Dù hiện tại, thị trường sách văn học thiếu nhi có rất nhiều tác giả, tác phẩm mới ra đời. Nhưng tên tuổi Nguyễn Nhật Ánh vẫn luôn xứng đáng là cây đại thụ của thể loại văn học thiếu nhi Việt Nam. Tôi tin rằng, hình ảnh cô bé Tài Khôn và anh bạn tên Thường với chùm bóng bay đầy màu sắc đã trở thành một phần kỉ niệm với những bạn đọc yêu thích văn chương. “Bong bóng lên trời” vẫn sống mãi trong tâm trí chúng ta như câu chuyện cổ tích giữa đời thường, như khát vọng bay cao, bay xa của rất nhiều trái tim thơ trẻ…

“Bong bóng lên trời” là một trong những tập truyện dài tiêu biểu của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Cũng như hàng loạt tựa sách best seller trước đây, “Bong bóng lên trời” cũng nhanh chóng trở thành cái tên nổi bật trong thị trường xuất bản và được chuyển thể thành bộ phim cùng tên với sự dẫn dắt của đạo diễn Trọng Trinh.

Nội dung cuốn sách kể về câu chuyện của cậu học trò nhỏ tên Thường. Cha cậu đã sớm qua đời sau một tai nạn giao thông khi ra tay trượng nghĩa đuổi bắt cướp. Một mình mẹ cậu phải gồng gánh với căn bệnh viêm phế quản và mối lo kinh tế gia đình. Đồng lương giáo viên eo hẹp, sự ra đi của người chồng đoản mệnh lại càng khiến gia cảnh mẹ con Thường rơi vào khó khăn. Để giúp mẹ, Thường phải nói dối đi dạy kèm nhưng thực chất đó là những ngày cậu lăn lộn ngược xuôi với xe kẹo kéo. Chính khoảng thời gian sống quăng quật giữa chợ đời, cũng là lúc Thường gặp gỡ những kiếp người nghèo khó. Cậu bé học trò đã ngộ ra rất nhiều điều mà trường lớp, thầy cô chẳng thể nào dạy dỗ. Trong số những mảnh đời lấm lem cơ cực ấy, người ảnh hưởng đến Thường nhiều nhất có lẽ là cô bé bán bong bóng Tài Khôn. Tình bạn trong sáng dễ thương giữa Thường và cô bé Tài Khôn chính là điểm sáng cho toàn câu chuyện. Ở nơi góc chợ ồn ào hôi hám vẫn có những tâm hồn thánh thiện biết bao nhiêu. Đó là hai đứa trẻ nghèo về vật chất nhưng luôn sống rộng lượng, tha thiết với cuộc đời. Luôn an ủi nhau vượt qua mặc cảm đói nghèo để nuôi dưỡng ước mơ, chúng không mơ về những thứ xa xỉ phồn hoa, nhưng trong trái tim non nớt của hai đứa trẻ ngây thơ, chúng vẫn ước mong nhất định phải trở thành người tử tế.

Có thể nói, tập truyện “Bong bóng lên trời” chính là một trong những cuốn sách tiêu biểu mà ở đó phong cách văn chương Nguyễn Nhật Ánh có cơ hội thăng hoa đến đỉnh cao. Từng câu chuyện nho nhỏ, từng lời văn trong sáng của ông đã nhẹ nhàng chạm đến trái tim người đọc. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã giúp chúng ta tin hơn vào những câu chuyện cổ tích giữa đời thường. Đâu đó trong nhịp sống hối hả này, vẫn tồn tại những tấm lòng cao cả như cha cậu bé Thường xả thân bắt cướp. Như cô bé Tài Khôn hồn nhiên tốt bụng, như cậu học trò nghèo biết thương yêu hiếu thảo với mẹ như Thường.

Cùng khai thác về đề tài cuộc sống của tầng lớp bình dân trong xã hội đương thời. Nhưng khác với những nhà văn theo đuổi chủ nghĩa hiện thực phê phán họ thường phơi bày thực trạng xã hội bằng cái nhìn sắc sảo, khách quan. Nhưng với “Bong bóng lên trời” Nguyễn Nhật Ánh đã lột tả một khía cạnh hoàn toàn khác đầy tính nhân văn. Hiện thực khắc nghiệt của cuộc sống chỉ là bức phông nền để từ đó nhân cách con người hiện lên trong sáng và cao đẹp. Ông tập trung khai thác những điểm sáng tiềm ẩn trong bản ngã của mỗi cá nhân, dù nỗi nhọc nhằn của cuộc sống mưu sinh đôi khi khiến họ trở nên xù xì gai góc, nhưng cốt cách cao thượng của những con người tự trọng và tử tế sẽ không bao giờ thay đổi, như hoa sen vẫn tỏa hương khoe sắc giữa đầm lầy. Bởi vậy, chúng ta so sánh “Bong bóng lên trời” giống như câu chuyện cổ tích giữa đời thường chính vì lẽ ấy. Đây thực sự là một câu chuyện đẹp, từ lời văn đến cốt truyện, từ nhân vật đến cách khắc họa nội dung. Như dòng suối mát lành, giúp ta gột rửa đi những bụi bặm mệt nhoài của hiện thực cuộc sống đầy rẫy bon chen, tàn khốc.  

Nhan đề cuốn sách “Bong bóng lên trời” cũng là một tình tiết mà tôi cho rằng ý nghĩa nhất, đặc sắc nhất trong toàn câu chuyện. Đó là một ngày mưa lạnh lẽo, khi Thường buồn bã trở về với xe kẹo ế, cô bé Tài Khôn đã mỉm cười an ủi anh bạn bằng cách thả bay chùm bong bóng lên trời. Hình ảnh chùm bong bóng bay cao vút giữa không gian như mang theo cả khát vọng, ước mơ của hai đứa trẻ. Dù nghịch cảnh cuộc sống tàn khốc thế nào, vẫn không ngăn được khát khao sống mãnh liệt trong những tâm hồn cao thượng ấy. Đó là niềm ước mơ về một tương lai tươi sáng, xóa tan đi khoảng thời gian ảm đạm tối tăm này.

Dù là một cuốn sách mang tính giáo dục rất nhân văn, nhưng cho đến khi khép lại trang cuối của “Bong bóng lên trời” người đọc không hề cảm thấy khiên cưỡng hay gượng ép. Qua cách dẫn dắt tài tình của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, những thông điệp sâu sắc, những tư tưởng đầy tính nhân văn cứ chầm chậm hiện lên qua từng câu chữ. Nhẹ nhàng mà thấm thía, chân thực và quá đỗi tự nhiên. Cùng với đó là giọng văn trong sáng, hài hước, nhẹ nhàng. Lối viết dung dị nhưng vô cùng lôi cuốn, cách miêu tả cảnh vật và con người sống động, giàu hình ảnh, đặc biệt là cách chọn lọc những tình tiết đắt giá để truyền tải những thông điệp mang nhiều ý nghĩa. Tất cả đã tạo nên thành công vang dội của “Bong bóng lên trời” và khẳng định vị trí, tài năng của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh trong lòng độc giả.

Dù hiện tại, thị trường sách văn học thiếu nhi có rất nhiều tác giả, tác phẩm mới ra đời. Nhưng tên tuổi Nguyễn Nhật Ánh vẫn luôn xứng đáng là cây đại thụ của thể loại văn học thiếu nhi Việt Nam. Tôi tin rằng, hình ảnh cô bé Tài Khôn và anh bạn tên Thường với chùm bóng bay đầy màu sắc đã trở thành một phần kỉ niệm với những bạn đọc yêu thích văn chương. “Bong bóng lên trời” vẫn sống mãi trong tâm trí chúng ta như câu chuyện cổ tích giữa đời thường, như khát vọng bay cao, bay xa của rất nhiều trái tim thơ trẻ.

Nguồn: https://goo.gl/CWFg7B

------

Trở thành CTV viết reviews sách để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị cùng Bookademy, gửi CV (tiếng Anh hoặc Việt) về: partner.bookademy@gmail.com 

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về các cuốn sách hay tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn

Xem thêm

Kiến trúc được gọi là “vũ khúc của đá”, vũ đạo là “âm nhạc của cơ thể”, âm nhạc là “kiến trúc của âm thanh”, hội họa là “khúc biến tấu của màu sắc”. Một cuốn sách hay có thể coi là bàn yến tiệc của ngôn từ và cảm xúc. Xung quanh bàn tiệc ấy là những chùm bong bóng rực rỡ sắc màu mang theo những ước mơ cổ tích tuyệt đẹp. Còn trên bàn yến tiệc ấy là bài học về tình thân, sẵn sàng xả thân cứu người, giúp đỡ người khác, cách đối nhân xử thế, những tâm tư cảm xúc đáng yêu của cô cậu học trò,… Tất cả đều được nhà văn Nguyễn Nhật Ánh dọn sẵn chờ người đọc đến thưởng thức bằng tất cả niềm say mê và hào hứng. Và bàn yến tiệc có tên là “Bong bóng lên trời”. Đây chắc chắn là một bàn tiệc không thể nào quên được, mang đến cho ta nhiều cảm xúc khi chúng ta đến thưởng thức nó. “Bong bóng lên trời” gồm 29 chương, kể về câu chuyện của cậu bé Thường. Câu chuyện mở đầu bằng một cảnh tượng đau đớn đó là ông Phong - bố của Thường không may qua đời trong một lần xả thân cứu người để lại Thường, Nhi – em gái Thường và bà Tuệ - mẹ Thường ba mẹ con sống nương tựa lẫn nhau. Cuộc sống trước kia khi còn bố đã khó khăn nay mất đi người đàn ông trụ cột gia đình thì cuộc sống càng khó khăn hơn. Mẹ Thường là một giáo viên dạy Toán chỉ dạy một buổi nên đồng lương rất ít ỏi lại phải nuôi Thường và em gái đi học. Thường thương mẹ và cậu quyết định giúp đỡ mẹ bằng cách hành động theo gương cậu bé xứ Florence. Đêm Thường không ngủ cậu lặng lẽ giúp mẹ chấm bài trong những xấp bài mẹ đang chấm dở dang để tránh bị phát hiện. Cậu làm việc này được một thời gian và cậu cảm thấy vui vì giúp mẹ có thêm nhiều thời giờ hơn. Trong một lần thất vọng ê chề, tìm kiếm việc trong vô vọng, tình cờ Thường gặp chú Kiến – bạn của ba Thường. Chính cuộc gặp gỡ này đã giúp Thường có một bước ngoặt trong đời đó là làm nghề bán kẹo kéo. Sau buổi gặp hôm ấy, ngày nào cũng thế, Thường đi học buổi sáng, chiều Thường là anh chàng bán kẹo kéo tại cổng trường Phương Nam. Tại đây Thường gặp gỡ rất nhiều người, họ giúp đỡ cậu rất nhiều trong những buổi đầu đi bán. Thường gặp được một cô bạn nhỏ bán bong bóng trạc mười bốn tuổi tên là Tài Khôn. Từ đó, Thường và Tài Khôn trở nên thân thiết hơn, hiểu về hoàn cảnh của nhau, cười đùa với nhau nhiều hơn và cô bé Tài Khôn là một cô bạn rất đặc biết với Thường. Tài Khôn nhà nghèo nên cô không được đi học như bao người khác, sáng cô làm việc nhà chiều cô đi bán bong bóng kiếm tiền. Kể từ lúc có Tài Khôn trò chuyện mỗi buổi chiều đi bán Thường cảm thấy thời gian trôi rất nhanh. Vui có, giận hờn vu vơ có, chọc ghẹo nhau,… Tình bạn giữa hai người họ rất tuyệt vời, trong sáng, tuy hoàn cảnh khó khăn nhưng họ luôn nhìn cuộc sống bằng đôi mắt lạc quan. Bên cạnh Thường có một tình bạn đẹp với Tài Khôn cậu còn có một người bạn vô cùng tốt bụng đó là Thủy Tiên – cô bạn học cùng lớp. Thủy Tiên là một cô tiểu thư trong một gia đình giàu có chính vì điều này đôi lần Thường cảm thấy bị khó chịu. Câu chuyện về câu Thường – một học sinh mười bảy tuổi để lại cho người đọc nhiều cảm xúc. Vui vì những câu nói đùa của Thường chọc ghẹo Tài Khôn “Vừa khóc vừa cười ăn mười cục…”, thương, đồng cảm xót xa cho nhà Thường, khâm phục một cậu bé 17 tuổi biết nghĩ cho mẹ, kiếm việc làm thêm phụ giúp mẹ, sẵn sàng xả thân cứu người mà không bận tâm mình sống chết ra sao. Đến đây, câu chuyện kết thúc bằng một kết thúc mở “Thường lại nghiêng đầu nhìn ra cửa sổ. Những quả bóng bay đã bay cao và dường như sắp sửa tan vào mây trắng...chúng sắp đến nơi định đến…những quả bóng bay lên trời kia đang mang theo điều nguyện ước nào mà cô bạn nhỏ chân thành gửi gắm cho anh”. Đọc chi tiết kết thúc này chắc hẳn mọi người sẽ có nhiều liên tưởng cho riêng mình. Nhưng riêng mình kết thúc bằng hình ảnh bong bóng bay lên trời như một hình ảnh đẹp đầy mơ mộng của một câu chuyện cổ tích thật đẹp giúp bản thân quên đi những ưu phiền của hiện tại, xua tan đi những mệt mỏi với đống deadline sắp tới hòa mình vào không khí ấm áp bữa yến tiệc do Nguyễn Nhật Ánh sắp xếp. Theo mình tác phẩm “Bong bóng lên trời” rất hay, sâu sắc, dễ thương và để lại trong mình rất nhiều cảm xúc. Và khi đọc “Bong bóng lên trời” mình được đắm chìm vào thế giới cổ tích đầy màu sắc giữa cuộc sống đời thực. Đây thật sự là cuốn sách rất đáng để bạn đọc và cảm nhận “Thế giới cổ tích ngoài đời thực” nha.