Giữa một thế giới chỉ chực chờ làm tôi sao nhãng, thật khó để bắt đầu viết bài cảm nhận sách của mình. Từ rất lâu rồi, tôi đã mong mình có đủ sự kiên nhẫn để ghi lại những dòng cảm xúc, suy ngẫm khi vừa đóng sách lại, mãi cho đến hôm nay... Những lá thư không gửi hấp dẫn tôi ngay từ phần bìa đầy thú vị, mô phỏng một bức thư trắng muốt với phần viền đủ sắc đỏ xanh. Phối màu bắt mắt, rất dễ chịu.
Tôi mong chờ được hít thở trong không khí tươi trẻ, dịu dàng của một tuổi thơ nào đó, có lẽ đón chờ tôi sẽ là một đứa bé cô đơn, nhạy cảm, còn bé xíu mà đã ưa thích những cuộc hẹn hò với nội tâm. Chẳng biết nữa, tôi chỉ hít thấy cái ngòn ngọt, trong lành của không khí tuổi thơ ngay khi tôi vừa lướt qua cái bìa sách và bắt lấy cái tựa đề. Mỗi cuốn sách với tôi dù ngắn hay dài đều như một sinh thể dạt dào sức sống. Một sinh thể hữu hình trong từng nhịp đập, là hiện thân máu thịt của một con người ngoài kia đang khát khao sự đồng cảm. Mỗi lần đọc một cuộc sách mới là một lần tôi hẹn hò với một con người khác nhau, nhìn vào một trái tim đang mở cửa, tận hưởng những dòng cảm xúc chân thành nhất mà có lẽ không thông qua văn chương, chẳng ai có thể bày tỏ nhiều đến thế với một con người xa lạ. Và lần này tôi hẹn hò với "Những lá thư không gửi" - một cuốn sách ngắn và đầy cảm xúc.
Câu chuyện mở đầu bằng nhịp sống vắng tiếng cười của cậu bé 10 tuổi
Tôi ấn tượng ngay từ những dòng đầu tiên bởi sự giống nhau của tôi
và cậu bé Ernest. Đã có những lúc cuộc sống của tôi chỉ luẩn quẩn trong vòng
quay vô tận của việc đến trường và về nhà, của những lịch trình đông cứng niềm
vui và nỗi buồn.
Tôi trải qua một thời gian, còn Ernest đã như thế cả 10 năm đầu tiên của cuộc đời - đơn điệu và buồn tẻ. Một cậu bé nhỏ xíu mà đánh rơi đâu cả nỗi tò mò với cuộc sống xung quanh. Con đường đi học mỗi ngày như một, không hề nhìn ngó xung quanh; 53 bậc thang vào căn phòng không có dấu hiệu gì của một đứa trẻ con; quả táo xanh to và chiếc bánh mì nướng... - những hình ảnh, chuỗi hành động lặp đi lặp lại, mỏi mòn và rệu rã. Chẳng có đứa trẻ 10 tuổi nào có thể thờ ơ với cuộc sống hơn.
Ernest được nuôi dạy bởi cái Bóng của những người Bà.
Đó là bà nội Precious im lìm tưởng chừng chỉ nói một câu là có thể
tan biến. Ít nói, ít cả cười, việc bà làm để duy trì sự sống đó là: ăn,
nghe đài radio lúc 20h và ngắm nhìn lá thư từ mặt trận của người chồng đã mất.
Lá thư cổ viết bằng thứ ngôn ngữ đã chết của một người cách bà bằng cả âm
dương. Chẳng ai biết nó viết gì.
Germaine, bà giúp việc cứng nhắc trong đủ mọi nguyên tắc, lề thói,
ghê sợ, thù ghét đủ mọi thứ trên đời (và hầu hết chúng đều đem đến niềm vui).
Người cha của cậu đã bỏ đi ngay sau khi Ernest ra đời vì quá đau lòng trước cái chết của người vợ.
Những lá thư không gửi là hành trình đi tìm chân lý sống của một đứa trẻ thơ.
Trong chuyện chính những đứa trẻ là những người dũng cảm, chân
thành sống giản đơn và đúng nghĩa nhất. Victoire
là cô bé đã dạy Ernest cách sống. Gia đình đông đúc, chật chội với
đủ những rắc rối đời thường của cô bé chân thật và tự nhiên đối lập hoàn toàn
với cái ốc đảo vắng người, vắng cả niềm vui của Ernest. Tôi đã bật cười khi
thấy cậu bé Dan - anh của Victoire phải chịu đựng thế nào khi muốn xem một
chương trình về lịch sử, nào là những tiếng xì xào về bố của Ernest, những câu
chào vang như sấm, rồi 12 người anh mỗi người gây ra một tiếng động. Phiền toái
là thế nhưng gia đình chính là như vậy.
Những lá thư không gửi nằm trong chiếc hộp bằng sứ mỏng tang viết bằng thứ chữ ngôn
ngữ chết của một người đàn ông đã hi sinh ngoài chiến trận, là hàng trăm
lá thư được viết mỗi ngày của người bố đã bỏ rơi Ernest, khao khát được gặp con
nhưng không đủ dũng cảm để đối mặt.
Sau những lần đầu tiên "sống", đi thang máy, xem TV, học
được cách đặt câu hỏi - học được cách kết nối giữa người với người, lần đầu
tiên bước ra khỏi những quy trình chết cứng, Ernest đã được nếm thử một chút
mật ngọt ngào của đời sống.
Ernest đã nắm tay bà nội già nua - người đã đầu hàng trước nỗi đau của cuộc sống, người chỉ nghĩ về người chồng đã mất, đứa con trai đã đi xa, tồn tại lặng lẽ mỏng manh đến nỗi tưởng chừng như chỉ là cái Bóng của quá khứ đau thương - vượt ra khỏi cái ốc đảo lạnh lẽo.
Lần đầu tiên, hai bà cháu ra ngoài vào Chủ Nhật, lần đầu tiên họ
thử những điều mới lạ vượt ra khỏi những thói quen, nguyên tắc. Cuộc nói chuyện
giản đơn của Ernest và bà là lời giải
đáp ý nghĩa nhất cho những người ở lại :
Người đã chết rồi thì đã chết rồi không sống lại được
Nhưng chúng ta không được quên được họ
Chúng ta vẫn có thể nhớ về họ trong khi làm những việc khác phải
không ạ?
...
Bà ơi người ta cần phải sống trước
khi chết
Ernest đã tự đi tìm người cha của mình.
Được nuôi dạy bởi người mẹ chỉ mãi nhớ về những người đã khuất,
cuộc sống của cha Ernest chỉ thực sự bắt đầu khi gặp mẹ của em. Nhưng, bà đã
mất. Lần đầu được sống đã phải trải nghiệm mất mát, đau thương, ông vội trốn
tránh.
Hàng trăm lá thư không đến tay Ernest là trái tim rỉ máu của người đàn ông không dám Sống, như mẹ của mình ông mải mê với đau thương...
Những lá thư không gửi là khao khát
sống cồn cào, bỏng cháy trong những trái tim yếu đuối chẳng thể đáp lời.
Có lẽ trong mỗi chúng ta ai cũng có phần như vậy, lặng lẽ, trốn tránh, vội vã lẩn trốn nỗi đau trong những vòng an toàn mỏng manh. Chúng ta nhốt mình trong quá khứ đã qua như bà của Ernest hay sợ hãi không dám đối mặt với cuộc đời như cha của em. Thoát ra thôi vì đời ngắn lắm, người ta cần phải sống trước khi chết.
Điều đáng yêu nhất ở quyển sách ngắn này, với tôi, nằm trong những triết lý trẻ thơ về Tình Yêu
Người ta không thể cố gắng trong tình cảm. Hoặc là Có hoặc là
Không. Và khi tình cảm tới gõ cửa trái tim đó là điều kỳ diệu
Người ta không thể yêu hết mọi người được. Được yêu người mình yêu
là may mắn lắm rồi
Trẻ thơ là những nhân vật chính làm nên sức sống của câu chuyện này. Ở đây các em xuất hiện đúng nghĩa như những mầm non mới nhú, tươi xanh, trong trắng và tràn trề hơi thở hồi sinh. Điều đọng lại sau trang sách, với cá nhân tôi đó là hãy sống như những đứa trẻ thơ, cứ đơn giản và tràn trề hi vọng như vậy, cứ nhanh nhớ nhanh quên, cứ mở rộng trái tim mình và đừng từ chối niềm vui của cuộc sống đích thực.
Mỗi chúng ta đều có thể thấy mình trong cuốn sách mỏng này. Đó là ai đó còn rất trẻ mà cứ tự giới hạn bản thân trong những vòng luẩn quẩn không lối thoát. Mạnh mẽ một chút, quyết đoán một chút, hãy thử một lần làm một điều mình yêu, một điều ý nghĩa, để thấy trái tim mình rộn những nhịp hân hoan. Đó là ai đó vừa trải qua những nỗi đau khó có thể tả thành lời, tự nhốt mình dằn vặt - của một quá khứ đã trôi xa... Chỉ có bạn mới có thể trao cho mình quyền sống. Dù là một người thân đã mất, một tình yêu vỡ tan hay một thất bại đã khiến bạn thu mình lại, mình tin “Người ta phải sống trước khi chết”, bạn à.
Tác giả: Dương Phương Anh - Bookademy
------------
Theo dõi fanpage của Bookademy để
cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn
Tham gia cộng đồng Bookademy để có cơ hội
đọc và nhận những cuốn sách thú vị, đăng ký CTV tại link: https://goo.gl/forms/7pGl3eYeudJ3jXIE3
Khi mới nhìn tên, mình đoán cuốn này sẽ giống "Oscar và bà áo hồng", chắc nó sẽ là những bức thư nhỏ, nhưng không phải vậy, đây là những mẩu chuyện nhỏ, mỗi mẩu chuyện sẽ gắn với tên của một ai đó mà Ernest gặp trong khoảng thời gian cậu 10 tuổi (và cả trước đó nữa).
Như thể tất cả những người chúng mình sẽ gặp đều là những người chúng mình cần gặp vậy.
Dù câu chuyện xoay quanh cậu bé 10 tuổi, rồi việc cậu có một cô bạn mới ngồi cạnh trên lớp, nhà hai người cũng gần nhau, và cô bạn cũng hùng hồn tuyên bố hai người sẽ cưới nhau sau 12 năm nữa. Nhưng điều đó nói rằng, rồi vào một ngày nào đó, sẽ có một người xuất hiện, khiến cuộc sống của chúng mình thay đổi, dần trở nên thú vị và tươi đẹp hơn, kể cả khi trước đó chúng mình không giống như Ernest.