“Học tập” - Bạn đã bao giờ tự hỏi tại sao cũng học tập
như bao người mà lại không đạt điểm cao? Tại sao học mãi tiếng Anh mà vẫn không
sử dụng được? Nếu bạn có hàng trăm câu hỏi tương tự về việc học tập của bản
thân mình thì cuốn sách “Học tập Cũng Cần Chiến Lược” của tác giả JOE
LANDSBERGER sẽ là một sự lựa chọn hoàn hảo của bạn. Một chiến lược đúng đắn, một
phương pháp phù hợp là mấu chốt của sự thành công trong việc học tập của bạn.
Ở
trường Đại Học tôi đang học có một môn tự chọn tên là “Phương Pháp Học Tập Đại
Học”, chị tôi luôn hỏi “phương pháp học tập mà cũng phải học nữa à?” nhưng nhờ
môn này tôi đã học tập được rất nhiều kỹ năng như: thuyết trình, làm việc nhóm,
khám phá bản thân,…Và đặc biệt, giảng viên của tôi đã giới thiệu cho chúng tôi
về cuốn sách “Học Tập Cũng Cần Chiến Lược” - Một cuốn sách cần thiết cho tất cả
sinh viên, học sinh Việt Nam. Sách được viết bởi ông Joe Landsberger, ông từng
là chuyên viên thiết kế chương trình giảng dạy và tư vấn giáo dục thuộc trường
Đại Học St. Thomas tại bang Minnesota, Mỹ. Cuốn sách đã được hàng triệu người
trên thế giới sử dụng và công nhận hiệu quả. Vậy tại sao cuốn sách lại được
khuyên đọc như vậy? Có gì trong cuốn sách? “Phương Pháp Học Tập Đại Học” gồm ba
chương như một cuộc hành trình chinh phục đỉnh núi mà những người leo núi là
sinh viên, học sinh trên thế giới cũng như ở Việt Nam.
Chương I: Bước chuẩn bị: bao gồm 11 mục
Mục
1: Biết cách học. Đã bao giờ bạn tự hỏi tại sao mình học Toán rất tốt nhưng tiếng
Anh lại chậm chạp thế này? Ở mục này tác giả đã đưa ra những câu hỏi cho bạn
giúp bạn nhìn nhận một cách chính xác về những mục tiêu học tập, những đam mê,
khả năng học tập của bạn,…Qua mục này bạn sẽ hiểu rõ hơn về bản thân và những mục
tiêu, mục đích học tập để làm tiền đề cho việc học tập.
Mục
2: Sắp xếp thời gian biểu. “Thời gian là thước đo chân lý – Annaepus Lucius
Seneca”. Chắc hẳn các bạn đã nghe qua về kỹ năng quản lý thời gian và đây là một
mục để bạn hiểu rõ hơn về chiến lược quản lý thời gian một cách đúng đắn.
Mục
3: Đối phó với Stress. Ai cũng đã từng trải qua Stress trong quá trình học tập,
làm việc của mình. Và bạn sẽ hiểu rõ stress đã ảnh hưởng xấu như thế nào đến việc
học cũng như trong cuộc sống của bạn. Nhưng bạn đã bao giờ trị dứt Stress chưa?
Mục này sẽ chỉ cho bạn cách đối phó với cơn Stress xấu xa.
Mục
4: Hạn chế tính chần chừ. “Người không trì hoãn việc đến ngày mai là người hoàn
thành được rất nhiều việc – Baltasar Gracián”. Nếu bạn mãi không thành công
trong việc học tập thì chắc hẳn ít nhất một lần trong đời bạn tự nhủ ngày mai sẽ
làm việc đó. Và rồi nó trở thành thói quen xấu cho bạn. Nếu bạn có những ý định
chần chừ thì đây là mục dành cho bạn đây. Tác giả luôn đưa ra các câu hỏi để bạn
tự hỏi bản thân trước khi đưa ra các phương pháp cho bạn. Việc đặt ra câu hỏi
giúp bạn hiểu rõ bản thân, nhờ đó bạn sẽ tìm được phương pháp phù hợp cho mình.
Mục 5: Để có được “Critical thinking”. Bạn đã từng nghe qua về “Tư duy biện lý” chưa? Ở trường Đại Học của tôi, thầy cô liên tục nhắc đến cụm từ này nhưng tôi vẫn chưa hiểu hết ý nghĩa của nó cho đến khi đọc mục này trong quyển sách “Phương Pháp Học Tập Đại Học”. Và càng hiểu rõ câu nói “Học mà không suy nghĩ thì phí công” của Khổng Tử.
Tiếp theo là các mục rất hay khác: Mục 6 là “Học cách đặt câu hỏi và phê
bình”. Mục 7 là “Học cách tư duy của các bậc thiên tài”. Hay Mục 8 - “Bài tập tạo
động lực cho bản thân”. Mục 9 - “Ra quyết định theo hướng thích nghi”. Mục 10 –
“Giải quyết vấn đề/đưa ra quyết định” Và cuối cùng là mục 11 – “Một sinh viên vận
động viên hay một sinh viên bình thường?”. Ở mỗi chương là những câu hỏi đễ bạn
tìm tòi về bản thân. Cũng như câu nói “Biết mình, biết ta. Trăm trận, trăm thắng”.
Để làm một việc gì đó đầu tiên sẽ luôn là hiểu rõ bản thân và ông Joe đã đặt
câu hỏi cho bạn trước khi đưa ra những phương pháp phù hợp nhất cho sinh viên.
Và chương cuối cùng là một câu hỏi lựa chọn lớn cho bạn. Bạn muốn làm một người
thành công hay chỉ là một sinh viên bình thường, ngày tháng trôi qua không có ý
nghĩa gì? Đọc xong chương I, làm theo những việc tác giả đưa ra trong sách thì
chúc mừng bạn đã đã có được “Bước chuẩn bị” cho cuộc hành trình học tập. Qua “Bước
chuẩn bị” sẽ là gì? Đã hiểu mục tiêu học tập của bản thân sẽ làm gì tiếp theo?
Mọi câu hỏi sẽ được trả lời ở chương sau.
Chương II: Chiến Lược: bao gồm 34 mục từ mục 12 đến mục
45
Sau bước chuẩn bị thì bây giờ chúng ta được học những chiến lược học tập,
những phương pháp để đạt sự thành công cho việc học tập của chính bản thân. Có
những mục đã quen với học sinh, sinh viên Việt Nam chúng ta như “Mục 23: Thẻ phụ
lục” hay “Mục 27: Tập trung chú ý trong lớp”. Ở mục 22 là một phương pháp mới
cho sinh viên Việt Nam: “Phương pháp học A.S.P.I.R.E”.
A (Approach/attitude/arrange):
Tâm trạng. Trước khi bắt đầu học hay làm một việc gì đó hãy chuẩn bị cho bản
thân một tinh thần thoải mái. Trên google khi bạn tìm kiếm “khoảng thời gian
vàng để học”, có một khoảng thời gian thích hợp để học những môn khác nhau, có
một không gian thích hợp cho bản thân sẽ giúp bạn có tinh thần, tâm trạng tốt
nhất để học tập.
S
(Select/survey/study): Sự hiểu biết. Như trong cuốn sách bạn hãy cố gắng giải
quyết những vấn đề, bài tập mà bạn có thể giải quyết được, đánh dấu lại những vấn
đề bạn không biết, chưa hiểu rõ và tìm sự trợ giúp.
P (Put aside/
piece together): nhắc lại. Đừng học quá nhiều mà không nhắc lại, ko6ng xem lại.
Sau khi học một phần, bạn nên tạm dừng lại, ghi nhớ và định hình kiến thức.
I
(Inspect/Investigate/inquire): Nghiên cứu. Bây giờ thì bạn hãy quay trở lại với
vấn đề chưa hiểu, chưa rõ nào. Hãy tự đặt câu hỏi cho bản thân rằng ta có thể tự
tìm tòi lời giải đáp như thế nào? Có thể tham khảo những gì? Trước khi tìm sự
trợ giúp của một người khác.
R (Reconsider/reflect/relay):
Mở rộng. Tác giả đặt cho chúng ta ba câu hỏi, cho ta có cái nhìn trực tiếp vào
mục tiêu học tập của bản thân. Trả lời một cách chính xác ba câu hỏi trong sách
giúp ta áp dụng những gì đã học vào thực tế.
E (Evaluate/examine/explore):
Ôn lại. Sau một quá trình học tập, tất nhiên cuối cùng sẽ là ôn lại.
Tiếp
theo từ mục 35 đến mục 40 là cách phương pháp đọc. Đọc sách hay tài liệu học tập
cũng cần có một phương pháp chính xác để bạn có thể đọc một cách hiệu quả. Việc
đọc tài liệu mang ý nghĩa rất quan trọng đối với tất cả mọi người. Đây là phần
quan trọng nhất mà giảng viên của tôi bắt tất cả sinh viên trong lớp phải đọc
và kiểm tra chúng tôi. Hãy cùng khám phá có gì trong những chương này.
Mục
37: Đọc tư liệu khó, phức tạp. Tôi vẫn còn nhớ rõ như in giảng viên tôi nói với
chúng tôi rằng: “Đối với các sinh viên kỹ thuật như cô cậu, sau này làm đồ án tốt
nghiệp việc đọc những tài liệu chuyên ngành, các cuốn sách khoa học là một điều
không thể tránh khỏi. Nên các cô cậu cần phải đọc mục này trong sách”. Những cuốn
sách chuyên ngành luôn là một sự ám ảnh của tất cả các sinh viên. Vậy làm sao để
đọc một tài liệu khó một cách hiệu quả? Ở mục này ông Joe đã đưa ra rất nhiều
phương pháp để ta giải quyết nó, như là dùng ra phương pháp “nhìn ra nơi khác”
hay “Đọc những gì bạn hiểu rõ nhất để xác định độ khó. Trừ lại những gì không
hiểu”.
Hay ở mục 39 “Phương pháp đọc SQ3R”.
Cũng giống phương pháp “A.S.P.I.R.E”. Phương
pháp “SQ3R” được ghép bởi các từ:
S (Survey):
Trước khi đọc một quyển sách, một tài liệu. Đầu tiên, chúng ta hãy khảo sát bài
đọc, đọc các phần tóm tắt, chú thích. Nhằm có một cái nhìn tổng quan về tài liệu
hay cuốn sách mình đang đọc. Giảng viên tôi từng nói với chúng tôi rằng: “Khi đọc
một cuốn giáo trình hay một cuốn sách khoa học, thật sự các em không dùng hết
kiến thức của cuốn sách”. Chính nhờ câu nói ày của cô tôi mới hiểu sự cần thiết
khi ta có một cái nhìn tổng quan trước khi đọc, để xác định mục đích đọc của
mình.
Q (Question):
Trong quá trình khảo sát, bạn sẽ có vô vàn câu hỏi hiện lên trong suy nghĩ. Bạn
hãy suy nghĩ thêm càng nhiều câu hỏi càng tốt, xem thêm các câu cuối bài. Việc
này sẽ giúp cho bạn có thêm những suy nghĩ nhất định trước khi bắt đầu đọc.
R (Read): Chữ
R đầu tiên, tất nhiên là “Read” rồi, sau khi có cái nhìn tổng quan, có những
câu hỏi thì bây giờ chúng ta bắt đầu tìm câu hỏi cho mình đặt ra và nhiều bước
khác được tác giả đưa ra để bạn có thể đọc một cách hiệu quả nhất.
R (Recite):
Sau khi đọc hết một phần, bạn nên ghi nhớ bằng các cách đơn giản được tác giả
đưa ra mà sinh viên Việt Nam chúng ta thường làm như gạch dưới, ghi chú,... Bước
này giúp chúng ta có thể nhớ một cách dễ dàng. Cũng giống như câu “Mưa dầm thấm
lâu”, bạn đọc từ từ, ghi nhớ từng phần một sẽ dễ dàng hơn ghi nhớ một khối lượng
kiến thức lớn.
R (Review): Cuối
cùng là dò lại bài, đây là một quá trình lâu dài. Sau khi đọc bạn nên đánh giá
theo cảm nhận của riêng mình với một quyển sách, còn với những tài liệu mang kiến
thức chuyên ngành bạn nên tập thói quen tóm tắt kiến thức mình học được, thói
quen này sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho bạn. Ông Joe đã làm một thời khóa biểu
gợi ý cho người đọc biết từng ngày mình nên làm gì, tạo một thói quen tốt, bạn
sẽ không còn lo lắng gì khi bạn sắp có một kỳ thi.
Ở
trên là các phương pháp học tập nổi bật trong sách còn rất nhiều phương pháp
khác được tác giả đưa ra để bạn có thể đạt được mục tiêu cao trong học tập.
Chương tiếp theo cũng là chương cuối quyển sách là các chiến lược để giải quyết
các dạng bài thi, bài kiểm tra.
Chương III: Các dạng và cách làm bài tập. Bao gồm 27 mục
từ mục 46 đến mục 72
Nếu
bạn là học sinh, sinh viên thì các hình thức thi được ông Joe liệt kê trong quyển
sách sẽ trở nên quen thuộc với bạn, như dạng bài thi trắc nghiệm, dạng thi vấn
đáp, bài thi được sử dụng tài liệu. Phương pháp cho các bài thi sẽ được ông Joe
đưa ra giúp bạn chiến thắng nó một cách hoàn hảo nhất. Khi còn là học sinh, tôi
chán ngán với tiết văn nhưng khi lên Đại Học tôi nhận ra tầm quan trọng của việc
viết bài, viết trở thành một kỹ năng cho mỗi sinh viên. Vì bạn sẽ phải đối mặt
với một luận văn tốt nghiệp, đồ án tốt nghiệp, nếu không có một kỹ năng viết tốt
sẽ là một việc bất lợi cho bạn. Có các mục liên quan đến kỹ năng viết như mục
thứ 62 “Viết bài nghiên cứu” hay mục 63 “Viết bài trên web”. Cũng trong chương
này bạn sẽ có thêm các bí quyết để phát triển các kỹ năng như mục 71 “Nghệ thuật
diễn thuyết trước đám đông”,…
Lời kết: Quyển sách “Học tập cũng cần chiến lược” là một cuốn sách cần thiết cho các bạn học sinh, sinh viên Việt Nam. Bạn sẽ thấy những khó khăn mình gặp phải được đưa ra trong quyển sách và tìm được những phương pháp phù hợp nhất cho bản thân. Có một chiến lược một đúng đắn sẽ giúp bạn đạt được thành công trong học tập, đúng với câu được in ở bìa sách “Biết cách học là đủ chứng tỏ bạn thông thái” của Henry Brooks Adams.
Tác
giả: Thanh Ngân - Bookademy
----
Theo dõi fanpage của Bookademy để
cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn
Tham
gia cộng đồng Bookademy để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị, đăng ký CTV tại link: https://goo.gl/forms/7pGl3eYeudJ3jXIE3
“Học tập cũng cần chiến lược” không chỉ là sách “gối đầu giường” cho các thế hệ học sinh, sinh viên đang hoang mang trên con đường học tập của mình mà còn hữu ích với tất cả người học, vì học là chuyện cả đời. Bất kể bạn là giáo viên, kĩ sư hay người cha mẹ đang “nhọc nhằn” vì chuyện học hành của con, những bài học bổ ích trong từng trang sách chắc chắn sẽ giúp bạn bớt bối rối hơn, bình tĩnh tìm ra phương pháp học tốt nhất cho bản thân và người thân của mình.
Hàng loạt các nhận xét tích cực và hài lòng từ phía chuyên gia cũng như độc giả bày tỏ tới cuốn sách “Học tập cũng cần chiến lược” như lời cảm ơn và tri ân tới công sức của Joe Landsberger. Trong đó, có thể kể đến đánh giá nổi bật của Tiến sĩ Mark A.Ashwill – Giám đốc IIE Việt Nam kiêm Cố vấn Hội sinh viên VietAbroader: “Tôi thật sự ấn tượng trước sự đơn giản, phạm vi ứng dụng, tính hiệu quả và khả năng tiếp cận đa ngữ của cuốn sách này và tôi thường giới thiệu nó cho các sinh viên của mình.”
Hàng triệu người trên thế giới đã sử dụng và công nhận hiệu quả của “Học tập cũng cần chiến lược” Vậy thì còn chần chừ gì, hãy tham gia cùng họ và trở thành người tiếp theo để chứng kiến thành quả “ ngọt bùi” của việc học và trở nên tốt hơn qua từng ngày bạn nhé!