Liệu rằng chúng ta – một trong số con người bé nhỏ trên Trái
Đất, lại có quyền năng tác động đến vũ trụ bao la rộng lớn kia? Câu trả lời là
có, song, để làm được như vậy, ta cần có một nguồn sức mạnh lớn hơn, trực tiếp
hơn so với việc đơn thuần chỉ phát ra một tia ý nghĩ nhỏ nhoi. Đó là điều mà
tôi muốn gởi đến Jack Canfield – tác giả quyển sách Người nam châm – Bí mật của
Luật Hấp Dẫn.
Theo Luật Hấp Dẫn, bạn sẽ hấp dẫn tất cả những gì bạn tập trung vào. Bất cứ việc gì bạn dành công sức vào đều quay trở lại với bạn. Vì thế, nếu bạn tập trung những điều tốt đẹp và tích cực, tự nhiên bạn sẽ thu hút được thêm thật nhiều những điều tốt đẹp và tích cực vào trong cuộc sống của mình. Nếu bạn chỉ quan tâm tới những điều thiếu thốn và tiêu cực thì đó chính là những thứ sẽ được “hút” vào trong cuộc sống của bạn (Trang 21)
Đây là định nghĩa cơ bản nhất của Luật Hấp Dẫn, tôi không phủ nhận rằng nó có khả năng đem lại một lối sống tích cực, lành mạnh, tốt đẹp cho một đại bộ phận người, thậm chí đem đến thành công rực rỡ cho một vài cá nhân nào đó. Song, nếu xét dưới góc độ khoa học, thì đây là điều hoàn toàn phi chứng cứ, thậm chí có thể xem là hoang tưởng.
Tại sao lại như thế? Xét dưới góc độ sinh học, vỏ não gồm 2
quá trình cơ bản: Hưng phấn và ức chế, hai quá trình này luôn diễn ra song song
với nhau, không thể nào loại bỏ một trong hai được. Bằng chứng là hầu hết người
truyền lửa, diễn giả trên thế giới đều nói dối rằng họ đã sống tích cực ra sao,
song sâu bên trong họ vẫn tồn tại những khoảnh khắc đau đớn của riêng mình mà
không ai hay biết, chỉ có điều, họ buộc phải tỏ ra khác đi, vì đó là công việc
của họ. Chính vì lẽ đó, vô hình trung lại củng cố cho quan điểm “Nếu bạn không
phải là một người tích cực, thì bạn là một kẻ kém cỏi” như trong Người nam châm đã ngầm ẩn ý, hoặc nếu bạn không được
tích cực trong cuộc sống, thì bạn đã gặp phải điều gì đó cực kì tồi tệ.
Tuy nhiên, liệu điều này có đúng không? Không hề, vì nếu
thành công đến với những người tích cực nhất, thì nó hoàn toàn có thể đến với
những cá nhân mang sắc thái tiêu cực nhất. Người luôn cổ súy cho tư duy tích cực
không bao giờ hiểu được một điều: Thành công không có mẫu số chung!
Hẳn chúng ta đều biết nhà văn Mỹ Mark Twain, chính lối tư duy tiêu cực đã góp phần tạo nên tài năng văn chương của ông, và nhờ những câu truyện về “loài người đáng nguyền rủa” đã khiến Mark Twain trở thành Mark Twain trong lòng thế giới. Hoặc giả, các tác giả Việt như Nguyên Hồng, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng… nếu họ giữ lối tư duy hoàn toàn tích cực, thì những câu truyện mang chủ nghĩa hiện thực của họ như Bỉ vỏ, Chí Phèo, Số đỏ … không thể đánh động lòng người sâu sắc đến nhường ấy, hay trong giới điện ảnh, Marilyn Monroe – nữ diễn viên người Mỹ, biểu tượng văn hóa đại chúng của nền điện ảnh Hoa Kỳ, là trường hợp điển hình về chứng trầm cảm, thất thường cao độ, không tự chủ, mẫn cảm, và sau cùng là kết thúc cuộc đời bằng cách tự sát. Song, những “tính cách tiêu cực” ấy là yếu tố quan trọng tạo nên thành công của cô, góp phần tạo nên con người cô và đưa nghề nghiệp của bản thân mình vượt lên trên cả mơ ước.
Vậy, nếu nói người có tính cách tiêu cực là những người thất
bại và chỉ nhận lại những điều xấu xa, là sai
hoàn toàn.
Đến với một quan điểm khác trong Người nam châm, đó là “Một
khi bạn đã đưa ra quyết định, thì vũ trụ sẽ hiệp lực với bạn để biến điều đó
thành hiện thực” (Ralph Waldo Emerson – Trang 32)
Nếu thực sự như vậy, tại sao vũ trụ lại có thiên tai, động đất,
bão lũ, sóng thần… ? Những điều đó trước sau đều nằm ngoài ý muốn con người. Hoặc
giả, từ xưa đến nay, chuyện “lấy sức người vượt sức thiên nhiên” chẳng phải được
coi là hiếm. Thiết nghĩ, vũ trụ đã muốn giúp con người chúng ta, vậy tạo ra những
điều tai quái như vậy, nhằm mục đích gì?
Sự thật là, con người luôn phải chống lại sự phản đối của vũ
trụ, và tự mình thích nghi với mọi hoàn cảnh sống dù là khắc nghiệt nhất từ xưa
đến nay. Đã có rất nhiều thuyết nói về vấn đề này, tiêu biểu nhất tại phương
Tây, là định luật Murphy: Nếu một việc có thể diễn tiến xấu, nó sẽ diễn tiến
đúng như thế; còn phương Đông lại có câu ngạn ngữ “Phúc bất trùng lai, họa vô
đơn chí”
Chẳng phải tất cả chúng ta đều gặp một chuyện xui rủi nào đó
mà mình hoàn toàn không thể lường trước, nhất là vào những dịp tuyệt đối quan
trọng? Vậy, vũ trụ có phải đang giúp chúng ta như tiền bối Ralph Waldo Emerson
đã nói hay không?
Nếu xét về một khía cạnh nào đó thực tế hơn, hãy nghĩ đến vấn
đề xác suất. Một bản tin dự báo thời tiết
chỉ ra rằng: Ngày mai 80% sẽ không có mưa – vậy, chắc chắn ta sẽ mang theo áo
mưa mà không hề suy nghĩ. Nhưng hôm sau trời lại nắng chang chang, lí do là vì
sao vậy? Chẳng hạn, bạn có việc cần di chuyển trong vòng 1 giờ đồng hồ, quy đổi
thành 60 phút (đơn vị tính thời gian đủ nhỏ và phổ thông trên thế giới), ví dụ
khả năng trời mưa là 0.1, thì khi nhân bội số lên, khả năng trời không mưa vẫn
lớn hơn trời mưa rất nhiều lần. Nghĩa là, dù dự báo thời tiết có đúng đến 80%,
thì khả năng trời không mưa vẫn cao hơn ít nhất là 2 lần so với trời mưa. Chính
vì vậy mà việc mang áo mưa trở nên chẳng còn chính xác nữa. Bản chất vấn đề nằm
ở chỗ, khả năng dự báo dù cao đến thế nào, cũng không bao giờ tiên liệu được mọi
sự việc đang diễn ra.
Tương tự với việc xếp hàng, hay lát bánh mỳ hay quyển sách rớt
xuống đất … Bao nhiêu đó đã đủ để chỉ ra rằng “Vũ trụ luôn tồn tại một thế lực
ngầm chống lại chúng ta” và điều này trái ngược với quan điểm ban đầu của Ralph
Waldo Emerson.
Vậy, tiếp theo quan
điểm của Emerson, thì liệu ý nghĩ chúng ta có sức mạnh như ta vẫn tưởng tượng?
Như Người nam châm của Jack Canfield đã nêu rõ “Suy nghĩ của bạn rất quyền
năng” (Trang 34), nếu luồng suy nghĩ đủ lớn, thì hoàn toàn có thể tác động đến
vũ trụ.
Điều này lịch sử có thể phản chứng, từ xưa, con người khi
lên tàu thuyền đã tránh nói những chữ như “đắm”, “chìm”, “vỡ”, “rơi”, “rớt”… để
việc ấy đừng xảy ra, thậm chí, một số nơi, luật còn gắt gao hơn, không được cho
đàn bà hoặc mèo lên thuyền vì sẽ gây xui xẻo. Song, đến thời Cách mạng văn hóa
năm 1966 tại Trung Quốc, nhằm bài trừ các hủ tục phong kiến, dân chài lưới bị
đưa xuống một chiếc thuyền ngoài khơi xa, bắt phải hét đủ một ngàn lần từ “Đắm”
mới cho vào bờ. Thực tế, khi người ta khản cả cổ, thì chiếc thuyền vẫn cập bến
bình yên và hủ tục được loại bỏ. Tương tự với trên đồng ruộng, mùa màng, tất cả
nông dân đều cầu nguyện cho mưa thuận gió hòa, gặt hái bội thu nhưng trường hợp
ngược lại xảy ra không phải là hiếm.
Hoặc xét về một trường hợp khác trong thời hiện đại. Tất cả
những người đi máy bay đều không tránh khỏi nỗi lo sợ rằng máy bay rớt dù ít dù
nhiều, nếu suy nghĩ có quyền năng thực sự, cộng hưởng với hàng ngàn luồng suy
nghĩ của tất cả mọi người, sẽ chẳng còn bất kì chuyến bay nào thành công cả.
Tuy nhiên, trên thực tế, khi ta đang ngồi làm việc tại đây, thì có vô số các
chuyến bay từ điểm này đến điểm khác, từ quốc gia này đến quốc gia khác, từ
châu lục này đến châu lục khác mà không hề gặp trở ngại.
Phần sau của quyển sách, tôi tạm không nói đến, vì nó hoàn
toàn là những lời nói nhằm củng cố cho 3 luận điểm vừa nêu trên.
Kết lại, tôi không hề mang ý phê phán tác phẩm của Jack Canfield, cũng như khuyên can bạn đừng nên tuân theo những điều nằm trong lí thuyết của Luật Hấp Dẫn. Bởi lẽ, không phủ nhận rằng, ông vẫn là một diễn giả thành công tầm cỡ quốc tế, và quyển sách Người Nam Châm, hay các tác phẩm khác về Luật Hấp Dẫn, như Luật Hấp Dẫn – Bí Mật Tối Cao (Som Sujcera) hay Nhà Giả Kim (Paulo Coelho), đối với tôi, vẫn là những tác phẩm hay và góp phần làm cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn rất nhiều. Tôi chỉ cung cấp cho bạn thêm một cái nhìn phản diện từ một góc độ khác, để bạn không cổ súy vào nó, rồi đánh mất bản thân mình. Dù con người bạn là ai, dù mang tính cách hay niềm tin như thế nào, thì bạn hoàn toàn có thể gặt hái thành công theo cách mà bản thân được tạo lập nên – bởi lẽ, thành công, là một khái niệm không tồn tại quy luật.
Tác giả: Thanh Duy
--------
Tham gia cuộc thi Đọc Ngược để rèn luyện khả năng phản biện và có cơ hội nhận giải thưởng tiền mặt cùng voucher mua sách hấp dẫn tại: https://goo.gl/NNcFHR
Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị và các cuộc thi về sách tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn
Cuốn sách nhấn mạnh rằng niềm tin vào bản thân là yếu tố quyết định trong Luật Hấp Dẫn. Nếu bạn tin rằng mình có thể đạt được điều gì đó, bạn sẽ hành động và thu hút cơ hội phù hợp. Ngược lại, nếu bạn nghi ngờ chính mình, bạn sẽ không đủ động lực để cố gắng. Jack Canfield chia sẻ nhiều phương pháp giúp bạn củng cố niềm tin, như lập danh sách thành tựu, sử dụng câu khẳng định tích cực và loại bỏ những suy nghĩ giới hạn. Khi bạn tin tưởng vào khả năng của mình, vũ trụ sẽ đáp lại bằng những cơ hội phù hợp. Đây là bài học quan trọng giúp người đọc phát triển tư duy thành công.