Từng trang sách là từng trang thư day dứt, nghiệt ngã, cuồng loạn, giằng xé mà cũng đầy tâm tình, ngọt ngào ru vỗ của một bà mẹ trẻ viết cho đứa con trong bụng mình. Tình mẫu tử, tình yêu thương chắp cánh cho từng trang viết của mẹ. Nhưng… cho đến cuối cùng… mẹ cũng chỉ có thể gửi nó cho đứa trẻ chưa từng được sinh ra của mẹ… vì mẹ đã đánh mất con rồi.
Oriana Fallaci là một nhà văn, một nhà báo, một phỏng vấn gia chính trị người Ý. Tuy chắp bút làm văn không nhiều nhưng các tác phẩm của bà đều có giá trị thức tỉnh lớn cho nhân loại, khiến bạn đọc phải trăn trở, phải ngẫm nghĩ về những điều mà người ta tưởng là họ đã hiểu thấu. Một trong những tác phẩm như thế là “Thư gửi đứa trẻ chưa từng sinh ra”.
Với bất cứ ai từng đọc tác phẩm này, chắc chắn sẽ đều có cảm giác này giống như tôi, cảm giác là người thứ ba chứng kiến câu chuyện đầy tình yêu và nước mắt này. Bởi lẽ, từng câu chữ là những tâm tình của một người mẹ trẻ gửi đến hài nhi bé nhỏ. Tự hai nhân vật tạo nên một thế giới mộng mơ mà trần trụi nghiệt ngã của riêng họ mà bạn đọc tưởng như chỉ có thể đứng ngoài chứng kiến hành trình bão tố đầy yêu thương ấy.
“Thư gửi đứa trẻ chưa từng sinh ra” - nạo phá thai ở một góc nhìn rất khác
Tựa truyện tưởng như nói lên tất cả nhưng thực ra lại chẳng thể vén lên bức màn của sự thật nghiệt ngã ẩn sâu trong nội dung tác phẩm. Chắc bạn sẽ nghĩ đứa trẻ không sinh ra là do mẹ nó đi nạo hút. Chắc bạn sẽ nghĩ đứa trẻ chưa từng sinh ra là do mẹ nó gặp tai nạn hay bị trượt chân ngã. Nhưng bạn nhầm rồi, sự ra đi của đứa trẻ ấy khác xa với những gì mà ta có thể tưởng tượng được. Thì ra, việc gián tiếp giết chết một hài nhi đâu cần có sự can thiệp của y học hay một động thái mạnh lên cơ thể của người mẹ… Đôi khi là vì những lí do rất đời, rất thường khác.
Công việc của một bà mẹ không phù hợp với ta. Ta có những nghĩa vụ khác trong cuộc sống. Ta có một công việc mà ta yêu thích và ta muốn tiếp tục theo đuổi. Ta có một tương lai đang đợi và ta không có ý định từ bỏ nó. Những ai miễn trách cho một phụ nữ nghèo túng không muốn có thêm con, những ai miễn trách cho một cô gái bị cưỡng hiếp và không muốn có đứa con đó, nên miễn trách cho cả ta nữa… Việc gì phải đến sẽ đến. Nếu con có thể ra đời, con sẽ được sinh ra. Nếu con không thành công, con sẽ chết. Ta sẽ không giết con, con có hiểu không…
Người phụ nữ cũng có cho mình những ước mơ, họ cũng có hoài bão, họ cũng có khao khát được thành công và có một sự nghiệp rực rỡ của riêng mình. Và sự đam mê thường tình ấy đã vô tình tước đi ở họ cái quyền được làm mẹ. Thượng đế tưởng chừng không có đủ nhân từ để cho họ có được cả hai lựa chọn. Nếu họ muốn dành trọn thời gian để chăm nom cho bào thai trong bụng, họ buộc phải hi sinh phần nào đó sự nghiệp hào nhoáng của mình. Còn nếu họ muốn sự nghiệp, muốn hết mình cho công việc và thể hiện bản lĩnh như một người đàn ông nơi công sở, họ sẽ rất dễ bị tước đoạt quyền làm mẹ và rồi sẽ lại có nhiều lá thư được gửi đến đứa trẻ chưa từng được sinh ra.
Áp lực cuộc sống, áp lực công việc và những đam mê và ước mơ còn đang dang dở cứ mãi thôi thúc, mời gọi đã là liều thuốc độc tiêm thẳng vào trái tim đứa trẻ trong bụng mẹ, khiến trái tim ấy giá băng và không còn vang lên nhịp đập như nó đã từng.
Oriana Fallaci đã đem đến cho ta một góc nhìn rất khác về nguyên nhân có thể khiến bà mẹ bị sảy thai mà không cần có bất cứ sự can thiệp nào từ bên ngoài. Cho ta hiểu hơn về sự trả giá quá đắt của người phụ nữ, một sự đánh đổi mà cái giá của nó không thể đong đếm được. Thực tế tàn nhẫn hơn sức chịu đựng của người phụ nữ.
Cô ta đi. Cô ta giết nó… Không hề có que dò phá thai, thuốc hay phẫu thuật phá thai. Theo luật, người đàn bà này được miễn tội vì không có hành động phá thai. Nhưng chúng ta là bồi thẩm đoàn của sự sống, thưa quý bà quý ông, và nhân danh sự sống tôi xin nói với quý vị rằng hành vi của cô ta còn tệ hơn những que dò, thuốc phá thai hay phẫu thuật.
“Thư gửi đứa trẻ chưa từng sinh ra” – hành trình bên nhau của mẹ và con
Bạn có dám chắc rằng mình đang hiểu người phụ nữ bên mình khi họ đang chuẩn bị làm mẹ ? Về những niềm vui nhỏ nhoi mà đáng quý, về những giằng xé điên cuồng và mâu thuẫn trong tâm lí, về những hi sinh mà họ đang gánh chịu. Bạn có dám chắc mình thấu hiểu tất cả ? Để hiểu họ, không dễ. Vì phụ nữ là cả một vũ trụ bí ẩn và vô tận. Nhưng hãy để cuốn sách này một lần đưa bạn bước vào thế giới ấy của những người phụ nữ sắp làm mẹ.
Người phụ nữ khi mang thai rất nhạy cảm. Họ vui từ những điều giản dị và bé nhỏ mà sinh linh trong bụng đem lại. Họ không ngừng tìm cách lí giải về mối nhân duyên trời định giữa họ và đứa trẻ chưa rõ hình hài kia. Mọi cung bậc cảm xúc qua từng ngày từng tháng được Oriana Fallaci khắc họa trong từng dòng chữ. Hình như, ta cũng đang được trải nghiệm trong thế giới phức tạp ấy của một bà mẹ trẻ. Những tâm tình, thủ thỉ vọng về trong kí ức bạn đọc và trở thành một nỗi niềm ám ảnh.
Hãy dũng cảm lên con !... Nếu một ngày nào đó con hét lên : ‘‘Tại sao mẹ lại đem con đến thế giới này, tại sao ? ’’. Ta sẽ trả lời : ‘‘ Ta đã làm điều mà những cái cây đã và đang làm, từ hàng triệu triệu năm nay. Ta đã nghĩ đó là điều đúng, nên làm’’.
…
Và đúng lúc đó, con động đậy. Con làm điều mà ta đã chờ đợi, mong ngóng hàng tháng nay. Con duỗi người ra, có lẽ là ngáp và thúc nhẹ ta một cái. Cú huých đầu tiên của con… Một cú huých nhẹ. Giống như cú huých mà ta đã báo cho mẹ ta để bà đừng vứt bỏ ta. Chân ta như hóa đá. Trong vài giây, ta ngồi đó không thở được, thái dương giật giật. Ta cũng có cảm giác như thiêu đốt trong cổ họng, một giọt nước mắt làm nhòe mắt ta.
Không chỉ là niềm vui nhỏ nhoi, không chỉ là những phút giây ấm áp khi có con gần cạnh mà còn là những khoảnh khắc tưởng chừng mẹ muốn rời xa con, là khoảnh khắc đấu tranh giữa vì con hay vì mẹ, là khoảnh khắc mẹ nhận ra … mẹ đã mất con chỉ vì sự cố chấp của mình.
Và chúng ta không phải là một cặp. Chúng ta là kẻ hành hạ và kẻ bị hành hạ. Con là kẻ hành hạ và ta là kẻ bị hành hạ. Con đã trườn vào người ta như một tên trộm, con lấy đi tử cung của ta, máu của ta, hơi thở của ta. Giờ con muốn lấy cắp toàn bộ sự tồn tại của ta. Ta sẽ không cho phép con… Ta không thấy tại sao mình nên có một đứa con.
…
Thời khắc của chúng ta đã tới, con à… thời khắc chia rẽ chúng ta… Mẹ không muốn… Mẹ không muốn họ dứt con ra như một cái răng sâu, ném con vào thùng rác cùng với bông gạc bẩn… Mẹ không muốn thế… Nhưng mẹ không có lựa chọn.
Đau, căm, tiếc nuối là tất cả những cung bậc cảm xúc mà bạn sẽ trải qua.
“ Thư Gửi Đứa Trẻ Chưa Từng Sinh Ra”- khi đứa trẻ vô tri lên tiếng
Đứa trẻ chưa sinh ra, làm sao lên tiếng? Đứa trẻ chưa chào đời, sao nó biết nghĩ suy? Thế nhưng, Oriana Fallaci lại biến điều ấy thành có thể trong cuốn sách của mình. Dẫu rằng chỉ là cuộc độc thoại nội tâm của người mẹ, chỉ là vì hoang tưởng mà thành nhưng chính sự lạ kì ấy lại là tiếng chuông cảnh tỉnh cho biết bao người phụ nữ, cho tất cả những ai đã, đang và sẽ trở thành một người mẹ.
Nhưng con tha thứ cho mẹ mà. Mẹ đừng khóc. Đừng quay về hư không với con. Một lúc nào đó, con sẽ được sinh ra.
Việc tưởng tượng ra sự lên tiếng của một đứa trẻ vô tri đã cảnh tỉnh những bà mẹ trước ngưỡng cửa quyết định giữ hay vứt bỏ đứa trẻ trong bụng mình. Bởi lẽ đứa trẻ ấy dường như cũng có tâm hồn, có nhận thức, có nghĩ suy và những rung động cảm xúc. Nó là một thực thể có linh hồn.
“Thư Gửi Đứa Trẻ Chưa Từng Sinh Ra” – nếu một ngày người phụ nữ mất con đứng trước phiên tòa phán xử
Kết thúc tác phẩm, Oriana Fallaci xây dựng một phiên tòa giả tưởng, một phiên tòa tinh thần theo đúng nghĩa. Ở đó có sự xuất hiện của tất cả những con người xuất hiện trong đời người phụ nữ ấy. Mỗi người có một lí lẽ riêng để từ đó có người trở thành luật sư biện hộ cho người phụ nữ tội nghiệp ấy, có kẻ lại trở thành công tố đẩy người phụ nữ trở thành kẻ tội đồ nghiệt ngã.
Bạn đọc không biết cuối cùng ai đúng ai sai mà chỉ biết rằng, trong tâm hồn người phụ nữ sau khi mất đi sinh linh bé nhỏ giằng xé mãnh liệt đến nhường nào. Một cuộc nội chiến mà không có kẻ thua người thắng cuối cùng.
Ông ta gọi ta là sát thủ. Thu người trong cái áo khoác trắng, ông ta không còn là một bác sĩ nữa, mà là một quan tòa, phán rằng ta đã không làm tròn những nghĩa vụ cơ bản nhất của một người mẹ, của một phụ nữ, của một công dân. Ông ta gào lên rằng việc trốn việc sẽ là một tội ác, ra khỏi giường đã là một hành vi nghiêm trọng, nhưng tiến hành một chuyến đi là giết người có dự mưu và luật pháp nên trừng phạt ta giống như trừng phạt bất cứ một kẻ sát nhân nào.
…
Đồng nghiệp thân mến của tôi, người phụ nữ này không muốn có cái chết của đứa trẻ : cô ấy khao khát cuộc sống của chính mình. Và không may là trong vài trường hợp, cuộc sống của ta là cái chết của kẻ, cuộc sống của kẻ khác là cái chết của ta. Chúng ta bắn vào những kẻ bắn chúng ta. Pháp luật gọi đó là phòng vệ chính đáng. Nếu người phụ nữ này mong muốn một cách vô thức cái chết của đứa trẻ, cô ấy làm thế để phòng vệ chính đáng. Vì thế, cô ấy không có tội.
Những phút giây bên con, những dằn vặt đau đớn, muốn níu con lại mà cũng muốn để con đi, muốn sống cho con nhưng mẹ cũng không thể để cho sự nghiệp của mẹ tan thành mây khói. Mẹ đã ích kỉ hay do mẹ đã sai lầm ngay từ khi có con ? Mẹ đã đến bên con để mất con mãi mãi…
Nhà văn người Ý Oriana Fallaci cùng với cuốn sách “Thư gửi đứa trẻ chưa từng sinh ra” đã để lại bao trăn trở, suy ngẫm, xót thương về phận đời, về kiếp người, về thứ được gọi là tình mẫu tử và sự hi sinh trong lòng bạn đọc. Một cuốn sách đáng đọc và cũng đáng cho chúng ta trao cho mình cơ hội trải nghiệm thế giới ấy cùng những người phụ nữ để hiểu họ hơn và để có cái nhìn rộng lượng hơn với cuộc sống này. Hãy để Oriana Fallaci nói thay lòng những bà mẹ trẻ!
Review chi tiết bởi Thu Ngọc - Bookademy
---------
Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn
Tham gia cộng đồng Bookademy để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị, đăng ký CTV tại link: https://goo.gl/forms/7pGl3eYeudJ3jXIE3
Tôi nhớ mình đã xem một chương trình nói rằng một số nhà nữ quyền người Ý cáo buộc Fallaci ủng hộ việc phá thai, nhưng đó không phải là chủ đề của cuốn sách này. Ngược lại, nó có thể được gọi là một tiểu thuyết nữ quyền bởi vì nó dễ dàng nằm trong bối cảnh của chủ nghĩa nữ quyền những năm bảy mươi. Nó được viết vào thời điểm mà chủ nghĩa nữ quyền vẫn còn có ý nghĩa, trái ngược với bây giờ, khi nó dường như thiên về đổ lỗi cho đàn ông về mọi thứ hơn là trao quyền cho phụ nữ. Trong mọi trường hợp, đây không phải là sách quảng cáo, và nó không ủng hộ cũng như chống phá thai. Tại một thời điểm, Fallaci thậm chí còn đặt câu hỏi liệu chúng ta có quyền để bất kỳ đứa trẻ nào bước vào thế giới đau đớn này hay không. Có đứa trẻ nào đòi hỏi được sinh ra không? Trên thực tế, đây là một cuốn sách đề cập đến những chủ đề khó và không ngần ngại đưa ra những câu hỏi thăm dò.
Câu chuyện kể về một phụ nữ trẻ độc thân chuyên nghiệp đấu tranh để quyết định có nên giữ lại đứa con của mình hay không. Cuộc sống sẽ liên tục cung cấp cho chúng ta những quyết định khó khăn để thực hiện. Nuôi dạy con cái thường là một vấn đề khó khăn theo một cách nào đó. Đôi khi việc không trở thành cha mẹ không phải là một quyết định, mà là kết quả của một tai nạn thương tâm hoặc vấn đề sức khỏe. Ngay cả khi chúng ta không đủ may mắn để coi mình là cha mẹ, thì những vấn đề tồn tại của việc nuôi dạy con cái vẫn còn. Cả cha mẹ và người lớn không có con đều cảm thấy hối hận và nghi ngờ bản thân. Trong cuốn sách này, người phụ nữ mang thai (có lẽ là tác giả) bị xã hội chối bỏ và bị bác sĩ chất vấn, tuy nhiên tất cả những điều này chỉ là thứ yếu. Có lẽ trở thành một người mẹ thường là một lựa chọn cá nhân sâu sắc nhất. Có lẽ nó không bao giờ là một điều dễ dàng.