“…Ngồi trong văn phòng, Thành phát hiện ra nhiều khi mình nín thở bởi một sự căng thẳng vô cớ, cho tới khi không chịu được nữa, anh ngoi ngóp như một con cá mắc cạn. lại có những ngày anh bị nấc triền miên, khiến toàn bộ lồng ngực như bị bóp nát. Lên cầu thang, anh hụt hơi, trong các cuộc họp, anh hay xay xẩm mặt mày, tài ù đi nhiều khi phải giấu tay xuống dưới đùi vì chúng cứ run lên. Có hôm, anh thấy mình ngồi ven bờ hồ lúc trời mưa mà không nhớ mình đã tới đây như thế nào. Anh trở nên béo bệu vì tích nước, đi ngoài liên tục và mất ngủ. Các bác sĩ bảo là anh bị rối loạn hệ thần kinh thực vật. Mỗi ngày, anh uống thuốc đi ngoài, men tiêu hóa, thuốc bổ xương khớp, vitamin, thuốc bổ mắt, thuốc bổ não, thuốc giảm đau và thuốc ngủ…” (Thành, 32 tuổi, trích Đại Dương Đen).
Tác giả Đặng Hoàng Giang
Đặng Hoàng Giang là một chuyên gia phát triển, một nhà hoạt động xã hội và tác giả chính luận. Các hoạt động nghiên cứu và vận động chính sách của anh nhằm năng cao chất lượng quản trị quốc gia và thúc đẩy tiếng nói của người dân. Anh nỗ lực mở rộng không gian xã hội dân sự, truyền bá tri thức, phá bỏ định kiến và kỳ thị, góp phần xây dựng một xã hội khoan dung và trắc ẩn.
Đặng Hoàng Giang tốt nghiệp kỹ sư tin học tại Đại học Công nghệ Ilmenau, Đức và có bằng thạc sĩ kinh tế phát triển của Đại học Công nghệ Vienna, Áo. Những cuốn sách và bài viết của anh có sức ảnh hưởng rộng rãi trên mạng xã hội tại Việt Nam.
Đặng Hoàng Giang đã sáng tác và cho xuất bản nhiều tác phẩm: Bức xúc không làm ta vô can, Điểm đến của cuộc đời, Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ…. Tác giả cũng là một trong những nhà sáng lập và vận hành tổ chức phi chính phủ “Đường dây nóng Ngày Mai”. Ngày Mai được lập ra với mục đích là nơi cung cấp sơ cứu tâm lý, trợ giúp những cá nhân đang trong khủng hoảng, đặc biệt là những người trẻ trầm cảm, và người thân của họ. Ngoài ra, đường dây nóng Ngày Mai còn cung cấp thông tin, kiến thức cơ bản, nhằm nâng cao nhận thức xã hội về sức khỏe tinh thần.
Đại Dương Đen – Nơi những nỗi đau được bày tỏ
Đại Dương Đen là một quyển sách được chia làm hai phần. Phần 1 là nơi tác giả tổng kết các câu chuyện mà bệnh nhân đã chia sẻ với mình, phần 2 là giống như một quyển giáo trình cơ bản cung cấp kiến thức cho chúng ta trầm cảm và các loại bệnh tâm lý khác.
Khi đọc về các câu chuyện của những người bệnh dường như chúng ta đang trải qua nổi đau mà họ từng trải, chúng ta càng hiểu thêm được nỗi đau thể xác đôi khi không thể so sánh được với nỗi đau tinh thần. Những giọt nước mắt đã rơi khi từng nhân vật chia sẽ sự khó khăn họ phải đối mặt để chiến đấu với căn bệnh trầm cảm, tuy nhiên đôi lúc cũng có những nụ cười vì những người bệnh họ đã dần chiến thắng và tìm thấy được ánh sáng cho chính mình nhưng không phải nhân vật nào cũng được may mắn như vậy.
Qua lời kể của các nhân vật chúng ta dường như biết thêm được nhiều bí mật của bệnh trầm cảm. Trầm cảm không chỉ dành cho người trẻ mà nó cũng có thể khiến cho một người già như bác Thạch chịu nhiều khổ đau. Trầm cảm có nhiều nguyên nhân, nguyên nhân đến từ tuổi thơ bị bạo hành, chứng kiến các cảnh bạo lực gia đình, những áp lực nặng nề từ bố mẹ hay từ những biến cố đột ngột trong cuộc sống… tất cả đều gây ra những bệnh tâm lý mà chúng ta không thể nhìn thấy bằng con mắt bình thường được. Thùy Dương là một cô gái xinh đẹp nhưng vì áp lực bố mẹ đè nặng lên cô, khiến cô rơi vào trầm cảm và tự mình chiến đấu để vượt qua nó. Hằng, một giáo viên dạy tiếng Anh, dù cô đã cố gắng rất nhiều nhưng vẫn mãi không thể thoát ra khỏi ám ảnh bởi sự xâm hại của anh họ từ lúc mới dậy thì.
Từ các câu chuyện người đọc không chỉ nhận thấy các khó khăn do các căn bệnh về tâm lý gây ra, mà còn thấy những chướng ngại là lời nói của bố mẹ, xã hội đâm sâu vào tim người bệnh. Người Việt chúng ta dường như còn đang thờ ơ vô cùng đối với các căn bệnh tâm lý như trầm cảm. Mười hai câu chuyện đến từ mười hai trường hợp khác nhau nhưng có điểm chung là những người bệnh không có một người đồng hành đúng nghĩa, một người có kiến thức nâng cao về các bệnh tâm lý để có thể đồng hành, sẽ chia ngay từ lúc ban đầu. Dần về sau, khi các căn bệnh dần trở nặng thì họ mới tìm đến bác sĩ tâm lý, người may mắn thì sẽ được chẩn đoán và điều trị đúng ngay từ đầu nhưng đó chỉ là một phần trăm rất nhỏ.
Ngoài ra, chúng ta còn nhận thấy sự yếu kém của nền y tế nước nhà trong công tác điều trị bệnh trầm cảm. Hiện nay, các bác sĩ của chúng ta rất giỏi trong việc điều trị các bệnh vật lý, nhưng lại không có chuyên môn nhận thấy bệnh trầm cảm hay các bệnh tâm lý khác. Do đó, họ không kịp thời giới thiệu bệnh nhân của mình đến với những đồng nghiệp có chuyên môn trước khi bệnh tình trở nặng.
Toàn cảnh về trầm cảm
Trong phần này, Đặng Hoàng Giang đã giới thiệu rõ cho chúng ta về bệnh trầm cảm, các bệnh liên quan, dễ bị chẩn đoán nhằm, các phương pháp điều trị… đây là phần chuyên môn về bệnh trầm cảm nhưng được viết một cách sinh động và người đọc phổ thông có thể hoàn toàn đọc hiểu.
Trầm cảm như các bệnh thông thường khác, nó không khó trị nếu được phát hiện sớm và có cách can thiệp phù hợp. Nhưng do nhận thức của cộng đồng ở Việt Nam về các bệnh tâm lý là chưa cao và một phần do chi phí điều trị đắt đỏ cho nên bệnh nhân khó tiếp cận với cơ sở y tế chính quy một cách kịp thời.
Đại Dương Đen – nâng cao nhận thức của cộng đồng với trầm cảm
Đặng Hoàng Giang muốn thông qua Đại Dương Đen cung cấp cho người đọc nhiều tri thức về trầm cảm nói riêng và các bệnh tâm khác nói chung. Đối với những bệnh nhân mắc bệnh trầm cảm xã hội cần đối xử với họ nhẹ nhàng và khoan dung hơn, đừng dùng những lời động viên xáo rỗng hay là các lời ác độc nói về những người bệnh. Xã hội hiện nay rất bất công với người có các bệnh tâm lý, đối với các bệnh vật lý thông thường như gãy chân, đau tim… bệnh nhân luôn được đồng cảm, sẽ chia nhưng đối với người có bệnh trầm cảm thì việc đó hiếm khi xảy ra.
Xã hội ngày càng tiến bộ, cách nhìn về bệnh trầm cảm và người mắc bệnh trầm cảm cũng phải ngày càng cởi mở và khoan dung. Chúng ta luôn tin tưởng, giúp đỡ và hy vọng rằng trong tương lai bệnh trầm cảm sẽ được đối xử công bằng như các bệnh khác, cơ sở vật chất cho việc điều trị trầm cảm sẽ ngày càng được đầu tư và phát triển. Hãy đối xử với người trầm cảm thật công bằng và khoan dung cho một xã hội ngày càng văn minh hơn.
Tóm tắt và review bởi: Kẻ lười hay viết – Bookademy
Hình ảnh: Hoài An
--------------------------------------------------
Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy
(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ "Tên tác giả - Bookademy." Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ
Không dừng lại ở sự giãi bày ở mỗi cá nhân, tác giả của cuốn sách còn chỉ ra những căn nguyên có tính hệ thống của vấn đề, một bức màn định kiến đang phủ lên căn bệnh này và những người đang đối mặt với nó.
Để phá bỏ những hiểu lầm sai và bức màn định kiến đang phủ lên căn bệnh này, chúng ta cần thực sự hiểu về chúng. Tác giả đã được tác giả chia sẻ trong phần thứ hai với những hiểu biết, kiến thức và phương pháp điều trị bệnh trầm cảm.