“…Ngồi trong văn phòng, Thành phát hiện ra nhiều khi mình nín thở bởi một sự căng thẳng vô cớ, cho tới khi không chịu được nữa, anh ngoi ngóp như một con cá mắc cạn. lại có những ngày anh bị nấc triền miên, khiến toàn bộ lồng ngực như bị bóp nát. Lên cầu thang, anh hụt hơi, trong các cuộc họp, anh hay xay xẩm mặt mày, tài ù đi nhiều khi phải giấu tay xuống dưới đùi vì chúng cứ run lên. Có hôm, anh thấy mình ngồi ven bờ hồ lúc trời mưa mà không nhớ mình đã tới đây như thế nào. Anh trở nên béo bệu vì tích nước, đi ngoài liên tục và mất ngủ. Các bác sĩ bảo là anh bị rối loạn hệ thần kinh thực vật. Mỗi ngày, anh uống thuốc đi ngoài, men tiêu hóa, thuốc bổ xương khớp, vitamin, thuốc bổ mắt, thuốc bổ não, thuốc giảm đau và thuốc ngủ…” (Thành, 32 tuổi, trích Đại Dương Đen).

Tác giả Đặng Hoàng Giang

Đặng Hoàng Giang là một chuyên gia phát triển, một nhà hoạt động xã hội và tác giả chính luận. Các hoạt động nghiên cứu và vận động chính sách của anh nhằm năng cao chất lượng quản trị quốc gia và thúc đẩy tiếng nói của người dân. Anh nỗ lực mở rộng không gian xã hội dân sự, truyền bá tri thức, phá bỏ định kiến và kỳ thị, góp phần xây dựng một xã hội khoan dung và trắc ẩn.

Đặng Hoàng Giang tốt nghiệp kỹ sư tin học tại Đại học Công nghệ Ilmenau, Đức và có bằng thạc sĩ kinh tế phát triển của Đại học Công nghệ Vienna, Áo. Những cuốn sách và bài viết của anh có sức ảnh hưởng rộng rãi trên mạng xã hội tại Việt Nam.

Đặng Hoàng Giang đã sáng tác và cho xuất bản nhiều tác phẩm: Bức xúc không làm ta vô can, Điểm đến của cuộc đời, Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ…. Tác giả cũng là một trong những nhà sáng lập và vận hành tổ chức phi chính phủ “Đường dây nóng Ngày Mai”. Ngày Mai được lập ra với mục đích là nơi cung cấp sơ cứu tâm lý, trợ giúp những cá nhân đang trong khủng hoảng, đặc biệt là những người trẻ trầm cảm, và người thân của họ. Ngoài ra, đường dây nóng Ngày Mai còn cung cấp thông tin, kiến thức cơ bản, nhằm nâng cao nhận thức xã hội về sức khỏe tinh thần.

Đại Dương Đen – Nơi những nỗi đau được bày tỏ

Đại Dương Đen là một quyển sách được chia làm hai phần. Phần 1 là nơi tác giả tổng kết các câu chuyện mà bệnh nhân đã chia sẻ với mình, phần 2 là giống như một quyển giáo trình cơ bản cung cấp kiến thức cho chúng ta trầm cảm và các loại bệnh tâm lý khác.

Khi đọc về các câu chuyện của những người bệnh dường như chúng ta đang trải qua nổi đau mà họ từng trải, chúng ta càng hiểu thêm được nỗi đau thể xác đôi khi không thể so sánh được với nỗi đau tinh thần. Những giọt nước mắt đã rơi khi từng nhân vật chia sẽ sự khó khăn họ phải đối mặt để chiến đấu với căn bệnh trầm cảm, tuy nhiên đôi lúc cũng có những nụ cười vì những người bệnh họ đã dần chiến thắng và tìm thấy được ánh sáng cho chính mình nhưng không phải nhân vật nào cũng được may mắn như vậy.

Qua lời kể của các nhân vật chúng ta dường như biết thêm được nhiều bí mật của bệnh trầm cảm. Trầm cảm không chỉ dành cho người trẻ mà nó cũng có thể khiến cho một người già như bác Thạch chịu nhiều khổ đau. Trầm cảm có nhiều nguyên nhân, nguyên nhân đến từ tuổi thơ bị bạo hành, chứng kiến các cảnh bạo lực gia đình, những áp lực nặng nề từ bố mẹ hay từ những biến cố đột ngột trong cuộc sống… tất cả đều gây ra những bệnh tâm lý mà chúng ta không thể nhìn thấy bằng con mắt bình thường được. Thùy Dương là một cô gái xinh đẹp nhưng vì áp lực bố mẹ đè nặng lên cô, khiến cô rơi vào trầm cảm và tự mình chiến đấu để vượt qua nó. Hằng, một giáo viên dạy tiếng Anh, dù cô đã cố gắng rất nhiều nhưng vẫn mãi không thể thoát ra khỏi ám ảnh bởi sự xâm hại của anh họ từ lúc mới dậy thì. 

Từ các câu chuyện người đọc không chỉ nhận thấy các khó khăn do các căn bệnh về tâm lý gây ra, mà còn thấy những chướng ngại là lời nói của bố mẹ, xã hội đâm sâu vào tim người bệnh. Người Việt chúng ta dường như còn đang thờ ơ vô cùng đối với các căn bệnh tâm lý như trầm cảm. Mười hai câu chuyện đến từ mười hai trường hợp khác nhau nhưng có điểm chung là những người bệnh không có một người đồng hành đúng nghĩa, một người có kiến thức nâng cao về các bệnh tâm lý để có thể đồng hành, sẽ chia ngay từ lúc ban đầu. Dần về sau, khi các căn bệnh dần trở nặng thì họ mới tìm đến bác sĩ tâm lý, người may mắn thì sẽ được chẩn đoán và điều trị đúng ngay từ đầu nhưng đó chỉ là một phần trăm rất nhỏ.

Ngoài ra, chúng ta còn nhận thấy sự yếu kém của nền y tế nước nhà trong công tác điều trị bệnh trầm cảm. Hiện nay, các bác sĩ của chúng ta rất giỏi trong việc điều trị các bệnh vật lý, nhưng lại không có chuyên môn nhận thấy bệnh trầm cảm hay các bệnh tâm lý khác. Do đó, họ không kịp thời giới thiệu bệnh nhân của mình đến với những đồng nghiệp có chuyên môn trước khi bệnh tình trở nặng.

Toàn cảnh về trầm cảm 

Trong phần này, Đặng Hoàng Giang đã giới thiệu rõ cho chúng ta về bệnh trầm cảm, các bệnh liên quan, dễ bị chẩn đoán nhằm, các phương pháp điều trị… đây là phần chuyên môn về bệnh trầm cảm nhưng được viết một cách sinh động và người đọc phổ thông có thể hoàn toàn đọc hiểu.

Trầm cảm như các bệnh thông thường khác, nó không khó trị nếu được phát hiện sớm và có cách can thiệp phù hợp. Nhưng do nhận thức của cộng đồng ở Việt Nam về các bệnh tâm lý là chưa cao và một phần do chi phí điều trị đắt đỏ cho nên bệnh nhân khó tiếp cận với cơ sở y tế chính quy một cách kịp thời. 

Đại Dương Đen – nâng cao nhận thức của cộng đồng với trầm cảm

Đặng Hoàng Giang muốn thông qua Đại Dương Đen cung cấp cho người đọc nhiều tri thức về trầm cảm nói riêng và các bệnh tâm khác nói chung. Đối với những bệnh nhân mắc bệnh trầm cảm xã hội cần đối xử với họ nhẹ nhàng và khoan dung hơn, đừng dùng những lời động viên xáo rỗng hay là các lời ác độc nói về những người bệnh. Xã hội hiện nay rất bất công với người có các bệnh tâm lý, đối với các bệnh vật lý thông thường như gãy chân, đau tim… bệnh nhân luôn được đồng cảm, sẽ chia nhưng đối với người có bệnh trầm cảm thì việc đó hiếm khi xảy ra.

Xã hội ngày càng tiến bộ, cách nhìn về bệnh trầm cảm và người mắc bệnh trầm cảm cũng phải ngày càng cởi mở và khoan dung. Chúng ta luôn tin tưởng, giúp đỡ và hy vọng rằng trong tương lai bệnh trầm cảm sẽ được đối xử công bằng như các bệnh khác, cơ sở vật chất cho việc điều trị trầm cảm sẽ ngày càng được đầu tư và phát triển. Hãy đối xử với người trầm cảm thật công bằng và khoan dung cho một xã hội ngày càng văn minh hơn.

Tóm tắt và review bởi: Kẻ lười hay viết – Bookademy

Hình ảnh: Hoài An

--------------------------------------------------

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ "Tên tác giả - Bookademy." Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ

Xem thêm

Trong bối cảnh xã hội coi việc chăm sóc sức khỏe tinh thần là xa lạ, và nền y tế thiếu hụt cả về lượng lẫn chất để chữa trị cho người trầm cảm, thì cuốn sách Đại Dương Đen đóng vai trò giáo dục tâm lý (psychoeducation) quan trọng, cung cấp cho người mang bệnh và người thân của họ kiến thức đúng về bệnh, hiểu về các triệu chứng của nó, về nguồn cơn gây ra nó, nắm được các phương pháp trị liệu khác nhau với các mặt lợi và bất lợi, hiểu về vai trò và trách nhiệm của bản thân để hợp tác và tham gia vào quá trình trị liệu. 

Những câu chuyện từ thế giới của những người trầm cảm được kể trong cuốn sách Đại Dương Đen của Đặng Hoàng Giang có thể gây ra một cú sốc cho những người bình thường chúng ta: không ai có thể hình dung thế giới ấy lại đen tối và đau đớn đến thế. Hằng ngày chúng ta đi làm, đi chơi, lướt mạng chém gió, càu nhàu về nạn tắc đường, bực tức vì trời quá nóng, và nhìn chung than thở rằng cuộc sống nhàm chán, không hề biết rằng cái nhàm chán đó là nỗi khát khao của biết bao con người. Trong hầu hết những câu chuyện được kể trong cuốn sách, gia đình của người mang bệnh trầm cảm không chịu thừa nhận đó là một căn bệnh, họ cho con cái mình làm trò, thích gây chú ý; cá biệt có trường hợp chính người bị bệnh không chịu thừa nhận mình có bệnh – như Xuân Thủy: “Không, mình không thể bị cái bệnh đó, nó không liên quan gì tới mình. Nó là cái thứ mà chỉ những người kém cỏi, thô thiển, thường xuyên khóc lóc vật vã, mới bị. Mình lịch lãm, sạch sẽ, đẹp đẽ, ăn nói gãy gọn, IQ, EQ sáng láng, mình không bị trầm cảm được.”

Nhưng Đại Dương Đen không chỉ là lời chia sẻ quý giá hiếm hoi đối với những người trầm cảm, cũng không chỉ là cuộc giáo dục tâm lý, sâu sa hơn, cuốn sách này là tiếng nói vì nhân quyền, nhắc nhở chúng ta rằng: rất nhiều người, vì định kiến và sự thiếu hiểu biết của chính gia đình mình và xã hội, đã bị tước đi quyền được sống với nhân phẩm, được cống hiến, được yêu thương và hạnh phúc. 

Đấy cũng là điều mà tiến sĩ Đặng Hoàng Giang theo đuổi nhiều năm nay qua các dự án sách của mình.

fgfg Cuốn sách được chia làm 2 phần. Phần I là những câu chuyện của mỗi cá nhân đang phải đối mặt với căn bệnh trầm cảm. Nhờ đó mà người đọc hiểu được rõ ràng hơn về tính chất của căn bệnh này: 

– Nó vô hình, nhưng vô cùng nghiêm trọng và khủng khiếp nếu không được cứu chữa kịp thời 

– Nó có thể đến với bất kì ai không kể giàu hay nghèo, bất cứ độ tuổi nào 

– Bản thân người bệnh có những suy nghĩ và cảm nhận như thế nào… 

Phần I cũng là bước đệm để tác giả cung cấp cho người đọc một cái nhìn toàn diện hơn về trầm cảm ở phần II, bao gồm hiện tượng, phân loại, chẩn đoán, các liệu pháp điều trị, phòng ngừa,… và tác giả có đề cập đến một số cá nhân ở phần 1 và tình huống của họ như một ví dụ. Mình rất là ưng điểm này. Những ví dụ vừa chi tiết lại vừa dễ hiểu. Nó làm cho cả 2 phần có tính liên kết và không hề rời rạc với nhau.

Cá nhân mình đã tiếp thu được rất nhiều kiến thức bổ ích ở phần II này, cụ thể là ở ba liệu pháp mà tác giả nhắc đến trong sách. Khi nào tâm trí mình bất ổn thì có thể sử dụng những cách này để giúp bản thân tỉnh táo trở lại và giảm đi những stress và khủng hoảng cuộc sống. 

Tuy nhiên, theo mình thì những người tâm trạng xấu không nên đọc phần I. Những câu chuyện hiện thực và khốc liệt quá, dễ làm cho tinh thần đi xuống. Lúc ấy mình đang bị trầm cảm nhẹ, và khi đọc phần I mình vừa đọc vừa khóc không thể kiểm soát và tâm trạng tệ hẳn đi. Xong rồi mình phải dừng phần I và chuyển qua đọc phần II trước. Đọc phần II thì mình bình ổn lại và dần dà có thể chấp nhận tình hình và tự tìm cách khắc phục. 

Mình vô cùng biết ơn bác Đặng Hoàng Giang và cuốn sách này vì đã giúp mình nhìn ra một căn bệnh mà trước đây mình không biết cách lý giải. Mình sẽ còn đọc lại quyển này nhiều lần nữa trong tương lai. Highly recommend cho những bạn muốn tìm hiểu về tâm lý học nói chung và bệnh trầm cảm nói riêng nha.

Lứa tuổi và nghề nghiệp của các nhân vật trong Đại Dương Đen là không giống nhau. Giống như nhiều căn bệnh nguy hiểm khác, trầm cảm có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của bất kỳ ai, không phân biệt tuổi tác hay tầng lớp xã hội. Điều đáng buồn ở đây là xã hội đã hiểu sai về căn bệnh trầm cảm, thậm chí nhiều người còn không chấp nhận, không dám đối diện với nó vì nghĩ rằng trầm cảm sẽ không xảy ra với mình. 

Trích dẫn hay: “Không, mình không thể bị cái bệnh đó, nó không liên quan gì tới mình. Nó là cái thứ mà chỉ những người kém cỏi, thô thiển, thường xuyên khóc lóc vật vã, mới bị. Mình lịch lãm, sạch sẽ, đẹp đẽ, ăn nói gãy gọn, IQ, EQ sáng láng, mình không bị trầm cảm được”. 

Câu chuyện của ông Thạch tuy không gây sốc như những nhân vật còn lại, nhưng nỗi buồn từ việc ông phải săn sóc đứa con bị tâm thần phân liệt cứ đeo bám ông dai dẳng. Nhiều cuốn sách viết về trầm cảm thường chứa đựng những nội dung hàn lâm, khoa học khó tiếp cận với độc giả. Cuốn sách Đại Dương Đen được viết dựa trên những sự kiện có thật đã xảy ra trong thực tế để giúp người đọc tiếp cận kiến ​​thức dễ dàng hơn. Độc giả sẽ hiểu đúng hơn về người đang mắc phải căn bệnh này cũng như biết được bệnh trầm cảm cần được điều trị, cảm thông như thế nào để giúp bệnh nhân có thể nhanh chóng vượt qua.  Bạn nên cân nhắc kĩ trước khi đọc cuốn sách này nếu thời điểm này, tinh thần bạn không được ổn bởi nội dung ở phần 1 của sách vô cùng bi thương có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tinh thần bạn.

Thông qua những câu chuyện thực tế đầy cảm xúc, “Đại dương đen” của tác giả Đặng Hoàng Giang như một chuyến “lặn sâu” khám phá tâm hồn mỗi người, nơi ẩn giấu đầy sự sợ hãi, trăn trở và suy tư. Từ đó, cuốn sách mở ra cái nhìn đa chiều về góc khuất tối tăm nhất của những người đang phải sống với nỗi tuyệt vọng mang tên trầm cảm. Sức khỏe của con người được biểu hiện ở hai khía cạnh: thể chất và tinh thần. Tuy nhiên, phần lớn chúng ta thường chỉ quan tâm đến những nỗi đau thể chất mà bỏ qua sự tổn thương tinh thần. Không ít người vẫn giữ quan điểm rằng trầm cảm là biểu hiện của sự yếu đuối về mặt cảm xúc và tâm hồn, chỉ cần nghĩ tích cực lên là được. Nhưng trên thực tế, trầm cảm cũng là một loại bệnh, giống như cảm cúm hay đau dạ dày, cần được điều trị bằng thuốc. 

Thông qua lời kể của các nhân vật trong mười hai câu chuyện ở phần đầu cuốn sách – có thể là chính người trầm cảm hoặc người thân của họ – đã phơi bày hết những định kiến đang bao trùm lên căn bệnh này.  Khi người trầm cảm nói rằng họ đang bị rút kiệt niềm vui, cơ thể họ đang phải chịu đựng những cơn đau vô hình hay thậm chí còn có biểu hiện tự hại bản thân, phần lớn câu trả lời mà họ nhận lại chỉ là sự phàn nàn, phán xét rằng họ đang “làm trò”, “lười biếng”, “khùng điên”,… 

Hầu hết những người trầm cảm trong cuốn sách đều phải tự vật lộn với sự mục ruỗng trong tâm hồn, tự vùng vẫy để thoát hỏi “đại dương đen” bằng niềm hy vọng yếu ớt. Rất ít trong số họ may mắn được người thân đồng hành hoặc nhận được sự hỗ trợ ý tế kịp thời từ các bác sĩ có tâm, có tầm. Cuộc sống của người trầm cảm không hề dễ dàng. Trầm cảm cũng không thể biến mất chỉ bằng cách “nghĩ tích cực lên”. Một người nếu bị trầm cảm, cần phải được chữa trị. Sau cùng, có lẽ đây là thông điệp quan trọng nhất mà tác giả Đặng Hoàng Giang muốn gửi gắm thông qua cuốn sách. 

Nếu như trong “Điểm đến của cuộc đời” ta được kể lại ba câu chuyện ngắn của những người cận tử, về cái chết, về nỗi đau của người ở lại, về cái lát cắt trong sự tiếp nối vĩnh cửu của thịnh vượng và suy tàn, của xây cất và sụp đổ, trong “Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ” là câu chuyện của những “đứa trẻ” chưa kịp lớn hoặc chưa thực sự lớn nhưng lại phải gồng gánh trách nhiệm gánh vác một gia đình. Bao trùm lên đó là nỗi đau của sự cô đơn, của sự trống rỗng nội tâm của những con người trưởng thành trong một gia đình không tình yêu và sự chia sẻ. Còn với “Đại dương đen” chúng ta sẽ cùng nhau rơi vào đại dương của nỗi buồn sâu thẳm nơi mà ánh sáng của niềm vui, hạnh phúc không thể soi tỏa. 

Như một sự trùng hợp không hề ngẫu nhiên, các trường hợp được nhắc đến trong hai cuốn sách gần nhất của TS Đặng Hoàng Giang là Tìm Mình Trong Thế Giới Hậu Tuổi Thơ và Đại Dương Đen, mình đều nhận thấy dường như có 1 mẫu số chung cho tình trạng của các nhân vật đó là hoàn cảnh gia đình. Gia đình là tổ ấm đầy tình yêu thương nuôi dưỡng mỗi con người lớn lên và trưởng thành, là điểm tựa tinh thần cho mỗi người, là nơi khơi nguồn mọi sáng tạo và thành công. Đây cũng là trường học đầu tiên, phát triển nhân cách con người. Nhưng nếu gia đình lại không phải là một thứ tốt đẹp như trong những định nghĩa, những tưởng tượng viển vông kia thì sao? 

Cô độc, sợ bị bỏ rơi và cảm thấy không có giá trị có lẽ là những nhận định bản thân lớn nhất của người mắc bệnh trầm cảm. Mình từng đọc đâu đó rằng cô độc là số mệnh mỗi con người, tình yêu và tình bạn không thể diệt trừ nhưng có thể an ủi nó, nhưng sự cô độc trong chúng ta sẽ lớn đến nhường nào, có trở thành con quái vật gặm nhấm đi linh hồn tâm can chúng ta giống như các nhân vật trong câu chuyện đang gặp phải hay không, khi mà còn quá nhiều người vẫn đang ngụp lặn trong cái hố sâu “gia đình” hằng ngày hằng giờ. Những câu nói vô tâm, xúc phạm cứa vào trái tim người khác của các bậc phụ huynh lại là mệnh đề khẳng định cho tâm trí của những đứa trẻ khi lớn lên, cả những trận đòn roi hay hàng ngàn vạn lý do không được gọi tên nữa sẽ ở đó như hạt giống loài cỏ dại, chỉ đợi 1 cơ hội để nảy mầm trong tâm hồn và rồi đưa con người đến với sự trầm cảm dù chúng ta có cố công nhổ bỏ, chữa trị như thế nào thì chỉ cần có cơ hội, cái cơn lũ cảm xúc tiêu cực ấy sẽ ập đến hoặc quay trở lại và rồi ăn mòn đi linh hồn người bệnh, hút cạn hạnh phúc của con người để họ rơi vào 1 vực sâu thăm thăm lạnh lẽo, tối tăm, khốn khổ và tuyệt vọng. 

Nhưng dù trong hoàn cảnh nào thì ở phía cuối con đường vẫn luôn có 1 tia sáng dẫn lối, dù le lói nhưng nó sẽ vẫn luôn ở đó chờ đợi các bệnh nhân trầm cảm vì dù “mình có hoàn thành được gì ngày hôm nay hay không, mình vẫn có giá trị, không ai có thể lấy nó ra khỏi mình” và mình tin rằng trầm cảm hoàn toàn có thể được chữa khỏi bằng tình yêu thương và sự quan tâm chân thành của chính chúng ta!


Tác phẩm giải thích về bệnh trầm cảm không chỉ đơn thuần là buồn bã mà còn là tình trạng tinh thần phức tạp bao gồm sự cô đơn, mất kết nối, và thậm chí là tư duy tiêu cực. Đặng Hoàng Giang đã thể hiện sự nhạy bén trong cách mô tả các khía cạnh tâm lý và cảm xúc của trầm cảm, làm cho cuốn sách trở thành tài liệu cần thiết để nâng cao hiểu biết về sức khỏe tinh thần. Tác giả nhấn mạnh rằng sự đồng cảm từ cộng đồng và sự hỗ trợ tinh thần là những yếu tố thiết yếu trong quá trình điều trị và vượt qua trầm cảm. Sự kết nối và hỗ trợ từ gia đình và bạn bè có thể giúp người mắc trầm cảm cảm thấy được thấu hiểu và không còn cô độc. Đại Dương Đen được viết với giọng văn mộc mạc nhưng rất chân thực, giúp người đọc dễ dàng cảm nhận được tâm trạng bất ổn và tâm lý phức tạp của nhân vật. Đây là một trong những sách bán chạy nhờ vào khả năng truyền tải những cảm xúc chân thực và thấu hiểu sâu sắc về trầm cảm. Cuốn sách không chỉ giúp nâng cao nhận thức mà còn là nguồn cảm hứng để mọi người nhìn nhận lại tầm quan trọng của sức khỏe tinh thần trong cuộc sống. 

Cuốn sách rất bổ ích, nhưng bổ ích cho đối tượng cụ thể như nào thì khó nói.

2/3 cuốn sách rất có ý nghĩa với việc nâng cao nhận thức của cộng đồng – những người chưa biết về trầm cảm. Sách cung cấp 12 câu chuyện có thật của những người đủ giới tính, đủ lứa tuổi, và ở mọi giai tầng xã hội đang chống chọi với trầm cảm như thế nào, và phân tích các đặc điểm của trầm cảm như một căn bệnh cần được quan tâm điều trị – ngang hàng với ung thư và khẩn cấp như dịch bệnh.

1/3 còn lại của cuốn sách, tập trung nói về các phương pháp điều trị. Phần này khiến mình thắc mắc về đối tượng đọc của sách. Nếu viết cho bạn đọc thông thường thì hơi học thuật. Và dẫu họ có biết phương pháp cũng khó và không được phép tự áp dụng với các ca trầm cảm mà họ quen. Nếu viết cho các nhà tâm lý học thì thừa, vì đây là kiến thức quá căn bản rồi (kể cả người học chuyên ngành Công tác xã hội như mình cũng đã học qua rồi).

Nếu khuyến nghị, chắc mình sẽ khuyên dùng 2/3 đầu sách cho các đối tượng là người thân/quen với người có dấu hiệu trầm cảm. Đọc để ý thức được tầm nghiêm trọng của bệnh, chuẩn bị tâm thế cho một cuộc đồng hành dai dẳng, gian khó với người bệnh, và nhất là cung cấp cho người bệnh cảm giác an toàn, bao dung và tin tưởng. Còn 1/3 sách phía sau, dùng làm tham khảo cho các sinh viên làm quen với Tâm lý học và Công tác xã hội với cá nhân/ CTXH với các vấn đề sức khỏe. Để các em có các ví dụ sống động và hướng dẫn cơ bản trong tầm soát trầm cảm, ứng xử hợp lý với thân chủ có bệnh trầm cảm