“Sapiens
– Lược sử loài người” của “Yuhal
Noal Harari” thâu tóm lược sử phát triển của loài người trong vòng 70000
năm với vỏn vẹn hơn 500 trang giấy. Harari trình bày những quan điểm của mình nhằm
lý giải cho sự thành công của Homo Sapiens, một loài người bình thường có thể
vươn lên thống trị thế giới. Quyển sách đưa bạn đến những góc nhìn đa chiều của
lịch sử và kể cho bạn một câu chuyện lịch sử khác xa những câu chuyện mà bạn đã
từng nghe.
Phần 1: Cách mạng nhận thức:
Vào lúc bấy giờ, Homo Sapiens được xem là một sinh vật
rất bình thường, thậm chí là tầm thường. Sapiens là giống loài nhỏ bé và yếu thế,
chỉ đứng ở đoạn giữa của chuỗi thức ăn.
Nếu bạn vẫn luôn tin rằng loài người chúng ta là sản
phẩm duy nhất tiến hóa từ Vượn người thì hãy dẹp bỏ niềm tin ấy ngay lập tức.
Vào 70 000 năm trước, chúng ta không phải là loài người duy nhất. Những người
anh em ruột thịt của Sapiens được biết đến hiện nay bao gồm: Homo rudolfensis
(Đông Phi); Homo erectus (Đông Á) và Homo neanderthalensis (Châu Âu và Tây Á).
Không hề có việc Sapiens tiến hóa tuyến tính từ các Homo này, tất cả họ đều là
giống người khác nhau, tất cả họ đều là con người.
Vậy điều gì đã khiến họ bị quên lãng bởi lịch sử, họ
đã đi đâu? Câu trả lời nằm ở chính Sapiens. Một sự thay đổi nhỏ trong cấu trúc
gen của Sapiens cho phép chúng ta suy nghĩ đột phá và giao tiếp, tạo nên một cuộc
Cách mạng Nhận thức.
Sapiens có một loại ngôn ngữ đặc biệt. Ngôn ngữ này
có tính linh hoạt, từ một vài âm thanh chúng ta có thể kết hợp tạo thành nhiều
câu với nhiều ngữ nghĩa khác nhau. Sapiens không chỉ báo động về sư tử mà có thể
miêu tả hình dạng và vị trí của chúng. Sapiens dùng ngôn ngữ để tán gẫu. Nói xấu
một kẻ khác đôi khi có tác dụng to lớn, nó giúp bạn biết rõ những con người
trong xã hội bạn đang sống. Nhưng Sapiens không chỉ nói những thứ họ thấy, họ
nói cả những thứ chưa bao giờ thấy, chạm hoặc ngửi được.
Chúng ta là loài vật duy nhất sáng tạo nên những huyền
thoại, tôn giáo và các vị thần. Nhưng tại sao điều đặc biệt này lại quan trọng như thế?
Những
hư cấu không chỉ giúp chúng ta tưởng tượng mà còn tưởng tượng cùng nhau.
Sapiens yếu thế về sức mạnh, không có móng vuốt hay
răng nanh sắc nhọn. Tuy nhiên, nhiều cá thể Sapiens hợp tác lại sẽ trở thành sức
mạnh to lớn. Để làm bá chủ thế giới, Sapiens cần số lượng nhiều hơn ngưỡng một
bộ lạc. Chính niềm tin chung về những huyền thoại đã đưa những cá thể xa lạ trở
nên thân quen và cùng nhau làm việc.
Bất
kỳ sự hợp tác nào của con người ở quy mô lớn – dù là một quốc gia hiện đại, một
nhà thờ trung cổ, một thành phố cổ đại hay một bộ lạc cổ xưa – đều bắt nguồn từ
những huyền thoại phổ biến vốn chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng tập thể của
nhân dân.
Phần
2: Cách mạng nông nghiệp
Trong 2,5 triệu năm, con người sống đời sống hái lượm
và du mục. Cho đến một ngày, Sapiens quyết định thu phục những loài động vật và
thực vật, họ đổi lấy một cuộc sống định cư và gắn bó lâu dài. Đó là cuộc Cách mạng
Nông nghiệp.
Hàng ngàn sử gia ca tụng về sự kiện này, họ coi đây
là bước nhảy vọt trong sự phát triển của con người. Sapiens trở nên thông minh
hơn để thuần hóa cây lương thực và gia súc tạo tiền đề cho một cuộc sống an cư, phồn thịnh
và hạnh phúc.
Liệu trở thành nông dân có làm con người hạnh phúc?
Harari đã nói cho bạn nghe một sự thật khủng khiếp: chúng ta đã bị lừa, tất cả
là một cái bẫy.
Thay
vì báo hiệu cho một kỷ nguyên mới dễ sống, Cách mạng Nông nghiệp lại đem tới
cho nông dân cuộc sống nhìn chung có vẻ khó khăn hơn và ít thỏa mãn hơn so với
người hái lượm. Người săn bắt hái lượm sử dụng thời gian của mình thú vị và
phong phú hơn, ít bị cơn đói và bệnh tật đe dọa hơn.
Chúng
ta không thuần hóa lúa mì. Nó đã thuần hóa chúng ta. Từ “thuần hóa” bắt nguồn từ
tiếng Latinh domus, nghĩa là “ngôi nhà”. Ai là người đang sống trong một ngôi
nhà? Không phải lúa mì, mà đó chính là Sapiens.
Lúa mì xứng đáng được tôn vinh là loài cây thành
công nhất trong công cuộc tiến hóa, chỉ một vài thiên niên kỷ ngắn ngủi, nó đã
phát triển ra khắp thế giới. Con người phải cày bừa, rẫy cỏ, tưới nước, bảo vệ
khỏi sâu bệnh cho lúa mì phát triển. Việc chăm sóc này làm ảnh hưởng rất nhiều
đến cơ thể Sapiens vốn được tiến hóa để leo trèo hoặc đuổi theo linh dương.
Lúa mì cho con người được gì? Một chế độ dinh dưỡng
tốt hơn? Một sự an toàn hơn khi sống thành làng xã? Không. Lúa mì không thể đem
lại lợi ích với tư cách cá nhân. Nhưng nó lại một món hời cho Homo Sapiens với
tư cách một loài. Trồng lúa mì giúp số lượng Homo Sapiens tăng theo cấp số
nhân. Và theo qui luật tiến hóa, loài nào càng có nhiều bản sao gen thì càng giảm
nguy cơ tuyệt chủng.
Nhưng khi con người nhận ra thì đã quá trễ, Sapiens
đã quen với cuộc sống an cư nông nghiệp hiện tại, họ không thể nào quay lại cuộc
sống hái lượm trước kia, cái bẫy đã sập xuống.
Phần
3: Sự thống nhất của loài người.
Xã hội lời người phát triển phức tạp hơn, tạo thành
những quốc gia, dân tộc và một hệ thống hành vi cùng niềm tin giữa một nhóm các
cá thể. Tất cả chúng chính là Văn hóa.
Sau
hàng thiên niên kỷ, những nền văn hóa nhỏ bé và đơn giản dần dần hợp nhất thành
một nền văn minh lớn hơn và phức tạp hơn, vì vậy thế giới ngày càng có ít hơn
những nền văn hóa khổng lồ, mỗi cái trong số đó lại lớn hơn và phức tạp hơn.
Có vẻ như lịch sử đang phát triển theo chiều hướng
thống nhất tất cả. Tất cả Homo Sapiens không còn xem nhau là “chúng nó” nữa. Sự
thống nhất này được thiết lập dựa trên ba trật tự chính: kinh tế, chính trị và
tôn giáo.
Bạn có biết tất cả Homo Sapiens đều thích gì không?
Đó chính là tiền.
Tiền thực chất là gì? Cũng chỉ là những tờ giấy hay
vài mảnh kim loại vô dụng, chúng ta không thể ăn, càng không thể biến nó thành
công cụ lao động. Nhưng tại sao chúng ta sẵn sàng đổi những quả táo mình vừa
hái để lấy đống giấy vụn hay vài đồng kim loại đó?
Tiền
là một phương tiện trao đổi phổ quát, giúp con người có thể quy đổi hầu như mọi
thứ này sang mọi thứ khác.
Tất cả chúng ta đều tin vào tiền, đều tin rằng ai ai
cũng thích tiền và bạn có thể dùng nó để đổi lấy bất cứ thứ gì bạn muốn. Nếu
nhà bạn có táo nhưng bạn muốn có gạo để ăn, vậy thì bao nhiêu kí gạo sẽ tương
đương với một kí táo? Tiền là phương án giải quyết cho bài toán này. Tất cả
Homo Sapiens đều tin vào giá trị quy đổi của đồng tiền, đều tin rằng nếu có tiền
người khác sẽ sẵn sàng đổi một sản phẩm có giá trị tương đương.
Những đế quốc lớn mạnh được hình thành dựa trên kinh
tế và chính trị . Thế giới đang tiến tới sự thống trị của đế quốc Toàn cầu. Giờ
đây con người đang dần cùng chia sẻ cho nhau một niềm tin và tư tưởng chung.
Lan ranh biên giới quốc gia và chủ nghĩa dân tộc dần bị xóa mờ. “Chúng nó” đã hợp
nhất thành “chúng ta”.
Phần
4: Cách mạng khoa học
Khoảng năm 1500, lịch sử đã có sự lựa chọn quan trọng
nhất, con người chấp nhận sự ngu dốt của mình, hàng loạt những học thuyết và
phát minh ra đời. Đó là cuộc Cách mạng Khoa học.
Con người đã tìm ra một nguồn sức mạnh to lớn và vô
tận – Tri thức. Khoa học trở thành một thứ vũ khí đáng sợ.
Ngày
nay nhiều người Mỹ tin rằng giải pháp cho nạn khủng bố là công nghệ chứ không
phải chính trị.
Việc nghiên cứu khoa học là một công việc tốn kém. Cả
thế giới biết ơn những thiên tài như Newton, Christopher Columbus và Charles
Darwin, nhưng nếu không có họ thì ý tưởng vẫn sẽ nảy nở trong đầu những kẻ
khác, nhưng nếu không có nguồn tài chính thỏa đáng thì không có trí tuệ xuất
chúng nào có thể bù đắp cho điều đó.
Hầu
hết các nghiên cứu khoa học đều được tài trợ bởi ai đó tin rằng chúng có thể
giúp họ đạt được một số mục tiêu chính trị, kinh tế, hay tôn giáo.
Khoa học không được phát triển một cách thuần túy
riêng nó, nó chịu sự chi phối của chính trị và kinh tế. Hãy hình dung trong một
thế giới coi trọng giá trị kinh tế thì một dự án nghiên cứu tăng sản lượng sữa ở
bò sẽ được ưu ái, tuy nhiên nếu là một thế giới tôn thờ bò thì việc nghiên cứu
về cảm xúc của loài bò chắc chắn sẽ được đầu tư.
Năm 1700, động cơ hơi nước ra đời và tạo nên những
âm thanh chói tai đầu tiên của Cách mạng Công nghiệp. Hàng loạt những nhiên liệu
mới như : than đá và điện được phát hiện. Máy móc ra đời và làm thay đổi toàn bộ
hình thức sản xuất của con người. Thế giới bước vào một kỷ nguyên mới - kỹ
nguyên cơ giới hóa và kỹ thuật số.
Khoa học và Cách mạng Công nghiệp đã đem đến cho
nhân loại sự giàu sang và tiện nghi nhất, thứ mà tổ tiên Sapiens trước đây
không bao giờ hình dung được.
Nhưng Homo Sapiens có hạnh phúc hơn? Và suy cho cùng, thế nào là hạnh phúc? Không có một khái niệm cụ thể cho hạnh phúc, hạnh phúc đến từ sự thấu hiểu chính mình
Sự phát triển của công nghệ sinh học đang đưa Homo
Sapiens vào con đường mới với nhân bản vô tính, tế bào gốc và liệu pháp gen. Liệu
rằng các dự án khoa học này có đang nâng cấp Homo Sapiens thành một dạng sống
khác? Liệu gì đang chờ đón Homo Sapiens trong tương lai?
Kết
“Sapiens
– Lược sử loài người” của Yuval
Noah Harari là một quyển sách tuyệt vời. Nó như một cơn lốc xoáy cuốn đi
toàn bộ thế giới quan của chúng ta trước đây.
Hãy đọc và giữ vững tinh thần để sẵn sàng đón nhận
“cú sốc” nhận thức này nhé!
Tác giả: Ng Ngọc Trâm - Bookademy
Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: https://www.facebook.come/bookademy.vn
Tham gia Bookademy Team để có cơ hội đọc và nhận những quyển sách thú vị, đăng ký CTV tại link: https://goo.gl/forms/7pGl3eYeudJ3jXIE3
Mới đầu nghe tựa đề thì mình thấy cũng không hứng thú lắm. Nhưng nghe nhiều người khen hay mình mới mua về đọc.
Ở cuốn sách này, tác giả đã kết hợp các kiến thức rộng lớn không chỉ là lịch sử mà còn về tôn giáo, kinh tế, và các ngành khoa học khác như sinh học, vật lý, khoa học xã hội... để kể cho độc giả câu chuyện về loài người.
Từ 70.000 năm trước cho đến thời hiện đại, ông cho rằng, các nhà sử học trước đây có thiếu sót lớn khi không đề cập đến sự hạnh phúc của con người trong suốt tiến trình phát triển. Vì vậy, ông dành một chương để bàn về hạnh phúc của con người. Và điều gì làm cho con người thực sự hạnh phúc. Và chương này là chương mình thích nhất. Cách ông đặt vấn đề khi bàn về hạnh phúc, với mình là rất thú vị. Ví dụ : ‘’Hôn nhân tạo ra hạnh phúc hay những người hạnh phúc duy trì tốt cuộc hôn nhân và làm cho nó trở nên tốt đẹp? Có phải chung sống với người lạc quan, mãn nguyện dễ dàng hơn là chung sống với những người hay buồn và dễ chán nản. Và những người lạc quan, vui vẻ thường có cuộc hôn nhân tốt hơn những người hay ưu phiền và dễ chán’’. Không phủ nhận những yếu tố : môi trường, xã hội bên ngoài,... có ảnh hưởng đến sự hạnh phúc của một người. Nhưng ông cho rằng, hạnh phúc ở một người, sau cùng đến từ những neuron, những dây thần kinh, hệ thống sinh hóa phức tạp trong cơ thể. Mỗi người khi sinh ra đều có những cơ chế nền tảng sinh hóa khác nhau. Có người có cơ chế lạc quan, tích cực, quyết tâm. Có người lại có cơ chế tiêu cực, dễ buồn, dễ chán nản... Và theo ông, cơ chế này là một cuộc xổ số đầy tính may rủi. Điều này làm cho mình nhớ đến khái niệm ‘’Tàng thức’’, khái niệm mình biết được qua cuốn Muôn Kiếp Nhân Sinh. Mình nghĩ rằng: Tàng thức ~ Cơ chế nền tảng sinh hóa. Và Thiền là một trong những phương pháp hiệu quả nhất để làm tốt lên cơ chế nền tảng sinh hóa đó trong mỗi người.
Cuốn sách này cho mình biết tại sao từ cách mạng khoa học đến hiện tại lại có rất rất nhiều những phát minh, khám phá khoa học. Đặc biệt là ở thế kỷ 20,21.. Ở cuốn Muôn kiếp nhân sinh cũng có đề cập vấn đề này và cho rằng đó là do những người tài giỏi của Vương Quốc huyền thoại Atlantic cùng đầu thai. Nhưng tác giả Harari lại có góc nhìn khác, mang tính khoa học thực tiễn hơn. Và ông cho độc giả biết tại sao cách mạng khoa học lại diễn ra ở Phương Tây chứ không phải phương Đông. Mình cũng biết được tại sao nền kinh tế hiện tại lại vô cùng phát triển, lượng hàng hóa được sản xuất gấp nhiều lần so với những thế kỷ trước đó.
Bên cạnh sự phát triển của khoa học, máy móc... còn một yếu tố đặc biệt quan trọng nữa góp phần vào sự phát triển kỳ diệu này. Sau khi biết được điều đó thì mình thấy cảm thông hơn với người xưa khi trong những câu chuyện của họ, người giàu đa phần là người không tốt, áp bức, bóc lột.Biết thêm được lý do tại sao từ cuối thế kỷ 20 cho đến hiện tại thế giới được hoà bình hơn so với khoảng thời gian trước đó, chiến tranh xảy ra liên miên. Ngoại trừ khu vực trung đông thì hiện tại các khu vực khác trên thế giới khó xảy ra chiến tranh hơn...