Đồi thỏ - một tác phẩm văn học vĩ đại, một bản trường ca lạ lùng về loài thỏ mở ra một thế giới đầy màu sắc với ngôn ngữ sáng tạo và những góc nhìn mới lạ về thế giới xung quanh. Nó còn là một sự pha trộn khéo léo giữa một thiên sử thi hào hùng và một câu chuyện phiêu lưu kì diệu. Quyển sách dành cho thiếu nhi nhưng lại có một sức hút mãnh liệt với người lớn, ẩn chứa những triết lý sống sâu sắc, những bài học về sự tin tưởng, tình cảm gia đình, sự gan dạ và hơn hết là khát khao tự do to lớn. Đồi thỏ của Richard Adams xứng đáng là tác phẩm văn học dành cho mọi thời đại.
Richard Adams là một nhà
văn tài năng với nhiều cuốn tiểu thuyết đột phá, và Đồi thỏ là một trong những
tác phẩm như thế. Câu chuyện bắt đầu từ sự việc khi tác giả 52 tuổi, đã kể cho
hai cô con gái trên chuyến đi xe hơi dài ngày vì hai cô nói rắng cảm thấy rất
buồn chán. Sau đó ông được thuyết phục viết lại quyển sách và xuất bản lần đầu
vào năm 1972 tại Luân Đôn sau khi bị các nhà sản xuất từ chối đến bảy lần. Ngay
sau đó, tác phẩm đã nhận được huy chương Carnegie và giải thưởng Guardian cho
thể loại tiểu thuyết viết cho thiếu nhi. Vào năm 1973, Đồi thỏ chuyển thể thành
phim hoạt hình. Đến năm 2003, BBC bầu chọn đây là quyển tiểu thuyết của mọi thời
đại.
Thật ra, đến trước khi đọc xong Đồi thỏ, mình vẫn không hề biết rằng nó đã đạt được nhiều thành tựu như vậy. Có lẽ đó cũng chính là lý do vì sao lại có một sự cuốn hút đến lạ. Bạn có thể sẽ ngao ngán khi bắt đầu, bởi nó là quyển tiểu thuyết cho thiếu nhi nhưng lại có độ dày cho người lớn, đến tận 492 trang các bạn ạ. Nhưng tin mình đi, chỉ cần bạn bắt đầu, thì sẽ khó mà dừng lại được. Nó luôn cho ta cảm giác chờ đợi một điều gì đó, một chút bồn chồn, một chút lo lắng, cả sự tò mò và phấn khích, tất cả những cảm giác ấy hoà vào nhau tạo nên một dư vị rất lạ, mà mình chưa từng có trước đây. Nó cuốn ta vào từng câu chữ, từng sự việc diễn ra trong câu chuyện, và cứ thế nhẹ nhàng đưa ta đến tận trang cuối cùng lúc nào không hay. Và rồi đọng lại đâu đó trong ta một chút tiếc nuối, một chút hụt hẫng. Chẳng phải vì cái kết không hay mà là vì ta vẫn còn muốn được đắm mình vào chuyến phiêu lưu đó nữa, chẳng muốn phải dừng lại như thế. Nhưng mà câu chuyện nào rồi cũng có hồi kết, kết không có nghĩa là hết mà là để mở ra một trang mới, và ta cần phải chấp nhận điều đó. Có những quyển sách khi kết thúc, cảm xúc trong ta khá mờ nhạt, nhưng cũng có những quyển sách đến ngay khi nhận ra đã hết, bản thân ta cũng không muốn chấp nhận điều đó, mà cứ mãi lưu luyến dư vị của nó đến tận vài tuần hoặc hơn cả thế. Với mình Đồi thỏ là một tác phẩm như vậy.
Đồi
thỏ - bản trường ca của những chàng thỏ can trường
Tờ News York Times đã dành
những lời khen tặng cho quyển tiểu thuyết này như sau: “Đặt trong bối cảnh của
Berkshire Down, nơi ông đã lớn lên trong một phong cảnh yên tĩnh của đồi cỏ, cánh
đồng, suối và rừng phía tây Luân Đôn. Đồi thỏ là một câu chuyện thiếu nhi mang đậm
tính cổ điển, đầy khám phá và đấu tranh… Đó câu chuyện ngụ ngôn vượt thời gian
của tự do, đạo đức và bản chất con người. Vượt quá quyền hạn của lời nói và trí
tuệ, tác giả Adams đã mang đến những nhân vật đầy tính nhân bản và chân thật thông
qua những con thỏ, với nỗi sợ hãi run rẩy, thô lỗ, táo bạo và một văn hoá dân
gian của tục ngữ và thơ ca”. Đồi thỏ là một cuộc hành trình dài hay chính xác hơn
đó là cuộc di cư của loài thỏ đến vùng đất mới. Chuyến đi của những kẻ “vùng
ngoài” - từ chỉ cấp bậc của những chú thỏ bình thường trong nhưng năm đầu đời -
tưởng chừng là điều không thể, bởi những nguy hiểm bên ngoài đang đe doạ và có thể tấn công chúng
bất kì lúc nào. Thế nhưng chúng vẫn lựa chọn đi, đi để tìm sự tự do, để xây dựng
cuộc sống hạnh phúc hơn ở vùng đất mới.
Cuộc phiêu lưu bắt đầu từ cánh đồng thỏ Sandleford, từ những chú thỏ non “vùng ngoại” dám tin tưởng vào linh cảm của một chú thỏ nhỏ ốm yếu rằng nơi họ đang sống yên bình sắp phải hứng chịu một hiểm hoạ đau thương. Và điều duy nhất có thể thoát khỏi mối đe doạ đó là rời bỏ cánh đồng quê nhà, đến một nơi khác để sinh sống. Thật khó tin và khó chấp nhận cho những chú thỏ khác, bởi không thể vì một lời nói của con thỏ không có dòng dõi danh giá, còn chưa đủ cân nặng và chiều cao mà họ phải rời bỏ một nơi quá đỗi êm ấm như thế này. Và cũng thật khó để thuyết phục được Chúa Thanh Lương Trà - Thủ Lĩnh của bầy thỏ - về những gì sắp diễn ra, vì thế điều chúng có thể làm duy nhất là huy động được càng nhiều thỏ đi cùng càng tốt. Và hẹn nhau khi trăng lên, chuyến hành trình sẽ bắt đầu. Sau bao nhiêu nổ lực, họ đã thuyết phục được một số thỏ đi cùng, và đoàn hành quân có những chiến binh sau: Cây Phỉ, Thứ Năm, Nồi Đất, Tóc Giả, Bồ Công Anh, Mâm Xôi, Gạc Nai, Xám Bạc, Quả Sồi. Vào một đêm trăng, sau một cuộc ẩu đả và trượt đuổi điên cuồng, cuộc hành quân của họ chính thức bắt đầu.
Dưới sự chỉ đạo của Thủ lĩnh Cây Phỉ, cùng linh cảm của Thứ Năm nhỏ bé, bầy thỏ đã vượt qua bao nhiêu những khó khăn: từ cánh đồng thỏ “nhân tạo” của bọn Anh Thảo Vàng, đến cuộc chạm trán với mòng biển Kehaar, rồi thử thách tìm thỏ cái ở trang trại Nuthanger và Efrara, sau đó là cuộc đối đầu với Thống Soái Hoắc Hương , và với con người… Có những cuộc chiến đấu kề cận cái chết, tưởng chừng như mọi thứ đã kết thúc, nhưng rồi chính sự yêu thương, đoàn kết và lòng dũng cảm đã giúp chúng vượt qua tất thảy. Từ những chú thỏ xa lạ, với những cái tôi cao ngạo, nhưng cũng chính từ các cuộc chiến sinh tử ấy mà họ trở nên gắn bó và trân quý nhau hơn - điều mà trước đây, trên cánh đồng thỏ quê nhà, họ chưa từng cảm nhận được.
Chuyến phiêu lưu của bầy
thỏ chưa bao giờ là nhàm chán dưới ngòi bút của Richard Adams. Với mình, mỗi
trang sách hiện lên như một bức tranh tuyệt đẹp bằng ngôn từ, thả trí tưởng tượng
theo ngòi bút của Adams và rồi cả thế giới của Đồi Thỏ sẽ hiện ra vô cùng rõ nét
và sống động: “Một thế giới mà ta chưa
bao giờ được thấy, nơi cuộc sống đang phập phồng ngoài kia trên cánh đồng,
trong rừng cây, bên bờ sông, xa khỏi các đô thị và thành phố”.
Bên cạnh câu chuyện phiêu
lưu, những câu chuyện huyền thoại về tổ tiên loài thỏ - hoàng tử có ngàn kẻ thù
El-Ahraihah - được kể lại qua lời của chú thỏ Bồ Công Anh, như là động lực cho
bọn thỏ tiếp bước trên chặn đường gian nan của chúng. Cũng như loài người, truyện
cổ của loài thỏ như một kho báu vô tận về cách sống, cách nghĩ, những bài học đặc
trưng của giống loài, tất cả được kể lại rất hài hước và dí dỏm, như một nét nhấn
nhá cho mạch truyện trở nên vui tươi và mới mẻ hơn. Một điểm đặc biệt tạo nên
thành công cho tác phẩm đó là tác giả đã đặt mình vào vị trí của một chú thỏ thực
sự, giương đôi mắt ngắm nhìn thế giới ở vị trí thấp để rồi cảm nhận thế giới bằng
chính bản năng và cả trái tim. Cũng từ đó mà không gian thiên nhiên trở nên
sinh động, gần gũi, vạn vật xung quanh trở nên cao lớn hơn rộng rãi hơn, nhiều
mùi vị hơn và âm sắc rõ ràng hơn. Đó chính là lý do vì sao mà mình nói tác giả
Adams đã vẽ nên những bức tranh ngôn từ tuyệt vời đến nhường nào.
Đánh giá toàn thể thì đây là một tác phẩm tuyệt vời, tuy nhiên, khi mới bắt đầu mình cũng không khỏi bối rối vì có quá nhiều thỏ với những cái tên lạ hoắc. Mình thấy nhiều bạn bảo rằng những con thỏ mang cái tên thân thuộc, gần gũi, nhưng với mình mà nói thì đây là những cái tên lạ và khó nhớ. Mình phải thừa nhận rằng khi mới đọc mình dễ bị rối bởi mấy cái tên này.
Và mỗi lần đọc đến một cái tên mình phải suy nghĩ xem đó là con thỏ nào cơ, nhiều thỏ lắm các bạn ạ. Mỗi con mang một tính cách, một nét đặc trưng riêng. Richard Adams đã xây dựng chúng như những chiến binh thực sự. Cây phỉ gan dạ, quyết đoán, có chiến lược và tầm nhìn xa, xứng đáng là thủ lĩnh bầy thỏ, Tóc Giả cao ngạo, hiếu chiến, mạnh mẽ và lực lưỡng như là một dũng tướng thực thụ. Thứ Năm bé nhỏ, yếu ớt nhưng sở hữu những linh cảm đặc biệt. Nồi Đất nhỏ xíu, nhút nhát, nhưng vô cùng ngoan ngoãn và chỉ có chú mới đảm nhận được một số nhiệm vụ đặc biệt. Một thành viên không thể thiếu trong đoàn đó là quân sư Bồ Công Anh - một nhân vật gắn liền với những câu chuyện thần thoại của tổ tiên loài thỏ , với những mưu kế hoàn hảo giúp chuyến hành quân trở nên dễ dàng hơn. Gạc Nai, Xám Bạc, Mâm Xôi nhanh nhẹn, vững vàng và dai sức là chiến binh tuyệt vời cho những cuộc ẩu đả gặp phải trên đường. Mỗi con thỏ với những điểm mạnh riêng luôn nổ lực không ngừng để đến với vùng đất mới.
Rồi những nhân vật mới lần lượt xuất hiện, có kẻ thù, có bạn bè. Nhưng trên tất cả chúng nhận ra một điều rằng chúng đã học hỏi được rất nhiều điều, mà nếu sống ở cánh đồng quê nhà có khi đến cả đời chúng cũng chẳng thể có được. Chúng trở thành những chú thỏ cừ khôi, những trai tráng mạnh mẽ, vững chải mà ngay cả khi trở thành Cốt Cán cũng khó lòng trui rèn được. Nhưng đổi lại cái giá phải trả cho nó không hề nhỏ chút nào.
Thực sự mình không muốn
tiết lộ quá nhiều nội dung của quyển tiểu thuyết này vì như thế có thể sẽ làm
giảm sự thú vị khi các bạn trải nghiệm nó. Cứ để mọi thứ thật tươi mới, đọc và
cảm nhận trên chính ngôn từ của tác giả, các bạn sẽ thấy một thế giới rộng lớn
mở ra với những hương vị lạ từ bụi mâm xôi, hay những bông hoa đậu. Sau đó,giương
mắt nhìn những cây sồi to đùng, những vách núi cao chưng hửng không bao giờ biết
chóp núi cách mình bao xa, hay phóng xa tầm mắt để nhìn toàn cảnh thế giới ngoài
kia xa tít tới chân trời. Nếu mình là hoạ sĩ, điều đầu tiên mình làm có lẽ là đặt
cọ xuống và vẽ lên một bức tranh thực sự trong tưởng tượng của mình, nó thực sự
rất đẹp và quyến rũ. Thông thường các bạn có thể dễ chán khi đọc những đoạn miêu
tả cảnh vật dài ngoằn nhưng hãy đặt mình vào một tâm thế chủ động, tự vẽ ra cho
mình môt bức tranh của riêng mình dưới sự dẫn dắt của tác giả, bạn sẽ thấy vô cùng thích thú với nó. “Hãy đặt tầm nhìn thật thấp
và thả trí tưởng tượng bay thật cao”.
Giá
trị nhân văn của Đồi thỏ
Đồi thỏ không đơn thuần chỉ là một quyển tiểu thuyết thiếu nhi – hài hước, vui nhộn rồi quên lãng - mà dư âm của nó đọng lại trong lòng độc giả vô cùng sâu sắc. Với thiếu nhi đó là cuộc phiêu lưu đầy li kì hấp dẫn cùng với những phẩm chất tốt đẹp cần phải học tập, còn với người lớn thì ẩn đằng sau những câu chữ đó là những triết lý về cuộc sống. Đồi thỏ nhắc nhở chúng ta đừng bao giờ quá tự mãn với sự an nhàn sung túc mà ta cho là đương nhiên, nó vinh danh những người chống lại kẻ áp bức trong chính ngôi nhà mình và tìm kiếm tự do. Qua đó, tác giả cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo sự diệt vọng của động vật hoang dã, cũng như sự tàn bạo của loài người đang huỷ hoại dần cuộc sống của cả muôn loài trên Trái Đất này và cả chính họ nữa. Với chúng, loài người như là một kẻ thù đáng sợ và nguy hiểm nhất, với những chiếc máy brừm - brừm có thể tiêu diệt cả giống loài của chúng. Chúng cũng không thể chấp nhận làm con thỏ nhà, suốt ngày ở trong một cái lồng nhỏ không biết chút gì về thế giới bên ngoài. Vì thế chúng chọn đi, chọn tránh xa con người, chọn cho mình một cuộc sống tự do và hạnh phúc thật sự.
Có một câu nói trong tác phẩm này mình rất thích: “Loài vật không cư xử như con người. Nếu phải đánh nhau chúng sẽ đánh, nếu phải giết chúng sẽ giết. Nhưng chúng không ngồi lại với nhau, dùng trí khôn của mình để nghĩ ra những cách thức khác nhau hòng huỷ hoại của sống của cả sinh vật khác hoặc làm tổn thương chúng. Chúng có lòng tự trọng và tính thú.” Đúng vậy, chúng sẵn sàng đánh nhau sinh tử để bảo vệ đồng loại, để chứng tỏ bản thân, hay đơn giản chỉ là để giành một con mồi, nhưng một điều chắc chắn rằng, chúng sẽ chẳng bao giờ có cái ý nghĩ huỷ hoại một giống loài khác. Chúng tuân theo quy luật sinh tồn của tự nhiên, của tạo hoá. Chúng không làm bất kì điều gì nhằm phá vỡ những quy luật ấy. Đây cũng là điều mà mình vô cùng trân quý những con vật đó.
Lời
kết
Khép lại bài chia sẻ này, mình chỉ muốn nói với các bạn một điều, nếu các bạn là một người yêu sách thì đừng bỏ qua quyển sách này nhé. Hãy đọc và cảm nhận bằng cả trái tim như chính cách mà Richard Adams đã làm khi viết nên quyển sách này.
Tác giả: Jendy Nguyễn – Bookademy
---
Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các
thông tin thú vị về sách tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn
Tham gia Bookademy Team để có cơ hội đọc và nhận
những cuốn sách thú vị, đăng ký CTV tại link: https://goo.gl/forms/7pGl3eYeudJ3jXIE3