“Một
cuốn sách đáng đọc không phải là tác phẩm nghĩ hộ bạn mà là tác phẩm khiến bạn
phải suy nghĩ.” Từ bé đến giờ, không thể nói là bản thân tôi đã đọc rất nhiều
sách, nhưng đọc nhiều hay ít chưa hẳn đã quan trọng bằng những thứ đọng lại
trong mình. Đọc một cuốn sách và nghĩ về nó, áp dụng nó trong những hoàn cảnh cụ
thể là điều tuyệt vời hơn cả.
“Hoàng
tử bé” của Saint-Exupery là cuốn sách tôi chọn để viết về nó. Lúc mới mua về, chắc cách
đây cũng 5 năm rồi, tôi chỉ đọc hơn một nửa thôi, đến khoảng trang bảy mươi mấy
trong khi cuốn sách tôi mua có 101 trang. Bởi vì tôi sợ cái gọi là kết thúc. Đó là khoảng thời gian mà tôi rất sợ cái-gọi-là-kết-thúc. Tại
sao vậy? Tại vì tôi đã cố gắng theo đuổi một thứ gì đó dai dẳng, rồi đùng một
phát tự dưng nó kết thúc, cảm thấy trong mình như thiếu mất một điều gì đó chả
nói nên lời. Nhưng thật ra kết thúc cũng chính là bắt đầu, khi kết thúc những
thói quen cũ cũng chính là ta bắt đầu với những điều mới mẻ. Bắt đầu với những thứ
mới mẻ làm
ta có cảm giác không quen, vì cảm giác
không quen ta đâm ra lo lắng đủ điều, và tự dưng thấy chán nản, không hiểu cuộc sống bắt đầu từ đâu và sẽ như thế nào.
Đọc một cuốn sách không phải là đọc hết và nhớ hết
nội dung cuốn sách-tôi chợt nhận ra điều
đó! Tại sao vậy? Tại vì, từ lần đầu tiên đọc cuốn sách “Hoàng tử bé” đến bây giờ, trong tôi chỉ suy nghĩ
về hình ảnh của những con số. Tôi rất ấn tượng về suy nghĩ của tác giả rằng,
người lớn rất thích các con số. Tôi sẽ trích một đoạn trong “Hoàng tử bé” thế
này: “Nếu bạn kể với những người lớn: “Tôi nhìn thấy một ngôi nhà đẹp lắm xây bằng
gạch đỏ, có hoa phong lữ đặt trên bậu cửa sổ và chim bồ câu đậu trên mái nhà…”
thì họ sẽ không tài nào hình dung được ngôi nhà đó. Cần phải bảo họ: “Tôi nhìn
thấy một ngôi nhà mười vạn phơ răng.” Thế là họ sẽ thốt lên: “Ôi, đẹp thế!””
Tôi đã thử tưởng tượng về ngôi nhà gạch đỏ, và hoa, và chim, thật sự là một
ngôi nhà đáng để sống. Còn khi tôi nghe đến ngôi nhà mười vạn phơ răng, tôi chỉ
tưởng tượng nó tương đương với khoảng bao nhiêu tiền Việt Nam và chắc nó sẽ to
lắm thôi. “Người lớn rất thích các con số”, quả đúng là như vậy, tôi tin là
mình không phải “người lớn” nhưng câu cửa miệng hay hỏi: “bạn bao nhiêu tuổi? bạn
học lớp mấy?” chẳng phải mọi thứ đều liên quan tới các con số hay sao? Tuổi tác
chỉ là con số, những con số chỉ là phù du, chẳng thể hiện được gì, cũng chẳng
cho thấy những điều hạnh phúc. Khoa học và phi khoa học, khoa học dạy những bằng
cớ, những con số, số liệu chứng minh cho những bằng cớ đó, còn phi khoa học thì
không, con người có thể dạy người khác qua sách vở dựa vào những bằng cớ, còn
phi khoa học là những điều phải tự trải nghiệm mà những con số kia chả có ý
nghĩa gì nữa cả.
Trong
hành trình đi tìm hiểu vũ trụ, tiểu hành tinh mà hoàng tử bé đến đầu tiên do một
ông vua cai trị, cả hành tinh chỉ có một mình vua, thật không hiểu ông ta cai
trị thứ gì trong vương quốc của mình, nhưng những điều mà ông ta nói, tôi thấy
rất chính xác. “Cần phải yêu cầu người ta làm cái điều mà người ta có thể thực
hiện được, ông vua nói tiếp. Quyền lực trước tiên dựa vào lẽ phải. […] Trẫm có
quyền đòi hỏi phải tuân lệnh là bởi vì các mệnh lệnh trẫm ban đều hợp lý.” Theo
lý thuyết, một ông vua bình thường sẽ bắt thần dân tuân theo ý mình, nhưng vua ở
đây thì ngược lại, nghe theo ý chỉ của thần dân. Tại sao tôi lại nhận định như
vậy? Tại vì, vị vua này đã xác định rằng, mệnh lệnh ban ra chính là mệnh lệnh hợp
lý. Hoàng tử bé muốn ông cho xem cảnh mặt trời lặn, vì một vị vua thì có quyền
ra lệnh cho mọi thứ, nhưng ông trả lời “theo thuật trị nước của trẫm, trẫm sẽ đợi
cho tới khi các điều kiện được hội đủ”, và điều kiện của vua hội đủ là khi: “đó
sẽ là vào chiều tối nay lúc bảy giờ bốn mươi! Và ngươi sẽ thấy lệnh của trẫm được
cung kính tuân theo ra sao”. Vị vua này rõ ràng đang ảo tưởng, vì thật ra ông
ta trị vì hành tinh, ra lệnh cho mọi thứ khi và chỉ khi điều kiện hội đủ. Mọi
điều kiện hội đủ thì ông chả tác động được hay thay đổi được gì đối với những
điều kiện ấy. Ông ta chỉ tự nhận bản thân là vua, rồi chấp nhận mọi điều xung
quanh theo đúng quy luật của nó và tin tưởng rằng, ừ đó, mọi thứ đang nghe theo
chỉ thị của ta. Cuộc sống luôn bắt ta phải chấp nhận, ta giống như ông vua ấy,
ta chính là vua, mọi thứ phải tuân theo sự ra lệnh của ta, mọi thứ sẽ như thế
cho đến khi điều kiện hội đủ. Thật ra, chúng ta không quá vô dụng như vậy, thay
vì ngồi và chờ cho điều kiện hội đủ, ta có thể làm vài thứ tác động để điều kiện
hội đủ diễn ra nhanh hơn. Có những yêu cầu của ta mà mãi không đạt được, vì ta
không nhận ra mệnh lệnh đó không hợp lý. Vậy nên khi cố gắng rất nhiều để đạt
được một thứ gì đó, nhưng lại không được, thì không sao cả, vì điều kiện thực sự
chưa đủ, và đôi khi đâu đó vẫn còn điều chưa hợp lý.
Có
một điều đặc biệt ở tính cách của hoàng tử bé là cậu chả bao giờ trả lời câu hỏi
mà người ta hỏi cậu, nhưng khi cậu đã hỏi rồi thì buộc lòng người đó phải trả lời
cho cậu, nếu không thì cậu sẽ hỏi mãi mà thôi. Tính cách này rất giống những đứa
trẻ mà người lớn đã quên rồi, người ta lớn lên mà không nhớ ra rằng trước kia
mình cũng là trẻ con. Thói quen hỏi tới cùng ở trẻ con lại là một điều tốt. Bởi
vì, sẽ giúp chúng trả lời những thắc mắc chúng đưa ra và hoàn thiện nó. Có bao
nhiêu người lớn can đảm tìm kiếm câu hỏi mình đưa ra cho tới cùng, tới tận?
Mỗi người ta tình cờ gặp trong cuộc hành trình lại vô tình đem đến cho ta những bài học trân quý. Như cuộc gặp gỡ với con cáo, hoàng tử bé nhận ra được nhiều điều về bông hoa hồng, về điều làm mọi thứ trở nên đặc biệt. Mỗi cuộc gặp gỡ với những con người kỳ quặc trên các tiểu hành tinh đều mang đến những suy nghĩ thật khác cho hoàng tử. Cuộc đời chúng ta cũng vậy, có những sự xuất hiện, rồi biến mất của vài người, vì không ai đi cùng ai đến cuối con đường được, chúng ta chỉ gặp nhau ở một thời điểm nào đó, đi cùng nhau đến một nơi nào đó, tất cả được ghi lại trong ký ức và trong tim, nơi mà chả thứ gì làm mất đi được, và tiếp tục cuộc hành trình cho bản thân. Đừng buồn, đừng hối tiếc về những cuộc chia ly, vì không buổi tiệc nào là không tàn, không câu chuyện nào không hồi kết. Và hãy nhớ rằng, kết thúc chính là bắt đầu và vì thế mà, cái này đi cái khác sẽ đến. Mạnh mẽ và đi lên mọi thứ, để trải nghiệm cuộc sống, sống cuộc đời không lãng phí.
Tác giả: Như Bình
Nếu bạn yêu thích bài viết này, hãy ấn nút Like của bài viết trên website và chia sẻ đến cộng đồng nhé!
-------------
Tham gia cuộc thi Đọc Ngược để rèn luyện khả năng phản biện và có cơ hội nhận giải thưởng tiền mặt cùng voucher mua sách hấp dẫn tại: https://goo.gl/NNcFHR
Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị và các cuộc thi về sách tại link:
"Hoàng tử bé" được xuất bản lần đầu vào năm 1943, nhưng cho đến nay, cuốn sách vẫn luôn được yêu thích và đón nhận bởi độc giả ở mọi lứa tuổi. Điều gì đã khiến một cuốn sách viết cách đây gần một thế kỷ vẫn có sức hấp dẫn đến vậy? Câu trả lời nằm ở những thông điệp sâu sắc và ý nghĩa của câu chuyện. Những vấn đề mà "Hoàng tử bé" đặt ra như tình yêu, sự cô đơn, ý nghĩa của cuộc sống vẫn luôn là những vấn đề mà con người chúng ta quan tâm. Bên cạnh đó, phong cách viết đơn giản, trong sáng và những hình vẽ tinh tế của tác giả Antoine de Saint-Exupéry đã góp phần tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt của cuốn sách. "Hoàng tử bé" không chỉ là một tác phẩm văn học, mà còn là một di sản văn hóa của nhân loại.