Đồi thỏ - một tác phẩm văn học vĩ đại, một bản trường ca lạ lùng về loài thỏ mở ra một thế giới đầy màu sắc với ngôn ngữ sáng tạo và những góc nhìn mới lạ về thế giới xung quanh. Nó còn là một sự pha trộn khéo léo giữa một thiên sử thi hào hùng và một câu chuyện phiêu lưu kì diệu. Quyển sách dành cho thiếu nhi nhưng lại có một sức hút mãnh liệt với người lớn, ẩn chứa những triết lý sống sâu sắc, những bài học về sự tin tưởng, tình cảm gia đình, sự gan dạ và hơn hết là khát khao tự do to lớn. Đồi thỏ của Richard Adams xứng đáng là tác phẩm văn học dành cho mọi thời đại.

Richard Adams là một nhà văn tài năng với nhiều cuốn tiểu thuyết đột phá, và Đồi thỏ là một trong những tác phẩm như thế. Câu chuyện bắt đầu từ sự việc khi tác giả 52 tuổi, đã kể cho hai cô con gái trên chuyến đi xe hơi dài ngày vì hai cô nói rắng cảm thấy rất buồn chán. Sau đó ông được thuyết phục viết lại quyển sách và xuất bản lần đầu vào năm 1972 tại Luân Đôn sau khi bị các nhà sản xuất từ chối đến bảy lần. Ngay sau đó, tác phẩm đã nhận được huy chương Carnegie và giải thưởng Guardian cho thể loại tiểu thuyết viết cho thiếu nhi. Vào năm 1973, Đồi thỏ chuyển thể thành phim hoạt hình. Đến năm 2003, BBC bầu chọn đây là quyển tiểu thuyết của mọi thời đại.

Thật ra, đến trước khi đọc xong Đồi thỏ, mình vẫn không hề biết rằng nó đã đạt được nhiều thành tựu như vậy. Có lẽ đó cũng chính là lý do vì sao lại có một sự cuốn hút đến lạ. Bạn có thể sẽ ngao ngán khi bắt đầu, bởi nó là quyển tiểu thuyết cho thiếu nhi nhưng lại có độ dày cho người lớn, đến tận 492 trang các bạn ạ. Nhưng tin mình đi, chỉ cần bạn bắt đầu, thì sẽ khó mà dừng lại được. Nó luôn cho ta cảm giác chờ đợi một điều gì đó, một chút bồn chồn, một chút lo lắng, cả sự tò mò và phấn khích, tất cả những cảm giác ấy hoà vào nhau tạo nên một dư vị rất lạ, mà mình chưa từng có trước đây. Nó cuốn ta vào từng câu chữ, từng sự việc diễn ra trong câu chuyện, và cứ thế nhẹ nhàng đưa ta đến tận trang cuối cùng lúc nào không hay. Và rồi đọng lại đâu đó trong ta một chút tiếc nuối, một chút hụt hẫng. Chẳng phải vì cái kết không hay mà là vì ta vẫn còn muốn được đắm mình vào chuyến phiêu lưu đó nữa, chẳng muốn phải dừng lại như thế. Nhưng mà câu chuyện nào rồi cũng có hồi kết, kết không có nghĩa là hết mà là để mở ra một trang mới, và ta cần phải chấp nhận điều đó. Có những quyển sách khi kết thúc, cảm xúc trong ta khá mờ nhạt, nhưng cũng có những quyển sách đến ngay khi nhận ra đã hết, bản thân ta cũng không muốn chấp nhận điều đó, mà cứ mãi lưu luyến dư vị của nó đến tận vài tuần hoặc hơn cả thế. Với mình Đồi thỏ là một tác phẩm như vậy.



Đồi thỏ - bản trường ca của những chàng thỏ can trường

Tờ News York Times đã dành những lời khen tặng cho quyển tiểu thuyết này như sau: “Đặt trong bối cảnh của Berkshire Down, nơi ông đã lớn lên trong một phong cảnh yên tĩnh của đồi cỏ, cánh đồng, suối và rừng phía tây Luân Đôn. Đồi thỏ là một câu chuyện thiếu nhi mang đậm tính cổ điển, đầy khám phá và đấu tranh… Đó câu chuyện ngụ ngôn vượt thời gian của tự do, đạo đức và bản chất con người. Vượt quá quyền hạn của lời nói và trí tuệ, tác giả Adams đã mang đến những nhân vật đầy tính nhân bản và chân thật thông qua những con thỏ, với nỗi sợ hãi run rẩy, thô lỗ, táo bạo và một văn hoá dân gian của tục ngữ và thơ ca”. Đồi thỏ là một cuộc hành trình dài hay chính xác hơn đó là cuộc di cư của loài thỏ đến vùng đất mới. Chuyến đi của những kẻ “vùng ngoài” - từ chỉ cấp bậc của những chú thỏ bình thường trong nhưng năm đầu đời - tưởng chừng là điều không thể, bởi những nguy hiểm  bên ngoài đang đe doạ và có thể tấn công chúng bất kì lúc nào. Thế nhưng chúng vẫn lựa chọn đi, đi để tìm sự tự do, để xây dựng cuộc sống hạnh phúc hơn ở vùng đất mới.

Cuộc phiêu lưu bắt đầu từ cánh đồng thỏ Sandleford, từ những chú thỏ non “vùng ngoại” dám tin tưởng vào linh cảm của một chú thỏ nhỏ ốm yếu rằng nơi họ đang sống yên bình sắp phải hứng chịu một hiểm hoạ đau thương. Và điều duy nhất có thể thoát khỏi mối đe doạ đó là rời bỏ cánh đồng quê nhà, đến một nơi khác để sinh sống. Thật khó tin và khó chấp nhận cho những chú thỏ khác, bởi không thể vì một lời nói của con thỏ không có dòng dõi danh giá, còn chưa đủ cân nặng và chiều cao mà họ phải rời bỏ một nơi quá đỗi êm ấm như thế này. Và cũng thật khó để thuyết phục được Chúa Thanh Lương Trà - Thủ Lĩnh của bầy thỏ - về những gì sắp diễn ra, vì thế điều chúng có thể làm duy nhất là huy động được càng nhiều thỏ đi cùng càng tốt. Và hẹn nhau khi trăng lên, chuyến hành trình sẽ bắt đầu. Sau bao nhiêu nổ lực, họ đã thuyết phục được một số thỏ đi cùng, và đoàn hành quân có những chiến binh sau: Cây Phỉ, Thứ Năm, Nồi Đất, Tóc Giả, Bồ Công Anh, Mâm Xôi, Gạc Nai, Xám Bạc, Quả Sồi. Vào một đêm trăng, sau một cuộc ẩu đả và trượt đuổi điên cuồng, cuộc hành quân của họ chính thức bắt đầu.

Dưới sự chỉ đạo của Thủ lĩnh Cây Phỉ, cùng linh cảm của Thứ Năm nhỏ bé, bầy thỏ đã vượt qua bao nhiêu những khó khăn: từ cánh đồng thỏ  “nhân tạo” của bọn Anh Thảo Vàng, đến cuộc chạm trán với mòng biển Kehaar, rồi thử thách tìm thỏ cái ở trang trại Nuthanger và Efrara, sau đó là cuộc đối đầu với Thống Soái Hoắc Hương , và với con người… Có những cuộc chiến đấu kề cận cái chết, tưởng chừng như mọi thứ đã kết thúc, nhưng rồi chính sự yêu thương, đoàn kết và lòng dũng cảm đã giúp chúng vượt qua tất thảy. Từ những chú thỏ xa lạ, với những cái tôi cao ngạo, nhưng cũng chính từ các cuộc chiến sinh tử ấy mà họ trở nên gắn bó và trân quý nhau hơn - điều mà trước đây, trên cánh đồng thỏ quê nhà, họ chưa từng cảm nhận được. 



Chuyến phiêu lưu của bầy thỏ chưa bao giờ là nhàm chán dưới ngòi bút của Richard Adams. Với mình, mỗi trang sách hiện lên như một bức tranh tuyệt đẹp bằng ngôn từ, thả trí tưởng tượng theo ngòi bút của Adams và rồi cả thế giới của Đồi Thỏ sẽ hiện ra vô cùng rõ nét và sống động: “Một thế giới mà ta chưa bao giờ được thấy, nơi cuộc sống đang phập phồng ngoài kia trên cánh đồng, trong rừng cây, bên bờ sông, xa khỏi các đô thị và thành phố”.

Bên cạnh câu chuyện phiêu lưu, những câu chuyện huyền thoại về tổ tiên loài thỏ - hoàng tử có ngàn kẻ thù El-Ahraihah - được kể lại qua lời của chú thỏ Bồ Công Anh, như là động lực cho bọn thỏ tiếp bước trên chặn đường gian nan của chúng. Cũng như loài người, truyện cổ của loài thỏ như một kho báu vô tận về cách sống, cách nghĩ, những bài học đặc trưng của giống loài, tất cả được kể lại rất hài hước và dí dỏm, như một nét nhấn nhá cho mạch truyện trở nên vui tươi và mới mẻ hơn. Một điểm đặc biệt tạo nên thành công cho tác phẩm đó là tác giả đã đặt mình vào vị trí của một chú thỏ thực sự, giương đôi mắt ngắm nhìn thế giới ở vị trí thấp để rồi cảm nhận thế giới bằng chính bản năng và cả trái tim. Cũng từ đó mà không gian thiên nhiên trở nên sinh động, gần gũi, vạn vật xung quanh trở nên cao lớn hơn rộng rãi hơn, nhiều mùi vị hơn và âm sắc rõ ràng hơn. Đó chính là lý do vì sao mà mình nói tác giả Adams đã vẽ nên những bức tranh ngôn từ tuyệt vời đến nhường nào.

Đánh giá toàn thể thì đây là một tác phẩm tuyệt vời, tuy nhiên, khi mới bắt đầu mình cũng không khỏi bối rối vì có quá nhiều thỏ với những cái tên lạ hoắc. Mình thấy nhiều bạn bảo rằng những con thỏ mang cái tên thân thuộc, gần gũi, nhưng với mình mà nói thì đây là những cái tên lạ và khó nhớ. Mình phải thừa nhận rằng khi mới đọc mình dễ bị rối bởi mấy cái tên này.

Và mỗi lần đọc đến một cái tên mình phải suy nghĩ xem đó là con thỏ nào cơ, nhiều thỏ lắm các bạn ạ. Mỗi con mang một tính cách, một nét đặc trưng riêng. Richard Adams đã xây dựng chúng như những chiến binh thực sự. Cây phỉ gan dạ, quyết đoán, có chiến lược và tầm nhìn xa, xứng đáng là thủ lĩnh bầy thỏ, Tóc Giả cao ngạo, hiếu chiến, mạnh mẽ và lực lưỡng như là một dũng tướng thực thụ. Thứ Năm bé nhỏ, yếu ớt nhưng sở hữu những linh cảm đặc biệt. Nồi Đất nhỏ xíu, nhút nhát, nhưng vô cùng ngoan ngoãn và chỉ có chú mới đảm nhận được một số nhiệm  vụ đặc biệt. Một thành viên không thể thiếu trong đoàn đó là quân sư Bồ Công Anh - một nhân vật gắn liền với những câu chuyện thần thoại của tổ tiên loài thỏ , với những mưu kế hoàn hảo giúp chuyến hành quân trở nên dễ dàng hơn. Gạc Nai, Xám Bạc, Mâm Xôi nhanh nhẹn, vững vàng và dai sức là chiến binh tuyệt vời cho những cuộc ẩu đả gặp phải trên đường. Mỗi con thỏ với những điểm mạnh riêng luôn nổ lực không ngừng để đến với vùng đất mới.

Rồi những nhân vật mới lần lượt xuất hiện, có kẻ thù, có bạn bè. Nhưng trên tất cả chúng nhận ra một điều rằng chúng đã học hỏi được rất nhiều điều, mà nếu sống ở cánh đồng quê nhà có khi đến cả đời chúng cũng chẳng thể có được. Chúng trở thành những chú thỏ cừ khôi, những trai tráng mạnh mẽ, vững chải mà ngay cả khi trở thành Cốt Cán cũng khó lòng trui rèn được. Nhưng đổi lại cái giá phải trả cho nó không hề nhỏ chút nào.



Thực sự mình không muốn tiết lộ quá nhiều nội dung của quyển tiểu thuyết này vì như thế có thể sẽ làm giảm sự thú vị khi các bạn trải nghiệm nó. Cứ để mọi thứ thật tươi mới, đọc và cảm nhận trên chính ngôn từ của tác giả, các bạn sẽ thấy một thế giới rộng lớn mở ra với những hương vị lạ từ bụi mâm xôi, hay những bông hoa đậu. Sau đó,giương mắt nhìn những cây sồi to đùng, những vách núi cao chưng hửng không bao giờ biết chóp núi cách mình bao xa, hay phóng xa tầm mắt để nhìn toàn cảnh thế giới ngoài kia xa tít tới chân trời. Nếu mình là hoạ sĩ, điều đầu tiên mình làm có lẽ là đặt cọ xuống và vẽ lên một bức tranh thực sự trong tưởng tượng của mình, nó thực sự rất đẹp và quyến rũ. Thông thường các bạn có thể dễ chán khi đọc những đoạn miêu tả cảnh vật dài ngoằn nhưng hãy đặt mình vào một tâm thế chủ động, tự vẽ ra cho mình môt bức tranh của riêng mình dưới sự dẫn dắt của tác giả, bạn sẽ thấy vô cùng  thích thú với nó. “Hãy đặt tầm nhìn thật thấp và thả trí tưởng tượng bay thật cao”.

Giá trị nhân văn của Đồi thỏ

Đồi thỏ không đơn thuần chỉ là một quyển tiểu thuyết thiếu nhi – hài hước, vui nhộn rồi quên lãng - mà dư âm của nó đọng lại trong lòng độc giả vô cùng sâu sắc. Với thiếu nhi đó là cuộc phiêu lưu đầy li kì hấp dẫn cùng với những phẩm chất tốt đẹp cần phải học tập, còn với người lớn thì ẩn đằng sau những câu chữ đó là những triết lý về cuộc sống. Đồi thỏ nhắc nhở chúng ta đừng bao giờ quá tự mãn với sự an nhàn sung túc mà ta cho là đương nhiên, nó vinh danh những người chống lại kẻ áp bức trong chính ngôi nhà mình và tìm kiếm tự do. Qua đó, tác giả cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo sự diệt vọng của động vật hoang dã, cũng như sự tàn bạo của loài người đang huỷ hoại dần cuộc sống của cả muôn loài trên Trái Đất này và cả chính họ nữa. Với chúng, loài người như là một kẻ thù đáng sợ và nguy hiểm nhất, với những chiếc máy brừm - brừm có thể tiêu diệt cả giống loài của chúng. Chúng cũng không thể chấp nhận làm con thỏ nhà, suốt ngày ở trong một cái lồng nhỏ không biết chút gì về thế giới bên ngoài. Vì thế chúng chọn đi, chọn tránh xa con người, chọn cho mình một cuộc sống tự do và hạnh phúc thật sự. 


Có một câu nói trong tác phẩm này mình rất thích: “Loài vật không cư xử như con người. Nếu phải đánh nhau chúng sẽ đánh, nếu phải giết chúng sẽ giết. Nhưng chúng không ngồi lại với nhau, dùng trí khôn của mình để nghĩ ra những cách thức khác nhau hòng huỷ hoại của sống của cả sinh vật khác hoặc làm tổn thương chúng. Chúng có lòng tự trọng và tính thú.” Đúng vậy, chúng sẵn sàng đánh nhau sinh tử để bảo vệ đồng loại, để chứng tỏ bản thân, hay đơn giản chỉ là để giành một con mồi, nhưng một điều chắc chắn rằng, chúng sẽ chẳng bao giờ có cái ý nghĩ huỷ hoại một giống loài khác. Chúng tuân theo quy luật sinh tồn của tự nhiên, của tạo hoá. Chúng không làm bất kì điều gì nhằm phá vỡ những quy luật ấy. Đây cũng là điều mà mình vô cùng trân quý những con vật đó.

Lời kết

Khép lại bài chia sẻ này, mình chỉ muốn nói với các bạn một điều, nếu các bạn là một người yêu sách thì đừng bỏ qua quyển sách này nhé. Hãy đọc và cảm nhận bằng cả trái tim như chính cách mà Richard Adams đã làm khi viết nên quyển sách này.

Tác giả: Jendy Nguyễn – Bookademy

---

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn

Tham gia Bookademy Team để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị, đăng ký CTV tại link: https://goo.gl/forms/7pGl3eYeudJ3jXIE3

Xem thêm

Tóm tắt: “Đồi thỏ” - một bản trường ca về loài thỏ, là chuyến hành trình của 11 chú thỏ liều lĩnh bỏ lại đồi Sandleford để đi tìm một vùng đất mới. Sau khi Thứ Năm với linh cảm đặc biệt mạnh mẽ của mình thấy được Sandleford sẽ bị con người san phẳng, Cây Phỉ đã kêu gọi mọi người đi trốn. Đàn thỏ trải qua vô vàn gian khó từ thoát khỏi Đội Cốt cán của chúa Thanh Lương Trà nơi quê nhà, vượt sông, ngủ trong đêm mưa rét và nguy hiểm, đến gặp gỡ Anh Thảo Vàng, rơi vào cánh đồng Efrafa của Thống soái Hoắc Hương, đi giữa ranh giới của sự sống và cái chết, chiến đấu lại tiếp tục chiến đấu. Một cuốn sách dày hơn 500 trang cùng rất nhiều nhân vật và địa danh dường như quá nặng, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng đối với thể loại sách thiếu nhi. Song đó chính là cái tài của nhà văn Anh Richard Adams, mở ra nhiều cuộc phiêu lưu hấp dẫn, mang đến cho độc giả bao nhiêu bài học quý giá.

Cảm nhận: Đúng như mệnh danh của nó, "Đồi thỏ" là một bản trường ca, trường ca về loài thỏ, còn là bản trường ca về sự vận hành của cuộc sống, về thiên nhiên và con người.

Tôi nể Richard Adams, bằng hiểu biết sâu rộng tập tính của loài thỏ, có thể viết nên một chuyến hành trình kì vĩ đến thế. Tôi được cuốn đi theo nhịp điệu vội vã mỗi lần cả đàn trốn chạy, cũng hào hứng khi Cây Phỉ hoặc Mâm Xôi tìm ra lối giải thoát, hay cảm thấy ấm áp khi từng chú từng chú tin tưởng, gắn kết nhau hơn và những phút giây đáng iu của đàn với người bạn mới. Richard Adams đã xây dựng hệ thống nhân vật ấn tượng, mỗi nhân vật có những tính cách nổi bật và tác giả miêu tả tâm lí của từng nhân vật thật sự hợp lý.

Lật thêm một trang văn là thêm những nét đẹp của tạo hoá hiện ra trước mắt, từ áng hoàng hôn đỏ thẫm cả cánh đồng thỏ, màn mưa âm trầm, nặng nề của khu rừng về đêm, đến trang trại hoa vàng ấm áp cùng dải đồi cao nhìn xuống là xanh ngút ngàn.Một điều thú vị nữa trong cuốn sách là có nhiều loại ngôn ngữ khác nhau, ngôn ngữ của loài thỏ, ngôn ngữ của những loài vật sống bên bờ rào và ngôn ngữ của những loài vật từ nơi Nước lớn. Cả tên gọi của từng nhân vật cũng rất đặc sắc, là Tóc Giả (Bigwig) nhưng trong ngôn ngữ của loài là Thlayli hay cô thỏ Xào Xạc mang âm sắc rất thơ, Thethuthinnang (theo loài thỏ) nghĩa là "sự chuyển động của lá”.

Bên cạnh chuyến hành trình dài, Richard còn đan xen nhiều câu chuyện về El-ahrairah, thỏ Đen Inlé, cùng các vị thần được kể qua những chú thỏ kể chuyện. Đó là bản sử thi hùng tráng của tổ tiên chúng, là nguồn động lực cho đàn thỏ mỗi lần rơi vào bế tắc. Cha ông chúng bản lĩnh, ranh mãnh như thế, chúng bây giờ đối mặt với hiểm nguy cũng kiên cường, đoàn kết và khéo léo chẳng kém. Tác giả đặt hai thế hệ song hành, là một sự quy chiếu, càng làm bật lên tài năng, sức mạnh của loài thỏ.

"Đồi thỏ" là truyện về loài vật, vẫn đầy đủ các nét riêng biệt, tập tính của loài này, nhưng ta hoàn toàn thấy được sự phân chia cấp bậc, cách quản lí một tập thể như thế giới của con người. Và miền đất hứa phải chăng là nơi con người có thể sống với nhau bằng tình yêu thương, sự tin tưởng chứ không phải áp bức, sống một cuộc đời có lao động nhưng cũng có những niềm vui.

Trong cuốn sách, tôi gặp đồi Sandleford bị phá huỷ thành công trường, cánh đồng của Anh Thảo Vàng, nơi đầy đủ thức ăn nhưng tù túng, bạc nhược, luôn phảng phất hơi lạnh của bẫy thép. Tôi gặp cánh đồng Efrafa, cả lịch sử của nó và người đứng đầu nơi đây là Thống soái Hoắc Hương cũng bị tác động bởi con người, gặp trang trại Nuthanger, dòng sông Test. Và đến cuối cùng tôi đã gặp được Watership, “đồi thỏ”, điểm kết thúc của chuyến hành trình, một nơi an toàn, cao ráo, tránh xa mọi kẻ thù. Có lẽ “đồi thỏ” là thế, là nơi con người không can dự vào thiên nhiên, để loài vật được tự do và sinh sống đúng như bản chất của mình.

Nhưng không phải tất cả con người đều xấu, vẫn còn cô bé Lucy và bác sĩ, giúp đỡ Cây Phỉ thoát khỏi đám mèo nhà, trở về đồi. Vậy thôi là đủ, rằng vẫn luôn tồn tại những điểu tử tế trong cuộc đời này, rằng tấm lòng trắc ẩn vẫn là bản tính của con người, và tôi tin cô bé ấy, cũng như rất nhiều đứa trẻ khác sẽ lớn lên với tình yêu thiên nhiên và lòng kính trọng muôn loài.

5 điểm

“Đồi thỏ” một tuyệt tác của nhà văn nổi tiếng Richard Adams sẽ khiến những độc giả nhỏ tuổi vô cùng thích thú trước một cuộc phiêu lưu của những chú thỏ đáng yêu. Không chỉ trẻ em mà cuốn sách này người lớn cũng có thể đọc và ngẫm nghĩ về những thông điệp đầy ý nghĩa nhân văn mà tác giả muốn truyền tải. Tác phẩm tuy khá dài nhưng yên tâm, bạn sẽ không thể nào rời mắt khỏi nó một khi đọc những trang đầu tiên rồi.

Nội dung cuốn sách về hành trình tìm kiếm một mảnh đất mới để sinh sống và xây dựng một cuộc sống mơ ước của những chú thỏ sau khi nơi trú ẩn của chúng bị loài người tàn phá, những đồi cỏ mộng mơ nay phải nhường chỗ cho những tòa nhà hiện đại. Thông qua chuyến hành trình đó, độc giả sẽ tận hưởng những vẻ đẹp của thiên nhiên qua đôi mắt của những chú thỏ đầy dũng mãnh và ý chí này. Không những thế, các bạn còn có thể tìm hiểu thêm về những tập tính, hành động của những chú thỏ được thể hiện vô cùng nhuần nhuyễn, hấp dẫn và đôi khi cũng rất hài hước.

Xuyên suốt tác phẩm, trí óc tưởng tượng tuyệt vời của Richard Adams chắc chắn sẽ khiến bạn đi từ ngạc nhiên, ngỡ ngàng rồi đến khâm phục trước tài năng của ông. Tuy tất cả đều là những chú thỏ nhưng mỗi nhân vật đều có một cái tên riêng như Cây Phỉ, Thứ Năm, Bồ Công Anh, Anh Thảo Vàng, Hoắc Hương… và mỗi chú thỏ đều được khắc họa ngoại hình và tính cách rất rõ nét để độc giả dễ nhận biết và nắm bắt câu chuyện dễ dàng hơn.

Cuộc hành trình của thỏ, dưới góc nhìn của thỏ, được nhân hóa như những chiến binh con người thực sự từ lối suy nghĩ đến hành động nhưng không mất đi tính đặc trưng của loài thỏ. Không những thế, càng đọc, bạn sẽ mau chóng bị thu hút vào những cuộc hội thoại, những dòng suy nghĩ mà vô tình nghĩ mình cũng là thỏ, (hoặc người) chứ không còn phân biệt giống loài gì nữa.

Các khung cảnh tự nhiên cũng được tác giả chú trọng khắc họa để dễ dàng giúp người đọc tưởng tượng ra một khung cảnh thiên nhiên trữ tình, nên thơ của những vùng đất các chú thỏ đi qua.

Mạch truyện cũng rất liền mạch, lô gíc dù có nhiều dòng sự kiện hoặc lời kể khác nhau đôi chút. Xen lẫn vào đó là những đoạn miêu tả khiến câu truyện không bị đẩy nhanh quá mà vẫn từ tốn, đưa người đọc vào một thế giới loài thỏ thực sự, không còn mang cảm tính con người nữa. Tất nhiên, câu chuyện sẽ không thể nào thành công nếu thiếu cao trào và cách tác giả dẫn dắt, tọa nút thắt rồi gỡ bỏ rất hợp lý, đưa đẩy nhịp nhàng và bố trí đều đặn trong suốt hành trình phiêu lưu để người đọc không kịp ngán.

“Đồi thỏ là một bản trường ca lạ lùng, mở ra một thế giới mà ta chưa bao giờ thấy được, nơi cuộc sống đang phập phồng ngoài kia trên cánh đồng, trong rừng cây, bên bờ sông, xa khỏi các đô thị và thành phố”.

Không những thế, “Đồi thỏ” còn là một áng văn có ý nghĩa to lớn hơn một cuộc hành trình tìm miền đất mới của lũ thỏ.  Có rất nhiều phân đoạn trong tác phẩm mà nếu đọc đến, bạn sẽ phải giật mình trước những tác động tai hại mà con người đã gây ra cho sinh vật này và cả tự nhiên.

“Loài người sẽ không bao giờ dừng lại cho tới khi họ làm ô nhiễm cả trái đất và hủy hoại các loài động vật.”

Những khung cảnh đẹp như tranh vẽ mà tác giả đã vẽ nên qua đôi mắt của loài thỏ đang dần bị tàn phá bởi những tòa cao ốc, bởi những khu vui chơi. Bên cạnh đó, nơi sinh sống của các sinh vật ngày càng thu hẹp, số lượng các cá thể giảm dần theo thời gian… cũng là những vấn đề mà con người hầu như chẳng hề đoái hoài tới.  

Ngoài ra, tác phẩm còn mượn tính cách loài thỏ để nói về bản tính con người.

“Loài vật không cư xử như con người. Nếu phải đánh nhau chúng sẽ đánh, nếu phải giết chúng sẽ giết. Nhưng chúng không không ngồi lại với nhau, dùng trí khôn của mình để nghĩ ra những cách thức khác nhau hòng hủy hoại cuộc sống hoặc làm tổn thương những sinh vật khác. Chúng có lòng tự trọng và tính thú.”

Rõ ràng, chỉ với đoạn trích trên cũng đủ để cho thấy sự khác biệt giữa lối sống và tư duy của loài thỏ so với con người. Chúng chỉ là những sinh vật nhỏ bé thôi mà đã có những tâm tư vượt lên trên rất nhiều con người hiện tại. Liệu chúng ta có còn tự trọng như chúng hay không?

Không chỉ là tài năng viết lách mà còn nổi bật bởi trí óc tưởng tượng siêu phàm, chỉ qua đôi mắt của những chú thỏ nhỏ bé, tác giả Richard Adams đã có thể vẽ nên một thế giới đồng quê rộng lớn với những khung hình lãng mạn như trong những bộ phim Hollywood dù rằng chúng chỉ là những miền quê bình thường. Và nổi bật hơn trên đó là những chiến binh thỏ với hành trình tìm miền đất mới, luôn phải chiến đấu với những thế lực thù địch và sở hữu những nét tính cách cực kỳ ấn tượng, chẳng thua kém gì loài người chúng ta.

Có thể nói, “Đồi thỏ” là một áng văn đầy gợi mở, kích thích mà bảo đảm bạn sẽ nhanh chóng bị cuốn vào thế giới nhiệm màu ấy. Hãy là một đứa trẻ và là người gã trưởng thành khi đọc cuốn sách, bạn sẽ nhận ra những điều tuyệt vời ở sau mỗi trang sách ấy! Hãy đọc và cảm nhận ngay nào!

Mình rất thích lời bình phía sau bìa sách nói rằng Đồi Thỏ là một “bản trường ca lạ lùng”, và rằng câu chuyện “mở ra một thế giới mà ta chưa bao giờ thấy được, nơi cuộc sống đang phập phồng ngoài kia trên cánh đồng, trong rừng cây, bên bờ sông, xa khỏi các đô thị và thành phố”. Cũng như những tác phẩm khác viết về loài vật như Dế mèn phiêu lưu ký hay Gió qua rặng liễu, Đồi Thỏ là thế giới diệu kỳ của những loài động vật tí hon nơi một cái hang dưới lùm cây hay một bụi hoa dại và cỏ khô cũng là cả một xã hội thu nhỏ. Người đọc không thể ngừng ngưỡng mộ tài năng quan sát và miêu tả của tác giả (bản thân mình đôi khi cứ phải tự hỏi có phải ông nhà văn này đã chuyển hộ khẩu vào rừng và nằm bẹp xuống đất để quan sát mọi vật từ góc nhìn của một con thỏ hay không. Nhiều người thường chỉ thích đọc những đoạn tả hành động và bỏ qua những đoạn miêu tả cảnh vật nhưng mình thì rất thích. Đọc những đoạn tả cảnh thì phải vận dụng trí tưởng tượng một chút nếu không thì đúng là dễ thấy buồn ngủ thật) Nhà văn Nicholas Tucker còn nhận xét rằng qua Đồi thỏ bạn đọc có thể thấy được “tình yêu và hiểu biết của tác giả về chim chóc, cỏ cây, côn trùng. Ông biến một vùng quê nho nhỏ thành cả một vũ trụ đầy xúc động.”

Có những cuốn sách mà khi đọc bạn nửa háo hức muốn đến trang cuối ngay lập tức , nửa muốn câu chuyện cứ kéo dài mãi, không bao giờ kết thúc. Có những cuốn sách mà dư âm của nó khiến bạn “đờ đẫn” mất vài ngày, thậm chí vài tháng sau khi đọc xong, cứ vẩn vơ suy nghĩ mãi về một vài tình tiết, tưởng tượng về cuộc sống của các nhân vật sau cái kết hay đơn giản là cảm thấy buồn buồn, nuối tiếc khi phải nói lời tạm biệt với các nhân vật mà bạn đã cùng họ trải qua đủ mọi cung bậc cảm xúc. Có những cuốn sách lại khiến cho bạn cảm thấy ngưỡng mộ, kính trọng bởi nó mô tả một thế giới lạ lùng, hùng vĩ hoặc đầy ắp những điều kỳ diệu nhưng lại vô cùng chi tiết và rõ ràng.

Tất cả những điều trên đều có thể dùng để miêu tả về Đồi Thỏ (Watership Down) – một trong những tác phẩm văn học Anh kinh điển của tác giả Richard Adams. Phải nói là đã lâu rồi mình không đọc một cuốn sách nào thực sự dày, cuốn gần nhất là Suối Nguồn hơn 1000 trang nhưng khổ nhỏ hơn, Đồi Thỏ chỉ dày 494 trang ( cơ mà thử thách đọc sách 2015 của mình lại có mục một cuốn sách dày 500 trang có buồn không cơ chứ, du di đi một tẹo thì cũng được nhưng làm thế lại cắn rứt lương tâm lắm) nhưng hẳn cũng sẽ khiến cho nhiều người cảm thấy ngại đọc, nhất là khi nó chẳng có chút tình yêu tình báo hay yếu tố giải trí nào mà chỉ toàn thỏ, thỏ và cỏ. Nhiều người lại nghĩ đây là một cuốn sách thuần túy dành cho thiếu nhi, kiểu Dế mèn phiêu lưu ký. Thế nhưng Đồi Thỏ là một bản anh hùng ca thực sự, một cuộc tranh đấu vĩ đại để sinh tồn và duy trì giống nòi của những kẻ không chấp nhận sống cuộc đời nhàn nhã nhưng hèn hạ, tù túng; ù lì, tự mãn trong sự sung túc giả tạo mà quên mất rằng mình là ai. Một cuốn sách có sức lôi cuốn tuyệt vời, tác phẩm kinh điển dành cho mọi lứa tuổi.

“Đồi thỏ” kể về cuộc di cư của một nhóm những chú thỏ để tìm về một vùng đất an lành. Tất cả bắt nguồn từ dự cảm mơ hồ của một chú thỏ tên là Thứ Năm. Một bầy những chú thỏ không phải là xuất sắc nhất, chỉ là những mảnh ghép chắp vá cùng nhau lên đường, trải qua biết bao chuyện ly kỳ mạo hiểm không tưởng, vượt qua mọi giới hạn của loài thỏ để tìm kiếm điều gì mà chính chúng cũng không rõ. Hình ảnh của loài thỏ hiện lên một cách sống động với những tập quán, đặc tính đặc trưng riêng. Loài thỏ sinh ra là loài yếu đuối, không hề có vũ khí gì để tự vệ, tất cả những gì loài thỏ có đó là “chạy”. Giữa những cuộc phiêu lưu, tác giả chèn vào những truyền thuyết về ngài Thỏ vĩ đại, về trí thông minh láu lỉnh của Anh Hùng Thỏ để vượt qua Thần Mặt trời. Tính thuyết phục của câu chuyện nằm ở chỗ tác giả đã nghiên cứu rất kỹ những tập quán của loài thỏ để thực sự khiến người đọc nhìn cuộc phiêu lưu bằng cái nhìn của một con thỏ. Mỗi một nhân vật “thỏ” được khắc họa những nét tính cách rất riêng. Cây Phỉ thủ lĩnh không phải là con thỏ to lớn nhất, mạnh nhất, cũng không phải con thỏ thông thái nhất, mà chỉ như là cầu nối, là niềm tin cho cả đàn. Thứ Năm thì yếu ớt, nhưng nhạy cảm và được dự cảm những dấu hiệu tương lai dù những dấu hiệu ấy không phải lúc nào cũng rõ ràng và không ít lần đã gây ra những tranh cãi trong đàn. Tóc Giả nóng nảy nhưng quả cảm, với sức mạnh và tinh thần chiến đấu quật cường. Mình thích nhất chi tiết Cây Phỉ, lúc này bị thương một chân, đến gặp thủ lĩnh Hoắc Hương để nói chuyện thì bị nhầm tưởng chỉ là con thỏ sứ giả què quặt nên không giết mà cho truyền tin trở lại. Rồi hình ảnh Tóc Giả dũng mãnh, to lớn nhất, thiện chiến nhất khiến kẻ thù lầm tưởng là Thỏ thủ lĩnh nhưng khi biết Tóc Giả chưa phải là Thỏ thủ lĩnh thì đã khiến kẻ thù khiếp sợ khi nghĩ đến thế lực còn lớn hơn Tóc Giả nữa. Cách tổ chức đàn của thống soái Hoắc Hương tuy khắc nghiệt nhưng không phải là không có những điểm ưu việt đáng để học hỏi. Truyện vừa như một câu chuyện ngụ ngôn, vừa như một chuyện phiêu lưu kỳ diệu, đầy những bài học cuộc sống, tình yêu thương thiên nhiên, và không ít những bất ngờ đã lôi cuốn biết bao thế hệ độc giả.

“Mùa hoa anh thảo đã qua đi” .... “nơi những bông anh thảo đầu tiên bắt đầu nở” là mở đầu và kết thúc của Đồi Thỏ - thiên tiểu thuyết dạt dào nhạc điệu, tràn ngập tình yêu cuộc sống - như dấu hiệu một vòng tuần hoàn của tự nhiên, nơi sự sống đang vận động và sinh sôi. Thả hồn mình theo chuyến phiêu lưu kỳ thú, gian nan mà đầy thơ mộng của những chú thỏ gan dạ, thông minh, trượng nghĩa trong chuyến đi tìm miền đất hứa, ta sẽ thấy rộn rã trong tim mình khúc tình ca ngọt ngào, sôi nổi. Chuyện bắt đầu bằng nỗi lo sợ mơ hồ của Thứ Năm - chú thỏ còi cọc, ốm yếu được sinh ra trong một điềm báo xấu. Theo Thứ Năm, vùng đất yên ả chúng sống bao năm qua đã trở nên ngột ngạt, “giống như có chiếc thòng lọng đang siết quanh cổ, giống như chiếc bẫy sắp sập xuống”. Không thể thuyết phục được Chúa Thanh Lương Trà di dân cả cộng đồng, Cây Phỉ, Thứ Năm cùng vài người bạn dấn thân tìm kiếm một miền đất thanh bình, tránh xa hiểm nguy đang rình rập. Để đi và kiếm tìm nơi bình yên ấy, chỉ với hơn mười thành viên thỏ, chúng đã trải qua bao gian nguy: từ kẻ săn mồi, thời tiết, con người đến những mối nguy từ bản tính nội tại của loài thỏ: nỗi sợ hãi, những tập tính ngấm vào máu cả ngàn đời chẳng phù hợp với những chuyến đi xa, trên những vùng đất bằng phẳng, chống chếnh và rộng lớn. Từng bước nhảy của chuyến đi cuốn người đọc vào những câu chuyện đầy phấn khích, say mê. Càng về cuối, chuyến phiêu lưu càng trở nên kịch tính và đầy xúc cảm, thế nhưng tôi yêu thích đoạn dừng chân tại cánh đồng thỏ của Anh Thảo Vàng với cuộc sống sung túc nơi những con thỏ béo mượt, an nhàn và đầy “mùi của sự giàu có và no đủ”. Vượt qua cả những ham muốn về nhu cầu thiết yếu nhất của loài thỏ về những bữa tiệc “sực mùi xa hoa” bằng cà rốt, về những cái hang ấm áp, thân thiện, các chú dứt khoát ra đi, tìm vùng đất mang đến cho mình hạnh phúc đích thực, nơi chúng được tự do quyết định vận mệnh của cuộc đời mình. Đồi Thỏ có cấu trúc truyện lồng trong truyện, xen giữa những cuộc phiêu lưu, là những giờ phút êm đềm quây quần nghe bậc thầy Bồ Công Anh ca lên khúc ca ngợi ca trí tuệ, sự tinh ranh và tinh thần quật cường của El-Ahrairah – ông tổ của loài thỏ - bằng những câu chuyện li kỳ, huyền diệu. Mạch kể song song nhưng không hề rối và cho đến những trang cuối cùng, người đọc mơ màng nhận ra hai mạch truyện đã hoà vào làm một, những trải nghiệm hùng tráng đầy tính sử thi đã khiến những chú thỏ thuộc tầng lớp “kẻ vùng ngoài” cũng đã góp phần mình làm nên một huyền thoại... Đồi Thỏ đẹp đẽ như những vần thơ ngợi ca khát vọng tự do, khát vọng chinh phục và trên hết là những bài học thật sâu sắc đầy triết luận. Mỗi nhân vật được khắc hoạ một tính cách riêng biệt, độc đáo mà vẫn đầy chất “thỏ”. Mỗi chú có một phần trọng trách, khiến tôi cảm tưởng rằng, nếu chỉ thiếu một chú thôi, chuyến đi sẽ sớm chấm dứt trong tan tác, thương đau. Thứ Năm nhỏ bé, yếu đuối, có dự cảm tốt, Tóc Giả năng nổ, kiêu dũng, Xám Bạc, Bồ Công Anh... hay Nồi Đất, tuy mạnh yếu khác nhau đều một lòng trung thành, quan tâm chăm sóc nhau chu đáo, cùng góp tên mình vào bản hùng ca đầy mê say. Nhân vật chú thỏ đến từ miền Efrafa, chú Blackkavar cũng được tác giả điểm những nét vẽ sắc sảo với xuất thân đặc biệt, tính cách ngoan cường và đầy trí tuệ. Ngay cả nhân vật được coi là phản diện cũng khiến người đọc thán phục. Thống soái Hoắc Hương gan dạ, liều lĩnh “sẵn lòng đánh nhau với bất cứ kẻ thù nào”, “cưỡng được nỗi sợ hãi mê mụ chết người của thỏ trước kẻ thù truyền kiếp”, mang trong mình đầy ăm ắp “khát khao quyền lực” và sự tự tôn đến ngạo nghễ. Đặc biệt nổi bật là thủ lĩnh Cây Phỉ quả cảm, quyết đoán. Cây Phỉ không mạnh như Tóc Giả hay các Cốt Cán khác, chú cũng không có năng lực dự cảm nhưng với tầm nhìn sâu rộng, tinh thần trách nhiệm vì cộng đồng cao cả, chú càng lúc càng chứng tỏ được tầm vóc của mình và xứng đáng trở thành “Cốt Cán huyền thoại”... Vùng đất ước mơ mà chú gây dựng lên đã trở thành thiên đường đúng nghĩa của loài thỏ. Cảnh sắc thiên nhiên êm đềm, mỹ lệ qua những bước chân của bầy thỏ đẹp đến mê đắm cùng những bức tranh minh hoạ màu xen kẽ khiến người đọc như ngẩn ngơ đến lạc lối. Và chẳng thể không đau lòng đến xót xa khi những dấu vết của đồng loại ta như những vết cắt xé nham nhở của bức vẽ trong veo ấy: Những con đường nhựa cùng chiếc “brừm brừm”, những chiếc bẫy ứa máu, những que trắng trên môi mà đỉnh điểm là cuộc tàn sát nơi quê hương của bầy thỏ - nơi câu chuyện bắt đầu qua lời kể của nhân chứng sống Nhựa Ruồi mà những chú thỏ can đảm phải đau lòng bỏ lại phía sau. Sẽ chẳng dễ dàng để phân định lứa tuổi phù hợp để đọc cuốn sách. Dù rằng cuốn sách là góp nhặt những câu chuyện tác giả vẫn thường kể cho các con nghe và vinh dự nhận được Huy chương Carneigie cùng giải thưởng Guardian cho thể loại tiểu thuyết viết cho thiếu nhi, nhưng mỗi triết lý thâm trầm, mỗi biểu tượng mang tính tôn giáo, tín ngưỡng và xã hội mà tác giả lồng vào câu chuyện đều khiến mỗi người đọc đều có những suy ngẫm của riêng mình, để những câu chuyện lúc “trà dư hậu tửu” của những người đã đọc Đồi Thỏ cứ kéo dài bất tận...