“Trong hiện thực cuộc sống, con người không dễ thông cảm cho người sống, mà dễ thông cảm cho người chết. Con người thường nhớ tới khuyết điểm của người sống. Một khi người đó chết đi, con người sẽ dễ nhớ đến ưu điểm của họ”- Chương Ngọc
Bến xe là một câu chuyện dài về cuộc đời ngắn ngủi của
người thầy Chương Ngọc và cô học trò nhỏ Liễu Địch. Con người dù tài hoa đến mấy,
dù hoàn hảo đến đâu vẫn không thể tránh khỏi cái gọi là “Vận mệnh”, là “Số phận”,
là miệng lưỡi trần đời đáng sợ đến nhường nào. Là tác phẩm tiêu biểu của thể loại
ngôn tình ngược, khi đọc đến những chương cuối, bạn sẽ hiểu cảm giác ám ảnh, chấn
động lưu lại qua từng con chữ của tác giả, nó khiến người đọc như chìm vào cảm
giác bi thương hòa với nhân vật chính, với một người thầy, với một người đàn
ông, với một tâm hồn cao cả đến vậy.
Cái tôi ấn tượng nhất với các tuyến nhân vật trong truyện đó là mọi thứ được khắc họa quá ư là chân thực, nam chính không phải toàn mỹ như các nam chính thường thấy trong ngôn tình, nhưng anh hoàn hảo về nhân cách, về tâm hồn và là đó chính là con người thầy. Có thể thầy khiếm khuyết, đôi mắt thầy bị mù, nhưng vẫn còn đó dáng người cao gầy, bộ óc thiên tài, trái tim nhân từ và tâm hồn mạnh mẽ… Nhưng liệu có mấy ai có thể ngang nhiên, thanh cao đón nhận số phận của mình như vậy. Thầy chưa một lần trách cứ vận mệnh lấy đi của thầy tất cả, thầy chưa một lần ai oán, người mất đi tất cả như thầy lại sống vất vả hơn bất kì kẻ lành lặn nào. Thầy đẹp hơn bất kì ai, thầy hoàn mỹ hơn bất kì ai và tình yêu của thầy cũng thuần khiết, cao cả và mãnh liệt hơn bất kì ai.
Cuộc sống của thầy có thể tâm tối, nhưng ánh hào quang tỏa ra từ con người
thầy sáng hơn bất kỳ ai; Học vị của thầy có thể thấp, nhưng kiến thức của thầy
lại cao rộng đến mức khiến người khác đố kị; Đôi mắt thầy có thể không nhìn thấy
gì, nhưng cửa sổ tâm hồn của thầy lại rực sáng đầy sức sống; Con người thầy có
thể lạnh lùng, nhưng trái tim thầy lại ấm áp đến mức có thể sưởi ấm cho cả một
không gian rộng lớn; Cuộc sống của thầy có thể nghèo túng, nhưng nhân cách của
thầy lại cao cả như bầu trời bao la; Và với người được xem là không có quyền
yêu và được yêu như thầy, thì tình yêu từ trái tim lại to lớn như biển rộng
không có giới hạn. Có lẽ sự hoàn mỹ của thầy chỉ được phát sáng khi ngôi sao chiếu
mệnh của thầy xuất hiện, cô học trò bé nhỏ nhưng ý chí mạnh mẽ- Liễu Địch của
thầy chính là ngọn đèn soi sáng thế giới mênh mông vô bờ nhưng lại đen tối
trong cuộc đời thầy.
Thầy Chương là người luôn giữ khư khư mọi nỗi lòng, mọi
cảm tình sâu kín.
Duy chỉ tình yêu thầy dành cho cô học trò Liễu Địch là
không thể kìm nén. Thứ tình cảm ấy cuồn cuộn trào dâng như từng con sóng xô biển
khơi, khiến trái tim người nhức nhối. Nhưng thầy rất giỏi diễn kịch, thầy thản
nhiên không bộc lộ nỗi lòng ấy ra bên ngoài, vì thầy biết, giữ im lặng chính là
cách tốt nhất để bảo vệ người mình yêu thương. Trong căn phòng đầy sách ngập
chìm trong bóng tối của thầy, Liễu Địch đã mang đến ánh sáng và sự ấm áp khiến
thầy được mở lòng mình, được cảm nhận niềm vui một lần nữa.
Nhưng hạnh phúc luôn đi cùng với nỗi đau. Liễu Địch với tài hoa văn chương và sự dẫn dắt của thầy, đã trở thành thủ khoa và đậu vào Đại học Bắc Kinh. Đó là niềm kì vọng của thầy Chương, là ước mơ của Liễu Địch, cũng chính là nhát dao vận mệnh đầu tiên chặt đứt duyên phận của hai người.
Ngày chia tay ở bến xe có lẽ cũng là lần duy
nhất thầy đủ dũng cảm để đối diện với khát vọng yêu và được yêu của bản thân.
Thầy cầu xin một lần được “ngắm nhìn” gương mặt Liễu Địch qua đôi bàn tay để vẽ
nên hình ảnh của cô trong tâm trí. Thầy bất chấp hậu quả, dang tay ôm lấy người
con gái mà mình yêu thương, chỉ để một lần được cảm nhận sự ấm áp luyến lưu.
“Tôi thật sự hi vọng…lúc này… đôi mắt tôi có thể bừng sáng, cho dù
chỉ một phút. Một phút thôi cũng được, tôi nguyện dùng cả sinh mạng của mình để
đánh đổi.”
Hai tiếng yêu thương chưa bao giờ quên nhưng chưa từng
thốt nên lời, đoạn tình cảm này thực sự khiến người ta day dứt không thôi. Thời
khắc chia ly đau đớn ấy, có phải chăng cũng chính là thời khắc hạnh phúc nhất
trong quãng đời 28 năm của người đàn ông mang tên Chương Ngọc? Thầy Chương cười,
nụ cười rạng rỡ như ánh nắng mùa xuân, nụ cười mà thầy chỉ dành cho Liễu Địch ở bến xe mang ước hẹn không tên của
hai người. Nụ cười mà rồi đây sẽ trở thành hồi ức vĩnh cửu trong lòng Liễu Địch
suốt quãng đời còn lại…
“Hỏi thế gian tình là gì?” Tình yêu đôi lúc không còn là sự chiếm hữu nữa mà là dành tất cả những gì đẹp nhất, tuyệt vời nhất, trân quý nhất cho người mình yêu thương. Tình thương của thầy Chương dành cho Liễu Địch thực sự thuần khiết, đáng để mọi người ngưỡng mộ vô cùng.
Nhưng đau đớn thay cho một xã hội bẩn thỉu! Người ta
ghen ghét cái tài, người ta khinh nhờn cái đẹp, người ta chà đạp những điều cao
thượng nếu điều đó trái với nhân sinh quan của họ. Họ thương hại rồi chê bai kẻ
sống trong bóng tối như thầy Chương, nhưng chính họ mới là kẻ đã tự nhấn chìm
cái nhìn của bản thân trong bóng tối. Tôi đã khóc cho một chuyện tình đẹp đẽ
nhưng quá đỗi bi thương. Tôi khóc cho cái kết ám ảnh nhưng vẹn toàn. Dù buồn
đau, nhưng tôi biết rằng kết truyện không thể khác đi, bởi mối tình này vốn
không thể có kết quả. Tôi thích chi tiết mở đầu truyện, khi Liễu Địch dắt tay
thầy Chương đi qua sân bóng, cô bị các nam sinh khác đang chạy mà vô tình va phải,
dù vai nhói đau nhưng cô vẫn bước tiếp như không có chuyện gì xảy ra. Với tôi,
đây chính là chi tiết hiện thực nhất của truyện, là minh chứng rõ ràng về mối
tình khập khiễng của hai người. Dẫu cho không có tất cả những biến cố sau này
thì cả hai cũng khó lòng hạnh phúc bên nhau. Thầy Chương dù cố hết sức cũng
không thể đỡ đần, bảo vệ Liễu Địch như những người đàn ông bình thường khác, rồi
sẽ bị chôn vùi bởi tôn nghiêm của chính mình. Còn Liễu Địch dù yêu và bảo vệ thầy
Chương đến đâu cũng sẽ bị tổn thương bởi những va chạm trong cuộc sống, rồi bế
tắc khi chẳng thể sẻ chia nỗi buồn với người mình yêu. Mối quan hệ này sớm hay
muộn cũng sẽ khiến người trong cuộc mắc kẹt trong một vũng lầy không thể tiến về
phía trước.
Cái chết của thầy Trương như cú sốc đập thẳng vào tâm
trí của Liễu Địch, khi mà cô chỉ mới nhận ra thứ tình cảm vừa mới chớm nở với
người thầy của mình là gì. Biết tin thầy mất, cô như người mất hồn, cả người đờ
đẫn, trắng bệch, làm vợ chồng giáo sư Tô không khỏi chạnh lòng. Nhưng cô không
trốn tránh hiện thực, cô không tin thầy qua đời đơn giản như vậy, thầy không bất
cẩn đến mức bị tai nạn giao thông như vậy. Ngày Liễu Địch về trường, mọi thứ vẫn
thế, là khung cảnh nắng vàng, là học sinh lũ lượt, nhưng đã vắng đi sự ấm áp
thân thuộc rồi.
Thầy không sợ bản thân mình bị tổn thương, thầy đủ sức
chống lại những dị nghị xã hội về thầy. Nhưng thầy lại sợ Liễu Địch không thể,
thầy không để cô học trò ấy chịu những lời nói xấu ấy, dù chỉ là một chữ. Tôi
tin thầy Chương cảm nhận được nỗi sợ của Liễu Địch khi dắt tay thầy qua sân
bóng. Tôi tin thầy biết những lần Liễu Địch đau nhưng không nói ra. Vì biết,
nên thầy đã đè nén tất cả nỗi lòng mình, để Liễu Địch có thể sống hạnh phúc
trong một tương lai không có thầy ở bên.
“Nếu chúng ta
có kiếp sau, nếu kiếp sau tôi có đôi mắt sáng, tôi sẽ ở bến xe này... đợi em.”
Câu chuyện kết lại như vậy, nơi bãi biển không có bãi cát, chỉ có từng mỏm nham thạch lởm chởm nhấp nhô cao vút. Đống nham thạch này không biết tồn tại từ mấy triệu năm, mỗi mỏm nham thạch đều thương tích đầy mình nhưng vẫn quật cường đứng đó. Đứng trên mỏm nham thạch có thể nhìn thấy đại dương mênh mông.Thầy đi khỏi thế gian đầy rẫy những ai oán miệng đời, để lại cô học trò tương lai mang màu cầu vồng...
Kim Loan - Bookademy
-------
Theo dõi fanpage của Bookademy để cập
nhật các thông tin thú vị về sách tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn
Tham gia Bookademy Team để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị, đăng ký CTV tại link: https://goo.gl/forms/7pGl3eYeudJ3jXIE3
"Bến Xe"của tác giả Thương Thái Vi là cuốn tiểu thuyết ngôn tình kinh điển khắc họa rõ mối tình bị cả xã hội cho là ngang trái, vượt qua quy phạm đạo đức và không đúng chuẩn mực. Miệng lưỡi thế gian luôn là như thế phù phép, bóp méo thứ tình cảm trong sáng, thanh thuần thành tình cảm vượt qua đạo đức xã hội. Tác giả Thương Thái Vi ( tác giả nổi tiếng trung quốc) đã viết nên 2 con người cuốn lấy nhau. Họ hiểu nhau trong mỗi câu chuyện đời sống chính là thầy Chương và cô học sinh Liễu Địch. Thầy Chương là một người thầy tuấn tú, hào hoa và phong nhã. Bên cạnh đó là vẻ đẹp tri thức luôn đưa những áng văn hay đến với học sinh, giúp học sinh xem lại môn ngữ văn là bộ môn không hề nhàm chán như người ta nói. Nhưng đúng thật, ông trời không cho ai tất cả nhan sắc và tài năng của thầy có thể đem đến cho thầy rất nhiều cơ hội không chỉ trong công việc mà trong tất cả các mối quan hệ. Ông trời cho thầy tất cả nhưng lại lấy đi thứ cho thấy xem được mọi vật trên thế gian đó là đôi mắt. Chính vì thế thầy luôn khép kín, lạnh lùng. Tuy dạy ở một ngôi trường danh tiếng nhưng thầy luôn khép kín dạy xong trên lớp thì đi về ít khi giao tiếp với đồng nghiệp. Cô học sinh nhỏ tên là Liễu Địch lại là người mang lại ánh sáng giúp thầy sưởi ấm tâm hồn khô cằn một lần nữa. Cô bé rất tài năng và có khiếu thơ văn từ khi còn . Chẳng ai biết, tự bao giờ sự ngưỡng mộ thầy trong mắt cô lại thành tình cảm trên mức thầy trò, một thứ tình cảm khó hình dung. Cả hai như một người bạn đồng tâm bù trừ cho nhau, lặng lẽ bên cạnh đối phương. Cô giống như một tia nắng nhỏ sưởi ấm trái tim, một trái tim vốn lạnh lùng và băng giá. Cảm tưởng khoảng thời gian ấy có thể yên bình ngồi cạnh chuyện trò, tâm sự nhưng chuyện gì cũng đến Liễu Địch đậu trường đại học Bắc Đại ngôi trường danh giá bậc nhất Trung. Sự trớ trêu được tác giả Thương Thái Vi khắc họa rõ nét nhất cái được gọi là miệng lưỡi thế gian. Vì bảo vệ danh dự, uy tín mà thầy Chương chịu chấp nhận những sự đàm tếu, thầy hi sinh bản thân mình để mang lại tương lai tốt đẹp cho Liễu. Anh không muốn vì sự khiếm khuyết của mình và sự đàm tếu của tất cả mọi người hủy hoại đi người anh thương "Liễu Địch, thứ tôi có thể cho em trong cuộc đời này, chỉ là danh dự trong sạch và một tương lai tươi đẹp mà thôi. Thế nhưng, nếu có kiếp sau tôi có đôi mắt sáng, tôi sẽ ở bến xe này... đợi em". Chính vì sự ganh ghét, đố kỵ của những con người vô tâm đã kết liễu cuộc đời anh. Chương Ngọc đã bị tai nạn giao thông nhưng tôi, Liễu Địch và mọi người đều biết không phải như vậy. Sự ra đi của Chương Ngọc đã khiến những người đặt điều, nói xấu phải hối hận. Hình ảnh " Bến xe" xuyên suốt tác phẩm là ẩn dụ về điểm dừng chân trong cuộc đời mỗi người, ở đó họ nhìn lại những điều đã qua, nuối tiếc có, đau khổ có nhưng hơn tất cả là sự lạc quan và tích cực hướng về tương lai tốt đẹp phía trước. Cuốn tiểu thuyết "Bến xe" không chỉ đơn thuần nói về những triết lý suông hay tình cảm nam nữ thường tình mà còn khắc họa được những định kiến cổ hũ của xã hội, ự vô tâm, ích kỷ của con người. Chương Ngọc tuy đã ra đi nhưng nơi bến xe vẫn luôn có Liễu Địch chờ đó, dù kiếp này, kiếp sau, mãi mãi...Tình yêu, sự ngưỡng mộ cho thầy vẫn còn đó và Liễu Địch thay Chương Ngọc viết tiếp "ước mơ vẫn còn dang dở, đi tiếp con đường thầy đi và huy hoàng thầy chưa kịp tạo, con sẽ tạo giúp thầy"