Một chuyện tình làm tan nát cõi lòng được kể dưới hình thức ngụ ngôn cổ điển. Một tấn kịch gợi tình và đầy sống động, khắc họa những dục vọng sâu kín nhất của con người.
Chuyện bắt đầu với Herve Joncour – một thương gia giàu có trong ngành tơ lụa nước Pháp. Năm 1861 cả thế giới phải hứng chịu một dịch bệnh đe dọa xóa sạch việc buôn bán lụa. Đứng trước tình thế tiến thoái lưỡng nan, Herve quyết định vượt qua những châu lục xa xôi để đến Nhật Bản, nơi sẽ có thứ trứng tằm có thể nhả ra loại tơ tuyệt vời nhất trần gian.
Chàng bắt đầu một cuộc hành trình dài, vượt qua những thung lũng, núi đồi xa xôi, băng qua sa mạc và những vùng băng tuyết khắc nghiệt. Một nơi được gọi là tận cùng thế giới, một bí ẩn của phương Đông với vô số huyền thoại. Đến Nhật Bản, Herve Joncour gặp một lãnh chúa tên Hara Kei. Người này đồng ý bán cho chàng một ngàn kén trứng để mang về.
Nếu mọi chuyện có thể dừng lại ở đó thì đã thực đơn giản, Herve bị ái nữ của Hara Kei “bỏ bùa”. Đó là đôi mắt của một người phụ nữ phương Đông mà không hề phương Đông, một sự hấp dẫn đầy mê hoặc. “Uống nhầm một ánh mắt, cơn say theo nửa đời” quả không sai, cái nhìn ấy như một lời nguyền bám dính lấy chàng.
Herve luôn đau đáu nhớ về Nhật Bản bất chấp đại dịch kia đã tìm được thuốc chữa. Chàng quyết tâm trở lại dù nơi ấy đang trong giai đoạn chính trị rối ren. Tình yêu giữa chàng và ái nữ kia đã vô tình chớm nở, như hai kẻ đồng điệu về tâm hồn. Chuyến đi mua trứng tằm đã thay đổi tất cả…
Nhưng Herve chưa bao giờ quên chàng có một người vợ. Người đàn bà tần tảo, chung thủy và luôn đặt tất cả niềm tin vào chồng. Thế mà chàng nỡ phản bội, nỡ đuổi theo tình yêu mong manh ở nơi tận cùng thế giới. Cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra, mối quan hệ vụng trộm của Herve bị vị lãnh chúa phát hiện.
Ngài treo cổ một đứa bé vì dám cả gan qua mặt ông, lén lút dẫn Herve đến chỗ người thiếp của mình. Tủi nhục và sợ hãi Herve bỏ lại tất cả phía sau, sống một cuộc đời mới với người vợ bên kia đại dương đang ngày đêm mong mỏi chờ đợi. Cuộc sống của chàng thêm một lần sóng gió, khi một ngày nọ, những bức thư xa lạ từ đâu đó gửi đến, được viết kín bằng tiếng Nhật…
Lụa – một truyện ngắn chứa đọng thủ pháp văn chương tuyệt vời. Ngôn từ cô đọng, ngắn gọn với nhiều chi tiết được lựa chọn kỹ càng.Trải dài suốt 160 trang sách là 65 chương, mỗi chương chỉ thể hiện một vài trang ngắn ngủi nhưng nội dung vẫn được đảm bảo, điều này chứng tỏ cái tài tình và sức nén ý nghĩa khủng khiếp trong cách thể hiện của nhà văn Alessandro Baricco. Ở đây chính là tình yêu mơ hồ, huyền hoặc của Herve Joncour, một gã đàn ông luôn thấy mình cô đơn dù cho chàng đang sống hạnh phúc nhất.
Tại sao Alessandro Baricco lại đặt cho tác phẩm của mình là Lụa, một cái tên mang đậm dấu ấn của phương Đông, một từ mà khi cất lên thôi đã toát lên vẻ huyền bí. Sợi chỉ đỏ đưa các cặp uyên ương đến với nhau dù xa cách nghìn dặm, còn lụa, lụa thì sao? Lụa mà ý nghĩa gieo duyên nào trong một tình cảnh ngang trái như thế.
Alessandro Baricco miêu tả về thứ lụa nơi tận cùng thế giới nhẹ đến mức không cảm thấy trên bàn tay, mát như một dòng nước trong lành. Vẻ đẹp ái nữ kia phải chăng cũng kỳ diệu như vậy, dù là lơ lửng giữ thinh không vẫn khiến gã trai quyến luyến không ngừng. Hóa ra tấm lụa kia là ranh giới mong manh của sự chung thủy trong tấm lòng đàn ông.
Herve có thể dễ dàng cảm mến một người đàn bà khác dù anh ta chả biết gì nhiều về nàng. Chàng không hề ý thức được mình đang ngồi trên lưng hổ, chỉ sơ sẩy thôi là sẽ mất mạng nơi đất khách. Tấm lụa đem tới sự thịnh vượng, giàu có nhưng đồng thời đã tố cáo lòng dạ dễ dàng đổi thay của Herve. Bởi khi ấy, tình cảm kia sao vừa đẹp đẽ đến lạ, mà cũng vừa đáng khinh khi, hèn kém, rẻ tiền.
Thật buồn cho Helene, nàng là một người vợ chắc chắn trên đời này mọi gã đàn ông đều khát khao nhất trừ chồng của nàng. Sự bội phản kia như một lưỡi dao bén nhọn, phá nát tình yêu của nàng. Nhưng không vì lẽ ấy mà Helene chối từ danh phận một người vợ. Nàng ý nhị và tinh tế, mềm mại và bền bỉ, như tấm lụa nuột nà, cố gắng giữ lại người chồng, kéo chàng thoát ra khỏi u mê, lạc lối.
Và chỉ khi mất đi những điều yêu thương nhất Herve mới nhận ra đâu là điều thực sự trân quý ở đời. Một nghịch lý không khó bắt gặp, khi ta mải mê đuổi theo một “dải lụa” mà vô tình quên đi mất đang có một “dải lụa” khác đẹp đẽ, mềm mại, hơn rất nhiều ngay cạnh bên.
Tác giả Alessandro Baricco sinh ra ở Turin năm 1958, là nhà văn và nhà âm nhạc học nổi tiếng của Ý. Năm 1995, cuốn tiểu thuyết đầu tay của ông Castelli di rabbia (tạm dịch là Lâu đài nổi giận) đã nhận được giải thưởng văn học Médicis của Pháp dành cho tác phẩm văn học nước ngoài xuất sắc nhất. Với Lụa, tên tuổi Alessandro Baricco đã trở nên lừng lẫy trên văn đàn quốc tế. Xuất bản tại quê nhà năm 1996 và tại Pháp năm 1997, Lụa nhanh chóng trở thành một trong những tác phẩm bán chạy nhất châu Âu. Sau thành công vang dội trên khắp thế giới cuốn sách đã được chuyển thể thành phim vào năm 2007. Alessandro Baricco được coi là nhà văn lớn của thế hệ mới. Tác phẩm của ông thường xuyên lọt vào top những cuốn sách bán chạy nhất Ý và Pháp. Hiện tại, nhà văn viết cho nhật báo La Repubblica và giảng dạy tại Scuola Holden, một trường dạy viết văn mà ông đã thành lập từ năm 1994 cùng một số người bạn.
Nguồn sưu tầm: https://goo.gl/Z4YcdH
------
Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về các cuốn sách hay tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn/
Trở thành CTV viết reviews sách để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị cùng Bookademy, gửi CV (tiếng Anh hoặc Việt) về: [email protected]
Chúng ta hãy lấy một phần nhỏ của cuốn sách: Tác giả để nhân vật nam chính người Nhật nói rằng luật cổ xưa cho phép kết án tử hình một người hầu mang thư tình cho tình nhân và đó là lý do tại sao một người hầu trai bị treo cổ treo? Tại sao các chiến binh Nhật Bản lại được chú ý nhờ thanh kiếm của họ? Hành quyết dưới bất kỳ hình thức nào đều liên quan đến chặt đầu (thậm chí bao gồm cả nghi lễ tự sát). Việc xử lý cái chết thông thường có thể chỉ là một nhát chém nhanh chóng. Nếu việc mang theo những bức thư tình của nhân tình là một tội tử hình thì tôi hoàn toàn bỏ lỡ cuộc tàn sát trong "The Tale of Genji", nơi những người hầu mang theo những bức thư tình của chủ nhân và tình nhân là một tội bắt buộc và chắc chắn không phải là tội tử hình. Nếu người hầu trai trong cuốn sách này bị xử tử vì "là" bức thư tình, thì đối tượng của bức thư tình đó, người được cho là người tình Herve, phải nguy hiểm đến mức nào ? Tuy nhiên, mạng sống của anh ta đã được tha và anh ta chỉ bị xua đuổi.