túng quá, phải bỏ con cái đi tha hương cầu thực". Đứa trẻ đã mồ côi cha lại xa mẹ, sống bơ vơ giữa sự ghẻ lạnh cay nghiệt của họ hàng và trở nên đói rách, lêu lổng. Tác phấm có những chương cảm động kể lại nỗi đau đớn tủi nhục của tuổi thơ bị hắt hủi phũ phàng: những lần bị thầy giáo phạt quỳ vô lí tàn ác; đêm Nỏ-en bị đuổi khỏi cửa nhà thờ, lủi thủi trong gió mưa lạnh lẽo... Cũng có những kỉ niệm êm ái của đứa bé như khi nằm trong lòng mẹ, được mẹ vuốt ve; lúc nằm trên bãi cỏ sân trường dưới bóng cây thả hồn theo đám mảy trắng bồng bênh nghe tiếng ve ran trên cành phượng; những khi mơ màng, để mặc cho trí tưởng tượng tuổi thơ đưa vào những cuộc phiêu lưu đầy hấp dẫn... Những giấc mơ “đằm thắm và say sưa đã rung động và mơn man cõi lòng” ấy càng chỉ làm thấm thía tình cảnh trơ trọi đáng thương của "đứa bé côi cút cùng khổ".

Từ tình cảnh và tâm sự của đứa trẻ bị đày đoạ, tác phẩm cũng làm toát lên bộ mật lạnh lùng tàn ác của xã hội đồng tiền đầy bất công. Cái xã hội mà tình máu mủ ruột thịt cùng trở nên khô héo, mà cánh cửa nhà thờ đêm Nô-en cũng chỉ mở ra cho đám người giàu sang “khệnh khạng, bộ vệ. hớn hơ" và khép lại trước kẻ nghèo "trơ trọi hèn hạ", cái xã hội của bọn thị dân tiểu tư sản sống nhỏ nhen, chỉ biết ganh ghét, giả dối, độc ác...

“Những ngày thơ ấu” là cuốn tự truyện đong đầy nước mắt, kể lại chính tuổi thơ cay đắng của tác giả. Với khoảng trên 2 vạn chữ, chia thành 9 chương: Tiếng kèn, Chúa thương xót chúng con, Truỵ lạc, Trong lòng mẹ, Đêm noel, Trong đêm Đông, Đồng xu cái, Sa ngã, Một bước ngắn. Mỗi câu chuyện được sắp xếp theo trình tự thời gian và sự thăng cấp khó khăn trong cuộc đời tác giả. Nhưng ẩn sau những câu chuyện đau buồn ấy là những lời văn miêu tả chân thật và sống động về cảnh vật và xã hội cũ của nước ta thời bấy giờ. Từng trang hồi ký đã ghi lại cảnh sa sút, tan nát của một gia đình thị dân ở thành phố Nam Định trong khoảng những năm hai mươi, ba mươi của thế kỉ XX. Những nỗi đau buồn của một thiếu phụ trong một cuộc hôn nhân miễn cưỡng, một người chồng, một người cha nghiện ngập, những tủi cực, cô đơn và con đường sa ngã của một em bé mồ côi đáng thương. 

“Những ngày thơ ấu” là câu chuyện chắp vá về tuổi thơ đầy đau thương của chính tác giả. Hồng - một cậu bé sinh ra trong gia đình giàu có nhưng lại không mấy hạnh phúc. Ngay từ khi còn nhỏ, cậu đã thấu hiểu được sự thờ ơ, vô trách nhiệm của người cha nghiện ngập, và những nỗi đau đớn, tủi nhục của người mẹ khi luôn bị cả gia tộc giày xéo, đày đọa đến mức phải bỏ cả con cái đi tha hương cầu thực. Với ngôn từ giản dị và trong sáng, “Những ngày thơ ấu” không chỉ đem đến cho độc giả câu chuyện bình dị, gần gũi với đời thường mà nó còn lột tả được một bối cảnh xã hội phong kiến, cổ hủ của Việt Nam thời xưa.

Lối viết văn của Nguyên Hồng chậm rãi, phải đọc từng từ từng chữ, phải ngẫm nghĩ mới hiểu được hết ý nghĩa của những dòng văn mà ông muốn truyền tải. Từ một đứa trẻ mồ côi, Nguyên Hồng đã thành một nhà văn lớn với một tinh thần, ý chí kiên cường. Và có lẽ những ký ức tuổi thơ đã hình thành trong ông một lòng thương người, để những tác phẩm ông viết ra, đều mang tình thương đến với đồng loại.

“Những ngày thơ ấu” là tác phẩm viết dưới dạng hồi ký gồm 9 câu chuyện: Tiếng kèn, Chúa thương xót chúng con, Truỵ lạc, Trong lòng mẹ, Đêm no-en, Trong đêm Đông, Đồng xu cái, Sa ngã, Một bước ngắn. Nhân vật chính của hồi kí xưng “tôi” và tên Hồng. Mỗi câu chuyện được sắp xếp theo trình tự thời gian và sự thăng cấp khó khăn trong cuộc đời tác giả. Nhưng ẩn trong những câu chuyện đau buồn ấy là những lời văn miêu tả chân thật và sống động về cảnh vật và xã hội cũ của nước ta thời bấy giờ.

“Những ngày thơ ấu” của nhà văn Nguyên Hồng là một tác phẩm vô cùng hay và ý nghĩa. Nó có lẽ là hồi kí viết về tuổi thơ của tác giả. Một câu chuyện tuổi thơ để lại nhiều suy nghĩ cho người đọc. Chú bé Hồng thật vô cùng đáng thương khi sống trong tuổi thơ thiếu thốn tình yêu thương của mẹ, thứ tình cảm thiêng liêng và cao quý nhất mà đứa trẻ nào cũng cần được có. Câu chuyện đã làm người đọc như muốn được cười, được khóc luôn cùng nhân vật. Quả là một câu chuyện ý nghĩa.

Mình nhớ là hồi mình còn nhỏ, chừng lớp 5 gì đó, có lần chán quá thế là mình lấy cuốn sách giáo khoa lớp 8 (hồi ý bố mình dạy Văn) giờ giở ra thì gặp ngay một tựa đề rất hay và rất hút, mình mân mê theo từng dòng chữ và đọc hết cả đoạn trích ấy luôn. Đoạn trích có tên: Trong lòng mẹ, trích hồi kí “Những ngày thơ ấu”.

Chẳng biết vì sao, nhưng mình yêu câu chữ của Nguyễn Hồng quá, đọc xong cảm giác nước mắt đã rơi từ khi nào chẳng biết. Mình vừa đọc, vừa tưởng tượng ra khung cảnh của cậu bé tội nghiệp khao khát tình mẹ. Câu chữ sao mà chân thật quá, như được dứt ra từ trái tim nóng hổi và run rẩy của một tâm hồn đã đôi lần gục ngã. Và mình lần mò để tìm cho bằng được cuốn sách ấy, một đoạn trích đã khiến cho mình phải suy nghĩ thật là nhiều, song một đoạn trích không đủ để thỏa mãn sự tò mò của mình, thực sự là vậy. 

Hồi kí “Những ngày thơ ấu” gồm 9 chương, mỗi chương là một câu chuyện, những chương của cuộc đời tuổi thơ một cậu bé cứ nối tiếp nhau như vậy, rồi chững lại… khiến ta xót xa vô cùng. Hồng là kết quả của một cuộc hôn nhân không có tình yêu. Một người mẹ trẻ trung khao khát yêu đương phải chôn vùi tuổi thanh xuân bên người chồng gấp đôi tuổi mình và nghiện ngập. Một cuộc hôn nhân không có tình yêu, đứa trẻ ra đời quả là một sự sai lầm. Nó ràng buộc họ hơn, nhưng nó lại khiến họ khổ sở hơn. Phải vậy chăng? 

Tuổi thơ cậu bé Hồng là những chuỗi ngày dài cơ cực, không, nói chính xác hơn thì đó là chuỗi ngày cay cực, là cay đắng và cực khổ. Bị ghẻ lạnh. Bị bỏ rơi. Bị đánh đập. Ngần ấy nỗi đau cho một tâm hồn đương lớn, như cây non kia, chỉ có hai sự lựa chọn hoặc trở nên què quặt hoặc đau đớn. Sớm phải chịu đựng những điều như thế, điều gượng dậy cậu bé nhỏ, là tình mẹ. Kể ra, tình mẹ chính là phương thuốc hữu hiệu nhất, là thứ khiến con trẻ trông đợi nhiều nhất, dòng sữa mẹ ngọt lành có thể ru ngủ và xoa dịu tất cả những vết hằn in lên xác thịt và những vết xước ở tận trong tim. 

Một đứa trẻ có thể sa ngã, có thể trụy lạc, nhưng ở trong vòng tay mẹ nó, trong lòng mẹ nó, nó vẫn mãi là một báu vật quý giá không gì đánh đổi được. Nhưng đôi khi, người ta phải chia xa nhau, vì những định kiến, những hoài nghi, và sự hà khắc trong tâm thức đã chà đạp lên nhân phẩm của con người không thương tiếc. Mẹ bé Hồng đáng trách, nhưng bà thật đáng thương, vì gia cảnh, vì bản thân mà lỡ mất một cuộc đời.

Có lẽ vì là hồi kí, là những câu chuyện được dứt ra từ chính cuộc đời, từ chính tuổi thơ đầy sóng gió của mình, chính vì thế mà người đọc đồng cảm với nó hơn bao giờ hết. Văn chương viết về mình thực là thật. Không đi sâu vào từng đoạn trích, vì sẽ thật là dài để có thể kể hết ra tất cả, nhưng có một điều mà mình nhận thấy, Nguyên Hồng miêu tả tâm lí nhân vật rất hay và rất tuyệt, ông gọi ra những thứ mơ hồ ở ngay trong suy nghĩ rất ngọt mà rất tinh. 

Cái kết của tác phẩm như một sự trốn chạy. Còn trốn chạy khỏi điều gì ư? Mình nghĩ mỗi người sẽ có một câu trả lời riêng. Vậy thì, hãy đọc để cảm nhận. Chỉ mong rằng chúng ta sẽ là người đồng cảm, nhưng sẽ không ai có thêm một thời thơ ấu như vậy nữa, rất mong...

Mình nhớ là hồi mình còn nhỏ, chừng lớp 5 gì đó, có lần chán quá thế là mình lấy cuốn sách giáo khoa lớp 8 (hồi ý bố mình dạy Văn) giờ giở ra thì gặp ngay một tựa đề rất hay và rất hút, mình mân mê theo từng dòng chữ và đọc hết cả đoạn trích ấy luôn. Đoạn trích có tên: Trong lòng mẹ, trích hồi kí “Những ngày thơ ấu”.

Chẳng biết vì sao, nhưng mình yêu câu chữ của Nguyễn Hồng quá, đọc xong cảm giác nước mắt đã rơi từ khi nào chẳng biết. Mình vừa đọc, vừa tưởng tượng ra khung cảnh của cậu bé tội nghiệp khao khát tình mẹ. Câu chữ sao mà chân thật quá, như được dứt ra từ trái tim nóng hổi và run rẩy của một tâm hồn đã đôi lần gục ngã. Và mình lần mò để tìm cho bằng được cuốn sách ấy, một đoạn trích đã khiến cho mình phải suy nghĩ thật là nhiều, song một đoạn trích không đủ để thỏa mãn sự tò mò của mình, thực sự là vậy. 

Hồi kí “Những ngày thơ ấu” gồm 9 chương, mỗi chương là một câu chuyện, những chương của cuộc đời tuổi thơ một cậu bé cứ nối tiếp nhau như vậy, rồi chững lại… khiến ta xót xa vô cùng. Hồng là kết quả của một cuộc hôn nhân không có tình yêu. Một người mẹ trẻ trung khao khát yêu đương phải chôn vùi tuổi thanh xuân bên người chồng gấp đôi tuổi mình và nghiện ngập. Một cuộc hôn nhân không có tình yêu, đứa trẻ ra đời quả là một sự sai lầm. Nó ràng buộc họ hơn, nhưng nó lại khiến họ khổ sở hơn. Phải vậy chăng? 

Tuổi thơ cậu bé Hồng là những chuỗi ngày dài cơ cực, không, nói chính xác hơn thì đó là chuỗi ngày cay cực, là cay đắng và cực khổ. Bị ghẻ lạnh. Bị bỏ rơi. Bị đánh đập. Ngần ấy nỗi đau cho một tâm hồn đương lớn, như cây non kia, chỉ có hai sự lựa chọn hoặc trở nên què quặt hoặc đau đớn. Sớm phải chịu đựng những điều như thế, điều gượng dậy cậu bé nhỏ, là tình mẹ. Kể ra, tình mẹ chính là phương thuốc hữu hiệu nhất, là thứ khiến con trẻ trông đợi nhiều nhất, dòng sữa mẹ ngọt lành có thể ru ngủ và xoa dịu tất cả những vết hằn in lên xác thịt và những vết xước ở tận trong tim. 

Một đứa trẻ có thể sa ngã, có thể trụy lạc, nhưng ở trong vòng tay mẹ nó, trong lòng mẹ nó, nó vẫn mãi là một báu vật quý giá không gì đánh đổi được. Nhưng đôi khi, người ta phải chia xa nhau, vì những định kiến, những hoài nghi, và sự hà khắc trong tâm thức đã chà đạp lên nhân phẩm của con người không thương tiếc. Mẹ bé Hồng đáng trách, nhưng bà thật đáng thương, vì gia cảnh, vì bản thân mà lỡ mất một cuộc đời.

Có lẽ vì là hồi kí, là những câu chuyện được dứt ra từ chính cuộc đời, từ chính tuổi thơ đầy sóng gió của mình, chính vì thế mà người đọc đồng cảm với nó hơn bao giờ hết. Văn chương viết về mình thực là thật. Không đi sâu vào từng đoạn trích, vì sẽ thật là dài để có thể kể hết ra tất cả, nhưng có một điều mà mình nhận thấy, Nguyên Hồng miêu tả tâm lí nhân vật rất hay và rất tuyệt, ông gọi ra những thứ mơ hồ ở ngay trong suy nghĩ rất ngọt mà rất tinh. 

Cái kết của tác phẩm như một sự trốn chạy. Còn trốn chạy khỏi điều gì ư? Mình nghĩ mỗi người sẽ có một câu trả lời riêng. Vậy thì, hãy đọc để cảm nhận. Chỉ mong rằng chúng ta sẽ là người đồng cảm, nhưng sẽ không ai có thêm một thời thơ ấu như vậy nữa, rất mong...

Tác phẩm đã tái hiện chân thật bối cảnh Việt Nam ta thời đó, mặc dù đã chuyển sang giai đoạn hiện đại nhưng cái tư tưởng cổ hủ về người phụ nữ vẫn còn tiếp diễn và mẹ của nhà văn Nguyên Hồng chính là một nạn nhân. 

“Trời! Một sự bêu riếu! Phong tục và lễ nghi cổ hủ đã bắt một người mẹ coi sự sinh nở khi chưa đoạn tang chồng cũ ghê tởm hơn là những tội gian ác xấu xa nhất. Và các thành kiến gông cùm từ ngàn xưa truyền lại đã nâng một đứa con trai chưa đầy mười bốn tuổi lên một địa vị cao trọng để mẹ nó phải khuất phục, cầu khẩn!”

Là một người phụ nữ hiện đại nhưng mẹ ông vẫn bị xiềng xích bởi cách nhìn, cách nghĩ của người đời và đặc biệt là gia đình chồng.

Người phụ nữ ấy đã chịu biết bao cực khổ, phải đi tha hương cầu thực vì từng chén cơm hằng ngày và đi thêm bước nữa để được hạnh phúc cũng như bù đắp cho những cơ cực trong quá khứ nhưng vẫn phải chịu tiếng xấu. 

“Những ngày thơ ấu” còn chứa những ước mơ của tác giả về một cuộc đời công bằng hơn với mọi người

Không chỉ vậy, ”Những ngày thơ ấu” còn đặc biệt phê phán những người lạm quyền mà hành động bất chấp đúng sai và cảm nhận của người xung quanh mình.

Vì là thầy giáo nên Nguyên Hồng không được kêu la, trách móc mà chỉ biết cắn răng chịu đựng bởi cái lẽ “tôn sư trọng đạo” cho dù thầy làm sai, hiểu lầm và đổ lỗi những việc mà ông không làm để rồi lôi ra đánh đập một cách thậm tệ đầy dã man. 

“Những ngày thơ ấu” là một cuốn sách rất đáng đọc 

Cuốn sách như một thước phim quay chậm về bối cảnh thời đó để người đọc có thể hình dung lại thông qua câu từ hết sức chân thật dưới ngòi bút tài năng của nhà văn Nguyên Hồng.

Chính những ngày tháng cơ cực và cay đắng ấy là bước đệm để ông gặp gỡ nhiều nhân vật kinh điển, góp phần tạo nên thành công của Bỉ vỏ sau này. ”Những ngày thơ ấu” kể lại một quá khứ đau thương của Nguyên Hồng đồng thời để lại nhiều giá trị nhân đạo và những thông điệp vô cùng sâu sắc đối với cuộc sống.

“Những ngày thơ ấu” không chỉ là tác phẩm khắc họa rõ nét về cuộc sống của Nguyên Hồng mà nó còn là toàn cảnh Việt Nam ta ở thời xưa, ở giai đoạn này đang có sự chuyển đổi sang cuộc sống hiện đại thế nhưng ở đâu đó những tư tưởng cổ hũ, lạc hậu vẫn còn tiếp diễn đày đọa người phụ nữ.

Mẹ của Nguyên Hồng đã phải tha hương cầu thực đi khắp nơi chỉ vì miếng cơm manh áo ấy thế mà bà còn phải sống dưới sự tủi nhục của lời ra tiếng vào…

“Nghe câu nói cứng cỏi ấy không biết mẹ tôi có thấy cả một lòng phẫn uất của tôi đã sôi lên không? Chịu bao nhiêu sự đầy đọa, thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu cả tình thương yêu, tôi đã nghiến răng dày đặc lên những cái ác hèn hạ của những kẻ khinh bỉ tôi vì tôi là con một người góa hiền lành và cùng khổ vì phải bước sớm đi một bước nữa.”

Chính vì có một tuổi thơ bất hạnh cùng với hoàn cảnh khốn khó đã khiến Nguyên Hồng có sự đồng cảm sâu sắc với những người có thân phận thấp bé trong xã hội. Tác phẩm của Nguyên Hồng luôn hướng đến người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.

“Những ngày thơ ấu” là cuốn truyện viết về chính cuộc đời của Nguyên Hồng, bằng tài năng và sự khéo léo của mình Nguyên Hồng đã dẫn dắt người đọc đến nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. ”Những ngày thơ ấu” xứng đáng là một tác phẩm văn học của mọi thời đại. 

“Những ngày thơ ấu” là một trong những truyện ngắn hồi ký thành công nhất của nhà văn Nguyên Hồng. Nói về Nguyên Hồng, ông cũng có một tuổi thơ cơ cực cùng mẹ còn cha thì mất sớm. Chính tuổi thơ ấy đã được ông truyền tải một cách chân thực nhất trong cuốn hồi ký “Những ngày thơ ấu”. Tuổi thơ của tác giả không êm đềm, nhẹ nhàng như dòng nước trôi đầu mùa xuân cũng không ấm áp như những tia nắng ấm đầu hạ, những câu chuyện được kể thật đau xót, đắng cay dưới ánh mắt của một tâm hồn trẻ dại. Hồi ký gồm 9 câu chuyện: Tiếng kèn, Chúa thương xót chúng con, Truỵ lạc, Trong lòng mẹ, Đêm nô-en, Trong đêm Đông, Đồng xu cái, Sa ngã, Một bước ngắn. Nhân vật chính xưng “tôi” và tên là Hồng. Mỗi câu chuyện được sắp xếp theo trình tự thời gian và sự thăng cấp bậc khó khăn, đau buồn, tủi cực trong cuộc sống của tác giả. Nhưng đằng sau bức màn đau buồn về tuổi thơ cơ cực của cậu bé Hồng chính là những lời văn miêu tả chân thật như những lời tố cáo sâu sắc đến xã hội phong kiến lúc đó.

Không phải ngẫu nhiên mà tôi tìm đến truyện này. Hôm ấy tôi mới lớp 8, vừa lúc tôi mới học xong văn bản “Trong lòng mẹ” - chính là một mẩu chuyện được trích từ truyện. Tôi khá là thích văn bản này nhưng tôi muốn hiểu thật sâu hơn, đầy đủ hơn về truyện cộng thêm lúc đó “máu thèm đọc” nổi lên cồn cào thế là về nhà tôi đòi ngay mẹ mua cuốn “Những ngày thơ ấu” của NXB Kim Đồng. Có sách là tôi lao ngay vào đọc. Cuốn sách cũng không dày lắm chưa đến 100 trang nhưng tôi cũng mất khá lâu để đọc hết cuốn sách - gần 1 ngày luôn bởi tôi sợ rằng đọc vội quá sẽ lờ đi, sẽ không thấu hiểu được những tủi cực, những rung cảm tinh tế chân thành nhất của một tâm hồn trẻ dại để rồi khinh mạt cậu bởi những bước đi lầm lỡ của cậu.

Một lưu ý nhỏ khi đọc và hiểu truyện là phải hòa mình vào dòng cảm xúc nhân vật mới có thể hiểu hết được, bởi ngôn ngữ mà tác dùng khá là xưa rồi. Đặc biệt, câu chuyện cuối “Một bước ngắn” thật sự đã làm tôi ám ảnh bởi sự đối đãi vô tình của người thầy giáo đối với Hồng, người thầy ấy thật cay nghiệt “Một cái tát trái đập mạnh vào mặt tôi bằng tất cả sức mạnh của con thú dữ điên cuồng lên. Lại một cái tát khác...”, “Đầu tôi đã quay tròn, máu mũi chảy ròng ròng”, ... Cậu bị đánh đập, hành hạ tàn nhẫn trong oan khuất bởi người thầy giáo kiêu ngạo và ích kỷ. Chính những điều đó đã nhóm lên trong lòng cậu những phẫn uất, căm hờn. Người đọc chắc hẳn sẽ chẳng thể nào kiểm nổi được nước mắt bởi lẽ tôi cũng đã từng như thế "…cái bàn tay của thầy giáo tôi đã dúi tôi vào cái góc tường hình phạt và không bao giờ nhấc tôi lên nữa. Tôi vùng đứng dậy, mê man, chạy như biến ra đường”. Chi tiết Hồng vùng đứng dậy, mê man, chạy như biến ra đường ở cuối cuốn hồi ký khiến tôi liên tưởng đến hình ảnh của chị Dậu vùng dậy, mở cửa chạy trốn khỏi tên quan trong tác phẩm “Tắt Đèn” của Ngô Tất Tố. Cả hai đều có điểm chung đều tối đen, u ám và dường như không lối thoát nào cho họ.

Thực sự đọc tác phẩm tôi như đang được du hành thực sự, khoảnh khắc giữa hiện thực và trang sách nó cách nhau chẳng còn là bao nữa. Tôi mê man nhớ lại về thời ấu thơ của mình mà lòng man mác bao nỗi buồn. Đọc tác phẩm mà sâu sâu trong ấy là bao nhiêu hàm ý sâu xa về những lời tố cáo đanh thép về xã hội cũ, về sự cơ cực của một kiếp người, về tình thương yêu mẹ mãnh liệt đáng quý.

Trong "Những ngày thơ ấu" của Nguyên Hồng, những dấu ấn tuổi thơ in sâu vào tâm hồn nhân vật Hồng, góp phần hình thành nên bản ngã và cảm xúc của cậu khi trưởng thành. Những kỷ niệm đau thương từ thuở bé, từ sự cô đơn do mất cha, sự thiếu vắng tình thương của người mẹ và đến cả việc bị gia đình nội ruồng rẫy đã khắc sâu vào tâm trí Hồng, biến cậu từ một đứa trẻ ngây thơ thành một con người nhạy cảm và đầy chiêm nghiệm về cuộc đời. Những dấu ấn ấy không chỉ là nỗi đau của một thời thơ ấu đầy bất hạnh mà còn là những bài học đắt giá về tình yêu, sự nhẫn nhịn và lòng kiên cường. Khi lớn lên, Hồng không chỉ mang theo những vết thương lòng mà còn cả sự thấu hiểu sâu sắc về giá trị của tình thương, sự đồng cảm và lòng khoan dung. Những trải nghiệm đầy đau thương những ngày thơ bé ấy đã định hình nhân cách Hồng, khiến cậu trở thành một con người biết trân trọng những điều tốt đẹp, dù là nhỏ bé nhất. Qua việc khắc họa những dấu ấn tuổi thơ, Nguyên Hồng đã cho thấy cách mà những trải nghiệm từ thuở ấu thơ có thể định hình và ảnh hưởng sâu sắc đến tâm hồn và nhân cách của một con người khi trưởng thành.