"Rừng Na Uy" thực ra không phải là câu chuyện xếp vào hàng nổi tiếng vì nó mang trong mình lý tưởng cao cả, lộng lẫy. Nó nổi tiếng vì đã tái hiện cuộc sống của một thế hệ thanh niên kinh điển – Tuổi trẻ, tình yêu, tình bạn.

Câu chuyện xoay quanh nhân vật Toru, một người sống khép kín và có lối suy nghĩ, quan niệm riêng về xã hội. Thời trung học, Toru chỉ có Kizuki làm bạn thân. Một ngày nọ Kizuki bỗng nhiên tự tử, để rồi những người bạn của cậu mang theo nỗi day dứt mãi mãi. Toru có tình cảm với Naoko – bạn gái của Kizuki. Một thời gian sau khi Kizuki mất, họ tình cờ gặp nhau trên tàu điện và bắt đầu câu chuyện riêng của mình. Nhưng sự ra đi của Kizuki là cái bóng quá lớn, bao trùm lên tình yêu Toru và Naoko khi Naoko phải vật lộn với rào cản tâm lý của mình, nên trong tình cảm của họ luôn là sự hoài niệm và đượm buồn – một bức tranh tưởng chừng như chẳng có gam màu nóng nào. Tình yêu của Toru với Naoko vô định bao nhiêu thì tình yêu giữa Toru và Midori lại tràn đầy tươi sáng đến đó. Midori là một cô gái thẳng thắn, mạnh mẽ đấu tranh để sống. Chính cô đã mang những tia nắng lấp lánh cho Toru trong những ngày lạnh lẽo. Câu chuyện kết thúc với cái chết của Naoko, cuộc chia tay giữa Reiko – Toru, một tình bạn kỳ lạ, và tình yêu mới nhen nhóm của Toru và Midori trong buổi hừng đông.

Suốt chiều dài câu chuyện, bạn đọc sẽ thấy lấp ló bóng dáng của cái chết – của nạn tự tử bủa vây lấy tuổi trẻ Nhật Bản trong những thập niên 60 của thế kỷ XX. Đó còn là bản tình ca được dệt bằng những nốt trầm buồn tê tái, đau nhói từ lúc lĩnh xướng tới khi kết thúc.” Câu chuyện của Murakami là một hồi ức đau buồn về cái đã có và cái đã có thể xảy ra.” Với tôi Rừng Na-uy không chỉ dừng lại ở đó. Cuốn sách có khuynh hướng cho người đọc hiểu được thái độ sống của những đóa anh đào đang tuổi đơm hoa. Có những nụ chưa nở đã muốn tàn vào hư vô, có những nụ chỉ để nở yếu ớt rồi tàn phai, nụ lại khoe sắc thắm thách thức vũ trụ. Tỏa hương và tàn úa. Sống và chết. Trong khi hoa đã tàn khi mới chớm nở, cái chết nằm ngay đây, trong sự sống. Đâu mới là con đường mà những người trẻ như Toru phải đi.

Tình yêu – Mỗi chúng ta có thể có hơn một tình yêu

Với Toru, tình yêu của cậu mang hai sắc thái rõ rệt, đối chọi với nhau. "Tôi từng có một cô gái, mà có lẽ đúng hơn là cô ấy đã từng có tôi… Cô dẫn tôi vào phòng và bảo tôi ngồi đâu cũng được nhưng tôi chẳng thấy chiếc ghế nào… Khi tỉnh dậy tôi chỉ có một mình, con chim ấy đã bay đi rồi…" Đúng như lời bài hát, một người đã từng có người kia, trong lúc lý trí bảo hãy đến với nhau đi thì con tim chẳng có lấy một khoảng trống. Còn người kia vẫn tìm kiếm một vị trí chưa bao giờ là của mình.



“Phải rồi, chuyện cái giếng đồng. Tôi chịu không thể biết liệu có một cái giếng như thế hay không. Có thể nó là một hình ảnh hoặc một dấu hiệu chỉ tồn tại trong con người Naoko, cũng như mọi thứ khác mà nàng thêu dệt thành sự thật trong tâm trí mình trong suốt ngày tháng đen tối ấy … Điều duy nhất mà tôi biết về cái giếng là nó sâu khủng khiếp. Nó sâu đến độ không thể đo được , và chặt đầy bóng tối, như thế toàn bộ bóng tối của thế giới được nấu chảy và lèn vào đó đến tận cùng đậm đặc của chúng.

“Nó sâu lắm , thực vậy”, Naoko nói, cẩn thận lựa từng lời. Đôi khi nàng nói kiểu đó, chậm hẳn lại để tìm những lời chính xác mình cần. “ Nhưng không ai biết nó ở đâu,” ,nàng nói tiếp. “Mình chỉ biết chắc một điều là nó ở quanh đây.”

…”Nếu vậy thì nguy hiểm vô cùng,” tôi nói. “Một cái giếng sâu nhưng không biết nó ở đâu. Ta có thể ngã vào nó và thế là hết đời.”

“Hết đời. Aaaaaaaaaa! Tũm một cái. Hết chuyện!”

“Chuyện ấy chắc phải xảy ra rồi”

“Đúng thế, lâu lâu lại có một lần. Có thể hai hay ba năm có một lần. Tự nhiên có người biến mất, và không thể tìm thấy ông ta. Và mọi người quanh đây lại bảo ‘"Ồ, ông ta bị ngã xuống giếng đồng rồi."

Toru yêu Naoko. Tình yêu thuần khiết và trong sáng. Nhưng tình yêu đó lại thuộc về hoài niệm xoay quanh Kizuki được nuôi dưỡng bởi một khoảng trời đau thương. Mấy năm ròng rã, những con người ấy vẫn chìm trong quá khứ. Càng lớn người ta lại thấy cuộc sống thật vô thường, người ta thường bấu víu vào quá khứ. Nhưng rồi quá khứ lại không thể làm dịu mát một trái tim đang ngày càng khô cằn, nó càng làm vết thương năm nào lở loét. Toru và Naoko yêu nhau. Một tình yêu bất định, ngập đầy bóng tối. Họ dựa vào nhau, nhưng chưa thể vượt qua những ngày xưa cũ. Tình yêu ấy đã từng là tình đơn phương đong đầy niềm thương nỗi nhớ, những thăng hoa của cảm xúc da thịt. Đối với tôi, tình cảm ấy đã trở thành đường hai chiều và cái chết của Naoko là cách tốt nhất mà cô bảo toàn được tình yêu thiêng liêng của mình trước xô bồ cuộc sống. Toru yêu Naoko. Một tình yêu đúng nghĩa. Tình yêu chạm đáy u buồn, hoài niệm.

Mình không muốn vội, nhưng tháng Tư là thời điểm tốt nhất trong năm để bắt đầu những việc mới mẻ, và mình không thể không thấy rằng tốt nhất bọn mình nên sống chung vào lúc đó. Cậu cũng có thể trở lại đại học, nếu mọi việc suôn sẻ. Nếu thực tế sống chung của tụi mình có vấn đề gì, mình có thể tìm cho cậu một căn hộ gần đây. Quan trọng nhất là chúng mình phải luôn được ở gần nhau…

 Toru yêu Midori. Họ yêu ở thì hiện tại.

Tháng Tư và tháng Năm là hai tháng cô đơn và đau khổ vì tớ không thể nói chuyện được với cậu. Tớ chưa bao giờ biết rằng tại sau mùa xuân lại cô đơn và đau khổ đến thế. Thà có ba tháng Hai còn hơn một mùa xuân như thế này. Tớ biết như thế này là quá muộn, nhưng kiểu tóc mới hợp với cậu lắm. Thật là xinh…

Nó khiến những con đường trở nên rực rỡ, hàng cây tràn ngập tia nắng trong đôi mắt đen sâu thẳm. Liệu không có tình yêu này hành trình của Toru sẽ về đâu khi mà lần lượt những người bạn thân của cậu ra đi, khi mà hơn một lần cậu bàng quan với mọi thứ xung quanh ? Sẽ là sự kết thúc cuộc sống trong căn phòng tối như chị của Naoko hay Kizuki? Hoặc là một sự giải thoát ở cánh rừng tươi tắn như chính Naoko. Tình yêu của Toru và Midori là một nét chấm phá vô tình làm hỏng bức tranh xưa cũ nhưng lại hữu ý viết nên cuộc sống mới.



Oke, tớ sẽ đợi. và tớ tin cậu”, cô nói. Nhưng khi cậu chấp nhận tớ thì chỉ có tớ thôi đây. Và khi cậu ôm tớ trong tay, cậu chỉ nghĩ đến tớ thôi đây. Rõ chưa nào?

Tớ hiểu chính xác là vậy.

Tớ không biết cậu làm gì tớ, nhưng tớ không muốn cậu làm tớ phải đau khổ. Tớ đã đủ đau khổ ở đời này rồi. Quá đủ rồi. Bây giờ tớ cần hạnh phúc.

Tôi kéo cô lại và hôn lên miệng cô

“ Vứt cái ô khốn kiếp ấy đi và ôm tớ bằng hai tay, chặt vào.” Cô nói

“Nhưng chúng mình sẽ ướt sũng mất”

Thì đã sao! Tớ muốn cậu đừng nghĩ ngợi gì nữa, và hãy ôm tớ thật chặt,..

Tình bạn – Những con người méo mó có những mối quan hệ méo mó?

Song song với tình yêu, tình bạn trong Rừng Na-uy  gợi lên nhiều suy nghĩ. Có thể tác giả cố tình xây dựng những nhân vật có rào cản nhất định với xã hội. Với tôi họ là những cá thể vô hại, thường trực nỗi nghi hoặc bản thân. Trong họ là sự thẳng thắn và đầy nỗ lực để đồng cảm và muốn được đồng cảm. Chừng nào họ còn muốn giữ cái bản ngã vốn có của mình thì chừng ấy họ chỉ có thể đi trên một con đường. Nếu cuốn sách là một bộ phim dài tập, ta hẳn sẽ biết tại sao thanh niên Nhật Bản hồi ấy lại ra đi nhiều đến thế và hẳn sẽ có một cái kết hoàn mỹ cho Kizuki, Naoko, Reiko… rằng người đã khuất được tái sinh trong một thế giới tươi đẹp. Nhưng, cuộc sống bắt Reiko phải rời xa chồng con, Naoko chỉ được phép “nói với lòng mình” và không có sự lựa chọn.

Mình vẫn nhớ nước cuối cùng của Kizuki ngày hôm ấy – ngày cậu ấy chết. Đó là nước bật tường rất khó mà mình không nghĩ cậu ấy có thể làm được. Nhưng vận may đã đến với cậu ấy, nước đi thật hoàn hảo, và hai trái bóng trắng và đỏ hầu như không gây ra tiếng động nào khi chúng chạm nhau trên nền nỉ xanh nâu và ghi điểm cho ván cuối cùng của ngày hôm ấy. Đó là một ước quả thật đẹp, mình vẫn ghi nhớ nó đến tận hôm nay. Trong suốt hai năm sau đó, mình không sờ đến cây gậy bi-a một lần nào.



Tuổi trẻ - Vĩnh cửu và bất diệt

Cuốn sách không cố gắng khắc họa những thanh niệm mang trong mình lý tưởng vĩ đại, cao thượng. Vì ngay cả những người giỏi nhất cũng chỉ coi mục tiêu là thú vui, danh vọng không có gì đáng bàn đến. Những người đang tuổi đôi mươi trong Rừng Na-uy có những quan niệm rất đời, rất thường. Và đó là thứ chân thực không chút viển vông. Với Naoko, ngoài kia có đấu tranh, có ganh đua, lừa lọc, giả dối thì đã sao.. Còn với những người đã từng trải qua tuổi đôi mươi khi chiêm nghiệm họ lại thấy con đường của mình đã như thế nào. Tự chung lại, những con người ấy đều có tuổi xuân đầy thăng trầm và trăn trở. Họ mạnh mẽ như những cây bụi trước giông bão, họ trong sáng như tinh thể pha lê và họ đau đớn như những đứa trẻ. Có người đã chết để lại tuổi trẻ bất diệt. Có người đi tiếp mang theo tuổi trẻ vĩnh cửu.

Kết:

Tình bạn, tình yêu và tuổi trẻ luôn bất tử cho dù nó có phải đấu tranh với quá khứ và hiện tại hay day dứt trong sự sống và cái chết. Khi ta đang sống trong tuổi trẻ, ta mới cảm nhận được tình yêu và tình bạn hòa quyện vào nhau trên từng nếp da – tinh khôi trong trẻo. Rừng Na-uy thật sự là một kiệt tác ru người ta vào bản nhạc đượm buồn mà da diết của tuổi thanh xuân, nơi mà tình yêu và tình bạn đan xen hòa quyện như những cơn sóng nuôi lòng người.

Đêm qua tôi mơ về em

Ánh trăng sáng tỏ làm tôi không thể phan biệt được đó là em hay là ảo ảnh.

Nụ cười em, mái tóc em tan trong gió.

Tôi cười nụ cười cuối với em

Đôi mắt em trong vắt không rõ là suối là hồ hay là biển

Tôi hôn em nụ hôn cuối

Đêm qua tôi mơ về em.

Tác giả: Nhật Px - Bookademy

--------

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn
Tham gia Bookademy Team để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị, đăng ký CTV tại link: https://goo.gl/forms/7pGl3eYeudJ3jXIE3"

Xem thêm

Trong "Rừng Na Uy", Haruki Murakami đã khéo léo tái hiện xã hội Nhật Bản vào cuối những năm 1960, thời kỳ mà đất nước này đang đối mặt với sự giao thoa giữa truyền thống và những ảnh hưởng mạnh mẽ từ phương Tây. Đây là một giai đoạn đầy biến động trong lịch sử xã hội Nhật Bản, nơi những giá trị cũ dần bị đẩy lùi để nhường chỗ cho sự phát triển nhanh chóng về kinh tế và văn hóa. Tuy nhiên, sự thay đổi này không phải lúc nào cũng mang đến sự hòa hợp mà đôi khi lại tạo ra một không gian đầy mâu thuẫn, khó khăn cho thế hệ trẻ, những người phải vật lộn giữa quá khứ và hiện tại.


Mối quan hệ giữa các nhân vật trong "Rừng Na Uy" như Toru Watanabe, Naoko, và Midori chính là sự phản ánh rõ nét của xã hội Nhật Bản đương đại. Toru, với tâm hồn nhạy cảm và đôi khi hoài nghi, là một người trẻ tuổi đại diện cho thế hệ mới đang tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống trong một thế giới đang thay đổi mạnh mẽ. Tuy nhiên, anh cũng chịu sự chi phối nặng nề của những chuẩn mực xã hội, đặc biệt là trong môi trường học đường, nơi mà sự kỳ vọng và áp lực là không thể tránh khỏi. Những kỳ vọng đó không chỉ đến từ gia đình mà còn từ xã hội, nơi mà những thành công vật chất và sự hoàn hảo trong hình ảnh cá nhân luôn được coi trọng. Đối với Toru và các bạn trẻ khác, đây là một thử thách không nhỏ, khi họ vừa phải đối mặt với những nhu cầu và mong muốn cá nhân, vừa phải duy trì hình ảnh và vị trí của mình trong xã hội.


Bên cạnh đó, "Rừng Na Uy" còn phản ánh sự cô đơn sâu sắc mà các nhân vật phải trải qua, điều này thể hiện một phần trong sự khép kín và không cởi mở về cảm xúc trong xã hội Nhật Bản. Naoko, một nhân vật chịu tổn thương sâu sắc sau cái chết của người bạn thân, chính là hình mẫu của một thế hệ trẻ không thể hòa nhập với xã hội hiện đại. Cô rời Tokyo để tìm kiếm sự yên tĩnh và sự chữa lành trong một trại điều dưỡng, nhưng cũng không thể thoát khỏi sự trầm cảm sâu sắc, điều này phản ánh rõ nét sự không thể tìm thấy một chỗ đứng vững vàng trong một xã hội đầy hỗn loạn và thiếu sự thấu hiểu. Sự cô đơn của Naoko là một phần của một vấn đề xã hội lớn hơn, đó là sự thiếu kết nối và thấu hiểu trong những mối quan hệ giữa con người với nhau, đặc biệt là giữa các thế hệ.


Từ những mối quan hệ cá nhân đến những quan niệm về tình yêu và cái chết, Murakami cũng khéo léo đưa vào câu chuyện những yếu tố của xã hội Nhật Bản truyền thống. Trong khi nhiều nhân vật trẻ tìm kiếm sự tự do và sự thay đổi, những giá trị truyền thống về gia đình, tình yêu và cái chết vẫn hiện hữu trong tâm trí họ, tạo nên những mâu thuẫn nội tâm khó giải quyết. Xã hội Nhật Bản trong tác phẩm không chỉ là một bối cảnh sống động mà còn là một không gian chứa đựng những suy tư sâu sắc về cuộc sống, về sự tồn tại của con người trong một thế giới đầy thử thách và khắc nghiệt.


Cùng với đó, "Rừng Na Uy" cũng phản ánh một xã hội Nhật Bản đầy phức tạp và khó khăn, nơi những mâu thuẫn giữa các giá trị xưa cũ và những ảnh hưởng hiện đại luôn tạo ra những căng thẳng trong đời sống cá nhân. Các nhân vật trong tác phẩm, dù có những lúc tìm thấy niềm an ủi trong tình yêu và tình bạn, nhưng cuối cùng vẫn phải đối mặt với sự cô đơn và những nỗi buồn sâu sắc. Họ không thể hoàn toàn thoát khỏi bóng ma của quá khứ và những áp lực mà xã hội đặt lên vai họ. Trong bối cảnh ấy, "Rừng Na Uy" không chỉ là câu chuyện về tình yêu, cái chết, hay sự tìm kiếm bản thân, mà còn là bức tranh chân thực về xã hội Nhật Bản đang trên con đường đổi mới, nhưng vẫn phải vật lộn với những bóng ma của quá khứ và những bất ổn của hiện tại.

"Rừng Na-uy" là một tác phẩm đầy mê hoặc của Haruki Murakami, dẫn dắt độc giả bước vào thế giới nội tâm phức tạp của tình yêu, mất mát và sự cô độc. Với bối cảnh Tokyo những năm 1960, cuốn sách kể về Toru Watanabe – một chàng trai trẻ bị cuốn vào mối quan hệ đầy giằng xé với Naoko, người yêu của người bạn thân quá cố, và Midori, cô gái tươi sáng như ánh nắng.

Murakami xây dựng các nhân vật một cách đầy tinh tế, mỗi người mang trong mình những vết thương tâm hồn khó chữa lành. Naoko, với sự mỏng manh và bất ổn, là biểu tượng cho những ám ảnh quá khứ mà chúng ta không thể buông bỏ. Trong khi đó, Midori lại là hiện thân của sự sống động, khiến Toru phải đối mặt với những lựa chọn giữa ký ức và hiện thực.

Cách kể chuyện của Murakami đặc biệt lôi cuốn: nhẹ nhàng, trầm lặng nhưng không kém phần mãnh liệt. Ngôn ngữ giàu hình ảnh và những đoạn miêu tả thiên nhiên đầy chất thơ khiến cuốn sách mang một vẻ đẹp u buồn khó cưỡng.

Điều làm tôi ấn tượng nhất chính là sự cô đơn thấm đẫm trong từng trang sách. Đó không phải là nỗi cô đơn bi kịch, mà là sự cô độc tất yếu của con người khi trưởng thành và đối diện với chính mình. "Rừng Na-uy" không chỉ là một câu chuyện tình yêu, mà còn là hành trình khám phá bản ngã.

Cuốn “Rừng Na-uy” dài hơn 500 trang nhưng tóm tắt lại thì chúng ta sẽ không có được nhiều những gạch đầu dòng vì câu chuyện là những thước phim tâm lý, những khoảng nóng lạnh sáng tối trong nội tâm nhân vật.

Sách kể về tuổi thanh xuân của nhân vật Toru – chàng trai trẻ phải chứng kiến cái chết của người bạn thân nhất năm 17 tuổi, rồi đem lòng đem người yêu của chính cậu bạn thân ấy – Naoko xinh đẹp, dịu dàng nhưng tâm lý cũng đầy biến động.

Những diễn biến tâm lý phức tạp xảy ra khi Toru vướng vào mối tình với Midori – một cô gái trẻ trung, tự do, là biểu tượng của tuổi trẻ hoang dại và luôn sống hết mình. Bao trùm lên cuốn sách là nỗi buồn hiện đại nơi Nhật Bản vội vã, có những đổi thay và rối ren trong xã hội đương thời. Toru – nam chính trong câu chuyện như là điển hình cho những thanh niên Nhật Bản thời đó, luôn cô đơn và sống cùng với cô đơn.

Người trẻ trong “Rừng Na-uy” cô đơn và rối loạn đến mức thường tìm đến cái chết. Câu chuyện được bao phủ bởi một màu xám xịt trầm buồn đến mức nhiều người còn nói nó giống như một đám tang kéo dài vô tận. Nhưng không, sách không hề tiêu cực hay bi lụy theo hướng nhàm chán mà vô cùng tinh tế và thật như chính cuộc sống hàng ngày của chúng ta vậy.

Sách lấy bối cảnh là Nhật Bản những năm 60 của thế kỷ 20. Một quốc gia hiện đại và phát triển không ngừng đến mức người trẻ mệt mỏi phải tìm đến tự sát. Cuộc sống trôi nhanh, cường độ làm việc bậc cao và áp lực cuộc sống nặng nề bậc nhất. Người trẻ cố gắng đi học, đi làm để không bị thất nghiệp, để nuôi sống bản thân và gia đình. Người trẻ thu mình trong căn phòng trống, cô đơn, vô hồn và lặng im.

Đó là Nhật Bản, đó là một góc nào đó, ở một đất nước bất kỳ nào đó. Vì phải thừa nhận, ở thời đại nào hay không gian nào thì luôn tồn tại những người trẻ cô đơn. Điều tuyệt vời được lồng ghép trong tác phẩm của Murakami không dừng lại đơn thuần ở tình yêu của người trẻ mà còn là vấn đề của cả một xã hội.

Người ta mệt mỏi và rối ren đến nỗi phải tìm đến cái chết để dừng lại kiếp này. Đó không chỉ là những cái chết ở tuổi 17, 19, 21 mà còn là những năm tháng ám ảnh, chông chênh đến dốc bên kia của cuộc đời. Không chỉ là Nhật Bản, không chỉ là người trẻ, đó là vấn đề của con người nói chung.

Một điều đặc biệt của văn học Murakami là tôi sẽ đọc trọn vẹn sách của ông mà không hề xen vào bằng một cuốn sách nào khác. Giống như kiểu tôi đi lạc và bị cuốn vào thế giới tâm lý của ông và tự mình muốn ở trong đó rồi chẳng cần tìm đến một thế giới khác.

Có người nói “Rừng Na-uy” như một đám tang bất tận, có người lại nói đây đích thị là một cuốn “dâm thư”, vì thú thật cảnh nóng trong truyện không phải ít. Nhưng điều tuyệt vời ở đây là cảnh nóng trong truyện cũng được miêu tả rất nghệ. Nhiều người hâm mô của bộ truyện thậm chí còn thất vọng vì những cảnh như vậy lên phim trông thật chán.

Khi người khác hỏi tôi về “Rừng Na-uy”, rằng có nên đọc cuốn sách này không, câu trả lời của tôi đương nhiên sẽ là: Có! Đọc để bị cuốn theo đời sống nội tâm của các nhân vật, đọc để hiểu thêm những trải nghiệm của tuổi trẻ lạc lối.

Mỗi trang cuối cùng của cuốn sách gấp lại luôn để lại cái dư vị nuối tiếc, chút hụt hẫng níu lòng.

Đọc “Rừng Na-uy” xong, cảm tưởng quãng thời gian tuổi trẻ của những thiếu niên ấy mang một màu xám ảm đạm, là hóa thân của mùa đông lạnh lẽo heo hút ở một vùng xa hẻo lánh. Con người đơn độc, khiếm khuyết, bấu víu lấy nhau trong thế giới riêng mình, nương tựa cùng nhau chống chọi với thế giới bên ngoài, thế giới "loài người" xa lạ, bộn bề, hổ lốn, đầy những dối trá... Họ tự khép mình, đơn độc mỏng manh cuộn mình thành những cái kén, dù méo mó nhưng mang đến cảm giác an toàn. Thanh xuân mỗi người dù mãi 17, 20 hay 30 40, họ đều mang nỗi đau riêng, đều tổn thương, vụn vỡ,... Niềm an ủi duy nhất, niềm vui duy nhất, lí do duy nhất để tiếp tục sự sống là họ có nhau, chỉ cần họ hiểu nhau, người ngoài kia, chẳng là gì, chỉ là loài người xa lạ bắt buộc phải tiếp xúc, phải sống cùng. Tất cả chỉ có thế. Tôi thảng thốt, đau lòng, nuối tiếc cho mỗi linh hồn, trước cái chết hụt hẫng của Kizuki, Naoko. Phải chăng đó là cách duy nhất họ có thể phản kháng với đời sống? Cách duy nhất để trốn tránh sự thật, cách duy nhất để giữ lại cái trong trẻo ít ỏi cuối cùng.

Mạch truyện nhẹ nhàng kéo dài mang niềm nhớ thương man mác, nỗi đau tuổi trẻ, giữa xã hội Nhật Bản những năm đầu thế kỉ 20. Tôi trăn trở, nghĩ về năm tháng tuổi trẻ đang trải qua, ngày tháng sau này, hi vọng sẽ không hối tiếc mất mát như họ.

Còn vấn đề nữa, phải chăng tôi chưa đủ lớn để hiểu, vì chưa trải qua chăng? Xuyên suốt truyện, tình dục luôn gắn với tình cảm tuổi trẻ. Tôi cho rằng đó là lẽ tự nhiên, nhu cầu sinh lí hết sức bình thường. Nhưng có phải quá trần trụi? Ý tôi là ngôn từ phải chăng nên ý nhị hơn, vừa mở rộng đối tượng đọc vừa không thơ mộng hóa sự thật. Chúng ta phải thừa nhận đó là lẽ bình thường, là phương thức quyện hòa hai cá thể cả thể xác lẫn tâm hồn tuyệt diệu, nuôi dưỡng tình yêu, cũng rất thiêng liêng mà tạo hóa đã ban tặng. Nhưng dù sao cũng là nghệ thuật, lời văn tinh tế ý nhị sẽ dễ dàng đến với đông đảo độc giả mọi lứa tuổi.

Đọc được “Rừng Na-uy” là may mắn, là trải nghiệm tuyệt vời, là hành trình đầy ý nghĩa. Haruki Murakami đã thức dậy cảm xúc tuổi trẻ một thời sống động, là con sóng chảy mãi xuyên suốt mọi khoảng cách thời gian, chảy mãi từ vùng đất mặt trời mọc đến mọi địa tầng Trái đất. Nó là một cuộc cách mạng trong tâm tưởng, sẽ khuấy động thế giới tâm hồn bạn. Có thể bạn nên chuẩn bị tâm lí trước khi đọc nó vào những ngày thu thế này ở Hà Nội. Bởi tôi phải mất mấy ngày mới thôi nỗi buồn bảng lảng đeo bám, niềm mất mát không tên.

Một tuổi trẻ đầy hoang hoải của những con người khiếm khuyết, đơn độc, dễ tổn thương, với những câu chuyện tình yêu đầy day dứt của các nhân vật trong truyện: mối tình tay ba giữa anh chàng Wantabe với Naoko và Midori, vòng tay ấm áp của chồng Reiko, câu chuyện tuổi trẻ năm 17 của ba con người Kizuki - Naoko- Wantabe,...

Tôi cá bạn sẽ không hề lãng phí thời giờ khi đọc cuốn sách.

Bối cảnh của “Rừng Na-uy” là vào cuối thập kỉ 1960, thời gian cuộc khủng hoảng thế hệ trẻ Nhật Bản (The Lost Generations). Tiểu thuyết kể về cuộc đời của 6 nhân vật theo hồi ức của nhân vật chính Toru Wantanabe. Có sáu nhân vật, sáu cuộc đời trong đó thì 3 người chết và 3 người vẫn sống. Những cuộc đời loay hoay tìm lý tưởng sống, thậm chí có khi không tồn tại lý tưởng sống trong họ, những cuộc biểu tình sinh viên đòi giải tán trường học hay về những hộp đêm, nhà nghỉ, khách sạn, nhà hàng với lối sống bê tha, buông thả cùng thuốc lá, rượu và tình dục của sinh viên. Và, “Rừng Na-uy” còn là một câu chuyện tình yêu giản dị.

Giản dị như sự thật.

Như bốn mùa.

Như sống/ chết.

Xuyên suốt tiểu thuyết là sự làm nổi bật chân lý rằng “Cái chết là có thực, nó không phải là đối nghịch của cuộc sống, mà là một phần của cuộc sống”. Sống, tức là nuôi dưỡng Chết, và Chết không phải là chấm dứt, cũng chẳng phải là bắt đầu. Nó ở ngay đây rồi, được sự sống nuôi dưỡng.

Để mà khai thác hay review về tiểu thuyết này thì thật ra rằng có rất rất nhiều vấn đề, câu chuyện để mà tôi muốn nói, muốn chia sẻ với các bạn. Như dịch giả Trịnh Lữ có chia sẻ “Tầng nghĩa trong tiểu thuyết cũng như xiêm y mỹ nhân, lớp lang của nó hấp dẫn đến đâu là tùy ở lòng người mở, và khi ta tưởng đã đến noi thì hóa ra mới chỉ là bắt đầu”. Dưới ngòi bút kỳ tài, từng chi tiết, nhân vật đã được miêu tả sống động chân thật như đang vẽ một bức tranh. Ông ẩn dụ, hấp dẫn người đọc, lôi cuốn người đọc đến tận trang sách cuối cùng. Với văn phong chân thật, nhẹ nhàng nhưng sâu sắc, Maurakami đã tinh tế chạm đến những phần sâu thẳm nhất trong mỗi nhân vật. Và khai thác chúng một cách chi tiết và trọn vẹn nhất để người đọc ám ảnh, day dứt lòng mình khôn nguôi.

Ở mỗi thời điểm khác nhau trong đời, thêm một lần tôi đọc lại tiểu thuyết này thì bản thân nhận ra thêm một điều gì đó mới mẻ, sâu hơn, một cảm nhận mới, một cảm xúc mời, một trải nghiệm mới.

Vậy nên các bạn hãy thử đọc “Rừng Na-uy” để đón nhận xem cảm xúc của mình như thế nào nhé.

Cách đây hai năm mình đã đọc đôi dòng review của một bạn độc giả, trong đó có nhắc đến những cái chết trong tiểu thuyết của nhà văn Murakami. Và mình quyết định không đọc cuốn tiểu thuyết này.

Cho đến khi đọc những cuốn sách về tâm lý của các nhà văn khác nhau, trong các cuốn sách đó đều nhắc đến cái tên Haruki Murakami, và mình bắt đầu tò mò về ông.

Quả thực, ông đúng là một nhà văn đại tài, một bậc thầy về ngôn từ và tâm lý con người.

Về tác phẩm “Rừng Na-uy”, mình đã bắt đầu thấy hối tiếc vì sao không đọc nó sớm hơn.

Với giọng văn nhẹ nhàng, ngôn từ giản dị, khiến mình hình dung giống một bản nhạc du dương, không có cao trào rõ rệt, nhưng lại không hề nhàm chán, mà vẫn có những nốt trầm bổng rất khéo léo với những câu văn theo lối hài hước đan xen.

Trong tiểu thuyết có những chi tiết khá lạ, nhẹ nhàng nhưng lại rất có chiều sâu. Mình phải thực sự khâm phục sự tưởng tượng với tư duy của tác giả đi trước thời đại. Làm dâng trào lên những cảm xúc nhạy cảm đi vào chiều sâu tâm hồn mỗi người.

Ngôn từ của tác giả rất chân thực và hài hòa, nếu không nói là quá tuyệt vời. Ông hiểu rất chắc, rất sâu tâm lý của con người. Không chỉ tâm lý của nhân vật mà còn là tâm lý của người đọc. Những câu trả lời của nhân vật giống như câu trả lời trong vô thức của người đọc.

Xen vào cả dòng hồi ký là những chi tiết liên quan tới sex, nhưng lại không hề dung tục. Mô tả rất thật nhưng không ngại ngùng, chỉ như những câu chuyện phiếm, giống như đó là những câu chuyện thường nhật bình thường.

Nội dung của “Rừng Na-Uy” xoay quanh dòng hồi tưởng của Toru về cả quãng thời gian thanh xuân. Và mình cảm thấy có lẽ quãng thời gian ấy của anh đều gắn liền với một người con gái.

Không biết những người đã từng đọc qua tiểu thuyết này có thấy Toru là người đa tình hay lăng nhăng hay không nhưng mình vẫn thấy đâu đó sự chân thành của Toru. Và thực sự mình nhận thấy rằng Toru đã yêu Naoko.

Tuy nhiên, với đất nước nhật Bản thời đó đã xuất hiện những câu chuyện tiêu cực. Những cái chết trong truyện thực sự làm mình bị ám ảnh. Sau những câu chuyện về sex như để làm mềm tình hình thực tế những năm tháng ấy, thì những câu chuyện tự sát lại là những góc khuất không thể nào bỏ qua. Khiến mình đặt ra câu hỏi: Tại sao những người xuất chúng, thông minh hiểu biết, độc lập lại nghĩ đến cái chết? Điều này làm mình đã suy nghĩ rất nhiều đến căn bệnh trầm cảm.

Theo mình thì, là một người trưởng thành, câu chuyện theo thể hồi ký này sẽ giúp chúng ta tìm ra những điều trong sâu thẳm lòng mình, soi chiếu những lựa chọn khó khăn trong cuộc đời.

Còn đối với những bạn còn đang ở độ tuổi thanh xuân, có lẽ đây sẽ là cuốn sách khiến bạn muốn tò mò về thế giới xung quanh theo cách chiêm nghiệm chiều sâu chính con người mình. Càng đọc nhiều lần, sẽ càng cảm nhận được nhiều tầng bậc sâu hơn trong tâm hồn. Cũng có thể, cùng với những cuốn sách phát triển bản thân, thì đây là cuốn sách sẽ đi cùng sự trưởng thành (về cảm xúc lẫn tâm hồn) của mỗi người.

“Rừng Na-Uy” (Noruwei no mori) là tiểu thuyết của nhà văn Nhật Bản Murakami Haruki, được xuất bản lần đầu năm 1987. Câu chuyện xảy ra với bối cảnh là nước Nhật những năm 1960, khi mà thanh niên Nhật Bản, như thanh niên nhiều nước khác đương thời, đấu tranh chống lại những định kiến tồn tại trong xã hội. Murakami miêu tả những sinh viên cải cách này như những tên đạo đức giả và thiếu sự kiên định.

Cuốn tiểu thuyết “Rừng Na-uy” này là một sản phẩm xuất sắc, nơi rất nhiều khía cạnh khác nhau được lồng ghép. Nó không chỉ để cho người ta nghiền ngẫm nhiều ngày về những giá trị của tình yêu, tình dục, bệnh tật, cái chết mà chính là nơi họ nhìn thấy được sự đan xen chồng lớp của thực tại sống. Những gì tôi vừa đề cập qua chỉ là một lớp của tác phẩm này, chỉ là một góc của bức tranh mà thôi.

Âm hưởng chung của cuốn sách là một sự trầm buồn, lúc tỏ lúc mờ, cảm giác như không gian và thời gian đều đang bị kéo giãn ra theo đúng như dòng hồi tưởng của tác giả. “Rừng Na-uy” mê hoặc người đọc bởi sự âm thầm mà đầy sục sôi của sức mạnh và nghị lực sống. Vì đến cuối cùng tất cả mọi chuyện, chúng ta đều cần quay về với ý chí của chính mình ở thẳm sâu bên trong. Đó là thứ giúp chúng ta định hướng và tồn tại trong cuộc đời. Khi hai ông Thần kia gõ cửa thì hãy sẵn sàng vì những lão già tinh quái đó sẽ bắt đầu lung lay gốc rễ của chúng ta để kiểm tra mức độ bám trụ của mỗi người.

“Rừng Na-uy” đã vẽ nên bức tranh tường tận về cuộc đời của vô số con người khi chỉ kể chuyện của một vài cá nhân. Tác giả đã khiến người đọc nhìn thấy mình trong mọi nhân vật. Nếu như mất 10 giờ để đọc xong cuốn sách thì 10 giờ đó chúng ta được đi qua hàng loạt những góc phần của chính mình như một thước phim sống động.

“Rừng Na-uy” là cuốn sách đầu tiên đưa mình tới với thế giới sách, cũng là cuốn sách đưa mình tới với Haruki Murakami (sau này mình sẽ gọi là bác Haruki), tác giả yêu thích nhất của mình. Mỗi lần đọc sách của bác nói chung, hay đọc “Rừng Na-uy” nói riêng, mình đều thấy bản thân mình trong đó, vì, như hầu hết các nhân vật chính, mình cũng là một người thích đọc sách, nghe nhạc, sống nội tâm, và đôi khi cũng rất “cô độc”. Sách của bác Haruki luôn chứa đựng những ý nghĩa ẩn dụ, thông điệp, mà phải càng đọc nhiều, trải nghiệm nhiều chúng ta mới có thể thấm nhuần được. Lẽ tất nhiên, sách của bác cũng không dành cho những người muốn tìm sự nhẹ nhàng, giải trí trên những trang sách. Và “Rừng Na-uy” là một minh chứng tiêu biểu cho điều này.

“Rừng Na-uy” được viết trong bối cảnh Nhật Bản cuối những năm 1960, nơi mà đâu đó ta có thể thấy những nét tương tự như ở Việt Nam hiện tại vậy. Bao trùm cả câu chuyện là một bầu không khí u ám, nặng nề. Qua “Rừng Na-uy”, bác Haruki đã vẽ nên một bức tranh về sự khủng hoảng trong suy nghĩ, nhận thức của giới trẻ Nhật Bản thời kì hậu thế chiến II, nó được phản ánh rõ rệt qua tuyến nhân vật, mà cầu nối là nhân vật chính Toru Watanabe.

Xuyên suốt mạch truyện là hình ảnh những ám ảnh tâm lý, cái chết, chúng đan xen với nhau, và cứ tới lần lượt như một lẽ tất yếu vậy.

Bắt đầu từ Kizuki, người bạn thân nhất và duy nhất của Toru, cậu đã chọn cho mình một cái chết từ từ nhưng thật đau đớn – chết ngạt. Chẳng ai biết lý do của cái chết đó. Nhưng với mình, có lẽ là do sự khúc mắc về căn bệnh kì lạ của Naoko – chứng lãnh cảm. Đối với Kizuki và Naoko, dường như họ là cả thế giới của nhau. Và việc không thể “thực sự thuộc về nhau” đã để lại một sự ám ảnh trong tâm lý của 1 cậu trai mới lớn chăng?

Hệ quả tất yếu sau cái chết của Kizuki là Naoko gần như mất đi lý do tồn tại khi “một nửa” của mình đã không còn, dù cho Toru đã rất cố gắng giúp cô quay trở lại với thế giới thực tại, cuối cùng cô vẫn lựa chọn cái kết giống như “một nửa” của mình, 4 năm sau Kizuki, cô ra đi ở tuổi 21.

Trước đó, chị của Naoko cũng đã tự tử, có lẽ cô gái quá xuất sắc này không thể vượt qua sức ép từ sự kì vọng quá lớn của những người xung quanh.

Cái chết của Hatsumi thực ra không làm mình ngạc nhiên. Chia tay với Nagasawa, lấy chồng 2 năm sau, và cứa tay tự vẫn 2 năm sau nữa, có thể do sự không hòa hợp trong hôn nhân, nhưng chắc chắn Nagasawa là một phần nguyên nhân dẫn tới cái chết này.

Thêm nữa, theo như mình tìm hiểu, tại thời điểm này, tự tử có thể được coi là một “trào lưu” của giới trẻ, thậm chí bác Haruki còn khéo léo lồng chi tiết về khu rừng nơi Naoko tự tử, như một sự gợi nhắc về khu rừng tự tử ở Nhật Bản. Bất kì một cái chết nào trong tác phẩm này đều có sự ảnh hưởng của căn bệnh quốc dân đó. Dường như chỉ cần có một chất xúc tác vừa đủ, họ sẵn sàng giải quyết vấn đề theo cách tiêu cực nhất, nhưng với họ là cách đơn giản nhất – tự tử.

Cũng không thể không nhắc tới Reiko, người “chị gái thứ hai” của Naoko, người đã cùng Toru nỗ lực “cứu rỗi” Naoko. Một thiên tài âm nhạc nhưng áp lực tâm lý dẫn tới chứng liệt tay, rồi mãi về sau, ngay tại thời điểm cô đang cho rằng mình đang thực sự hạnh phúc thì bất hạnh lại bất ngờ ập tới vì một đứa nhỏ “thông minh” và “nguy hiểm”.

Tất cả những vết thương tâm lý và những cái chết đó cuộn xuyến với nhau dọc theo chiều dài tác phẩm, tạo ra một gam màu trầm buồn, ảm đạm.

Ấy vậy mà, nổi bật lên trên cái gam màu trầm buồn, ảm đạm đó vẫn có những con người tính cách để chúng ta hướng tới. Những con người như Toru hay điển hình nhất là Midori cùng cái cách mà họ giải quyết vấn đề, vượt qua những khó khăn chính là thông điệp mà bác Haruki muốn gửi gắm tới chúng ta.

Toru Watanabe, nhân vật chính cũng là trung tâm, cầu nối của những câu chuyện, một con người trầm lặng, ít nói (cũng là hình mẫu nhân vật chính quen thuộc trong các tác phẩm của bác Haruki) nhưng vẫn luôn tìm mọi cách giúp cô bạn Naoko vượt qua bóng ma của chính mình.

Midori, một cô nàng luôn vui tươi, tràn đầy sức sống, dẫu cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn.

Bác Haruki đã rất khéo léo điểm xuyết những gam màu tươi sáng lên một bức tranh u tối, ảm đạm, ẩn ý trong đó là những thông điệp tích cực. Lấy “trào lưu” tự tử để đặt vấn đề, khai thác vấn đề đó qua những diễn biến tâm lý của tuyến nhân vật thông qua góc nhìn của ngôi thứ nhất, và giải quyết vấn đề qua hình ảnh tươi sáng trong cô nàng lạc quan Midori. Đó là ý nghĩa, cũng là mục đích chính mà bác Haruki muốn gửi gắm qua “Rừng Na-uy”.

Về những hình ảnh trong truyện. Mình vẫn tìm thấy trong “Rừng Na-uy” những hình ảnh quen thuộc mà hầu hết các tác phẩm của ông đều có: những chú mèo, chiếc giếng cạn, rượu whisky,… Duy chỉ có một điểm khác biệt nhất, không hề có một yếu tố siêu hình, huyễn ảo nào (như phần lớn các tác phẩm của ông vẫn có), toàn bộ câu chuyện đều rất chân thực, chân thực đến mức khiến chúng ta có thể nhận thấy những con người đó, những tính cách đó, vẫn đang hiện hữu đâu đó quanh ta, hay trong chính con người ta vậy.

Về tên cuốn sách: “Norwegian wood” là tựa đề mà bác Haruki đã lựa chọn để đặt cho tác phẩm, một bài hát có nhịp điệu chậm và man mác buồn của The Beatles như chính nội dung chính xuyên suốt cả câu chuyện. Và, câu hát mở đầu của bài hát dường như cũng là tiếng lòng của Toru Watanabe:

“I once had a girl, or should I say she once had me” – “Tôi đã từng có một cô gái, đúng hơn là cô ấy đã từng có tôi”.

Nếu ai đã đọc và yêu mến cuốn này, thì sẽ không thể không đọc lần thứ 2, thứ 3, và hơn thế nữa. Nhưng mỗi lần đọc lại, bạn sẽ cảm nhận thêm được những điều mà mình chưa từng nhận thấy ở những lần đọc trước đó. Tuy nhiên, cuốn sách này, theo mình, không nên đọc khi chưa đủ trưởng thành (ít nhất là về mặt suy nghĩ, nhận thức), vì rất có thể bạn sẽ bị ảnh hưởng theo hướng tiêu cực đó.

Trình tự sự kiện trong "Rừng Na Uy" của Haruki Murakami được xây dựng theo dạng hồi tưởng, với những sự kiện diễn ra chủ yếu trong quá khứ và được nhân vật Toru Watanabe kể lại. Câu chuyện được chia thành nhiều đoạn, diễn ra từ thời điểm Toru còn là một sinh viên tại Tokyo vào cuối những năm 1960. Dưới đây là trình tự các sự kiện chính trong tiểu thuyết:


1. Toru Watanabe hồi tưởng về quá khứ: Câu chuyện bắt đầu với Toru Watanabe, người đang sống ở một thành phố châu Âu, nghe một bài hát của The Beatles – Norwegian Wood. Đoạn này làm Toru nhớ lại những năm tháng tuổi trẻ của mình tại Tokyo, khi anh lần đầu tiên gặp Naoko, cô gái xinh đẹp nhưng đau khổ vì sự mất mát người yêu.


2. Toru gặp Naoko và bắt đầu mối quan hệ: Toru và Naoko gặp nhau trong một trường đại học tại Tokyo, sau khi Toru vào học tại đây. Họ bắt đầu có một mối quan hệ tình cảm, nhưng sự tổn thương sâu sắc của Naoko, liên quan đến cái chết của người bạn thân – Kizuki, khiến mối quan hệ của họ đầy mâu thuẫn và đau đớn.


3. Naoko rời Tokyo để điều trị: Do không thể chịu đựng được những đau khổ về tâm lý, Naoko quyết định rời Tokyo để đến một trại điều dưỡng. Trước khi đi, cô và Toru có một cuộc chia tay đầy buồn bã, và Toru tiếp tục cuộc sống của mình.


4. Mối quan hệ với Midori: Sau khi Naoko rời đi, Toru gặp Midori, một cô gái độc lập, cởi mở và khác biệt hoàn toàn với Naoko. Midori đã giúp Toru đối mặt với những cảm xúc phức tạp của mình. Mối quan hệ của Toru và Midori phát triển, nhưng Toru vẫn không thể quên được Naoko.


5. Naoko qua đời: Trong khi Toru đang cố gắng xây dựng mối quan hệ với Midori, Naoko, sau một thời gian dài chiến đấu với sự trầm cảm, tự tử. Cái chết của Naoko là cú sốc lớn đối với Toru, khiến anh phải đối mặt với những nỗi đau và cảm giác mất mát không thể xoa dịu.


6. Sự trưởng thành và nhận thức về cuộc sống: Sau cái chết của Naoko, Toru dần dần nhận thức rõ ràng hơn về chính bản thân mình, tình yêu, và những mối quan hệ xung quanh. Cuối cùng, anh quyết định tiếp tục sống và đối mặt với những thử thách của cuộc sống một cách mạnh mẽ hơn, mặc dù những ký ức đau buồn vẫn luôn đeo bám anh.


7. Kết thúc mở: Câu chuyện kết thúc với một tình huống mở, khi Toru tiếp tục cuộc sống của mình, nhưng vẫn không thể tách rời hoàn toàn những vết thương trong quá khứ. Câu chuyện khép lại nhưng để lại cho người đọc nhiều suy tư về sự cô đơn, tình yêu, và cái chết.


Trình tự sự kiện trong "Rừng Na Uy" không tuân theo cấu trúc thời gian tuyến tính mà được lồng ghép giữa quá khứ và hiện tại, với những ký ức, cảm xúc và mối quan hệ đan xen, tạo nên một tác phẩm giàu tính triết lý và cảm xúc.