Chúng ta đang bắt đầu bước vào một hành trình quan trọng cùng nhau. Đó là hành trình của sự thật và khám phá. Tới cuối con đường bạn sẽ phát hiện ra mình chịu trách nghiệm với đời mình hơn bao giờ hết. Tôi không đưa ra một bảo đảm chắc chắn rằng các vấn đề của bạn sẽ biến mất  một cách kỳ diệu chỉ sau một đêm. Song nếu bạn có can đảm và sức mạnh để làm theo những chỉ dẫn trong cuốn sách này, bạn sẽ có khả năng đòi lại từ cha mẹ quyền lực với tư cách là một người trưởng thành, và nhân phẩm với tư cách một con người. 


Trong phần đầu, chúng ta sẽ phân tích cách thức mà các cha mẹ độc hại khác nhau thực hiện. Sẽ khám phá ra vô số cách thức mà cha mẹ có thể làm tổn thương ta và có thể vẫn đang làm điều đó mỗi ngày.


PHẦN 1 CHA MẸ ĐỘC HẠI


Chương 1: ‘’Cha mẹ thần thánh truyền thuyết về các bậc phụ huynh hoàn hảo’’


Những đứa trẻ nằm dưới sự kiểm soát của các bậc cha mẹ thần thánh giống như những người Hy Lạp cổ đại, không bao giờ biết khi nào cơn giận dữ sẽ xảy ra, nhưng chúng biết sớm muộn gì nó cũng sẽ đến. Nỗi sợ hãi này thường trở nên sâu sắc và lớn lên cùng sự trưởng thành của đứa trẻ. Bước đi đầu tiên hướng đến việc kiểm soát cuộc đời bạn là bạn tự mình đối mặt với sự thật ấy, điều cần rất nhiều sự can đảm. Nhưng nếu bạn đang đọc cuốn sách này, bạn đã tạo cho mình một cam kết thay đổi. Chỉ riêng việc đó thôi cũng đã rất dũng cảm rồi.


Hãy ngưng sùng bái một cách mù quáng, cha mẹ thần thánh tạo ra luật lệ, đưa ra những phán xét, và gây ra nỗi đau. Khi bạn tôn thờ họ, dù còn sống hay đã mất, bạn đồng thuận sống dưới sự chỉ đạo của họ. Bạn chấp nhận cảm xúc đau khổ như một phần tự nhiên của cuộc sống, thậm chí còn hợp lý hóa rằng chúng tốt cho bạn. Đã đến lúc dừng lại.


Chương 2: “Không cố ý không có nghĩa là không đau đớn”


Khi cha mẹ áp đặt những trách nghiệm của bản thân lên con cái, vai trò trong gia đình trở nên không rõ ràng, bị bóp méo hay đảo lộn. Một đứa trẻ bị ép buộc phải trở thành cha mẹ của chính mình, hay thậm chí cha mẹ của cha mẹ, chúng sẽ không có ai để bắt chước, học hỏi và ngưỡng mộ. Thiếu đi hình mẫu của cha mẹ vào giai đoạn quan trọng trong phát triển cảm xúc, nhân cách đứa trẻ sẽ lênh đênh giữa biển thù địch hỗn loạn. 


Cảm xúc của con trẻ trở thành vô hình trong mắt của cha mẹ, khi họ chỉ tập trung năng lượng vào cảm xúc và sức khỏe của bản thân rằng: “Cảm xúc của con không quan trọng. Chỉ có cha mẹ mới là người cần được quan tâm”. Nhiều đứa trẻ bị tước đi thời gian dành cho bản thân, sự chú ý và quan tâm, dần dần cảm thấy mình như người vô hình - như thể chúng không tồn tại trên đời. 


Để trẻ phát triển được nhận thức về lòng tự trọng - nhận thức rằng chúng quan trọng và không chỉ tồn tại vô nghĩa - chúng cần sự xác nhận của cha mẹ về những nhu cầu và cảm xúc của mình.


Chương 3: “ Tại sao họ không để cho tôi được sống cuộc đời của chính mình”


Điều khiến cho một bậc phụ huynh thích kiểm soát trở nên độc đoán là sự thống trị thường xuyên tới từ bỏ vỏ bọc của mối quan tâm. Những lời kiểu như: “Đó là để tốt cho con”, “Ta chỉ làm điều này vì con” và “Chỉ bởi ta yêu con rất nhiều” đều mang cùng một ý nghĩa: “Bố mẹ làm như vậy là bởi bố mẹ sợ rằng sẽ không còn con của những ngày trước”.


Quan điểm của bạn không có giá trị, các nhu cầu và khao khát của bạn là không thích đáng. Sự mất cân bằng về quyền lực là vô cùng lớn. Với những bậc cha mẹ kiểm soát trực tiếp, không hề có sự trung lập, nếu như đứa con của họ cố gắng giành lại một chút quyền kiểm soát từ cuộc đời mình, chúng sẽ phải trả giá bằng cảm giác tội lỗi, tuyệt vọng, và một cảm giác sâu sắc về sự bất hiếu.


Chương 4: “Không ai trong nhà này là bợm rượu cả”


Sự tự ti cùng nỗi giận dữ vì cảm xúc bị kìm nén đều là biểu hiện kinh điển của những đứa trẻ lớn lên trong gia đình có người nghiện rượu. Nếu bạn là con của người nghiện rượu, bạn cần phải nhớ chính bạn mới có thể thay đổi cuộc sống của mình mà không phải cha mẹ bạn. Hãy đến những  tổ chức cùng những người có hoàn cảnh giống nhau, thông qua việc trải nghiệm và trao đổi cảm xúc bạn sẽ nhận ra mình không còn đơn độc. Họ có thể đối mặt với “con khủng long” trong phòng khách. Đó là bước đầu tiên để đuổi nó đi. 


Chương 5: “Tất cả vết thương đều ẩn bên trong”


Tính sát thương của những lời nói tàn độc, có hai loại cha mẹ bạo hành bằng lời nói. Một là công kích trẻ một cách trực tiếp, miệt thị công khai, đầy ác ý. Mắng chửi trẻ là ngu xuẩn, vô tích sự, hoặc xấu xí. Họ chẳng đoái hoài gì đến cảm xúc của đứa trẻ, và lời nói của họ sẽ có tác động lâu dài đến quá trình hình thành hình ảnh cá nhân của trẻ như nào.


Những người khác thì gián tiếp hơn, họ công kích trẻ bằng cách liên tục dội lên đầu trẻ những lời chế giễu, mỉa mai, những biệt danh xúc phạm, sỉ nhục rất tinh vi. Những người này che giấu hành vi bạo hành của họ đằng sau tính hài hước. Họ nói đùa những câu như: “Cái áo hợp đấy - cho một thằng hề” hay như “Chắc ngày mà Thượng đế ban phát não cho loài người mày nghỉ ốm phải không?’’.


Tất cả chúng ta đều mắc tội nói đùa nhưng làm tổn đến người khác, giống như một hình thức khác của cha mẹ độc hại. Con trẻ sẽ tin và nội tâm hóa những gì cha mẹ chúng nói. Liên tục lặp lại những lời nói gây tổn thương con trẻ yếu đuối là hành vi tàn bạo và hủy hoại một con người. 




Chương 6: “Đôi khi những vết thương nằm trên cơ thể”


Bản thân những người ngược đãi thân thể người khác đều đến từ những gia đình mà sự ngược đãi được xem như là một quy tắc. Phần lớn hành vi của họ khi trưởng thành là một sự lặp lại những gì họ đã từng trải qua và học được hồi còn niên thiếu. Hình mẫu của họ là một kẻ bạo hành. Bạo lực là thứ công cụ duy nhất họ học cách sử dụng để đối mặt với các vấn đề cảm xúc - đặc biệt là cảm xúc giận dữ.


Nhiều người trong số những bậc cha mẹ này cũng gặp vấn đề với bia rượu và ma túy. Sự lạm dụng các chất kích thích thường là nhân tố góp phần vào việc không kiểm soát được cơn giận, dù cho nó không bao giờ là nguyên nhân duy nhất.


Chương 7: “Sự phản bội tột bậc”


Loạn luân có lẽ sự trải nghiệm tàn nhẫn, kinh khủng nhất đối với con người. Đó là sự phản bội niềm tin cơ bản nhất giữa một đứa trẻ với cha mẹ nó. Những kẻ lạm dụng tình dục mà nạn nhân nhỏ tuổi hoàn toàn phụ thuộc vào kẻ xâm phạm, vì thế mà chúng không có nơi nào để chạy trốn, và không biết tìm ai để cầu xin sự giúp đỡ. Những người bảo vệ trở thành kẻ ngược đãi, và thực tại trở thành nhà tù của những bí mật bẩn thỉu. 


Loạn luân phản bội con tim của tuổi thơ - sự ngây thơ của cái lứa tuổi ấy. Nỗi tủi hổ ở các nạn nhân thật vô cùng đặc biệt, ngay cả những nạn nhân cực kỳ nhỏ tuổi cũng biết rằng loạn luân là điều cấm phải giữ bí mật. Bất kể họ có bị bắt giữ hay im lặng hay không, họ vẫn cảm giác được sự cấm kỵ và nhục nhã trước hành vi của kẻ xâm hại. Họ biết rằng họ đã bị lạm dụng, dù khi ấy họ vẫn còn quá nhỏ để có thể hiểu về tình dục. Họ cảm thấy thật nhơ nhuốc.  


Chương 8: “Tại sao các bậc cha mẹ lại hành xử như vậy’’


Cạm bẫy của sự phục tùng, nó tạo ra sự mù quáng tạo nên những đặc điểm hành vi của chúng ta còn non trẻ và nó ngăn chúng ta thoát khỏi những đặc điểm đó. Áp lực luôn phải tuân phục luôn che mờ nhu cầu và khát khao mà ta sẵn có. Chỉ khi nào ta bật ngọn đèn soi rọi vào phần vô thức và đem những thứ đó lên bề mặt, chúng ta mới có thể vứt bỏ đi những thứ luật lệ đang hủy hoại bản thân mình. Phải nhìn rõ chân tướng đó ta mới có thể tự do.


Cách cha mẹ độc hại hành xử 

  1. Chối bỏ: Sự chối bỏ làm cho những hành vi có tính băng hoại giảm nghiêm trọng, trở thành trò đùa cho qua.

  2. Phóng chiếu: Những bậc cha mẹ độc hại thường dùng cách này để tránh phải chịu trách nghiệm cho hành vi của mình.

  3. Phá hoại

  4. Tạo thế tam giác: Một người cha hoặc mẹ sẽ lôi kéo con mình trở thành đồng minh để chống lại người kia.

  5. Giữ bí mật


Thấu hiểu là bước đầu của sự thay đổi. Nó mở ra lựa chọn và con đường mới. Nhưng nhìn mọi việc theo một cách khác vẫn chưa đủ. Tự do thật sự chỉ đến khi ta hành động khác đi.



PHẦN 2 GIÀNH LẠI CUỘC ĐỜI BẠN


Nếu tôi khuyên bạn đi theo con đường mà tôi phác thảo sẽ giúp mọi vấn đề của bạn sẽ biến mất sau một đêm sẽ là không thực tế. Nhưng tôi có thể đảm bảo với bạn nếu bạn làm theo cách này thì bạn sẽ phát hiện được những cách thực mới thú vị trong quan hệ với cha mẹ bạn và những người khác. Bạn sẽ định nghĩa được mình là ai và bạn muốn sống như thế nào. Và bạn sẽ khám phá ra một cảm nhận mới về sự tự tin và giá trị bản thân.


Chương 9: “Bạn không cần phải tha thứ’’


Cạm bẫy tha thứ - một trong những điều nguy hiểm nhất của tha thứ là nó làm giảm khả năng buông bỏ những cảm xúc bị dồn nén của bạn. Làm sao bạn có thể thừa nhận cơn tức giận đối với người bố mà bạn đã tha thứ? Trách nghiệm chỉ có thể đi đến một trong hai nơi: bên ngoài, đặt lên người đã gây tổn thương cho bạn, hoặc bên trong, vào bản thân bạn. Một ai đó sẽ phải chịu trách nghiệm. Do đó bạn có thể tha thứ cho cha mẹ bạn nhưng rốt cuộc lại càng căm ghét bản thân nhiều hơn.


Người ta có thể tha thứ cho cha mẹ độc hại, nhưng họ nên làm điều đó vào lúc kết thúc - chứ không phải ở lúc bắt đầu - của việc dọn dẹp thanh lọc cảm xúc của họ.


Chương 10: “Tôi là một người trưởng thành nhưng tạo sao tôi không cảm thấy vậy?’’


Những niềm tin sai lầm, những cảm xúc đau thương, trong mối quan hệ của tôi với cha mẹ đây là những cảm nhận của tôi:

  •  Tôi thấy có lỗi khi tôi không sống theo những kỳ vọng của cha mẹ.

  • Tôi thấy có lỗi khi tôi làm chuyện gì đó khiến cha mẹ buồn lòng.

  • Tôi thấy có lỗi khi tôi cãi lại cha mẹ.

  • Tôi thấy có lỗi khi tôi tranh luận với cha mẹ.

  • Tôi thấy có lỗi khi tôi nổi nóng với cha mẹ.

  • Tôi thấy có lỗi khi tôi không lo được đầy đủ cho cha mẹ.

  • Tôi cảm thấy sợ hãi khi nói với cha mẹ chuyện gì đó mà có thể họ không muốn nghe.

  • Tôi cảm thấy sợ hãi khi tôi bất đồng ý kiến với cha mẹ.

  • Tôi cảm thấy buồn khi tôi muốn làm việc gì đó khiến cha mẹ tổn thương.

  • Tôi thấy tức giận khi cha mẹ tìm cách kiểm soát tôi.

  • Tôi thấy tức giận khi cha mẹ khuyên tôi suy nghĩ, cảm nhận và hành xử như thế này thế khác.

  • Tôi thấy tức giận khi cha mẹ chối bỏ tôi.


Hãy bổ sung bất cứ cảm xúc nào bạn có mà chưa được liệt kê. Nếu bạn đánh dấu hơn một phần ba số câu trong danh sách trên thì bạn có thể vẫn còn nhiều vướng mắc với cha mẹ và thế giới cảm xúc của bạn phần lớn bị cha mẹ kiểm soát.


Chương 11: “Khởi điểm của độc lập’’


Độc lập về cảm xúc không có nghĩa là bạn phải tách bản thân ra khỏi cha mẹ hoàn toàn. Nó có nghĩa khi bạn vừa là một phần của gia đình, đồng thời là một cá thể riêng biệt. Nó cũng có nghĩa: bạn hãy là chính bạn và để cha mẹ là chính họ. Nếu cha mẹ bạn không thích những gì bạn làm hay nghĩ, hiển nhiên là bạn sẽ phải chịu đựng một vài sự không thoải mái, bạn sẽ phải chấp nhận những điều này khi bạn không vội vàng thay đổi bản thân vì họ.


Loài người là động vật xã hội, và các mối quan hệ mở yêu cầu những sự phụ thuộc cảm xúc nhất định. Vì lý do này, độc lập phải đi kèm với linh hoạt. Không có gì sai khi thỏa hiệp với cha mẹ, miễn là điều đó do bạn tự lựa chọn bằng ý chí của mình. Điều tôi đang nói đến ở đây là duy trì tính toàn vẹn về cảm xúc của bạn và là chính bạn.


Chương 12: “Ai sẽ phải chịu trách nhiệm’’


Chỉ khi nào bạn nhìn nhận một cách trung thực kẻ phải chịu trách nhiệm, bạn mới có thể chắc chắn vượt qua được cuộc sống nô lệ cho những lời tự trách móc này. Và nếu bạn còn tựu đổ hết oán thán lên đầu mình, bạn sẽ phải chịu sự nhục nhã và thù ghét bản thân, rồi đến lúc bạn sẽ tìm cách để trừng phạt chính mình. 

Bạn phải buông xả cảm giác tội lỗi vì những sự kiện đau thương trong quá khứ và hãy để nó quay về nơi nó thuộc về. Bạn không phải chịu trách nhiệm vì:

  1. Cách họ bỏ mặc và thờ ơ với bạn.

  2. Cách họ làm bạn cảm thấy thiếu tình thương và không đáng được yêu thương.

  3. Những câu nói ác ý và vô tâm.

  4. Những cái tên mà họ gán cho bạn.

  5. Sự đau khổ của họ.

  6. Những vấn đề của họ.

  7. Họ lựa chọn chạy trốn khi có vấn đề xảy ra.

  8. Việc say xỉn của họ.

  9. Điều họ làm trong cơn say.

  10. Họ đánh bạn.

  11. Họ xâm hại bạn.

Hãy cứ thêm vào bất cứ trải nghiệm đau thương và lặp đi lặp lại nào mà bạn cảm thấy đó là lỗi của mình vào danh sách. Và bạn cũng cần phải chịu trách nhiệm cá nhân.


Chương 13: “Đối chất: Con đường giải thoát’’ 


Đối chất cha mẹ không nhằm mục đích:

  • Trả đũa họ

  • Trừng phạt họ

  • Hạ thấp họ

  • Đổ sự tức giận lên đầu họ

  • Để giành lấy điều gì đấy tích cực từ họ


Mà để:

  • Để đối mặt với họ

  • Để đối trị nỗi sợ phải đối mặt với họ, một lần cho mãi mãi

  • Để nói sự thật với họ

  • Để xác lập kiểu quan hệ giữa bạn và họ từ giờ về sau


   Khi nào thì tôi nên đối chất với cha mẹ mình?


Có bốn yêu cầu cơ bản bạn phải đáp ứng trước khi ra trận:

  1. Bạn phải cảm thấy đủ mạnh mẽ để chống chọi được với sự từ chối, phủ nhận, đổ lỗi, tức giận và các phản ứng tiêu cực khác từ cha mẹ bạn trong suốt buổi nói chuyện.

  2. Bạn phải có đầy đủ sự trợ giúp trong quá trình tiền đối chất, đối chất, và hậu đối chất.

  3. Bạn phải viết một lá thư hoặc tập thoại những gì mình muốn nói từ trước, và bạn phải luyện tập những lời đáp ứng không phòng vệ.

  4. Bạn không còn cảm thấy phải có trách nhiệm với những việc tiêu cực đã xảy ra trong thời thơ ấu.


Tôi phải đối chất với cha mẹ như thế nào?


  • Viết thư

( Cha mẹ bạn đã làm gì, cảm giác của bạn khi ấy, điều đó tác động đến cuộc đời bạn ra sao, bạn muốn điều gì ở cha mẹ bạn).

  • Mặt đối mặt

  • Chuẩn bị cho đêm công diễn


Không có buổi đối chất nào là một thất bại, ngay cả khi bạn không kết thúc nó một cách huy hoàng, thậm chí khi bạn không biết nói hết được những gì bạn dự định nói, ngay cả khi bạn trở nên phòng thủ và giải thích về bản thân mình, và ngay cả khi cha mẹ bạn đứng dậy bỏ đi… bạn cũng đã làm điều đó rồi. Bạn đã nói sự thật về cuộc đời mình với bản thân bạn, với cha mẹ bạn, để rồi nỗi sợ hãi đã kìm kẹp bạn trong tình trạng trước đây không còn khống chế được bạn nữa.


Chương 14: “Chữa lành nỗi đau bị cha mẹ lạm dụng’’


Hướng điều trị các nạn nhân bị cha mẹ lạm dụng tình dục trải qua ba giai đoạn: phẫn nộ, đau buồn và giải phóng. 


Phẫn nộ là nỗi giận giữ sâu sắc nảy sinh từ những cảm xúc bị xâm phạm và phản bội trong sâu thẳm bên trong mỗi con người. Nó là phần thiết yếu đầu tiên trong quá trình điều trị và là phần khó khăn nhất.


Sự đau buồn của bạn nhân trong quá trình trị liệu, họ mất đi ảo tưởng về “gia đình hoàn hảo’’, mất đi sự ngây thơ, tình yêu, tuổi thơ, mất đi những năm tháng lẽ ra có thể rất hạnh phúc. Nỗi đau này có thể nhấn chìm họ.


Khi bạn đã kiệt sức vì phẫn nộ và đau buồn, bạn sẽ học cách lấy lại năng lượng đang được tiêu thụ và sử dụng nó để tái tạo cuộc đời và hình ảnh bản thân. Bạn sẽ phải đối mặt với một lựa chọn mới lần đầu tiên trong đời - rằng bạn không còn cảm thấy hay hành xử như một nạn nhân.


Chương 15: “Phá vỡ vòng luẩn quẩn’’ 


Bằng cách phá vỡ vòng lặp, bạn đang bảo vệ con cái mình khỏi những niềm tin, luật lệ và kinh nghiệm độc hại, những điều đó có thể đã tô quẹt lên tuổi thơ của bạn. Bạn có thể đang thay đổi cách tương tác trong gia đình chú trọng hơn vào lưa tuổi thơ. Thay đổi quy luật tương tác trong gia đình trong nhiều thế hệ tiếp theo.




Lời kết: Buông bỏ cuộc tranh đấu

Đã đến lúc dừng trò chơi và buông bỏ cuộc vật lộn, hãy từ bỏ, tiến lên, định nghĩa lại tình yêu và cuối cùng hãy tin tưởng vào bản thân. Trở thành một người trưởng thành thực thụ không phải là một quá trình tuyến tính. Nó sẽ kéo bạn đi lên, đi xuống, kéo bạn tiến lên và thụt lùi, bòn rút bạn từ trong ra ngoài. Cứ tin là mình sẽ phạm lỗi, cứ tin là mình sẽ vấp ngã, nản chí. Bạn sẽ không bao giờ thoát khỏi cảm xúc như lo lắng, sợ hãi, tội lỗi và bối rối. Những cảm giác ấy sẽ chẳng có người nào thoát được. Nhưng chúng sẽ không còn kiểm soát đời bạn nữa… 





Nội dung: Hoàng Thương

Hình ảnh: Hoàng Thương

--------------------------------------------------

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ "Tên tác giả - Bookademy." Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.


Xem thêm


Cơn Bão Tranh Cãi Về Sự Xuất Hiện Của Cuốn Sách Mang Tên 'Cha Mẹ Độc Hại'

Có những quyển sách thổi luồng tư tưởng mới liền bị dư luận chỉ trích không tiếc lời khi mới ra mắt. Và 'Cha Mẹ Độc Hại-Vượt Qua Di Chứng Tổn Thương Và Giành Lại Cuộc Đời Bạn' của tác giả Susan ForwardCraig Buck là một trong những quyển sách ấy.

Ngày mới ra mắt công chúng, trên các trang mạng xã hội và diễn đàn văn học,  người ta xúm nhau “ném đá” không thương tiếc cuốn sách với những bình luận gay gắt như:

- “Cuốn sách này thật sự quá tiêu cực! Làm sao một người có thể gọi cha mẹ mình là 'độc hại'? Thật không thể chấp nhận được.” 

- “Không thể tin được rằng có người lại viết một cuốn sách như thế này. Cha mẹ dù sao cũng là những người đã nuôi dưỡng và dạy dỗ chúng ta, làm sao có thể gọi họ là 'độc hại'?”

- “Có cha mẹ nào mà không thương con mình, mày bị vậy chắc chắn là do mày hư.”

- “Đọc cuốn này mà bị xé là đáng lắm.”

- “Cuốn sách này là rác rưởi! Ai lại đi tẩy não người khác để quay lưng lại với chính cha mẹ của mình như thế chứ?”

- “Chỉ có những kẻ vô ơn mới cần đến một cuốn sách để biện minh cho việc coi thường cha mẹ mình.”

- “Những ai đồng tình với cuốn sách này chắc hẳn đã bị cha mẹ mình chiều chuộng quá mức đến mức không biết ơn gì cả.”

Và còn có những bình luận cực kì phản cảm mà tôi không dám liệt kê. Tất cả chỉ vì sự xuất hiện của cuốn sách có tên 'Cha mẹ độc hại'.

 

Một Cách Nhìn Khác Về Quan Hệ Gia Đình

Những cuộc tranh cãi nảy lửa nổ ra vì một cuốn sách. Thuật ngữ “cha mẹ độc hại” bỗng được nhiều người biết đến tại Việt Nam. Người ta sốc vì một cuốn sách dám phô bày những vấn đề vô cùng nhạy cảm như bạo hành tinh thần, thể xác, lạm dụng tình cảm và tình dục trong gia đình– những chủ đề mà nhiều người thường tránh né. Một cuốn sách dám lên tiếng cho những đứa con từng bị ngược đãi bởi cha mẹ mình. Nó thách thức những quan niệm truyền thống về sự tôn kính và lòng hiếu thảo. Chính điều này khiến cuốn sách bị chỉ trích dữ dội vì đám đông luôn cho rằng mối quan hệ gia đình nên được giữ gìn bất kể hoàn cảnh, cha mẹ luôn đúng bất kể họ làm gì, đấy mới là đạo hiếu.

Vì những điều này, ‘Cha Mẹ Độc Hại’ để lại cho tôi ấn tượng sâu sắc vì khá ít cuốn sách dám viết về mặt trái tiêu cực của gia đình và vì một nguyên do khác, tôi lớn lên trong một gia đình đầy độc hại nhưng khi nói ra thì những người xung quanh đều cho rằng tôi là một kẻ vô ơn. Đến mức tôi đã bày tỏ quan điểm phản đối cách giáo dục bằng đòn roi, mắng chửi thì bị nhiều người chửi vuốt mặt không kịp. Họ nói rằng nên cảm ơn cha mẹ vì đã cho những đứa trẻ ấy đòn roi, đã dạy chúng biết sợ, biết vâng lời. Có nhiều người còn không phân biệt được giữa kỷ luật, trao đổi thẳng thắn và bạo hành tinh thần. Một số phụ huynh còn cho rằng tôi bịa đặt khi bảo trên đời có những người thân lạm dụng chính con mình. Thật sự đáng buồn và bảo sao mà liên tục có những câu chuyện trẻ nhỏ bị bạo hành, ngược đãi, xâm hại. 

Quan điểm là thứ không thể định lượng, nên sẽ không bao giờ có đáp số chung nhất. Giá trị của một tác phẩm không thể chỉ vì đôi ba câu trên mạng là kết luận được ngay. Có lẽ những tư tưởng mà sư luận chỉ trích ấy, chính là "một mặt khác" trong cuộc đời này vì chưa từng thấy nên họ không chịu thừa nhận mà thôi. Và may mắn, vẫn còn vô số người nhận ra giá trị của tác phẩm này.

 

Đóng Góp Của 'Cha Mẹ Độc Hại' Trong Hiểu Biết Về Tâm Lý Học Gia Đình

Khép lại trang cuối cùng của quyển sách vào lúc 2h30 sáng, phải mất một thời gian tôi mới có thể “thoát vai” khỏi những nhân vật trong đó. Từng câu chuyện, trần trụi, khắc nghiệt, đau đớn và chân thật. Thật đến nỗi tôi có thể cảm nhận được nỗi đau của từng nhân vật trong sách.

‘Cha Mẹ Độc Hại’ là thứ văn chương lột trần những tình huống khốc liệt nhất trong gia đình, từ đó thay đổi quan niệm xã hội về mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, và quan trọng nhất là, thức tỉnh chúng ta không trở thành cha mẹ độc hại của con cái ta sau này. 

Nếu nó là một tác phẩm làm suy đồi đạo đức, chia rẽ tình thân như người ta đồn đại thì tại sao nó lại đạt được nhiều thành công đáng kể và được đón nhận rộng rãi bởi độc giả và các chuyên gia trong lĩnh vực tâm lý học?

Cuốn sách đã trở thành một trong những tác phẩm bán chạy nhất trên các bảng xếp hạng sách uy tín như New York Times Bestseller. Thành công của cuốn sách còn được thể hiện qua việc nó đã được dịch ra nhiều ngôn ngữ khác nhau, giúp nó tiếp cận với độc giả trên toàn thế giới. Nhiều chuyên gia tâm lý học và tư vấn gia đình đã đánh giá cao tác phẩm vì cách tiếp cận thực tế và khoa học đối với vấn đề phức tạp của mối quan hệ gia đình. Ngoài ra, cuốn sách còn được sử dụng như một tài liệu tham khảo quan trọng trong nhiều khóa học và chương trình tư vấn. Nhiều nhà trị liệu và cố vấn tâm lý đã dùng những lý thuyết và câu chuyện trong sách như một phần của quá trình trị liệu để giúp thân chủ của họ vượt qua những di chứng tổn thương do cha mẹ độc hại gây ra. Với những thành công này, ‘Cha Mẹ Độc Hại’ là vị cứu tinh cho bất kỳ ai đang tìm kiếm hạnh phúc đích thực trong mối quan hệ với gia đình.

 

Những Trang Sách Thai Nghén Từ Những Câu Chuyện Có Thật

Đây là cuốn sách tâm lý học khởi sinh từ các thân chủ khi tham vấn tâm lý được nhà văn-nhà tâm lý học nổi tiếng người Mỹ, Susan Forward tổng hợp. Đồng tác giả là Craig Buck, là một nhà văn và biên kịch người Mỹ. 

Được dắt dắt với giọng văn lôi cuốn, hiểu biết đầy trí tuệ, sự đồng cảm với những nạn nhân trong cuộc, tác giả mời chúng ta bước vào thế giới hậu trường của những cơn đau thầm kín sau cánh cửa mỗi nhà. Những câu chuyện có thật đầy khốc liệt, những nỗi đau thầm kín và kiến thức tâm lý học là chất liệu để tác giả viết nên quyển sách kinh điển này. Nhờ vào kinh nghiệm tham vấn tâm lý cho rất nhiều trường hợp có khúc mắc về tổn thương tâm lý từ gia đình, tác giả đưa ra những ví dụ vô cùng chi tiết về các kiểu cha mẹ độc hại (cha mẹ chưa trọn vẹn, cha mẹ kiểm soát, cha mẹ nghiện rượu, cha mẹ bạo hành lời nói, cha mẹ bạo hành thể xác, cha mẹ lạm dụng tình dục) , các lời giải thích rõ ràng và nhiều bài tập thực hành để giúp bạn nhận ra bản chất thật của mối quan hệ, có thêm góc nhìn mới đa chiều hơn, từ đó tìm ra cách chữa lành những tổn thương bạn đã phải chịu đựng.

“Tôi xin chôn ảo tưởng của mình về một gia đình tốt đẹp. Tôi xin chôn những hi vọng và kì vọng của mình về cha mẹ tôi. Tôi xin chôn ảo tưởng của mình có thể làm được điều gì đó để thay đổi cha mẹ. Tôi biết mình sẽ không bao giờ trở thành người như cha mẹ hằng mong muốn, và tôi khóc than cho nỗi mất mát ấy. Nhưng tôi chấp nhận nó. Những ảo tưởng đó có thể an nghỉ được rồi”.

"Nếu tôi phải chọn giữa việc bị bạo hành tinh thần và thể xác, tôi sẽ luôn chọn bị đánh đập. Anh có thể nhìn thấy vết thương, ít nhất người ta còn thương cảm cho anh. Còn với lời nói ấy hả, nó chỉ khiến mình phát điên. Các vết thương là hoàn toàn không nhìn thấy được. Không ai màng quan tâm đến. Các vết thương trên thân thể liền sẹo nhanh hơn gấp nhiều lần so với những lời lăng mạ và sỉ nhục."

Đọc ‘Cha Mẹ Độc Hại’ mới thấy gia đình là nơi ẩn chứa những mâu thuẫn tâm lý vô cùng tinh vi, đến nỗi những thành viên tồn tại trong đó cũng không hề hay biết. Những kiểu cha mẹ độc hại trong từng trang sách là có thật, không phải là những lời thêu dệt để khiến độc giả căm ghét người thân. Tác phẩm lách rất sâu vào những ám ảnh, sự nuôi dạy con sai lầm nhân danh tình yêu thương, sự kiệt quệ của những đứa con bị bạo hành tinh thần, thể xác và lạm dụng nhằm giúp ta đối diện với cảm xúc tiêu cực, từng bước tìm thấy ánh sáng cuối đường hầm.

 

Chân Thực Đến Ám Ảnh: Những Câu Chuyện Từ Thân Chủ

Cuốn sách đưa tôi đi qua cuộc đời của những người mang nỗi đau rất lớn từ gia đình, nào là câu chuyện của những đứa trẻ tưởng như được ăn sung mặc sướng nhưng lại lớn lên với những méo mó trong tâm hồn. 

Có những đứa trẻ được nuôi lớn bởi những cái tát của mẹ hay hàng ngày được rót vào tai tiếng đánh mắng của đấng sinh thành. Có những đứa trẻ ăn niềm đau thay cơm trắng hằng ngày, rồi trở nên vô cảm, bơ vơ, trống rỗng trong gia đình mình.

Tôi bắt gặp những ngôi nhà giam cầm trái tim của những thiên tài bé nhỏ bằng xiềng xích nhân danh tình thân quá dỗi nặng nề, ở đó chúng phải sống như những gì cha mẹ chúng mong muốn, đến mức quên mất tính cách thật của bản thân, quên mất đâu mới thực là mình.

Tôi bắt gặp một số bậc phụ huynh bắt buộc con cái phải trả nợ mình. Với họ, tình yêu và sự hi sinh được quy đổi thành tiền bạc.

Tôi bắt gặp những bậc cha mẹ muốn con tự tin, tài giỏi nhưng chính họ lại luôn gán cho con cái mác chẳng thể làm gì. Họ khiến con mình thấy chúng làm gì cũng sai, bị kiểm soát đến mức nghẹt thở, bị buộc tội vì những lý do hết sức vô lý, thậm chí là bị đánh đập dẫn tới phát điên.

Tôi bắt gặp những đứa trẻ lớn lên trong các gia đình nghiện rượu, nghiện ma tuý. Tôi thấy chúng bị bạo hành bởi chính những người sinh ra mình nhưng điều đáng buồn là chính những người trong cuộc lại không nhận ra rằng mình bị bạo hành. Những người trẻ ấy vì luôn phải mang trong mình “lòng biết ơn” với sự hy sinh của cha mẹ mà phải chịu những áp lực nặng nề, những nỗi đau tinh thần lẫn thể xác, vì họ nghĩ chỉ có như vậy họ mới được yêu thương.

Tôi đã gục ngã khi bắt gặp những đứa trẻ đau khổ và bất hạnh đến mức bị lạm dụng tình dục bởi chính người sinh ra mình. Đối với tôi, đó là nỗi đau ám ảnh nhất, là tột cùng tàn nhẫn, kinh khủng nhất đối với con người.

 

Ám Ảnh Tột Cùng: Xâm Hại Tình Dục Trong Gia Đình

Cuốn sách có nguyên một chương về xâm hại tình dục trong gia đình. Chắc chắn khi đọc những câu chuyện bi đát này, nhiều người sẽ không tin được, tại sao lại có một câu chuyện loạn luân ghê tởm đến như vậy. Nhưng đó là chuyện xảy ra khắp nơi, có vụ được phơi bày những cũng có nhiều vụ nạn nhân chọn im lặng.

Đọc chương này, chúng ta có thể giải thích những gì ầm ĩ trên báo chí và giúp chúng ta đề phòng. Đọc để hiểu vì sao những nạn nhân ấy lại chọn im lặng, để hiểu nỗi đau của những nạn nhân cực kỳ nhỏ tuổi dù biết rằng hành vi của người thân là phạm tội, là điều cấm kỵ nhất của nhân loại nhưng họ lại không dám mở lời với ai. Bất kể họ có bị bắt phải giữ im lặng hay không, họ vẫn cảm giác được sự cấm kỵ và nhục nhã trước hành vi của kẻ xâm hại. Họ giữ yên lặng bởi phần nhiều họ sợ rằng bản thân sẽ làm cho gia đình tan nát. Họ chới với, vô định giữa dòng đời, mòn mỏi kiếm tìm con đường giải thoát nhưng chẳng biết về đâu. Cuộc đời họ đáng thương quá, bi đát quá, đáng thương, bi đát đến tột cùng.

 

Câu Chuyện Cá Nhân: Độc Tố Từ Những Người Thân Yêu

Trước khi đọc quyển sách này tôi đã chuẩn bị tâm lý cẩn thận. Bởi tôi biết bên trong là trần tình của các nạn nhân cũng từng ở hoàn cảnh như tôi, nhưng rồi tôi vẫn vô thức bật khóc.

Nhiều người nghĩ rằng cha mẹ nào cũng tốt cho con nhưng sự thật không phải vậy, có những người cha người mẹ là thuốc độc của cuộc đời con cái. Đời tôi đã gặp quá nhiều người cha mẹ độc dược. Và đáng buồn hơn, cha mẹ tôi chính là người như vậy.

Một mình, một góc đèn, một chuỗi sách vở trên bàn, với những ký ức kinh hoàng thời thơ bé. Kế bên bàn là đống sách vở chất chồng, trong ngăn tủ là lọ thuốc ngủ đang vơi, bức di thư phủi bụi.

Ngôi nhà đó, tôi đã từng thấy cha bạo hành mẹ, trộm hết tiền và bỏ đi theo người đàn bà khác. Mẹ quẫn trí, đem hết thù hận đổ lên ba đứa con. Mẹ giao trọng trách nuôi dưỡng ba anh em tôi cho ngoại. Sau khi chúng tôi khôn lớn, mẹ trở về và đòi chúng tôi báo hiếu vì công ơn sinh thành. Mối quan hệ mẹ con trở thành tù nhân và cai ngục. Tôi trở thành con tốt trên bàn cờ mà mẹ bày ra. Mọi mối quan hệ, tài chính, ước mơ, nghề nghiệp, bà ấy đều kiểm soát nhân danh mẹ sinh ra con, mẹ có quyền làm thế. Tôi trở thành thủ phạm gây ra mọi đau khổ cho cuộc đời của mẹ qua câu chuyện mẹ kể với mọi người để rồi nhận lại những ánh nhìn khinh bỉ của đám người ngoài cuộc.

Ngôi nhà đó, khi tôi chưa đến tuổi đến trường, cha và tôi cùng uống rượu. Lớn lên, tôi lại trở nên nghiện rượu như cha mình. Ngôi nhà đó, cha mẹ bắt hai tôi mình nghỉ học, một mình ngoại phải đi làm để chắp cánh ước mơ hai anh rồi mỗi lúc giận lên, mẹ lại trách vì chúng tôi đi học nên nhà mới khổ. Và cũng chính tại ngôi nhà đó, đứa nhỏ là tôi từng bị hàng xóm lạm dụng nhưng người nhà lại đổ lỗi do cô gái học cấp một ấy bị vậy là do không biết phòng thân.

Những sang chấn hồi còn nhỏ như một thước phim quay chậm hiện dần lên trong đầu khi tôi đọc những dòng này:

“Đứa con trở thành ống xả những bực dọc, thành người phải chịu trách nhiệm cho tất cả những gì không may xảy đến với cha mẹ chúng.”

“Cảm xúc của con không quan trọng. Chỉ có cha mẹ mới là người cần được quan tâm.”

Cha mẹ có biết chăng, những lời lẽ cha mẹ gieo vào đầu tôi khiến tôi hành hạ chính mình vì nghĩ bản thân là thứ xui xẻo, là gánh nặng cuộc đời. Và những lúc ấy, tôi dằn vặt, điên loạn làm tổn thương mình mà cha mẹ không hề hay biết để rồi ngày càng nghiện cảm giác self-harm và dần dần trầm cảm nặng. Tôi mất cả biết bao năm trời để chữa lành thương tổn ấy, để học cách khống chế tâm ma trong người nhưng mãi mãi chẳng thể là cô nhóc yêu đời, thân thiện, đầy hoài bão năm nào.

Thời gian đã trôi qua nhưng vết sẹo trong tim thì vẫn còn đến bây giờ, để khi xem được những câu chuyện trong sách, nước mắt cứ tuôn rơi, không ngừng lại được. Đôi khi tôi tự hỏi trên đất nước này, trên địa cầu này có bao nhiêu đứa trẻ có tâm hồn tan nát như tôi và các nhân vật trong sách?

Cuốn sách thật ra không ra đời với mục đích buộc tội mà là chữa lành những tổn thương mà nạn nhân đang có và trở thành một người cha, mẹ tốt. Nhờ cuốn sách, tôi hiểu rằng có những người cha mẹ độc hại mang quá khứ đầy đau thương, tâm lý của họ hẳn cũng không ổn định. Hoặc những trải nghiệm của họ ở gia đình thời thơ ấu đã ảnh hưởng đến cách họ yêu thương và nuôi dạy con cái hiện tại. Họ cũng cần được chữa lành và tha thứ nếu họ biết sửa sai. Tôi biết cha mẹ cũng từng lớn lên trong môi trường độc hại nhưng ước gì cha mẹ có thể tỉnh ngộ và chịu sửa sai, thật lòng nói ra những điều này thì có lẽ tôi sẽ sẵn sàng tha thứ cho cha mẹ:

"Mẹ đã làm nhiều thứ tổn thương con và mẹ rất xấu hổ. Mẹ không có quyền đánh đập con. Mẹ không có quyền gọi con bằng những cái tên khó nghe như vậy. Con chẳng làm điều gì sai để phải chịu đựng như vậy cả. Lỗi là ở mẹ, ông bà của con đã đánh đập mẹ rất nhiều và mẹ không biết cơn giận bên trong của mẹ lớn như thế nào. Mẹ không học được cách cư xử với con cái, và mẹ lại đánh đập con như ông bà đã từng đánh đập mẹ..."

Tôi không muốn rơi vào một vòng luẩn quẩn không lối thoát của một hệ thống gia đình độc hại. Tôi không muốn trở thành kẻ tổn thương lại tổn thương kẻ khác. Tuy tôi không biết đâu là phương pháp dạy con phù hợp nhất cho con cái tôi sau này, nhưng nhờ cuốn sách tôi biết được các kiểu nuôi dạy con độc hại để phòng tránh.


Đôi Khi Bạn Không Cần Phải Tha Thứ

Với những bậc cha mẹ độc hại mức độ nhẹ hay vừa, có lẽ chúng ta nên tìm cách hòa giải và chữa lành cho nhau vì trên đời chẳng cha mẹ nào là hoàn hảo. Nhưng với những trường hợp cực đoan, như cha mẹ khiến con cái thần kinh không ổn định một thời gian dài, bóc lột sức lao động, ép buộc sử dụng chất gây nghiện, bạo hành thể xác, hay một ông bố cưỡng hiếp con khi mới 7 tuổi, liệu chúng ta có tha thứ được không? Mình thích quan điểm của Susan Forward, trong trường hợp này, điều quan trọng là hãy giành lấy quyền lợi của bạn. Chúng ta không cần phải miễn cưỡng tha thứ một cách vô điều kiện cho người khủng bố, xâm hại, ngược đãi dã man bởi sự thật đôi khi tàn nhẫn:

“Có rất nhiều kiểu người bạo hành trẻ em, nhưng tồi tệ hơn cả là những người dường như có con chỉ để ngược đãi chúng. Nhiều người trong số này có vẻ bề ngoài, nói năng và hành động như một con người, nhưng họ thực sự là một con quái vật - hoàn toàn không có cảm xúc. Những kẻ ấy là một thách thức đối với sự hiểu biết của chúng ta, không có một thứ logic nào có thể giải thích được cho hành vi của chúng.”

Lòng hiếu thảo rất cần ở mỗi người con đối với đấng sinh thành nhưng ở một mức độ hợp lý, không phải là sự vâng phục mù quáng, dung túng cho tội phạm.

 

Cuốn Sách Cho Mọi Người

Nếu hỏi cuốn sách này dành cho ai, tôi nghĩ cuốn sách này dành cho tất cả mọi người. Tất cả chúng ta chịu ảnh hưởng bởi thế hệ trước, và chúng ta cũng là tác nhân ảnh hưởng tới thế hệ con cái sau này.

Với những bạn là nạn nhân của cha mẹ độc hại, hãy đọc và can đảm đối diện vấn đề của mình. Tôi biết đây là một cuốn sách khá nặng về tâm lý, có thể lôi những nỗi đau thầm kín mà bạn từng giấu kĩ ra ánh sáng. Không sao cả, hãy đọc thật chậm, nếu cảm thấy quá ngợp, hãy nghỉ một chút để can đảm nhìn nhận vấn đề của mình.

Với những bạn trẻ buông lời chỉ trích, xin hãy đọc để hiểu được mặt trái của gia đình, hiểu được nỗi đau không lời của người trong cuộc. Có lẽ bạn may mắn không rơi vào những trường hợp như các nhân vật trong quyển sách nên nghĩ rằng cuốn sách này bịa đặt khiến con cái căm ghét cha mẹ. Ngoài kia đầy rẫy những người cha người mẹ coi con mình là công cụ lợi dụng để trục lợi, là đối tượng để thoả mãn bạo lực khi học tức giận, kinh hoàng hơn là công cụ thỏa mãn thú tính, và nhiều đứa trẻ ngoài kia phải trả cái giá cho việc được sinh ra bằng thương tích, bằng sự sỉ nhục, thậm chí là bằng cả mạng sống. Đầy rẫy vụ án gây chấn động về những chủ đề này đã xảy ra. Đừng đợi đến khi đứa trẻ bị thương nặng, thậm chí là mất mạng, hay chọn cách quyên sinh, ta mới xôn xao lên. Đến lúc ấy thì chúng ta còn cứu vãn được gì nữa? Có thể bạn nói mình máu lạnh nè, bất hiếu nè, vẫn không chịu tin trên đời có những người như vậy thì mình xin chúc mừng vì bạn đã may mắn không trải qua những tình huống ấy. Nhưng, tôi không may mắn như vậy, và tôi lại càng thương những đứa trẻ ấy.

Với những bậc phụ huynh, hãy kiên nhẫn đọc quyển sách này để nhận ra chúng ta liệu có đang hành động như những kẻ điên rồ, gieo cái ác ngay dưới mái nhà của chính mình hay không. Hãy đọc để hiểu tâm lý con cái mình hơn, đọc để có thể phân định giữa tình yêu thương lành mạnh và tình yêu thương độc hại hạn chế khả năng phát triển bình thường của con cái.

‘Độc hại’ không chỉ nói về những người cha người mẹ bạo hành con cái về thể xác đâu, mà còn cả những phụ huynh thao túng, gây đau khổ cho con cái mình bằng vỏ bọc yêu thương nữa. Đừng để, thứ chúng ta nhận được không phải là một đứa con thiên tài, hiểu chuyện mà là những đứa trẻ trầm cảm, những cái chết thương tâm. Xin đừng đưa chúng vào đời và rồi để chúng tìm cách chạy trốn bằng cách đau thương như thế.

“Mọi cha mẹ đều tin rằng mình biết điều gì là tốt nhất cho con cái, nhưng cái sai của họ là chưa từng đặt mình vào vị trí người con”

 Cha mẹ hãy nhớ thấu hiểu là tên gọi khác của yêu thương. Nếu cha mẹ không thể thấu hiểu, thì cha mẹ không thể gọi đó là tình yêu thương được. Hình dáng yêu thương như vậy nà:

 “Hành động yêu thương không làm bạn thất vọng, mất cân bằng hoặc tạo ra cảm giác thù ghét bản thân. Tình yêu không gây ra tổn thương, mà nó làm bạn cảm thấy thỏa mãn. Hành động yêu thương nuôi dưỡng sức khỏe cảm xúc của bạn. Khi một ai đó yêu bạn, bạn cảm thấy mình được chấp nhận, được quan tâm, có giá trị và được tôn trọng. Tình yêu đích thực tạo ra cảm giác ấm áp, vui vẻ, an toàn, ổn định và sự bình yên trong tâm hồn.”

 

Một Số Điểm Thiếu Sót

Phần sau của sách mang lại cảm giác nhẹ nhàng hơn với hành trình tìm kiếm, giành lại cuộc đời của nạn nhân. Tác giả đưa ra rất nhiều biện pháp tâm lý nhầm giúp người đọc cảm thấy ổn hơn, phần nào chữa lành đứa trẻ bên trong đang thương tổn. Tuy nhiên, những biện pháp ấy mình thấy vẫn chưa đủ để xoa dịu cảm giác đau đớn, sợ hãi và ám ảnh khi đọc tình huống ở phần trước. Phần nêu tình huống và giải pháp cách nhau khá xa, đọc khá lâu mới tới nên không được mạch lạc cho lắm.

Những câu chuyện trong cuốn sách là những câu chuyện khá buồn, những cuộc đời gần như vỡ vụn mà cha mẹ ruột chính là nguyên nhân chính. Tác giả nên đề cập đến những trường hợp khác như bố dượng, mẹ kế, cha mẹ nuôi, hoặc những người đóng vai trò như người nuôi dưỡng trong gia đình để có thể phản ánh thực tế cuộc sống và đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng độc giả hơn. Việc thiếu đi sự đa chiều này có thể khiến cho độc giả có cái nhìn phiến diện về vấn đề.

Mặc dù thuật ngữ ‘cha mẹ độc hại’ ngày càng được sử dụng phổ biến nhưng tôi vẫn cảm thấy việc dán nhãn ‘độc hại’ cho cha mẹ có thể khiến cho mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái càng thêm căng thẳng và khó hàn gắn. Thay vì sử dụng ‘cha mẹ độc hại’, tôi cho rằng nên sử dụng những cách diễn đạt mang tính trung lập và khách quan hơn để mô tả những hành vi tiêu cực ấy, như là ‘phương pháp nuôi dạy con độc hại’.

Nhưng nhìn chung, đây chỉ là một số nhược điểm nhỏ so với giá trị to lớn mà cuốn sách mang lại. Tuy nhiên, cuốn sách dù có hay đến thế nào cũng không thể thay thế cho sự hỗ trợ chuyên nghiệp từ các nhà trị liệu tâm lý. Những ai đang gặp vấn đề tâm lý, đang phải đối mặt với cha mẹ độc hại nên cân nhắc tham gia trị liệu tâm lý, tìm đến các đường dây nóng để được hỗ trợ và hướng dẫn cách đối phó với những vấn đề trong mối quan hệ của mình nhé.

 

Kết luận:

Cuốn sách đã mở ra chương mới cho cuộc đời của rất nhiều người, xứng đáng nằm trên kệ sách của mỗi chúng ta, để chúng ta sẽ không vô tình trở thành những phụ huynh độc hại. Có lẽ tôi sẽ đọc lại cuốn sách thêm vài lần nữa, sau khi cháu gái sinh ra, trước khi có con, sau khi có con và khi con khôn lớn. Có thể tôi không thay đổi được những người đi trước, không thể viết lại tuổi thơ mình theo cách đẹp đẽ hơn, không thể chọn cha mẹ cho mình vì có những thứ dường như đã hòa làm một với máu thịt, nhưng tôi vẫn có thể từng chút thoát ra khỏi hố đen tiêu cực, và những người trẻ trong cuốn sách cũng thế. Những bậc làm cha mẹ, xin hãy để những đứa trẻ hiểu rằng cha mẹ đôi khi không phải là danh từ để chỉ ai cả, mà là một cách gọi khác của hai chữ tình thân, chứ không phải là hiện thân của trừng phạt.

1 điểm

Đã bao giờ bạn đọc tựa đề của một cuốn sách và bạn có cảm giác được thôi thúc muốn đọc luôn chưa?
“Cha mẹ độc hại” là cuốn sách khiến tôi cảm thấy như thế!
Tên tựa sách không lãng mạn mà thực tế và khác xa gu sách tôi vẫn thường đọc!
Từng trang sách là những câu chuyện có thật, những ký ức buồn ám ảnh, đè nặng trong tiềm thức của những đứa trẻ trong hình hài người lớn!
Có thể bạn thấy mình trong đó hoặc may mắn thì không!

Bạn sẽ bắt gặp những đứa trẻ bị đè nặng bởi áp lực về thành tích mà cha mẹ đặt ra! 
Ước mơ của cha mẹ đè nặng trên đôi vai của con!Những gì cha mẹ chưa làm được thì bắt buộc con phải làm thay!

Bạn sẽ bắt gặp những đứa trẻ bị nuôi dưỡng theo chủ nghĩa hoàn hảo!
Chúng không được phép sai lầm, không được phép lựa chọn hay phản kháng!

Bạn sẽ bắt gặp những đứa trẻ trong các gia đình nghiện rượu, nghiện ma tuý!
Hàng ngày các con vẫn phải sống trong cái vỏ bọc gia đình hạnh phúc và được yêu thương!

Bạn sẽ bắt gặp những đứa trẻ bị bạo hành bởi chính những người sinh ra!
Các con có thể đã hoặc đang bị bạo hành về thể xác hay tinh thần nhưng điều đáng buồn là chính những người trong cuộc lại không nhận ra rằng mình bị bạo hành!

Bạn sẽ gặp những đứa trẻ đau khổ và bất hạnh đến mức bị lạm dụng bởi chính những người sinh ra mình…
Là sự tổn thương ám ảnh nhất! Là nỗi đau mà bất kỳ ai cũng muốn trốn tránh!

Cuốn sách "CHA MẸ ĐỘC HẠI" là một đầu sách trong tủ sách Làm cha mẹ, tuy nhiên đây không phải là 1 cuốn sách dạy cách cha mẹ cách làm cha mẹ như thế nào. Cuốn sách viết cho những bậc cha mẹ đã và đang bị tổn thương từ cha mẹ họ - và điều đó đang ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống, công việc, hôn nhân, các mối quan hệ, cũng như ảnh hưởng tới hành trình làm cha mẹ của chính họ. 

Cuốn sách đưa ra những tình huống thực tế, những nỗi đau mà mỗi người không hề muốn đối diện - dần dần giúp bạn đối diện với những nỗi đau đó, công nhận nó, buông bỏ nó và tự chữa lành cho chính mình. 

Chịu đựng, kìm nén, cố quên đi, che giấu đi những nỗi đau và sự tổn thương của bản thân chưa bao giờ là lựa chọn tốt. Bạn chỉ đang tự lừa dối mình rằng "Tôi ổn" và bạn cho rằng thế là đủ. Và bạn biết không, mỗi khi cảm xúc dâng trào chính là lúc bạn không có cách nào kìm hãm và chế ngự những nỗi đau và sự ảnh hưởng vô hình ấy lại. Và lại thật vô tình, bạn trút chính những ám ảnh, tuyệt vọng, sợ hãi ấy lên con của chính mình.... 

Hãy một lần thẳng thắn đối diện, công nhận và thoát khỏi những nỗi đau, những điều bạn luôn giấu kín ấy, hãy tự chữa lành cho chính mình.

Đây là một cuốn sách khá "nặng" về tâm lý, đặc biệt với những bạn có nhiều nỗi đau và ám ảnh tuổi thơ. Đối diện, công nhận những nỗi đau của chính mình chưa bao giờ là dễ dàng. Hãy đi thật chậm, nếu cảm thấy quá ngợp, hãy nghỉ một chút, và đừng dừng lại. 

Một cuốn sách rất rất rất cần đọc - dành cho những cha mẹ trẻ đã và đang chịu những tổn thương. Bởi vì, bạn không thể cho con điều mà bạn không có, nên hãy sống thật sự hạnh phúc và bình an, bạn nhé.