Năm 2007, cái tên Dương Thụy cũng được nhắc đến rất nhiều bởi chị là tác giả của cuốn tiểu thuyết best seller “ Oxford thương yêu”. Dương Thụy là một cô gái 100% Sài Gòn, chị là cây viết tiêu biểu cho thế hệ 7X. Bản thân Dương Thụy là một người con sinh ra trong một gia đình cơ bản của Sài Thành những ngày đầu giải phóng. Hai năm sau, chị lấy bằng MBA nhưng lại không đi làm đúng ngành mà lại chọn trở thành một phóng viên cho tờ báo dành cho giới trẻ - Hoa học trò. Chị đã cho ra đời khá nhiều tác phẩm, tuy nhiên, mang lại thành công vang dội đẩy tên tuổi chị lên đỉnh cao phải kể đến “Oxford thương yêu” và  “Nhắm mắt thấy Paris”.

Những tác phẩm của Dương Thụy rất mộc mạc, đơn giản và thuần khiết như chính con người chị. Dương Thụy là nhà văn hiếm hoi khai thác chủ đề về cuộc sống của du học sinh ở trời Âu, chị viết lại bằng chính những trải nghiệm của mình và những điều chị mắt thấy tai nghe. Chính vì những điểm mới lạ trong chủ đề, những tình tiết rất thật, rất đời và văn phong mộc mạc, chân thành cùng cách nhìn khá quái của mình làm nên cái hồn, cái hấp dẫn cho tác phẩm của chị.

“Oxford thương yêu” là tác phẩm best seller trong hai năm liên tục. Xuyên suốt tác phẩm là chuyện tình của Trần Vũ Thiên Kim – một cô du học sinh Việt Nam xuất sắc giành học bổng toàn phần của một tổ chức cho suất học bổng Thạc sĩ tại Oxford – ngôi trường danh tiếng và cổ kính. Tuy nhiên, khi cô gái bé nhỏ của chúng ta đang sôi trào năng lượng, háo hức đến Oxford gặp Giáo sư của mình để nhập học thì cô đã bị cái vẻ cổ kính, trầm mặc, bình yên, xinh đẹp của ngôi trường này đã chinh phục. Khi Kim lần đầu đi tìm Baddley – vị Giáo sư già hiền lành, tôn kính và tốt bụng thì Kim đã gặp Fernando – trợ lý của Giáo sư, cũng là nghiên cứu sinh hệ Tiến Sĩ. Kim cũng không thể ngờ được chàng trai thông minh, đẹp trai, sáng sủa nhưng cũng rất lạnh lùng cùng phong cách nói chuyện “ không thương nổi” ấy lại sẽ “ám” Kim hết những tháng ngày của cô tại Oxford và cả những ngày còn lại của cuộc đời cô.

Gian nan những ngày đầu

Oxford cổ kính và êm đềm đắm mình bên dòng sông. Kim hòa mình vào cuộc sống nơi đây không mấy thuận lợi, từ việc những người bạn hơi khác lạ nơi học xá tới cái cơn buồn ngủ luôn chực chờ ập đến những lúc Kim cần phải tỉnh táo. Không buồn ngủ sao được khi đáng lẽ ra ở Việt Nam thì Kim nhà ta đang cuộn mình trong chăn ấm ngủ ngon lành còn ở Oxford đã là lúc các sinh viên hối hả ghi chép, lật giở sách trên thư viện. Chênh lệch múi giờ thật là nguy hại. Không chỉ vậy, Kim càng không quen với việc nhìn xung quanh không tìm ra nổi một bóng dáng người Việt nào trong những lúc nỗi nhớ quê nhà hanh hao trong chiều buông nắng. Kim bé nhỏ cảm thấy mình chênh vênh, lạc lõng nơi này. Kim hoang mang và bàng hoàng khi nhận ra những gì cô nàng tưởng tượng về một cuộc sống nơi đất khách của du học sinh, cuộc sống trong những khu kí túc xá hay cách sống của sinh viên trong khuôn viên trường đại học thật sự chẳng giống như những gì Kim xem trên phim ảnh, đọc qua trên báo ….

Không chỉ không thể thích nghi với cuộc sống và con người, Kim còn gặp một vấn đề không thể ngờ tới, với chính thời tiết và khí hậu của xứ sở sương mù mang khí hậu ôn đới đặc trưng. Một người con sinh ra ở miền nhiệt đới, cuộc đời Kim chỉ biết đến Sài Gòn nắng nóng quanh năm và những cơn mưa rào vội vã, chưa bao giờ Kim nghĩ mình sẽ như thế nào trong cơn gió rét mùa thu, làm sao có thể ra đường với tuyết trắng phủ kín lối đi, làm sao có thể sống sót qua mùa đông giá lạnh nếu những lò sưởi trong học xá bỗng dưng không còn đủ ấm. Kim sợ mình sẽ không chịu đựng nổi cái giá lạnh của tiết trời và cả lạnh giá của tâm hồn.

Rồi nỗi uất ức, tủi thân của Kim lên đỉnh điểm khi không chỉ bị Giáo Sư cảnh báo việc khó có thể hoàn thành khóa học cao học tại Oxford trong vòng chỉ có một năm – điều này đối với sinh viên các nước có nền giáo dục phát triển còn rất khó khăn huống hồ gì Kim lại là sinh viên đến từ Việt Nam và còn nhập học trễ; Không chỉ là không thể làm thân và thích nghi với các bạn sinh viên cùng học xá, thậm chí là cùng phòng đến từ các nước Châu Á như: Yutaka đến từ xứ sở Phù Tang, Lệ Chi từ đất nước láng giềng Trung Quốc hay thậm chí là cả Thúy Hà – người bạn đến từ cùng đất nước Việt Nam đến học xá sau họ 4 tháng.

Không chỉ vậy, khi làm bài tập nhóm, các sinh viên bản địa coi thường, không chịu cho các sinh viên quốc tế đến từ Châu Á hay Mỹ Latinh cùng vào chung nhóm nên các sinh viên này phải tự tập hợp thành nhóm và kết quả, dĩ nhiên, không hề cao, luôn phải nhận sự phê phán nghiêm khắc từ Giáo sư. Điều này làm điểm số của Kim không cao, cũng sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu hoàn thành chương trình cao học trong 1 năm của mình. Kim rầu rĩ than thở cùng Fernando, những mong tìm được sự an ủi, động viên từ anh, ngờ đâu, cái cô nhận được là:“ Với ý nghĩ đó em đã tự liệt mình vào cái hạng làm gánh nặng cho người khác. Nếu muốn được nhìn nhận, phải có lòng tự trọng chứ!” Và lòng tự trọng của Kim bị tổn thương sau câu nói ấy, đến nỗi Kim từng nghĩ không bao giờ muốn nhìn mặt Fernando Carvalho nữa.



Người thầy quái gở

Một ngày, khi Kim đang cuộn mình trong học xá thì Fernando đến, mang theo nhiều sách vở, tài liệu và bắt đầu chuỗi ngày làm gia sư bất đắc dĩ cho Kim. Kim đi từ ngạc nhiên, sang cảm động, rồi ấm ức, tủi thân vì sự hà khắc, không dịu dàng và nghiêm khắc của “ông thầy” này. Kim khâm phục cách truyền tải kiến thức rất thực tế, dễ hiểu, dễ tiếp thu, kiến thức sâu rộng, khả năng tư duy của anh. Nhưng Kim cũng ấm ức, anh bắt Kim đọc quá nhiều sách trong thời gian quá ngắn để tóm tắt lại cho anh. Kim tủi thân bởi cách anh đối xử không dịu dàng, tâm lý. Kim khó chịu với cái cách Fernando kèm cặp, kiểm soát cả thói quen ăn uống, ngủ nghỉ, sinh hoạt và việc anh kiểm soát chế độ ăn uống của Kim. Kim bất lực lê thân xác khắp sân trường cùng anh chạy bộ, tập thể dục để không bị anh càm ràm, đeo bám đến phát bực. Cô nàng hả hê khi thấy bụng anh réo lên vì quá giờ ăn mà vẫn còn ở học xá kèm cô nàng học bài.

Cái tôi tự trọng quá cao trong Kim dần dà khuất phục trước một Fernando tài năng, quyết đoán, lạnh lùng mà độc đoán. Kim chuyển từ chán ghét sang chấp nhận việc anh xuất hiện với tần số càng ngày càng nhiều trong cuộc sống của cô. Kim không còn thấy một Fernando nói năng vô duyên, lạnh lùng chê bai cô như ngày đầu anh đến phòng cô và chê nó tơi tả. Anh chê cách cô bố trí căn phòng, chê cách cô học bài, chê kiểu tư duy bó hẹp, rập khuôn của cô. Anh cao giọng lên án việc “ Bên đây tụi con nít tiểu học đã được dạy cách học hiệu quả còn em lên đến cao học mới bắt đầu làm quen”. Nếu anh không tinh ý mà miễn cưỡng khen Kim khá tiếng Anh thì chắc anh sẽ bị Kim lườm đến rách mặt và nguyền rủa trong bụng đến tám đời. Kim cũng không còn thấy cái anh chàng khó ưa, đáng ghét luôn chọc ghẹo cô, dùng thân hình cao lớn, lực lưỡng, quyến rũ của mình chèn ép cô đến bật khóc, đến nỗi Kim vừa khóc vừa cà lăm mắng anh.



Dần dà, cả khu học xá của Kim còn nhầm tưởng Fernando là bạn trai của Kim bởi tần suất xuất hiện dày đặc ở khu học xá. Chẳng thế mà anh chàng Mỹ Latinh Mauricio vui tính, hài hước, luôn coi việc săn đuổi các cô gái là việc làm thể hiện sức quyến rũ, bản lĩnh của mình - anh chàng ra sức làm đầy bộ sưu tập bạn gái, bạn gái cũ suốt những tháng năm ở Oxford, dù muốn tiếp cận làm thân với Kim cũng chùn chân khi nghĩ tới “bạn trai” Fernando của Kim.

Vượt qua giới hạn

Nhờ sự nghiêmkhắc, độc đoán và sự kiên trì bên cạnh hỗ trợ cho Kim của ông thầy giỏi như  Fernando mà Kim đã biết cách học tập, biết cách tìm kiếm, đọc, chắt lọc thông tin, biết cách làm một bài tiểu luận làm hài lòng Giáo sư. Không chỉ vậy, nhờ chế độ dinh dưỡng gắt gao, những bài tập thể dục hàng ngày mà Kim bé nhỏ xanh xao, vàng vọt, gầy gò những ngày đầu mới qua đã có da có thịt, có mỡ sẵn sàng đón những ngày đông giá. Kim đã có thể độc lập làm việc và học tập mà không cần sự giám sát của Fernando nữa.

Fernando trở về Bồ Đào Nha đón Giáng Sinh cùng gia đình bỏ lại Kim ở Oxford một mình đón mùa tuyết đầu tiên trong cuộc đời mình. Cũng vì háo hức xem tuyết rơi, đắm chìm trong những bông tuyết lạnh luồn qua kẽ tay mà “tâm hồn nghệ sĩ” của “ai đó” đã ngâm mình quá lâu trong tuyết và đón nguyên cơn cảm sốt cho những ngày đông giá rét một mình. Cô đơn, trống trải, một thân một mình trong học xá chiến đấu với nhức đầu, cảm, ho, sốt làm cho Kim quỵ ngã. Kim cô đơn. Kim tủi thân.

Sau tất cả, sau cả cái cuộc hẹn hò vượt qua ranh giới của cái thư viện và bị Giáo sư Baddley phát hiện, họ nhận ra họ cần nhau, hiểu nhau và đã xác lập quan hệ yêu đương. Họ yêu nhau như bao đôi trai gái khác. Anh công tác xa ở Mỹ, ngoài giờ làm việc thì họ hẹn hò bằng những email dài dằng dặc, những bài tập, bài tiểu luận, những con số, bảng biểu thay họ giữ lửa yêu thương. Thành quả của những cuộc hẹn hò qua màn hình máy tính là con số tròn trĩnh chỉ vừa đủ qua môn của Giáo sư Portlock tàn ác khi chỉ mình Kim - Sinh viên duy nhất thi rớt môn của ông dám can đảm thi lại chỉ sau hai tháng.

Chia cách để trở về

Rồi cô cũng thuận lợi hoàn thành luận văn tốt nghiệp cùng sự giúp đỡ tận tình của Fernando. Ngày Kim bảo vệ luận án thành công, cô vui vẻ hào hứng muốn chia sẻ cùng anh cả việc cô được Portlock mời làm trợ lý cũng chính là lúc họ hòa vào nhau trong cực đỉnh của hạnh phúc. Thế nhưng, khi mặn nồng đi qua, thứ mà Kim nhận được là thông báo anh nhận quyết định công tác 3 năm ở Mỹ để hoàn thành dự án mà Giáo sư giao cho.



Họ lặng lẽ xa nhau. Kim kiên quyết tới cùng cắt đứt mọi liên lạc, phũ phàng chối bỏ mọi liên lạc từ anh. Cô chìm vào vòng xoáy công việc. Cuộc sống quanh Kim khi không có anh bên cạnh không quá vui vẻ, cũng chẳng nhạt đến nỗi cô điên cuồng trong nỗi nhớ anh quay quắt. Cô nhức đầu với Vi Vi Le, cân nhắc với sự nhiệt tình, chu đáo của anh bạn đồng nghiệp David Wilson.

Một đêm Giáng Sinh lạnh giá, theo như hẹn ước “năm sau anh sẽ đón Giáng Sinh cùng em”, Fernando xuất hiện trước của nhà Kim, một cách không ai ngờ. Và họ lại lao vào nhau, cuồng nhiệt và vẹn nguyên như chưa từng cách xa.

Viên mãn

Sau tất cả mọi chia xa, mọi hiểu lầm, họ nhận ra họ là định mệnh của nhau, sinh ra là để dành cho nhau và lẽ dĩ nhiên phần đời còn lại của họ phải có bóng hình nhau. Fernando dẫn Kim về Lisbol để ra mắt gia đình. Tuy khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ nhưng may mắn là Kim hòa nhập rất nhanh cùng gia đình anh. Thêm vào đó, sự thân thiện, ấm áp của bố mẹ và anh em Fernando làm Kim cảm thấy họ thật sự là một gia đình. Khi Fernando trở về sau chuyến công tác 3 năm thì họ cũng chính thức ở bên nhau – hợp tình, hợp lý và hợp pháp.

Tưởng chừng mọi chuyện đã êm đẹp thì Fernando - chàng trai hoàn hảo về cả công danh, sự nghiệp cũng như body quyến rũ trong mắt các cô gái Tây phương lại chỉ là chàng trai “may mắn” khi quen được con gái của bố mẹ Kim. Chính sự kiêu hãnh, sự khác biệt trong văn hóa hai bên làm những ngày đầu có sự khó chịu, gay gắt giữa bố mẹ Kim và cả bố mẹ Fernando. Tình yêu của hai người thêm một lần nữa bị thử thách.

Mạch truyện xuyên suốt, không quá kịch tính, không quá cao trào nhưng rất thật, rất nhân văn, rất đời. Tác phẩm khai thác một chủ đề khá mới mẻ,được xây dựng, khắc họa bằng chính những trải nghiệm, những quan sát tinh tế của tác giả đem lại rất nhiều cảm xúc cũng như bài học cho đọc giả trong lúc công nghệ thông tin, internet chưa tràn lan như bây giờ thì những chia sẻ về cuộc sống du học sinh nơi trời Âu là câu hỏi không có lời đáp của rất nhiều thế hệ học sinh nuôi giấc mộng du học. Chính vì thế mà tác phẩm này trở thành best seller, đem cái tên Dương Thụy đến gần hơn với công chúng. 

Tác giả: Gấu Mẹ Vĩ Đại - Bookademy

Ảnh: Mai Anh - Bookademy

--------

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link:  https://www.facebook.com/bookademy.vn/


Tham gia Bookademy Team để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị, đăng ký CTV tại link: https://goo.gl/forms/7pGl3eYeudJ3jXIE3

 

Xem thêm

Dương Thuỵ là một tác giả Việt Nam mà mình yêu thích và cũng đã sưu tầm kha khá truyện của cô. Truyện của Dương Thuỵ hầu hết là truyện tình cảm, nhưng không phải là sến súa, đầy drama mà là kiểu nhẹ nhàng và rất đời thường. “Oxford thương yêu” là tác phẩm nổi tiếng nhất của Dương Thuỵ và cũng là truyện mà mình thích nhất. Truyện xoay quanh hai nhân vật, cô du học sinh người Việt, Kim và anh chàng trợ lý giáo sư người Bồ Đào Nha, Fernando với bối cảnh ban đầu tại trường Oxford. Mạch truyện nhẹ nhàng, không cao trào hay xảy ra những biến cố lớn, nhưng chính những sự gần gũi và giản dị của câu chuyện khiến mình cảm thấy rất thích. Từ chuyện tình cảm yêu đương giận hờn, cho đến những miêu tả về cuộc sống của một du học sinh, hay sự khác biệt giữa các nền văn hoá, tất cả đều hiện ra vô cùng chân thật. Truyện có cả hai bản Tiếng Việt và Tiếng Anh (hình như truyện đã có bìa mới khác so với hai quyển mình có). Nếu bạn muốn thử đọc truyện bằng Tiếng Anh thì đây cũng là một sự lựa chọn. Cá nhân mình thấy truyện không dài, dễ đọc và cũng dễ hiểu. Coi như là vừa đọc vừa học luôn.

Dương Thụy là một trong số ít những tác giả Việt Nam mà mình vô cùng hâm mộ. Tác phẩm đầu tiên cũng là tác phẩm ấn tượng nhất của cô - “Oxford thương yêu” đã đưa mình đến với loạt tác phẩm sau này của cô.

Những tác phẩm của cô phần lớn đều nói về cuộc sống và ước mơ du học của những người trẻ. Họ khát khao được vùng vẫy nơi biển lớn, được học tập và đương đầu với những khó khăn thử thách, khẳng định chính mình. Và Kim cũng vậy, cô mang trong mình ước mơ du học từ nhỏ, hoàn cảnh gia đình không cho phép để lo cho cô đi du học. Thế là trong suốt những năm tháng cắp sách đến trường, cô cắm đầu học và học, nỗ lực để kiếm được một cơ hội đặt chân sang nước Anh, thực hiện ước mơ cô nung nấu từ thuở nhỏ và cô đã thành công. Cô được một tổ chức phi chính phủ tài trợ cho chuyến du học nhưng kinh phí chỉ đủ cho một năm. Cô phải cố gắng hoàn thành chương trình học thạc sĩ càng sớm càng tốt. Trong quá trình nỗ lực chứng minh bản thân mình, cô đã gặp anh chàng trợ giảng Fernando và bắt đầu một cuộc tình oan gia với anh. Fernando đốc thúc, truyền dạy cho Kim những kinh nghiệm, giúp đỡ cô học tập và đồng thời âm thầm dành tình cảm cho cô.

Đọc xuyên suốt câu chuyện, ta có thể nhận ra sự trưởng thành và lột xác của Kim. Cô xinh đẹp hơn, tự tin và tài giỏi hơn, cả về mặt giao tiếp - kiến thức - kỹ năng. Có thể nói Kim như một viên ngọc thô được mài sáng, nhẵn nhụi và tuyệt đẹp.

Câu chuyện kết thúc viên mãn với cuộc hôn nhân của cả 2 nhân vật chính cho dù đã chia tay cãi nhau vô số lần.

Cuốn sách này không phải một câu chuyện tình yêu theo kiểu ngôn tình nhưng nó đủ dịu dàng để làm hài lòng bất cứ ai đang cảm thấy căng thẳng, ngột ngạt bởi áp lực học tập, làm việc trong những ngày Sài Gòn oi bức thế này. “Oxford Thương Yêu” không chỉ có sự kết hợp giữa hai sắc thái tình cảm khác nhau, một bên là từ phương Đông, khao khát được yêu mãnh liệt nhưng đôi khi phải vùi lấp dưới cái tôi cao ngạo và những định kiến vô hình. Bên còn lại là sự nồng nhiệt của dòng máu Nam Mỹ nhưng không phải kiểu phóng khoáng mà vẫn rất chừng mực, nghiêm túc, lý trí vô cùng. Tình yêu mà hai nhân vật chính dành cho nhau giống như ngọn lửa nhỏ, có khi bùng cháy, khi chỉ âm ỉ nhưng không bao giờ lụi tắt vì họ biết họ dành cho nhau. Những chi tiết đối lập giữa hai nền văn hoá được Dương Thuỵ diễn tả rất thật, cảm giác của những người làm cha, làm mẹ lo lắng sự khác biệt sẽ làm cho con của họ không thể giữ được hạnh phúc mong manh. Cùng với sự đối lập đó là những gian nan của du học sinh Việt Nam ở nơi đất khách quê người phải cố gắng sinh sống và học tập rất vất vả, cực nhọc in hằn trong từng dòng cảm xúc của nhân vật Kim… Điểm đặc biệt của “Oxford Thương Yêu” chính là chuyện tình tuy ngọt ngào, cũng có chút mơ mộng nhưng vẫn không xa rời thực tế. Hãy cứ vững tâm đọc tới trang cuối cùng để cảm nhận trọn vẹn cái kết có hậu sau một cuộc tình đẹp nhưng cũng nhiều sóng gió và cả sự chia ly.

Một bản tình ca nhẹ nhàng nhưng hài hước đan xen thăng trầm giữa cô sinh viên Việt Nam và chàng nghiên cứu sinh Tiến sĩ ngoại quốc. Những khó khăn của tại nơi đất khách quê người, những nghĩa cử âm thầm giúp đỡ từ anh bắt nguồn từ vị trí tiền bối rồi dần chuyển thành tự nguyện đã góp phần dệt nên mảng kí ức không thể nào quên trong thời gian cô du học tại xứ sở sương mù cổ kính.


Khủng hoảng tại Oxford


Thiên Kim, một sinh viên đến từ Việt Nam để theo học hệ Cao học sau khi giành được học bổng một năm từ tổ chức phi chính phủ, thực tế được dự đoán sẽ mất hai năm để hoàn tất khóa học. Từ những ngày đầu bước chân tới Đại học Oxford, cô đã mang trong mình những tư tưởng bi quan về những khó khăn sắp tới.


Tương tự cái tên được đặt, việc được sinh ra lớn lên trong một gia đình khá giả và học thức ở Việt Nam, khiến cho hiện thực trở nên quá khủng khiếp với cô sinh viên nhỏ bé, lần đầu tới trời Tây. Nhưng may mắn đã mỉm cười với cô khi giáo sư Baddley đã chú ý tới dáng vẻ khổ sở của cô và nhờ trợ lý - nghiên cứu sinh Tiến sĩ Fernando Carvalho để mắt tới Kim.


Cuộc sống du học


Từ một đất nước nhiệt đới, Kim giờ phải chịu đựng sự thay đổi thời tiết một cách khắc nghiệt với cái lạnh thấu xương và những cơn mưa cắt da cắt thịt. Hình ảnh Thiên Kim, một thời cành vàng lá ngọc, làm cho người đọc không thể không thương xót. Thêm vào đó, việc thay đổi từ môi trường học tập Việt Nam sang một môi trường quốc tế đầy chuyên nghiệp và năng động ở Oxford đã làm cho cô phải ngụp lặn.


Ngay lúc này, Fernando xuất hiện, như chiếc phao cứu sinh vớt cô ra khỏi những tháng ngày đêm đông ảm đạm. Liệu có phải như vậy, hay sự xuất hiện của anh lại được Kim xem như sự kiện bắt đầu cho chuỗi ngày bị anh hành hạ thân xác và mắng nhiếc không thương tiếc.


Kẻ thù không đội trời chung


Một nghiên cứu sinh Tiến sĩ bận ngập đầu với đề án nghiên cứu và trợ lý cho giáo sư, thì không có lý do gì khiến anh ngó ngàng tới Kim nếu như giáo sư không cất nhắc. Giáo sư Baddley là một người giáo sư tốt bụng và quan tâm sinh viên, nhưng ở Oxford có cơ man biết bao nhiêu người, vậy vì sao Thiên Kim lại được ông ưu ái để tâm?


Fernando xuất hiện tại khu học xá của Kim mà không hề báo trước để rồi chứng kiến Kim ở thời điểm mà cô khủng hoảng nhất trong thời gian ở Oxford. Xung đột ngày càng căng thẳng nhưng nhờ sự giúp đỡ của Fernando, Kim đã có thể tự học chăm sóc bản thân. Những buổi gia sư đầy những lời mỉa mai giáo huấn của Fernando và tiếng khóc lóc ấm ức của Kim dần dần trở thành những buổi học tập mang tính chất xây dựng, đóng góp ý kiến. Nhưng ngay cả khi Kim đã trở nên cứng cáp và có thể tự bước đi trên đôi chân của mình, anh vẫn dành thời gian cho cô.


Vượt khỏi ranh giới thư viện


Mối quan hệ giữa Kim và Fernando đã dần đi xa khỏi giới hạn học tập, hai người đã chính thức yêu nhau. Fernando lúc này trở nên nhẹ nhàng với Kim hơn bao giờ hết, không còn la hét quát tháo cô như trước. Mặc dù rất bận nhưng Fernando luôn dành thời gian cho Kim. Kim lúc này thần sắc chín muồi và tỏa sáng rực rỡ nhất bao giờ hết, rõ ràng là nhờ một tay Fernando mài dũa, đã trở thành hoa khôi của khu học xá.


New York


Bên nhau chưa bao lâu thì Fernando quyết định sang Mỹ công tác ba năm, Kim không biết phải đối diện với chuyện này ra sao. Mặc dù Fernando luôn động viên Kim rằng, Kim có thể sống rất tốt khi không có anh ở Oxford nhưng Kim không tin anh. Thật ra Kim không tin vào chính bản thân mình, điều mà Kim sợ nhất chính là cô không còn lý do giữ mình ở lại Oxford. Ba năm, rõ ràng là một thời gian rất dài, một thử thách đầy chông gai cho đôi trẻ yêu xa.


Yêu và được yêu


La La Land có từng trích dẫn, khi còn trẻ, chúng ta khó có thể nào vừa có được tình yêu và sự nghiệp. Fernando đã vì tình yêu dành cho Kim mà hy sinh rất nhiều trong khoảng thời gian nghiên cứu sinh, bao gồm thời gian, sức lực và cả chất xám, để rồi khi Kim trở nên vững chãi bước tiếp một mình trên con đường học vấn, anh mới yên tâm quay về sự nghiệp của mình. Không còn gặp nhau thường xuyên như trước nhưng tình yêu vẫn không hề thay đổi. Giờ đây, khi anh ở chân trời xa cách ngàn dặm, liệu tình yêu này có thể đơm trái ngọt hay không, hay miễn cưỡng chấm dứt như một cơn gió mùa đông lạnh lẽo xứ sở Oxford thổi qua tuổi trẻ của Kim.


Tác phẩm lôi cuốn người đọc nhờ giọng văn nhẹ nhàng của tác giả, khắc họa nên hình ảnh cô tiểu thư Thiên Kim ngây ngô, lần đầu xa gia đình, để rồi phải đương đầu với xứ sở giá lạnh và cổ kính Oxford. Những rào cản về văn hóa, giáo dục, khí hậu và cuộc sống nơi đây dường như đã có thể đè bẹp thân hình nhỏ nhắn yếu đuối ấy. Bên cạnh đó, người đọc cũng có thể dễ dàng mường tượng ra anh chàng nghiên cứu sinh Tiến sĩ Fernando điển trai, đầy học thức và nghiêm khắc, với chính anh và người anh yêu, nhưng đôi khi cũng có thể trở nên nhẹ nhàng lãng mạn ở buổi hẹn hò picnic trong rừng, hoặc khi anh vào bếp chuẩn bị bữa ăn cho người mình yêu.


Bằng ngòi bút miêu tả chi tiết và kích thích thị giác, khứu giác của tác giả, người đọc có thể tưởng tượng ra chính mình đang sống tại khu học xá của đại học Oxford, một trong những đại học cổ kính nhất trên thế giới. Người đọc có thể cảm thấy như đang bước đi trong khu phố cổ của thành phố, bao xung quanh là những bức từng mang kiến trúc xưa, đôi khi lại cảm thấy rùng mình lên vì lạnh khi đọc tới những trích đoạn miêu tả cái lạnh cắt da cắt thịt khi Kim hứng chịu. Hoặc có thể ngửi thấy mùi vị trà thơm lừng từ tách trà của Thiên Kim khi hai người ngồi trong quán cà phê ngoài phố.


Xét về nội dung, tác phẩm diễn biến nhẹ nhàng, không quá phức tạp để đọc, tâm lí nhân vật đôi chỗ cũng có sự mâu thuẫn nhưng không quá lớn, có thể cho là được tác động bởi tình yêu. Tác phẩm cũng không có nhiều chi tiết gay cấn hay kịch tính, phù hợp cho một tâm hồn cần sự thư giãn nhẹ nhàng, người đọc có thể đắm mình vào câu chuyện tình yêu lãng mạn của Kim và Fernando để tìm một khoảng trời thơ mộng riêng cho chính mình.

Quay lại cuốn Oxford thương yêu. Đọc một mạch vì sợ mà bỏ sách xuống, tôi sẽ chẳng thể nào đủ hứng khởi để cầm lên được nữa. Đọc với niềm hy vọng trang sau sẽ khá hơn. Nhưng mà nhạt quá.

Chắc thời sinh viên mình đọc cuốn này sẽ hợp. Cứ hy vọng Dương Thụy sâu sắc và dày vốn sống hơn, nhưng vẫn là một Dương Thụy của Hương Đầu Mùa.

Xuyên suốt Oxford thương yêu là chuyện của một nghiên cứu sinh Việt Nam và anh chàng trợ giảng người Bồ Đào Nha. Thụy chọn quốc tịch cho anh ta vì nước Bồ là nước nhỏ ở Châu Âu, cũng mang những niềm tự ti mà cũng tự tôn lạ mà quen, quen mà lạ. Đoạn kết của câu chuyện thì ngay từ trang đầu tiên đã có thể đoán được, Kim và Fernando sẽ yêu nhau, Kim hoàn thành việc học trong 1 năm. Vấn đề là nó sẽ diễn tiến như thế nào.

Các nhân vật trong chuyện đều thiếu tính cách rõ ràng và những thay đổi về nhận thức, tâm lý không được thể hiện hấp dẫn. Thiếu những thắt mở hợp lý, cảm giác như tác giả thiếu hụt thời gian, viết tác phẩm cho kịp đơn đặt hàng vậy. Bởi vậy mà cái gì cũng non. Oxford hiện lên trước độc giả thật mờ nhạt, như một nét vẽ đại khái tổng thể mà thiếu chi tiết, những chi tiết bé có thể được gài trong mỗi lần lên thư viện hoặc đến gặp các giáo sư... Việc nghiên cứu cũng vậy, chỉ là cái cớ để tác giả đưa vào chuyện tình yêu nhưng hoặc tác giả nghĩ không cần thiết, sợ độc giả phân tâm hoặc tác giả thiếu vốn sống nên thể hiện chẳng chút hấp dẫn. Nhưng chi tiết, câu chuyện, nhân vật phụ khác cũng thế. Nhợt nhạt, đơn điệu. Cả chuyện như chỉ thấy lời của hai nhân vật chính gào lên với nhau. Chẳng thấy những thay đổi tâm lý nhỏ nhất của họ được thể hiện. Tất cả như đang ngồi trên con tàu cao tốc, phong cảnh và con người cứ vụt qua, cái gì cũng thấy nhưng chẳng đọng lại nhiều. 

Một số đoạn Thụy viết có vẻ rất hứng thú. Đó là những đoạn bàn về văn hóa Việt, tính cách người Việt. Nhưng chẳng có phát hiện nào mới ở đó cả. Đào Duy Anh đã viết từ đầu thế kỷ trước mất rồi.

Cũng phải ghi nhận một điều, cuộc sống du học sinh là một mảng đề tài mới, nếu tiếp tục đeo đuổi, hy vọng Thụy sẽ thành công. Mà ngôn ngữ các nhân vật nước ngoài trong truyện đậm đặc chất Việt Nam thật...

Giá như truyện này Thụy viết từ xưa, cắt thành những đoạn nhỏ, đăng trên Sinh Viên hay Hoa Học Trò thì hợp. Tôi mong đợi một Dương Thụy khác.

Kim là một cô gái Việt Nam đã cố gắng để giành học bổng sang học tại Oxford, do nhập học muộn nên cô có khả năng phải học hai năm trong khi học bổng chỉ là một năm. Kim đã gặp Fernando Carvalho trợ lý của giáo sư Baddley, ngay lần gặp đầu tiên cô đã than phiền về tình trạng của mình nhưng Fernando không mấy quan tâm.

Cuộc sống của Kim tại phương Tây bắt đầu với những khó khăn trong việc hòa nhập với môi trường, học tập với cường độ cao hơn, bị phân biệt do là dân châu Á. Khi Dương Thụy viết cuốn sách này đó là vào năm 2007 khi đấy Việt Nam và châu Á nói chung đều là những nước nghèo, con người ở đây cũng bị đánh giá thấp về năng lực. Đây cũng là một điều tất yếu bởi khi đó có lẽ sự thật đúng là như vậy khi mà các nước phương Tây đã đi trước chúng ta hàng bao nhiêu năm.

Ở Việt Nam Kim cũng là tiểu thư gia đình khá giả, được chiều chuộng, cũng có năng lực so với các bạn khác. Tuy nhiên sang đây là một môi trường mới với những bạn học đều là những người xuất sắc nên có lẽ sự tự ti, con người nhỏ bé của Kim lại trỗi dậy, cô gái tự tin ở Việt Nam có lẽ đã biến mất. Kim tự nhủ là sẽ cố gắng để hoàn thành chương trình Thạc sĩ trong vòng một năm nhưng cô cũng là cô gái bị cuốn bởi sự lười biếng, cũng thích ngủ nướng, cũng thích lười biếng. Đối với mình một Kim như vậy là bình thường vì khi đến một môi trường toàn nhân vật xuất sắc thì ai cũng tự ti, miệng nói quyết tâm nhưng để làm được đâu phải dễ dàng, chúng ta cũng đều dễ bị trôi đi những quyết tâm ban đầu. Có lẽ Kim may mắn vì Fernando đã luôn bỏ thời gian, công sức giúp Kim rèn luyện cả cơ thể, cả học hành, giúp Kim dần học được cách nghiên cứu học tập giống như sinh viên ở đây.

Không biết từ bao giờ nhưng khi họ dần ở bên nhau, dù chủ yếu thời gian là học hành và Fernando quát mắng, mỉa mai Kim vì những thói xấu của cô nhưng tình cảm có lẽ đã nuôi dưỡng để họ dần cảm thấy cuộc sống của mình là gắn liền với đối phương. Kim có nhiều thói xấu như bừa bộn, ỷ lại, lười, nhưng cô cũng không phải là người không cố gắng bởi Fernando dù là trợ lý của giáo sư nhưng nếu Kim không muốn, lười, bất cần thì chẳng ai quản được việc cô muốn làm gì. Bởi có Fernando luôn ở bên giúp đỡ nên cô cũng có chút ỷ lại vào anh, cũng sợ không có anh cô chẳng làm được gì. Nhưng thực tế Kim cũng đâu phải là không có khả năng khi mà một năm Fernando sang Mỹ lập nghiệp cô đã hoàn thành tốt vai trò của trợ lý, sau này hoàn toàn được công nhận bởi chính vị giáo sư khó tính nhất.

Fernando là chàng trai Bồ Đào Nha, có chút đồng cảm với Kim vì so với nước Anh thì Bồ Đào Nha cũng là nước kém hơn nên cũng bị phân biệt chủng tộc, cũng tự ti vì bản thân. Anh là kiểu người rất cố gắng hoàn thiện, luôn phấn đấu. Mẫu soái ca của nhiều cô gái, nhưng anh cũng là người rất lý trí, tự tin, thỉnh thoảng thích móc mỉa có thể là ưu điểm hoặc khuyết điểm đối với những người khác.

Tình yêu của Kim và Fernando không có nhiều cao trào, không phải kiểu yêu đương sống chết, chắc nó giống mối quan hệ kiểu quen thuộc, ngưỡng mộ, hòa hợp.