"Rừng Na Uy" thực ra không phải là câu chuyện xếp vào hàng nổi tiếng vì nó mang trong mình lý tưởng cao cả, lộng lẫy. Nó nổi tiếng vì đã tái hiện cuộc sống của một thế hệ thanh niên kinh điển – Tuổi trẻ, tình yêu, tình bạn.
Câu chuyện xoay quanh nhân vật Toru, một người sống khép kín và có lối suy nghĩ, quan niệm riêng về xã hội. Thời trung học, Toru chỉ có Kizuki làm bạn thân. Một ngày nọ Kizuki bỗng nhiên tự tử, để rồi những người bạn của cậu mang theo nỗi day dứt mãi mãi. Toru có tình cảm với Naoko – bạn gái của Kizuki. Một thời gian sau khi Kizuki mất, họ tình cờ gặp nhau trên tàu điện và bắt đầu câu chuyện riêng của mình. Nhưng sự ra đi của Kizuki là cái bóng quá lớn, bao trùm lên tình yêu Toru và Naoko khi Naoko phải vật lộn với rào cản tâm lý của mình, nên trong tình cảm của họ luôn là sự hoài niệm và đượm buồn – một bức tranh tưởng chừng như chẳng có gam màu nóng nào. Tình yêu của Toru với Naoko vô định bao nhiêu thì tình yêu giữa Toru và Midori lại tràn đầy tươi sáng đến đó. Midori là một cô gái thẳng thắn, mạnh mẽ đấu tranh để sống. Chính cô đã mang những tia nắng lấp lánh cho Toru trong những ngày lạnh lẽo. Câu chuyện kết thúc với cái chết của Naoko, cuộc chia tay giữa Reiko – Toru, một tình bạn kỳ lạ, và tình yêu mới nhen nhóm của Toru và Midori trong buổi hừng đông.
Suốt chiều dài câu chuyện, bạn đọc sẽ thấy lấp ló bóng dáng của cái chết – của nạn tự tử bủa vây lấy tuổi trẻ Nhật Bản trong những thập niên 60 của thế kỷ XX. Đó còn là bản tình ca được dệt bằng những nốt trầm buồn tê tái, đau nhói từ lúc lĩnh xướng tới khi kết thúc.” Câu chuyện của Murakami là một hồi ức đau buồn về cái đã có và cái đã có thể xảy ra.” Với tôi Rừng Na-uy không chỉ dừng lại ở đó. Cuốn sách có khuynh hướng cho người đọc hiểu được thái độ sống của những đóa anh đào đang tuổi đơm hoa. Có những nụ chưa nở đã muốn tàn vào hư vô, có những nụ chỉ để nở yếu ớt rồi tàn phai, nụ lại khoe sắc thắm thách thức vũ trụ. Tỏa hương và tàn úa. Sống và chết. Trong khi hoa đã tàn khi mới chớm nở, cái chết nằm ngay đây, trong sự sống. Đâu mới là con đường mà những người trẻ như Toru phải đi.
Tình yêu – Mỗi chúng ta có thể có hơn một tình yêu
Với Toru, tình yêu của cậu mang hai sắc thái rõ rệt, đối chọi với nhau. "Tôi từng có một cô gái, mà có lẽ đúng hơn là cô ấy đã từng có tôi… Cô dẫn tôi vào phòng và bảo tôi ngồi đâu cũng được nhưng tôi chẳng thấy chiếc ghế nào… Khi tỉnh dậy tôi chỉ có một mình, con chim ấy đã bay đi rồi…" Đúng như lời bài hát, một người đã từng có người kia, trong lúc lý trí bảo hãy đến với nhau đi thì con tim chẳng có lấy một khoảng trống. Còn người kia vẫn tìm kiếm một vị trí chưa bao giờ là của mình.
“Phải rồi, chuyện cái giếng đồng. Tôi chịu không thể biết liệu có một cái giếng như thế hay không. Có thể nó là một hình ảnh hoặc một dấu hiệu chỉ tồn tại trong con người Naoko, cũng như mọi thứ khác mà nàng thêu dệt thành sự thật trong tâm trí mình trong suốt ngày tháng đen tối ấy … Điều duy nhất mà tôi biết về cái giếng là nó sâu khủng khiếp. Nó sâu đến độ không thể đo được , và chặt đầy bóng tối, như thế toàn bộ bóng tối của thế giới được nấu chảy và lèn vào đó đến tận cùng đậm đặc của chúng.
“Nó sâu lắm , thực vậy”, Naoko nói, cẩn thận lựa từng lời. Đôi khi nàng nói kiểu đó, chậm hẳn lại để tìm những lời chính xác mình cần. “ Nhưng không ai biết nó ở đâu,” ,nàng nói tiếp. “Mình chỉ biết chắc một điều là nó ở quanh đây.”
…”Nếu vậy thì nguy hiểm vô cùng,” tôi nói. “Một cái giếng sâu nhưng không biết nó ở đâu. Ta có thể ngã vào nó và thế là hết đời.”
“Hết đời. Aaaaaaaaaa! Tũm một cái. Hết chuyện!”
“Chuyện ấy chắc phải xảy ra rồi”
“Đúng thế, lâu lâu lại có một lần. Có thể hai hay ba năm có một lần. Tự nhiên có người biến mất, và không thể tìm thấy ông ta. Và mọi người quanh đây lại bảo ‘"Ồ, ông ta bị ngã xuống giếng đồng rồi."
Toru yêu Naoko. Tình yêu thuần khiết và trong sáng. Nhưng tình yêu đó lại thuộc về hoài niệm xoay quanh Kizuki được nuôi dưỡng bởi một khoảng trời đau thương. Mấy năm ròng rã, những con người ấy vẫn chìm trong quá khứ. Càng lớn người ta lại thấy cuộc sống thật vô thường, người ta thường bấu víu vào quá khứ. Nhưng rồi quá khứ lại không thể làm dịu mát một trái tim đang ngày càng khô cằn, nó càng làm vết thương năm nào lở loét. Toru và Naoko yêu nhau. Một tình yêu bất định, ngập đầy bóng tối. Họ dựa vào nhau, nhưng chưa thể vượt qua những ngày xưa cũ. Tình yêu ấy đã từng là tình đơn phương đong đầy niềm thương nỗi nhớ, những thăng hoa của cảm xúc da thịt. Đối với tôi, tình cảm ấy đã trở thành đường hai chiều và cái chết của Naoko là cách tốt nhất mà cô bảo toàn được tình yêu thiêng liêng của mình trước xô bồ cuộc sống. Toru yêu Naoko. Một tình yêu đúng nghĩa. Tình yêu chạm đáy u buồn, hoài niệm.
Mình không muốn vội, nhưng tháng Tư là thời điểm tốt nhất trong năm để bắt đầu những việc mới mẻ, và mình không thể không thấy rằng tốt nhất bọn mình nên sống chung vào lúc đó. Cậu cũng có thể trở lại đại học, nếu mọi việc suôn sẻ. Nếu thực tế sống chung của tụi mình có vấn đề gì, mình có thể tìm cho cậu một căn hộ gần đây. Quan trọng nhất là chúng mình phải luôn được ở gần nhau…
Tháng Tư và tháng Năm là hai tháng cô đơn và đau khổ vì tớ không thể nói chuyện được với cậu. Tớ chưa bao giờ biết rằng tại sau mùa xuân lại cô đơn và đau khổ đến thế. Thà có ba tháng Hai còn hơn một mùa xuân như thế này. Tớ biết như thế này là quá muộn, nhưng kiểu tóc mới hợp với cậu lắm. Thật là xinh…
Nó khiến những con đường trở nên rực rỡ, hàng cây tràn ngập tia nắng trong đôi mắt đen sâu thẳm. Liệu không có tình yêu này hành trình của Toru sẽ về đâu khi mà lần lượt những người bạn thân của cậu ra đi, khi mà hơn một lần cậu bàng quan với mọi thứ xung quanh ? Sẽ là sự kết thúc cuộc sống trong căn phòng tối như chị của Naoko hay Kizuki? Hoặc là một sự giải thoát ở cánh rừng tươi tắn như chính Naoko. Tình yêu của Toru và Midori là một nét chấm phá vô tình làm hỏng bức tranh xưa cũ nhưng lại hữu ý viết nên cuộc sống mới.
Oke, tớ sẽ đợi. và tớ tin cậu”, cô nói. Nhưng khi cậu chấp nhận tớ thì chỉ có tớ thôi đây. Và khi cậu ôm tớ trong tay, cậu chỉ nghĩ đến tớ thôi đây. Rõ chưa nào?
Tớ hiểu chính xác là vậy.
Tớ không biết cậu làm gì tớ, nhưng tớ không muốn cậu làm tớ phải đau khổ. Tớ đã đủ đau khổ ở đời này rồi. Quá đủ rồi. Bây giờ tớ cần hạnh phúc.
Tôi kéo cô lại và hôn lên miệng cô
“ Vứt cái ô khốn kiếp ấy đi và ôm tớ bằng hai tay, chặt vào.” Cô nói
“Nhưng chúng mình sẽ ướt sũng mất”
Thì đã sao! Tớ muốn cậu đừng nghĩ ngợi gì nữa, và hãy ôm tớ thật chặt,..
Tình bạn – Những con người méo mó có những mối quan hệ méo mó?
Song song với tình yêu, tình bạn trong Rừng Na-uy gợi lên nhiều suy nghĩ. Có thể tác giả cố tình xây dựng những nhân vật có rào cản nhất định với xã hội. Với tôi họ là những cá thể vô hại, thường trực nỗi nghi hoặc bản thân. Trong họ là sự thẳng thắn và đầy nỗ lực để đồng cảm và muốn được đồng cảm. Chừng nào họ còn muốn giữ cái bản ngã vốn có của mình thì chừng ấy họ chỉ có thể đi trên một con đường. Nếu cuốn sách là một bộ phim dài tập, ta hẳn sẽ biết tại sao thanh niên Nhật Bản hồi ấy lại ra đi nhiều đến thế và hẳn sẽ có một cái kết hoàn mỹ cho Kizuki, Naoko, Reiko… rằng người đã khuất được tái sinh trong một thế giới tươi đẹp. Nhưng, cuộc sống bắt Reiko phải rời xa chồng con, Naoko chỉ được phép “nói với lòng mình” và không có sự lựa chọn.
Mình vẫn nhớ nước cuối cùng của Kizuki ngày hôm ấy – ngày cậu ấy chết. Đó là nước bật tường rất khó mà mình không nghĩ cậu ấy có thể làm được. Nhưng vận may đã đến với cậu ấy, nước đi thật hoàn hảo, và hai trái bóng trắng và đỏ hầu như không gây ra tiếng động nào khi chúng chạm nhau trên nền nỉ xanh nâu và ghi điểm cho ván cuối cùng của ngày hôm ấy. Đó là một ước quả thật đẹp, mình vẫn ghi nhớ nó đến tận hôm nay. Trong suốt hai năm sau đó, mình không sờ đến cây gậy bi-a một lần nào.
Tuổi trẻ - Vĩnh cửu và bất diệt
Cuốn sách không cố gắng khắc họa những thanh niệm mang trong mình lý tưởng vĩ đại, cao thượng. Vì ngay cả những người giỏi nhất cũng chỉ coi mục tiêu là thú vui, danh vọng không có gì đáng bàn đến. Những người đang tuổi đôi mươi trong Rừng Na-uy có những quan niệm rất đời, rất thường. Và đó là thứ chân thực không chút viển vông. Với Naoko, ngoài kia có đấu tranh, có ganh đua, lừa lọc, giả dối thì đã sao.. Còn với những người đã từng trải qua tuổi đôi mươi khi chiêm nghiệm họ lại thấy con đường của mình đã như thế nào. Tự chung lại, những con người ấy đều có tuổi xuân đầy thăng trầm và trăn trở. Họ mạnh mẽ như những cây bụi trước giông bão, họ trong sáng như tinh thể pha lê và họ đau đớn như những đứa trẻ. Có người đã chết để lại tuổi trẻ bất diệt. Có người đi tiếp mang theo tuổi trẻ vĩnh cửu.
Kết:
Tình bạn, tình yêu và tuổi trẻ luôn bất tử cho dù nó có phải đấu tranh với quá khứ và hiện tại hay day dứt trong sự sống và cái chết. Khi ta đang sống trong tuổi trẻ, ta mới cảm nhận được tình yêu và tình bạn hòa quyện vào nhau trên từng nếp da – tinh khôi trong trẻo. Rừng Na-uy thật sự là một kiệt tác ru người ta vào bản nhạc đượm buồn mà da diết của tuổi thanh xuân, nơi mà tình yêu và tình bạn đan xen hòa quyện như những cơn sóng nuôi lòng người.
Đêm qua tôi mơ về em
Ánh trăng sáng tỏ làm tôi không thể phan biệt được đó là em hay là ảo ảnh.
Nụ cười em, mái tóc em tan trong gió.
Tôi cười nụ cười cuối với em
Đôi mắt em trong vắt không rõ là suối là hồ hay là biển
Tôi hôn em nụ hôn cuối
Đêm qua tôi mơ về em.
Tác giả: Nhật Px - Bookademy
--------
Sự mâu thuẫn giữa truyền thống và hiện đại trong "Rừng Na Uy" của Haruki Murakami được thể hiện rõ nét qua các nhân vật, những mối quan hệ và những giá trị mà họ đối diện trong một xã hội đang thay đổi. Cuốn sách diễn ra vào những năm 1960 tại Nhật Bản, thời kỳ mà xã hội đang trải qua một giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ, giữa ảnh hưởng của văn hóa phương Tây và những giá trị truyền thống của Nhật Bản. Các nhân vật chính trong tác phẩm, đặc biệt là Toru Watanabe và Naoko, đều thể hiện rõ ràng sự xung đột này qua những trải nghiệm cá nhân của họ.
Toru Watanabe, một thanh niên trẻ, là hình ảnh của thế hệ mới, bị lôi cuốn vào những lý tưởng của một xã hội hiện đại, tự do và phóng khoáng. Anh muốn khám phá thế giới theo cách riêng của mình, vượt qua các khuôn mẫu truyền thống và tìm kiếm sự tự do trong các mối quan hệ. Tuy nhiên, trong suốt câu chuyện, Toru không thể thoát khỏi bóng dáng của quá khứ và những nguyên tắc cũ. Mối quan hệ của anh với Naoko, một cô gái gắn liền với những giá trị gia đình và truyền thống nghiêm ngặt, phản ánh rõ sự mâu thuẫn này. Naoko lớn lên trong một gia đình có những chuẩn mực khắt khe và cảm thấy bị trói buộc trong cuộc sống, nhưng cô lại không thể tìm được sự tự do trong thế giới mà Toru đang theo đuổi. Nỗi đau của Naoko, sự mất mát của cô và cái chết của Kizuki đã tạo nên một khoảng trống lớn trong cuộc sống của cô, khiến cô cảm thấy khó có thể tiếp tục sống theo những chuẩn mực của xã hội mà không phải trả giá.
Bên cạnh đó, xã hội Nhật Bản trong những năm 1960 vẫn đang duy trì những giá trị truyền thống về gia đình, tình yêu, và trách nhiệm xã hội. Những mối quan hệ, đặc biệt là trong tình yêu và hôn nhân, vẫn chịu sự chi phối của các nguyên tắc và kỳ vọng từ gia đình và xã hội. Toru, mặc dù muốn sống tự do và không bị ràng buộc, vẫn không thể thoát khỏi sự hiện diện của những chuẩn mực xã hội. Sự mâu thuẫn giữa việc muốn thoát khỏi những giá trị truyền thống nhưng lại không thể hòa hợp với những thay đổi trong xã hội hiện đại khiến anh rơi vào trạng thái bối rối và cô đơn. Điều này cũng phản ánh một hiện thực trong xã hội Nhật Bản thời kỳ đó, khi mà các thế hệ trẻ đối mặt với những khó khăn trong việc tìm ra tiếng nói chung giữa truyền thống và sự đổi mới.
Mối quan hệ của Toru với Midori – một cô gái tự do, phóng khoáng và có cách sống rất khác biệt – cũng là một ví dụ khác của sự mâu thuẫn này. Midori đại diện cho những giá trị hiện đại, tự do cá nhân và không bị ràng buộc bởi các nguyên tắc cũ. Tuy nhiên, dù có những điểm tương đồng trong cách nhìn nhận cuộc sống, Toru vẫn cảm thấy một khoảng cách, một sự khác biệt không thể hòa giải trong cảm xúc của họ. Sự thiếu kết nối giữa họ không chỉ là sự khác biệt về cá tính mà còn là sự khác biệt giữa cách nhìn nhận cuộc sống của thế hệ trẻ và xã hội truyền thống.
Sự mâu thuẫn giữa truyền thống và hiện đại trong "Rừng Na Uy" không chỉ được thể hiện qua các mối quan hệ mà còn qua những quyết định và lựa chọn của các nhân vật trong câu chuyện. Sự xung đột này là một phần của hành trình trưởng thành của mỗi cá nhân. Các nhân vật phải đối mặt với những đau khổ, mất mát và sự lạc lõng trong một xã hội đang thay đổi. Cái chết của Kizuki, sự trầm cảm của Naoko và cảm giác cô đơn của Toru đều là những biểu hiện của sự khó khăn trong việc tìm kiếm một sự cân bằng giữa quá khứ và hiện tại. Cuối cùng, "Rừng Na Uy" không chỉ là một câu chuyện về tình yêu và sự trưởng thành, mà còn là một phản ánh sâu sắc về những xung đột trong xã hội hiện đại, khi các giá trị cũ không còn phù hợp và những giá trị mới chưa thể thay thế được.