Cuốn Đi Qua Hoa Cúc là tập truyện dài của Nguyễn Nhật Ánh, mở đầu câu truyện tác giả kể lại tuổi ấu thơ hồn nhiên của nhân vật trong truyện, kết hợp với tả cảnh ở miền quê, những ngôi nhà nằm dọc hai bên đường đá sỏi dọc theo hai bên hàng dâm bụt và cả cây sứ cây bàng tỏa bóng mát, tỏa hương thơm trước sân nhà. Một nét vẽ nên thơ thật đầm ấm ở một vùng quê xa xôi tác giả dường như làm ấm lòng cho người đọc. Thật vậy mỗi cốt truyện của Nguyễn Nhật Ánh đã phác họa lên một nét quê hương ngọt ngào, một thời ấu thơ đẹp, một tình yêu của tuổi học trò cũng hòa lẫn tình yêu khát khao của bao lứa tuổi. Cuốn truyện dài Đi Qua Hoa Cúc là một trong những tác phẩm tuyệt tác hay của tác giả làm thôi thúc người đọc thêm nhiều ấn tượng và sự lôi cuốn tràn dâng trong lòng bạn đọc.
Xem thêm
Chị Ngà có lẽ đã quá vô tâm và không chú ý đến sự suy tư trên khuôn mặt Trường, giá như chị đừng quá hồn nhiên, ngây thơ thì có lẽ chị đã nhận ra là Trường đã yêu mình mất rồi. Chính cái nét hồn nhiên của Ngà đã khiến chính bản thân chối bỏ đi tình yêu thuần khiết đến từ Trường. Để rồi, chị lại đem lòng say yêu anh Điền và kết cục của tình yêu ấy là cái chết của Ngà, giá như nhân vật Điền không xuất hiện thì có lẽ mọi chuyện đã khác, giá như Ngà đừng quá vô tư với Trường thì có lẽ hai người đã bên nhau nhưng đó chỉ còn là hai từ “giá như”. Có lẽ chị Ngà cũng biết rằng Trường quan tâm đến từng lời nói, cử chỉ, hành động của chị đến nhường nào nhưng đối với chị đó có lẽ là tình cảm chị em, bạn bè. Cái chết của chị Ngà đã để lại cho người đọc một sự tiếc nuối, một sự đau đớn trong lòng và đặc biệt là đối với Trường mà cho đến tận sau này có lẽ cậu cũng không dám nhắc đến những tháng ngày ở trong căn nhà của ông mình nữa.
Chả biết phải nói sao nhưng có lẽ dàn hoa cúc ấy sẽ có cánh cửa một chiều mà Trường đã bước qua cùng chị Ngà trong những tháng hè nhưng đến cuối cùng thì chỉ còn lại mỗi Trường thui thủi đơn độc sau cái chết của người mình yêu.Cuốn sách đã đem đến cho mình một nỗi buồn quá lớn, một sự đau đớn thay cho Trường, thay cho tấm lòng của cậu. Nếu đặt mình vào tình cảnh như thế, có lẽ mình sẽ ám ảnh những tháng ngày ấy, ám ảnh về tình yêu đã dành cho chị Ngà trong quá khứ, ám ảnh về hình ảnh dàn hoa cúc mà hai người đã ngồi bên nhau.
“Có một người đi qua hoa cúc
Có hai người đi qua hoa cúc
Bỏ lại sau lưng cả tuổi thơ mình…”