Khi nhắc đến những cuốn sách bán chạy nhất của thế kỷ 21, chúng ta không thể không nhắc đến cuốn tiểu thuyết lừng danh của nhà văn và nhà viết kịch người Mỹ Suzanne Collins – Đấu Trường Sinh Tử. Được xuất bản lần đầu tiên vào năm 2009, cuốn sách đã nhận được thành công vang dội, được dịch ra 26 thứ tiếng và phát hành tại 38 quốc gia và đã được chuyển thể thành một series phim cũng thành công không kém. Đấu Trường Sinh Tử kể về Katniss Everdeen, một cô gái cá tính và nổi loạn, và trải nghiệm của cô trong một show truyền hình mang tên Đấu trường sinh tử - nơi những thiếu niên từ 12 - 18 tuổi ở các quận bị cho vào một đấu trường để chém giết nhau.
Thế giới giả tưởng
"Welcome to District 12, where you can starve to death in safety."
Thật không sai khi cho rằng Suzzanne Collins là một tác giả rất táo bạo - lấy cảm hứng từ Theseus trong thần thoại Hy Lạp, cùng với những võ sĩ giao đấu trong những cuộc chiến sinh tử để mua vui khán giả thời Hy Lạp và La Mã cổ đại, cô đã tạo nên Đấu Trường Sinh Tử, một hình thức giải trí đầy bạo lực cho khán giả ở vùng đất Panem. Chính thế giới tưởng tượng này là một trong những yếu tố cốt yếu làm tạo nên thành công vang dội của cuốn tiểu thuyết này.
Tác phẩm được lấy bối cảnh ở một quốc gia giả tưởng Panem ở Bắc Mỹ trong một tương lai xa, nơi quyền bá chủ nằm vào tay của thành phố Capitol. Tuy chỉ là một thành phố, nhưng Capitol lại sở hữu quyền kiểm soát tuyệt đối đối với 12 quận xung quanh, mỗi một quận tập chung vào một ngành nghề nhất định, chẳng hạn như quận 11 là dành riêng cho nông nghiệp, trong khi quận 12 của nhân vật chính Katniss chủ yếu là khai thác than. Khác với các quận, cư dân thành phố Capitol chỉ ăn sung mặc sướng, hưởng thụ thành quả của 12 quận. Chính vì thế, trong thế giới tưởng tượng của Suzanna Collins, sự chênh lệch giữa cuộc sống cùng cực của người dân các quận và cuộc sống sang chảnh trong Capitol lộng lẫy luôn hiện diện xuyên suốt câu chuyện.
Thật vậy, trong khi thần dân các quận nghèo túng và khổ cực bao nhiêu, thành phố Capitol lại ăn chơi, truỵ lạc bấy nhiêu. Sự chênh lệch giàu nghèo trong xã hội giả tưởng này được thể hiện rất rõ ràng qua nhiều tiện nghi và công nghệ hiên đại trong Capitol, những bữa ăn sang trọng nơi mà khách còn phải uống một loại thuốc đặc biệt để kích thích khẩu vị và ăn hết suất ăn đã cho, những xu hướng thời trang, những bộ quần áo kỳ quặc nhưng xa xỉ và cuối cùng là những dịch vụ giải trí, đặc biệt là các “chương trình truyền hình thực tế” như là The Hunger Games. Gọi là chương trình truyền hình thực tế như thế thôi, chứ Đấu trường sinh tử thực chất là một hình thức trừng phạt cho các quận xung quanh sau một cuộc nổi dậy, một cách để nhắc nhở cư dân các quận rằng họ buộc phải phục tùng những mệnh lệnh từ thủ đô Capitol, không được chống đối.
Dẫu vậy, nhu cầu giải trí của cư dân Capitol là quá lớn, khiến cho họ có thể chấp nhận, và cả cổ vũ, một “trò chơi” tàn bạo như thế này. Các “vật hiến” tham gia không những phải chém giết nhau, mà còn phải chịu nhiều thách thức đặt ra bởi những “gamemakers” để chiều thị hiếu khán giả. Những người “gamemakers” này có quyền kiểm soát xem các thí sinh sẽ chết như thế nào, chịu đựng thời tiết gì, thậm chí là có thể giết luôn những thí sinh dễ như trở bàn tay, nhưng họ vẫn phải đảm bảo phần “giải trí” của chương trình - các thí sinh vẫn phải chém giết nhau, và đến đỉnh điểm của “The Hunger Games”, những người này có thể kéo dài cái chết của Cato, chỉ để chiều lòng khán giả. Sự dã man này chính là cách tác giả châm biếm một hiện tượng đã khá phổ biến trong xã hội hiện đại - khi sự đau khổ quả người khác bị biến thành một hình thức giải trí để làm hài lòng khán giả hay cộng đồng mạng. Dù thế giới này khá cực đoan, nhưng tác giả vẫn khiến cho chúng ta tự hỏi rằng thế giới chúng ta đang sống thực sự có khác thế giới giả tượng này quá nhiều không? Chính cách vận dụng thế giới giả tưởng để phản ánh những vấn đề xã hội của thực tại cho thấy sự tài tình của tác giả Suzanne Collins khi viết tiểu thuyết này.
Những nhân vật khó quên
Nhưng thế giới tưởng tượng không phải là tất cả, vậy điều gì đã làm nên sức hút của Đấu trường sinh tử? Câu trả lời chính là nhân vật chính Katniss, một điểm nhấn đặc sắc của cả cuốn truyện. Dù là nhân vật nữ chính, cô sống tự lực, không trông cậy hoàn toàn vào một người “hoàng tử” như những nữ chính thông thường. Ở Katniss cũng không tồn tại một vẻ dịu dàng, yểu điệu như các nữ chính khác. Thay vào đó, vì hoàn cảnh khó khăn, cô buộc phải gồng mình lên, và do đó cô rất cá tính và mạnh mẽ, với ý chí luôn luôn bền bỉ y như một ngọn lửa vậy. Từ bé, sau khi mồ côi cha, cô đã phải tự lực gánh sinh, phải vào khu rừng cấm để săn động vật kiếm ăn cho gia đình. Dần dần, cô tự tích luỹ kinh nghiệm săn bắn, thương lượng với những người dân trong quận để đổi lấy thức ăn về cho em và mẹ. Dù cho khoảng thời gian này có khó khăn thế nào, thì ý chí của Katniss vẫn luôn kiên cường, cô vẫn luôn cố gắng vì gia đình mình. Nhưng, dẫu cuộc sống của Katniss đã tràn đầy những khó khăn, ngày hội reaping tới và mang theo đầy rẫy những rắc rối cho Katniss - em của cô, Primrose, đã bị chọn làm “vật tế” cho Đấu Trường Sinh Tử năm đó. Dù có gai góc cỡ nào, ẩn sâu trong Katniss vẫn là một tấm lòng nhân hậu và tình yêu thương lớn lao đối với gia đình và bạn bè, và đó chính là lí do tại sao cô tự nguyện xung phong đi thay cho em của mình.
Môi trường của The Hunger Games lại càng khiến cô phải khép mình, thận trọng trong từng ý nghĩ cử chỉ, và đề phòng tất cả mọi người, kể cả thí sinh cùng quận Peeta, người đã giúp cô trong một hoàn cảnh khó khăn trước đấy. Dù cho Peeta không có ý gì xấu, Katniss vẫn luôn luôn đề phòng, luôn luôn tự hỏi xem những hành động tốt đẹp của Peeta là có ý đồ sâu xa gì. Thật vậy, dẫu rằng Katniss có nhiều phẩm chất rất tốt đẹp mà chúng ta luôn ao ước, chẳng hạn như sự can đảm để có thể hy sinh thân mình cho mạng sống của em gái, nhưng cô ấy cũng như chúng ta, không bao giờ hoàn hảo. Sự thận trọng của cô khiến cho cô nghi ngờ tình cảm của Peeta một cách vô lí, dù các manh mối đã rõ ràng. Và cũng như mọi thiếu niên khác, tâm trạng của Katniss đôi khi thay đổi rất bất thường, như khi cô hận bố mình vì đã thiệt mạng trong sự cố hầm mỏ đó, hay khi cô tức giận với Peeta, ngay sau khi cậu vừa khen tài năng săn bắn của cô. Sự không hoàn hảo về mặt tính cách này cũng khiến cho nhân vật Katniss trở nên gần gũi và dễ đồng cảm hơn với độc giả.
Ngoài Katniss ra, thì các nhân vật khác cũng đặc sắc không kém. Trong số đó, chúng ta không thể không kể đến Gale. Không những là người bạn đồng hành thân thiết với Katniss trong những buổi săn bắn, Gale còn là một chỗ dựa vững chắc cho Katniss trong những thời gian khó khăn. Sau khi Katniss tự nguyện đi thay vị trí em gái, Gale đã hứa sẽ chăm sóc và lo cho gia đình Katniss. Là một hình mẫu con trai lý tưởng, đương nhiên Gale có rất nhiều cô gái khác luôn dõi theo, nhưng anh chỉ luôn quan tâm đến Katniss. Nhưng anh không phải là người duy nhất. Peeta, chính anh chàng thí sinh còn lại của quận 12, đã âm thầm ấp ủ một tình cảm lớn lao cho Katniss. Anh luôn dõi theo cô trong từng hành động nhỏ, dù anh chỉ đứng ở phía xa và không dám lại gần. Trong Đấu Trường, Peeta cũng luôn luôn cố gắng để bảo vệ Katniss, sẵn sàng chiến đấu với những thí sinh khoẻ nhất chỉ để cho Katniss có thời gian trốn chạy. Cả hai nhân vật cùng với Katniss tạo nên một mối tình tay ba vô cùng khó quên.
Cốt truyện thu hút cùng cái kết khó đoán
Ngay từ đầu cuốn sách, độc giả dường như đã bị hấp dẫn hoàn toàn bởi thế giới giả tưởng thú vị. Với giọng văn không quá rườm rà, tác giả Suzanne Collins kể lại từng sự việc một cách nhanh chóng, từng trang như một loạt những cảnh quay liên tiếp khiến độc giả không thể rời mắt. Với tình tiết này nối tiếp tình tiết kia với tốc độ chóng mặt, sự kịch tích của cuốn chuyện cũng dần dần tăng theo cho đến đỉnh điểm là ngày cuối cùng của “The Hunger Games”.
Lời kết
Khác với những câu chuyện thông thường với phần kết rõ ràng viên mãn làm hài lòng độc giả, thay vào đó Suzanne Collins đã xây dựng phần kết mở để người đọc tò mò chờ đợi cuốn tiếp theo, và trong lúc đợi có thể tự do liên tưởng đến những khả năng có thể xảy ra. Dẫu vậy, phần kết này vẫn được đánh giá rất cao vì tính hợp lý với nội dung cốt truyện - nó cho thấy một sự kết thúc của một hành trình dài, và cũng là sự mở đầu cuả một cuộc sống mới, vất vẻ và gian nan hơn bao giờ hết. Nụ hôn cuối cùng với Peeta đánh dấu cái kết của hành trình đầy khó khăn của Katniss trong Đấu Trường Sinh Tử. Từ đây, Katniss sẽ phải đối diện với những thử thách mới, những mối quan hệ phức tạp và hơn hết là những mối nguy hiểm từ chính quyền ông tổng thống Snow. Nhưng sau tất cả, Katniss đã có cho mình một mục đích, một ngọn lửa nhen nhóm trong tim, một ước muốn để cuối cùng có thể đứng lên thách thức Capitol, và chấm dứt “truyền thống” tổ chức những đấu trường tàn ác như là “The Hunger Games”.
Review chi tiết bởi: Hoàng Nguyễn Phúc Anh - Bookademy
Hình ảnh: Kiều Oanh
--------------------------------------------------
Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy
(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ "Tên tác giả - Bookademy." Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.